Trong lịch sử tình trường ngắn ngủi của mình, dẫu ngắn đến vậy nhưng cũng có những đêm mình sụt sùi ướt đẫm cả gối chỉ vì một người con trai. Mỗi lần đem chuyện này kể cho bạn bè, mình vừa ngại ngùng đỏ mặt vừa cười khan bởi những trái tim tan vỡ đặc biệt là dễ bị tổn thương và có gì đó rất con người. Lần đầu tiên bị bạn trai đá, mình gọi điện cho ba mẹ biết. Khi đó ở Việt Nam là 2 giờ sáng. Mình khóc cả nước mắt với mẹ bên kia màn hình điện thoại đang mắt nhắm mắt mở trong bóng tối. Ba mình nằm cạnh vừa nghe vừa chất lưỡi xót xa. Ba mẹ nói rằng: " Tình yêu là như vậy đó." Có lẽ đây là lời an ủi dành cho tất cả những ai kia vừa bị người họ yêu thương ném trái tim xuống sàn nhà vỡ toang.
"TÌNH YÊU CHỈ LÀ MỘT PHẦN CUỘC SỐNG VỚI NHỮNG ĐÀN ÔNG NHƯNG LẠI LÀ CẢ SỰ TỒN TẠI ĐỐI VỚI NGƯỜI PHỤ NỮ."
Và có chăng đúng là như vậy, chuyện bị từ chối, bị phản bội, hai trái tim tan vỡ là một phần không thể thiếu của hành trình yêu và được yêu.
Nếu đã từng trải qua cảm giác trái tim tan vỡ, Có lẽ bạn sẽ tự hỏi tại sao toàn bộ cơ thể cũng đau đớn đến như vậy. Đó là bởi não bộ cùng xử lý nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần ở vùng đai nhỏ lão trước trán (Dunbar, 2012). Trong bài nghiên cứu năm 2011, Kross và các cộng sự đã cho những người vừa chia tay xem tình hình của người họ từng yêu. Khi những người này được yêu cầu suy nghĩ về khoảnh khắc bị người thương từ chối, phần não bộ xử lý thông tin về nỗi đau thể xác của họ sẽ được kích hoạt. Qua đây ta có thể kết luận rằng trái tim tan vỡ khiến người ta đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác, điều này càng làm cho chuyện yêu đương thật đáng sợ và khiến con người ta cảm thấy thật dễ tổn thương.
Không chỉ vậy, việc trải nghiệm nỗi đau còn có sự khác biệt giữa nữ giới và nam giới. So với phái nữ, phái nam hấp thụ nhiều endorphin hơn. Đây là một hóa chất giúp làm giảm sự đau đớn được sản sinh và hấp thụ trong não, cụ thể endorphin sẽ làm suy yếu hoạt động của hạt hạnh nhân — một bộ phận chuyên xử lý thông tin về cảm xúc của não bộ. Điều này lý giải tại sao nam giới lại cảm nhận nỗi đau một cách nhẹ nhàng hơn nữ giới. Và phụ nữ sẽ chịu tổn thương sâu sắc hơn khi bị từ chối (Dunbar, 2012). Có lẽ bởi vậy mà trong rất nhiều sản phẩm văn hóa như thơ ca hay phim ảnh, những lời ca bi thảm hay những cảnh quay sáu nẻo đến điên dại khi chia tay đều cho thấy phụ nữ khổ sở với cảm xúc của họ hơn đàn ông.
Rất nhiều quan niệm từ xa xưa cổ chú ý rằng tình yêu dường như quan trọng đối với phụ nữ. Trong The philosophy of sex and love⁴ (1998) của Alan Soble, ông nhắc đến một câu thoại của Lord Byron trong tiểu thuyết Don Juan (I, 194): "Tình yêu chỉ là một phần của cuộc sống với người đàn ông nhưng lại là cả sự tồn tại đối với phụ nữ." Shulamith Firestone, một nhà thơ người Mỹ - Canada cũng cho rằng: " cả nhân dạng của người phụ nữ được thể hiện qua tình yêu của họ."
Quan điểm này là phần nào phản ánh sự khác nhau trong thái độ của phụ nữ và đàn ông với chuyện ngoại tình. Nghiên cứu của Walsh, Millar và Westfall (2018) cho thấy tỉ lệ đàn ông chia tay người yêu do đối phương ngoại tình về mặt tình dục cao hơn ngoại tình về mặt cảm xúc. Ngược lại, phụ nữ dễ dàng tha thứ cho những trường hợp ngoại tình về mặt thể xác hơn khi bị phản bội về mặt cảm xúc. Có phải bởi phụ nữ yêu sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn nên sự phản bội, đặc biệt là về cảm xúc - nguyên tố cốt lõi của tình yêu, đập vỡ trái tim của họ một cách tàn khốc hơn, khiến nỗi đau của họ day dứt hơn khi bị tổn thương trong tình cảm so với đàn ông?
Bất kể câu trả lời cho câu hỏi này đúng hay sai thì trái tim tan vỡ cũng để lại hệ quả tiêu cực cho những người phải trải nghiệm nó. Nghiên cứu của Field (2011) cho thấy rằng người sau khi chia tay có những trải nghiệm tâm lý tương đồng với người đang chịu tang. Những hậu quả tâm lý này bao gồm việc không thể kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực, chứng mất ngủ và trầm cảm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, "triệu chứng trái tim tan vỡ" giống như một cơn nhồi máu cơ tim giả bởi sự tương đồng giữa chúng. "Triệu chứng trái tim tan vỡ" cũng đem đến những cơn đau ở lồng ngực như nhồi máu cơ tim, tuy nhiên, điểm khác biệt là không có máu đông chặn hướng lưu thông máu chảy hay việc có thể để lại ảnh hưởng vĩnh viễn đến trái tim.
Mình chỉ mới trải nghiệm "triệu chứng trái tim tan vỡ" một lần thôi nhưng thật lòng đã không muốn phải nếm trải những đêm khóc sướt mướt chỉ vì một cuộc tình tan vỡ thêm bao lần nữa. Sau lần hẹn đó, mình đã vạn lần cẩn trọng hơn, vạn lần lo sợ hơn. Mình nói với mẹ, con sợ bị phản bội, con sợ bị tổn thương, con sợ bị làm cho thất vọng. Mẹ nói với mình :"Khi đã yêu thì con phải sẵn sàng bỏ qua tất cả những nỗi sợ đó." Trong Love is letting go of fear (Tạm dịch: Yêu là rời bỏ sự sợ hãi), Gerald G. Jampolsky (2011) có nói rằng: "Nỗi sợ và tình yêu không thể trải nghiệm cùng một lúc. Chính chúng ta lựa chọn để giữ loại cảm xúc mà chúng ta muốn. Ta có thể biến đổi bản chất và chất lượng của các mối quan hệ bằng cách thường xuyên trải nghiệm tình yêu, thay vì nỗi sợ hãi." Mình đang tập cách để luôn chọn tình yêu, mình nghĩ rằng có lẽ bạn cũng có thể làm vậy
⁴ Tạm dịch: Triết học về tình dục và tình yêu
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro