Tiền Dạ Từ Khúc (前夜辭曲)

Ngày hôm qua

Mưa rả rích từ chiều chưa dứt. Rừng trơn nhớp, đất sình lút gót, lá rụng lẫn máu khô của đợt phục kích của trực thăng UH 1 đêm qua. Trung đội dừng lại khi còn cách căn cứ LZ Bird hơn một cây số, ai cũng lặng im ngồi bệt xuống đất, lưng tựa gốc cây, tay vẫn ôm súng. Không ai nói chuyện. Chỉ tiếng lách cách kim loại lạnh va vào nhau, tiếng thở dốc sau mấy giờ luồn rừng không nghỉ. Hơi người hòa lẫn mùi thuốc súng cũ, mồ hôi chua, lá mục nồng và đôi khi là mùi thịt khét từ mảnh áo rách sém lửa đeo ở vai một người vừa thoát chết.

Trời sụp tối dần. Rừng càng lúc càng đặc quánh, như ai úp một tấm chăn đen rách nát lên cả đơn vị. Tiếng côn trùng kêu to, tiếng ếch nhái oàm oạp đâu đó dưới ruộng cạn, tiếng nước nhỏ giọt từ vòm lá cao xuống cổ áo. Ai cũng mệt. Sũng nước, bùn lấm qua đầu gối, đai súng nặng chĩu đè lên xương bả vai đã đỏ lừ vì cọ suốt ngày. Những tấm poncho nhàu, những băng đạn ướt sũng, bi-đông nước trống không, mấy dây thừng cuốn quanh bụng, cả khẩu AK47 đen ngòm gác ngang đùi. Không còn gì là sạch, kể cả linh hồn.

Mẫn ngồi kế bên Đình, hai lưng tựa cùng một gốc cây dầu cao ngồng đã bị bom chém mất ngọn, thân cháy xém đen. Cơn mưa vừa dứt, hơi nước còn bốc lên từ rừng rậm, khiến không khí đặc quánh và nặng mùi như một lớp băng ẩm đè lên ngực.

"Ngủ được không?" – Mẫn hỏi mà mắt không rời khỏi khoảng tối phía trước, nơi rừng mở ra một khe đất nhỏ, có thể là lối đi của địch.

Đình lắc đầu. Em không đói, không khát, nhưng đầu nhức nhối, tim đập nhanh như trống gọi hồn. Từ sáng đến giờ em cứ có cảm giác ai đó đang nhìn, như thể cơn chết đang bò sát sau gáy.

Thấy thế, Mẫn rút trong túi áo ngực một gói vải nhỏ, đặt vào tay em. "Uống cái này đi. Giúp đầu tỉnh hơn chút."

Đình mở ra – vài viên thuốc méo đầu, màu xám bạc, dính bụi đất. Mẫn nói thêm, giọng đều đều như kể chuyện lính: "Nhưng dễ mơ thấy ác mộng."

"Chị từng dùng?" – Đình ngập ngừng, nhìn viên thuốc trên tay như thể nhìn một hạt giống chưa biết sẽ mọc lên cây gì.

Không trả lời ngay, Mẫn móc ra bao thuốc vàng từ túi áo, nhét giữa hai ngón tay rồi hất nhẹ. Một điếu bật lên, quen tay. Chị cúi đầu, cắn lấy nó bằng răng, cử động bình thản như thể đã lặp đi lặp lại nghìn lần. Tay còn lại thò vào túi quần rút ra cái bật lửa bạc đã trầy xước cạnh mép, nắp khắc hai chữ P.M.

"Chiến dịch Plây Me," Mẫn bật lửa đánh cái tách, lửa xanh phập phồng, "Tuốt tận Pleiku. Bọn Mỹ chạy đi bỏ lại cái này. Giữ đến giờ, chả hiểu sao."

Đình nhìn ngọn lửa nhỏ run lên trong tay chị mà không khỏi liên tưởng tới điều gì mong manh. Như lửa bếp ở quê mỗi mùa gió bấc, vừa ấm vừa dễ tắt. Mẫn châm thuốc. Khói đầu tiên vừa cuộn lên đã bị hơi mưa ướt sũng chặn lại, dính bệt vào cổ áo, nhưng rồi cũng uốn lượn vươn ra như một dải lụa bạc nhỏ, lặng lẽ, mềm mại.

Mùi thuốc lá đậm, cay và đắng nghét – không phải thứ mùi dễ chịu, nhưng qua khứu giác của Đình, nó lại trở nên dịu. Như thể cái đắng ấy đã đi qua một màng lọc ngọt ngào trong tâm trí em – nơi chỉ lưu giữ những gì thuộc về chị. Mùi khói ám lên vai áo, quyện với mùi đất ẩm, mùi vải bạt ướt, mùi thuốc súng khét khét từ trận giao tranh đêm qua... Tất cả hòa vào nhau, nhưng khói thuốc của chị vẫn nổi bật, như thể có linh hồn riêng, có giai điệu riêng. Một mùi khói trầm lặng, kiên trì, ngang ngạnh mà rất đỗi thân quen.

Rồi Mẫn thở ra bằng mũi. Luồng khói chảy ra chậm rãi, không vội vã – nó tách làm hai nhánh mềm như tơ, lượn lên quanh xương gò má, qua môi, tỏa ra từ khuôn mặt ấy như một làn sương mỏng. Dưới ánh sáng lập lòe cuối đầu điếu thuốc, mặt chị hằn rõ hai quầng mắt trũng sâu, những vết đỏ nhợt lấm tấm dọc gò má – dấu vết của sốt rét rừng, của thiếu ngủ, của những tháng ngày mà da thịt phải chịu đựng nhiều hơn ngôn từ có thể kể. Nhưng dưới mắt Đình, tất cả lại đẹp.

Bởi dáng người cao gầy kia, ngồi lặng như một thân cây chống bão, vẫn có cái gì đó khiến thế giới dịu đi. Dù là chiến tranh, là mưa gió, là máu me và đổ vỡ – thì chỉ cần có chị ở đó, mọi thứ như thể trật tự được phục hồi theo một quy luật bí ẩn chỉ Đình mới biết.

Mẫn nói, giọng cộc:

"Mấy năm rồi. Nếu không thì chắc đã phát điên."

Em nghe, không đáp. Chỉ siết nhẹ viên thuốc trong tay – chưa uống. Ngón tay run nhẹ, không vì sợ hãi, mà vì không biết: mình sẽ còn bao nhiêu lần tỉnh táo nữa để ghi nhớ thế giới này, ghi nhớ hình ảnh chị, trong từng hơi khói, từng âm sắc trầm thấp, từng nụ cười thoảng qua như cơn gió.

Mẫn không giục. Chị chỉ nghiêng người, tựa nhẹ vào vai Đình. Ấm, và nặng như một niềm tin.

...

Gió rừng đổi hướng. Thổi qua khe suối nào đó rồi uốn quanh, mang theo mùi lá mục, mùi mưa ngấm đất, mùi tanh lạnh của vỏ đạn đồng chưa kịp rỉ. Không gian tối om, chỉ còn ánh lân tinh từ rêu phát quang lấp lánh dưới một gốc sung mục. Thỉnh thoảng, trong gió, lại vọng về những tiếng tạch xa xăm – như tiếng xích sắt nghiến qua đá, hay tiếng côn trùng bị hơi thuốc súng hun rát cổ họng.

Đình ngồi rút gọn lại như con mèo nhỏ, tay ôm gối, bàn tay vẫn nắm chặt viên thuốc trong lòng như một hạt hy vọng còn sót lại giữa lòng rừng già. Áo em đã ướt, bám đất, tóc rối, môi tím lại vì lạnh – nhưng ánh mắt thì vẫn sáng như ngọn đèn chưa tắt.

Rồi, em khe khẽ hát. Rất nhỏ, như thở.

"Đại bác đêm đêm dội về thành phố

người phu quét đường dừng chổi đứng nghe..."

Giọng em khản đặc vì lạnh, nhưng vẫn trong như giọt mưa đọng trên mái tóc em. Không ngân dài, không luyến láy. Chỉ là đọc lên – nhát gừng, thật thà, như thể em tin rằng mỗi câu hát, nếu nói ra đủ nhẹ, sẽ không đánh thức cái chết đang ngủ đâu đó quanh đây.

Mẫn quay mặt đi, môi mím lại, nhưng khóe môi nhích nhẹ. Không ai thấy rõ trong bóng rừng, chỉ có Đình – người duy nhất ngồi sát bên – biết chị đang cười. Một cái cười rất nhỏ, nhưng là lần hiếm hoi từ đêm qua đến giờ, từ đợt phục kích máu me tới tận lúc này, nụ cười đầu tiên hiện lên được.

Em hát tiếp, môi run run:

"Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình

Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng..."

Câu hát nghẹn ở cổ. Đình cắn môi, rồi nước mắt bất chợt chảy ra, lặng lẽ như mưa thấm đất. Em không rõ là vì mình quá đa sầu hay vì đang lạnh. Nhưng với những câu chữ như thế – thì ai có một trái tim đang đập cũng phải xót xa. Không chỉ cho riêng mình, mà cho những người mẹ già tóc bạc ngồi trông con ngoài ngõ, cho những đứa bé chết khát dưới hầm, cho từng nóc nhà bị thiêu rụi tận cùng thế gian, cho những giấc mơ tuổi mười tám chưa kịp nở đã gãy giữa mưa bom.

Mẫn quay lại, thấy nước mắt em lấp loáng nơi cằm. Chị không nói gì. Chỉ nhẹ đưa tay lên – bàn tay còn vương mùi khói thuốc cay dịu – mà quệt đi giọt nước ấy. Ngón tay chai sần lướt qua má em, dịu như chiếc lá chạm nước. Rồi, chị cúi sát, môi chạm khẽ lên má Đình, một cái hôn nhẹ tênh – như thể gửi lại một mảnh lòng mình.

Và chính khoảnh khắc đó, lớp vỏ bọc mà Đình mang bấy lâu mới bắt đầu rạn ra. Bao nhiêu ngày tháng sống giữa súng đạn, em vẫn là "bé quân y" hay cười hay nói, là đứa luôn miệng chọc ghẹo, luôn gắng tỏ ra lạc quan, là người đưa thuốc, băng bó, dỗ dành, nắn xương cho đồng đội – nhưng chưa một lần cho mình được yếu lòng. Chưa một lần dám bật khóc đúng như cái tuổi mười tám xuân thì vẫn còn đang lớn.

Tiếng nấc đầu tiên bật ra rất khẽ, như thể sợ làm phiền ai. Nhưng rồi, từng tiếng sụt sịt mũi, từng nhịp thở lệch đi vì nghẹn, cứ dần lan ra, tròn trịa, rõ ràng, vang cả một góc khu nghỉ chân. Câu chuyện rì rầm giữa hai tổ trưởng phía xa bỗng im bặt. Ai đó vừa bật lửa nhóm điếu thuốc thì dừng tay. Cả toán lính gác, vốn đang chia nhau hộp lương khô trong tán cây, cũng lặng lẽ ngừng nhai.

Không ai trêu chọc, không ai nhắc gì. Tất cả đều biết con bé này bao lâu nay đã cố gắng tỏ ra trưởng thành, đã gồng lên để làm chỗ dựa cho người khác. Và giờ – khi con bé không còn gồng được nữa – thì điều duy nhất cần làm, là để con bé khóc.

Khóc cho những uất ức chưa từng được nói thành lời. Khóc cho cả những hoài bão đẹp đẽ từng nuôi trong lòng, giờ bị bom đạn nghiền vụn. Khóc thay cho những đồng đội của mình – những người trẻ đã vĩnh viễn mất đi cái tuổi thanh xuân. Người thì nằm lại dưới lớp đất không tên, không mộ. Người thì trở về với thân thể không còn nguyên vẹn. Người thì mất đi tiếng nói, ánh nhìn, cái ôm... Và có người, dù còn sống, nhưng linh hồn đã kẹt mãi nơi bom bay lửa đạn của những năm tháng chiến tranh.

Đình ôm lấy chân Mẫn, mặt vùi vào đầu gối chị, mặc kệ tóc rối, áo bẩn, mặc kệ những tiếng nấc chẳng còn giữ lại được nữa. Cô chỉ cần được khóc, như một cô gái mười tám tuổi đúng nghĩa, đang để những giọt nước mắt làm lành lại mọi thứ trong lòng.

Mẫn không nói gì. Chị chỉ vuốt nhẹ tóc em, một nhịp, rồi một nhịp nữa – như thể vuốt đi những cơn mộng dữ vẫn còn bám lấy. Trên trời, sao đã nhạt. Nhưng trong lòng, đã có một chỗ ấm đang nhen lên – từ chính tiếng khóc ấy.

Chị thì thầm, rất nhỏ:

"Lát có lệnh rồi. Tranh thủ ngủ một chút đi... để chị canh cho."

Đình ngẩng lên, định nói gì đó, nhưng mắt chị đã dịu lại, tay chị đã kéo em nhẹ về phía mình. Chị ngồi xếp bằng, người nghiêng về sau, và để em tựa đầu lên đùi mình như thể em vẫn còn là đứa con gái nhỏ ngồi sau lưng mẹ ngày trú bom. Đình đỏ mặt, tim đập thình thịch – không phải vì hôn, không phải vì gần gũi – mà vì tất cả những gì chị đang trao cho em: một chỗ tựa, một lời trấn an, và cả một nỗi dịu dàng đến đau lòng giữa rừng đêm.

Em mỉm cười. Nhắm mắt. Và để mình tin tưởng, lần nữa, vào một thứ duy nhất còn có thể tin: hơi ấm từ bàn tay chị, đang nhẹ đặt trên vai mình.

...

Trong vòng tay ấy, trong tiếng thở khe khẽ hòa cùng tiếng mưa lặng lẽ rơi trên tán cây, Đình dần thiếp đi. Mẫn vẫn ngồi yên, không nhúc nhích. Tay đặt nhẹ nơi vai em như một thứ bùa hộ mạng sống – giữ cho người trẻ ấy đừng lạc khỏi thế giới này. Không gian dần chìm vào yên tĩnh, chỉ còn tiếng côn trùng và tiếng lách tách của sương đọng trên rêu. Gió đổi chiều, mùi thuốc súng và đất ẩm quyện vào nhau như một loại ký ức chưa từng có tên.

Trong khoảnh khắc ấy, hình ảnh vụt về – đêm đầu tiên gặp nhau ở trạm hậu cứ. Khi đó, Đình vẫn còn mái tóc dài ngang lưng, lưng đeo ba lô to hơn nửa người, mặt mũi ngơ ngác, run như cầy sấy dưới mái tôn ướt nước. Mưa tầm tã. Đống lửa giữa sân vừa tắt ngúm vì gió lùa. Mẫn đi ngang qua – lạnh lùng như một bóng người quen mặt chiến tranh – không nói gì, chỉ ném cho em cái poncho cũ nhàu, rồi ngồi phệt xuống bên cạnh, tay vẫn chăm chú lau cây carbine 44 loang lổ bùn đỏ.

"Có lần," chị nói, giọng như kể cho một người vắng mặt, "người ta đồn về một con cá voi lạc trong biển cạn. Nó bơi mãi giữa sa mạc cát nóng, không nước, không ai nghe được tiếng nó hát. Nhưng nó không ngừng kêu gọi. Vì nó tin – có một kẻ nào đó ngoài kia, cũng đang hát về nó."

Đình – khi ấy còn chưa kịp quen với cách nói nửa mơ nửa thật của Mẫn – ngẩng đầu lên hỏi nhỏ: "Rồi... người đó có nghe thấy không?"

Mẫn không đáp ngay. Mãi lâu sau, chị mới khẽ buông một câu: "Chắc không đâu. Nhưng miễn là nó còn tin, nó sẽ không ngừng hát. Dù có chết đi, nó cũng chết giữa một bản nhạc chưa hát xong."

Cũng như bây giờ, mưa trong rừng vẫn rơi. Dày đặc, lạnh, nhỏ và tàn nhẫn như thể muốn bào mòn mặt người. Nhưng giữa sự rỉ rả ấy, một vòm ấm nhỏ đã được chắp lên – dưới cái poncho bạc màu, giữa hai thân thể đang dựa vào nhau để cùng tồn tại.

Tay Mẫn đặt hờ lên vai em. Ngón tay chai sần từ tháng năm hành quân chỉ khẽ nhích, như sợ đánh thức. Hơi thở của Đình đều dần. Cô gái nhỏ, mệt đến tận xương, đã chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Mẫn vẫn nằm yên, mắt mở, nhìn trân trân vào tán lá đen sẫm phía trên đầu.

Có những lời, khi người kia còn thức, chị không đủ can đảm để nói. Không phải vì sợ bị từ chối. Mà vì sợ nó sẽ làm em đau.

Nên chị đợi – đợi cho em yên giấc, như một cánh nụ đã khép. Rồi mới cúi sát lại, nói thật khẽ, như đang nói với bóng tối:

"Nếu chị chết... chị sẽ đứng trên đồi mà đợi em."

Lời ấy bay đi, nhẹ như hơi thở, tan vào sương lạnh – không chắc có ai nghe, ngoài gió.

Một khoảng lặng rất dài. Mẫn vẫn không nhắm mắt.

Rồi, chị cúi xuống, đặt môi lên trán em – một cái hôn không tiếng động, không dư âm, nhưng như khắc một dấu vết vĩnh viễn lên da thịt.

"Chị không đi xa đâu."

Một câu như một ngọn đèn cắm giữa màn đêm – yếu ớt, mà ai đi lạc cũng có thể tìm về.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro