Tứ Thập Nhất (四十一)
WARNING: Dạo gần đây, tại hạ mải mê dò tìm tư liệu, lỡ đắm mình quá sâu vào các bộ phim giang hồ hắc đạo như Peaky Blinders cùng những tác phẩm nhuốm khói súng máu tanh. Hệ quả là chương truyện bên dưới ít nhiều mang theo sát khí, mùi sắt gỉ cùng dư âm bạo lực.
Kính mong chư vị độc giả, trước khi tiếp tục hành trình đọc, hãy tự cân nhắc tâm cảnh của bản thân. Nếu trong lòng không vững, xin hãy nhoẻn một nụ cười, rót chén trà thơm mà quay gót nghỉ ngơi. Nếu vẫn nguyện dấn bước, vậy thì... hãy chuẩn bị lòng mình cho một khúc đoạn không mấy êm đềm.
...
Mẫn bước ra khỏi hẻm, nắng đổ rát như xát muối vào vai trần qua lớp áo sơ mi mỏng, thiêu đốt từng lọn tóc rối bay lòa xòa qua má. Sợi dây buộc tóc lỏng dần, gió hất vài lọn tóc rối qua má, mà chẳng buồn buộc lại.
Con "chiến mã" quen thuộc dựng im lìm bên bức tường cũ, lớp sơn đen nhám dính bụi đường, trơ trọi như một con thú hoang bị bỏ quên. Mẫn bước đến, tay kéo chiếc mũ bảo hiểm cũ kỹ lên đầu, dây quai sờn cũ lướt ngang cằm.
Cô cúi người, tra chìa vào ổ. Một tiếng "cạch" khô khốc vang lên, rồi động cơ gầm lên tức tưởi, như thể vừa bị đánh thức sau giấc ngủ dài. Cả thân xe rung mạnh, đầu ghi-đông giật nhẹ về phía trước. Mẫn giữ tay ga bằng cả bàn tay chai sần, lực siết chặt đến độ ngón trỏ hơi trắng bệch.
Tiếng pô nổ giòn, chát, dội vào những vách tường loang lổ của con hẻm nhỏ. Chị gác chân, đạp cần số, để lại sau lưng căn nhà ngập ánh sáng, để lại sau lưng giọng em nhỏ còn vang vẳng trong đầu như một đoạn nhạc mềm mại vừa vụt tắt.
...
Chiếc xe lao vun vút về hướng Nam. Những tòa nhà dần thưa thớt, thay bằng ruộng đồng cháy khô, lùm cây thấp lè tè, rồi đến những khúc cua xuyên rừng cao su rụng lá. Đường cứ dài như không có điểm tận cùng. Mỗi cột mốc lướt qua là một nhịp tim đập chậm thêm, mỗi khúc ngoặt lại như xiết thắt dạ dày. Cô không rõ bản thân đã đi bao lâu — một tiếng, hai tiếng, ba tiếng... Ánh mặt trời dần chuyển từ đỉnh đầu sang nghiêng chênh chếch. Tay cầm côn tê rần như bị kim châm, nhưng Mẫn chẳng buồn giảm ga.
Cung đường này — cái dải nhựa thẳng tắp và lạnh lùng — không hề tra tấn cô bằng nắng, bằng bụi, hay những ổ gà chồm lên bất ngờ. Nó tra tấn cô bằng chính đích đến. Từng cây số tiến gần là từng nhịp trái tim trùng xuống, bởi nơi đó... là nơi cô đã cố quên, là căn biệt phủ rộng hơn cả nhà máy, nơi cô phải gọi một người như hắn bằng hai chữ ba nuôi.
Con đường dài uốn lượn như một dải lụa xám bám dọc triền đồi, vắng người và phủ bụi. Mẫn phóng như bay, mặc kệ gió quất rát hai má, mặc kệ tay cầm côn đã tê rần từ khuỷu đến vai. Cô chỉ muốn kết thúc chuyến đi này càng nhanh càng tốt. Không phải vì trời nắng. Không phải vì khói xe hay ổ gà. Mà vì nơi mà con đường này dẫn đến — là chốn duy nhất trên đời cô không muốn đặt chân về. Một cái tên mà cô vẫn gọi suốt bao năm: ba Long.
...
Ngày đó, Mẫn chỉ là một con bé không cha không mẹ, lạc lõng giữa khu chợ lao xao ở Biên Hòa như thể ai đó vứt quên món đồ cũ. Người ta kể rằng gã ấy, Quản Long, một tay giang hồ mới vào nghề trong vùng, bắt gặp con bé lấm lem ngồi bó gối sau xe hàng rong. Không ai hiểu vì sao hắn lại dừng bước. Có người bảo thấy ánh mắt hắn thoáng một tia xót xa. Có kẻ lại đồn hắn nhìn thấy bóng dáng vợ mình thuở thiếu thời trong ánh mắt con bé ấy. Nhưng với Mẫn, mọi thứ chỉ bắt đầu bằng một câu nói đơn giản, ngắn gọn, không chút cảm xúc:
"Không có nhà thì theo ba về. Từ giờ gọi ba là ba."
Hồi còn nhỏ, Mẫn không biết "ba" là gì.
Cô chỉ biết, từ ngày được đưa về căn nhà cũ kỹ ấy, mình không còn phải đi ngủ với cái bụng lép kẹp, không còn bị người lớn quát tháo, không còn phải trốn dưới gầm giường mỗi khi trời đổ mưa như trút. Cô có cơm nóng, có đèn học, có áo lành để mặc — vậy là đủ. Người đàn ông ấy ít nói, nghiêm nghị, luôn hút thuốc với ánh mắt không bao giờ nhìn vào cô quá lâu, nhưng đêm nào cũng đắp lại chăn cho cô khi trời trở gió. Ông không bao giờ đánh, không bao giờ la, chỉ ra một con đường sẵn, và bảo: "Đi, con."
Hồi đó, Mẫn tin chắc ba Long là người tốt. Là người duy nhất thương cô.
Cô không biết ông làm nghề gì. Cô cũng không thắc mắc. Mỗi ngày, ông rời nhà khi trời chưa sáng và chỉ về lại khi trời đổ mưa, mình mẩy ướt sũng, áo sơ mi nhuộm màu đỏ sậm. Ban đầu, cô sợ. Sợ cái mùi tanh nồng trộn giữa mưa và máu, sợ ánh mắt gằn nén cơn đau của ông. Nhưng rồi, dần dần, nỗi sợ biến thành thói quen, và từ thói quen trở thành nghĩa vụ.
Cô bắt đầu học cách lau sạch vết thương.
Bằng khăn sạch, nước sôi để nguội, và chỉ khâu còn vương chỉ máu trên ngón tay. Không ai dạy cô. Mỗi lần thấy ông lết vào nhà, dựa lưng vào vách gỗ thở dốc, là cô lặng lẽ đi lấy hộp y tế, mang theo kim chỉ và một ly rượu. Ông nốc một hơi cạn sạch, nhắm mắt, để mặc cô làm phần còn lại.
Mẫn rửa sạch vết thương, xé băng gạc, và khi kim đâm vào da thịt ông, tay cô cũng run theo. Nhưng ông không rên, chỉ rít qua kẽ răng một tiếng "giỏi...", rồi để mặc cơn đau nuốt chửng trong tiếng sấm sét ngoài trời.
Có lần, lúc cô mới lên tám, ba Long nhìn cô khâu xong một đường dài sau lưng ông thì cười khẽ: "Đàn ông ngoài kia còn chẳng làm được vậy."
Hôm đó, cô ngồi bó gối bên cạnh, tay vẫn cầm cuộn chỉ dính máu, lòng thấy tự hào hơn cả lúc được cô giáo khen chữ đẹp.
Cô cũng từng khóc, từng hỏi: "Ba, ba làm gì vậy?" Nhưng ông không trả lời. Chỉ châm điếu thuốc, rít một hơi sâu rồi bảo: "Chuyện người lớn."
...
Năm lên mười một, cô nghe lỏm vài cuộc điện thoại lúc nửa đêm. Những cái tên lạ, những mệnh lệnh cộc lốc, những tiếng "xử nó đi" hoặc "phải dọn cho sạch" khiến cô thấy lạnh cả sống lưng. Nhưng khi nhìn ông sáng hôm sau vẫn cắt trứng luộc đút cô ăn, vẫn nhắc mặc áo ấm khi đi học, cô lại thấy... hình như tất cả đều bình thường.
...
Đến năm lên mười ba, mọi thứ bỗng khác.
Mẫn vừa bước qua cổng, trời đã sầm tối. Con hẻm nhỏ quện mùi nước mưa cũ và xào xạc tiếng lá khô bị gió cuốn. Cô đi học về, vội vã tháo đôi giày nhựa lem bùn ngoài hiên rồi chạy thẳng xuống bếp. Trên bếp lửa nhỏ, nồi canh chua sôi lục bục. Cô nghiêng đầu kiểm tra nồi cơm, thêm vào đấy một nhúm hành lá cắt sẵn. Hôm nay có trứng kho thịt, rau muống luộc và canh sấu chua. Món giản dị, nhưng cô biết ba thích ăn cơm nóng với nước thịt đậm đà, rau phải vừa chín tới, còn giữ màu xanh thẫm.
Mẫn cẩn thận dọn lên mâm, lấy chén đũa. Mỗi thứ đều đặt đúng vị trí. Ba không bao giờ nhắc, nhưng nếu để sai, ông sẽ im lặng suốt bữa ăn. Xong xuôi, cô trải tập vở ra bàn gỗ, chong đèn dầu làm bài, tai vẫn vểnh lên chờ tiếng động quen thuộc.
Và rồi, đúng như mọi lần, tiếng nổ lẹp bẹp của con xe Super Cub vang lên từ đầu hẻm. Chiếc xe Ba Long mới tậu, màu đỏ mận còn mới cóng. Mẫn buông bút, nhảy phắt ra cửa.
Người đàn ông cao lớn, áo sơ mi sẫm màu dính mưa, bước xuống xe với vẻ mặt lạnh tanh. Nhưng khi thấy cô, ánh mắt ông dịu lại.
"Đi thay đồ. Theo ba làm việc," ông nói, giọng khàn nhưng đều.
Không hỏi thêm, cô quay vào thay bộ quần áo sẫm màu, cột tóc gọn, xỏ dép. Cô đã quen những đêm đi theo ba đến các quán ăn khuya, nơi ông gặp những người đàn ông ăn mặc bảnh bao, hút thuốc xì gà, nói những câu chuyện mà cô không hiểu. Nhưng đêm nay, có gì đó lạ.
Chiếc xe rẽ vào phố Hải Thượng Lãn Ông, đoạn gần chợ Lớn, nơi ánh đèn đỏ hắt xuống mặt đường lát đá nhám những quầng sáng như vết bỏng. Mỗi biển hiệu gỗ khắc Hán tự treo lủng lẳng trên đầu, đèn lồng đỏ thẫm phập phồng trong gió đêm, nhấp nháy như lưỡi dao điện giữa màn sương khói. Không khí ở đây đặc quánh một mùi cũ kỹ: mùi giấy bản, mùi gỗ lim phơi nắng, và trên hết, là mùi thuốc bắc – một thứ hương không giống bất kỳ mùi nào khác.
Mùi thục địa đen đậm và hơi ngọt, quyện cùng mùi cam thảo mát nhẹ ở cuống mũi, chen lẫn chút gắt nhẹ của xuyên khung, bạch chỉ, và xạ hương. Trong không gian ấy, còn có cái nồng ngái đặc trưng của nhục quế, gừng khô và trần bì. Những bó rễ cây phơi khô buộc dây treo bên ngoài tiệm, đong đưa như chùm bùa hộ mạng. Mẫn hít sâu một hơi, cảm giác lòng dịu lại. Cô chắc mẩm: có lẽ hôm nay ba chỉ muốn dạy cô cách bốc thuốc. Mai kia nếu ông bận, cô có thể ra tiệm cân thuốc thay ông, tiếp khách thay ông – như bao tiệm thuốc gia truyền trong vùng.
Âm thanh xung quanh phố như một bản giao hòa lộn xộn nhưng quen thuộc. Tiếng leng keng của chày gõ vào cối đồng ở một tiệm thuốc nào đó phía bên kia đường, tiếng rao khàn khàn của bà bán chè trôi nước giữa đêm, và giọng nói vang lên từ các nhóm đàn ông ngồi đánh bài, hút thuốc dưới hiên nhà – tiếng Quảng Đông nhanh như pháo nổ, xen lẫn giọng Triều Châu mềm hơn nhưng sắc cạnh, và thoáng đâu đó là mấy câu tiếng Phúc Kiến đứt quãng chen với tiếng Việt, tiếng Nam Bộ đặc sệt mà rặt mùi thương hồ.
Mẫn từng nghe ba bảo, phố này mang tên Hải Thượng Lãn Ông – bút hiệu của Lê Hữu Trác, danh y trứ danh của nước Việt. Ông sống đời đạm bạc, chữa bệnh không cầu danh lợi, cả đời không màng vinh hoa. Nhưng rồi Mẫn nghĩ thầm, nếu cụ Hải Thượng có lạc về phố này, có lẽ ông cũng phải rùng mình. Bởi đằng sau những tiệm thuốc gia truyền ba đời, năm đời, phía sau lớp sơn gỗ đỏ bóng, là những hầm đá, những bóng người, những bí mật sâu không đáy như chính lịch sử của khu phố này.
Chiếc xe dừng lại trước một tiệm thuốc trông chẳng có gì đặc biệt – cửa khép hờ, bảng hiệu gỗ đã sậm màu theo năm tháng, chỉ còn lờ mờ ba chữ Hán được viết bằng mực tàu: Thọ Ký Đường.
Một người đàn ông trẻ, gầy gò trong áo thun trắng, đứng trong ánh sáng mờ vàng, gật đầu chào Ba Long rồi không nói gì, xoay lưng dẫn họ vào trong. Gian ngoài bày tủ thuốc gỗ nâu đậm, ngăn kéo xếp thành tầng như hộc mật thư. Mỗi ngăn đề tên thuốc: thiên ma, đỗ trọng, nhục thung dung, phòng phong... mùi thuốc nồng lên rõ hơn trong không gian kín, nặng mùi ẩm mục và dược liệu ngâm rượu.
Họ băng qua một hành lang hẹp dẫn tới phòng phía sau. Tấm thảm cũ trải giữa nền gạch tàu đã sờn mép. Ba Long quỳ gối xuống, kéo thảm qua một bên, lộ ra nắp hầm bằng sắt đúc. Ông tra chìa khóa, xoay một vòng – tiếng kim loại vang lên "cạch", khô khốc như tiếng phán quyết. Cánh cửa sắt bật lên, hơi lạnh từ dưới tràn lên một luồng rít nhẹ.
Mẫn cúi nhìn. Một cầu thang hẹp bằng xi măng, rêu bám lổm nhổm hai bên vách, dẫn xuống khoảng tối chỉ le lói ánh sáng từ bóng tròn lủng lẳng giữa trần. Tiếng giọt nước nhỏ tí tách đâu đó vọng lại. Mỗi bước chân đi xuống như bước vào một tầng địa ngục khác, tách biệt hẳn với phố xá náo nhiệt bên trên. Dưới này, không còn tiếng người Hoa cãi nhau, không còn tiếng rao, chỉ còn tiếng thở khe khẽ của chính mình và cảm giác da thịt rịn ướt bởi hơi ẩm lạnh bủa vây.
Mỗi bước chân như lún dần vào nơi không có lối quay về.
...
Trong căn hầm nhỏ, ánh sáng vàng vọt rọi từ bóng đèn tròn treo giữa trần, hắt xuống nền xi măng một vũng sáng loang lổ. Ở trung tâm vũng sáng ấy, một người đàn ông bị trói chặt vào ghế sắt bằng dây thép gai, vết cắt sâu in hằn quanh cổ tay và mắt cá, thịt bị siết đến tím tái. Hắn gần như không còn hình người – quần ướt đẫm, nửa vì máu, nửa vì nước tiểu. Mùi khai lẫn tanh nồng xộc lên, hòa cùng mùi sắt gỉ và nấm mốc lâu năm dưới đáy hầm, tạo nên thứ mùi hôi thối đặc quánh đến nghẹt thở.
Gương mặt hắn bầm tím, sưng vù, mũi vẹo sang một bên, mắt trái không thể mở. Ở mắt còn lại – cái tròng trắng loang máu – vẫn le lói một ánh nhìn: run rẩy, tuyệt vọng, và cầu khẩn một cách nhục nhã.
Ba Long không nói gì ngay. Ông cởi áo khoác, đặt gọn trên bàn inox rồi mới quay sang bảo nhỏ với Mẫn: "Ngồi yên. Nhắm mắt lại."
Giọng ông nhỏ nhưng sắc lạnh. Không phải mệnh lệnh – là một sự kiện. Một định luật.
Nhưng Mẫn không làm thế. Cô đứng thẳng người, hai tay siết chặt, lòng bàn tay rịn mồ hôi lạnh. Cô nhìn thấy Ba Long bước tới sau lưng tên kia, nắm một vốc tóc ướt mồ hôi kéo ngược đầu hắn lên, bắt hắn phải đối diện với ánh sáng – và với cô. Đầu hắn gật gù như búp bê gãy cổ. Ông đập bàn tay vào gáy hắn – chát! – tiếng vang khô như bẻ cổ gà.
"Thằng Thịnh trốn đâu?" ông hỏi, giọng đều như đọc kinh.
Không đợi câu trả lời, cú đấm đầu tiên giáng xuống mạn sườn. Không cần lấy đà, không ồn ào, nhưng chính xác và nặng như tảng đá rơi đúng đốt xương yếu nhất. Hắn gào lên như một con thú. Ba Long cúi sát tai hắn, rít:
"Lần cuối tao hỏi. Mày không phải đứa đầu tiên cũng không phải cuối cùng."
Rồi đến cú thứ hai – vào bao tử. Hắn oẹ ra máu, sặc sụa, nhưng vẫn không nói. Cú thứ ba là vào sống mũi, tiếng xương vỡ rắc giòn tan. Máu vọt ra thành tia, bắn lên ngực áo Ba Long.
Gã gào rú, run bần bật. Mỗi lần định nói, lại chỉ toàn tiếng thở khò khè và nước bọt lẫn máu.
Ba Long thở dài một tiếng, như thể chán nản. Ông ngoái lại nhìn Mẫn:
"Lấy thêm cho ba cái xô nước."
Cô quay đi, lặng lẽ đến góc phòng, nơi có một bồn sắt và vài chiếc xô cũ. Mẫn múc nước đầy hai xô, bưng trở lại, bàn tay lạnh toát vì kim loại ướt và vì điều cô linh cảm sắp xảy ra.
...
Ba Long hất mạnh cái ghế về phía sau. Gã đàn ông đổ vật ra, đầu chúi xuống, ngửa mặt lên trần như một con cá vừa được kéo khỏi mặt nước. Miệng há ngoác, lồng ngực phập phồng, da mặt xám bệch như sắp ngừng thở.
Ông rút từ trong hộc bàn một chiếc khăn bông to bản, gấp làm tư, rồi phủ lên mặt gã. Không nói một lời. Không có màn dọa nạt, không tiếng thẩm vấn. Mẫn nghe thấy tiếng chiếc ca nhôm va vào thành chậu nước, rồi tiếng nước được rót ra – từng dòng, đều đặn, mượt như rót trà.
Ca đầu tiên dội xuống.
Tiếng nước rơi không lớn. Nhưng âm thanh phát ra từ gã đàn ông thì lập tức phá tan cả gian phòng: một tiếng khục nghẹn bị bóp lại giữa cổ họng, biến thành chuỗi rít giãy, như âm thanh của một con vật mắc kẹt trong ống cống hẹp. Nước thấm qua vải, tràn vào mũi, miệng, dội xuống khí quản như một làn sóng nhỏ nhưng không dứt.
Thân thể hắn cong lại như cung gãy. Hai chân giật lên, bàn chân co rúm lại như bị điện giật, đập liên hồi xuống nền gạch. Hai tay bị trói gồng lên, rồi lại đập xuống mép ghế như muốn phá vỡ cả cổ tay mình. Bọt trắng bắt đầu rịn ra hai bên mép.
Còn Ba Long – vẫn im lặng – tay giữ khăn, tay dốc nước như đang dội sạch bùn đất khỏi một bao gạo mốc.
Một nhịp dài trôi qua. Gã nấc lên. Toàn thân co rút như muốn ói nhưng không còn gì để tống ra. Ông dừng lại. Nhấc chiếc khăn sang một bên. Gã thở hổn hển, như thể vừa vùng lên từ đáy sông. Những hơi thở đầu tiên phát ra không thành tiếng – chỉ là âm thanh phì phò, âm ẩm, như chiếc ống bễ gãy đang cố bơm lại.
Không chờ lâu. Lần thứ hai. Mười giây sau. Khăn lại phủ xuống. Nước lại đổ.
Lần này, không còn tiếng kêu nữa. Chỉ còn tiếng nấc khan, từng đợt thở hụt. Thân thể quặn lên như một bao vải nhúng nước, méo mó, thảm hại. Chiếc ghế bên dưới hắn nghiến lên sàn, tạo thành một âm thanh rin rít như tiếng gạch đá mài vào nhau – chói đến mức khiến Mẫn phải nheo mắt.
Rồi lại dừng. Lại để nạn nhân thở. Lại cho hắn sống.
Đến lần thứ ba, Mẫn thấy mình không còn nhận ra gã nữa, không còn gì trên gương mặt ấy gợi nhớ đến một con người. Chỉ là một khối sưng tấy, bầm tím, hai mắt lồi ra như sắp bật khỏi tròng. Gã đã thôi van xin. Không còn tiếng nói, chỉ còn tiếng thở, tiếng rít như máy thở hỏng.
Mỗi lần Ba Long nhấc khăn ra, là một lần gã trào lên nước, sặc đờm, run rẩy như một xác chết chưa kịp lạnh. Nhưng ông vẫn tiếp tục. Không giận dữ. Không đắc ý. Không nhanh, không chậm. Cứ như đang làm một việc đã quen tay đến mức thành phản xạ.
Như một tiết mục kỹ thuật.
Không ai gào. Không ai khóc. Không ai kể tội.
Mỗi lần dừng lại chỉ đúng vài chục giây – vừa đủ để phổi gã hấp hối tìm được chút dưỡng khí, rồi lại bị nhấn chìm. Mỗi lần trấn nước kéo dài không hơn nửa phút – vừa đủ để sinh mạng không kịp trốn thoát, vừa đủ để thần kinh chưa kịp đứt gãy.
Nhịp ấy – không nhanh không chậm – chính là phần đáng sợ nhất. Sự khủng khiếp không còn nằm trong hành động, mà nằm trong chính cái chu kỳ chết chóc được lặp đi lặp lại như một bản nhạc không đổi tiết tấu. Cứ mỗi lần nước đổ xuống, là mỗi lần sinh mạng bị xé nhỏ thêm một ít. Nhưng chưa bao giờ xong. Chưa bao giờ kết thúc.
Mẫn đứng yên. Mắt mở to. Không khóc. Không run. Chỉ thấy trong lòng mình trống rỗng như một cái hố đào giữa đêm.
Cô nhận ra thứ khiến cô rùng mình không phải là nỗi đau của gã đàn ông, mà là sự... nhàm chán. Như thể cô đang xem một thí nghiệm trong giờ học sinh lý. Khi mà sinh mạng một người đang bị đùa bỡn như món đồ thí nghiệm — vậy mà tất cả lại trôi qua như một lớp học, nơi người thầy đang giảng bài bằng những thao tác thuần túy kỹ thuật – chính xác, có trật tự, không dư thừa – và nhiệm vụ của cô chỉ là quan sát, học thuộc, ghi nhớ.
Ba Long nhìn gã vài giây, rồi quay sang cô.
"Thấy không?"
Chỉ hai chữ. Nhẹ. Rất nhẹ. Nhưng vang lên như tiếng lưỡi dao khẽ cào trên mặt gạch ẩm.
Mẫn không trả lời. Cô chỉ gật đầu – một cái gật không chắc là hiểu, hay chỉ đơn thuần là một phản xạ sinh tồn. Trong lòng, cô thấy trống rỗng. Đến cả ghê sợ cũng không trọn vẹn. Chỉ có cái cảm giác như mình vừa xem xong một thí nghiệm: nếu lặp đi lặp lại đúng một quy trình, con người có thể bị bẻ gãy như thế nào.
Ánh đèn vàng ố phản chiếu trong mắt cô. Lạnh, và đục như một mặt gương không soi được ai.
...
Ba Long bước lại gần, đặt chiếc khăn đã sũng nước trở lại lên mặt gã đàn ông, lần này không cần nói gì.
Mẫn tưởng ông sẽ dừng. Tưởng đâu câu "Thấy không?" vừa rồi là dấu chấm hết – hay ít nhất, một khoảng nghỉ. Nhưng không. Đó chỉ là dấu phẩy. Như thể gã kia vẫn còn đủ da thịt để chịu thêm một lớp tra khảo nữa, đủ phổi để sặc thêm một đợt nước nữa, và ông – như một gã thợ mổ lành nghề – chưa thể chấp nhận một con thú hấp hối mà chưa kịp rút ra được giọt thông tin cuối cùng.
Ông nâng đầu gã lên lần nữa. Cử chỉ điềm đạm như thầy giáo chỉnh thước bảng.
Nước lại đổ xuống.
Tiếng ọc ọc, tiếng giãy giụa, tiếng dây trói kêu rin rít. Rồi tiếng nấc. Rồi tiếng phì phò như ống bễ gãy. Rồi lại im.
Lần thứ tư.
Lần thứ năm.
Mỗi lần như cũ. Nước. Khăn. Lặng thinh. Đổ xuống. Nín thở. Ngoi lên. Rồi lại bắt đầu. Cái gã đàn ông trên ghế giờ đây không còn là một cá thể, không còn là một nhân vật. Hắn chỉ là một thực thể vật lý – một sinh vật ướt át, thoi thóp, bị xử lý theo chu kỳ. Những tiếng ọc ọc, tiếng thở rít, tiếng dây trói lỏng dần theo từng nhịp quẫy – tất cả trở thành một bản hòa âm lặp lại vô tận.
Ba Long không thở mạnh, không gấp gáp, không cần giục. Cơ thể ông như vận hành bằng cơ chế nội tại – không cần cảm xúc, không cần lý do. Một cái máy nạo ký ức.
Rồi đến lần cuối cùng – khăn bị giật sang bên.
Gã bật lên như một khối thịt bị vắt cạn, gào bằng thứ giọng lạc, khàn, quăng đi quăng lại giữa Việt và ngoại ngữ:
"Em nói! Em nói rồi mà! Nó ở Phú... Phú Thọ Hoà! Xưởng gạch cũ... đừng nữa, đừng nữa..."
Rồi ông thả tay. Chiếc khăn trượt khỏi mặt gã, rơi bịch xuống sàn, sũng nước, đỏ quạch như miếng vải lót bàn mổ sau một cuộc cắt tử cung.
Gã nằm đó, thở như một con chó bị đâm đụng. Tay giật, chân co, mồm méo xệch. Không ai động vào. Không ai thương hại.
Ba Long đứng dậy. Chỉnh lại tay áo, rút khăn tay lau máu vương dính nơi cổ tay. Động tác sạch sẽ như rửa tay sau bữa ăn.
Rồi ông móc từ túi áo ra một vật.
Một con dao mổ cán gỗ.
...
Ba Long rút dao, lướt lưỡi thép qua tấm khăn sũng nước, rồi lặng lẽ bước tới. Không một tiếng động thừa, không một dấu hiệu của vội vã.
Ba Long ngồi xuống bên cô, đôi giày ông phát ra tiếng lốp cốp đều đặn trên nền gạch. Ông không nói gì. Chỉ lấy tay mình, chậm rãi, nhẹ như thể đang nâng một món đồ sứ dễ vỡ, cầm lấy tay cô. Mẫn để yên. Bàn tay ấy – thô ráp, chai đá – đưa lên, đặt tay cô lên trên đúng nơi lằn mắt. Che lại. Như một cách để cô tự bịt đi ánh nhìn, tự chọn lựa sự mù lòa, để học cách thấy theo cách của ông.
Căn phòng chìm vào bóng tối phía sau mí mắt.
Không còn hình ảnh.
Chỉ còn âm thanh.
Tiếng kim loại mảnh lướt nhẹ qua da – âm thanh mảnh như tiếng kéo cắt sợi chỉ. Rồi sau đó là một tiếng thở dài. Không phải của gã đàn ông, mà của Ba Long. Như thể ông sắp hoàn tất một nghĩa vụ đã định từ trước – không vì thù, không vì sân hận – mà vì nó cần phải làm.
Tiếng máu phun ra – không như phim, không như sách. Nó không ồn ào. Chỉ như tiếng nước rỉ từ vòi gỉ sét. Tiếng xương bị cắt, đục, nát.
Rồi đến tiếng rít đầu tiên. Không lớn. Không thành lời. Chỉ là tiếng hơi bật ra khỏi cổ họng bị chặn, ngắn và vỡ vụn. Mẫn không nhìn thấy, nhưng cô tưởng tượng ra gã đàn ông ấy đang cố giữ lại hơi cuối cùng, đang vùng vẫy trong cái xác mà chính hắn cũng không còn kiểm soát nổi.
Tiếng dao rút ra – âm thanh ướt, nặng – rồi là tiếng mạch máu phun, từng đợt, từng đợt – phập, phập – như vòi nước bị nghẽn gấp.
Tiếng nấc cuối cùng, khô khốc, đứt đoạn. Một cú rùng mình lan ra nền xi măng lạnh dưới chân Mẫn. Cô không thấy, nhưng nghe rất rõ: sự sống đang rời khỏi một hình hài, nhẹ như hơi rượu thoát khỏi cổ chai vừa mở.
Không khí bắt đầu đổi mùi.
Từ thứ ẩm mốc quen thuộc của căn hầm, nó chuyển dần sang mùi tanh. Không phải mùi máu tươi mới, mà là thứ đã hòa với nước, thấm vào xi măng, ngấm vào gạch men – một mùi ấm, dày, chát chúa nơi cuống họng. Mùi ấy, Mẫn cảm thấy rõ bằng từng đợt rùng mình dưới lòng bàn chân. Gạch lạnh, nhưng rung nhẹ. Như thể máu đang chảy theo khe nứt trong nền nhà, bò quanh, rỉ rả.
Gã đàn ông đã không còn giãy. Mỗi giọt máu chạm đất là một nhát chấm lạnh lẽo vào câu chuyện kết thúc. Và Ba Long... thở. Một nhịp sâu, dài, như thể vừa đi qua một cơn sinh nở – nhưng thứ được sinh ra, không phải sự sống. Mà là một khoảng trống. Rất yên. Rất nhẹ.
Một con ruồi bay đến, đậu lên mi mắt người chết. Không ai đuổi đi. Không ai buồn rời mắt. Chỉ có mùi máu loãng dần, thấm vào từng khe đá, và tiếng thở của Mẫn – ngắt quãng, nhưng không còn run.
Mẫn thấy đầu mình nóng ran. Lòng bàn tay ông Ba vẫn giữ chặt tay cô, ép chặt lên mắt – như thể bảo: "Nhìn đi, nhưng không phải bằng mắt."
Và cô thật sự thấy.
Thấy sự giải thoát. Không phải cho nạn nhân – mà cho chính ông.
Mỗi tiếng thở cuối cùng kia, mỗi tiếng thân thể rũ xuống, mỗi dòng chất lỏng chảy loang trên nền đá – là một phần ông buông khỏi mình. Như trút xong một cơn giận không ai thấy, một lời nhắn không ai đọc, một bí mật không ai chia.
Rồi mọi thứ lặng dần.
Không còn tiếng cựa quậy. Không còn máu phun. Chỉ còn hơi nước bốc lên trong không khí ẩm, dày như khói thuốc súng, đặc quánh, len vào lỗ mũi, vào họng, vào trí nhớ.
Lần đầu tiên, cô cảm nhận được thế nào là kẻ ra tay có quyền quyết định sống – chết của người khác, và đáng sợ thay, nó không khiến cô run. Cô không biết mình đang sợ, hay đang được giải thoát. Chỉ biết rằng trong tiếng nhỏ giọt đều đặn, cô nghe thấy một nhịp tim khác: chậm, rắn, và vô cảm – như đang hình thành ngay trong lồng ngực mình.
Cô nhìn xuống tay. Máu. Không biết từ khi nào.
Ông quay sang cô, ánh mắt không dò hỏi, không buộc ép. Chỉ lặng như nước.
"Thấy không?"
Cô gật. Không chắc là vì hiểu, hay chỉ đơn thuần là một phản xạ sinh tồn. Nhưng trong sâu thẳm, cô biết, đây không chỉ là một lần xem – mà là một nghi thức truyền ngôi. Một bàn tay kéo cô ra khỏi tuổi thơ, đặt xuống nơi lầy lội, lạnh lẽo, và bắt đầu dạy cô những bài học đầu tiên về quyền lực.
Ba Long buông tay cô ra.
Ánh sáng trở lại, đập vào đồng tử chưa kịp giãn. Cô chớp mắt. Thấy ông đang đứng dậy, quay lưng, bước ra. Không nói một lời. Không nhìn lại.
Chỉ để lại sau lưng một xác người, và một đứa con gái mười mấy tuổi ngồi bất động giữa căn hầm, với mùi máu đang gặm dần vào ký ức.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro