Tứ Thập Nhị (四十二)

WARNING: Vẫn như lời tựa của hồi trước, chương bốn mươi hai này là sự tiếp nối những khúc đoạn còn dang dở nơi chương bốn mươi mốt, tựa như dòng chảy chưa ngừng của một khúc sông u uẩn.

Chư vị đạo hữu xin lưu ý, chương này vẫn giữ vững truyền thống... khắc nghiệt của bản truyện, khi trong đó hàm chứa không ít tình tiết u ám, bạo liệt, có thể gây chấn động tới những tâm hồn còn mong manh như sương mai đầu cỏ. Nếu chư vị cảm thấy tâm cảnh chưa đủ vững vàng, xin hãy cân nhắc kỹ càng trước khi bước tiếp vào cõi đoạn trường này.

Tại hạ đã cảnh, còn vào hay lui, tùy nơi chư vị định liệu.

...

Từ hôm đó, ông bắt đầu dạy cô tất cả.

Không một lời giới thiệu, không một buổi dạy chính thức. Mọi thứ đến lặng thinh, như thể nó luôn là một phần của cuộc sống này, chỉ chờ cô bước vào.

Buổi đầu tiên, ông đưa cho cô một con dao găm lưỡi thép đen tuyền, mũi nhọn như kim tiêm, cán quấn dây gai thô nhám, bảo: "Cầm cho quen tay." Cô ngồi dưới ánh đèn vàng hắt từ nhà bếp, cầm đi cầm lại đến chai cả lòng bàn tay, tập siết ngón để mũi dao không chệch hướng. Sáng hôm sau, ông chỉ tay ra sau nhà: "Ra ngoài vườn, chặt bụi tre đi. Đừng làm gãy cán là được." Cô chần chừ, rồi nhận lấy cây rựa cán dài, lưỡi mẻ sứt chỗ đầu – thứ chuyên dùng để chặt xương hay phát bụi gai. Cả buổi trưa đứng dưới nắng, vai cô mỏi nhừ, gân cánh tay như cháy. Khi về phòng, mệt rã rời, cô thấy ông đã để sẵn trên bàn một thanh đao ngắn kiểu Hoa – loại thường giấu sau lưng trong phim kiếm hiệp – không nói gì thêm.

Từ đó, mỗi tuần một món. Ban đầu là những thứ thô mộc, quen thuộc như cuốc, rựa, dao mác, thứ người vùng quê nào cũng có. Sau đến mã tấu lưỡi cong, lưỡi lê lưỡng dụng có thể vừa đâm vừa chém. Rồi những con dao nhỏ hơn, ngắn hơn, sắc đến mức nếu không quen tay sẽ tự cắt chính mình. Có cái được bọc trong vải dầu, có cái ngâm dầu máy, có cái ông tự mài, tự thử lên ngón tay trước khi đưa cho cô. Không lời khen. Chỉ có ánh mắt không đổi, lặng thinh như đo lường.

Dần dần, ông bắt đầu đưa những thứ đòi hỏi kỹ xảo. Một lưỡi phi tiêu mỏng dính như cánh chuồn, phải búng đúng góc mới ghim được vào gỗ. Một đoạn dây đồng thắt nút đặc biệt để siết cổ mà không để lại dấu. Một cây trâm cài đầu giấu mũi nhọn rỗng ruột, trong đó là đầu kim tẩm thuốc gây tê. Ông không còn giải thích nhiều. Chỉ để món đồ trước mặt, nói: "Tự coi đi." Cô học cách quan sát đường mài, độ nặng, thế tì ngón, học cả cách bọc lại sao cho khi rút ra không kêu tiếng động.

Ông bắt đầu thử cô. Một lần giấu lưỡi dao vào chậu rửa, lần khác giấu phi tiêu trong bao thuốc lá. Nếu cô không phát hiện – tối đó không có cơm. Có hôm, ông đứng trong bóng tối, chờ cô đi qua rồi bất ngờ dùng gậy đánh ngược lại. Cô đỡ được. Không ai nói gì. Nhưng hôm sau, ông đưa cho cô một con dao của thợ săn chuyên nghiệp – cán gỗ cẩm chỉ, sống dao có khía để cạo gân thú. Cô hiểu: ông đã bắt đầu tin tay cô đủ vững để giữ mạng.

Tay chai sạn. Mắt tinh. Động tác gọn như phản xạ. Cô đã có thể lật dao một vòng trong lòng bàn tay rồi đâm ngược mà không cần ngắm. Ông thấy hết, nhưng chưa từng khen. Chỉ bữa đó, ông rót cho cô một ly rượu nhỏ – lần đầu tiên – rồi ngồi hút thuốc.

Từ những vật dụng của người bình thường, cô dần được trao những thứ chỉ dành cho kẻ sống bên lằn ranh giữa luật lệ và hỗn loạn.

Cô không hỏi. Chưa bao giờ hỏi. Vì ông cũng chưa bao giờ giảng giải. Mỗi vật dụng đặt vào tay cô như một dấu hiệu: "Tới lượt con rồi."

...

Rồi một hôm, ông vỗ nhẹ vào cốp sau chiếc Wave cũ, tiếng tay đập nghe đục như đánh vào thùng tôn rỗng. Mẫn đang đứng dưới mái hiên, tay còn cầm túi rau mới mua. Ông không nhìn cô, chỉ nói: "Lại đây."

Chiếc cốp bật mở bằng một tiếng tách, chậm rãi như trong phim cũ. Bên trong, giữa đống giẻ dầu và hộp đồ nghề, là một khẩu K54 cũ gỉ, lớp sơn đen đã bong từng mảng như vảy cá, nòng súng còn dính lớp dầu máy đặc quánh màu vàng sậm. Cạnh nó là một cây súng cưa nòng – quái vật lùn lụn với thân gỗ mục đã bạc màu, được gói sơ sài trong lớp vải dầu màu nâu sậm. Ông cúi xuống, hai ngón tay móc lấy khẩu K54, đặt nó vào tay cô – không lời dặn dò, không ánh nhìn. Chỉ là một sự chuyển giao, như thể đó là món đồ mà cô đã luôn phải mang từ đầu.

"Đừng run tay," ông nói khẽ, giọng đều đều như đang nói chuyện thời tiết. "Run là chết."

Rồi ông móc từ túi áo một viên đạn, đặt vào lòng bàn tay cô – đầu viên đạn ánh lên dưới nắng chiều, nặng trĩu một cách bất ngờ, lạnh đến rợn người. Ông đưa tiếp viên thứ hai, lần này không nói gì. Ngón tay ông thô ráp, còn dính dầu máy và mùi thuốc rê, khẽ chạm vào tay cô khi chỉnh từng động tác nhỏ: cách giữ băng đạn, cách dùng ngón cái đẩy viên đạn vào đúng rãnh.

"Lắp đi," ông nói, mắt không rời khỏi động tác của cô.

Cô lúng túng lần mò, ngón tay trượt trên kim loại trơn tuột. Khi viên đạn vào chốt và cô đẩy băng đạn vào súng, tiếng lạch cách vang lên – một âm thanh khô khốc, cộc cằn, không lớn.

Ông đứng sau lưng, đưa tay vòng qua vai cô. Bàn tay ông to, thô và chắc, giữ lấy cổ tay cô đang cầm súng, như giữ một nhành tre non giữa giông bão.

"Đừng gồng," ông nói, giọng trầm như sấm xa. "Thả lỏng vai. Mắt nhìn thẳng. Ngón trỏ... đây."

Ngón tay ông dẫn tay cô vào cò súng, ép nhẹ. Cô cảm thấy mồ hôi ứa ra nơi lòng bàn tay, trơn tuột, và cái lạnh kim loại ngấm vào tận xương.

Rồi đột nhiên, ông xoay người, kéo nhẹ tay cô, hướng nòng súng về phía ngực trái của chính mình.

Cô giật bắn. "Ba—"

"Im."

Giọng ông cứng như đá. Tay ông vẫn giữ vững cổ tay cô, như một cái gọng sắt. Ánh mắt ông không giận, không lạnh, chỉ trầm như vực sâu.

"Thế giới này," ông nói chậm rãi, từng chữ một như đục vào gỗ, "kể cả với người ruột thịt như ba... con vẫn phải luôn giữ một phần đề phòng."

Ông cúi sát xuống, mắt đối mắt với cô. "Hiểu không? Người sống sót... là người dám bóp cò trong đầu, ngay cả khi tim mình không muốn."

Cô nuốt khan, và dù nòng súng đã chệch đi, dù ông đã buông tay, mùi dầu súng vẫn quấn quanh mũi, buốt lên tận thái dương.

Phát súng đầu tiên nổ ra như xé toang không khí.

Mùi thuốc súng bốc lên nồng nặc, khét lẹt, pha lẫn mùi dầu cũ và thứ gì đó tanh tanh như máu khô. Tai cô ù đi, không phải vì tiếng nổ mà vì cái chấn động lan ra từ thân súng vào cổ tay, lên tới vai, dội thẳng vào lồng ngực. Cô chớp mắt, hơi thở đứt quãng. Tay vẫn run, nhưng ông không nói gì. Chỉ lấy chiếc khăn trong túi quần ra, lau nhẹ vết muội đen trên má cô, rồi cười – cái cười hiếm hoi, nghiêng môi, không hẳn là hài lòng, nhưng là một sự chấp nhận.

Sau hôm đó, cô học cách tra dầu bằng ống xi lanh nhét vào khe cò, tháo súng thành từng bộ phận trong bóng tối rồi ráp lại trong vòng một phút ba mươi giây – thời gian ông bấm đồng hồ và chẳng bao giờ nới. Cô học cách giấu súng trong thắt lưng, giữa hai lớp áo lót gấp mép, hoặc trong ruột một chiếc gối sơ cua trong cốp xe, tẩm dầu quế để át mùi sắt.

Cô từng nghĩ, chỉ cần ông đưa gì, cô cũng học được. Và ông luôn đưa. Từng thứ một.

...

Năm mười bảy tuổi, đúng vào sinh nhật, ông để một chiếc hộp gỗ nhỏ trên bàn – vuông vức, đen nhánh, không nơ, không thiệp. Chỉ có mùi gỗ trắc thoảng ra từ những kẽ nứt của thời gian.

Cô mở ra. Bên trong là một khẩu Browning Hi-Power – thân súng phủ lớp phosphate xanh xám nhám, phản chiếu ánh đèn như da một con thú săn vừa được mài bóng. Báng gỗ óc chó đã ngả nâu đỏ vì thời gian, những vân gỗ chạy theo chiều dọc, mịn như mặt giấy dầu, cầm vào thấy ấm, thấm mồ hôi nhưng không trơn. Trọng lượng chừng tám trăm gram – nhẹ hơn súng trang bị cho quân đội, nhưng nặng vừa đủ để triệt tiêu giật khi bắn liên tiếp.

Cô lật nhẹ lên: chốt khóa an toàn nằm bên trái, đúng kiểu người thuận tay phải như cô. Rãnh ngắm mỏng, chính xác, đường chỉ ngắm ăn vào trục nòng – đúng kiểu thiết kế của Fabrique Nationale d'Herstal: gọn, khéo, kín tiếng. Băng đạn 13 viên – nhiều hơn bất kỳ khẩu nào cô từng được tập. Một nòng giảm thanh bọc trong vải nhung đi kèm, dài hơn cả thân súng, loại có thể tháo rời, vít ren 9mm kiểu cũ, vừa khít vào đầu nòng súng đã được tiện lại. Không cần đến ba giây để lắp vào.

Cô nghiêng súng, mở khóa trượt, kiểm tra kim hỏa, khe trượt, đường đạn vào. Tất cả đều trơn tru. Dấu vết mài giũa ở phần chốt sau cho thấy ông đã mất kha khá thời gian để tinh chỉnh độ rơ, ép sát các khớp chuyển động nhằm tránh tiếng động kim loại khi rút súng.

Trên mặt gỗ tay cầm, phía bên trái, có khắc chìm một chữ Hán đơn độc: "柳"Liễu. Nét khắc không đều, hơi run, như được vạch bằng mũi dao nóng – không tinh xảo, nhưng rõ ràng là làm bằng tay. Làm bằng cảm.

Ông không nói câu nào. Chỉ ngồi đó, lặng lẽ châm thuốc. Cô cũng không hỏi. Nhưng đêm đó, khi đèn đã tắt, cô lau từng khe rãnh của khẩu súng bằng vải mềm, tra dầu, kiểm tra cơ chế lên đạn, rồi tháo nòng giảm thanh, gói cả hai vào trong tấm lụa đen. Cô kéo tấm ván giường lên, giấu kỹ chúng xuống dưới, lót thêm một lớp giấy báo cũ có dấu tay ông dính mực tím.

Mãi sau này, khi đã rời xa căn nhà ấy, đi khắp các thành phố không tên, thay tên đổi dạng, sống trong những vỏ bọc lặng lẽ... khẩu Browning ấy vẫn theo cô. Không ai biết. Cô cũng chưa từng rút ra bắn thêm một lần nào. Nhưng nó luôn nằm trong túi trong áo khoác, chỗ gần tim nhất – như một phần máu thịt, như một nhánh liễu nhỏ, gãy từ gốc cũ nhưng chưa từng rời khỏi gió.

...

Có những thứ không ai dạy ở trường. Chỉ những người như ông – sống, giết, rồi tiếp tục sống – mới dạy được.

"Lau máu thì dùng cồn, rượu trắng, hoặc nước ấm pha dấm. Nước đá làm đông, để lại vết." Ông đưa cho cô chiếc áo thun thấm máu, bắt cô giặt cho sạch, nhưng không được rách sợi vải nào. "Máu mới mùi tanh, máu cũ mùi sắt. Ngửi được là sống. Không phân biệt được là chết."

"Kéo đừng rạch ngang. Xuyên xuống dưới xương sườn, đi theo khe, không trúng xương." Ông cầm tay cô, vạch lên miếng thịt heo treo trong bếp, vẽ đường cắt từ xương ức xuống dưới rốn, rồi bắt cô làm lại mười lần, không sai một li. "Muốn người ta la, chạm gân. Muốn người ta câm, cứa ngay dây thanh."

"Muốn khử ai mà không dính, thì nhớ: đừng rút dao ra. Cứ để nguyên. Rút ra là chảy máu." Câu này ông nói khi đưa cho cô một con dao găm dính máu, cắm vào một khúc gỗ lợn, máu chưa đông hẳn. "Chết nhanh, không kêu. Mà không ai biết ai rút."

"Muốn tra tấn? Đừng đánh vào mặt. Đánh vào lòng bàn chân, gót chân, bẹn. Đập chỗ đau mà không để lại sẹo." Có lần ông bắt một thằng đàn em phản bội, trói ngược lên xà nhà, rồi đưa cho cô một cái roi cá đuối. "Đánh chừng nào nó khai thì ngưng. Không được gào."

"Muốn giấu đồ? Đừng giấu dưới gầm giường. Giấu trong lồng gà, dưới lớp phân khô. Giấu trong ruột chăn, hoặc trong lớp bê tông chưa khô. Cái gì dễ thấy nhất là cái không ai lục."

"Muốn gài đồ? Đừng gài bom. Gài kim. Một cây kim tiêm dính máu xấu, là đủ để người ta tàn phế. Nhẹ thì sợ, nặng thì chết." Có lần ông bắt cô tự mài đầu nhọn cây dùi đục, sau đó giấu nó trong một lỗ thông hơi, chỉ để xem cô chọn cách nào để làm không ai phát hiện.

"Bắn đừng nhắm tim. Nhắm bụng. Tim chết nhanh, không hỏi được gì. Bụng chảy máu chậm, sống đủ lâu để nói." Cô tập bắn vào mô hình người, nhưng rồi ông đổi – dùng xác heo, treo ngược. "Cảm giác mới đúng. Súng không để chơi. Là để nghe tiếng mình còn sống."

Cô học cách bịt vết thương bằng keo dán gạch. Học cách tháo biển số xe trong vòng ba giây. Học cách mở cửa không dấu vết, đốt hồ sơ không để tro, ngụy tạo một vụ tai nạn mà không cần chạm vào nạn nhân.

Mọi thứ là thực chiến. Không có tập dượt.

Sau một năm, ông không còn kiểm tra nữa. Cô vẫn làm đều, tự tập, tự lau chùi vũ khí, tự cạo máu khô trên nền xi măng. Không ai nhắc.

Ông nhìn cô một lần, khi cô rửa tay trong bồn nước pha xà phòng. Tay sạch. Mắt lạnh. Không run. Ông chỉ gật đầu rất khẽ. Rồi bước đi.

Vậy là đã đủ. Với ông, thế là đủ để sống sót.

...

Không có giáo trình nào dạy cách bước vào lòng người. Nhưng sống đủ lâu bên ông, cô bắt đầu hiểu.

"Muốn biết ai nói dối, đừng nghe miệng. Nhìn mắt, nhìn tay. Mắt ngó xuống là sợ, ngó qua bên phải là dựng chuyện. Tay đổ mồ hôi là chưa nói hết. Tay khô là chuẩn bị làm liều." Ông nói khi hai cha con ngồi ăn phở ven đường, nhìn một người đàn ông đứng xin tiền ở ngã tư. Cô nhìn, rồi lần đầu tiên thấy lòng trống rỗng, không thương, không ghét. Chỉ phân tích.

"Người hay nịnh, thì khi ngậm miệng, mắt vẫn còn cười. Người hay giả bộ, thì khi cười thật, lại quên điều khiển đôi mắt." Ông nói khi hai người đi dự một đám cưới, khách khứa đông, tiếng cười râm ran. Ông không uống rượu. Chỉ ngồi đó, nhìn người ta cười. Cô học cách lặng lẽ quan sát, không để ai thấy mình đang nhìn.

Ông cho cô theo trong những buổi họp ban đêm, nơi chỉ toàn đàn ông mặc sơ mi sọc, nhét súng sau lưng, nhai trầu và uống rượu trắng. Cô ngồi phía sau, câm lặng, lắng nghe cách ông đàm phán – đánh phủ đầu, nói nửa thật nửa đùa khiến đối phương không biết phải cười hay run. Sau buổi đó, ông hỏi: "Con thấy thằng đó nói dối chỗ nào?" Cô phân tích, ông chỉ gật. Rồi thôi.

Rồi đến cách nhìn người.

Họ ngồi ở vỉa hè quán cà phê gần chợ, ông chỉ một thằng đàn ông mặc áo ba lỗ, xăm trổ từ cổ tay lên vai. "Thằng đó đi trại về. Nhìn cách nó đứng. Hai chân nó không song song, hơi tì bên trái – bị gãy lúc đánh nhau. Loại đó liều." Rồi một đứa khác, gầy gò, tóc chẻ luống: "Nó chỉ dọa mồm thôi. Nhìn cổ tay kìa. Không có vết chai. Không biết cầm dao." Những bài học này đến bất ngờ như búng tay, nhưng cô phải nhớ tất cả. Vì ông sẽ không nhắc lại.

Cô học cách quan sát cổ tay, gót giày, cạnh mắt cá – nơi thường để lại dấu vết khi người ta từng mang còng, từng bị tra khảo, từng bỏ trốn. Học cách phân biệt cái nhìn tự tin của một thằng từng ra tay với ánh mắt hoảng loạn của một thằng chỉ mới nghĩ đến chuyện giết người. Học cả cách đứng thẳng người sao cho không che mất tầm nhìn của ba, cách gật đầu đúng thời điểm để xác nhận "thương lượng thành công" – dù không hiểu gì.

"Muốn ai tin mình, thì phải để người đó thấy mình sai một lần." Câu ấy ông nói trong một bữa cơm, khi cô quên mang nước mắm ra. Ông không giận. Chỉ nhìn, rồi múc muỗng canh, ăn như thường. Tối đó, ông đặt lên bàn một cuốn sổ nhỏ, ghi chi chít những chuyện tưởng là vụn vặt – ai thích ăn gì, ai bị đau đầu bên trái, ai có thói quen liếc đồng hồ mỗi mười phút. Cô đọc hết trong đêm. Sáng ra, không bao giờ quên thêm chén nước mắm nữa.

"Muốn biết ai sợ mình, cứ kể một chuyện bình thường với giọng đều đều. Không doạ. Ai run là ai biết mình có tội." Có lần ông kể chuyện ông giết người lần đầu, khi đang rửa chén. Không gằn giọng. Không bi kịch. Nhưng cô thấy thằng nhỏ phụ bếp lặng người, làm rớt cả thau rau. Vài tuần sau, nó biến mất. Không ai hỏi.

"Cười là một vũ khí. Khóc là một chiếc chìa khoá. Nhưng im lặng mới là thứ không ai gỡ nổi." Ông dạy cô cách đứng im trong đám đông – không rút điện thoại, không bắt chuyện, không biểu cảm. Chỉ đứng. Mà khiến người ta thấy không thoải mái. Không hiểu vì sao.

Cô học cách uống rượu mà không say. Học cách rót trà đều tay, hút thuốc không để tàn rơi. Học cách bước vào phòng mà ai cũng chú ý, hoặc ngược lại – bước vào mà không ai nhớ mặt. Học cách ngồi cạnh người đang đau khổ mà không nói một lời, nhưng đến khi họ khóc, thì người đầu tiên họ ôm lại là cô.

Một hôm ông hỏi: "Nếu con giết người xong, mà mẹ nó nhìn con, không la, không khóc – chỉ nhìn – con có ngủ được không?"

Cô im. Không trả lời. Ông cũng không nói tiếp. Nhưng hôm đó, lần đầu cô về phòng mà không chốt cửa. Lần đầu tiên, cô thấy mình không còn là đứa trẻ cần phải phòng thủ nữa.

...

Không có lễ trưởng thành. Không có lời tuyên bố chính thức. Chỉ là một buổi chiều oi ả, ông gọi cô lên phòng, đưa một phong bì dán sáp đỏ, rồi quay mặt ra cửa sổ, lưng phủ bóng xế tà. "Tối nay. Chỗ này." Giọng ông đều đều, không ánh lên chút hào hứng hay nghi ngại. Như thể chỉ là sai cô đi chợ.

Bên trong phong bì là một tấm ảnh đã ngả vàng. Gã đàn ông trong hình mặc sơ mi trắng, bụng phệ, tay ôm vai một cô gái trẻ. Mắt hắn nheo lại vì cười, nhưng khóe miệng thì cứng đờ, như bị kéo bằng dây thép. Kèm theo là một tờ giấy viết tay, vỏn vẹn một dòng: "Phản. Nói nhiều." Không thêm lý do. Không bản án.

Cô biết đó là tín hiệu. Rằng mọi bài học, mọi vết chai, mọi buổi tối ngồi lặng sau lưng ông đều đã đủ. Giờ là lúc để cô biến thành thứ mà ông đã dày công tạo ra.

Không cần hỏi thêm. Không cần chuẩn bị thêm. Mọi thứ cô cần đều đã có trong người.

...

Cô về phòng, khóa trái cửa, bật quạt cho tiếng máy lấp đầy không gian. Tấm ảnh trải trên bàn. Gã đàn ông trong hình tên thật là Vũ Văn Dự, đang quản lý đội hậu cần của một nhóm vận chuyển hàng từ biên giới về Chợ Lớn. Hơn mười năm đi về như cái bóng. Im lặng, đúng giờ, biết điều. Nhưng gần đây bắt đầu rượu chè, gái gú, rồi nói những thứ không nên nói.

Trong cái giới này, người ta không chết vì đao kiếm, họ ra đi vì mở miệng không đúng lúc.

Trên bàn, cô trải tấm vải lụa đen đã sờn. Lôi ra từ cạp quần khẩu Browning – phần miệng đã được lau kỹ bằng khăn nhúng cồn. Hai băng đạn mười ba viên, mỗi viên đầu rỗng – giảm tối đa khả năng xuyên suốt, tránh gây tai nạn ngoài ý muốn. Dao găm lưỡi thẳng, thép đen không phản quang, một đoạn dây nylon mảnh quấn gọn, găng tay da màu nâu sẫm. Một túi bột thạch cao đóng trong bao thuốc lá – dùng để rắc lên đế giày, tránh để lại dấu vết trên nền xi măng.

Mọi thứ xếp gọn trong balô nhỏ. Trên cùng là một cái áo mưa nylon mỏng, gói bọc giả vờ thường ngày.

Cô đứng thẳng người trước gương, buộc tóc, nhìn vào mắt mình thật lâu. Không có sự phấn khích. Không hồi hộp. Chỉ là một thứ nhiệm vụ cần làm.

Lần đầu. Nhưng không được phép thất bại.

...

Đêm thứ tư, cô không mang súng. Chỉ dao găm, và một đoạn thép nhỏ giấu trong gấu quần. Ngồi vỉa hè, vai khoác áo mưa, giả bộ dán mắt vào tờ báo cũ. Hắn tới như mọi khi – dép lê, áo sơ mi caro, cái bụng ễnh lên trước, và mùi nước hoa hăng hắc, quen thuộc đến độ cô nghe từ đầu hẻm đã biết hắn đang đến.

Hắn ngồi xuống ghế nhựa, gọi ly đá chanh, xỉa răng bằng đầu tăm nhựa cong cong. Trông không khác gì một gã đàn ông tầm thường, sống mòn giữa thị thành, chẳng ai ngờ từng tờ tiên mà mình cầm trên tay, từng thùng hàng các tiểu thương nhập về bán, từng kho hàng cất giữ tài sản các tài phiệt và từng gram bột trắng mà những con nghiện vật vờ từng ngày trên phố trước hết đều phải qua tay gã đàn ông tầm thường này.

Cô quan sát cổ tay hắn. Bên phải, đầy sẹo nhỏ. Tay trái, yếu hơn – mỗi khi nâng ly đều run nhẹ. Lưng hắn hơi gù, bước đi vẹo về bên phải. Nghĩa là nếu chạy, sẽ không nhanh. Nếu đánh, sẽ không bền. Nếu la, sẽ không dai.

Cô thở ra, gấp tờ báo. Tối mai.

...

Cô không chọn lúc hắn ở nhà. Ở đó có hàng rào, có ổ khóa, có đèn cảm ứng, có tiếng TV vọng ra từ phòng bên – quá ồn, quá nhiều lớp. Cô muốn nơi đủ riêng tư để không ai hỏi, nhưng đủ cũ nát để chẳng ai quan tâm. Nơi mà cái chết lặng lẽ có thể xảy ra mà người ta chỉ ngửi thấy mùi xú uế, không phải mùi máu.

Quán bi-da cuối hẻm – một cái tên không ai nhớ, bảng hiệu đã bong tróc chỉ còn vài chữ lấp loáng trong ánh đèn neon yếu ớt. Mùi ẩm mốc pha trộn với mùi mồ hôi đàn ông, bia đổ lên gạch cũ và những cơn khạc nhổ kéo dài. Cô đã đến đây ba lần. Đếm được sáu camera – tất cả đều quay về phía bàn đánh, không ai buồn để mắt tới nhà vệ sinh phía sau dãy xe máy bụi phủ.

Đó là một không gian hẹp, nền xi măng nứt, vách tôn han gỉ, ánh đèn huỳnh quang nhấp nháy như sắp tắt. Trần thấp. Âm thanh bị bóp nghẹt. Một nơi mà nếu hét cũng chỉ nghe như tiếng thở dốc. Trong không khí, hơi nước từ cống thoát bay lên trộn với mùi gỗ mục và nước xà phòng rẻ tiền. Ở đây, thời gian như đặc quánh.

Cô đứng yên phía sau vách ngăn, một tay trong túi áo, ngón giữa kẹp sợi cước mảnh đến mức chỉ khi kéo căng mới thấy ánh lên một tia sáng như sợi tơ nhện. Tai cô lọc từng bước chân – tiếng dép lê chà xát mặt nền, tiếng quần jean sột soạt, tiếng bật lửa bật một lần không cháy, lần thứ hai mới sáng.

Hắn vào.

Thói quen vẫn như cũ – móc thuốc, khạc một tiếng, khom lưng mở khoá quần.

Cô trượt bước ra sau lưng hắn trong nửa giây. Không vội, không mạnh. Chỉ vừa đủ. Hai tay vắt chéo. Sợi cước xiết qua cổ hắn như một nụ hôn tàn độc – không máu, không âm thanh. Hắn bật nhẹ lên, ngón tay co giật trong phản xạ, rồi lịm xuống như một con thú bị gãy gáy. Cột sống gãy ở đốt thứ ba – đúng điểm học từ buổi chiều cùng Ba Long năm xưa, khi ông cho cô bóp gãy chiếc xương nhựa gắn trên mô hình giải phẫu, bảo: "Đây. Làm gãy cái này. Là xong."

Mười bảy giây. Không hơn.

Cô nhẹ nhàng hạ thân hắn xuống nền, đầu tựa vào vách tôn lạnh. Một con chuột nhỏ lao qua chân cô, không dừng lại. Ở xa, một tiếng la ó trong quán – có kẻ thua độ. Nhưng chẳng ai để tâm đến nhà vệ sinh.

Cô quỳ xuống, rút điếu thuốc từ túi áo hắn – đúng loại hắn hay hút. Thứ mùi khét lẹt rẻ tiền, thấm vào cổ áo và ngón tay như lớp dầu không thể giặt. Bật lửa. Mồi. Chờ ngọn tàn cháy tròn đầu. Rồi dí thẳng lên mặt trong cổ tay trái của hắn – một vòng tròn đỏ lằn sâu vào thịt. Một dấu hiệu. Một câu chuyện giả định.

Một lời cảnh báo.

Đứng dậy. Lau cổ tay. Kiểm tra dấu giày. Không để lại gì ngoài cái xác và cái mùi mơ hồ của khói thuốc hòa lẫn mùi amoniac.

Cô bước ra cửa sau – không vội, không chậm. Phía trước là tiếng xe máy, tiếng còi vọng xa, tiếng đêm của một thành phố không bao giờ hỏi chuyện gì đã xảy ra trong những ngõ tối.

Cô biến mất như chưa từng đến. Chỉ còn lại hắn – và một sự im lặng, đủ để cả thế giới hiểu rằng: luật vẫn còn hiệu lực. Và kẻ nào phản bội, sẽ chết trong mười bảy giây.

...

Cô không báo cáo. Không cần. Chỉ mở cửa sau, bước vào bếp, nơi ánh đèn huỳnh quang hắt xuống nền gạch tróc men và mùi nước tương cũ váng lên từ chén đũa chưa rửa. Cô đi thẳng đến bồn rửa, không bật nước liền, mà mở ngăn tủ dưới bếp – lấy ra lọ xà phòng màu nâu không nhãn, loại ông vẫn dặn dùng riêng để tẩy dấu vết sinh học. Đổ từng giọt đặc sệt lên tay, xoa đều khắp lòng bàn tay, kẽ móng, cổ tay, cả chỗ đường viền găng vừa siết vào da. Rửa sạch ba lần bằng nước nóng, rồi lau khô bằng khăn bông thấm cồn.

Găng tay ném vào lò lửa âm tường, cô cẩn thận dùng que gắp chọc vào đống than hồng cho cháy kỹ phần cổ tay còn in nếp máu. Sợi dây cước đã cắt thành từng đoạn, thả vào ống sắt cạnh lò, rưới ít dầu hoả, quẹt diêm. Tàn tro cuốn theo luồng khí, nhẹ như khói hương chiều ba mươi.

Điện thoại – không có gì. Cô tháo pin, tháo SIM, bỏ từng mảnh vào lọ giấm nhỏ sau hộp gia vị, đợi nó sủi lên thứ bong bóng axit yếu rồi mới yên tâm thả cả vào hộp thiếc, đậy kín. Đôi giày dính bụi đất quán bi-da, cô lau khô bằng vải lông, xịt nước cồn, sau đó đặt trở lại đúng vị trí trên kệ như chưa từng được mang đi đâu.

Chỉ sau khi đã chắc chắn không còn gì có thể gợi lại, cô bước ra hiên sau.

Đêm đã khuya, vòm trời nhuộm một màu tím sẫm như giấy dó đã phai mực, và ánh trăng mỏng như lưỡi dao cong hắt nghiêng trên mái ngói cũ. Những tàu lá mãng cầu đong đưa chầm chậm theo gió, thi thoảng cọ vào nhau phát ra thứ âm thanh mềm và rỉ rách như một bản nhạc ngủ quên. Mùi đất ẩm và khói than trong lò hòa vào nhau, quen thuộc đến mức cô không còn phân biệt nổi đâu là hiện tại, đâu là mấy đêm cũ, khi còn nhỏ, hay khi vừa mười sáu, hay đêm đầu tiên đi cùng ông "làm việc".

Ông Ba Long ngồi nơi góc sân sau, dưới cây đèn treo thấp cạnh mái hiên. Chiếc ghế gỗ cũ vẫn vậy, lưng ghế hơi cong, chân phải kê viên gạch men vỡ để khỏi cập kênh. Trên bàn là ly rượu trắng sóng sánh, ngả màu đục do ông đã để lâu không uống. Gạt tàn bằng sành, điếu thuốc cháy dở để đó như ai đặt xuống rồi quên, mà cũng có thể là cố tình – như một dấu chờ giữa cuộc đời nhiều ngoặt.

Tiếng dế rúc khe khẽ dưới chân tường. Xa xa có tiếng xe máy chạy ngang ngõ, lọt qua khung sắt hàng rào rồi tan đi. Không có tiếng người. Không có tiếng nhạc. Chỉ còn lại tiếng của ngôi nhà – những âm thanh rất nhỏ mà chỉ ai từng sống lâu ở đó mới nhận ra: tiếng xà gồ thở khẽ, tiếng nước nhỏ từ ống kẽ mái, tiếng của yên lặng đậm mùi quê, mùi lửa củi và mùi giẻ ẩm. Cô đứng bên cạnh, không ngồi. Chỉ im lặng, như thể không muốn làm xáo động khoảnh khắc tưởng như vô hại ấy.

"Nó có nói gì không?" – ông lên tiếng, mắt không rời mé vườn, như hỏi vu vơ.

"Không kịp." – cô đáp, nhỏ giọng, nhưng đủ để cái im lặng ấy không kịp quay về.

"Ừ. Vậy ổn rồi."

Một lát sau, ông nhấc ly lên, nhấp một ngụm nhỏ. Không đá, không nhăn mặt, như đang uống nước chè. Gió lùa nhẹ qua hiên, thổi lật vạt áo sơ mi xám của ông, để lộ thân hình đã bắt đầu xuôi dốc tuổi, nhưng vẫn giữ được cái dáng uy nghiêm không nhầm lẫn. Trên bàn, một hộp thuốc lá Gauloises chưa bóc nằm cạnh chén đựng vôi ăn trầu – thứ ông luôn giữ bên mình dù ít khi nhai. Cái trật tự cũ kỹ, hơi tàn của một người đã sống nhiều kiếp trong một đời.

Mẫn nhìn ông. Một lúc lâu. Không nói gì. Trong ánh đèn vàng, những nếp nhăn quanh khoé mắt ông trông như những đường nứt khô cằn trên nền xi măng cũ. Mắt ông vẫn thế, hơi sụp mí, đồng tử sẫm, ánh nhìn không bao giờ giao thẳng mà thường lệch nhẹ sang bên, như thể lúc nào cũng đang quan sát một điều khác. Nhưng lần này, ánh mắt ấy – lại nhìn thẳng cô. Nhìn kỹ. Nhìn sâu.

Không có giận dữ. Không có thương. Không có khen. Chỉ là một cái nhìn. Lanh tanh như đá rơi xuống đáy giếng.

Trong khoảnh khắc đó, cô bỗng thấy lòng mình xao động – không phải vì sợ, mà vì lần đầu tiên, tất cả sự yên bình quanh căn nhà này – mùi gỗ mục, tiếng dế, ánh đèn vàng – bỗng vơi bớt. Như thể một phần cô muốn giữ lại cảm giác mình là con gái trong căn nhà ấy... đã vừa bị lấy mất. Không ồn ào. Không đau. Chỉ là lặng lẽ... biến mất.

Ông lại cúi đầu rót thêm rượu, giọng chậm, gần như trôi lẫn vào đêm:

"Mai tao gặp thằng Phùng. Nó muốn nói gì đó về chiếc xe chở hàng hồi tháng trước. Nếu mày nghe thấy gì, cứ để tao xử."

Cô gật. Gật nhẹ. Không nói "dạ", không cần.

Rồi cô quay người đi. Qua bậc thềm quen, qua khung cửa cũ kẽo kẹt. Lòng lạnh mà không lạnh, nhẹ mà không nhẹ. Cái cảm giác của một người biết mình vừa bước thêm một bậc – mà phía trên không phải trời, phía dưới không hẳn là đất.

...

Và khi cánh cổng sắt đóng lại sau lưng, cô chợt khựng lại. Những ký ức – mùi máu, khói thuốc, tiếng sủi giấm ăn lên nhựa SIM – bỗng nhòe đi như khói xoa mắt. Cô nhíu mày. Không nhớ rõ mình đã rẽ qua lối nào. Không rõ đã dừng xe từ bao giờ.

Chỉ biết lúc ngẩng đầu lên, căn biệt thự đã ở đó. Im lặng. Mặt tiền tróc vữa. Hàng gạch đỏ dẫn vào sân vắng hoe. Tầng hai, tấm rèm cũ lay nhẹ như thể có ai đó vẫn đứng chờ sau khung kính, dõi theo cô – từ rất lâu rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro