Tam Thập (三十)
Khởi đầu của cơn khủng hoảng này là 3 cuộc điện thoại từ các nghệ sĩ khách mời đột nhiên xin huỷ hợp đồng vì "cảm thấy không khoẻ trong người". Điện thoại vừa im, chưa kịp đặt xuống thì tiếng chuông lại vang lên.
Là bên Cơ sở In Ấn Hồng Phúc – đối tác in áp-phích và vé mời. Vẫn là giọng nói quen thuộc, nhưng hôm nay nghe là lạ, kéo dài từng chữ như muốn dò xét:
"Cô Lợi, bên tụi tui báo giá mới. Kể từ tháng sau, mọi chi phí in ấn đều áp dụng khung giá mới. Chắc cô cũng nghe rồi—gấp đôi."
Tiếng chuông lại vang lên. Lần này là từ Công ty Thiên Quang, bên phụ trách ánh sáng sân khấu.
"Chị Lợi à, sếp bảo em gọi để thông báo: giá gói ánh sáng cho đêm diễn sẽ áp dụng biểu phí mới. Gấp đôi ạ. Kể từ mồng một tháng tới."
"Vẫn là gấp đôi?" – Chi Lợi siết chặt ống nghe, cổ tay run nhẹ.
"Vâng. Lệnh từ tận sếp tổng ạ. Bọn em chỉ là đơn vị thực hiện nên nghe sao báo vậy thôi."
"Tên nào ra lệnh?"
"Xin lỗi chị, nhưng tụi em không được phép nói.Tại các bên đều thống nhất hết rồi."
Tiếng cạch lại một lần nữa vang lên. Dứt khoát, lạnh lùng.
Chưa kịp phản ứng, cuộc gọi thứ ba nối tiếp. Nhà kho Tân Long – nơi chứa đạo cụ sân khấu – báo giá thuê tăng thêm mười đồng mỗi ký, kèm lời xin lỗi lưng chừng "bọn em cũng bị ép".
Rồi lại đổ chuông. Bốn, năm, sáu cuộc gọi... như chuỗi đạn nã thẳng vào phòng nhỏ. Bên kỹ thuật âm thanh. Rồi bên vận chuyển. Bên thợ dựng cảnh. Mỗi cuộc gọi như một chiếc đinh đóng sâu thêm vào chiếc hòm đang chực chờ chôn cất nhà hát này.
Chốt lại chuỗi khủng hoảng này là một giọng nam trầm, rõ ràng, đại diện Trung tâm Phát hành Giấy phép Văn hóa – khu vực II:
"Chúng tôi xem xét hồ sơ biểu diễn của quý nhà hát. Mọi thứ ổn. Nhưng có một mục mới, do điều chỉnh theo chỉ đạo từ cấp trên."
Giọng Chi Lợi như bật ra từ cuống họng: "Là gì?"
"Phí duyệt giấy phép... tăng gấp đôi. Nếu không nộp đúng hạn thì buộc lòng chúng tôi phải gác lại lịch diễn tháng sau."
"Anh đang giỡn mặt tôi đấy à?"
"Tôi đang làm việc. Còn nếu bên chị muốn giấy phép biểu diễn được thông qua, thì tốt nhất nên nộp trong tuần này."
Bíp... bíp...
Âm thanh kết thúc cuộc gọi cuối cùng như một tiếng chốt hạ. Mẫn bước hẳn vào phòng, cánh cửa sau lưng cô khép lại trong tiếng gió ù ù từ hành lang lùa qua khe cửa kính.
Chi Lợi dập mạnh ống nghe, rồi lại nhấc lên, dập xuống, nhấc lên, dập xuống. Lớp nhựa mỏng manh của cái điện thoại bàn cổ lỗ sỉ sớm không chịu được trước sự vùi dập mà vỡ tan thành hai nửa. Đến lúc này, như con ma nơ canh kiệt sức Chi Lợi mới chịu buông tha cái điện thoại xấu số mà buông người ngồi ngã phịch xuống ghế. Không nói gì. Không nhìn ai. Chỉ có bàn tay vẫn siết chặt chiếc khăn tay thêu viền, những mũi chỉ bung ra tự lúc nào.
Mẫn lùi lại dựa vào vách tường, cảm nhận rõ sự khô rát trong cổ họng. Trác thì lặng lẽ đứng nép tựa bên mép bàn làm việc, hai tay siết chặt sau lưng, mắt mở to, chưa từng thấy Lợi như vậy.
Chiếc điện thoại trên bàn tuy vỡ vụn vẫn không ngừng vang. Âm thanh của nó giờ không còn là tiếng chuông nữa – vì loa đã hư nên chỉ có thể phát ra những tiếng rè theo nhịp, như chính cái nhịp tim của một cơ thể đang hấp hối.
...
"Có chuyện gì vậy, Lợi tỷ?" – Trác là người mở lời trước.
Lợi hít vào thật sâu. Rồi ngẩng lên, mắt lạnh như mặt hồ tháng Chạp.
"Chúng đang dọn đường. Ai đó... đang muốn nhà hát này chết dần chết mòn."
Trác sững người. Một nhịp thở đứt quãng, rồi như vỡ òa:
"Vậy còn buổi diễn tuần sau? Còn suất vé đã bán hết? Lỡ... lỡ họ phong tỏa luôn thì sao? Mình... mình phải làm sao bây giờ? Phải báo với mọi người—"
"Trác." – Mẫn cắt ngang.
"Chị tin là bọn họ chưa cần phá ngay đâu. Mình vẫn còn thời gian. Địch đến thì tướng chặn, lụt đến thì đất ngăn. Chưa tới mức phải hoảng."
Trác nhìn Mẫn, đôi mắt ngập đầy lo lắng. Nhưng Mẫn đứng thẳng, tay đặt nhẹ lên vai cô, giọng bình thản như đang hát một bài ru:
"Chuyện bên ngoài, cứ để chị và Lợi tỷ lo. Em cứ tập trung chuẩn bị cho buổi diễn đi. Mọi người đang cần em dẫn dắt."
Một lát sau, Trác lặng lẽ gật đầu. Chiếc điện thoại vẫn tiếp tục reo, nhưng lần này, không còn ai ngoái lại.
...
Âm thanh giày da nện lên mặt sàn gỗ cũ vang khắp khán phòng rộng lớn. Những âm tiết của bản nhạc dạo đầu vang lên từ phía sau cánh gà, kéo theo những tiếng thở dài, tiếng vải áo sột soạt, tiếng bước chân hồi hộp như một dàn đồng ca bất ổn. Có tiếng ai đó đếm nhịp khẽ, rồi lặng lẽ tắt ngấm giữa nhịp nhạc thứ ba.
Cả sân khấu sáng bừng trong ánh đèn vàng nhạt, thứ ánh sáng dịu dàng nhưng không giấu nổi những vết nứt trên tấm phông cũ. Trác đứng ở vị trí giữa sàn gỗ, ngước nhìn xuống các hàng ghế khán giả còn trống, hít một hơi thật sâu như nuốt vào hết thảy nỗi lo toan đang lởn vởn bên ngoài cánh cửa. Cô nheo mắt, cố hình dung ra một biển người đang chăm chú dõi theo – nhưng trong đầu chỉ hiện lên gương mặt Chi Lợi, gương mặt đã trắng bệch khi buông ống nghe.
Cô quay lại, ánh mắt quét qua hậu đài. Một cô diễn viên múa cúi người xỏ vội dây giày, tay run đến mức phải dừng lại giữa chừng. Anh kỹ thuật viên thì cau mặt cắm lại dây đèn lần thứ ba trong mười phút. Cả đoàn như một cơ thể thở gấp, cố tự trấn an mình rằng tất cả vẫn đang bình thường, nhưng Trác thấy rõ những mắt xích đang rệu rã – chỉ cần một cú giật nhỏ là cả khối sẽ đổ sập.
Phía sau bức màn, Mẫn đang lặng lẽ cột tóc cho một em nhỏ mới vào nghề, miệng mỉm cười nói gì đó để dỗ cô bé khỏi lo. Giọng nói ấy vang vọng tới tai Trác như một đoạn điệp khúc ấm áp, nhưng trái tim cô lại lạnh dần vì nỗi sợ không tên. Buổi tập dượt hôm nay không chỉ là để chuẩn bị cho đêm diễn – mà là một lần đứng giữa ranh giới: hoặc gắng thêm một chút để sống tiếp, hoặc nhìn mọi thứ rơi xuống vực.
...
Trác hít sâu một lần nữa. Cô gồng vai, dặn mình đừng run. Nhưng ngay lúc nhạc chuyển sang đoạn cao trào, cánh cửa cuối khán phòng chợt mở ra kẽo kẹt. Một luồng gió ẩm thấp và lờm lợm lùa vào kéo theo một bóng người lạch bạch tiến vào, cái bụng phệ căng tròn như chực tràn ra khỏi hàng cúc áo sơ mi trắng toát. Caravat đỏ quạch như một vết máu tươi buộc ngang cổ. Khi gã ngồi xuống, chiếc dây lưng phát ra âm thanh rít lên như tiếng da trăn bị kéo căng. Gã bật cười, một tràng cười cộc lốc như thể chê bai thứ gì đó vừa ngửi thấy. Trên hàm răng nạm vàng xỉn, hai chiếc răng cửa khấp khểnh khẽ va vào nhau thành một âm thanh khiến người ta gai sống lưng.
Gã nghiêng người về phía trước, ngón tay xoay xoay chiếc nhẫn hột xoàn mới cóng mà gã vừa tậu, ánh mắt gã lại quét ngang qua đoàn diễn viên đang tập trung trên sân khấu, lướt qua các cô như thể đang lựa hàng ngoài chợ, rồi dừng hẳn lại ở Mẫn. Gã không chớp mắt. Và rồi, như một cái máy được lập trình, gã nhếch miệng – một nụ cười nham nhở, nửa như khen ngợi, nửa như đòi hỏi. Trong khoảnh khắc, không khí như đông đặc.
Tên đó – Phan Kim Tấn, phó trưởng phòng Văn hoá khu vực kiêm trưởng ban kiểm duyệt các hoạt động biểu diễn – nổi danh khắp giới nghệ thuật vì cái tài "ngửi tiền thính hơn cả chó". Lúc cần thì vỗ vai cười cợt, khi giận thì trở mặt nhanh hơn lật bàn tay. Gã từng làm tan nát một đoàn hát chỉ vì trưởng đoàn không chịu gửi "phong bì đúng ngày rằm".
Trác mím môi, cố giữ bình tĩnh. Nhưng trong lòng, từng đốt ngón tay cô đang siết lại:
"Cái thứ đó mà cũng gọi là cán bộ văn hoá...? Dòng giống phàm phu hôi mỡ, cả người nồng nặc toàn mùi rượu và xì gà."
...
Mẫn đứng bên cánh gà, cảm nhận rõ sống lưng mình lạnh buốt. Dẫu đã chuẩn bị tinh thần từ sớm, nhưng khoảnh khắc ánh mắt gã Phan Kim Tấn lia tới, cô vẫn không khỏi co rút trong dạ. Gã không nhìn ai lâu – ngoại trừ cô. Cái cách gã nheo mắt, nhếch mép, như thể đã chọn sẵn món ăn trong thực đơn.
"Bình tĩnh lại nào Mẫn ơi, giờ mà hấp tấp là hỏng bét cả." – Mẫn tự nhủ, rồi nhanh chóng bước lên giữa sân khấu. Giọng cô không cao, nhưng đủ chắc để mọi người nghe rõ: "Chúng ta chỉ còn một tuần. Tập trung. Mỗi người một việc. Bắt đầu lại từ cảnh ba, rồi chuyển liền sang đoạn nhóm múa – tôi sẽ điều phối nhịp cho rõ hơn."
Bên dưới, Phan Kim Tấn nhả ra một tiếng cười khịt mũi, rút từ túi áo một điếu xì gà rồi giả vờ ngửi. Gã không châm, chỉ cầm xoay xoay, như một cục xương chó mà gã định ném cho ai đó ngoạm lấy. Rồi gã cúi xuống thì thầm gì đó vào tai tên thuộc hạ ngồi bên cạnh. Tên kia bật cười hô hố. Cả hai như không xem buổi tập là gì ngoài trò tiêu khiển rẻ tiền.
Trác nghiến răng, mắt liếc về phía gã rồi quay lại nhìn Mẫn như muốn hỏi: "Mình còn phải chịu đựng đến bao giờ?"
Nhưng Mẫn chỉ khẽ lắc đầu, không nói. Giọng cô vang lên đều đều: "Tiếp tục. Nhớ đúng nhịp đoạn chuyển cảnh. Trống phải vào trước một phách."
Dưới ánh đèn, trán cô lấm tấm mồ hôi, nhưng lưng vẫn thẳng, môi vẫn mím chặt. Cô biết, chỉ cần mình gục xuống lúc này, tất cả sẽ vỡ.
Suốt buổi tập, Phan Kim Tấn liên tục chọc ghẹo, nháy mắt với các diễn viên nữ, thậm chí chu chu cái bờ môi nhoe nhuốc mỡ một cú huýt sáo nghe thật chói tai khi một em vũ công cúi người xoay hông ở đoạn kết. Trác phải nắm chặt hai bàn tay giấu sau lưng để khỏi bật ra lời chửi. Trong lòng cô rít lên từng tiếng: "Đồ sâu bọ."
Buổi tập kết thúc lúc trời đã xám lại sau lớp kính mờ. Mọi người cúi đầu chào nhau rồi tản dần vào hậu trường, ai cũng thở phào – nhưng cái cảm giác cả thân thể bị ánh mắt thèm thuồng, vô sỉ, dơ bẩn soi mói, dòm ngó, đánh giá bằng vẫn còn vương vất.
Mẫn vẫn đứng im giữa sân khấu. Từ từ, cô quay bước, đi thẳng về phía hàng ghế đầu nơi gã Phan Kim Tấn vẫn đang ngả người trên ghế như một con cóc khổng lồ, miệng nhóp nhép nhai nốt phần tàn nhẫn chưa kịp nuốt của buổi chiều
...
Phan Kim Tấn vẫn ngồi chễm chệ nơi hàng ghế đầu, cái bụng đẩy cao làm lớp sơ mi căng phồng như sắp bục chỉ. Hắn nhếch môi cười, hai ngón tay mập mạp vẫn còn đang xoay điếu xì gà mãi chưa đốt, ánh mắt dán chặt vào thân hình Mẫn khi cô bước đến.
"Em hát được lắm. Có khí chất." – Gã nhấn giọng như thể ban phát ân sủng. "Tôi không ngờ đấy, thật sự... em đứng sân khấu cứ như con phượng hoàng giữa bầy gà vậy. Giọng em... vừa sắc, vừa ngọt, vừa... bén lắm."
Gã khẽ nghiến răng, đầu lưỡi thè ra liếm chậm lên môi dưới như thể thèm thuồng muốn nuốt xong một miếng gì béo bở. Ánh mắt tròng trọc lướt dọc thân thể Mẫn như một con thú đói đang ngắm mồi. Nó không dừng ở gương mặt, không màng đến ánh mắt hay giọng hát – mà rê dài từ cổ áo khoét sâu, trượt qua phần eo thắt lại, rồi dừng hẳn ở phần vải ôm sát hông. Ở đó, dưới ánh đèn vàng nhạt, từng chuyển động khẽ khàng của cô như bị hắn bóc tách bằng mắt, từng nếp vải căng nhẹ vì nhịp thở cũng bị hắn nhìn đến rạo rực.
"Cái eo này... trời đất, đúng là vưu vật trời sinh" – hắn nghĩ thầm, nhưng ánh mắt thì nói thay cả phần còn lại: ánh nhìn trơn tuột, trơn như tay gã đang ve vẩy điếu xì gà, như thể chỉ cần gật đầu là hắn có thể trườn tới, bóp nát cái vẻ đoan trang kia thành thứ trò mua vui rẻ tiền.
"Mà cái giàn múa hôm nay... trời đất, nó dẻo mà ngọt như mía lùi. Mỗi bước nó đi là y như gọi hồn đàn ông vậy. Đẹp quá Mẫn ạ, đẹp tới mức tôi phải ngồi nín thở chứ không là bật dậy, vỗ tay không ngớt... rồi sợ bàn tay mình nó đi lạc chỗ!"
Gã nhấn chữ cuối bằng một giọng lè nhè, kéo dài, pha lẫn tiếng cười khùng khục khẽ như một con lợn vừa được vuốt ve.
Mẫn không cười. Cô chỉ cúi đầu, nhã nhặn: "Cảm ơn ông đã ghé xem."
"Ông à?" – gã bật cười khục khặc – "Em cứ gọi tôi là anh Tấn cũng được, để anh xưng 'tôi' với 'em' cho tình cảm, đỡ khách sáo, ha?" Gã đứng dậy, cái bụng đẩy cúc áo gần bung, bước từng bước nặng nề tới gần sân khấu. "Nhà hát này... tuyệt thật đấy. Nhìn em đứng hát, tôi mê còn hơn nghe Quốc Hội phát biểu."
Mẫn không đáp, chỉ đứng im lặng. Hắn liếc mắt nhìn về phía sân khấu rồi lại quay về cô, nụ cười nửa môi trồi lên như bã đậu nổi trên mặt nồi:
"Nhưng mà..." – gã nhún vai, giọng chuyển tông, dịu lại giả lả – "Một cái nhà hát tuyệt thế này... mà sắp phải đóng cửa thì... tiếc quá nhỉ?"
Câu cuối cùng thốt ra vừa chậm, vừa đậm, như một cú búng dây kìm lặng giữa không khí. Mẫn khẽ nghiêng đầu:
"Tôi chưa nghe có thông báo nào như vậy, thưa ông."
Gã bật cười hô hố, rồi cúi xuống lấy ra từ túi áo trong một xấp giấy gập làm tư. Mở ra, đưa ngang mặt cô.
"Công ty ánh sáng, công ty âm thanh, bên thuê ghế, cả chỗ in vé... Ủa? Sao mà tình cờ quá, tôi có quen người trong mấy chỗ này. Mà hình như mấy người đó, giờ... cũng đang đổi ý."
Mẫn cầm lấy xấp giấy, lướt qua một loạt tên công ty – những cái tên đã ký hợp đồng với cô cách đây chưa đầy hai tuần. Tên người phụ trách giờ được bút đỏ gạch chéo, thay vào bằng những cái tên lạ hoắc. Tay chân hắn đã len vào mọi ngõ ngách.
Phan Kim Tấn chồm người về phía trước, ánh mắt giờ đã thôi giả lả. Gã nhìn cô, giọng đều và trơn như mỡ rắn:
"Thôi thì, tôi nói thẳng. Chỗ này, em dựng được thì tốt, tôi không cản. Nhưng chơi phải biết luật. Lợi nhuận, chia ba. Tôi hai, mấy em một. Coi như tiền... giữ gìn trật tự."
Mẫn vẫn giữ gương mặt lạnh. Hắn chờ một phản ứng – một cú phản kháng, một lời nạt nộ, hay ít nhất cũng là một ánh mắt giận dữ. Nhưng cô chỉ nói khẽ:
"Và nếu tôi không đồng ý?"
Gã bật cười lần nữa, như chê một đứa con nít chưa đủ lông đủ cánh.
Giọng gã hạ thấp xuống, nhưng rõ từng chữ:
"Tôi mà muốn, chỉ cần nhấc máy... là tuần sau, cái sân khấu này tối thui như mồ."
Mẫn mím môi.
"Nhưng em yên tâm. Tôi đâu có phải loại người ép ai bao giờ.
Gã lại cười. Lần này, nụ cười ấy chảy ra từ mép, ươn ướt, nhờn nhợt như mỡ luộc.
"Nếu em... thấy không thoải mái về chuyện ăn chia. Thì có một cách khác." Gã lùi ra ghế, ngồi phịch xuống, mắt vẫn không rời khỏi ngực Mẫn. "Mỗi tuần, em chỉ cần dành cho tôi một buổi tối thôi. Ngồi uống rượu, nói chuyện cho vui. Không cần gì hơn. Mà nếu có... thì cũng do... tình cảm nó đến, chứ tôi đâu ép."
Gã ngửa người ra sau, khoái trá vuốt ve đầu ngón tay lên mặt bàn gỗ như đang vẽ ra một trò chơi dài hơi. Trong đầu gã thoáng hiện lên những viên thuốc không màu, tan nhanh trong rượu, không vị, không mùi, dễ như gạt cái tàn thuốc đầy. Chỉ cần một cái gật đầu là đám đàn em sẽ dọn sẵn mọi thứ: phòng, rượu, đệm, ánh đèn vàng mờ. Rồi gã sẽ có nguyên một đêm để làm bất cứ điều gì gã muốn — không cần nói, không cần dỗ, không cần đóng vai kẻ tử tế.
Nhưng rồi gã chợt cau mày. Không, đẹp hàng vậy mà chỉ chơi kiểu đó thì phí quá. Trò đó dành cho ả đĩ điếm rẻ tiền. Còn em – cái dáng đứng thẳng tắp ấy, cái cổ cao vắt ngang ánh đèn, cái cách em liếc xuống người ta bằng ánh mắt kiêu hãnh – ừ, phải bẻ gãy từng chút một mới đã.
Gã muốn thấy em thở gấp. Muốn em giãy giụa giữa ranh giới chối từ và khao khát, muốn kéo em rơi từ chỗ đoan trang xuống tận đáy nhục cảm, để rồi tự em phải vin lấy áo gã, cầu xin được gã thương, gã đoái hoài. Gã sẽ không cần ép – vì cái sung sướng nhất không phải là cưỡng đoạt, mà là khiến một đóa hoa cao quý nhất phải tự mình rụng xuống tay mình, vừa khóc vừa run, vừa xin được gã ban cho chút tình thối tha ấy.
Gã muốn nhìn thấy cái ánh mắt từng ngạo nghễ trên sân khấu ấy lấm tấm nước, long lanh không phải vì ánh đèn mà vì nhục nhã. Muốn nghe cái giọng từng cất cao trong trẻo kia vỡ vụn thành những lời khẩn nài rối rắm, không còn cao sang gì nữa mà ướt át, đứt quãng, rối loạn. Muốn thân thể đó, từng bước từng cử chỉ đều có nét của người được tôn sùng, giờ co rúm lại trước gã, như một món đồ từng thiêng liêng giờ bị ném xuống chợ búa.
Không phải chỉ một lần — không, phải để em nghiện. Phải khiến em tự nhốt mình vào cái chuồng gã dựng nên, mỗi tuần trông ngóng được "gặp" gã, như một con nghiện đói thuốc, khát đến mức chỉ cần nghe tiếng gõ cửa là đã rùng mình chờ đợi. Gã sẽ nhả từng chút ngọt, từng lời ve vuốt giả nhân giả nghĩa, mỗi lần đều như bố thí. Cho tới lúc cái nhìn của em chỉ còn lặng lẽ, biết ơn, tủi hổ – cho tới lúc chính em tự gọi gã là "ơn trên".
Gã rùng mình vì sung sướng. Không gì thỏa mãn hơn việc biến một nữ thần thành thứ trang sức ngoan ngoãn, biết điều, nằm đúng chỗ khi gã ra hiệu. Gã không cần hoa – gã cần tro. Thứ tro ấm, vừa mới cháy, vẫn còn thơm mùi kiêu hãnh vừa bị đốt sạch.
Gã mỉm cười. Một nụ cười không răng, không môi, chỉ làn da chảy xệ méo mó méo mó vì lòng thèm muốn.
Rồi hắn vỗ nhẹ tay lên ngực mình, cười cợt:
"Tôi đảm bảo – không ai dám đụng vô cái rạp này nữa. Đèn sáng từ đầu tới cuối mùa diễn. Người đẹp, rạp đẹp, đời cũng phải đẹp theo, chớ gì?"
Giọng hắn cuối cùng hạ xuống như rắn lết cỏ, thì thào đầy ám chỉ:
"Em biết đó, tôi quý em. Thật tình." Giọng gã trầm xuống, rề rề như mật nhỏ trên dao. "Cái giọng em, cái dáng em... trời sinh ra là để được người ta nâng niu. Phúc đấy. Phúc của nghề hát, mà cũng là... phúc của mấy thằng biết thưởng thức."
Gã nhoẻn miệng cười, mắt nheo lại đầy giả lả. "Mà người có phúc... thì tôi đâu nỡ để bị dập. Em chỉ cần ngoan ngoãn một chút, biết nghe lời... thì cả cái nhà hát này – từ ánh đèn sân khấu cho tới thằng giữ xe ngoài cổng – tôi lo sạch. Không ai dám đụng tới em đâu. Có tôi đứng sau rồi, thì em chỉ việc thở thôi cũng đủ khiến đám khán giả phải lặng người."
Gã cúi người tới gần, hơi thở có mùi xì gà lẫn rượu cũ phà vào sát cổ Mẫn, ánh nhìn như quét qua người lần nữa, chậm rãi như đang mường tượng ra từng lớp vải trôi tuột khỏi thân thể cô, nhưng giọng lại ngọt như đang giảng kinh: "Muốn sống – là phải biết chọn người mà nương. Mà em chọn tôi... thì tôi hứa, chẳng ai dám ngó em lệch một li. Tôi còn đưa em lên. Để em đứng chễm chệ, không ai dám hỏi tới quá khứ hay cái giá em đã trả."
...
Từ khe cửa hẹp sau cánh gà, một bóng người khẽ động. Nghệ Trác đứng nép vào bức rèm sân khấu cũ sờn, tay nắm chặt đến trắng bệch, móng tay cắm sâu vào lòng bàn tay đến bật máu. Mắt cô như sắp nổ tung.
Cô đã nghe hết. Từng lời ve vuốt, từng âm tiết sặc mùi dâm ô, từng cái "em ngoan", "tôi lo hết" đó... như hàng trăm móc câu cắm vào da thịt Mẫn. Trác thấy mình sôi lên, như có lửa đốt trong ngực. Cô muốn xông ra, đạp văng cái bàn, xé toạc cái nụ cười trơ trẽn kia khỏi mặt gã súc sinh đó.
Nhưng rồi... Trác dừng lại. Cô nhắm mắt. Hít sâu.
Trong lòng cô, nỗi giận dữ dần lắng xuống... để nhường chỗ cho một ý nghĩ lạnh tanh, tàn độc như giọt mực nhỏ vào ly nước trong.
Cô sẽ không ngăn gã. Chưa.
Cô sẽ để cho mọi thứ tiếp tục – và rồi tự tay mình sẽ điều khiển nó theo cách riêng.
Nếu con rắn muốn mồi... thì hãy để nó trườn vào rọ.
Rồi cô sẽ xiết lại. Không chỉ để cứu Mẫn – mà còn để... giữ Mẫn. Mãi mãi.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro