Hoạn Thư - Con người phá vỡ khuôn khổ phong kiến thối nát
Nhắc đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, người đọc lại chỉ nhớ đến Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân hay Từ Hải... Mà người ta lại lãng quên mất nhân vật Hoạn Thư – một nhân vật lẽ ra không đáng bị ghét bỏ đến vậy!
Nói về nhân vật Hoạn Thư, có lẽ thứ còn đọng lại trong trí nhớ của chúng ta chỉ là con của một quan Lại bộ, một vị tiểu thư ăn sung mặc sướng, tính tình cay độc, ghen tuông. Ấy vậy mà chúng ta không biết, vì sống trong nhung lụa từ nhỏ, lại thêm gia đình có quyền, có chức, nên đã tạo ra một Hoạn Thư khá độc đoán. Lấy Thúc Sinh – một người cũng không phải là "môn đăng hộ đối", chẳng qua cũng chỉ là "Duyên đằng thuận nẻo gió đưa". Vừa có tiền, vừa có quyền, "ở ăn thì nết cũng hay" nhưng Hoạn Thư cũng không thể níu giữ được Thúc Sinh, một người chồng quá trăng hoa, âu cũng là cái bản chất của thời phong kiến: Đàn ông năm thê bảy thếp cũng là chuyện bình thường.
"Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
"Hận người đen bạc ra lòng trăng hoa."
Đoạn thơ nghe mà chua xót làm sao khi mà "vườn mới thêm hoa", câu thơ ẩn ý của Nguyễn Du lại khiến người đọc chạnh lòng thay cho Hoạn Thư.
So với cái ghen của Hoạn Thư, có lẽ ngoài kia còn có trăm kẻ độc ác hơn. Nàng đã dùng tất cả sự khoan dung của mình để đối đãi với Kiều, dù cũng có đôi lúc nàng quá tay, nhưng hãy đứng trên cương vị là một người vợ bị chồng mình lừa dối, nuôi gái bên ngoài như Hoạn Thư. Thử hỏi thế gian có mấy kẻ nhân từ? Đáng lẽ ra lúc đầu, Thúc Sinh chịu nói với nàng một câu, thì đã không có chuyện ghen tuông sau này!
Thúy Kiều tội nghiệp một thì Hoạn Thư lại đáng thương mười, bị chồng cắm sừng, nhưng nàng vẫn xử lí kín đáo, giữ thể diện cho gia đình, cho Thúc Sinh. Người đời chỉ biết chửi rủa nàng nhưng đâu ai nhớ tới lúc Kiều lấy trộm tiền bạc bỏ trốn, nàng biết nhưng không hề ngăn cản. Qua sự việc đó đã cho thấy dù luôn tỏ ra cay nghiệt nhưng thực ra ánh sáng chân lí luôn chiếu sáng trong trái tim của nàng. Dẫu giận, dẫu ghen, mà đến giây phút cuối cùng thì Hoạn Thư vẫn giữ cho Kiều một con đường thoát thân!
Dưới một chế độ phong kiến thối nát, nơi mà Hoạn Thư cùng Thúy Kiều đã sinh ra, lầu xanh được "thịnh hành", nam tử hán thì phải "năm thê bảy thiếp" ấy, cho thấy số phận bạc bẽo của người phụ nữ ra sao? Kiều gia đình cũng chỉ "thường thường bậc trung" thì đã đành, đây Hoạn Thư là con quan to, lại chịu sự khống chế của chế độ tàn độc kia, người phụ nữ ấy làm sao kìm chế nổi. Bởi vậy nàng đã dám đứng lên đấu tranh, dám đòi lại cái quyền lợi bé nhỏ mà đáng lẽ ra người phụ nữ nên có! Qua câu chuyện đánh ghen của Hoạn Thư, Nguyễn Du không chỉ tả đơn thuần một vụ ghen tuông tầm thường. Mà ông còn giúp chúng ta thấy rõ được bản chất của thời đại cũ, nam nữ đáng ra phải nên được bình đẳng!
Bên cạnh những con người dám thể hiện ra cái ghen của mình, cũng có không ít người phụ nữ trong thời đại ấy nhu nhược, chịu đựng cái cuộc đời bần hàn kia của người phụ nữ phong kiến. Tuy không phải cổ vũ những hành động ghen tuông thái quá, nhưng để làm một con người dám đứng lên vì quyền lợi của mình như Hoạn Thư quả là một điều hiếm có. Trong cái giận, vẫn luôn tồn tại song song một tình người trắc ẩn!
Nếu sinh ra ở thời đại hiện nay, có lẽ Hoạn Thư cũng không nhận nhiều chỉ trích đến vậy. Bởi xung quanh cuộc sống của chúng ta, có hàng nghìn vụ đánh ghen còn đáng sợ hơn Hoạn Thư rất nhiều lần!
Mong rằng, mỗi một người khi đọc Truyện Kiều, họ sẽ nhớ đến Hoạn Thư như là một người đàn bà nghĩa khí, dám yêu, dám hận!
(Theo người hâm mộ Hoạn Thư – D.T)
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro