Chương 4: Mộng hồi Bích Du
Chương 4: Mộng hồi Bích Du
Ta nghĩ rằng mình đã chết.
Những kẻ tu ma như ta, chết có nghĩa là tan thành mây khói, hồn nhập lục đạo luân hồi.
Thế mà, sau khi chết đi, hồn phách ta lại phiêu diêu giữa lục giới, cuối cùng trôi dạt đến một nơi rất kỳ lạ.
Nơi này là một tòa thánh điện nguy nga nằm giữa tầng mây ngũ sắc, khắp nơi dát lưu ly lấp lánh, dưới đất trải đầy vàng ngọc, tiên khí lượn lờ, linh khí hội tụ, vốn dĩ là một tòa tiên cung bề thế huy hoàng. Chỉ tiếc, lúc này lại trông tiêu điều lạnh lẽo, dường như lâu lắm chẳng ai viếng thăm.
Ta ngước đầu, trông thấy trên tấm bia đá khổng lồ trước chính điện có khắc ba chữ: Bích Du cung.
Lòng ta bỗng chấn động. Cái tên này khiến ta thấy vô cùng quen thuộc, rồi lại không biết mình đã nghe thấy ở đâu. Đáy lòng bỗng dưng dâng lên một nỗi nao nao khó tả. Ta bèn bước vào trong.
Tòa thánh điện này vô cùng rộng lớn, khắp nơi đều tinh xảo đẹp đẽ tựa cảnh thần tiên, khí thế còn hơn cả Ngọc Hư thánh điện trên núi Côn Luân mà ta từng đến. Chốn này không giản dị trang nhã như Trường Sinh môn, mà lại mang một vẻ đẹp uy nghi đến choáng ngợp, cũng không kém phần u nhã cao khiết.
Ta nghĩ, có lẽ đây từng là chốn ẩn cư thanh tu của một vị thượng thần kim tiên đức cao vọng trọng nào đó, tuyệt chẳng phải phàm phu. Chỉ là, chẳng hiểu vì sao bây giờ lại hoang phế đến nỗi này.
Ta đi qua từng phế tích hoang tàn, trong đầu bỗng hiện lên khung cảnh huy hoàng năm xưa, thuở nào vạn tiên triều bái, thuở nào đồng môn tụ hội, thuở nào cùng quỳ nghe kinh... Thoáng chốc, chỉ còn lại đại điện vắng ngắt trống không.
Chẳng hiểu vì cớ gì, lòng ta lại thấy chua xót vô vàn, tựa như chính mình đã từng trải qua cái cảnh bãi bể hóa nương dâu ấy.
Bỗng đâu, từ chốn nao vọng lại tiếng dao cầm tịch mịch. Ta vô thức lần theo tiếng đàn, vượt qua một cây cầu đá, băng qua một hồ sen đã tàn, cuối cùng đến được một tẩm điện quạnh vắng.
Đêm ấy, ánh trăng bàng bạc như mộng ảo, ta nương theo ánh trăng, trông thấy một bóng người đang ngồi lơ lửng giữa không trung, thong dong gảy đàn. Nam nhân này khoác đạo bào màu trắng, vốn muôn phần tiên phong đạo cốt, tóc lại không búi không đội đạo quan, ba ngàn tóc đen buông xõa như tơ, lại thêm mấy phần tà mị. Ta cố nhìn rõ dung mạo của y, nhưng dường như có màn sương mờ ảo che trước mắt, chỉ thấy được lờ mờ một khuôn mặt tuấn mỹ như thần, thần sắc lạnh nhạt hờ hững, cao quý chẳng dám khinh nhờn, trên trán lại có một ấn ký đỏ sẫm đầy yêu dị, nhất thời chẳng biết là tiên hay ma.
Dường như người đó cảm nhận được ta đang tới gần, tay vẫn không rời khỏi dây đàn, chỉ cất giọng hỏi:
"Quay về rồi ư?"
Giọng người này thanh như trà, lạnh như băng, cao nhã thoát tục, chẳng vương chút trần niệm nào.
Ta ngẩn ra, chẳng hiểu sao lại vô thức tiến đến gần, quỳ xuống dưới chân y.
Người đó ngừng gảy đàn, cúi xuống nhìn ta, ánh mắt bỗng dưng nhu hòa đi, khẽ thở dài, nói:
"Đúng là khờ dại. Dạy dỗ ngươi ngàn năm vạn năm, sao vẫn là con rùa nhỏ ngu ngốc lỗ mãng, không khá hơn chút nào?"
Ta nghe giọng y tuy trách phạt mà lại đầy vẻ cưng chiều như bậc sư trưởng dung túng tiểu bối, bất giác nhớ tới sư phụ.
Nhưng người này... không phải sư phụ ta.
Ta ngước đầu, hỏi:
"Ngài... Ngài là ai? Tại sao ta lại được đưa đến đây?"
Bấy giờ, người đó nhè nhẹ xoa đầu ta, ôn hòa bảo:
"Nha đầu ngốc, vi sư chỉ có thể cứu ngươi một lần nữa. Lần này là cơ hội cuối cùng. Ngươi phải ngoan ngoãn, quý trọng cơ hội này, sớm ngày quay về bên ta, biết không?"
Ta còn chưa kịp hiểu gì, đã thấy từ bàn tay y tỏa ra một luồng sáng chói mắt, luồng sáng nhanh chóng bao lấy ta. Cuối cùng, ta ngất đi, chìm vào hôn mê.
Bên tai ta, vẫn còn văng vẳng tiếng thì thầm của ai đó. Người ấy không ngừng gọi ta:
"Chiêu nhi, Chiêu nhi..."
Nhưng mà, từ khi nào ta lại tên là Chiêu nhi chứ?
....
Trong ánh sáng chói lòa đó, vô số hình ảnh lần lượt lóe lên trong đầu ta như một bức họa cuộn tròn dài đằng đẵng.
Ta trông thấy mình là con rùa nhỏ trên tay một vị thánh nhân. Thánh nhân đặt ta trong lòng bàn tay, nhẹ nhàng vuốt ve cái mai rùa của ta. Ta sợ hãi, vội rụt đầu vào trong, bốn chân cũng thụt vào mai, không dám ló ra ngoài.
Thánh nhân khẽ cười, nói:
"Nhát gan như vậy, sao theo bản tọa tu hành?"
Ta sợ người chẳng thu nhận mình, lập tức lấy hết dũng khí thò đầu ra, ngước ánh mắt long lanh van nài nhìn thánh nhân.
Cuối cùng, thánh nhân cũng mềm lòng, xoa đầu ta, bảo:
"Thôi, bản tọa phá lệ một lần, thu ngươi làm đệ tử chân truyền cuối cùng. Nhớ phải ngoan ngoãn chăm chỉ tu luyện, chớ phụ lòng kỳ vọng của ta."
Ta đã từng đi qua trăm ngọn tiên sơn, vị thần tiên nào cũng khinh thường ta là loài cầm thú súc vật, chẳng phải người, lại bảo ta không có căn cơ tu tiên, cho nên đều từ chối.
Chỉ duy có vị thánh nhân trước mắt là không khinh thường ta, còn chịu thu nhận ta.
Ta vui mừng đến bốn chân sắp chổng lên trời, lập tức dụi dụi đầu vào tay người, bày tỏ lòng cảm kích.
Sư tôn vuốt ve đầu ta, cười nói:
"Tính tình đơn thuần sạch trong như thế, vi sư ban ngươi tên Chiêu Minh vậy."
Từ đó, ta có tên Chiêu Minh, sư tôn lại thường gọi ta là Chiêu nhi.
Chớp mắt ngàn năm trôi, ta ngày đêm theo sư tôn học đạo tu hành, cũng đã gần đến kỳ hóa thành hình người.
Sư tôn không chỉ có mình ta là đệ tử. Người bác ái nhân từ, xem chúng sinh bình đẳng, chẳng phân biệt thần tiên hay yêu ma, người phàm hay cầm thú, chỉ cần có lòng muốn tu đạo, người sẽ truyền đạo cho. Vì thế, môn hạ Bích Du cung vô cùng đông đúc, đủ mọi chủng loài. Thế nhưng, đệ tử do đích thân sư tôn truyền dạy cũng chỉ có bốn người. Trong bốn sư huynh muội, chỉ có ta không phải là người, mà là một con rùa. Sư tôn chẳng những không khinh miệt, trái lại còn để tâm lo lắng cho ta nhất trong các sư huynh muội, ta cũng là đồ đệ được người sủng ái nhất.
Còn nhớ, có một lần, Nhị sư bá Nguyên Thủy Thiên Tôn đến đàm đạo cùng sư tôn, trông thấy ta đang nằm trong tay áo sư tôn, vừa biết ta là một trong bốn đệ tử chân truyền của người, đã thở dài nói:
"Ta biết sư đệ vốn thiện tâm bác ái, nhưng chọn đệ tử phải cẩn thận kỹ càng. Con rùa này vốn là loài thú vật, cũng không có căn cơ, không thành chính quả được. Sư đệ hà tất phí công?"
Sư tôn nghe vậy, chỉ khẽ cười, xoa đầu ta, đáp:
"Nhị sư huynh chớ khinh thị đồ nhi của ta. Tuy chỉ là con rùa nhỏ, nhưng lòng dạ nó không độc dữ bằng lòng dạ con người, hình dáng của nó cũng không xấu xa hơn hình dáng của con người."
Ta dụi đầu vào lòng bàn tay sư tôn, lại nghe Nhị sư bá hừ một tiếng, bảo:
"Vốn nghe sư đệ chọn lựa đồ đệ tùy tiện, không chọn người có đức có tài, mà gặp loài nào cũng sẵn lòng dạy dỗ, thật là không nên. Vạn nhất dạy nhầm bản lĩnh tài ba cho loài yêu ma hung ác, tất làm hại thương sinh vậy."
Sư tôn ôm ta vào lòng, vừa vuốt ve cái mai cứng của ta, vừa thong dong cười nói:
"Sư huynh nói sai rồi. Ðạo là một đường sáng cần phải mở rộng cho chúng sinh. Ðạo dạy người, sửa đời, thì bất kỳ những ai muốn đắc đạo đều có quyền hành đạo, tại sao lại hạn chế, chỉ lựa những người có đức hạnh? Ðạo giúp người hay người giúp đạo? Nếu chỉ lựa những người đạo đức mới cho hành đạo thì hóa ra đã sai lạc ý nghĩa của đạo. Vốn nghe đệ tử sư huynh khinh đồ đệ ta là loài cầm thú, ta lại tin vào "hữu giáo vô loài" (1), thiết tưởng mọi sinh vật trên đời đều bình đẳng trước đạo, không thể phân chia trên dưới, dù là súc sinh cầm thú cũng được quyền học đạo, thì lời khinh miệt ấy rất trái lẽ."
Ta biết, bên ngoài kia đám môn hạ Ngọc Hư thường xầm xì giễu cợt sư tôn nhận đủ loại cầm thú làm đệ tử, bảo người ngày đêm cùng ăn cùng ở với thú vật, không đeo lông thì cũng mọc sừng. Lòng ta phẫn uất, lại càng cố gắng tu luyện hơn gấp bội, để sư tôn không bị cười nhạo vì mình.
Nhưng cuối cùng, người cũng bị nhục mạ vì ta.
Hôm đó, Nhị sư bá tức giận bỏ đi rồi, ta rụt đầu vào mai, không có mặt mũi nào gặp sư tôn.
Sư tôn lại dịu dàng vuốt mai ta, nhẹ giọng nói:
"Chớ để bụng lời của người ngoài. Ngươi là đồ nhi của vi sư, không cần sợ ai."
Ta ló đầu ra, lại bò vào lòng sư tôn.
Có sư tôn thật tốt.
Sau ngàn năm tu luyện chăm chỉ, cuối cùng ta cũng hóa được hình người.
Hôm đó, ta vừa hóa hình xong, mừng rỡ chạy ào tới nơi sư tôn tĩnh tu, nhào vào lòng người reo lên:
"Sư tôn, người xem Chiêu nhi có đẹp không?"
Ta rất vui vẻ, nghĩ rằng từ nay mình không còn bị kẻ khác khinh thường là thú vật nữa, sư tôn cũng có thể tự hào vì ta.
Nào ngờ, sư tôn lại không khen ta. Người phất tay áo, cả người ta đã bị một bộ đạo bào đỏ rực bao kín lại. Sư tôn nhẹ đẩy ta ra, khẽ giọng trách mắng:
"Thật không biết phép tắc! Từ nay xuất hiện trước mặt vi sư phải chỉnh tề xiêm y, biết không?"
Ta ngẩn mặt ra, ngoan ngoãn gật đầu.
Sau này, ta mới biết, hóa hình người rồi thì phải mặc xiêm y, nếu không sư tôn sẽ tức giận. Thật phiền phức.
Chẳng những như vậy, sau khi hóa thành hình người, ta cũng không được thoải mái bò vào lòng sư tôn nghe giảng đạo nữa. Sư tôn nói, nam nữ có khác, không thể gần gũi thân mật. Ta muốn biến trở về thành con rùa để chui vào lòng người, sư tôn cũng không cho.
Hết cách, ta chỉ đành ngồi dưới chân sư tôn, thi thoảng tựa đầu vào chân người.
Sư tôn không phản đối, ta trộm vui mừng.
Khi ấy, ta vẫn nghĩ, ít ra, có được hình dáng con người rồi sẽ không có ai khinh miệt mình nữa. Nào hay, đó chỉ là suy nghĩ ngây thơ của ta.
Cho dù có thoát khỏi lớp thú vật, trong mắt các vị tiên thánh kia, ta mãi mãi cũng chỉ là loài súc sinh cầm thú, không xứng đáng tu tiên đạo.
Đến khi trận chiến Phong Thần bắt đầu, những tháng ngày an nhàn thư thái của ta ở Bích Du cung cũng kết thúc.
....
(1)Hữu giáo vô loài: Lấy từ "Luận ngữ" của Khổng Tử, có nghĩa là bất kể chúng sinh sang hèn hiền ác đều có thể dạy dỗ thành người hiền tài, đều xứng đáng được học hành.
@Tác giả: Hmm, chắc mọi người cũng đoán ra sư tôn là ai nhỉ? :v
Hồi nhỏ xem "Phong thần bảng" khá là ghét Thông Thiên giáo chủ vì bênh đồ đệ mù quáng mà gây ra bao chuyện, môn đồ Bích Du cung thì toàn là yêu quái hung thần ác sát, có cảm giác giống giáo chủ tà ma ngoại đạo hơn là thánh nhân. Tới khi đọc nguyên tác "Phong thần diễn nghĩa" thì thấy tội cho Thông Thiên giáo chủ với Bích Du cung quá trời, bên Ngọc Hư cung toàn chơi đánh hội đồng, sư trưởng bắt nạt con nít. :((( Rất thích quan điểm "hữu giáo vô loài" của giáo chủ. ❤
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro