Chương 2

Từ sau cái ngày gặp Loucas. Cuộc sống của tôi vẫn diễn ra hết sức bình thường. Nhưng không lâu sau, một cảm giác bất an bắt đầu mơ hồ len lỏi trong cơ thể tôi như cơn giông chỉ chực chờ để bùng nổ và quét sạch tất cả.

Buổi sáng hôm ấy, tôi thức dậy với cơn quặn thắt ở lồng ngực, nỗi đau đớn khiến cả người tôi tê dại nhưng ngoài việc chịu đựng nó thì tôi không thể làm gì khác.

Hơn 14 năm làm công trên tàu, con mẹ nó tôi thảm đến mức cho dù có cố cắn xé ăn dè đến đâu cũng chẳng dư ra được mấy đồng bạc. Có vẻ kiếp trước tôi là một con rắn độc đã dẫn dụ Eva ăn trái cấm hoặc một cái tên khốn nạn tới mức cả cuộc đời kiếp này phải nhận lấy quả báo.

Cha tôi, một kẻ hèn nhát đã chạy trốn khỏi chính đất nước của mình. Mẹ tôi, một người đàn bà bị đám buôn người lừa vào nhà chứa ở New Orleans. Họ gặp nhau trong một đêm tháng 6 và quấn lấy nhau kể từ đó. Nếu là một trong hai, tôi sẽ đéo muốn sống như vợ chồng hoặc đặt vận mệnh của mình chung với bất kì ai. Một tên đàn ông da vàng rách nát, bị đời dập cho thành kẻ nghiện rượu. Một ả đàn bà Châu Á luôn dạng chân cho bất kì thằng chó má nào khác ngoài chồng mình chỉ mong đổi lấy vài đồng lẻ sống qua ngày. Và tôi, đứa trẻ xui xẻo nhất thế giới lại chính là kết tinh giữa họ.

Năm tôi lên 9, cha tôi bị khách của mẹ giết. Đó là một ngày mưa bão, gió rít từng cơn ngoài mái hiên rệu rã. Trong căn phòng chật chội ám đầy mùi mồ hôi và rượu mạnh, mẹ tôi quấn lấy một gã đàn ông xa lạ trên chiếc giường ọp ẹp, chấp vá tạm bợ bằng những mảnh gỗ thúng. Tôi ngồi lặng lẽ một góc, đôi mắt trống rỗng dõi theo bóng người đàn ông đó đang trườn qua tấm lưng gầy guộc của bà.

Những kẻ lui tới thường xem sự hiện diện của tôi như một thứ kích thích bệnh hoạn. Càng có tôi ở đó, sự hưng phấn của bọn họ càng dâng cao, và theo đó, số tiền ném lên bàn cũng nặng thêm. Ban đầu, mẹ tôi chống cự quyết liệt, thậm chí từng có ý định kết liễu đời mình. Nhưng rồi trước sức nặng của tiếng đồng tiền rơi lộc cộc trên bàn, bà dần dần thuận theo như một con thú hoang bị thuần phục bởi cơn đói kéo dài, sẵn sàng cúi đầu nghe lời mỗi khi tiếng chuông từ tay huấn luyện vang lên.

Những đêm như thế cứ thế trôi qua, hết lần này đến lần khác. Tôi cũng thôi không khóc lóc hay run rẩy vì sợ hãi nữa. Thay vào đó, tôi học cách dửng dưng, học cách làm ngơ, thậm chí có lúc còn mong chờ xem sau mỗi lần như vậy, mẹ có mua gì ngon cho tôi hay không—một thứ gì đó ngoài bát bột ngô hòa nước loãng.

Tôi nhớ có lần, mẹ mang về cho tôi một thanh chocolate. Tôi đã cắn một miếng thật chậm. Ban đầu là vị ngọt tan trên đầu lưỡi, rồi vị đắng dần len lỏi nơi cuống họng. Cái dư vị ấy cứ quẩn quanh, giống như cuộc đời của tôi vậy—chút ngọt ngào hiếm hoi ẩn sau lớp vỏ bọc đắng chát kéo dài mãi không tan.

Và nó cứ lặp đi lặp lại, cho đến khi mọi thứ kết thúc theo cách chẳng ai ngờ tới.

Cha tôi...đã phát hiện ra việc mẹ tiếp khách trên chính chiếc giường của họ, thậm chí là trước mặt tôi. Tuy ông luôn biết bà vẫn thường hay kiếm tiền như vậy vào mỗi tối nhưng đó là khi ở bên ngoài. Trong căn nhà này, người phụ nữ ấy là vợ ông và không một thằng chồng nào lại trơ mắt nhìn vợ mình làm ra cái hành động đê tiện như thế.

Với cơn men trong người, cha tôi đã cầm dao lao vào gã đàn ông kia. Cứ nghĩ trong đêm đó, cha tôi sẽ trở thành kẻ sát nhân nhưng không...kẻ bị giết lại là ông.

Mẹ run rẩy chắn phía trước tôi, còn người đàn ông ấy với đôi tay đầy máu thản nhiên mặc lại bộ suit của mình. Đôi mắt màu hổ phách loé lên theo vệt sáng từ sấm chớp, nó khiến cả cơ thể tôi dần trở nên run rẩy. Tôi không nhớ rõ, ông ta đã nói gì nhưng sau đó gã kia đã để lại một thỏi vàng cho bà.

Nhanh chóng, thỏi vàng đó đã bị tiêu sạch. Phần lớn chính là vì đám da trắng nhận định chính mẹ đã giết chồng mình và chó má hơn hết chúng cho rằng tôi-một đứa trẻ 9 tuổi vào thời điểm ấy là đồng phạm.

Nực cười thay, tuy lời buộc tội của những kẻ ấy quá dễ bị nhận ra là dối trá, nhưng ở thời đại này chẳng ai ngu mà đi vạch trần bọn chúng vì những con người lạ mặt. Và cuối cùng, sau tất cả tôi cũng được thả tự do...một mình...với 3 đồng xu lạnh ngắt trên tay.

Vài ngày sau, tôi thấy xác bà bị đẩy ra phố, trên một con đường mà nó hướng tới bất kì cái bãi tha ma nào gần đó. Mẹ tôi vẫn mặc chiếc váy màu hồng phấn của ngày hôm ấy. Mặt mũi phình to bầm dập đến biến dạng. Thú thật ban đầu cho dù có là con do bà đứt ruột đẻ ra thì tôi cũng không thể nhận ra người đó là mẹ mình. Nhưng khi đôi tay guộc với chiếc nhẫn đính viên đá Garnet rẻ riền ở ngón áp út lướt qua. Tôi biết đó là bà ấy.

Đôi tay đã xoa đầu, bẹo má tôi hàng trăm lần. Tôi nhớ rõ viên đá đó, nó bình thường luôn là một màu đỏ bầm xấu xí nhưng mỗi khi đặt song song với ánh mặt trời. Thứ ấy sáng rực lên, đẹp đẽ đến mức làm tôi kinh ngạc. Có vẻ mẹ cũng yêu thích nó lắm vì bà thường hay ngắm nghía nó như vậy.

Lén lút đi theo, sau chưa đầy 10 phút. Tôi thấy họ dừng ở một cái đầm đầy bùn đất. Những con giòi trắng đục lúc nhúc ẩn hiện, mùi hôi thối nồng nặc kinh tởm khiến một đứa từng ăn qua đồ thừa bị dẫm trên đường như tôi không nhịn được buồn nôn.

Tôi nhìn thấy bọn họ xốc cái xe lên, đổ thẳng bà xuống như một thứ rác rưởi. Cả người mẹ dần chìm nghỉm, đám giòi bọ sung sướng vây lấy cơ thể bà như một hòn đảo chứa đầy lương thực mới vừa xuất hiện. Lớp bùn nhão, bết vào từng kẽ ngón tay và rồi mẹ tôi biến mất cùng với chiếc nhẫn trên tay bà.

Cổ họng tôi chợt đắng ngắt.

Từ đầu đến cuối tôi không khóc.

Thậm chí, tôi còn chẳng có cảm giác đau buồn gì cả.

Có lẽ tôi đã hết đau từ lâu rồi.

Ngày ấy, trên con đường heo hút ở phố Chartres. Tôi lang thang như một bóng ma giữa những ngõ hẻm sặc mùi rượu rẻ tiền, xác động vật và nước thải.

Không ai quan tâm đến một thằng nhóc chín tuổi bỗng dưng mất hết mọi thứ. Tôi cũng chẳng quan tâm. Bởi tôi đã tự tay chôn đứa trẻ yếu đuối ngày hôm đó dưới lớp bùn lầy của New Orleans.

Ba tuần trôi qua, tôi sống nhờ vào những thứ người ta vứt bỏ—mẩu bánh thừa, vài mảnh vải rách, đôi khi là một đồng xu ai đó đánh rơi. Tôi biết bọn tư bản sẽ không bao giờ ban cho ai cơ hội được sống nếu cứ xuất hiện mãi trên đường phố mà không có giá trị. Một thằng nhóc châu Á mồ côi lúc bấy giờ còn chẳng đáng giá bằng một con chó hoang, vì thế tôi học cách ẩn mình, im lặng và bám vào những góc khuất mà không ai muốn nhìn đến. Tôi sống bằng những gì tôi kiếm được—hoặc trộm được.

Rồi tôi lên tàu vào năm 10 tuổi.

Những con tàu luôn cần nhân công. Không ai quan tâm đến một thằng nhóc có thể sẽ chết với những công việc cực nhọc mà tên chủ giao cho. Tôi không có quyền lựa chọn công việc, nhưng ít nhất, tôi có cơ hội sống nhờ vào đó.

Mười bốn năm trôi qua như thế.

Mười bốn năm trên tàu, tôi đã thấy đủ thứ.
Những cái xác bị quăng xuống biển không chút do dự. Những mụ đàn bà giàu có đòi hỏi cơ thể rắn chắc từ đám trai trẻ tạp vụ trên tàu. Những kẻ bị bỏ lại giữa lòng sông chỉ vì khiến đám độc tài khó chịu.

Để không vô duyên vô cớ mất việc hoặc...mất mạng, tôi học cách cúi đầu, lặng lẽ cố cắn răng chịu đựng. Tôi không mong chờ một ngày mai tốt đẹp hơn. Tôi chỉ mong mình còn có ngày mai.

Nhưng giờ thì sao?

Cả cuộc đời tôi đã sống trong bùn lầy, vậy mà vẫn chưa đủ ư?

Cơn đau trong lồng ngực lại siết chặt như một bàn tay vô hình đang bóp nghẹt lấy lá phổi. Tôi co quắp trong căn hầm chật chội, tấm chăn mỏng rách bươm quấn hờ hững quanh người chẳng đủ ngăn hơi lạnh buốt từ nền đất đang thấm vào từng thớ thịt. Đôi mắt mờ đục của tôi dõi theo những vệt nứt ngoằn ngoèo trên trần nhà, nơi vữa bong tróc để lộ lớp gỗ mục rệu rã. Đêm qua, một mảng lớn đã rơi xuống, vỡ vụn trên nền đất cứng như thể chính tôi cũng đang vỡ vụn từng chút một.

Cơn đau dồn dập như thuỷ triều, siết chặt mỗi tấc ruột gan như một con rắn quấn quanh lấy con mồi, càng lúc càng siết chặt.

Lồng ngực tôi có cảm giác như bị ai đó bơm đầy không khí vào. Nó căng lên tựa như một quả bóng khiến mỗi hơi thở của tôi đều nặng nề. Nặng nề đến mức có những khoảnh khắc tôi còn quên luôn cả cách hít thở.

Với tình trạng này, tôi không cần ai nói, tôi cũng biết thứ gì đang gặm nhấm mình—cái chết—một thực thể vô hình nhưng bám riết lấy tôi, thầm thì vào tai tôi từng giây từng phút rằng nó đang đến gần.

Tôi đã biết trước. Nhưng tôi không nghĩ nó lại đến nhanh như vậy.

Ngoài kia, New Orleans vẫn sống động như một cơn say miên man.

Từ nơi tận cùng của bóng tối này, tôi có thể nghe thấy âm thanh của thế giới phía bên ngoài—tiếng xe ngựa lăn bánh trên nền đá, tiếng giày cao gót của những quý bà nện lách cách trên vỉa hè, tiếng vĩ cầm réo rắt trong các quán rượu và cả tiếng cười giòn tan của đám đàn ông đang nâng ly chúc tụng trong một bữa tiệc nào đó. Ở xa xa bờ sông, những con tàu hơi nước vẫn rít lên từng hồi dài quen thuộc, mang theo những chuyến hàng, những con người và cả những giấc mơ về một tương lai đủ đầy.

Trước khi biết mình sắp chết, tôi từng ôm khát vọng sẽ gom đủ tiền để bước lên con thuyền ấy. Rời khỏi New Orleans, lênh đênh trên biển một cách vô định và trôi dạt tới một nơi nào đó. Có thể là một thành phố với hàng vạn bông hoa Lanvendar thơm ngát như truyện cổ tích mà mẹ thường kể. Hoặc nơi có cái đầu người bằng đá hoành tráng cùng những kiến trúc lớn mà đám thương nhân hay đề cập đến trên tàu. Có khi con thuyền sẽ dừng lại quê hương An Nam của tôi, nơi có cánh đồng lúa bất tận và cánh cò trắng muốt dập dìu mà trong những lần hiếm hoi cha tôi không còn bị rượu chi phối nói.

Hơi tham lam một chút nhưng đôi lúc khi rủng rỉnh tiền tôi lại ước sẽ được đặt chân qua tất cả. Tôi thường không quan tâm đến mấy người nổi tiếng, nhưng Christopher Columbus và Marco Polo lại là một ngoại lệ. Tôi yêu thích sự tự do của họ và hơn hết tôi cũng muốn được tìm ra một vùng đất mới, một vùng trời bí mật của riêng mình mà chả có tên khốn nào đặt chân đến. Ở đó tôi sẽ xây một cái nhà nhỏ, trồng rau, nuôi cá. Sống nốt những ngày tháng yên bình và dần quên đi toàn bộ cuộc đời khốn khổ ở New Orleans. Nếu may mắn gặp gỡ được một cô nàng nóng bỏng và cưới cổ làm vợ thì càng tốt...

Chớp mắt một cái giấc mộng vẫn hoàn giấc mộng. Tiếng mưa rả rích bên ngoài khiến cơ thể tôi càng thêm lạnh buốt. Giọt nước đọng lại trên trần nhà rơi xuống trên mũi tôi rồi nhẹ nhàng trượt xuống. Sẽ không có gì nếu trong số đó có chứa thêm cả mấy con mọt.

Tôi thoáng rùng mình.

Không phải vì sợ hay tởm đám mọt đó đâu nhé. Tôi đã từng ăn chúng trong những ngày đói rồi. Tôi rùng mình là vì lạnh đấy. Không phải chỉ là cái lạnh của căn hầm ẩm thấp, mà là cái lạnh của nỗi sợ tử thần đang len lỏi vào từng mạch máu.

Những ngày qua, tôi đã không thể đi làm. Tôi cũng không còn tiền. Nếu tình trạng này kéo dài thêm nữa...Tôi chắc chắn sẽ chết như một con chó ghẻ trong cái hố này.

Một cơn giận bùng lên, yếu ớt nhưng dai dẳng. Tôi cố siết chặt nắm tay nhưng sức lực chỉ đủ để khiến ngón tay khẽ run lên. Tôi thở hổn hển, mồ hôi túa ra ướt đẫm cả phần tóc mái khiến nó bết vào trán.

Đầu óc tôi quay cuồng, mọi thứ trước mắt nhòe đi thành một mớ hỗn độn của ánh sáng và bóng tối. Những hình ảnh rời rạc chợt lóe lên—nhà hàng trên sông, đám đàn ông da trắng cười cợt, những tờ tiền lấm lem trong tay tôi. Những tiếng nhục mạ, mùi cồn, nước hoa hoà lẫn với bùn đất đang cố nhấn chìm tôi hệt như cái cách mà chúng nuốt lấy mẹ và khiến bà biến mất khỏi thế gian.

Tai tôi bỗng nhiên đau nhức lạ kì.

Tôi mở mắt, ánh sáng chói lọi làm tôi như ngỡ mình đang ở thiên đường.

Nhưng rất nhanh tôi nhận ra mình làm đéo gì được đặt chân tới...ít nhất với những tội lỗi tôi đã gây nên thì không xuống địa ngục đã là may lắm rồi.

Hình ảnh mờ nhoè dần dần rõ ràng hơn. Trần nhà mục nát vẫn ở đó, nhưng tôi không còn nằm trong căn hầm tăm tối nữa.

Có mùi gì đó thoảng qua—một mùi hương xa lạ nhưng ấm áp. Không phải mùi tanh ẩm của nước đọng hay nấm mốc, mà là mùi bánh mì mới nướng, hòa lẫn với hương quế và chút gừng cay nồng. Một mùi hương gợi lên ký ức về những buổi sáng se lạnh khi tôi còn làm công trên tàu và được phát một mẩu bánh cứng như đá để lót dạ.

Tôi cử động, từng khớp xương đau nhói như thể tôi vừa bị ai đó lôi ra khỏi nấm mồ. Một tấm chăn mỏng đắp hờ hững trên người tôi, cũ nhưng sạch. Cơn sốt vẫn còn đó, nhưng không còn dữ dội như trước

"Cậu tỉnh rồi à?"

Một giọng nói vang lên bên cạnh.

Tôi quay đầu.

Cô gái ngồi cạnh tôi có làn da đen nhánh như gỗ mun, đôi mắt nâu sâu thẳm và mái tóc xoăn buộc hờ bằng một dải khăn vải sặc sỡ. Cô mặc một chiếc váy cotton vàng nhạt, hơi bạc màu vì giặt nhiều lần. Trên bàn gần đó, một giỏ bánh mì được đặt ngay ngắn, hương thơm của chúng lấp đầy không khí.

Jashira.

Cô gái bán bánh mì dạo trên phố.

Tôi nhớ đã từng mua bánh của cô vài lần, khi tôi còn đủ sức lê thân ra đường kiếm việc. Cô luôn cười với tôi, luôn để dành cho tôi một vài ổ bánh với giá rẻ hơn. Tôi chưa bao giờ hỏi tại sao.

Bây giờ thì tôi biết.

Tôi nuốt nước bọt, cổ họng khô rát như sa mạc. "...Tôi đang ở đâu?"

"Trạm xá của bà Agnes," cô đáp, giọng nhẹ nhàng. "Tôi thấy cậu gục ngoài đường, trông như một cái xác chưa chôn. Tôi không thể bỏ mặc cậu."

Tôi không nhớ mình đã ra khỏi căn hầm bằng cách nào. Nhưng ý chí sinh tồn của tôi đúng là
đáng sợ hơn mình tưởng.

Dời ánh mắt khỏi Jashira, tôi nhìn xuống người mình. Ai đó đã thay quần áo cho tôi—một bộ đồ cũ nhưng sạch sẽ hơn thứ rách rưới tôi mặc trước đó. Tôi chợt thấy xấu hổ, nhưng lòng tự trọng ít ỏi không cho phép tôi biểu hiện điều đó.

"Bà Agnes đã khám cho cậu," Jashira tiếp tục. "Bà ấy nói... bệnh của cậu đã trở nặng."

Tôi không trả lời. Tôi không cần bà Agnes nói, tôi cũng biết điều đó.

"Tôi đã trả tiền thuốc cho cậu," cô nói tiếp, như thể điều đó chẳng có gì to tát.

Tôi cứng người. "Cô làm cái gì?"

"Trả tiền thuốc." Cô nhắc lại. "Bà Agnes bảo thuốc có thể giúp cậu cầm cự thêm một thời gian, nhưng cậu phải cẩn thận hơn. Cậu không thể cứ nằm đó chờ chết."

Tôi siết chặt bàn tay.

Tôi không cần ai nói cho tôi biết mình không thể chữa khỏi. Tôi biết rõ điều đó hơn bất kỳ ai. Đây là một căn bệnh của những kẻ giàu có—những kẻ có thể vung tiền để kéo dài mạng sống. Tôi không phải một trong số họ. Tôi không có cái quyền đó.

Jashira nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh lên một thứ gì mà tôi không thể đọc được.

"Tôi có một yêu cầu."

Tôi liếc cô, chờ đợi.

"Cậu hãy đến nhà thờ với tôi nhé."

Tôi nhíu mày. "Nhà thờ?"

"Phải." Cô gật đầu. "Cậu có thể không tin vào Chúa, nhưng tôi tin. Tôi muốn cầu nguyện cho cậu."

Tôi bật cười, nhưng giọng tôi khàn đặc và đầy cay đắng. "Cầu nguyện ư? Cô nghĩ Chúa sẽ lắng nghe một kẻ như tôi sao?"

Jashira không giận, cũng không bối rối. Cô chỉ nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng nhưng kiên định. "Không ai biết Chúa sẽ lắng nghe ai. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta cầu nguyện đủ chân thành, ngài sẽ không ngoảnh mặt."

Tôi im lặng.

Tôi chưa bao giờ tin vào Chúa. Tôi chưa bao giờ đặt niềm tin vào bất kỳ điều gì ngoài thực tại khắc nghiệt này. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt của Jashira, tôi nhận ra cô thực sự tin tưởng vào điều đó.

Và kỳ lạ thay, một phần nào trong tôi cũng muốn tin theo cô.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro