3. Kiểu gì vài năm nữa nó chả bỏ vợ về đây xin lỗi em (End)
3. Kiểu gì vài năm nữa nó chả bỏ vợ về đây xin lỗi em. (End)
Thời gian thấm thoát thoi đưa, cuối cùng cũng đến cái ngày mà hai đứa phải chấp nhận không còn được gặp nhau thường xuyên nữa, đó là khi đã vào năm học.
Năm mười hai cuối cấp bài vở nhiều, thằng Trọng lại ước mơ vào ngành sư phạm nên đâm đầu vào học vô cùng dữ dội. Cùng một tuổi với nhau nên Xuân Hùng cũng chẳng đỡ hơn chút nào, hai đứa dù trước khi chia ly đã thề rằng sẽ cố gắng giữ liên lạc rồi thư từ thường xuyên nhưng cuối cùng khi nào năm học rồi lại không đứa nào giữ được lời hứa, ít nhất là trong khoảng vài tháng đầu.
Nói thì nói vậy, bình thường bài vở nhiều nên đống con chữ và con số ấy có thể tạm thời choán mất hình bóng người thương, nhưng mỗi khi tối xuống đắt đèn ngả lưng ra giường chuẩn bị ngủ, là gương mặt người kia cứ chờn vờn trước mặt khiến tụi nó phải khó khăn lắm mới vào được giấc ngủ êm đềm. Cuối cùng không chịu nổi nữa Xuân Hùng mới bắt đầu gửi thư trước, vì cậu cũng nhận ra hồi hè mình quên cho thằng Trọng địa chỉ nên dù có muốn thì nó cũng chẳng biết đề bức thư muốn gửi tới nơi nào.
Trọng nhớ lần đầu tiên nhận được bức thư của Xuân Hùng, nó sướng điên đảo. Nhưng đến khi mở ra và nhìn thấy một đống trái tim sến rện ở trong đấy, Trọng liền nổi da gà cục cục rồi dẹp phức nó đi. Ban đầu còn đỏ mặt cau có lẩm bẩm "Còn lâu trẫm mới thèm đọc", nhưng rồi cuối cùng đến khi đêm xuống cũng phải lôi ra. Trọng nằm ngủ ngay cửa sau, nhờ ánh sáng của mặt trăng và những vì sao lấp lánh, đọc lên từng dòng chữ sến mắc dởn óc, bịn rịn ngọt ngào nhớ nhung da diết của một thằng trai bằng tuổi đang bày tỏ với mình mà cứ cảm thấy kỳ quái kiểu gì. Ánh trăng bàng bạc in bóng dáng mờ ảo chuyển động rập rờn dưới lòng sông. Trọng trông mắt nhìn xa xăm, ôm bức thư vào lòng để hun ấm thêm cho trái tim vốn vẫn đang không thôi cựa quậy.
Còn ngày Xuân Hùng nhận được thư hồi âm của thằng Trọng, cậu đang leo lên nóc nhà lấy cái máy bay giấy xuống cho nhỏ em gái bất cẩn phóng bay lên. Lúc chuẩn bị trèo xuống thì có chú giao liên đi đến trước cửa, hét lớn: "Anh Phạm Xuân Hùng đâu có thư của anh Phan Thành Trọng gửi nè!". Xuân Hùng mừng húm hớt hải hét lên "Xuống ngay ạ!", sau đó chạy rầm rập trên nóc nhà phi tới chỗ dựng cái thang tre. Song tấm thân cậu chàng nào có nhỏ nhắn gì, mạnh chân quá lại đạp ngay khúc tôn bị mục sét lâu ngày làm thủng cả nóc nhà, rớt luôn cái chân vào trong đó rồi mắc kẹt la ó rùm beng. Bố cậu cùng với bác giao liên phải cùng leo lên kéo cả buổi trời mới thoát ra được. Thế là chỉ vì quá nôn nóng được nhận thư từ của người thương, Xuân Hùng chẳng những bị bố bắt tự lộp lại mái tôn mà còn phải cắn răng chích thêm hai mũi tiêm phòng uốn ván.
Nhưng trai đẹp không hề cảm thấy hối hận vì sự việc này, bởi lúc đọc được thư của người ta thì hết thảy mọi khó chịu cộc cằn đều đã biến bay đi hết cả. Khác với cái kiểu thư từ sến sẩm của Xuân Hùng (bởi cậu không giỏi văn vẻ nên viết thư tình cùng lắm cũng chỉ biết ghi huỵch toẹt ra hết bao nhiêu nhớ, bao nhiêu thương, bao nhiêu trông ngóng trong lòng ra con chữ thôi chứ cũng chẳng biết trau chuốt cách hành văn) thì thằng Trọng giỏi lọc lựa ngôn từ hơn nên thư viết ra không bị sến súa đến vậy. Dù không có chữ "yêu" nào được viết xuống trong thư, cũng chẳng có chữ "thương" nào được thêm vào để tăng thêm phần quyến luyến; nhưng mỗi câu mà nó kể lại những chuyện vặt vãnh thú vị thường ngày, những câu hỏi Xuân Hùng dạo này có khoẻ không, học hành ổn chứ, hay có xác định được mình muốn học ngành gì khi lên đại học hay chưa, đều thấm vào tim cậu như một lời vỗ về dịu dàng của cao xanh. Như cái mát lành của hạt sương trên cánh hoa bị gió thổi ngang rơi rụng rồi thấm tan vào đất, như cái ngọt của giọt mật ong nhỏ xíu nhưng được chưng cất từ muôn ngàn loài hoa và biết bao giờ đồng hồ mê làm của những chú ong cần cù chăm chỉ, như cái thơm của hoa chuông vàng nở rợp không gian mỗi chiều khi những tốp học sinh đi học về mệt mỏi, tưới tắm tâm hồn kiệt quệ của họ với thứ dưỡng chất mạnh không thua kém gì câu nói "Con giỏi rồi" của mẹ lúc bà xem xong bảng điểm cuối kì.
Và hơn hết, là khi Trọng kết thúc lá thư bằng vỏn vẹn hai từ: Nhớ cậu.
-)(-
Dù cả hai ban đầu đều không nghĩ rằng tụi nó sẽ dùng đến mấy cái điện thoại cùi bắp của bố mẹ để gửi tin nhắn hay liên lạc với nhau, nhưng cuối cùng sau vài lần thư từ thì chúng nó đều nhận ra cách truyền thống này quá đỗi mất thời gian. Lần nào gửi cũng phải ba bốn ngày sau người kia mới nhận được, mà tốc độ như thế thì không thể nào thỏa mãn nổi cơn mong nhớ của hai đứa chích bông này. Thế là một ngày nọ, thằng Trọng mới mượn điện thoại của mẹ, gọi thử cho số mà bố của Xuân Hùng đã để lại ngày hôm trước.
Lại nói về việc này, Xuân Hùng không đi ghe được với bố thì cũng không có nghĩa là bố cậu không đi ghe nữa. Chỉ có điều so với khi đi cùng thằng con quý tử, thì khi đi một mình, tiến độ ghé lại nhà Trọng nghỉ ngơi của ông ít hơn thấy rõ. Điều này khiến thằng Trọng bán tín bán nghi, tự suy nghĩ rồi tự cười ngu vào một chiều lồng lộng gió. Nó nghĩ đến cái cảnh hồi hè, lúc nào đi ngang qua nhà mình thì Xuân Hùng cũng nằng nặc đòi bố tấp vào chơi cho bằng được.
Song "ít" này chỉ là ít so với trước kia thôi, chứ bình thường bố Hùng vẫn giữ tần suất ghé nhà nó một hai tuần một lần, khá thường xuyên. Mà lần nào ghé chơi bố cậu cũng lén khều Trọng vô một góc rồi dúi vào tay nó khi thì gói kẹo, khi thì cuốn truyện Doraemon, khi thì mấy cây bút, bảo là "Thằng Hùng tự tay mua rồi gửi chú, kêu chú là phải đưa tận tay cho mày". Mấy món quà nhỏ nhỏ góp lại cũng được một mớ, Trọng cho vào một cái hộp rồi cất trong hộc bàn, cứ tối tối lại mang ra nhìn ngắm rồi cười ngu ngơ. Lâu lâu thằng Trọng cũng gửi lại mấy món quà nhỏ nhỏ tương tự. Đợt hội chợ gần đây nó đi chơi có chụp vài tấm ảnh lấy ngay từ mấy chú chụp hình dạo. Nó liền nảy ra một ý, giấu tấm hình vào bên trong cọc bài Yugioh sau đó đưa cho bố cậu, nhờ ông đem về thay nó tặng Xuân Hùng.
Xuân Hùng thì không khó khăn về phần quà cáp này, chỉ cần là thằng Trọng tặng thì dù có là một cục đá thôi cậu cũng sẽ thích. Lúc bố đưa cho mình cọc bài ma thuật, cậu rất nóng lòng muốn mở ra xem bên trong có tấm huyền thoại nào hay không. Cuối cùng khi nhìn thấy một tấm ảnh rơi ra từ trong đấy, Xuân Hùng nhảy tưng lên, thích thú vì nhận được một thứ còn quý giá hơn cả tấm bài huyền thoại. Trong ảnh, thằng Trọng mặc chiếc áo thun xám thuần một màu đơn giản, đứng trước một xe bong bóng tươi cười nhìn ống kính. Hoàng hôn rơi xuống chân trời tạo thành một tông màu tự nhiên, cam hồng đan xen vô cùng thích mắt, làm nổi bật nét thanh thuần nhiệt huyết của tuổi thiếu niên.
Xuân Hùng kẹp tấm ảnh vào cuốn truyện tranh mình yêu thích nhất, gối ở đầu giường. Đêm nào cũng mở ra xem trước khi đi ngủ.
Trở về với việc thằng Trọng dùng điện thoại của mẹ để gọi cho số của bố Xuân Hùng. Tiếng chuông kinh điển của dòng điện thoại Nokia tằng tằng tăng tắng tằng vang lên một vài hồi, sau đó chất giọng hào sảng của người đàn ông vang lên ở đầu dây bên kia:
"Dạ, con Trọng nè chú. Xuân Hùng có rảnh không chú?"
"Có con!" Bố Hùng đáp ngay, sau đó mới lớn giọng gọi với đi đâu đó. Dù ông đã rời mặt ra xa điện thoại, nhưng âm vọng vang vào vẫn khá là rõ ràng: "Thằng Hùng đâu, ghệ mày điện nè!"
Mặt thằng Trọng đỏ như gấc chín, không ngờ là bố Xuân Hùng lại nói như vậy. Nghĩ lại thì hai đứa cũng lộ liễu quá trời đi, nếu có bị chú ấy phát hiện thì cũng chẳng phải chuyện gì quá kì lạ. Mà nói đến đây thằng Trọng mới chợt nhận ra, hình như đến bây giờ mình vẫn chưa đồng ý lời tỏ tình của người ta, thế mà vừa rồi đã bị bố người ta phát hiện tình ý luôn rồi. Có phải là mất giá quá rồi không? Nhưng nghĩ lại, việc bố cậu dù đã biết chuyện rồi nhưng cũng chẳng hề tỏ ra cấm đoán can ngăn, quả thật cũng là một biểu hiện tích cực và kỳ diệu lắm.
"Alo!" Đầu dây bên kia nhanh chóng nối máy. Do thằng Trọng mãi nghĩ ngợi linh tinh, nên đến tận khi Xuân Hùng đã "Alo" tới tiếng thứ ba rồi nó mới giật mình đáp lại:
"À ừ ừ! Nghe nghe!"
"Nhớ tui quá xúc động không nói nên lời luôn rồi hả?" Xuân Hùng ở đầu dây bên kia cười khoái chí.
Thằng Trọng bên đây chưa kịp xúc động thì đã tuột cảm xúc đến bật cười. Đúng cái giọng đểu cáng bỡn cợt này rồi, không thể nào nhầm đi đâu được. Cái giọng mà khiến nó vừa muốn thò tay qua đầu dây bên kia bóp cổ, vừa muốn thò đầu sang hôn cậu ta một cái cho đã đời.
"Ừ."
Thế là đến lượt Xuân Hùng im lặng.
"Đâu mất tiêu rồi?" Trọng lên tiếng. "Xem ai chọc người ta thì được, mà đến khi bị chọc lại thì trốn kìa."
"Trốn hồi nào." Xuân Hùng đáp khẽ. Nó có thể tưởng tượng ra gương mặt tươi đến mức có thể khiêu chiến với sáu ông mặt trời của cậu ta. "Đang coi ống heo để dành đủ tiền chưa."
"Làm gì?"
"Cưới cậu."
Cưới cậu.
Hai chữ này, nó ghi dấu thật đậm vào tận cùng tâm can.
Cưới cậu.
Cũng vì hai chữ này, mà nó cứ đợi hoài đợi mãi dẫu đã tận mắt nhìn thấy người ta lên thuyền hoa, kết duyên vợ chồng với một người con gái.
-)(-
Sau khi kết thúc năm học, cả hai đều thi đỗ vào trường mà bản thân hằng ao ước. Chỉ khổ cái Trọng thì học ở một trường đại học nhỏ trong tỉnh, còn Xuân Hùng phải lên tận Sài Gòn. Thế là ban đầu cứ ngỡ sau cả một năm mười hai học hành điên đảo, không được gặp nhau nhiều thì lên đại học tụi nó sẽ có nhiều thời gian yêu đương chim chuột, nhưng cuối cùng lại tiếp tục vướng vào cái cảnh như Ngưu Lang Chức Nữ bị ngăn cách bởi sông Ngân Hà.
Trong năm học cũng có vài đợt Xuân Hùng được nghỉ lễ vài ngày ngay đúng hôm bố cậu đi lấy hàng, thế là thằng ta cũng nhảy xuống theo. Lúc gặp nhau vui bao nhiêu, thì lúc chia tay lại là bấy nhiêu sướt mướt. Xa nhau bao lâu mà chỉ được gặp lại có mấy ngày ngắn ngủi, ôm còn chưa đã ghiền là lại phải về nhà nữa rồi.
Sau đợt thi Trung Học Phổ Thông Quốc Gia, hai đứa đặc biệt rảnh rỗi, chỉ còn ngồi ở nhà chờ kết quả nữa mà thôi. Nguyên cái hè đó Xuân Hùng xin phép bố mẹ cho qua nhà thằng Trọng ở chơi. Do thấy con mình học hành mệt mỏi cả năm rồi, lại cộng thêm việc khi hỏi ý kiến thì bố mẹ của Trọng ai nấy đều bật ngón cái tán thành trăm phần trăm (họ mà không tán thành là con trai giãy đành đạch cho coi), thành ra việc xin phép này được thông qua một cách suôn sẻ. Thế là chỉ vừa sau khi thi môn cuối cùng về nhà, Xuân Hùng liền lập tức chạy vào phòng sửa soạn quần áo rồi đồ đạc chất đầy hai cái ba lô to khủng hoảng, sau đó lại chạy đi kiếm bố nằng nặc đòi ông đi sớm.
Bố Hùng không chịu nổi cái tính nhây như đỉa của thằng con quý tử, thế là đành vô bếp bới vội tô cơm ăn sớm rồi sửa soạn xuống ghe tống ông giời con đến nhà ghệ nó.
Cả mùa hè năm mười hai, cũng là mùa hè cuối cùng của thời học sinh, hai đứa có nhau. Xuân Hùng với thằng Trọng nằm ở nhà đọc sách vẽ vời cùng nhau; vào bếp học một lớp nấu ăn của mẹ Trọng rồi bị ăn chửi cùng nhau khi nấu kho quẹt làm cháy hai cái nồi; cùng nhau thức khuya chuyện trò rồi khắc tên cả hai lên cây xoài trông ra ngoài lòng sông mát rượi, nhìn nhựa cây từ từ chảy ra sau đó cô đặc lại thành một màu đỏ đỏ nâu nâu. Tụi nó cùng nhau đi ra khoảng đồng, triền đê, nơi có những cô những bác đang giăng lưng phơi nắng để kiếm về miếng cơm đạm bạc; tụi nó chạy đi gõ cửa từng nhà rồi rủ tụi nhóc trong xóm rong chơi loanh quanh, chọc phá nhau rồi ôm bụng cười nắc nẻ.
Mùa hè cuối cùng của tụi nó có nhau. Cũng là mùa hè cuối cùng mà tụi nó có nhau.
Đêm cuối cùng trước khi phải về nhà chuẩn bị lên Sài Gòn học đại học, Xuân Hùng với thằng Trọng ngồi bần thần ở gốc xoài thân thuộc nhìn xa xăm. Hai bàn tay đan vào nhau đã không còn bao nhiêu rụt rè bỡ ngỡ. Giờ đây hai đứa nhỏ đã hiểu rõ lòng mình, chỉ muốn nắm càng chặt và càng chặt để khoảnh khắc này không bị gió lạnh hay mưa nắng tàn nhẫn cướp mất đi.
Trọng nói: "Vậy là mai anh đi rồi. Lên Sài Gòn nhớ giữ gìn sức khoẻ, học cái tốt chứ đừng có trác táng đua đòi như con bé Hà Lan. Tui không muốn làm Ngạn ngoài đời thực đâu đó."
Xuân Hùng bật cười. "Yên tâm, tui không phải kiểu có trăng quên đèn đâu." Nói rồi, cậu quay sang. "Trọng, em đợi tui nha."
"Không. Mắc mớ gì tui phải đợi."
Xuân Hùng xích một cái sát gần hơn, Trọng quay lại nhìn.
"Đợi đi."
"Hong."
"Đi mà."
"Hong."
"Anh xãaa."
"Quần què!" Trọng quơ tay đánh vào vai cậu một cái nhẹ hều. Môi nó cong lên, mắt cười híp lại như hai vầng trăng khuyết.
Xuân Hùng nhìn lên bầu trời rồi nhìn xuống gương mặt người thương đang ửng hồng trong bóng đêm nhập nhoạng, đếm một hồi ra được tận bốn mặt trăng.
Cậu lôi từ trong túi quần ra một cái vòng bạc nhỏ, sợi dây mỏng và sáng bóng nom rất hợp với cổ tay mảnh khảnh của người kia. Trọng ngơ ngác nhìn khi Xuân Hùng đeo chiếc lắc tay lên cho mình. "Cái này là tín vật định tình."
Cậu đeo xong, nó liền đưa lên ngắm nghía. Đôi mắt sáng tỏ như sao, ánh trăng trên trời cao dường như cũng đã gieo mình vào trong đó. Xuân Hùng bất ngờ nắm lấy cổ tay thằng Trọng, kéo giật lại. Nó mất đà ngả người sang, lao thẳng vào lòng đối phương. Lúc ngước mặt lên thì vừa hay Xuân Hùng cũng đang cúi xuống. Khoảng cách một đốt lóng tay không đủ để hơi thở nóng rẫy của tụi nó tan ra trước khi chạm lên da mặt người kia. Hai đôi môi quấn lấy nhau, hơi thở thiếu niên cháy bừng trong bóng tối.
Nhịp đập của hai con tim vỡ tan ra rồi hoà quyện lại như thể mặt trăng in bóng xuống lòng sông giữa màn đêm rũ rượi. Sông cứ ngỡ đã ôm được mặt trăng vào lòng, nào ngờ thứ nó được ôm lấy chỉ là những tia sáng lập loè mong manh.
-)(-
Sau khi lên đại học, cả hai đều được mua cho một cái điện thoại nhỏ để liên lạc với gia đình. Thời điểm đó điện thoại cảm ứng mới ra, Xuân Hùng được bố mua cho một cái thì mừng hết lớn, nghĩ bụng mình có thể nhắn tin chụp hình mỗi ngày hoặc gọi điện với em người yêu. Nhưng khổ nỗi em người yêu không được may mắn như mình. Trọng dùng điện thoại cục gạch, thành ra cùng lắm cả hai cũng chỉ nhắn tin và gọi điện qua lại được thôi chứ cái chức năng chụp ảnh quay phim xem như không còn tác dụng.
Nhưng điều này không có nghĩa là sự hứng thú liên lạc của hai đứa mất đi. Xuân Hùng và thằng Trọng vẫn thường xuyên gửi tin nhắn cho nhau và lén gọi điện vào những buổi chiều muộn. Thằng Trọng ở trọ, còn Xuân Hùng ở trong ký túc xá trường. Lâu lâu bạn trọ của Trọng là thằng Luân thường nhìn thấy nó cầm điện thoại lỉnh ra sau dãy nhà, vừa nói chuyện vừa đá đá sỏi gạch văng đi, còn tay thì bứt muốn trụi mấy bụi cây sau vườn của cô chủ trọ.
Xuân Hùng lại ở chung với ba cậu bạn nữa cùng một phòng nên không có nhiều không gian riêng tư như vậy, lại cộng thêm lười ra ngoài nên bình thường lúc gọi điện cho người yêu, Xuân Hùng đều nằm thẳng trong phòng nói chuyện cho đỡ mất công. Ai nghe thì nghe, chứ cậu cũng chẳng quan tâm người ta bàn tán gì mình. Thời gian đầu chưa quen với bạn cùng phòng lắm thì họ cũng không thắc mắc gì, nhưng sau một vài tuần, họ đều nhận ra cái đối tượng mà thằng khứa này thường xuyên gọi điện có một vài điểm rất mờ ám.
Theo cách xưng hô "tui - em" mà Xuân Hùng đang dùng, thì tụi bạn cùng phòng này đều chắc mẩm rằng cậu ta đang nói chuyện với ghệ. Thằng này mặt đẹp trai lại có hào quang công tử bột, vừa vào trường học được hơn tháng đã có gái bu đến làm quen. Thế nhưng mặc cho sự ghen tị và thèm nhỏ dãi của anh em, thì Xuân Hùng từ chối sạch sành sanh hết cả. Hoá ra là có người yêu rồi. Thế nhưng lúc đã đủ thân thiết để bắt đầu chọc ghẹo, họ lại bị cậu dội cho một gáo nước lạnh đến nghệt cả mặt ra.
"Nói chuyện với bạn gái vui quá ta, không giới thiệu với anh em gì cả!" Anh Thuân nhướng mày hỏi.
"Đúng là chỉ có tụi mình xem người ta là huynh đệ, còn người ta có quan tâm gì đến mình đâu. Uổng công hôm qua trời mưa em còn tốt bụng lấy mấy cái quần xì đang phơi vô cho nó." Anh Khuê cũng chen vào.
"Ai khiến mày hả!" Anh Bình cười khặc khặc, vớ lấy cây bút highlight chọi vào đầu ông Khuê.
Anh Thuân năm tư, anh Bình năm ba anh Khuê năm hai; tính ra trong phòng này Xuân Hùng là người nhỏ tuổi nhất. Cậu cười cười giơ điện thoại lên: "Bạn gái cái đít, cú có gai ấy!"
"Xộn lào vừa thôi, còn nhỏ thì nên sống trung thực em à!" Anh Thuân cũng cười há há.
Thế là Xuân Hùng mở loa ngoài lên, bảo thằng Trọng chào mọi người một tiếng đi. Sinh viên sư phạm bên kia cũng lễ phép ngoan hiền, hạ giọng "Em chào mọi người ạ" một tiếng chỉn chu đến mức ai cũng xám hồn.
"Là... là con trai thiệt hả?" Anh Khuê không tin nổi vào tai mình, nhanh chóng nhảy bổ lại như thể muốn nghe thêm một lần nữa để kiểm chứng. Hai người kia cũng chả khá hơn là bao, chỉ là không nhanh được bằng ông khuê.
"Dạ hehe!"
"Thế mấy cái hôm thằng Hùng nằm ôm điện thoại vẽ vòng tròn lên chiếu, giọng bẽn lẽn một tiếng 'Tui nhớ em quá' hai tiếng 'Em thương tui hong' đó là nói với ai vậy!?"
"Với em chứ ai." Thằng Trọng thấy biểu hiện của mấy đàn anh bên kia thú vị quá, cuối cùng cũng nói thẳng luôn để xem ba người này xử sự thế nào.
"Hai thằng bây là gì của nhau?"
"Tự biết đi mấy cha hỏi quài!" Xuân Hùng cuối cùng cảm thấy quá phiền phức vì cuộc nói chuyện với người yêu bị mấy ông thần này làm gián đoạn, liền nằm xuống giường đắp mền lại phất phất tay.
"Em trai mày?" Anh Bình hỏi.
"Không."
Anh Khuê: "Bạn thân?"
"Không nốt."
Anh Thuân nuốt nước bọt: "Hổng lẽ mày bê đê?"
"Bingo!" Xuân Hùng cười khoái chí, thằng Trọng bên kia điện thoại cũng cất giọng cười vang. "Có ai kì thị không?"
Ba ông kia đều lắc đầu nguầy nguậy, lập tức nhảy bổ lên giường Xuân Hùng. Cái giường đơn có chút éc mà một lúc phải gánh vác bốn tấm lưng cao trên mét tám, động đậy một chút là nó lại gào thét cót ca cót két nghe vô cùng đáng thương. "Làm gì vậy trời? Tính physical bully em hả?"
"Mày nói thẳng vậy không sợ người ta nói ra nói vào hả?" Anh Bình hỏi.
Xuân Hùng thờ ơ đáp: "Bất quá thì chuyển phòng, không thôi chuyển trọ ra ngoài sống một mình cũng được. Nhà em giàu mà. Người ta nói gì kệ người ta chứ. Mấy anh không ghét bỏ tụi em là được rồi."
Nghe hai chữ "tụi em" phát ra từ miệng Xuân Hùng, thằng Trọng ở đầu dây bên kia thấy ấm lòng hết sức.
Anh Thuân thở dài vỗ vỗ vai cậu, bật cười: "Can đảm thật đấy, nếu anh là mày thì chưa chắc anh đã dám thẳng thắn như vậy đâu. Mấy đứa con gái trong khoa biết cái sự thật nam thần mới nhú là gay chắc trầm cảm hết phân nửa mất."
"Thế thì lại tốt cho em quá rồi, ra trường càng có thêm khách hàng."
Anh Khuê quăng cái gối vào đầu cậu: "Trần đời có bác sĩ tâm lý nào tự khiến người ta bị trầm cảm rồi để người ta đi tìm mình chữa bệnh không?"
"Ha ha, có em nè."
-)(-
Nhưng rồi chuyện lại không được như thế, cuộc đời thực tế kỳ thực không thể nào đơn giản như một bức tranh màu hường phấn được người hoạ sĩ vẽ nên. Xuân Hùng được bố chấp nhận, được bạn bè chấp nhận, được bố mẹ của người yêu chấp nhận, nhưng mẹ mình thì chưa chắc. Thế là cậu tự mặc định rằng bà sẽ không chấp nhận.
Đây gọi là biết thân biết phận hay là ngu?
Bà có bệnh nền trong người, sức khoẻ tương đối yếu. Đến năm Xuân Hùng học năm thứ tư thì bà đổ bệnh, chuyển viện lên Sài Gòn. Thời điểm đó bố Xuân Hùng ở nhà lo liệu việc bán buôn cùng với con gái, còn Xuân Hùng trên thành phố có nhiệm vụ tới lui chăm sóc người mẹ đang bị một lúc hai căn bệnh oái oăm là hở van tim và suy thận. Thời điểm năm cuối phải tập trung học hành lại bận rộn chăm sóc mẹ, Xuân Hùng và Trọng ít có thời gian dành cho nhau hơn. Lúc đó Xuân Hùng cũng có tâm sự với người yêu về bệnh tình của mẹ, cũng được Trọng an ủi rất nhiều. Những đêm bị ám ảnh váng đầu bởi lo toang, áp lực, Xuân Hùng đều được người yêu dỗ ngủ bằng những câu nói rất đỗi ấm lòng.
Xuân Hùng rất thương mẹ, thấy mẹ đau cậu cũng rất đau. Bệnh tình của bà ngày càng nặng hơn, đến mức bố cậu lo quá không chịu nổi thì bỏ luôn việc buôn bán ở nhà mà lên Sài Thành chăm sóc vợ. Nhìn thấy người mẹ ngày càng tiều tuỵ, Xuân Hùng cũng không tránh khỏi đau lòng. Tiền phẫu thuật cho mẹ là rất lớn, dù nhà cậu đủ khả năng lo được nhưng cũng phải chạy đi bán gấp mấy cái nền. Tỉ lệ thành công của hai ca phẫu thuật cũng khá cao, nhưng nhìn thấy dáng vẻ tiều tuỵ của mẹ là Xuân Hùng lại cảm nhận được một nỗi đau lòng da diết.
Hôm đó trời tối nhá nhem, Xuân Hùng ngồi cạnh giường bệnh của mẹ, vừa gọt trái cây cho bà ăn vừa hỏi rằng: "Mẹ, nuôi con đến bây giờ rồi, mẹ có trông đợi gì ở con không?"
Mẹ cậu liếc sang nhìn con đầy khó hiểu: "Sao lại hỏi vậy? Làm như mẹ sắp chết rồi ấy."
"..." Xuân Hùng không biết trả lời như thế nào.
Đúng là không nên nghĩ quá tiêu cực, nhưng qua lần này Xuân Hùng đã nhận ra được sự đau đớn của sinh ly tử biệt. Những đêm nằm trên giường nghĩ về viễn cảnh một ngày nọ, bỗng nhiên bố mẹ mình đi mất, cậu cảm nhận sâu sắc được rằng bản thân chắc chắn sẽ không chịu nổi. Huống hồ dù có không phải bây giờ thì cũng sẽ là sau này, chẳng ai mà sống mãi được cả. Xuân Hùng nhìn mẹ, lại nhìn qua những dây truyền dịch đang cắm sâu trên cổ tay bà, đỏ mắt hỏi:
"Con sẽ làm bất cứ điều gì mẹ muốn, miễn là mẹ vui."
Mẹ mỉm cười nhìn cậu: "Cha mẹ nào cũng vậy, đương nhiên là muốn một lần trong đời nhìn thấy con mình thành gia lập thất, lấy vợ sinh con và có một gia đình hạnh phúc đủ đầy. Mẹ không kỳ vọng gì ở con, thật ra mẹ chỉ muốn thấy con hạnh phúc. Con vui là mẹ vui rồi."
Mẹ Xuân Hùng đặt trọng điểm ở hai từ "hạnh phúc", Xuân Hùng lại bắt trọng tâm ở hai chữ "lấy vợ".
-)(-
Hôm đó thằng Trọng chỉ nhận được vỏn vẹn hai tin nhắn của Xuân Hùng là "Tôi xin lỗi" và "Trọng đừng đợi tôi nữa", sau đó cắt đứt liên lạc. Đầu thằng Trọng mọc ra đầy dấu chấm hỏi, không biết tía nhỏ này định bày cái trò gì nữa đây. Nhưng vài tiếng, vài ngày rồi một tuần, một tháng. Thư gửi đến không có hồi âm, tin nhắn gửi không được, số điện thoại thì bị chặn. Nó thật sự vô cùng lo lắng, không biết người kia đã xảy ra việc gì. Đang trong lúc phân vân có nên bắt xe lên Sài Gòn một chuyến hay không, thì thằng Trọng nhận được một cuộc gọi từ bố mẹ.
"Alo! Hai đứa con chia tay hồi nào vậy?" Vào thẳng vấn đề chính, không lòng vòng.
"D... dạ?"
"Sao mày với thằng Hùng chia tay mà không nói bố mẹ biết?"
"Tụi con... đâu có! Ơ nhưng mà sao bố mẹ biết?! Mà khoan đi, tại sao bố mẹ lại nói thế?" Thằng Trọng có một ngàn lẻ một câu hỏi trong đầu. Thoáng chốc, nó nhận ra mình y hệt như Tôn Ngộ Không đang nhảy múa trong bàn tay của Như Lai Phật Tổ.
"Mới nãy bố thằng Hùng mới tới nhà đưa thiệp cưới nè. Bố mẹ tưởng mày với nó lẻn ra nước ngoài đăng ký kết hôn hay gì rồi làm gia đình bất ngờ, ai dè mở ra thấy tên con bé nào lạ hoắc."
"... À."
Hoá ra là xin lỗi vì như vậy.
Thằng Trọng không biết nên khóc hay nên cười. Khóc thì rặn không ra nước mắt, mà cười thì không đủ sức lực để cười. Hai mươi ba năm sống trên cuộc đời, nó lần đầu hiểu được cái cảm giác sét đánh ngang tai. Thằng Trọng nhanh chóng bắt một cuốc xe về nhà, thằng Luân nghe chuyện cũng cuốn gói về theo. Cả tuần sau tụi nó không có môn học gì quan trọng, cúp hết cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến kết quả tốt nghiệp.
Tính ra Xuân Hùng cũng chưa học xong mà đã về nhà lo đám cưới luôn.
Gấp ghê nhỉ.
Suốt cái lúc chuẩn bị đồ đạc, thằng Luân lo lắng tím ruột bầm gan, hỏi Trọng xem nó có ổn không, có chịu nổi không, hay là cứ ở lại học đi, về nhà cũng có để làm gì. Người ta mời bố mẹ mày chứ có mời mày đâu cơ chứ. Thằng Trọng cười toe toét bảo nó không sao, người ta không muốn tao đến thì tao không đến, tao ngồi ngoài bờ sông xem ghe hoa của người ta chạy ngang thôi. Ít ra cũng phải xem người mà người ta cưới là ai, mặt mũi như nào, có cái gì để mà người ta đành lòng bỏ nó đi rồi rước họ về như vậy.
Lúc đầu thì mạnh miệng không ai bằng, nhưng lên xe khách mới bắt đầu xả lũ. Thằng Luân ngồi cạnh thằng Trọng, cứ chốc chốc lại ngó lên xem ngoài trời có mưa hay trần xe có dột không mà vai áo mình ướt nhem ướt nhẹp, quay sang nhìn thì mới thấy cánh tay đang bị đứa bạn tội nghiệp ôm chặt lấy rồi cắn răng khóc như trẻ lên ba. Xe khách có cái danh sách nhạc bolero ru người vào mộng, tiếng nấc lên từng nhịp của thằng Trọng hòa vào những bài ca đó khiến hành khách trong xe ai cũng thấy não lòng.
Luân không biết nên an ủi bạn mình bằng cách nào, chỉ có thể ôm lấy nó rồi vuốt lưng, nhìn ra cửa sổ. Nào nhà nào cây cối ven đường phóng vút qua tầm mắt, nhanh như cái cách những người tưởng chừng là định mệnh lại trong chớp mắt lướt vụt qua đời nhau, không thèm nhìn lại. Thằng Luân đột nhiên thấy thương bạn mình, thấy tức thằng Hùng kinh khủng. Nói yêu bạn nó, nói thương bạn nó, thế mà lại bỏ đi lấy vợ bỏ bạn nó lại một mình. Đến cuối cũng một lời giải thích cũng chẳng có, hay ý cậu ta là thằng Trọng thậm chí không đủ giá trị để nhận được một lời giải thích thỏa đáng từ bản thân? Chắc chắn chẳng có lời giải thích nào có thể được xem là thỏa đáng cả. Thằng Luân siết chặt nắm tay, thầm nghĩ Xuân Hùng mà đứng trước mặt nó bây giờ thì nó sẽ không ngần ngại vươn tay ra bóp cổ.
"Cố lên, kẻ tồi không xứng đáng lấy đi nước mắt của mình."
Trọng vùi đầu vào vai thằng Luân, lắc lắc dụi dụi. "Bởi vậy giờ mới ráng khóc ra cho hết... Hức! Tới lúc gặp nó mà khóc thì còn ra thể thống gì."
Và thế là nó không khóc thật.
Ngày chiếc ghe cưới của nhà Xuân Hùng chạy ngang con sông sau hè, thằng Trọng ngồi ngoài cửa sau trông ra với gương mặt không chút lưu tâm. Xuân Hùng đứng trước mũi ghe khoác tay cùng một cô dâu xinh đẹp với bộ áo dài truyền thống đỏ, tiếng cười nói hát hò và tiếng nhạc ca vui vẻ làm rộn rã cả một khúc sông. Theo thói quen, lúc đi ngang qua Xuân Hùng vẫn đưa mắt nhìn lên bờ vắng, nơi có cây xoài mọc nghiêng, nơi có căn nhà sàn mát rượi mà lâu lâu cậu vẫn hay tấp vào ngơi nghỉ, nơi có nụ cười và ánh mắt sáng ngời như thể được ánh nắng ươm lên, nơi có bóng dáng của người mà hằng đêm Xuân Hùng vẫn luôn nhớ đến trước khi chìm vào cõi mộng.
Bóng người ấy bây giờ đang ngồi ở cửa sau, nhìn thẳng vào mặt cậu. Xuân Hùng giật mình theo phản xạ, giật tay ra khỏi cái khoác tay của cô dâu. Cô dâu khó hiểu nghiêng đầu nhìn chồng mới cưới, rồi sau đó theo tầm mắt của cậu nhìn sang căn nhà gỗ cất cặp mé sông kia.
"Bạn anh hả?"
Xuân Hùng nuốt nước bọt, lắc lắc đầu rồi quay đi. Cái lúc cậu vô thức hất tay vợ mình ra, cậu còn nhìn thấy rõ người kia nhướng lên một nụ cười nhếch mép, bốc một miếng bánh tráng trộn bỏ vào miệng nhai, như thể kẻ thắng đang dõng dạc dùng ngôn ngữ hình thể để nói với cậu rằng: "Để rồi xem, thằng nào lụy."
Anh Xuân từ trong nhà đi ra ngồi xuống bên cạnh Trọng, hỏi nó: "Ê, không buồn hả?"
Trọng nhếch mày. "Buồn làm chi, kiểu gì vài năm nữa nó chả bỏ vợ nó về đây xin lỗi em."
"Tự tin dữ ha."
"Thế cá không?" Trọng cười hì hì. "Năm năm nữa mà nó không về đây kiếm em thì em đi lấy vợ."
Anh Xuân bĩu môi. "Mày đợi thì mày đợi đi, tao không chơi."
-)(-
"Rồi ai lụy?"
Thầy Trọng cười hề hề, cú đầu thằng Lực. "Ô kê, thầy lụy được chưa?"
Thằng Quân mếu mếu: "Thế đã mấy năm rồi thầy?"
Thầy Trọng nhẩm nhẩm đếm. "Ờ, năm nay thầy 28 tuổi, vậy cũng bốn năm rồi."
"Vậy qua năm sau mà chú Hùng không về là thầy đi lấy vợ hả?" Vũ hỏi.
"Ừ." Thầy Trọng đáp, nhưng mặt thầy lại không tỏ ra chút buồn rầu nào, thậm chí có là có chút buồn cười. "Nhưng sẽ không bao giờ có chuyện đó đâu."
Thằng Lực là đứa đầu tiên phát hiện ra một chi tiết khó hiểu: "Nhưng mà nếu vậy thì cái cô hôm qua đến kiếm thầy là ai vậy?"
Thầy Trọng bật cười, xoa xoa cằm rồi đáp: "Vợ chú Hùng đó."
"HẢ?!"
-)(-
Hôm đó lúc vợ Xuân Hùng đến gõ cửa nhà, thầy Trọng mới liếc mắt nhìn một cái thôi là mặt đã xanh như tàu lá chuối. Thật ra lúc đầu thầy không nhận ra, vì dù gì cũng rất lâu rồi và lần đầu tiên thầy Trọng nhìn thấy người phụ nữ này cũng là lần duy nhất, khi thuyền rước dâu chạy ngang nhà vào bốn năm về trước. Nhưng thời gian trôi qua bao lâu cũng chẳng làm mờ đi nét xinh đẹp yêu kiều của cô gái. Giờ chắc cũng chỉ hai tư hai lăm, mắt phượng mày ngài, mặt hoa da phấn trông vô cùng ra dáng con cái của bậc gia đình tri thức.
Thầy Trọng đứng hình khoảng chừng là năm giây, khi phát hiện ra đây là vợ của người yêu cũ thì đứng hình thêm năm mươi giây nữa. Thầy dáo dác nhìn quanh quất xem vị chính thất này có dắt theo đồng bọn cầm gạch chổi chảo nồi hay thùng axit nào không. Thầy còn là thầy giáo nữa, bị đánh ghen là mất việc liền.
Thế nhưng cô gái lại nở nụ cười nhẹ, trong nét hòa nhã có ẩn chứa nỗi buồn rầu. Sự phòng bị trong lòng thầy trọng lập tức giảm xuống không ít.
"Chúng ta nói chuyện một chút có được không?"
Thầy Trọng gật đầu, đi theo cô gái. Cô neo chiếc ghe ở mé sông cách nhà thầy không xa, cả hai lót dép ngồi ở gốc cây xoài mà ngày xưa thầy với Xuân Hùng thường trèo lên ngồi đếm sao vào những đêm lồng lộng gió. Chưa nói được tiếng nào thì đã có hai ba tiếng đập mũi chát chát vang lên, thầy Trọng hối hận vì ban nãy không mời luôn vợ của người yêu cũ vào nhà.
"Cô muốn nói gì với tui vậy, ngồi ngoài này muỗi chích quá. Mình giải quyết nhanh gọn được không?"
Vợ của Hùng lên là Hiền, bật cười đáp:
"Cũng đâu có chuyện gì để giải quyết. Tôi đến đây chủ yếu là muốn đưa cho anh một thứ." Hiền lấy từ trong túi áo khoác ra một lá thư. Bức thư tay ố vàng đã nhuốm màu sờn cũ.
Trọng cầm lấy. Lúc liếc mắt vào nội dung bên trong, đồng tử của thầy càng ngày càng giãn lớn. "Đây là..."
"Chồng tôi viết cho anh đó. Mà không phải chỉ có một bức này thôi đâu. Ở nhà, anh Hùng cất rất nhiều..." Nói đến đây, hiền thở dài thườn thượt. "Đêm nào anh ấy cũng ngồi viết, hỏi viết cho ai vậy thì không nói. Lâu nay tôi vẫn cố mà không tò mò chạm tay vào chúng. Vốn đã không được chồng yêu thương thật lòng rồi, nên tôi cũng cố làm một người vợ hiền ngoan lắm chứ. Nhưng mấy năm trời anh ấy vẫn không hề có một chút lay động nào với tôi. Nhìn mấy bức thư trong ngăn bàn, tôi tò mò kinh khủng."
Hiền nói một tràng, thầy Trọng lẳng lặng ngồi nghe.
"... Tôi lén đọc, thì thấy trong đây toàn là thư viết cho anh, về người con trai mà anh ấy yêu nhất thuở thiếu thời. Hôm nay tôi đến đây, chủ yếu là để trả ảnh cho anh. Và để xem xem mặt mũi của cái người mà chồng tôi yêu đến chết đi sống lại ấy như thế nào."
Đột nhiên thầy Trọng hơi mỉm cười. Sợ bị kêu là thất lễ, thầy nhanh chóng giải thích: "Trùng hợp thật... Lúc trước khi nghe Hùng lấy vợ, tôi cũng tức tốc bắt xe từ trường đại học về nhà để nhìn mặt cô. Muốn xem xem rốt cuộc là ai mà có thể khiến anh ấy bỏ tôi dứt khoát như vậy."
Hiền mỉm cười, không nói gì. Giờ nhớ lại, cô mới nhận ra kể từ cái lúc Hùng nhìn thấy Trọng bên bờ sông rồi vội vã rút tay ra khỏi cái khoác tay của mình, là cô đã thua rồi. "Ảnh chưa bao giờ bỏ anh theo tôi hết."
"Mấy năm qua Xuân Hùng đối xử tốt với cô không?" Trọng hỏi.
"Có." Hiền đáp. "Anh ấy tốt đến mức mà khiến tôi không tài nào ngừng hy vọng đến một ngày nào đó anh ấy sẽ yêu tôi. Nhưng tôi cũng vừa mới nhận ra... Cái tốt đó không phải là dấu hiệu đèn xanh mà là lời từ chối sâu sắc nhất trên đời. Ảnh tốt với tôi như người chủ nhà đối đãi với khách, với bạn bè thân quen. Chứ không phải đối với gia đình."
Nói tới đây, Hiền phủi quần đứng dậy. "Thôi cũng muộn rồi. Xin lỗi vì đã làm phiền anh. Tôi về đây. Vài bữa nữa thủ tục ly hôn sẽ xong. Tôi cũng xin lỗi anh vì đã cướp mất bốn năm bên nhau của hai người."
Trọng ngước mắt lên. "Bố mẹ cậu ấy không phản đối sao?"
"Tôi chủ động đề đơn, cũng nói chuyện với anh Hùng rồi. Dù bố mẹ anh ấy không đồng ý thì quyền quyết định cũng ở chúng tôi mà. Đúng là bố mẹ anh Hùng cũng đối xử rất tốt với tôi, nhưng thời gian qua, thấy anh ấy lấy vợ rồi mà chẳng những không vui hơn, thậm chí ngày lại càng trở nên trầm uất, họ cũng sốt ruột lắm."
Dứt lời, cô liền nhảy xuống ghe, tháo dây chuẩn bị chèo về nhà. Đúng là con dâu của gia đình Xuân Hùng. Thời này mà muốn kiếm ra được một người lái ghe chạy trên sông còn khó chứ huống chi là một người phụ nữ.
Nhìn thấy bóng lưng gầy mong manh ngày càng xa dần, mái tóc búi lên với vài lọn tung ra bị thổi bay lất phất bởi gió trời lồng lộng, Trọng bỗng nhiên thấy buồn thiệt buồn. Thật lòng mà nói, nếu như bốn năm qua Xuân Hùng phải lòng yêu Hiền, hạnh phúc sinh con và có một gia đình đầm ấm với cô ấy, thì Trọng còn thấy nhẹ lòng hơn. Thà để một mình thầy đau là được rồi. Con gái có lứa có thì. Hiền lại y như cái tên, hiền lành xinh đẹp lại còn hiểu chuyện như vậy. Sau khi biết rõ sự tình thậm chí còn chẳng than trách vì bị mất đi bốn năm tuổi xuân, mà lại còn xin lỗi Trọng bởi đã lấy đi bốn năm bên nhau của hai người.
Trọng thấy có lỗi với người ta quá.
Thầy thở dài, đứng lên bước vào nhà. Một chiếc lá còng nhỏ nương gió rơi xuống mặt sông. Một con cá nhảy lên đớp, sau đó nhả ra khi nhận thấy đây không phải thứ đồ mà mình ăn được.
-)(-
"Đó, mọi chuyện là vậy đó."
Lúc câu chuyện kết thúc cũng là lúc mặt trời đã chuẩn bị đứng bóng trên khoảng trời xanh cao. Lúc sáng thầy Trọng đã nói mẹ mình nấu nhiều nhiều cơm một chút để bữa trưa, bốn đứa nhỏ ở lại cùng ăn. Bố mẹ thầy đặc biệt thích con nít nên chẳng những nấu nhiều cơm mà còn chuẩn bị thêm một bàn đồ ăn lớn, cộng thêm mấy đĩa trái cây trông vô cùng thịnh soạn. Ngồi vườn kể chuyện mấy tiếng đồng hồ thầy cũng khát nước, thế là liền lùa tụi nhỏ vào nhà.
Sau khi nghe xong một câu chuyện quá đỗi vĩ mô so với bộ não bé tí của mình, tụi nhỏ đều bần thần trì độn. Đúng như cái cảm giác sau khi bạn cày xong một bộ phim dài tập hay rúng động lòng người, vừa chấm dứt tập cuối rồi thì bạn sẽ có cảm giác trống rỗng vô tri, không biết mình nên làm cái gì tiếp theo nữa.
Tụi nhỏ kéo nhau ra lu nước rửa tay sau đó ngồi vào bàn ăn. Bàn ăn nhà thầy Trọng là một cái bàn gỗ tròn rất lớn, lớn hơn cả bàn ăn cưới, cảm giác có thể chứa được cả mười người. Mọi người vừa ăn cơm vừa xem thời sự, đang vui vẻ thì đến đoạn học sinh nghèo vượt khó, thầy Trọng liền theo bản năng dựa vào đó để giáo huấn mấy đứa nhóc loi choi:
"Đó thấy chưa. Người ta ở trong vùng sâu vùng xa khó khăn, ngày nào cũng phải leo qua ba cái núi bốn con sông, vật lộn với sư tử rồi đánh nhau với cá sấu mới đến trường được; vậy mà người ta vẫn chăm chỉ học giỏi. Mấy đứa con phải học tập bạn đó, ăn sung mặc sướng rồi suốt ngày chỉ biết lười chảy thây ra, kêu đi học bài là mặt xệ xuống như chó bull."
Mấy đứa nhỏ ngồi nghe mà thấy cái đầu nhức bưng bưng chẳng khác nào Tôn Ngộ Không bị sư phụ trì chú siết vòng kim cô.
Hai ông bà Tư thây mấy đứa nhỏ tội nghiệp thì liền đánh lạc hướng thằng con trai nói nhiều. Vừa gắp thức ăn cho mấy đứa nhỏ, mẹ Trọng vừa hỏi: "Tính ra thằng Hùng đi nghĩa vụ quân sự cũng hai năm rồi há, không biết chừng nào nó về. Chắc cũng sắp rồi hả Trọng? Ngày nào con biết không?"
"Ngay bữa nay nè mẹ." Thầy Trọng đáp. Nghe đến cái tên này là khoé cười lại liền kéo lên rạng rỡ.
Nhưng chợt nhiên thầy Trọng mới nhớ đến sự hiện diện của ba đứa nhỏ bên cạnh. Thầy liền khe khẽ liếc sang, nhận ra ba cái đầu tròn vo đang nhìn mình với ánh mắt săm soi không thèm chớp lấy một cái.
Thầy Trọng liền cười chữa cháy, phất phất tay: "Hùng này Hùng khác."
Tạm tin là vậy. Ba đứa nhỏ liền quay xuống ăn cơm tiếp.
Nhưng ông trời không phụ lòng người (mà phụ lòng người thích chém gió), thầy Trọng vừa dứt câu thì đã nghe con Lu đang nằm ngủ trưa ngoài trước cửa nhảy lên hàng rào sủa inh ỏi. Cái tiếng sủa này không phải là tiếng sủa người lạ, mà là tiếng sủa mừng người quen. Ngày trước lúc mới vừa tốt nghiệp đại học xong, thầy Trọng gặp được con cún này ở trên huyện. Khi đó nó còn nhỏ xíu, mình mẩy lấm lem đất cát. Thầy Trọng đang đi trên đường thì cu cậu từ trong bụi lùm tông ra đụng vào chân thầy sau đó ngả ngang té xỉu - xỉu nhưng vẫn hé mắt để xem người ta có để ý đến mình hay không - đúng cái kiểu lao đầu vào xe người đi đường xong nằm ăn vạ tống tiền của phường đào lửa mất não hiện nay.
Ngày đó thầy Trọng thấy con chó này mắc cười quá nên đem về nuôi luôn, nhìn lướt qua là biết nó khôn rồi. Và may là nó khôn thật. Bình thường nó không bao giờ sủa bậy, cũng không sủa con nít (trừ khi con nít cố tình chọc nó, nó sẽ rượt tới nhà, vì đã được thầy Trọng huấn luyện rồi). Nó chỉ sủa khi nhìn thấy người lạ mặt lảng vảng tới lui trước nhà hoặc sủa mừng người quen thôi. Như hiện tại là nó đang sủa mừng người quen. Con này giọng sủa ghét và sủa mừng của nó cũng rất khác nhau, thầy Trọng biết vậy không phải do thầy hiểu tiếng chó mà là do thầy nghe nhiều nên quen.
"Trọng ơi!"
Giọng nói quen thuộc cất lên, thầy Trọng thầm nhủ "Chết mẹ rồi!"
Mẹ của thầy nghe giọng thì phản ứng nhanh không thua kém, lập tức buông đũa xuống chạy ra cửa đón người. Ba đứa nhóc loắt choắt cũng tò mò phóng ra, nhìn thấy người kia thì mấy cặp mắt thơ ngây đều mở tròn lên hết cỡ.
Trắng. Đẹp trai. Tóc đen, dày. Mũi cao. Và quan trọng nhất là có hai nốt ruồi rất đặc trưng trên gương mặt.
"Chú Hùng?" Thằng Lực dè dặt hỏi.
Xuân Hùng ngỡ ngàng nhìn thằng bé, sau đó tự chỉ vào ngực mình: "Sao con biết chú? Con là ai vậy?"
Lúc này thầy Trọng từ trong nhà chạy ra, biểu cảm trên gương mặt vô cùng đặc sắc và đa dạng. Xuân Hùng bị nhốt trong môi trường quân đội suốt hai năm nhớ người yêu muốn chết đi được, lập tức nhào tới ôm thầy Trọng rồi thơm vào má thầy chóc chóc chẳng nể nang ai. Thầy đập đập vai Xuân Hùng vùng ra, miệng la lên oai oái: "Có con nít có con nít, có mẹ em nữa! Anh làm gì vậy!?"
Mấy đứa nhỏ khi này không hiểu gì cả, cứ nghĩ là thầy Trọng bị cưỡng hun. Thế là thằng Vũ với thằng Quân xúm lại ôm chân thầy Trọng kéo ra, còn thằng Lực ôm chân Xuân Hùng cũng kéo ra nốt. Ngưu Lang Chức Nữ vừa gặp nhau chưa được bao lâu đã bị quỷ nhí ngăn cách, Xuân Hùng không khỏi nhíu mày nhìn ba đứa nhóc đang đứng xếp hàng chặn chính giữa mình và người yêu.
"Sao vậy?"
Màn hai cảnh một. Khi này bố mẹ thầy Trọng tiếp tục cùng ngồi trên cái hàng ba trước nhà xem trò vui.
"Ai cho chú đến đây?" Quân nói.
"Hả?" Hùng nghệt mặt ra. "Sao lại không cho?"
"Vì chú dám lấy vợ bỏ thầy của tụi con một mình, để thầy đợi bốn năm!" Thằng Vũ lên tiếng hùng hồn.
Lực tiếp chiêu: "Giờ về đây không có một tiếng xin lỗi thầy con, mà còn cưỡng hun thầy con nữa! Chú đúng là người xấu!"
"Chú lấy vợ hồi nào?!"
Xuân Hùng bị mấy thằng nhóc lên án thì nghệt mặt ra không hiểu chuyện gì. Cậu học ngành tâm lý học. Sau khi tốt nghiệp xong cùng đợt với người yêu thì phải tiếp tục bỏ ra hai năm để học thạc sĩ. Lấy được bằng thạc sĩ rồi lại phải đăng ký đi nghĩa vụ quân sự theo mong ước của bố yêu (vì bố muốn cậu học trường quân đội mà cậu không chịu nên đây cũng xem như là một cách để Xuân Hùng làm bố vui lòng). Thế mà, bốn năm qua cậu cắm đầu vào học hành rồi bán thân cho tổ quốc, làm sao lại thành ra đi lấy vợ để người yêu lủi thủi bơ vơ luôn rồi?!
Cậu ngơ ngác nhìn lên, thấy Trọng ôm bụng nhịn cười, mặt đỏ hết cả lên vì không muốn bật cười thành tiếng. Mấy đứa nhỏ nghe Xuân Hùng bảo mình không lấy vợ thì cũng nghệt mặt ra, đồng loạt quay lại nhìn thầy Trọng.
"THẦY!!!"
"Ủa ai biết gì đâu."
Ba đứa nhỏ bị lừa hai lần, tức mình không chịu nổi. Lập tức hè nhau đu lên người thầy thọc lét. Thầy Trọng bị tụi con nít rượt chạy quanh sân, còn Xuân Hùng mang đống quà vào biếu bố mẹ vợ. Lâu ngày không gặp, Xuân Hùng to cao cường tráng hơn thấy rõ, không còn là cậu công tử bột ốm ốm cao cao luôn vùi đầu vào sách vở của trước kia.
"Bố mẹ con định cuối tháng này sang nói chuyện với hai bác." Thằng Hùng gãi đầu, hai tai hơi đỏ lên, bẽn lẽn. "Hai bác cho con cưới em Trọng nha."
Hai ông bà lại còn chờ điều gì ngoài điều này nữa, lập tức cười phá lên. "Còn hỏi nữa. Cơ mà hai đứa định đăng ký làm sao?"
Thời nay Việt Nam đã cởi mở hơn, nhưng vẫn chưa cho phép đăng ký kết hôn đồng giới. Xuân Hùng mỉm cười nắm tay họ. "Nếu được thì hai đứa con bay sang Thái một chuyến để đăng ký. Gần ngay bên thôi, ở đó người ta cho phép rồi."
"Mừng cho hai đứa."
Đang giữa trưa nhưng trời nhiều mây, nhìn ra sân vườn chỉ thấy một mảng mát rười rượi. Ba nhỏ một lớn cùng một con chó đang rượt đuổi lăn lộn ngoài sân. Con Lu theo phe ba đứa nhỏ, lấy cái thân tròn lẳn như nuốt lu nước của nó đè lên người thầy Trọng liếm mặt thầy, để ba đứa nhỏ thi nhau chọc lét. Xuân Hùng nhìn mà thấy nhột, chạy ra giải cứu người yêu:
"Ê, mấy đứa kia ăn hiếp vợ chú hả?"
"AI VỢ ANH CHỨ!!?? HAHAHA! Nhột quá!!"
Hết.
[1121|110725|8700+]
@pppnhan.
A/N: Hiểu tại sao nó lại là mất dạy ending chua =)))))))))))))))))))))))))
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro