Chương 3
Mùa mưa ở Thượng Hải, không khí ẩm thấp đến nỗi có thể vắt ra nước, người còn khó chịu hơn, cứ như có thứ gì đó mọc ra từ trong xương, từng chút từng chút muốn xé da cắt thịt chui ra ngoài. Trải qua một trận ốm nặng, Chu Di Trinh hốc hác vàng vọt hẳn đi, ngày ngày ở trong căn hộ của Lâm Nam Sênh, cách một cánh cửa sổ, thế giới trong mắt cô chỉ còn lại hai cây ngô đồng giống Pháp mọc trên đường Louis Ratard. Từng phiến lá xanh ngắt chới với trong làn mưa như dày vò con tim.
Nhưng Chu Di Trinh không thể đi đâu. Lâm Nam Sênh nói đúng, chừng nào vẫn chưa tìm ra kẻ phản bội, việc duy nhất cô có thể làm là ẩn náu. Quân cảnh Nhật đã phong toả mọi con đường ra khỏi Thượng Hải, đám đặc vụ của số 76 ngày đêm canh chừng bến cảng tô giới, cả trên bờ và dưới nước. Chúng thẩm vấn gắt gao từng người đang chuẩn bị rời khỏi thành phố, gần như mỗi ngày đều có người vô tội vì thế mà mất mạng.
Nhưng Chu Di Trinh vẫn muốn đi. Một buổi tối, cô thay bộ sườn xám, bước ra khỏi phòng, nói với Lâm Nam Sênh: "Em không thế tiếp tục chờ ở đây nữa!"
"Em đi đâu được bây giờ?" Lâm Nam Sanh nói: "Hễ ra khỏi cửa là có khả năng bị bắt ngay."
"Em không sợ." Chu Di Trinh đáp: "Em đã trải qua huấn luyện."
"Một khi bị bắt, lòng trung thành của em sẽ bị chất vấn."
"Tổ chức của bọn em không giống các anh." Chu Di Trinh nói: "Họ có thể chứng minh em sẽ càng trung thành hơn."
"Thế thì em không cần phải vội vã đưa chân vào bẫy." Lâm Nam Sanh nói: "Sống vô nghĩa vẫn luôn tốt hơn là chết vô ích."
"Nhưng em không thể sống ở đây!"
"Chúng ta không phải kẻ thù!" Lâm Nam Sênh nhìn cô: "Chí ít chúng ta vẫn là bạn bè."
Chu Di Trinh chợt im lặng, xoay người đi về phòng, suốt buổi tối không đi ra nữa.
Mấy hôm sau, Cố Thận Ngôn gọi Lâm Nam Sanh đến phòng làm việc, hỏi thẳng không vòng vo: "Cậu đang chứa chấp một phụ nữ phải không?"
Lâm Nam Sanh cúi đầu: "Đúng ạ."
"Cô ấy là nhân viên tình báo của Trung Cộng!"
Lâm Nam Sanh vẫn cúi thấp đầu: "Nếu cô ấy rơi vào tay quân Nhật, sẽ không có lợi cho chúng ta."
"Nhưng tin tức tình báo cô ấy nắm được chắc chắn có ích cho chúng ta!"
"Bây giờ cô ấy như diều đứt dây." Lâm Nam Sênh ngẩng đầu, vẻ mặt không biểu cảm: "Em có trách nhiệm bảo vệ cô ấy."
"Cậu đang tự huỷ tiền đồ của mình."
"Thầy biết em dấn thân vào nghề này không chỉ vì tiền đồ!"
Cố Thận Ngôn hơi sững lại: "Đới tiên sinh đã đề ra quy định rõ ràng với chuyện yêu đương cưới hỏi khi đang đối phó kẻ địch."
Lâm Nam Sanh lại cúi đầu: "Vâng ạ."
Cố Thận Ngôn nói: "Cậu có thể đưa cô ấy về phe chúng ta."
Tối hôm đó, Lâm Nam Sênh đưa Chu Di Trinh rời khỏi căn hộ. Ánh đèn đường như trăm ngàn sợi tơ mảnh dưới làn mưa phùn, hai người cùng che chung một chiếc ô, trông giống một cặp vợ chồng trẻ ra ngoài tản bộ, Chu Di Trinh mặc một chiếc áo gió của nam giới. Họ đi theo đường Louis Ratard đến đường Joffre, từ đó bắt xe đi đến bờ sông Tô Châu. Doanh trại quân Nhật nằm ngay trên bờ đối diện, nhưng từ đầu đến cuối Lâm Nam Sênh hoàn toàn không nói năng gì cả, Chu Di Trinh cũng không hỏi gì, chỉ khoác tay anh, đi men theo bờ sông rất lâu mới lên một chiếc ô tô đậu trong bóng tối.
Một người đàn ông râu kẽm hộ tống họ đi vào tô giới Nhật, ông ta chỉ quay đầu nhìn một cái, ngoài ra không hé răng nói với Lâm Nam Sênh câu nào. Khi xe dừng ở chốt canh gác để kiểm tra, Lâm Nam Sênh đột nhiên vươn tay ôm Chu Di Trinh vào lòng, tay còn lại kéo tay cô, dịu dàng mà gắt gao nắm lấy, nhưng Chu Di Trinh vẫn nghe thấy trống ngực mình đập thình thình.
Đến tận khi xuống xe, nhìn chiếc xe rời đi, đứng trong làn mưa, cô mới lạnh lùng nói: "Thì ra đúng là các anh câu kết với quân Nhật." Lâm Nam Sanh cười: "Trung Quốc có Hán gian, người Nhật cũng thế."
Nói rồi anh mở ô, hai người đi trên đường Bình An, nơi tập trung rất nhiều Nhật kiều, đi rất lâu, Lâm Nam Sanh mới dẫn cô lên căn gác mái của một toà nhà tập thể nhỏ. Đặt chìa khoá vào tay Chu Di Trinh, anh nói đây là nơi anh chuẩn bị cho mình.
"Thế thì anh không nên dẫn em đến đây mới phải." Chu Di Trinh nói.
Lâm Nam Sênh không đáp, chỉ bình tĩnh nhìn cô, nhìn đến nỗi cả hai đều không có gì để nói nữa.
Bà chủ nhà là một quả phụ người Trung Quốc, tóc bạc trắng. Ba mươi năm trước, tình nhân người Nhật của bà đã đi theo tiếng gọi con tim, bỏ lại vợ con, bỏ đi tha hương, chuyển đến đây sống với bà. Hai người họ hành y kiếm sống. Giờ đây người bà yêu đã thành bức di ảnh treo trên tường, nhưng bà không hề u sầu, ngoại trừ thắp cho ông ba nén nhang mỗi ngày, pha một ấm trà Thiết Quan Âm, cả ngày bà chỉ ngồi tại bàn thêu cạnh cửa sổ.
Bà lão quả phụ dồn hết tâm tư, nỗi nhớ của mình vào từng đường kim mũi chỉ trên tấm lụa, dáng vẻ đó khiến Chu Di Trinh nhớ đến mẹ mình. Bà bỏ mình trong hội chiến Tùng Hộ*, và căn nhà hai mẹ con họ thuê cũng tan thành tro bụi vì bom đạn. Nguyện vọng duy nhất cả đời bà là gả con gái vào hào môn, những mong có thể nhờ đó chấn hưng gia tộc đang ngày càng xuống dốc.
*Hội chiến Tùng Hộ: còn gọi là trận Thượng Hải năm 1937 hay sự kiện Thượng Hải lần thứ 2, là trận đầu tiên trong 22 trận đánh lớn giữa Quốc quân Trung Hoa Dân quốc và Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Kéo dài hơn ba tháng từ 13/8/1937 đến 26/11/1937, đây là trận chiến đẫm máu nhất với con số thương vong lên đến hàng trăm ngàn người, kết thúc khi quân Trung Quốc phải rút lui khỏi Thượng Hải, kéo theo cuộc đổ bộ của quân Nhật vào Nam Kinh sau này.
Một thời gian, Chu Di Trinh như chìm đắm trong thủ nghệ thêu hoa cũ kỹ mà tinh xảo của bà lão, ngày ngày bắt đầu ở trong phòng bà để học thêu, có lúc còn giúp bà may kimono, cuối tuần cô mới đi ra sạp báo ở đầu phố, mua một tờ Mainichi Shimbun* số ra ngày hôm đó. Đây là ước định của cô và Lâm Nam Sênh khi hai người từ biệt, chỉ cần anh còn sống an toàn thì sẽ đăng một mẩu tin tìm người giống nhau trên tờ Mainichi Shimbun vào mỗi cuối tuần.
*Mainichi Shimbun: Một tờ báo hàng ngày của Nhật, ngày nay vẫn đang được phát hành.
Ngoại trừ việc đó, hầu như Chu Di Trinh không bước chân ra khỏi cửa. Thời gian trôi qua khiến nước da cô dần xanh xao, nhưng ánh mắt lại ngày một trấn tĩnh. Nhưng những ngày như vậy chỉ kéo dài được đến mùa thu. Vào một buổi chiều trời trong mây vắng, Chu Di Trinh đứng trước sạp báo, cùng lúc khi đọc mẩu tin tìm người quen thuộc kia, cô còn thấy một việc ngoài dự liệu.
Đó là mật hiệu chỉ cô đọc hiểu, tổ chức đang triệu tập cô.
Một người đàn ông trung niên đeo kính viền đen hẹn gặp Chu Di Trinh. Trên một chiếc ghế dài ở công viên Hồng Khẩu*, người kia nói: "Tôi họ Phan, cô gọi lão Phan là được rồi."
*Công viên Hồng Khẩu: nay là công viên Lỗ Tấn, nằm ở quận Hồng Khẩu, Thượng Hải.
Chu Di Trinh nhớ lại lần đầu gặp Kỷ Trung Nguyên. Anh ta nói: "Tôi họ Kỷ, cô gọi lão Kỷ là được rồi." Chu Di Trinh gật đầu, hỏi ông ta hài cốt của lão Kỷ chôn ở đâu?
Lão Phan hơi sững sờ, nói: "Người làm Cách mạng, da ngựa bọc thây, cậu ấy vĩnh viễn ở trong tim chúng ta."
Chu Di Trinh cúi gằm, bắt đầu thuật lại tình hình mấy tháng qua. Nhưng lão Phan phất tay ngăn cô lại. Chu Di Trinh nói: "Tôi phải báo cáo rõ ràng với tổ chức."
"Tổ chức chưa từng bỏ rơi cô." Lão Phan nói: "Việc tôi đến đây gặp cô đủ chứng minh sự tín nhiệm của tổ chức đối với cô."
"Nếu vậy các anh lẽ ra nên liên lạc với tôi sớm hơn."
"Chúng tôi phải tìm ra kẻ phản bội trước." Lão Phan nói: "Lần này đã phải trả giá rất đắt."
"Hắn là ai?"
Lão Phan thở dài không đáp. Ông ta giao cho Chu Di Trinh nhiệm vụ khôi phục lại mạng lưới trao đổi tình báo với Quân Thống. Cuối cùng ông ta nói: "Người tên Lâm Nam Sênh này xứng đáng để chúng ta tranh giành."
Chu Di Trinh không đáp, đưa mắt xa xăm nhìn về mấy cặp nam nữ người Nhật mặc kimono trên bãi cỏ đối diện.
"Có khó khăn gì cô cứ nói ra."
Chu Di Trinh lắc đầu, vẫn không mở miệng.
"Tôi biết cô đang nghĩ gì, chúng ta phải nhìn xa một chút." Lão Phan nói: "Nhất định sẽ có ngày bọn giặc Nhật phải cuốn gói khỏi Trung Quốc."
Chu Di Trinh đột nhiên quay đầu lại nhìn ông, nói: "Ông không sợ tôi bị hắn lôi kéo ư?"
Lão Phan cười: "Tổ chức tin tưởng cô."
Chu Di Trinh quay về căn phòng của bà lão quả phụ, tỏ vẻ như không có gì xảy ra. Suốt buổi chiều, cô ngồi bên bàn thêu luồn kim kéo chỉ, mãi đến khi trời tối mới đứng dậy quay về căn gác mái nơi cô ở, kéo rèm, nằm thẳng đơ trên giường, mắt mở to, thất thần nhìn chằm chằm xà nhà đen sì.
Ba ngày sau, khi cô gặp Lâm Nam Sênh ở quán cà phê quen thuộc, trên mặt Lâm Nam Sênh hiện ra một nụ cười vẻ bất lực. Anh nói: "Rốt cuộc chúng ta lại quay về chỗ cũ."
Chu Di Trinh dùng thìa khuấy cốc cà phê hồi lâu mới nói: "Anh gầy đi rồi."
Lâm Nam Sanh nói: "Chúng ta bắt đầu thôi."
Chu Di Trinh gật đầu, một cảm giác khó chịu không nói nên lời đột nhiên nổi lên. Cô gắng gượng uống một ngụm lớn cà phê, lấy tay che miệng một lúc, nhìn ra ngoài cửa sổ.
Trước khi từ biệt, Chu Di Trinh lấy chìa khoá từ trong túi ra đặt lên bàn, cô không nhìn Lâm Nam Sênh lần nào nữa, đứng dậy đi ra ngoài, nhưng ra đến cửa lại đột nhiên dừng lại, dường như nghe thấy có người gọi mình, cô từ từ quay đầu lại.
Lâm Nam Sênh thong thả bước đến, đặt lại chìa khoá vào tay cô, nói: "Em vẫn nên giữ cái này, chỗ đó là nơi ánh đèn không chiếu tới." Chu Di Trinh nhìn anh, vẫn muốn đẩy cửa đi ra. Lâm Nam Sanh vẫn nắm tay cô, mấy lần mở miệng nhưng lại không biết nên nói gì, cho nên lại cười cười, nói: "Em đi nhé."
Bây giờ Chu Di Trinh đi sớm về muộn, mỗi tuần cô gặp Lâm Nam Sênh một lần, ngoại trừ trao đổi tin tình báo, họ không nói lời thừa thãi. Chu Di Trinh trở nên vô cùng bận rộn, cô không còn thời gian đến phòng bà lão quả phụ để học thêu nữa, liền mua một chiếc bàn thêu ở tiệm đồ cũ, đặt trong căn gác mái, khi đêm đã về khuya, cô vùi đầu ngồi bên bàn, cô tập trung tinh thần đi từng mũi kim đường chỉ. Dáng vẻ Chu Di Trinh khi thêu thùa rất tập trung, tựa như ngoài việc di chuyển mũi kim trên tấm lụa, trên đời này không còn điều gì khiến cô chuyên tâm đến thế. Nhưng một buổi tối nọ, cô giống như bị mất trí, tốn công thêu thùa, lại đột nhiên lấy một chiếc kéo cắt nát vụn bức “Điệp Luyến Hoa*” đã gần hoàn thành.
*Điệp Luyến Hoa: đôi bươm bướm bay lượn trên khóm hoa, chắc chỉ chuyện yêu đương?
Chu Di Trinh gục đầu trên bàn thêu, khi cô ngẩng lên, dưới ánh đèn, đôi mắt cô đẫm lệ, nhưng cô không khóc thành tiếng. Chu Di Trinh đứng dậy, rửa mặt bằng nước lạnh xong, cô làm như không có gì xảy ra, cầm chổi quét dọn cẩn thận rồi căng một tấm lụa khác trên bàn thêu, lấy mẫu đặt lên trên, cúi xuống chầm chậm đồ từng nét.
Bức tranh Chu Di Trinh thêu lại vẫn là bức “Điệp Luyến Hoa”.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro