CHƯƠNG 7: THẤT BẠI

"Bạn chưa sẵn lòng trước thất bại đồng nghĩa với việc bạn chưa sẵn sàng để thành công"

Trong cuộc sống của mỗi người luôn tồn tại những khó khăn, những thất bại mà trong chúng ta luôn né tránh, chẳng ai nguyện ý đối diện với thất bại cả. Nhưng mấy ai trong chúng ta ngộ được rằng nếu không có thất bại thì ắt sẽ chẳng có thành công bởi thành công và thất bại luôn đi cùng với nhau như hai quả trên một cây vậy. Nên vì thế mà khi ta sợ hãi, trốn tránh thất bại là ta đang nói không với thành công rồi.

Vậy phải làm thế nào? Thật ra câu trả lời rất đơn giản, cũng như trong cuốn sách nổi tiếng thế giới "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế" của Adam Khoo và Gary Lee đã chỉ ra rằng người thành công và thất bại chỉ cách nhau ở một thứ, nhưng đây không phải gene bẩm sinh của mỗi người, không phải tài năng thiên phú trác tuyệt cũng chẳng phải là gia thế khủng, thâm căn cố đế như mấy anh soái ca trong tiểu thuyết ngôn tình, mà đó lại là thứ ai trong chúng ta cũng đều sở hữu nhưng lại chưa khai thác trọn vẹn năng lực vô biên của nó - đó là cách tư duy

Đối với người thành công thì thất bại là bài học cuộc sống còn người thất bại thì gặp thất bại cũng đồng nghĩa với dấu chấm hết cho cuộc đời vốn chẳng thành được cái sự tích gì của họ. Chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy rất khó khi mới bắt đầu đối diện thất bại và bảo: "Ôi thật tuyệt vời! Tôi học được gì từ thất bại của mình đây?" Đương nhiên nếu được thì quá tuyệt rồi nhưng ý tôi không bao gồm kiểu gượng ép trong khi mình đang thấy tồi tệ, chán nản muốn chết mà còn phải thốt lên câu giả tạo này đâu nha.

Có một thí nghiệm được tiến hành cho hai nhóm để đo cảm giác hạnh phúc của họ sau khi nói câu: "Mọi ngày trôi qua, tôi thấy mình tốt đẹp hơn về nhiều mặt" và mỗi khi có tiếng chuông cửa, họ cần lặp lại điều này. Kết quả của thí nghiệm là những ai tin vào điều đó sẽ thấy tốt đẹp hơn một chút nếu cứ lặp lại như thế còn những ai hoàn toàn không tin rằng mình đang tốt đẹp hơn mỗi ngày thì việc lặp lại chẳng khác gì mỗi lần củng cố cho niềm tin "Mình đang tệ chết đi nè chứ tốt cái quỷ gì! Xạo sự!" và rồi họ chỉ cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

Vì thế mà nếu bạn thật sự thấy tuyệt thì hãy nói vậy còn nếu không thì không cần lừa dối chính mình bởi có một sự thật rằng nếu điều bạn nói trái với điều bạn tin thì mọi chuyện chỉ có chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn mà thôi. Vậy thế là phải để cái cảm giác chán nản, thất vọng với cuộc đời, với chính mình nữa chiếm trọn tâm trí hay thời gian của bản thân mình à? Chắc chắn là không rồi. Vào những lúc cảm xúc có chiều hướng bùng nổ hay chế ngự lý trí như vậy thì bạn khoan đi giải tỏa bằng cách ăn kem hay xem tivi, chơi điện thoại để tạm quên đi cái làn sóng cảm xúc tiêu cực này .

Bởi vì đó chỉ là cách giải quyết tạm thời thôi chứ không giải quyết tận gốc nên việc mỗi lần cảm thấy tồi tệ là mỗi lần buông thả chính mình bản chất đó cũng là một sự trốn tránh đối diện với thực tại mà đi tìm những nguồn vui khác để xoa dịu bản thân. Và ta lại bắt gặp những vấn đề mới là sau đó thì sao? Ta sẽ liên tục tìm kiếm nguồn vui này đến nguồn vui khác à? Tôi tin đó không phải là viễn cảnh mà bất kì ai trong chúng ta muốn bởi có ai mà không hy vọng mình sẽ ăn uống điều độ, tốt cho sức khỏe với tập thể dục thường xuyên để có một thân hình khỏe mạnh hay vóc dáng tuyệt hảo trong truyền thuyết đâu.

Vì vậy mà tôi khuyên bạn hãy chậm lại, bình tâm mà chấp nhận những cảm giác khi đối diện với thất bại, tốt nhất là bạn đừng sợ chúng kể cả có sợ vì biết mình đang đắm chìm trong những cơn sợ hãi lạc lối này thì cũng cứ bình tĩnh đón nhận vì nếu không thì bạn sẽ lại rơi vào "vòng lặp địa ngục" trong chương 2 tôi đã đề cập đến đấy. 

Giờ thì hãy hít thở thật sâu bằng vùng bụng trong 3 lần, mỗi lần hít thở bạn hãy thử theo dõi hơi thở của mình. Cõ lẽ bạn sẽ nghĩ rằng hơi thở có cái quái gì đâu mà theo dõi chứ nhỉ? Nhưng tin tôi đi, dòng chảy của chúng rất tuyệt diệu và đã có hàng ngàn thí nghiệm chứng minh tính hiệu quả của chỉ riêng việc hít thở này thôi. Và trong quá trình ấy hãy đặt tay lên vùng bụng của bạn và nhẹ nhàng cảm nhận dòng lưu chuyển nhịp nhàng của hơi thở.

Cứ như thế chỉ mất khoảng 2 phút thì bạn sẽ thấy tâm mình tĩnh lặng lại và giờ đây bạn đã sẵn sàng để chuẩn bị cho mình hành trang mới để học hỏi từ thất bại. Lúc này khi mọi cảm xúc đã đi qua như những vị khách thì hãy hỏi chính mình: "Mình đã học được gì từ thất bại này? Tại sao lại như vậy? Mình có đang đi sai hướng không?" Bạn có thể tự vấn đáp với bản thân để phân tích triệt để nhữung khó khăn hay thất bại mà bạn gặp phải và bạn hãy tin rằng "Mọi việc diễn ra đều có nguyên do và ý nghĩa của nó"

Hãy đi tìm nguyên nhân ấy để hoàn thiện chính mình hơn từng ngày từng ngày. Và lâu dần có thể bạn sẽ thấy rằng thất bại không đáng ghét hay đáng sợ như cách ta vẫn tưởng hay những cảm xúc như giận, dữ hoài nghi cũng chẳng ghê gớm lắm. Biết được thế thì bạn sẽ bắt đầu mở lòng ra với thế giới này hơn và tự tin về chính mình hơn. Trong một loạt các thí nghiệm của mình, Adam Grant đã chỉ ra rằng thực chất những người thành công họ cũng có bắt gặp sự trì hoãn, có những ý tưởng tồi tệ và cũng cũng sợ sẽ thất bại! Không chỉ có vậy, mà họ còn có nhiều ý tưởng bất khả thi hơn người bình thường luôn cơ đấy chứ!

Nhưng sự khác biệt ở đây là họ sợ thất bại khi thử hành động hơn là thất bại . Vì thế mà họ hành động hết lần này tới lần khác, gặp nhiều thất bại hơn hẳn người thường và cũng từ đó mà đạt được những thành tựu phi thường. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết Thomas Edison đã thất bại hơn 10,000 lần trước khi phát minh ra bóng đèn mà phải không? Con số khủng khiếp ấy khiến mọi người phải trầm trồ cảm thán về tính kiên trì và nghị lực phi thường của ông nhưng chính cái nghị lực đáng khâm phục ấy đã khiến tên tuổi ông được lưu danh muôn thuở.

Vậy nên sau khi đọc chương trước của tôi là hành động mà bạn có gặp thì bại hay trắc trở gì thì....quá tuyệt! Chúc mừng bạn đang đi đúng hướng đấy! Nếu không có khó khăn trắc trở thì một là việc ấy quá dễ dàng chẳng có chút thách thức gì với bạn hoặc hai là bạn căn bản còn chưa cố gắng thử đạt được mục tiêu của mình trên bước đường hành động. Và thật sự thì trên đường đương đầu với thử thách và khó khăn (như một câu hát trong một bộ phim hoạt hình là "Đầy chông gai, và muôn ngàn nguy khó, khó khăn không lùi bước") bạn sẽ tìm thấy những điều rất ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Giống như tôi đã từng ghét môn Hóa vì bài tập thì khó mà còn đa dạng nữa, nhiều khi tôi nghĩ đau não luôn chưa ra được cái phản ứng huống chi là giải bài cơ chứ! Và tôi sợ làm bài tập Hóa như một lẽ tất yếu và sau những lời giảng của cô Nguyệt - giáo viên dạy Hóa lớp tôi mà tôi vẫn nhớ là: "Các em hãy cảm ơn những bài khó như vậy và khoan vội ghét chúng cùng với việc phủ nhận khả năng của bản thân bằng cách mới nhìn vào đề đã quăng qua một bên đồng thời tự nhủ thôi mình không làm được đâu. Những bài dễ mà các em hoàn thành được dễ dàng trên thực chất không giúp được nhiều hay mở ra nhiều cơ hội học hỏi cho các em như những bài toán khó đâu". Và điều đó thật sự đúng khi áp dụng với cuộc đời chúng ta.

Kể từ đó thì tôi không đùng một cái thích Hóa mà trải qua quá trình vượt qua cảm xúc của chính mình qua những hơi thở nhịp nhàng cùng liên tục suy nghĩ để giải ra. Dần dà thì tôi bắt đầu giải được một số bài toán Hóa khó và tôi mê chết cái cảm giác giải xong được một bài khó. Sự tự hào ấy có lẽ khi bạn đạt được mục tiêu của mình bạn cũng hiểu điều đó. Thế rồi từ từ điểm Hóa của tôi cải thiện hẳn và quan trọng hơn là tôi thấy được ý nghĩa cũng như niềm vui trong quá trình tập của mình. 

Tôi kể ra để bạn thấy được để thành công thì cần cố gắng, kể cả những gì mà người đời luôn khuyên là hãy sống lạc quan và hạnh phúc lên, coi mọi chuyện nhẹ nhàng thôi,.. cũng đòi hỏi cố gắng đấy bạn thân mến. Và khi bạn không còn quá xem trọng kết quả, khi bạn xem quá trình cố gắng là mục tiêu, mọi kết quả hoặc là thành công hoặc là bài học thì mỗi ngày trôi qua bạn sẽ thật sự cảm thấy mình đang tiến bộ như một mặt trời nhỏ không ngừng rạng ngời và đó là lúc bạn đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống đấy. "Cứ tìm thì bạn sẽ thấy thôi. Cố lên nào bạn thân mến"

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro