#3: Chỉ tại môn Văn
Cái "tương lai đen tối" ở đây có nghĩa là đám tiểu quỷ chúng tôi phải trải qua tận hai kì thi học kì mới có thể chạm được đến "tương lai tươi sáng".
Hai kì thi học kì đã là nói giảm nói tránh rồi, len lỏi vào đó còn là thi giữa kì, hàng ngàn bài kiểm tra mười lăm phút và cả kiểm tra răng hàm nữa cơ.
Tôi vốn là đứa đam mê làm bánh nên việc đối mặt với những con số môn Toán khô khan không làm tôi sợ hãi bằng tiết Văn học dài lê thê của cô chủ nhiệm. Bởi thế, trong mắt lũ bạn cùng lớp, tôi là con cưng của thầy Toán nhưng lại là con ghẻ của cô Văn. Trong khi thầy Toán quả quyết rằng tôi sẽ đậu thủ khoa tất cả các kì thi thì cô Văn lại một mực khẳng định rằng còn lâu tôi mới lên lớp.
Vì lẽ đó, thầy Toán và cô Văn của tôi ngầm tuyên chiến.
Thầy Toán của tôi tên Ân, cô Văn của tôi tên Dạ. Nếu dựa vào ngôn tình Trung Quốc, "ân" và "dạ" có nghĩa như nhau, nhưng nếu đối chiếu vào thầy cô của tôi, có lẽ hai người sẽ chẳng bao giờ có điểm tương đồng.
Thầy Ân là giáo viên trẻ, không đẹp trai nhưng được cái thông minh tài giỏi vô cùng. Thầy dạy Toán thế thôi chứ nếu có thời gian rảnh, thầy sẽ dạy thêm cả Hóa Lý Sinh, và thậm chí, thầy sẽ bình thơ nếu vô tình thấy cô Dạ đi ngang qua khi thầy đang đứng lớp. Thầy biết đàn, nhưng lại hát dở tệ. Có một lần tôi đi ngang qua phòng nghỉ giáo viên thì bỗng dưng từ bên trong vang lên tiếng hét chói tai đến mức tôi suýt đánh đổ cả chồng tài liệu. Vừa kịp lúc tôi định bước đi thì bên trong lại có người cất tiếng nói.
- Thầy Ân làm ơn để tụi tui có một giờ nghỉ trưa trọn vẹn được không?
Đó là tiếng của thầy Khoa, giáo viên dạy môn Tin học. Thầy Khoa hiền lành ít nói là thế nhưng có lẽ giọng hát của thầy Ân có sức công phá lớn đến mức thầy Khoa không thể hiền lành thêm một phút giây nào nữa.
Thầy Ân đúng là hát dở thật!
Thầy Ân có vẻ như không thích cô Dạ. Cô Dạ mới về trường được hai năm nay, mẫu phụ nữ vừa hiện đại vừa truyền thống kì lạ. Cô rất thích ăn các loại mắm: mắm nêm, mắm ruốc, mắm khô,... loại nào cô cũng thích. Có hôm thằng Trực chạy sang nhà cô hỏi bài, khoảnh khắc nó bước vào phòng bếp, nó đơ cả người. Trực kể, phòng bếp nhà cô cứ như vựa bán mắm, những hủ mắm được bày ra đầy cả kệ tủ, nằm ngăn nắp và thẳng tắp một hàng. Nó choáng, kể từ đó nó không bao giờ dám bước vào bếp nhà cô nữa.
Con Nhung nghe thằng Trực kể về cô Dạ như thế khiến nhỏ không nhịn nổi cười. Trong tất cả giáo viên, nó thích cô Dạ nhất. Cô vừa hiền, lại vừa xinh đẹp. Ngày nào nhỏ cũng mong đến tiết Văn, không phải vì nó yêu thích môn này, mà vì cô Dạ xinh đẹp lạ thường, nên nhỏ thích ngắm cô thôi. Nhung khẳng định, sướng hai con mắt thì học hành chăm chỉ hơn ngay.
Kể từ ngày biết được tin thầy cô tuyên chiến ngầm, tôi vừa thương thương vừa sợ sợ. Tôi thương thầy Ân, tôi sợ cô Dạ, thế là tôi nghe theo lời Nhung, cố ngắm nhìn vẻ đẹp của cô trong mỗi tiết Văn để lấy đó làm động lực phấn đấu. Nhưng tôi khác với con Nhung, tôi vẫn không khá lên được.
Trước tình cảnh éo le của tôi, con Nhung tìm ngay một sự giúp đỡ.
Nhỏ tìm đến Khương, cán bộ môn Văn. Khương là con trai nhưng lại giỏi văn nhất lớp. Bạn sẽ không thể hình dung nổi hình ảnh anh chàng đẹp trai cầm cuốn "Văn Thơ và Những Lời Bình" dạo vòng sân trường, miệng lẩm bẩm thứ thần chú gì đó và không hề quan tâm đến thế sự xung quanh. Có một lần Khương cứ chăm chú quyển sách trên tay hắn mà quên mất rằng hắn đang có một cuộc dạo mát trên sân bóng rổ. Thế là "Rầm", hắn ăn ngay một trái banh vào đầu và sau đó, không có sau đó.
Bởi vì Khương lại tiếp tục bước đi với thứ thần chú và xem như việc ăn banh là hoàn toàn bình thường.
Nhưng suy đi tính lại, Khương vẫn là người vô hại. Hắn chỉ hơi lập dị nhưng dẫu sao vẫn là một người bạn tốt. Thấy con Nhung có ý nhờ vả, hắn suy nghĩ chừng năm giây, sau đó đồng ý.
Buổi học đầu tiên với Khương lập dị là vào một buổi chiều thứ ba.
Hôm ấy trời mát, gió dịu thổi từng cơn. Khương bảo nhà hắn bán tạp hóa nên đôi lúc hắn phải trông cửa hàng giúp mẹ, không thể đi ra ngoài quá lâu. Thế là tôi mới quyết định một tuần ba buổi ôm tập sách qua nhà hắn để luyện văn luyện võ. Con đường đi từ nhà tôi đến nhà Khương không xa lắm, đạp xe chừng mười phút là đã thấy một cửa tiệm tạp hóa bắt mắt từ phía xa xa. Nhà của hắn nằm ngay trên đường cái nên lúc nào cũng tấp nập khách vào người ra.
Khương kê một cái bàn con nằm sát tường và hướng ra cửa tiệm. Vừa tiện cho việc học, vừa tiện cho việc buôn bán của hắn. So với hình ảnh một đứa con trai lập dị trên lớp, Khương "chủ tiệm" dẻo miệng và mồm mép lắm. Trong suốt khoảng thời gian tôi quen biết hắn, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Khương không phải là đứa khác thường và tách biệt như lời đồn của cả lớp. Khương thân thiện và gần gũi hơn nhiều. Hắn giảng bài cho tôi một cách dễ hiểu đến lạ, dù hắn chẳng có phương pháp sư phạm như cô Dạ. Có lẽ sự tận tâm của hắn đã ban cho tôi chút động lực cố gắng mà trước đây tôi chưa bao giờ tìm thấy ở những tiết Văn. Hắn chỉ bài cho tôi một chốc thì lại có khách đến. Hắn bán hàng xong thì lại chạy vào giảng cho tôi nghe. Cứ như thế, tôi cuối cùng cũng hiểu được bài giảng của cô Dạ rốt cuộc là muốn nói đến cái gì.
Sau tuần học đầu tiên, bài kiểm tra mười lăm phút môn Văn của tôi là điểm sáu.
Lúc đọc điểm để cô Dạ nhập vào sổ, tụi cùng lớp nhìn tôi với ánh mắt bất ngờ đến ngỡ ngàng. Cả cô Dạ cũng không tin nổi dù chính tay cô là người chấm điểm cho tôi. Có lẽ với nhiều người, sáu điểm là thấp. Nhưng đối với tôi, đạt được điểm năm đã là kì tích, nay được những sáu điểm thì không còn gì có thể diễn tả nỗi niềm xúc động này.
Đó cũng là lần đầu tiên, cô Dạ nói rằng tôi sẽ có thể lên lớp nếu cứ cố gắng như thế.
[...]
Không hiểu sao dạo gần đây, thằng Trực không chạy sang gói bánh giúp tôi nữa.
Con Nhung và đám cùng lớp vẫn thường xuyên ghé qua như một thói quen. Chỉ có duy nhất thằng Trực không đến.
Tôi hỏi con Nhung, nhỏ bảo nhỏ không biết. Tôi hỏi mấy đứa còn lại, tụi nó cũng lắc đầu.
Hỏi mãi mà không tìm ra lý do, tôi đâm bực. Thằng Trực vẫn đến lớp thường xuyên, vẫn giúp đỡ khi tôi cần, nhưng nó không chịu ghé nhà tôi nữa. Có mấy lần tôi tính hỏi thẳng để tìm nguyên nhân, nhưng chần chừ mãi nên gần cả tháng trời tôi cũng không mở miệng hỏi. Mà không hỏi, tôi cũng không thèm nói chuyện với thằng Trực như trước đây luôn. Tôi đã khẳng định với con Nhung là Trực rất tốt bụng, bỗng dưng nó lại thay đổi như thế, thành ra tôi hơi bị sốc. Không phải là tôi cần nó giúp nhà mình, chỉ là, tự dưng nó không sang nữa, tôi có chút không quen.
Tôi vốn dĩ xem sự hiện diện của nó là một thứ hiển nhiên mỗi ngày nên từ ngày thằng Trực biến mất dạng khỏi lò bánh, tôi bỗng thấy hụt hẫng.
Tôi gói bánh chậm hơn, đầu óc tôi cứ lơ đễnh ở tầng mây nào. Mẹ tôi bận rộn túi bụi với nào đường nào bột nhưng vẫn tinh ý nhận ra nét khác thường trong hành động của tôi. Lúc đang lúi húi cân nếp, mẹ mới đánh mắt về phía tôi, rồi hỏi.
- Thằng Trực không ghé làm con bị phân tán tư tưởng hả?
Tôi đang thả hồn vào gió, vừa bị mẹ nhắc trúng tim đen liền lật đật lắc đầu. Mẹ không nói nữa, nhưng lại cười cười vẻ bí hiểm lắm. Tôi thở dài, răng cắn vào dây gói bánh để kéo căng dây ra. Trung bình hai phút tôi đã gói xong một cái, nhưng nay tới năm phút rồi cũng chẳng nên tích sự gì. Hên là hôm nay hàng ít, chứ nếu đắt như tôm tươi thì thế nào tôi cũng bị ba mắng cho một trận rồi.
Con Nhung ngồi ở nhà trước, loay hoay xếp bánh vào thùng. Nhỏ vừa xếp nhưng miệng lại bô bô không ngừng. Tôi bước lên phòng khách, hình như tụi nó đang nói cái gì đó thú vị lắm.
- Nghe bảo là vì thằng Khương.
Một đứa con gái ngồi ở góc phòng lên tiếng.
- Ơ thằng Khương thì làm sao?
Con Nhung hỏi lại.
- Mày còn hỏi, vì thằng Khương mà thằng Trực không ghé nữa. Hiểu chưa?
[Còn nữa...]
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro