#6: Lời hứa
Trời hắt hiu tối, từng đợt gió nóng kéo về lũ lượt. Tôi đứng ngay cửa nhà, vươn vai kéo dãn cơ thể. Ngày mai nhà tôi phải giao một đợt hàng lớn cho đại lý phân phối nên bây giờ phải quần quật nấu nấu cột cột cho xong. Nghe thì có vẻ to tát thế thôi chứ thật ra cũng chỉ là cái nhà nhỏ nhỏ chịu trách nhiệm phân phối cho các khách hàng uy tín. Đợt hàng này đến vừa đúng dịp thi cử, thế là ba mẹ không cho tôi gọi "đồng bọn" đến phụ giúp, hai đồng chí ấy sợ phiền hà sẽ khiến đám bạn tôi không tập trung ôn thi được. Nhưng mà thế thì lại khổ đời tôi, bằng chứng là bây giờ đã hai giờ sáng mà tôi chưa thể chợp mắt, vì còn hơn trăm cái bánh tét và chục cái bánh ú đang chờ đợi tôi.
Tôi ngã người lên cửa, tay quệt mồ hôi đang chảy ròng rã. Ở bên trong nóng là vậy mà ngoài trời cũng chẳng mát hơn được bao nhiêu, cuối năm rồi mà ông trời không ban phát cho tí gió mát nào cả.
- Con buồn ngủ thì cứ ngủ đi, để đây ba mẹ làm được rồi.
Tôi nghe tiếng ba nói vọng ra khi đang lúi húi xếp bánh vào thùng. Tôi vội quay người vào trong, nói rằng mình còn tỉnh như sáo, ba mẹ cứ yên tâm.
Thế rồi tôi yên vị, tiếp tục công việc cột bánh của mình. Tôi làm quen tay nên không thấy mỏi, nhưng dần dần lại thấy bản thân không thể chống lại hệ tuần hoàn. Hệ tuần hoàn đang bảo tôi đã tới giờ lên giường và làm một giấc rồi.
Nhưng tôi lại nhìn quanh nhà, tầng tầng lớp lớp nào là lá chuối, nào là nhân đậu nhân thịt đang nhìn tôi đầy quyến rũ. Tôi tự thôi miên, nói rằng nếu tôi cho phép bản thân mình đi ngủ lúc này chính là khiến ba mẹ mệt mỏi nhiều hơn nữa. Tôi tự tát vào hai má mình cho tỉnh táo, rồi lại chăm chỉ làm việc.
Nhà tôi, ba người, cứ làm không ngớt tay như thế cho đến tận bốn giờ rưỡi sáng mới hoàn thành. Lúc xếp cái bánh ú cuối cùng vào thùng, tôi thở ra một hơi thật mạnh, như là giải tỏa hết mệt mỏi nãy giờ. Tôi còn đang đứng đờ người nhìn thùng bánh thì mẹ tôi đã vội xua tôi vào buồng, bảo là chợp mắt được tí nào hay tí đó. Tôi vâng lời mẹ răm rắp, vì thật sự là tôi không chịu được nữa. Bởi vậy nên khi hai mắt vừa thấy được cái giường, não tôi đã ra lệnh cho cơ thể buông xuôi một cách đầy hăng hái, đến mức tôi chìm vào giấc mộng nhanh đến độ tôi không biết mình đã ngủ tự lúc nào.
Kết quả của việc ngủ lúc bốn rưỡi sáng, thức lúc sáu giờ, chỉ chợp mắt đúng một tiếng ba mươi phút, đó là tôi đã vật vờ trong suốt mấy (chục) tiếng học ở trường. Xin thề có trời đất chứng giám, xưa nay tôi rất ghét đứa nào đi học mà ngủ gật trên lớp, nhưng giờ thì tôi đã tự tát vào mặt mình khi không thể kìm hãm được cơn buồn ngủ cứ thôi thúc và réo rắt liên hồi. Tôi ngồi trên ghế mà không ngừng gà gật, cứ chuẩn bị gục đến nơi thì tôi lại mở to hai mắt, cố không để bản thân làm mất đi sự trong sạch trong suốt mười mấy năm đi học. Tôi đã thế với lòng, có chết cũng không được ngủ, có chết cũng không thể lên sổ đầu bài được.
Đúng là ông trời muốn thử thách lòng người, duyên phận đã đưa đẩy rồi đẩy đưa. Đáng lẽ thời khóa biểu của hôm nay có hai tiết toán, đáng lẽ môn học yêu thích sẽ cứu tôi khỏi cơn buồn ngủ, đáng lẽ cuộc đời tôi đã khác nếu như thầy Ân không nghỉ phép hôm nay. Đáng lẽ mọi chuyện đã như thế, nhưng rồi, người phụ nữ tên Dạ có niềm đam mê với các loại mắm đã thẳng tay cướp đi hai tiết học trống không đó. Và kết quả của cuộc chiến hai môn Toán Văn nghiệt ngã ấy là giáo viên môn Văn đã bước vào đời tôi khi tôi đang chông chênh nhất, để làm gì ư, để khiến hệ tuần hoàn bảo tôi phải đi ngủ một lần nữa.
Lần này thì tôi gục thật, chẳng còn chú tâm đến lời thề thốt trong lòng nữa. Tôi ngủ, say tới mức lúc tôi thức dậy, đã thấy cái lớp chỉ còn lác đác vài mống, hình như đang là ra chơi thì phải.
- Dậy rồi hả, ăn xoài đi.
Sau câu nói, một bọc xoài được đưa tới trước mặt tôi, kế bên còn có thêm muối tôm, không còn gì sung sướng hơn thế cả. Trong lòng đầy cảm kích, tôi ngước lên để tìm thiên thần nào đã ban phép màu đến cho tôi.
- Thôi đừng nhìn nữa, ăn đi.
Khương lại thúc tôi ăn khi mà tôi đã nhìn hắn đến mức muốn rớt hai con mắt ra ngoài. Tôi vội gật gật, bắt đầu chương trình ăn uống không có hồi kết. Não bộ tôi tập trung ăn đến mức không ngước mặt lên lần nào nữa, còn tay thì cứ liến thoắng bốc hết miếng xoài này đến miếng xoài khác. Chỉ cho đến khi ăn đến miếng cuối cùng, Khương mới khục khặc ho, rồi lên tiếng:
- Lần sau đừng có ngủ trong lớp nữa đó.
Nói dứt câu, hắn đứng dậy rồi đi thẳng ra cửa. Tôi nuốt nốt miếng xoài, rồi tự dưng thở dài, trong lòng cảm thấy ấm ức. Tôi đâu có muốn ngủ đâu, là vì mệt quá nên mới thế, vậy mà hắn còn dặn dò như thể tôi đã mang trọng tội ấy. Chắc hắn nghĩ nếu như để cô Dạ phát hiện sẽ làm cho lớp bị hạ điểm thi đua. Mà nhắc đến cô Dạ lại khiến tôi thắc mắc hơn, ngày thường cô rất tinh mắt, một con ruồi bay ngang cô còn phân biệt đâu là ruồi đực đâu là ruồi cái, ấy vậy mà tôi ngủ ngon lành suốt hai tiết học nhưng cô lại chẳng "hỏi han" lấy một lời.
Tôi đem thắc mắc đó nói với con Nhung, đứa ngồi cạnh tôi, tôi đoán là nhỏ sẽ biết chuyện gì đã xảy ra.
Nhỏ biết thật, lúc nghe tôi nói xong, nhỏ liền chẹp miệng, nhanh nhảu đáp:
- Có gì đâu mà mày thắc mắc, thằng Trực lén đổi chỗ lên bàn trên để che cho mày đó chứ. Nếu không là mày chết dưới tay cô Dạ rồi còn đâu!
[...]
Cũng may là sau đợt ngủ gục hôm đó, tôi không phải "phạm tội" thêm lần nào nữa. Thứ nhất là vì nhà tôi không có đợt hàng nào lớn phải giao, thứ hai là vì tôi lại quay về với chủ trương "có chết cũng không ngủ gật" của mình.
Còn mấy ngày nữa là thi học kì I, không khí lớp căng thẳng tột độ. Tôi không cảm thấy áp lực lắm, vì trước giờ chẳng có ai bắt ép tôi học cả, chỉ là tôi vẫn sợ hãi môn Văn dù điểm số không còn tệ như trước nữa. Càng gần ngày thi, tôi càng chăm đến nhà Khương hơn. Hồi trước là một tuần ba lần, còn bây giờ ngày nào tôi cũng túc trực ở tiệm tạp hóa nhà hắn. Tôi học Văn điên cuồng, tới nỗi dù là lúc ngủ hay lúc ăn, tôi đều thấy mấy con chữ chạy lòng vòng trong đầu mình. Tôi căng thẳng đến mức Khương nhìn thấy rõ mồn một. Trước ngày thi hai hôm, Khương đã phải đóng tập rồi hùng hồn tuyên bố:
- Trong hai ngày tới bà không được giải đề hay học gì mới nữa, chỉ cần ôn lại bài cũ là được. Bà phải để đầu óc thư giãn thì hôm đi thi mới làm bài tốt.
Lúc mới nghe "gia sư" nói vậy, tôi sợ khiếp. Nhưng lại nghe "gia sư" phân tích mặt lợi mặt hại, mãi một hồi, tôi thấy lời của hắn nghe mới đúng làm sao. Thế là tôi lập tức nghe theo, trong hai ngày trước thi, tôi cứ nhởn nhơ mãi, nhưng được cái ăn ngon ngủ yên lắm.
Con Nhung bảo tôi khùng rồi, ai đời đi thi lại tung tăng như vậy. Bước vào giai đoạn thi cử căng thẳng, các sĩ tử phải học hành kinh khủng lắm kìa, chứ ba đời chín kiếp làm gì có cái kiểu ôn thi mà vui vẻ tận hưởng như thế. Tôi nghe nhỏ lải nhải một thôi một hồi, nhưng quyết định bỏ ngoài tai hết. Khương đã bảo tôi sẽ làm bài tốt thì chắc chắn là như vậy, tôi thà tin lời của người đoạt giải Văn quốc gia chứ nhất quyết không nghe theo lời xúi giục con nhỏ nhãi ranh này.
Ngày vào phòng thi, văn chương của tôi dạt dào như sóng biển.
Ngày chờ kết quả, tôi không dám nghĩ nhiều vì Khương dặn rồi: ra khỏi phòng thi là tuyệt nhiên không nhớ đến đề thi làm gì nữa.
Ngày có kết quả, tôi sốc, cả lớp sốc, thầy cô sốc, bạn bè sốc, nói chung tất cả mọi người đều sốc, trừ thanh niên tên Khương ra.
Tổng điểm các môn của tôi cao nhất lớp, đứng hạng ba toàn khối. Từ trước đến giờ tôi thuộc dạng học sinh giỏi, chỉ kẹt mỗi môn Văn nên lần nào cũng mất danh hiệu. Nhưng giờ thì môn Văn tôi đã xử gọn, chín phẩy năm cho một bài thi văn, có nằm mơ tôi cũng không bao giờ dám mơ như vậy. Ấy thế mà giấc mơ đó đã đến với tôi, lúc giáo viên chủ nhiệm đọc điểm, xém xíu nữa là tôi bật khóc tại chỗ, cố gắng lắm mới cười cười được tí với lũ bạn.
Từ hôm đó, tôi nổi như cồn.
Tất nhiên là nổi theo dạng học sinh trí thức chứ không phải vì sì-căng-đan như các nữ chính của các truyện khác. Hai hạng nhất và nhì của khối là hai bạn nam đã quen mặt với bảng vàng nên người ta chẳng để tâm lắm, chỉ có tôi là gương mặt mới nên được săn đón vô cùng. Đi đến đâu cũng có người cười duyên với tôi một cái, thậm chí đến việc đau bụng đi vào nhà vệ sinh cũng có bạn nhường cho đi trước. Nhiều lúc tôi cảm thấy mọi người cứ làm quá lên, nhưng mà nhiều lúc cũng thấy thích thích vì mọi người làm quá như thế.
- Dạo này Thanh nổi tiếng quá rồi, đâu còn nhớ thằng bạn chí cốt này nữa.
Thằng Trực đạp xe song song với tôi, lên giọng hờn mác. Tôi phì cười, vừa nhìn đường chạy vừa đáp lời nó:
- Có ai mà dám quên đâu chứ. Lúc nàThTrực cũng lù lù xuất hiện, có muốn quên phắt đi cũng không được.
Vừa dứt lời, thằng Trực ép đầu xe tôi, ý là bảo tôi dừng lại. Hai cái xe dừng lại xong xuôi, Trực lại làm mặt khổ, bắt đầu lải nhải không ngừng:
- Từ giờ Thanh kèm Trực học nhá. Thanh học giỏi vậy, bỏ không uổng lắm. Thôi thì nhận Trực làm học trò, Trực xin thề sẽ gói bánh giúp Thanh suốt đời, coi như là trả công.
Với thằng Trực, tất nhiên là tôi không thể từ chối. Tôi kèm cho Trực thứ hai, thứ tư, thứ sáu.
Còn thứ ba, thứ năm, thứ bảy, tôi vẫn đều đều ôm tập đến nhà Khương. Dù tôi biết rằng thi học kì I đã kết thúc, việc học không còn dồn dập như trước nữa và tôi cũng đã lấy lại căn bản để có thể theo kịp bài trên lớp. Tôi phải thú thật rằng, dù cho môn Văn không còn là nỗi sợ hãi của cuộc đời thì tôi vẫn không thể từ bỏ thói quen một tuần ba buổi ôn bài cùng Khương. Tôi thích được nghe giọng nói của Khương khi hắn giảng bài, tôi thích được thấy bóng lưng Khương khi hắn loay hoay bán hàng cho khách, tôi thích được tự mình thấy nụ cười của Khương, khi ấy chỉ có hai chúng tôi, để tôi biết rằng nụ cười đó là của riêng mình. Tôi không phủ nhận mình có cảm tình với Khương, nhưng cũng không dám khẳng định gì cả. Tôi sợ tôi sẽ làm tổn thương một người, và tôi cũng sợ bản thân mình bị tổn thương.
[...]
- Thanh thích ai rồi phải không?
Thằng Trực hỏi tôi vào một hôm trời mưa rả rích ngoài mái hiên.
- Làm gì có ai.
- Thanh chắc không?
- Ừ, chắc.
- Vậy Thanh hứa với Trực đi.
- Hứa gì?
- Hứa là cho đến khi chúng ta vẫn còn gặp nhau mỗi ngày ở cổng trường, Thanh sẽ không rung động với ai cả.
Trong tiếng mưa, tôi nghe tiếng Trực nhỏ dần. Tôi không đáp, vì tôi bận nghe tiếng mưa rơi, hay bận nghe tiếng tim tôi đập từng hồi không rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro