Anh bạn dưới thị

Trưa nay Thoa chẳng thể nào ngủ được, mặc dù cơn gió mát đầu thu tháng 9 đang luồn từ bãi ngô trước nhà, lọt qua ô cửa sổ , mơn man trên làn da thớ thịt như mời gọi vỗ về cô một giấc ngủ say. Nhưng chiều nay cô có cuộc hẹn với một người, tâm trạng cô bồn chồn lo lắng không thể nào ngủ được.

Thoa dậy cho bầy gà ăn thóc, xắt thêm ít chuối rồi trộn cám cho ba con lợn đang nhớn trong chuồng, rồi xách thêm mấy xô nước từ giếng vào nhà cho mẹ, bà Liễn thấy con gái thoăn thoắt như vậy liền hỏi:

"Mới đầu chiều đã cho gà lợn ăn sớm thế Nhỏ ?"

Mẹ Thoa vẫn gọi tên con gái là Nhỏ như từ hồi bé, đến giờ con gái

đã đôi mươi vẫn gọi vậy.

" Nhỏ chiều nay có việc xuống chợ huyện nên Nhỏ cho bọn nó ăn sớm tí" , Thoa nói với từ trong bếp ra.

"Có việc !" , bà Liễn cũng hơi ngạc nhiên vì mấy tháng nay từ ngày thi tốt nghiệp cấp 3 xong thì con gái bà chỉ ở nhà với mẹ không đi đâu, rảnh rỗi thì cũng loanh quanh xóm làng thôi, hôm nay nghe con nói xuống thị trấn thì cũng lạ, nhưng thấy con gái có vẻ vui vui thì bà cũng an tâm.

" Con có việc thì cứ đi đi, để đó mẹ làm cho".

"Dạ"

Thoa miệng Dạ vậy chứ cô vẫn cố làm cho xong, mẹ cô chân bị viêm khớp đã mấy năm, cô muốn làm xong phần việc của mình đỡ đần cho mẹ, làm xong việc thì cô đi tắm rửa, rồi chọn bộ áo quần cô thích nhất, chiếc áo sơ mi ngắn tay màu xanh lá, ôm trọn bờ eo thon được mẹ mua cho từ cuối năm lớp 10, nhưng ít mặc nên vẫn giữ được vẻ mới, Thoa xoay ngang xoay dọc ngắm nghía trước chiếc gương đã bị nứt chéo một đường . Cô chào mẹ rồi đi ra cổng, bà Liễn nhìn theo bóng lưng con gái, từ ngày chồng mất nhà chỉ có hai mẹ con, bà thì sức khoẻ yếu dần, bà thương con gái vất vả, đánh sượt thở dài một tiếng rồi bà lủi thủi đi vào bếp.

Thoa đi qua nhà anh Huy ở đầu xóm, anh với Thoa là bạn bè chơi thân thiết từ nhỏ với nhau, hôm qua cô đã đánh tiếng mượn anh chiếc xe máy để xuống thị trấn. Tới trước cổng thì thấy anh đang ghé lưng khiêng mấy bao ngô vào nhà, cô chào:

"Em chào anh ạ".

"A, Nhỏ đó hả em, mượn xe phải không, chờ a khiêng nốt mấy bao vào đã nhé." Huy vừa làm vừa trả lời.

Thoa xấn lại bê bao ngô cuối kê lên vai Huy khi a cúi xuống, cô là con gái nhưng hay làm từ bé nên cũng quen việc lắm, Huy biết tính thật thà của Thoa nên cũng không câu nệ gì. Nhưng Thoa quên mất đây là bộ áo quần đẹp nhất của cô để dành gặp một người cô đã mong chờ lâu nay, bụi ngô và đất trên bao đã làm bẩn cái vạt áo , cô thấy mà buồn ngẩn ngơ.

Huy đẩy xe ra cho Thoa, chiếc Jupiter đã hư bộ đề pa, mỗi lần nổ máy là phải đạp, anh lấy can xăng trong nhà ra đổ đầy bình, ở xóm miền núi này phải đi 5 cây số mới có cây xăng nên người ta thường hay mua xăng về trữ trong nhà.

Anh còn cẩn thận dặn:

" Xe đèn pha bị hư rồi, chỉ còn đèn Cos thôi, em có về muộn thì cẩn thận nhé."

"Dạ vâng ạ".

"Mà em đã quyết định đi học Kinh tế trong Đà Nẵng chưa? Cố

gắng mà đi nhé, anh nghe thằng Tùng bạn cùng lớp của em nói điểm thi của em cao thứ hai trường đấy, không đi học là phí lắm em ạ."

Nghe anh Huy bỗng dưng nhắc đến chuyện học hành của mình, điều làm mình buồn phiền mấy bữa nay. Thoa ngẩn người ra một lúc, rồi cười trừ:

"Em ở nhà với mẹ thôi anh ạ."

Huy lau mồ hôi, ngồi xuống uống ngụm nước chè Vằng, tính nói gì thêm mà rồi lại thôi.

" Ừ thôi em đi đi".

Thoa nấn ná chưa đi, cô ngồi xuống thềm , mắt nhìn xuống chân, miệng nói lí nhí như sợ ai nghe thấy:

" Em nhờ anh thêm việc này được không ạ?"

Thấy điệu bộ rụt rè của cô em, Huy hỏi:

" Sao hả em?"

" Tối nay em có người bạn ở thị xã lên chơi ít hôm, anh cho bạn ấy ở nhờ nhà anh vài ngày nhé."

Hơi ngạc nhiên vì lần đầu nghe Thoa có bạn ở dưới Thị, tính hỏi thêm mà thấy vẻ ngại ngùng nên anh cũng thôi, anh chỉ khẽ "Ừ" . Thoa biết tính anh Huy ít nói nhưng nhiệt tình, thật bụng, ba mẹ anh thì làm và ở trên rẫy, nhà chỉ có mình anh. Cô nghĩ bạn cô ở đây cũng không bất tiện cho anh Huy lắm.

" Em cảm ơn anh, chào anh em đi ".

Không biết Thoa cảm ơn vì Huy vì đã giúp cô hay vì đã không hỏi gặng chuyện Người bạn kia. Hỏi nữa chắc cô chui xuống đất mất, giờ tâm trạng cô cứ rối bời. Thoa và anh Bạn ấy biết nhau qua một lần tình cờ nói chuyện trên Facebook, hai con người xa lạ chưa từng gặp mặt nhưng cái nhiệt tình sôi nổi của anh ấy đã làm Thoa có cảm tình. Những gợi ý , hướng dẫn khi gặp bài toán khó của anh ấy làm Thoa biết ơn và ngưỡng mộ, những lần chúc ngủ ngon mỗi tối làm Thoa vùi mặt vô gối thẹn thùng, những dòng tin nhắn ấy từ từ nhen nhóm trong tâm hồn cô thiếu nữ ấy một thứ tình cảm đầu đời mới lạ, tươi mát như cơn mưa đầu xuân tưới trên những chồi non xanh biếc.

Anh bạn ấy hỏi cô rất nhiều về nơi cô ở, anh nói thích gần gũi thiên nhiên, sông suối núi rừng, nói khi nào Thoa thi xong anh sẽ lên chơi. Đã từ lâu anh muốn thăm mảnh đất Minh Hoá xinh đẹp, cứ nghĩ anh nói cho vui, ai ngờ mấy ngày trước anh nhắn :

" Thứ năm này anh lên chơi nha cô bé".

"Dạ anh lên thật hả"

" Ừ, thật chứ, thanh niên nói là làm mà, chiều đó đón a nhé, a bắt xe đò lên ."

"Dạ, vâng anh".

Cái sự nồng nhiệt của anh chàng Thị xã ấy làm Thoa không thể từ chối, đến giờ cô vẫn tự trách mình sao đồng ý nhanh vậy. Mà kể từ hôm nhắn hẹn nhau ấy đến hôm nay không thấy anh nhắn lại, đến ngày hẹn cũng không nhắn báo cho cô đã lên xe chưa. Điều đó làm cô có lúc nghĩ người ta chỉ hẹn bâng quơ chứ không thật, nhưng dù sao đã hẹn rồi thì có sao cũng phải đi đón người ta, không thì áy náy lắm. Cô gái 18 ấy cứ vậy mang theo những hồi hộp, lo lắng, rẽ qua cây Đa đầu làng theo hướng đường lớn mà đi, ngọn gió cuốn lại mùi hương bồ kết trên mái tóc kẹp nơ hồng còn sót lại vài viên gỉả đá của cô thôn nữ rồi tan biến.

Từ xã của Thoa lên Huy tâm huyện là thị trấn Qui Đạt cũng gần 12 cây số. Tới chỗ hẹn cũng mới 3h chiều, Thoa đứng đợi dưới gốc cây sung cổ thụ. Đây là nơi mà người nhà các xã thường đứng đón xe hay chờ nhà xe trả hàng, trả khách , dần dà khi điện thoại cho nhà xe chỉ cần nói đón ở cây Sung, hoặc trên xe thì nói cho em xuống cây Sung là hiểu, như một trạm xe tự nhiên vậy. Từ thị xã Ba Đồn lên Qui Đạt theo tuyến đường quốc lộ 12A chỉ có một chuyến trong ngày, thường khoảng hơn 4h mới tới, vậy là còn hơn một tiếng nữa. Thoa đắn đo có nên ghé nhà con Hằng mượn thỏi son điểm chút lên môi. Mà có lẽ thôi, từ lúc thi xong đến giờ Hằng thưa nói chuyện với Thoa hẳn, Thoa nhắn hỏi gì cũng không buồn trả lời, hồi còn đi học Thoa hay bày vẽ bài vở cho, lúc ấy sao mà thân thiết thế, nghĩ cũng buồn.

Mặt trời nắng đang còn gắt, mồ hôi đã rịn lấm tấm trên trán, Thoa dựng xe rồi lót dép ngồi sau gốc cây tránh nắng và bụi đường cuốn lên khi những chiếc xe tải vút qua, cô chẳng muốn cái áo của mình lem luốc thêm chút nào. Không biết làm gì cô liếc mắt nhìn vài con kiến đang hè nhau rinh một chiếc lá về tổ. Nhìn đàn cá lia thia đang vẫy đuôi lách tách bơi theo mương nước. Nhìn con ốc bươu đang bò chậm chạp lên máng mương nước, tự hỏi lúc anh ấy tới thì con ốc đã bò tới miệng máng chưa nhỉ? Cứ nghĩ tới đó là tim Thoa cứ đập hụt một nhịp, không biết là đang mong xe tới mau hay đừng tới sớm quá, tâm trạng cô cứ xoay mòng mòng như chiếc lá xoáy tròn trong dòng nước.

Những dòng suy tư của cô gái cứ trôi theo từng nhịp phút giây của thời gian, bỗng nghe " Cạch " rồi "Ối", Thoa ngước lên thì thấy một người một xe đã bổ sóng xoài ở trên đường nhỏ phía trước, phía sau là một xe bò kéo chở đầy mấy bao than củi bị lật nhào, có vài bao than bị đứt dây buộc miệng , than đổ tung toé ra cả đường. Thoa nhận ra là bác Dực ở xã bên, nhà bác ấy thường đốt củi lấy than rồi đem xuống chợ huyện bán. Từng bao than được chất lên chiếc xe bò kéo, rồi lòn cái càng xe qua người, ép vào phần đùi và bụng, ngồi lên xe nổ máy là chạy. Thoa chạy lại thì thấy cái càng xe đã đè xuống chân bác Dực, cô gỡ cái càng, nâng càng cho bác Dực đứng dậy. Người đàn ông nhận ra người giúp mình là con bà Liễn , bác xuýt xoa:

"Nãy lên cái dốc xe tự nhiên chết máy, trôi xuống bác đỡ không kịp".

" Dạ chân tay bác có bị sao không ạ,"

" Ừ bác không sao, chỉ trầy xước chút, mà cháu có việc đi đâu dưới này thế ?"

" Dạ cháu có chút việc bác ạ".

" Ừ bác cảm ơn cháu nhiều nhé, cũng may gặp được cháu"

Thoa ái ngại nhìn mớ than đen sì ngổn ngang giữa đường, cô lí nhí chào bác rồi quay gót về cây sung. Ngoảnh lại cô thấy bác Dực với cái chân tập tễnh, khom lưng vác từng bao than lên xe, mỗi lần dùng sức bác lại xuýt xoa, nhăn nhó, trong lòng cô trào lên nỗi hổ thẹn khôn cùng, cô thấy sao mình lại kém cỏi thế, đeo lại cái khẩu trang che mặt cô đi nhanh như chạy về phía người hàng xóm tội nghiệp ấy:

" Bác để cháu giúp một tay ạ".

Cũng không chờ bác kịp nói gì thêm, cô đã xấn vào ôm bì than bỏ lên chiếc xe càng, bì than không nặng nhưng to, nên mỗi lần ôm là cứ phải sát người. Một bì, hai bì, rồi ba bốn bì, bây giờ cả người cô đã như lọ lem, than đen cả một vạt áo trước ngực và bụng, cái cổ thon trắng ngần cũng bị bụi than lem bẩn, mồ hôi thấm ướt cả lưng áo, với bộ dạng của mình giờ cô chỉ mong cái anh chàng thị xã ấy đừng có tới, người gì đâu nhắn hẹn xong là im bặt luôn. Cô thương mình rồi giận lây qua anh bạn ấy, vừa buồn vừa tủi, chợt sống mũi cay cay, rồi nước mắt đã ngân ngấn ở khoé mi, ngắn dài trên má, cô gái tội nghiệp ấy cúi xuống hốt mớ than vung vãi trên đường cũng là để che giấu đi nổi buồn tủi trong lòng. Lại có thêm người qua đường nữa đến giúp vác nốt hai bao than lên xe, vén vén mấy hột than còn sót lại với Thoa rồi cho vô bì.

" Bác ngồi lên xe đi rồi cháu lòn càng ( xe) vào cho ạ" - người kia nói với bác Dực.

" Bác cảm ơn".

" Nhỏ ơi bác đi nhé, bữa nào qua nhà bác lấy buồng chuối về nhé, chuối chín mấy buồng rồi cháu ạ."

Thoa " dạ vâng ạ" , chờ bác nổ máy đi thì cô cũng lủi thủi về gốc sung , cô buồn bã ngồi thẫn thờ, cũng không để ý là người kia đi theo sau mình.

" Này em gái, lấy chai nước mà rửa tay này".

Thoa ngước lên thì nhận ra người đi đường khi nãy giúp bác Tâm, thì ra người ta cũng chờ ở đây như mình.

" Dạ em cảm ơn "

Thoa hai tay đón lấy vì lúc này cô cũng cần nước sạch, cởi cái khẩu trang đen nhẻm ra rồi rót nước từ chai để rửa tay.

" Ơ , Thoa ! có phải em là Thoa không ? "

Nghe gọi tên mình, Thoa ngơ ngác ngước lên, chỉ thấy người con trai kia cũng cởi khẩu trang ra, nhoẻn miệng cười.

" Là anh Trường đây, facebook Đặng Trường đây".

Thoa mắt tròn xoe, đứng hình trong giây lát, cô nhìn người thanh niên đứng trước mình, đúng là anh Trường , anh bạn thị xã cô đang chờ đang đợi. Nhìn anh Trường cũng không khác trong ảnh là bao, trán cao, mũi thẳng, cặp môi dày toát vẻ rắn rỏi, cô thẹn thùng cúi gầm mặt xuống:

" Anh tới lúc mô em không biết ?"

" Anh xuống xe chỗ cây sung này thì không thấy em đâu, tưởng em chưa tới, nhìn phía đường nhỏ thấy xe càng đổ than nên a lại giúp, cũng không biết đó là em."

Thì ra do Thoa và Trường chưa thấy hình dáng ngoài đời của nhau bao giờ, cộng thêm cứ mải lúi húi hốt than nên không biết nhau. Trường giúp Thoa dội nước rửa tay, anh lấy trong ba lô ra chiếc khăn lạnh, xé ra rồi lau lau cổ cho Thoa, vẻ tự nhiên của anh ấy làm Thoa đỡ phần nào ngại ngùng.

" Nhìn em xinh hơn trong ảnh đấy ",

Bất chợt được khen làm Thoa đỏ ửng mặt.

" Đưa chìa khoá xe đây anh lái cho nào, ngồi sau cho vững nhé, anh có kinh nghiệm ngã xe lắm".

Thoa tủm tỉm cười, cô ngồi sau bờ vai rộng của anh thanh niên ấy, ngoái lại nhìn chú ốc sên dưới mương đã bò lên tới bờ từ lúc nào.

Đối với Trường thì đây là lần đầu tiên anh đặt chân lên mảnh đất này. Minh Hoá là huyện cuối cùng phía cực tây của Quảng Bình, có biên giới giáp nước bạn Lào, từ chỗ Trường lên tới đây cũng gần trăm rưỡi cây số. Con đường bê tông mà hai người đang đi kéo dài hút mãi tới những mái nhà dưới chân núi, lúc này mặt trời đã xế bóng, ánh chiều tà mấp mé sau dãy Trường Sơn hùng vĩ, từng dãy núi đá vôi cao vút đan xen vào nhau , những ruộng lúa xanh ngát hai bên đường, gợn từng đợt sóng dập dìu theo gió, thoảng lên mùi lúa sữa, ven đường từng con trâu đang lững thững đi về. Bức tranh làng quê yên bình làm Trường cảm thấy dễ chịu, anh lái xe chậm chậm để tận hưởng thêm khoảnh khắc này, mà không biết rằng cô gái phía sau mình cũng đang muốn đường xa thêm chút.

" Quê em đẹp quá Thoa ạ."

" Dạ không vui bằng thị xã đâu anh ạ, sợ không có chỗ nào chơi anh nhanh chán ạ".

" Chỉ sợ em đuổi anh thôi chứ không có chuyện anh chán đâu , mà đợt vừa rồi em thi tốt nghiệp điểm cao không ?"

"Dạ em được 25,5 điểm anh ạ."

" Ồ! Điểm em cao quá, anh chúc mừng nha, sắp được làm sinh viên rồi đó".

Dù trước đây hai anh em có hay trao đổi chuyện bài vở, Trường cũng nhận thấy cô bé này khá thông minh nhanh nhẹn, nhưng anh cũng không khỏi ngạc nhiên khi điểm của Thoa lại cao như vậy. Ở chỗ anh mấy đứa học sinh thị xã học thêm ngày đêm mà cũng ít người đạt 25 điểm, cô bé này giỏi quá.

" Nhà em là ở xã Huy Hoá phải không?"

" Dạ đúng rồi anh ạ."

" Thế xã Hoá Sơn là nằm chỗ nào ?"

"Dạ Hoá Sơn giáp với xã em luôn đó anh, mà sao anh lại hỏi Hoá Sơn, anh cũng có bạn ở đó hả ?"

" À, không phải, anh hỏi cho biết thôi".

Chạy xe được một lúc thì tới cây đa đầu làng, Thoa chỉ đường cho Trường lối vào nhà Huy, lúc ấy đã chập choạng tối.

" Tối nay anh ở nhà bạn em nha, anh ấy tên Huy", Thoa nói.

" Anh ở vậy có phiền người ta không em ?".

" Tính anh ấy hiền lắm ạ, em cũng nói trước với anh ấy rồi, không sao ạ."

Trường cũng biết không có cách nào hơn, đi từ thị trấn về đây ít hàng quán, không có nhà nghỉ khách sạn nào, với lại trong tâm lí anh cũng muốn ở trong nhà dân cho gần gũi. Hai người tới nơi thì Huy đang kê lại cái cửa chính bị lỏng cái bản lề, Trường chào hỏi xong thì cũng lại phụ giúp một tay.

" Anh nhích lên một tí, rồi rồi "

"Chỗ dưới này cũng bị lỏng rồi, cho em mượn cái búa"

" Vẫn còn nghe cọt kẹt, em phụ anh nâng cửa lên ráp lại xem thế nào".

Làm việc cùng nhau là cách nhanh nhất để làm quen và hiểu nhau, vẻ nhiệt tình cuả Huy đã làm Trường có cảm tình như thế. Thoa thì xuống bếp vo gạo nấu cơm, nhặt rau nấu canh. Lúc hai người con trai xong việc thì cô đã cũng bưng mâm cơm lên. Thoa chào hai người rồi xin phép về.

" Em ở lại ăn cơm với bọn anh đã", Huy nói.

" Dạ cho em xin phép về, hai anh ăn cơm đi cho nóng ạ, trưa mai em mời anh Huy anh Trường qua nhà em ăn cơm ạ."

Thoa nóng lòng về xem mẹ cô ở nhà cơm nước sao rồi, Huy cũng hiểu điều đó nên không nài nỉ gì nhiều. Cô gái ấy chỉ muốn đưa mắt nhìn người bạn kia một cái nhưng không dám, cứ thẹn thùng, mắt nhìn xuống đất rồi đi ra.

" Thoa, chờ anh chút".

Tiếng Trường gọi làm Thoa tim đánh cái thịch, con người ta thường khi lo lắng quan tâm cái gì mà cái đó tới thì kiểu gì cũng giật mình, chỉ thấy Thoa quay lại miệng nói mà như không nói :

" Dạ gì đó anh Trường".

Trường mở ba lô ra rồi lấy vật gì đó đưa lại cho Thoa, anh cười nói:

" Anh có cái này cho em".

" Ôi dạ thôi, em không nhận đâu"

" Em cứ nhận lấy, hồi trước anh chả bảo em thi tốt thì anh sẽ có quà rồi còn gì, không nhận anh buồn đấy".

Trường cầm tay rồi dúi dúi túi quà cho Thoa, cũng may lúc đó trời đã tối, cô đứng dưới bóng cây nhãn trồng trước cổng nên Huy và Trường không thấy được cái mặt đã đỏ lựng của cô gái, cô lí nhí cảm ơn Trường rồi đi về., cái chạm tay lúc nãy vẫn còn ấm nóng, tê rần rần trông người cô thôn nữ.

Đi đường xa đói bụng nên Trường ăn rất ngon cơm, dĩa rau muống xào tỏỉ, cá khô chiên mắm, thêm dĩa trứng gà rán, một bát canh nước rau muống vắt thêm quả chanh thẻ, húp mát tận ruột. Ăn xong Huy lấy ấm nước chè ra bỏ trước hiên, rồi đi ra cây nhãn lấy cây sào chọc chọc, một chùm nhãn rơi xuống, giống nhãn Nhà tuy nhỏ quả hơn nhãn lai nhưng ngọt lịm. Buổi tối ở quê yên tĩnh lạ thường, cả một màn đêm đen bao phủ làng quê núi rừng, chỉ điểm lưa thưa vài ánh đèn leo lét, tiếng ếch nhái ì ọp kêu nghe vui tai đến lạ.

" Em làm nghề chi hả Trường ? "

" Dạ em là kỹ sư điện, em làm cho công ty Đài Loan anh ạ. "

" Công việc lương cao không ?"

" Dạ cũng tàm tạm vậy anh ạ, nhưng tuần trước em xin nghỉ việc rồi ".

" Em tìm được công việc lương cao hơn hả ? "

" Dạ không phải, công việc bắt buộc em phải gò bó, mà tính em thích bay nhảy, nên em không muốn tiếp tục nữa, đợt này em nghỉ ngơi một thời gian rồi tìm hướng đi khác."

Bản thân Huy thấy không có việc gì là không gò bó con người ta cả, anh chỉ mong thanh niên trẻ này nghỉ việc không phải là một sai lầm.

" Anh Huy có phải là người Nguồn không ạ ? ", Trường hỏi.

" Không phải, anh cũng là người Kinh thôi, Thoa thì mới là người Nguồn ".

Trường cũng hơi ngạc nhiên vì anh Huy là người Kinh, vì Trường biết ở đây hơn chín mươi phần trăm là đồng bào người Nguồn, Nguồn ở đây nghĩa là vùng thượng lưu, từ đây những nhánh sông lớn nhỏ sẽ hợp lại để tạo thành sông Gianh cuồn cuộn đổ ra biển.

" Có phải người ở đây mang họ Đinh nhiều nhất đúng không anh ? "

" Đúng rồi em, họ nhà anh là họ Nguyễn, còn đa số là họ Đinh, như Thoa là Đinh Thị Thoa, còn mẹ Thoa là Đinh Thị Liễn".

Nhắc đến Thoa , Huy thở dài: " Nhà ấy hoàn cảnh, hai mẹ con nương tựa nhau mà sống, tội nó, trúng đại học mà không có điều kiện theo học tiếp."

Trường đang uống ngụm nước chè, chưa kịp trôi xuống đã thấy tắc ở họng, nghe Thoa không thể đi học tiếp mà anh thấy xót xa, hai người chỉ trầm ngâm không nói gì nữa., chỉ nghe phía trên rừng tiếng thú kêu toang toác trong rừng vọng lại, rồi tan biến trong đêm.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro