Tôi là một cuốn sách mở trước cậu ấy
Tôi trượt tuyển, Tại Dân đi định cư. Mọi thứ cứ vậy mà tiến tới.
Với một đứa như tôi, khi đã lặng lẽ chấp nhận chuyện người mình cảm nắng sẽ định cư ở nước ngoài trong sự mất mát không thể bày tỏ, thì chuyện cả cái tuyển chỉ mỗi tôi trượt mới là một cú rìu bổ đôi. Tôi không khóc, hoặc khóc không ra nước mắt gì đấy tôi chẳng nhớ. Nhưng lần đấy tôi thảm thật, một nửa mệt mỏi với đoạn rung động dành cho Tại Dân chưa dứt, dẫu cậu bạn đã đi xa đến một nửa địa cầu, một nửa thất vọng đến cực độ vì trượt tuyển.
Tình đầu của tôi, cậu ấy đậu tuyển quận. Một kết quả không thể mỹ mãn hơn nhưng cũng chẳng bất ngờ gì nhiều. Đông Hách, chữ "Đông" tôi chưa rõ, nhưng chữ "Hách" đối với tôi lúc đó và sau này, vẫn luôn là chữ Hách trong từ "hiển hách" đấy.
Thì, với hệ thống giáo dục của chúng tôi năm đó, đậu lên tuyển quận để thi thành phố nghĩa là có điểm cộng vào kỳ thi tuyển sinh chuyển cấp. Đây mới là mục đích thi tuyển của tôi, có điểm cộng lại chẳng lợi quá còn gì. Nhất là khi điểm nghề của tôi chỉ có nửa điểm, vâng, xếp loại nghề trung bình. Và tôi trượt, trượt đấy, trắng tay. Hơn nữa, tôi thật sự học tốt môn tuyển, đến cô chủ nhiệm tuyển cũng phải công nhận. Nhưng lại chỉ tốt bài tập vì tôi không giỏi học thuộc cho lắm, và đề thi thì ra hơn một nửa lý thuyết. Tôi biết cô chủ nhiệm tuyển của tôi buồn vì tôi, thế nên tôi cật lực tránh né cô.
Đông Hách dung túng sự nhạy cảm của tôi trong im lặng. Đó là điều mà mãi sau này kĩ càng nhìn lại, tôi mới nhận ra.
Cậu ấy hiểu tôi cảm thấy tội lỗi với cô giáo dạy tuyển ra sao, hiểu bản thân tôi giằng co giữa mất mát và thất vọng thế nào. Nhưng Đông Hách xưa nay không thích chối bỏ sự thật. Đối với cậu ấy, trượt hay đỗ gì cũng là kết quả thôi, đến thì chấp nhận. Tôi thì không, tôi vừa buồn vừa ngại. Cô dạy lớp cuối dãy, mỗi lần thấy cô đi ngang qua, tôi đều giả vờ úp mặt xuống bàn ngủ. Đông Hách thấy cũng chẳng nói chẳng rằng, vờ như không biết. Có lẽ cậu ấy thừa hiểu tôi buồn, và cũng hiểu chả thằng con trai nào ở cái tuổi đấy lại muốn bị bạn nhìn thấu sự trốn tránh ê chề của mình cả. Đông Hách luôn im lặng, cậu ấy thậm chí còn dễ chịu (một cách vô cùng kì lạ) mà đổi tôi vào trong ngồi.
Tôi né luôn đoạn đường đi ngang qua phòng giáo viên, dù rằng đó là đường dẫn tới nhà xe nhanh nhất. Tôi né luôn góc căn tin mà đám tuyển của tôi hay ngồi, tôi cúi gằm đầu đi ngang qua cô giáo dạy tuyển nếu vô tình buộc phải, chỉ kịp gật đầu lí nhí chào cô lễ phép rồi rời đi thật nhanh. Sự hối hận và thất vọng của tôi ngày một lớn. Cho tới một hôm, cậu ấy nhận ra tôi không thể thoát ra khỏi sự áy náy của mình. Và Lý Đông Hách đã trị tôi ra trò.
- Cô đi ngang qua rồi, mày ngẩng lên đi.
Tôi nghe giọng cậu ấy thản nhiên vang lên, như bao ngày. Thời điểm đó tôi không buồn thắc mắc tại sao cậu ấy biết tôi tránh mặt cô giáo dạy tuyển nữa. Nó rõ quá còn gì, rõ tới mức đám tuyển của tôi dù không học cùng lớp còn nhận ra. Và lúc tôi ủ dột ngẩng đầu lên, cô đang đứng ngay đầu bàn của tôi và Đông Hách.
Đề phòng tôi chưa kể, tôi và cậu ấy khá cao so với mặt bằng chung của cả lớp, thế nên hai đứa tôi ngồi ở bàn cuối bên cạnh cửa ra vào.
Cô nhìn tôi chằm chằm, tiết sau là tiết thể dục, cả lớp không để ý bàn cuối có vấn đề gì. Đứa nào chả biết tôi thuộc tuyển Sinh, thế nên bọn nó cũng chẳng lạ gì việc cô đến lớp tìm tôi. Cả lớp nhốn nháo ùa ra khỏi lớp để xuống sân học nhảy xà, để lại cô, tôi, Đông Hách.
- Em xin phép cô em đi trước ạ !
- Em chuyển lời đến thầy là cô cần gặp Nhân Tuấn nên bạn vào tiết hơi muộn một chút nhé. Cô cảm ơn em !
- Dạ, em biết rồi ạ. Em chào cô. Xuống sau nhé !
Tôi thấy cặp chân của Đông Hách đứng lên khỏi ghế, trong tình trạng cúi gằm mặt, tôi thấy hai mũi giày của cậu ấy so lại song song với nhau rồi bước khỏi lớp. Giọng nói nhẹ nhàng lễ phép của cậu ấy cùng âm điệu ôn tồn nhưng uy nghiêm của cô giáo vang trên đỉnh đầu. Trong một khắc đầu óc trống rỗng vì không biết phải làm sao, tối nhớ mình đã để ý thấy giày của cậu ấy cùng kiểu với tôi, chỉ khác màu, còn lại y hệt.
Cuộc nói chuyện với cô ra sao, tôi nghĩ mình nên giữ riêng cho bản thân. Sau này tôi cũng chẳng kể với ai những gì cô đã nói, chỉ biết rằng người giáo viên mà tôi một lòng kính trọng đã đưa tay lôi tôi ra khỏi chuỗi ngày ăn năn áy náy, chuỗi ngày tự ti và mệt mỏi đến mức không thể ngẩng cao đầu.
Và dù sau hôm đó tôi nổi cáu với Đông Hách, tôi vẫn phải thừa nhận, tình đầu của tôi có thể đọc vị tôi tựa một cuốn sách để mở, cậu ấy hiểu mà không cần tôi lên tiếng, cậu ấy luôn để tâm dẫu cái vẻ dửng dưng chưa từng thay đổi. Tôi nợ cậu ấy một lời cảm ơn thật rõ ràng vì chuyện này, bởi chúng tôi đã để chuyện này trôi qua sau một trận cãi nhau mà chỉ có mỗi tôi ầm ĩ, còn Đông Hách chỉ buông đúng một câu.
- Sao phải cúi đầu ? Mày có năng lực hơn thế, mày biết, tao biết, cô biết. Vậy tại sao tao phải trơ mắt nhìn mày mỗi ngày nghi ngờ bản thân mình ?
. . .
Tại Dân, cậu bạn tôi cảm nắng ở phương xa, cũng đậu. Kết quả tới là lúc cậu ấy đã yên vị trong một cái ghế khác, trong một ngôi trường khác ở trời Tây rồi. Nếu trí nhớ tôi còn tốt nhé, thì tôi nhớ rằng trước hôm cậu bạn bay, bọn tôi đã đấu một trận bóng rổ cực chiến, và thời điểm đó tôi chả biết lấy đâu ra cái gan chấp cả Đông Hách lẫn Tại Dân.
Hai đánh một, không chột cũng què. Tất nhiên là thua thảm rồi, vào trận làm gì còn khái niệm bạn bè nếu ở hai phía ?
- Mày sang đó học hành thế nào ?
- Chắc học lại lớp Tám bên đó, hoặc lớp Chín. Tao đoán thế, bố mẹ tao sắp xếp xong cả rồi.
- Nhớ học tiếng Việt cẩn thận, kẻo lỡ sau này về lại lơ lớ, tụi tao hiểu chả nổi đâu.
Đông Hách cười khẩy trêu chọc, phá vỡ bầu không khí chuẩn bị nghiêm trọng của tôi và Tại Dân. Ở thời điểm đó, tôi nghĩ tôi đã có chút run rẩy.
Vì thái độ của Tại Dân.
Tại Dân có vẻ biết gì đó, nhưng tôi cũng không chắc, Tại Dân khó đoán. Nhưng độ khó đoán của Tại Dân sao so nổi với Đông Hách. Tôi không nghĩ nhiều lắm về ánh mắt kì lạ lẫn thái độ nghiêm túc của Tại Dân hôm đó. Nhưng tôi không hiểu, tôi đã nghĩ rất lâu, tại sao Đông Hách phải chọc vào giữa. Kiểu gì nếu mà bị Tại Dân lật tẩy cơn cảm lặng lẽ của mình, tôi chả sử dụng kỹ năng giãy nảy cùng cái vẻ vừa kinh ngạc vừa khinh khỉnh học được từ cậu ấy ra mà chối.
Tôi vốn cũng có định nói ra đâu ?
Sau một trận chấp hai - một, Tại Dân bảo tôi và Đông Hách mỗi đứa một - một với cậu bạn một trận. Lý do bởi ở Mỹ, bóng rổ là môn phổ biến, đấu cho quen. Và đấu cho nhớ, để chúng tôi không quên có một thằng bạn tên La Tại Dân.
Tôi thua cách biệt hai điểm, cũng phải, tôi mới chơi gần đây thôi thì lấy cái gì mà đòi qua được đội trưởng đội bóng rổ. Cách hai điểm đã là đỉnh lắm rồi đấy nhé. Nhưng Đông Hách, tôi nhớ cậu ấy không thua, mà là thắng Tại Dân hai điểm. Chả biết ai giật cót, Đông Hách chặn cứng những đường banh của Tại Dân, những đường banh mà đến thầy hướng dẫn còn khen ngợi ấy.
Và tôi nhớ rằng trong trận đấu một - một giữa cậu ấy và Tại Dân trong cái buổi nhá nhem tối hôm đó, mắt của Đông Hách như toát ra lửa. Cậu ấy như đang giành giật một điều gì đấy, tôi chẳng biết (tất nhiên thì sau này tôi đã hiểu).
Mà cái vấn đề nằm ở thái độ của Tại Dân, cậu bạn có vẻ nhìn thấu Đông Hách, không chấp nhất, và cũng chưa từng có ý tranh giành lại với Đông Hách. Tại Dân vẫn là Tại Dân của thường ngày, với những đường banh nảy lửa, nhưng chả hiểu sao Đông Hách lại thiếu điều hóa thần hóa thánh mà chặn mà cướp.
Đó là câu trả lời của Tại Dân, một câu trả lời cực rõ ràng nhưng tôi và Đông Hách lại mất quá lâu để hiểu.
Tôi không hiểu vì tôi khờ dại và mù quáng. Đông Hách không hiểu, là vì cậu ấy có nỗi lòng riêng, với tôi - một đứa vẫn đang đặt Tại Dân vào mắt.
Từ ngày Tại Dân đi, tôi với Đông Hách như hình với bóng. Mà thật ra ngay cả khi Tại Dân chưa đi, tôi cũng đã ở cạnh Đông Hách nhiều hơn. Tại Dân quản giao và ngọt ngào, nhưng không có nghĩa là ai cũng có thể bước vào cuộc đời cậu bạn. Sau này nhìn lại, tôi vẫn không hiểu tại sao năm đó mình lại nặng lòng với đoạn cảm nắng đấy như thế. Phải chăng bởi vì cậu ấy tốt tính với tôi từ lần đầu tiên biết đến, hay bởi vì khuôn mặt của cậu ấy cứ bừng lên mỗi khi cười, hay bởi vì cậu ấy chẳng tiếc lời ngợi khen tôi. Tôi chẳng biết nữa, tôi không giải thích được cảm xúc của mình khi ấy dành cho Tại Dân. Nó mơ hồ như cái cách mà tôi và cậu bạn dần ít nói chuyện, nhưng chẳng hiểu tại sao lại nặng lòng lâu đến thế. Đến giờ tôi vẫn chẳng thể lý giải nổi, phải chăng bởi vì sự mơ hồ luôn làm người ta chìm sâu ?
Liệu cậu ấy, tình đầu của tôi, có thể thay tôi lý giải không nhỉ, thỉnh thoảng tôi đã thắc mắc như thế. Bởi Lý Đông Hách đọc tôi tựa như trang Sử mà cậu ấy ôn luyện, và cầm chắc kết quả về cảm xúc của tôi trong tay tựa như một phép tính cơ bản mà.
Vậy tại sao cậu vẫn chọn sai hả Đông Hách ? Tại sao vẫn liều mình trưng lên tờ giấy trắng tinh là trái tim cậu cho một đứa khờ dại như tôi ?
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro