internet va cac dich vu mang

1. Giới thiệu về Internet

Từ khi ra đời, máy tính đã góp phần trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau và nhu cầu chia sẻ thông tin cũng như các tài nguyên của người sử dụng càng ngày càng tăng. Như vậy một máy tính riêng lẻ, thậm chí một mạng máy tính cũng không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người sử dụng bởi vì người dùng luôn cần thâm nhập các tài nguyên và các cơ sở dữ liệu của các máy tính ở trên một mạng khác. Từ đó nảy sinh ra nhu cầu cần phải nối các mạng máy tính lại với nhau.

Vào đầu những năm 70, nhiều nhóm trên thế giới đã bắt đầu chú ý tới sự tương thích của mạng và các phần mềm ứng dụng. Vào thời điểm đó thuật ngữ liên mạng (internetworking) nghĩa là việc liên kết các máy tính và các mạng được ra đời (coined).

Tổ chức viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union-Telecommunications Standardization Sector), tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và đặc biệt là những nhà thiết kế của mạng ARPANET (mạng của bộ quốc phòng Mỹ được tạo ra để đơn giản hóa việc trao đổi thông tin giữa nhà phát triển làm việc cho chính phủ và các nhà nghiên cứu quốc phòng) là những người đi tiên phong trong việc phát triển khái niệm liên mạng.

DARPA (Defense Advanced Research Project Agency) đã tiếp nối những bước đi đầu tiên của ARPANET Network Working Group và đã phát triển giao thức dùng cho việc kết nối các máy tính là TCP/IP (Transmission Control Protocol/ Internet Protocol).

Lúc đầu TCP/IP được dùng để nối ARPANET, Packet Radio Net (PRNET) và Packet Satellite Net (SATNET). Khi ARPANET phát triển lên, do những yêu cầu về quản lý, bộ quốc phòng Mỹ đã quyết định chia nó ra thành hai mạng: MILNET (phục vụ các mục đích quân sự) và một mạng khác vẫn lấy tên là ARPANET (hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển). Vào giữa những năm 80 "ARPA Internet" được đổi tên thành Internet.

Dưới góc độ kỹ thuật, Internet là một liên mạng của các mạng máy tính trên toàn cầu giao tiếp với nhau bằng giao thức TCP/IP.

Như vậy, bắt nguồn từ mạng ARPANET Internet đã ra đời từ những năm 80 và cho tới cuối những năm 90 này nó đang được phát triển rất mạnh mẽ. Ðã có tới hơn 20 triệu người sử dụng Internet trên toàn thế giới.

2. Các dịch vụ thông tin trên Internet

Một trong những mục tiêu của Internet là chia sẻ thông tin giữa người dùng trên nhiều lĩnh vực khác nhau ví dụ như sự trao đổi kinh nghiệm, thành tựu, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, sinh viên các trường đại học hoặc như trong lĩnh vực thương mại các công ty, tổ chức có thể dùng Internet để cung cấp thông tin, quảng cáo bán hàng, hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực khác như giáo dục, nghệ thuật cũng cần sử dụng Internet trong công việc của mình,v.v...

Ðể thực hiện mục tiêu này trên Internet có rất nhiều dịch vụ thông tin đa dạng nhưng những dịch vụ hay được dùng nhất là:

2.1> Dịch vụ truyền tệp (File Transfer Protocol)

FTP là dịch vụ cho phép truyền các tệp giữa các máy được nối với Internet. Dịch vụ này sử dụng giao thức có cùng tên là FTP để thực hiện việc truyền tệp. FTP có thể hỗ trợ tất cả các kiểu tệp (văn bản ASCII, nhị phân, các tệp ở các hệ điều hành khác nhau...). FTP là một dịch vụ được sử dụng rất nhiều tuy nhiên nó vẫn còn có hai điểm yếu chính là: không cho người dùng biết mô tả về các tệp hay đúng hơn là người dùng không phải lúc nào cũng biết được toàn bộ danh sách các tệp có thể sao chép và quá trình truy nhập các thư mục để tìm tệp thường chậm.

2.2> Dịch vụ Gopher

Gopher là dịch vụ tra cứu thông tin văn bản trên Internet theo chủ đề của thông tin. Dịch vụ Gopher hoạt động theo mô hình client/server và sử dụng giao thức gopher để trao đổi thông tin giữa khách hàng (client) và máy chủ (server). Khách hàng dùng một phần mềm gọi là Gopher client để tra cứu thông tin trên máy chủ chạy Gopher server. Khi khách hàng gửi yêu cầu tới Gopher server thì Gopher server sẽ gửi lại cho khách hàng một danh sách các chủ đề thông tin được tổ chức dưới dạng các thực đơn (menu). Các thực đơn này được tổ chức theo cấu trúc phân cấp và thông tin được lưu dưới dạng các văn bản nằm trong cấu trúc phân cấp này. Người dùng có thể dựa vào hệ thống thực đơn để hiển thị văn bản cần xem, ghi văn bản đó lại hoặc thực hiện tìm kiếm dựa vào các chỉ mục (index). Một số đề mục trong thực đơn có thể kết nối với các máy chủ khác và một số dịch vụ thông tin khác như FTP, WAIS, v.v...

Gopher không hỗ trợ các thông tin dạng multimedia (hình ảnh, âm thanh...) như vậy Gopher thích hợp với những nơi có đường truyền tốc độ chậm. So với dịch vụ FTP thì Gopher cho phép tìm kiếm và xem thông tin nhanh hơn.

2.3 Dịch vụ World Wide Web

Dịch vụ World Wide Web (WWW) là dịch vụ thông tin mới nhất và mạnh nhất trên Internet. Ðiểm mạnh của WWW là nó có khả năng tích hợp (integrate) các dịch vụ thông tin khác nghĩa là ta có thể sử dụng FTP, Gopher, WAIS, E-mail thông qua WWW. Hơn nữa, WWW cung cấp các dịch vụ này theo một cách trực quan, dễ hiểu và dễ sử dụng.

Ngoài các dòng văn bản, WWW còn hỗ trợ cả các thông tin dưới dạng đa phương tiện (multimedia), đồ họa. Các trang Web được viết bằng ngôn ngữ HTML (hypertext markup language); HTML cho phép ta tổ chức kết hợp các thông tin, nối các trang Web với nhau và với các dịch vụ thông tin khác nhờ vào các siêu liên kết (hyperlink) để tạo ra các trang Web đẹp và hấp dẫn.

2.4 Dịch vụ WAIS

WAIS (Wide Area Information Servers) dùng để tìm kiếm thông tin và dữ liệu trên Internet. Trong khi Gopher và WWW tập trung vào hiển thị dữ liệu và còn ít khả năng tìm kiếm dữ liệu thì WAIS ngược lại, nó tập trung vào việc tìm kiếm dữ liệu. Gopher và WWW yêu cầu người dùng biết trước tìm kiếm thông tin ở đâu còn WAIS thì không cần. WAIS tìm kiếm thông tin theo một hoặc nhiều từ khóa trên một danh sách các máy chủ (servers) và thông báo lại cho người dùng về kết quả của việc tìm kiếm để từ đó người dùng có thể chọn ra những văn bản nào cần xem. WAIS có thể hỗ trợ nhiều kiểu dữ kiệu khác nhau nhưng nó làm việc tốt nhất là với những kiểu dữ liệu dạng text bởi vì WAIS tìm kiếm thông tin dựa vào từ khóa, còn đối với những kiểu dữ liệu ảnh thì nó chỉ còn cách tìm kiếm dựa vào tên file ảnh. Nhược điểm của WAIS là nó có một cơ sở dữ liệu các chỉ mục lớn.

2.5 Dịch vụ thư điện tử

Thư điện tử (E-mail) là dịch vụ được sử dụng rộng rãi trên Internet. E-mail giúp ta trao đổi thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện với nhiều người hơn là khi dùng các dịch vụ thông tin khác. Ðây là một dịch vụ có từ rất lâu, có ưu điểm cơ bản là đòi hỏi cơ sở hạ tầng ở mức độ thấp vẫn hoạt động tốt.

Mỗi người dùng E-mail trên Internet đều có một địa chỉ e-mail riêng. Khi gửi thư cho người khác ta phải dùng địa chỉ e-mail của người đó làm địa chỉ nơi nhận. Một bức thư điện tử bao gồm hai phần:

- Phần đầu thư gồm thông tin về địa chỉ người gửi, người nhận và một vài thông tin khác.

- Phần thân thư là nội dung của bức thư.

Ngoài ra, dựa trên E-mail người ta còn cung cấp được các dịch vụ khác chẳng hạn như Archive, mailing list. Archive là dịch vụ tìm kiếm và chuyển tệp theo yêu cầu của người sử dụng dựa trên e-mail. Archive nhận các yêu cầu về thông tin của người dùng gửi tới (bằng e-mail) sau đó sẽ gửi lại các thông tin này cho khách hàng cũng bằng e-mail. Mailing list là một nhóm các địa chỉ e-mail mà khi có một bản tin nào đó được gửi tới một trong những địa chỉ của nhóm thì tất cả các địa chỉ còn lại của nhóm cũng sẽ nhận được bản tin này. Dùng mailing list ta có thể chuyển cùng một thông tin tới được nhiều người, thảo luận về một vấn đề trong một nhóm.v.v...

2.6 Dịch vụ Telnet

Telnet là dịch vụ cho phép thâm nhập (login) vào các máy tính từ xa. Khi thâm nhập vào các hệ thống từ xa người dùng không những có thể truy nhập các tài nguyên về đĩa và các tệp mà còn tận dụng được tài nguyên bộ nhớ và khả năng của bộ vi xử lý trên hệ thống ở xa đó.

2.7. Mô hình Client-Server

Các dịch vụ trên Internet thường được thiết kế và phát triển dựa trên mô hình Máy khách/ Máy phục vụ (Client/Server). Mô hình này chia một dịch vụ thông tin ra làm 3 phần:

+ Tiến trình ở máy khách sử dụng dịch vụ

+ Tiến trình ở máy cung cấp dịch vụ

+ Giao thức ở lớp ứng dụng mà máy khách hàng và máy chủ dùng để liên lạc với nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #internet