Không thể chuộc lỗi-Allen Hassan-Chương 4-9
Chương 5 (tiếp)
Tôi cùng ông Detwiler mất khoảng một phút để khiêng anh lính trẻ cân nặng chừng 55 kg này đặt lên bàn mổ. Đây cũng chính là cái phòng đã được dùng để mổ cho cậu bé trai vừa tử vong nói trên.
- Mang cho tôi dao mổ! Cho tôi dịch truyền, máu và tất cả những gì các anh có, nhanh lên!
Bác sĩ Detwiler kêu lên. Bác sĩ Nettles cũng đến nhập vào toán phẫu thuật cùng với nhiều y tá người Việt.
- Mở ngay tĩnh mạch bắp đùi bệnh nhân, - ông Detwiler nói,
- cả đùi phải lẫn đùi trái. Chúng ta cần truyền dịch ngay cho anh ta. Anh ta đã mất khá nhiều máu. Hãy chuẩn bị để mở lồng ngực.
Chúng tôi đổ cồn lên ngực rồi buộc chặt cơ thể người lính trên bàn mổ. Mặc dù anh ta đã trong tình trạng nửa hôn mê, nhưng bác sĩ Detwiler không muốn người lính động đậy trong khi đang tiến hành phẫu thuật. Ông yêu cầu mang ê-te lại, vốn là tất cả những gì chúng tôi có dành để gây mê, ngoại trừ chất Pentothal có thể làm cho bệnh nhân bị mê sâu hơn. Chúng tôi cô lập hai tĩnh mạch ở đùi và đặt ống dẫn để truyền máu về tim. Thật may mắn, nạn nhân không bị mất máu quá nhiều.
Việc tối quan trọng là đặt bệnh nhân nằm đúng vị thế, nằm ngửa, đầu hơi cao để anh ta không bị chết ngạt. Chúng tôi đặt một ống dẫn, thông từ lỗ mũi xuống khí quản để anh ta dễ thở.
- Anh có biết là nên mổ ở đâu không? - Bác sĩ Detwiler hỏi tôi.
- Tôi nghĩ nên như thế này.
Tôi nói và rạch giữa xương sườn số 6 và số 7, một đường rạch dài từ đỉnh xương ức xuống tận nửa nách. Tôi nhớ lại bài học ở trường y: dây thần kinh, động mạch, tĩnh mạch, tôi cũng nhớ là những dây thần kinh, những động mạch và tĩnh mạch đều nằm bên dưới mép xương sườn, và nếu không khéo tay mà làm tổn thương đến chúng thì bệnh nhân có thể xuất huyết cho đến chết hoặc tổn hại dây thần kinh trầm trọng. Trong ngày đó, vì một số lý do, tôi liên tưởng đến sự kết hợp của các từ N, V và A với những từ North Vietnamese Army(1). Tôi cắt và mở lồng ngực của bệnh nhân rồi đặt một cái kẹp banh miệng vết mổ. Khi mở lồng ngực, một vòi máu bắn phụt lên trần phòng mổ. Và trong suốt thời gian chúng tôi làm việc, máu của người lính cứ tiếp tục nhỏ giọt.
Việc máu bắn phụt ra như thế chứng tỏ rằng trái tim mà chúng tôi kéo ra khỏi lồng ngực vẫn còn sống và còn đủ mạnh để hồi phục. Chúng tôi đụng đến màng bao quanh tim, vốn đã chứa đầy máu và làm cho tim ngừng đập, dẫn đến việc tĩnh mạch cổ của bệnh nhân sưng phồng lên, mà ngay lúc đầu bác sĩ Detwiler đã nhận định là một ca ép tim do tràn dịch ngoài màng tim.
Mặc dù bệnh viện Huế được xem là có cơ sở vật chất tốt nhất Việt Nam, chúng tôi vẫn không có một máy theo dõi để quan sát chức năng của tim, cũng không có thiết bị quang điện đo lượng oxy trong máu. Cũng giống như cách những bác sĩ thường hành xử ở Việt Nam, chúng tôi hành động dựa vào trực giác và kinh nghiệm. Bác sĩ Detwiler ra lệnh cho truyền nhiều hơn dịch truyền vào tĩnh mạch đùi nhằm bổ sung cho lượng máu mà người lính đã bị mất, đồng thời làm giảm khả năng bị sốc.
Trong khi bệnh nhân đang tiếp nhận dịch truyền thì bác sĩ Detwiler yêu cầu cho thêm ê-te. Chúng tôi lo lắng, cố tránh cho bệnh nhân không bị sốc vì đó là nguyên nhân chính dễ dẫn đến tử vong trong những tình huống như thế này. Lật người bệnh từ bên này qua bên kia trong thời gian phẫu thuật cũng có thể gây sốc hoặc làm tình trạng xấu hơn. Sốc có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc âm ỉ. Đó là một phản ứng tự vệ làm gia tăng nhịp tim và làm suy yếu hiệu quả của sự tuần hoàn máu, làm bệnh nhân tái nhạt, một triệu chứng thiếu oxy ở não bộ và ngăn chặn các chức năng của cơ thể. Trong trường hợp bị sốc nặng, người bệnh có thể bị trụy thận, gan, dẫn đến tử vong.
Chúng tôi thăm dò và phát hiện ra một vết thương 3 cm xuyên qua tim của anh ta. Rõ ràng, người lính này đã lãnh nguyên một lưỡi lê vào giữa xương sườn thứ 6 và 7. Đó là một vết thương gây ra bằng một nhát đâm có tốc độ chậm và không nguy hiểm như những vết thương sau này tôi thường gặp, vốn gây ra do đạn, mảnh bom, mìn, đạn đại bác. Tuy nhiên, đầu của lưỡi lê đã xuyên thủng qua tim của anh ta, xuyên qua màng ngoài tim, cả hai tâm thất, mô cơ gian tâm thất và khía vào cơ hoành. Và lúc đó quả tim tràn máu của anh ta đã ngừng đập.
- Tôi lo phần bên phải, còn anh lo phần bên trái. - Bác sĩ Detwiler nói.
- Tôi nên dùng loại chỉ nào, 4-0 crom chăng?
- Không, hãy lấy loại 3-0 crom. - Bác sĩ Detwiler hướng dẫn tôi dùng một loại chỉ phẫu thuật dày và chắc hơn.
Midaxudavo:
Chương 5 (tiếp)
Để giữ mạng sống cho người lính, chúng tôi phải khâu các lỗ thủng của tim anh ta. Chúng tôi tiến hành thật nhanh. Nếu nạn nhân qua khỏi ca mổ này, chúng tôi còn nỗi lo những biến chứng về sau như hụt vách ngăn tâm thất hay sự bám dính hình thành xung quanh màng ngoài tim. Hai chúng tôi khâu lỗ thủng trên tim trong khi máu vẫn rỉ ra từ hai vết thương.
Kỳ diệu thay, khi chúng tôi đang khâu lỗ thủng từ hai phía của trái tim, thì tim của người lính trẻ bắt đầu đập trở lại. Do trái tim đã làm việc, chúng tôi phải chờ đợi để khâu theo nhịp đập của trái tim. Khi trái tim anh ta đập, chúng tôi móc một mũi rồi cố thắt lại, tim đập, cố móc và thắt một mũi khác và cứ thế tiếp tục. Công việc này giống như ta đang cố gắng khâu cho một con ếch còn sống, ẩm, ướt nhờn, lắc lư và chực chờ nhảy ra khỏi lòng bàn tay mình. Trong khi đó, máu từ tim vẫn tiếp tục rỉ ra.
Với từng nhịp đập của trái tim người lính, tôi cảm nhận sự thành công tới càng gần hơn, khả năng cứu mạng người lính rõ ràng hơn. Chúng tôi nghĩ là người lính có thể sống sót một khi chúng tôi đóng được lỗ thủng trên trái tim anh ta.
Chúng tôi làm việc nhanh chóng và cẩn thận. Chúng tôi truyền cho anh ta lượng dịch truyền bình thường. Nạn nhân đã mất ít nhất 3 lít máu và có lẽ lượng hồng huyết cầu giảm còn 6, tức ít hơn một nửa so với mức bình thường. Chúng tôi không có máu để thay thế và việc quan trọng là làm sao duy trì mạng sống cho anh ta.
Trong vòng 10 phút kể từ khi bắt đầu, tâm thất và vết thương ở tim đã được đóng kín. Chỉ có 10 phút mà giống như đã hàng giờ đồng hồ. Hít một hơi thở sâu, chúng tôi tiến hành bước kế tiếp ở màng bao ngoài tim. Bác sĩ Detwiler nói:
- Tôi không phải là chuyên gia phẫu thuật tim, nhưng tôi nghĩ là chúng ta phải để nó mở.
- Chắc là vậy. - Tôi đáp.
Chúng tôi đặt những ống dẫn nhỏ ở bên trái và bên phải, sử dụng những miếng gạc sát trùng cỡ 1cm x 6 cm để cho máu có thể thoát ra khỏi màng ngoài tim trong khi chờ đợi vết thương ở tim lành lặn. Chúng tôi phải làm thật cẩn thận, vì nếu máu rỉ ra mà không có lối thoát thì chúng tôi buộc phải làm lại từ đầu, và người lính lại phải trải qua một cuộc phẫu thuật lần thứ hai.
Chúng tôi bắt đầu đóng lồng ngực. Tôi để ý thấy bác sĩ Detwiler đầm đìa mồ hôi và khuôn mặt ông đã tái nhợt.
Đột nhiên, ê-te hết tác dụng và người lính trẻ tỉnh dậy. Anh ta cố ngồi lên và rên rỉ. May thay, anh ta vẫn còn váng vất do hậu quả của ê-te và yếu sức vì mất máu nên những nhân viên y tá và hộ lý đã giữ được anh ta nằm yên cho đến khi chúng tôi hoàn thành công việc.
Người lính muốn ngồi dậy và đòi trở về nhà ngay khi cuộc phẫu thuật vừa hoàn tất, cô y tá người Việt đã thuyết phục và nhẹ nhàng vỗ về anh ta ở lại bệnh viện. Tôi hít một hơi thở sâu và thư giãn trong chốc lát. Sự việc đã đến và tôi đã hoàn thành. Tuy nhiên, vào sáng hôm sau, khi tôi và bác sĩ Detwiler trở lại bệnh viện, chúng tôi phát hiện ra là bệnh nhân phẫu thuật tim mở đầu tiên của chúng tôi đã bỏ đi. Việc bệnh nhân tự ý rời khỏi bệnh viện sau khi phẫu thuật xong như thế không phải là điều bất thường ở Việt Nam.
“Những chuyến đi kiểm tra vào buổi sáng sẽ phát hiện nhiều bệnh nhân “mất tích””, Carnes Weeks – một bác sĩ tình nguyện phục vụ ở Phan Rang – nhớ lại. “Nếu họ chết, họ sẽ được đem về quê chôn cất. Ngược lại, nếu như cảm thấy bệnh tình đã khá hơn thì thân nhân của họ sẽ tìm cách giúp họ “tự xuất viện” về nhà. Chúng tôi phải hỏi y tá trực về tình hình diễn biến trong đêm.”
“Theo thói quen, nhiều thành viên trong gia đình luôn ở bên cạnh bệnh nhân”, bác sĩ R. B. Richards từng phục vụ tình nguyện tại Ban Mê Thuột hồi tưởng. “Họ có thể nấu nướng ở một bếp nhỏ trên sân bệnh viện. Những khi đi kiểm tra, tôi thường phát hiện ra là một hoặc hai người bệnh rất nặng đã không còn ở trong phòng điều trị. Tôi hỏi y tá thì cô cho biết là gia đình đã đưa bệnh nhân về nhà vì theo họ, thà chết ở nhà còn hơn là chết trong bệnh viện.”
Sau vài ngày tập huấn với các đồng nghiệp người Mỹ ở Huế, tôi lên xe Jeep hướng về bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi phóng xe theo hướng Bắc của Quốc lộ 1. Tôi sẽ hợp lực với một bác sĩ quân đội đang làm việc tại Quảng Trị. Các đồng nghiệp ở Huế cho là tôi điên nên mới tình nguyện ra Quảng Trị, nơi chiến sự nặng nề vây quanh. Nghĩ lại, có lẽ tôi đã hơi quá nhiệt tình khi hăm hở rời Huế như vậy. Sau khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi biết rằng nơi đây có thể là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh này.
Midaxudavo:
Chương 6
BỆNH VIỆN QUẢNG TRỊ
Tôi đến Quảng Trị bằng xe Jeep và ngạc nhiên một cách thú vị trước cấu trúc bằng gạch và gỗ nổi bật của bệnh viện tỉnh. Bệnh viện gồm nhiều tòa nhà được người Pháp xây dựng, theo kiểu mẫu kiến trúc thời thực dân Pháp với những cầu thang đẹp và cổng vòm to lớn, trang trí công phu.
Khách được chào đón bằng một hội quán hấp dẫn với nền bằng đá cẩm thạch luôn được lau chùi sạch bóng. Trung tá Hải quân Mỹ Robert Hurst là bác sĩ giải phẫu của bệnh viện tỉnh lẻ này. Trung tá Hurst hướng dẫn tôi xem toàn bệnh viện với 80 giường bệnh, và cả hai lều bạt lớn bên ngoài có thể giúp mở rộng bệnh viện lên 350 giường khi cần. Hai lều trại chỉ dành cho những trường hợp quá tải và vẫn còn để trống vào thời điểm tôi đến. Ông Hurst giới thiệu tôi với toàn bộ nhân viên gồm vài y tá Hải quân Mỹ cùng những y tá, hộ lý người Việt Nam.
Phòng mổ xây bằng gạch và có nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng, là nơi làm việc khá lịch sự. Cả phòng mổ lẫn các phòng bệnh đều không có máy điều hòa không khí, cũng chẳng có cửa lưới để ngăn chặn muỗi mòng. Tuy nhiên, bệnh viện có hệ thống nước máy và hệ thống cống rãnh tốt. Theo cách nhìn của người Việt Nam, trung tá Hurst bảo đảm với tôi rằng, bệnh viện tỉnh Quảng Trị là nơi có điều kiện thuận lợi nhất cho việc hành nghề y và là niềm hy vọng lớn lao của dân chúng địa phương, những người luôn ước ao được chữa trị hiệu quả trong khu vực chiến sự diễn ra hàng ngày này.
Họ chẳng cấp màn cho tôi mà chỉ phát một cái chăn len chống muỗi để tôi ngủ trong một phòng nhỏ của bệnh viện. Ngay sau khi đến Quảng Trị, tôi bị sốt nặng và sa sút hẳn với chứng bệnh mà sau này được chẩn đoán là sốt rét khi tôi trở về Hoa Kỳ. Trung tá Hurst đến thăm tôi trong căn phòng nhỏ và tôi đã báo với ông rằng mình đã tự chích lấy vào mông nhiều liều lớn penicillin để hồi phục cho nhanh. Có lẽ nhờ sự nài nỉ của trung tá Hurst, tôi đã uống lại chloroquine phosphate hai lần một tuần để chống sốt rét và đã có thể trở lại làm việc nhanh hơn dự đoán. Trước đó, tôi đã ngưng dùng thuốc này một thời gian vì những tác dụng phụ của nó.
Rủi thay, khi tôi bắt đầu hồi phục thì trung tá Hurst lại suy sụp với chứng viêm gan mà nguyên nhân có thể là do ông đã không dùng găng tay cao su khi giải phẫu. Găng tay cao su không phải lúc nào cũng có hay cũng được sử dụng khi phẫu thuật ở Việt Nam. Như vậy, chỉ vài ngày sau khi tôi đặt chân đến Quảng Trị thì trung tá Hurst lại ra đi. Có lẽ ông được đưa đến USS Sanctuary – một tàu bệnh viện đậu ngoài khơi, cách bờ biển Quảng Trị vài dặm. Là bác sĩ dân sự đầu tiên trong bệnh viện với chức năng như một bác sĩ đa khoa, giờ đây tôi lại trở thành bác sĩ duy nhất ở cơ sở chữa trị này và sẽ phải đứng mũi chịu sào trong các ca phẫu thuật.
Tôi vẫn là vị bác sĩ duy nhất thường trực tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị trong hai tháng tới. Thỉnh thoảng có những toán y bác sĩ người Úc và Canada tạt qua, và có một bác sĩ quân đội Mỹ làm việc ở đây hai tuần. Trong hầu hết nhiệm kỳ, tôi là bác sĩ dân sự duy nhất làm nhiệm vụ. Như là một bác sĩ nội trú, tôi được một nhóm y tá trợ giúp. Đó là 8 y tá Hải quân Mỹ làm việc luân phiên và đáng tin cậy. Ngoài ra còn có một nhóm y tá Việt Nam chẳng đáng tin cậy là mấy.
Quảng Trị thuộc khu vực rừng nhiệt đới, nhưng không phải là rừng rậm dày dặc như ở lưu vực sông Mê Kông. Một số vùng đất của Quảng Trị được trồng lúa hoặc các loại hoa màu. Những cánh rừng Quảng Trị cũng giống như ở nhiều thành phố khác của Nam Việt Nam, có một hệ thống chằng chịt đường hầm sâu, nơi lực lượng quân đội Bắc Việt Nam và Việt Cộng ẩn náu và tung ra các cuộc tấn công bất thần.
Thị xã Quảng Trị có dân số khoảng 35.000 người khi tôi đến đây, nhưng có rất nhiều cư dân sinh sống ở miền quê, ở các làng mạc xa xôi hẻo lánh. Trong khu vực này có đến 87.000 lính Thủy quân lục chiến thuộc Quân đoàn I. Vào đúng thời điểm tôi nhận nhiệm vụ ở Quảng Trị, thì cách khoảng 150 km về phía Nam, thuộc khu vực của Quân đoàn II, vị Bộ trưởng Ngoại giao tương lai của Hoa Kỳ – ông Colin Powell – đang phục vụ với vai trò sĩ quan thông tin trong vụ thảm sát 500 thường dân Việt Nam ở Mỹ Lai.
Midaxudavo:
Chương 6 (tiếp)
Hàng chục ngàn binh lính Thủy quân lục chiến trú đóng ngay trong thị xã Quảng Trị và khu vực phụ cận. Đây là vùng chiến sự và để bảo vệ, người ta đã tăng viện rất nhiều xe tăng, đặc biệt là những chiếc xe bọc thép có thiết kế 2 khẩu 40 ly, rất thích hợp để hoạt động ở những vùng có rừng nhiệt đới như ở đây. Xe tăng và xe bọc thép chở đầy lính Mỹ và lính Nam Việt Nam chạy suốt ngày trên các đường phố Quảng Trị.
Không lâu sau đó, tôi được cấp cho một xe Jeep và một khẩu M-16. Quảng Trị không xa vùng phi quân sự nên chiến sự diễn ra thường xuyên quanh chúng tôi. Một lần có tin tỉnh lỵ có thể bị đối phương tràn vào, tôi đã thấy nhiều trực thăng quân sự đậu sẵn ngoài sân bệnh viện, sẵn sàng di tản chúng tôi trước khi đối phương tấn chiếm.
Tình hình hầu như chẳng thay đổi bao nhiêu kể từ khi người Pháp muốn tái chiếm Đông Dương. Trong chiến tranh Đông Dương, tướng Pháp Pellet đã có nhận định như thế này: “Kẻ thù hiện diện khắp nơi. Không có chiến tuyến rõ ràng, không có hào lũy kiên cố để binh lính chúng ta có thể phát huy hết hiệu quả của vũ khí hiện đại. Mỗi gốc tre, mỗi chòi lá đều có thể là nơi ẩn náu của đối phương. Chẳng trách binh lính chúng ta bị căng thẳng khi cả ngày lẫn đêm phải trực diện với kẻ địch khi ẩn khi hiện ở tất cả mọi nơi”.
Hầu như mỗi ngày đều có hàng chục binh lính và thường dân chết và bị thương. Chiến trường đẫm máu, trong đó tổn thất nhân mạng nhiều nhất lại xảy ra ở các “vùng oanh kích tự do”(1), từng là khu vực sinh sống của dân chúng miền quê, nên nạn nhân có thể là những nông dân trở về lo cho đàn trâu, đàn bò của họ; có thể là phụ nữ hoặc trẻ em trở về nhà đốt nhang trên những nấm mồ ông cha. Mặc dù hầu hết người Việt Nam sống quanh quẩn ở làng quê, cả đời ít khi đi xa khỏi bán kính 10 km, nhưng hàng triệu người đã phải chạy loạn khắp nơi trong chiến tranh. Và người Mỹ đã xem người Việt Nam là “gió chiều nào ngã theo chiều đó”, nghĩa là sự trung thành của họ thay đổi tùy thuộc vào ai đang kiểm soát được khu vực họ đang sinh sống.
Chiến sự diễn ra ác liệt. Trong tuần lễ tôi đến Việt Nam, quân đội Mỹ chịu tổn thất nặng nề hơn bất cứ tuần lễ nào trong suốt cuộc chiến. Có 713 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong tuần từ ngày 3 đến ngày 10 tháng Năm, tức hơn 100 người mỗi ngày. Cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân khởi phát từ 31.1.1968 đã lại tiếp diễn đợt hai sau đó 4 tháng. Trong tháng Năm, tổng cộng có đến 2.370 quân nhân Mỹ tử trận ở Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam đang leo thang đến đỉnh điểm của nó và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Sau đợt Tổng công kích Tết Mậu Thân và sự trả đũa quá mạnh của Mỹ, đã bắt đầu có những suy luận cho rằng, hoặc là Việt Cộng đã bị đánh bại bằng lực lượng quân sự, hoặc là Mỹ mất hết kiên nhẫn do con số thương vong kinh hoàng. Và dĩ nhiên trong tình hình đó, hầu hết bác sĩ Việt Nam và bác sĩ Mỹ ở Việt Nam đều được tăng cường phục vụ cho quân đội. Do đó, rất nhiều thường dân chết và bị thương mỗi ngày lại thiếu y bác sĩ chữa trị. Bên cạnh nạn nhân thương vong vì bom đạn, còn có nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh nhiệt đới vốn đã ảnh hưởng đến Việt Nam hằng thế kỷ nay.
Tôi đến phục vụ ở Quảng Trị khi mới 32 tuổi, là một bác sĩ còn khá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy đã được đào tạo về y khoa tổng quát, về nhi khoa và về thú y. Một năm làm việc tại các phòng cấp cứu của bệnh viện ở California đã cho tôi một số kinh nghiệm ứng phó với những ca chấn thương. Khoảng thời gian làm trợ lý phẫu thuật giúp tôi có thể cảm nhận được những vấn đề phẫu thuật phức tạp mà tôi phải ứng phó khi trực tiếp đứng mổ ở Quảng Trị. Khả năng làm việc nhanh và nặng, tính kỷ luật và tự lực mà tôi đã rèn luyện được từ lúc còn niên thiếu ở nông trang cũng như thời gian phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến đã giúp tôi rất nhiều khi đối phó với những thử thách hiện tại, trong điều kiện làm việc khó khăn với quá nhiều bệnh nhân người Việt.
Ngành y ở một nước thuộc thế giới thứ ba hoàn toàn khác biệt với những gì mà nhiều bác sĩ có thể hình dung, nhất là sự thiếu thốn về y cụ hiện đại. Một số bác sĩ được biệt phái đến phục vụ trong môi trường y tế thô sơ như thế đã yêu cầu được trở lại Sài Gòn hoặc chuyển đi phục vụ ở Nhật Bản, nơi có đầy đủ y cụ hơn. Trước khi đến Quảng Trị, tôi không hề biết là một mảnh bom đạn nhỏ cỡ bằng móng tay cũng có thể dễ dàng gây tử vong cho con người khi xuyên thủng một cơ quan trọng yếu của cơ thể. Tôi chưa thấy những nạn nhân mình đầy thương tích – những vết thương nhỏ xíu có thể nhìn rõ được bằng mắt thường – sẽ chết trên bàn mổ của mình. Làm việc với dân chúng trong tình huống có nhiều ngờ vực nhau – khi mà một bác sĩ có thể là anh hùng ngày hôm nay, nhưng lại có thể bị bắn chết ngày mai do một bất cẩn trong điều trị – khiến bất cứ vị bác sĩ nào cũng phải cẩn trọng khi làm nhiệm vụ. Họ phải nhanh chóng thích nghi và xây dựng niềm tin với những người cùng làm việc, cũng như với cộng đồng dân cư nơi mình hoạt động.
Midaxudavo:
Chương 6 (tiếp)
Tôi nhanh chóng được nhận một phòng trong một căn hộ ở Quảng Trị, chung nhà với một gia đình truyền giáo người Mỹ. Căn nhà cách bệnh viện một quãng ngắn nên mỗi ngày tôi có thể đi bộ đến bệnh viện được.
Quảng Trị cách Huế khoảng 60 km nên chỉ trong vòng vài tuần lễ, tôi đã dễ dàng có mối quan hệ với những bác sĩ ở Huế, thỉnh thoảng thăm viếng họ, hoặc đôi lúc phụ giúp họ trong các ca phẫu thuật. Chúng tôi luôn ý thức rằng mình đang ở trong một xứ sở nhiệt đới với những vấn đề về vệ sinh cần phải cải tiến liên tục. Việt Nam là nơi có độ ẩm luôn ở mức cao, khoảng từ 75% đến 80%. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở miền Nam Việt Nam khoảng 290C, nhưng ở Quảng Trị thì nóng hơn.
Ngay cả “mùi vị” của các bệnh viện ở Việt Nam cũng khác hơn so với vẻ trang trọng, sạch sẽ của bệnh viện ở Mỹ. Đó là mùi cồn hăng hăng trộn lẫn mùi khử trùng. Clyde Ralph - một bác sĩ tình nguyện khác - đã nhớ đến bệnh viện với điện đóm mù mờ, cũ kĩ ở Nha Trang như là một “bệnh viện của nhiều thứ mùi tỏa ra”. Bác sĩ Ralph mô tả: “Bệnh viện có nhiều mùi hôi. Phân và nước tiểu có ở khắp mọi nơi và hình như người ta sống như thế quen rồi nên chẳng có thái độ gì tỏ ra khó chịu cả”.
Người thông dịch viên cho tôi ở Quảng Trị là một thanh niên 17 tuổi dễ mến, họ Nguyễn. Nguyễn là một họ phổ biến ở Việt Nam, nhưng anh chàng này không là người bình thường chút nào. Nguyễn có đôi mắt đen sáng quắc, mái tóc đen, và là con trai của vị quan đầu tỉnh. Cậu ta luôn nở nụ cười cho dù TS của mình chẳng có gì ngoài bom đạn chiến tranh. Là người lạc quan, không giấu giếm tình cảm của mình, Nguyễn biểu lộ vẻ thán phục đối với tôi. Nguyễn thường đi với tôi khắp bệnh viện, quan sát và cố học hỏi càng nhiều càng tốt. Bản chất tốt đẹp nhất ở chàng trai này là sự khao khát được giúp đỡ những người quanh mình, và tôi thấy rõ điều này mỗi khi đi cùng Nguyễn. Nguyễn nói với tôi là cậu muốn trở thành bác sĩ, và gần như ngày nào cậu cũng nhắc đi nhắc lại lời yêu cầu là nhờ tôi giúp cho cậu được đi Mỹ học trở thành bác sĩ. Nguyễn giúp tôi thật nhiều việc ở Quảng Trị.
Mỗi sáng, Nguyễn xuất hiện với áo trắng, quần dài đen, chân đi xăng-đan và miệng cười vui vẻ:
- Bác sĩ, hôm nay tôi có thể giúp gì cho ông nào?
Thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, Nguyễn giúp tôi giao tiếp với bệnh nhân cũng như với các y tá hoặc nhân viên người Việt khác. Ngoài ra, cậu ta còn dạy tôi học tiếng Việt và giúp tôi tìm hiểu cả nền văn hóa và lịch sử của đất nước Việt Nam.
Không lâu sau khi tôi đến Quảng Trị, Nguyễn bị bệnh và đến gặp tôi để nhờ tôi trị bệnh với một thái độ hết sức tin cậy. Cậu có triệu chứng sốt, bị run, lạnh và mất nước. Tôi chẩn đoán là bị nhiễm trùng thận, nhưng do không có thử nghiệm nước tiểu để xác nhận chẩn đoán của mình nên tôi ghi toa đưa cho Nguyễn đi nhận thuốc và nói là cậu hãy nghỉ ở nhà 5 ngày.
Năm ngày sau, Nguyễn trở lại và nói: “Tôi vẫn còn bệnh. Tôi chưa thể đỡ được”.
Đến lúc đó, tôi đã hiểu biết thêm về cách chữa trị bệnh của dân chúng địa phương. Thí dụ, tôi biết là có một số người Việt Nam đặt thuốc lên trên bếp đốt bằng than củi, một nghi lễ mà họ tin rằng sẽ giúp họ hết bệnh nhanh hơn là uống bằng miệng như thông thường.
- Tôi không muốn cậu đặt thuốc trên bếp lò củi. Tôi muốn cậu uống thuốc. - Tôi nói nhanh.
- Không, không. - Nguyễn làm yên lòng tôi. - Tôi là người Việt Nam có học. Tôi uống thuốc chứ!
Nguyễn cho tôi biết là khi thấy bệnh tình không đỡ hơn, cậu đã đi khám ở một đông y sĩ người Hoa và nhận thuốc đông y trị chứng sốt rét. Khi tôi khám lại cho Nguyễn, thì cậu đã có những tín hiệu cho thấy hồi phục tốt, dù chậm nhưng chắc chắn. Mặc dù tôi đã chẩn đoán sai một chứng bệnh nguy hiểm có thể gây chết người, Nguyễn không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.
Chương 6 (tiếp)
Tôi nhanh chóng nhận ra rằng chương trình y học của Hoa Kỳ không dạy cho mình đủ những điều cần phải biết trong một xứ sở nhiệt đới như Việt Nam. Vị y sĩ của Nguyễn đã cho anh uống đông dược của người Trung Quốc, vốn đã được dùng để trị chứng sốt rét từ nhiều thế kỷ nay ở Đông Nam Á. Nhận thức được hiệu quả của đông dược, tôi nói Nguyễn mang vào bệnh viện một số thuốc đông y loại này. Chúng tôi giữ trong tủ thuốc để phòng trị bệnh sốt rét.
Trợ lực cho tôi còn có 8 y tá Hải quân Mỹ, làm việc theo chế độ luân phiên. Những người này thật dũng cảm, lịch sự và hết lòng đối với bệnh nhân người Việt.
Vào những ngày nghỉ, họ thường đổ đầy bình xăng chiếc xe Jeep mà thỉnh thoảng được sử dụng như là xe cứu thương. Họ chất thuốc men cùng dụng cụ y tế cần thiết lên xe và gọi tôi:
- Bác sĩ ơi, chúng ta đi vào trong xóm trị bệnh cho dân chứ!
Vậy là chúng tôi lên đường, đi sâu vào những làng mạc xung quanh thị xã Quảng Trị. Chúng tôi khám bệnh cho dân chúng - vốn rất mong đợi chúng tôi đến - chích thuốc và phát các loại vitamin. Chúng tôi cũng sử dụng chiếc xe Jeep này để đến các điểm chích vắc-xin cho trẻ em địa phương. Thỉnh thoảng cũng đi sâu vào những vùng “nóng”, đang có giao tranh.
Các y tá Hải quân thật đáng tin cậy. Họ đến làm việc tại bệnh viện bất kể có tin Việt Cộng tấn công hay không. Họ luôn luôn có mặt, dù là trong tình thế tệ hại đi nữa. Nhưng họ không bao giờ ở lại bệnh viện sau 6 giờ chiều vì họ có lệnh phải trở về trước khi trời tối.
Ngược lại, những y tá người Việt thỉnh thoảng vắng mặt, ngay cả trong ngày làm việc của mình. Y tá là người cung cấp chăm sóc ban đầu cho bệnh nhân tại bệnh viện. Họ cũng chính là người săn sóc người bệnh vào ban đêm. Nhưng họ lại không đáng được tin cậy. Họ không được đào tạo chính quy, không được đăng ký hành nghề chuyên nghiệp như ở Mỹ, mà thường là những người y tá bán chuyên nghiệp, học hỏi lẫn nhau trong công việc chứ rất ít khi được huấn luyện chính thức. Khi cuộc chiến trở nên ác liệt, tôi phát hoảng khi biết rằng chỉ cần một tin đồn nhỏ là bệnh viện sẽ bị tấn công thì đội ngũ y tá sẽ bỏ chạy hết. Sự việc này đã diễn ra nhiều lần trong thời gian tôi làm việc tại bệnh viện. Người bệnh, người bị thương bị bỏ mặc, chẳng hề được tiêm, truyền tĩnh mạch hay nhận được thuốc men, thiết bị duy trì sự sống. Một số bệnh nhân đã tử vong vì không có y tá làm việc.
Tôi có hỏi những bác sĩ khác là phải hành xử ra sao trong trường hợp này.
- Hãy cứ làm những việc trong nhiệm vụ của mình. - Một bác sĩ khuyên.
- Hãy làm những gì tốt nhất mà mình có thể làm. - Một bác sĩ khác thở dài.
Khi những y tá Việt Nam biến mất, tôi cùng các y tá Hải quân Mỹ đi kiểm tra bệnh viện vào sáng hôm sau. Chúng tôi kiểm tra xem những chai truyền tĩnh mạch nào đã cạn, những bệnh nhân nào đã chết trong đêm. Vài lần chúng tôi phát hiện có những trẻ em đã chết trong đêm. Điều này thật đáng nản lòng. Nhưng rồi qua thời gian, tôi trở nên chai sạn hơn đối với cái chết của những đứa trẻ mà đáng ra là có thể được cứu sống. Mặc dù tình trạng này gần như quá sức đối với tôi lúc đó, tôi quyết định là phải làm hết sức mình cho dân chúng ở vùng đất mà mình đã tự nguyện đến giúp đỡ.
Tại Việt Nam, tôi đã thấy những lần dịch bệnh dữ dội mà trước đây tôi chưa hề thấy ở môi trường sạch sẽ và thuốc men đầy đủ như Hoa Kỳ. Bệnh bại liệt trẻ em – hầu như đã bị xóa sổ ở Mỹ bằng vắc-xin chủng ngừa vào thời điểm đó – vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Bệnh sốt rét, bệnh lỵ, bệnh than, dịch tả và sốt thương hàn là một trong số những bệnh đặc trưng ở Việt Nam.
Tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, tôi không nhớ là đã có bao nhiêu bệnh nhân mà tôi phải bó tay vì những bệnh nhiệt đới, trong khi đó là những bệnh có thể ngăn chặn hoặc trị liệu dễ dàng ở Hoa Kỳ. Tôi phải chứng kiến nhiều bệnh nhân chết vì dịch hạch và sốt thương hàn. Tại Hoa Kỳ, tôi sẽ phải cô lập những người bệnh này trong một phòng ở bệnh viện trong vòng 6 tháng. Nhưng ở Việt Nam thì không thể. Chúng tôi điều trị cho họ như những bệnh nhân ngoại trú. Tôi chỉ có thể chích một mũi thuốc, cho họ vài viên thuốc và bảo họ trở lại tái khám trong vòng 10 ngày với niềm hy vọng là họ sẽ khá hơn.
Midaxudavo:
Chương 6 (tiếp)
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều ca sốt thương hàn, dịch hạch và bại liệt. Họ đến bệnh viện và được trị liệu thành công. Chúng tôi có đủ thuốc kháng sinh để đối phó với sốt thương hàn, và những bệnh nhân này có thể được chuyển đến điều trị tại một khu đặc biệt thuộc bệnh viện đại học Y khoa Huế. Bệnh dịch hạch cũng thường tràn lan khắp Việt Nam vào mùa mưa và tôi phát hiện ra rằng mình đang ở một khu vực của Việt Nam vốn được mệnh danh là “thủ đô bệnh dịch hạch của thế giới”. Mặc dù tôi đến trước mùa mưa, nhưng đã có nhiều dấu hiệu về sự quấy phá của lũ chuột. Chuột mang bọ chét, vốn là ổ chứa khuẩn que truyền bệnh dịch hạch. Dịch hạch là một trong những căn bệnh thuộc loại “dễ dàng chữa trị hoặc là chết” của chúng tôi, với việc bệnh nhân được cho dùng thuốc kháng sinh liều cao và được chữa trị ngoại trú. Ít nhất 80% người mắc bệnh này được cứu sống. Chúng tôi hiểu đây là một tỉ lệ quá tốt. Chloramphenicol và penicillin là những gì chúng tôi có để đối phó với tất cả các loại bệnh do nhiễm khuẩn như dịch hạch. Nhưng cũng có những bệnh nhân mà chúng tôi chỉ có thể dành cho họ sự chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như trong các trường hợp bệnh bại liệt ở trẻ em – chúng tôi đã không thể trị liệu.
Sau khi xem xét nhiều ca bại liệt ở trẻ em, tôi có lưu ý với một trong số những y tá Hải quân giúp việc cho mình rằng vắc-xin phòng chống bại liệt của Mỹ có thể ngăn chặn sự bùng phát của chứng bệnh nguy hiểm này. Trong vòng ba ngày, bệnh viện chúng tôi bất ngờ nhận được kiện hàng vắc-xin phòng chống bệnh bại liệt gửi bằng đường biển. Tôi chắc rằng viên y tá Hải quân đã dàn xếp việc này.
Tôi bắt đầu nghiên cứu tất cả các loại bệnh tật bất cứ khi nào có chút thời gian rảnh rỗi, bằng cách tham khảo sách chuyên khoa, thảo luận với các đồng nghiệp và quan sát những gì bệnh nhân Việt Nam mô tả về các triệu chứng bệnh. Với Nguyễn làm thông dịch viên luôn bên cạnh, chúng tôi đã cứu được nhiều sinh mạng. Loại đông dược mà Nguyễn mang vào bệnh viện đã chứng tỏ sự hữu dụng đối với chứng sốt rét. Nhưng cũng có rất nhiều vấn đề về y học mà tôi chưa bao giờ biết đến ở Mỹ.
Những bác sĩ tình nguyện khác cũng đã từng đối diện với những căn bệnh nhiệt đới này. Ở Bạc Liêu, bác sĩ tình nguyện Tom H. Mitchell nhớ lại: “Sự hiện diện của quá nhiều ca bệnh lao làm chúng tôi sửng sốt trước thực tế là chúng tôi chỉ có rất ít – và thường là không có – thuốc chữa trị cho người bệnh. Cường độ dữ dội của bệnh tiêu chảy và hậu quả của sự mất nước thật là kinh hoàng, nhất là đối với trẻ em. Có ngày tôi được báo là có đến 5 ca tử vong ở khoa nhi. Thật là đáng buồn. Nếu như được tiếp tế đầy đủ và tiếp cận bệnh nhân dễ dàng thì những ca chết người này đều có thể ngăn chặn. Bạn chỉ làm được những gì tốt nhất có thể và với những gì mình có”.
Bác sĩ Gilbert Lee cũng có kỷ niệm của riêng mình: “Khi đi từ Sài Gòn đến các vùng châu thổ, tôi thấy các bệnh viện đều quá tải. Tôi cũng chú ý đến một tòa nhà với các phòng bệnh bỏ trống. Tôi đem thắc mắc của mình hỏi thì được một cô y tá kéo sang một bên rồi báo cho tôi biết rằng mùa mưa sắp đến”. Khi bác sĩ Lee cám ơn cô một cách mỉa mai về thông tin “dự báo thời tiết” đó thì cô y tá đã kiên nhẫn giải thích cho ông rõ là khi mùa mưa đến, hàng đàn chuột sẽ đua nhau tràn vào nhà, mang theo bọ chét truyền bệnh dịch hạch. Và đúng như dự đoán của cô y tá, sau đó tất cả các giường trong những phòng bệnh bỏ trống đã đầy rẫy bệnh nhân dịch hạch.
“Bảy mươi hai giờ sau cuộc nói chuyện với cô y tá, những cơn mưa bắt đầu rơi tầm tã”, ông Lee nhớ lại. “Hai tuần sau, tôi đã thấy những diễn biến của chứng dịch bệnh phổ biến này trên nhiều phần lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, cả tôi lẫn những cuốn sách giáo khoa của tôi đều chẳng có thông tin gì về những việc như thế cả.”
“Khoảng một tuần rưỡi trong chuyến đi Nha Trang của mình, tôi đã chứng kiến một trận dịch tả bùng phát và cảnh hỗn loạn không thể kiểm soát nổi”, bác sĩ William P. Levonian - người đã bỏ lại phòng mạch của mình ở Santa Cruz, California, để tình nguyện phục vụ tại Việt Nam - kể lại. “Nhiều bệnh nhân nằm la liệt trên nền nhà các phòng bệnh, trong hội trường, ngoài hành lang hoặc bất cứ nơi đâu trong bệnh viện. Máy phát điện của bệnh viện thường xuyên không hoạt động. Không điện đóm, không nước máy. Máy bơm nước giếng thì lệ thuộc vào điện. Bệnh nhân nôn mửa và tiêu chảy bừa lên khắp mọi nơi, trên giường, trên chiếu, trên nền nhà. Các cửa sổ của bệnh viện hoàn toàn không có màn che và rác rến, ruồi nhặng đầy dẫy ở xung quanh. Tôi phải viết nhanh bằng tiếng Pháp các toa thuốc cũng như phiếu cấp dung dịch truyền tĩnh mạch và điện giải. Giữa cơn khủng hoảng, tôi lại suy tư về điều đã dẫn mình đến nơi chốn xa lạ và hỗn độn này.”
Một trong những ca phẫu thuật đầu tiên của tôi ở Quảng Trị là mổ cho một người đàn ông Việt Nam 44 tuổi bị thương nằm ngoài đồng ruộng suốt cả 4 ngày. Tôi nhận ra ông là người thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên phố khi đi bộ đến bệnh viện làm việc. Khi tiếp nhận ca bệnh, tôi mới biết là ông bị thương vì mảnh bom. Ông cũng bị bỏng một mảng lớn quanh vết thương khiến lòi cả xương sống ra.
Vết thương của ông rất nặng và tôi sợ là ông không thể sống qua vài ngày. Dĩ nhiên, khi tiến hành mổ, các cửa sổ được mở toang để không khí được thông thoáng. Ruồi nhặng bay khắp nơi. Vết thương đã mưng mủ và nhiều đốt xương sống đã trơ xương ra ngoài. Tôi cắt bỏ những mô hoại tử, nhẹ nhàng rửa vết thương và quan sát những dây thần kinh khi chúng chìm vào trong các bắp thịt quanh tủy sống.
Từ lúc chúng tôi chữa trị cho ông với thuốc kháng sinh, vết thương đã ngưng nhiễm trùng. Vấn đề chính yếu còn lại của ca này là chứng uốn ván, do khuẩn clostridium tetani kỵ khí có thể sinh sôi nảy nở gấp bội trong vết thương khi có sự hiện diện của nguyên tố sắt trong mảnh bom. Các bào tử uốn ván hình thành trong đất đá và trong ruột của động vật, ngay cả con người. Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vết thương rồi sinh sản nhanh chóng tại vị trí nhiễm trùng khi có sắt hiện diện.
Do bệnh nhân nam này đã không chích vắc-xin ngừa uốn ván – chẳng có mấy người Việt Nam được chích loại vắc-xin này – và chúng tôi cũng không có huyết thanh kháng độc tố để điều trị, nên tôi biết là ông ta sẽ chết. Do cơ thể sản xuất ra độc tố uốn ván nên ông run lập cập suốt ngày đêm. Những động thái co giật thình lình một cách vô thức hay còn gọi là những cơn kịch phát ấy chính là đỉnh điểm của bệnh uốn ván, khi vi khuẩn sinh sản và tràn lan. Tôi biết bệnh nhân đau đớn kinh khủng và tôi cũng biết là ông ấy nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh.
Tôi thăm bệnh mỗi ngày, cho ông dùng thuốc chống uốn ván lấy lệ và chích morphine giảm đau. Chúng tôi rửa vết thương nhiều lần với chất khử trùng là nước oxy già nhưng chẳng hiệu quả. Tôi cố gắng mỉm cười và tỏ vẻ hớn hở khi khám bệnh vì muốn cổ vũ và cho ông hy vọng sống. Thời gian cứ trôi đi, tôi đuổi ruồi và cắt bỏ những mô hoại tử của vết thương dọc theo tủy sống của ông, dùng nước rửa sạch mủ để tránh nhiễm trùng. Nhưng khi tôi ra khỏi phòng, ruồi nhặng lại bu quanh vết thương của ông.
Tôi đã học được một số từ tiếng Việt và muốn ông ấy thoải mái nên khi khám bệnh, tôi nói với ông bằng tiếng Việt: “Này ông bạn, tôi mến ông lắm”. Ông đáp lại bằng nụ cười nhè nhẹ, mắt ánh lên khi biết là có người chăm sóc mình.
Tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, với những cánh cửa sổ mở rộng để cho hơi nóng, ruồi nhặng và bụi đỏ thổi cuộn vào, vết thương của ông – giống như nhiều trường hợp khác – biến thành một ổ vi khuẩn uốn ván khổng lồ. Đến ngày thứ tám thì bệnh nhân tử vong. Sau khi đã sử dụng hết mọi phương cách, tôi chỉ còn cách gửi cho ông một nụ cười hiền lành, lịch sự và đón nhận lời cuối cùng của người đàn ông: “Cám ơn bác sĩ”.
Tôi không bao giờ tìm hiểu về khuynh hướng chính trị của ông ta, và tôi cũng không quan tâm đến vấn đề đó. Thật khó xác định người nào thuộc phe nào trong chiến tranh và chúng tôi chữa trị cho bất cứ ai cần đến sự chăm sóc y tế của bệnh viện. Tôi biết là nếu như ông được chủng ngừa vắc-xin phòng uốn ván, hoặc nếu như chúng tôi có đầy đủ thuốc men, ông ấy sẽ không chết cho dù vết thương rất nặng. Sau khi ông ta chết, tôi đặt một tấm thẻ lên thi thể của ông với dòng chữ: “Một con người kỳ diệu của thế giới”.
Midaxudavo:
Chương 7
NHỮNG CA PHẪU THUẬT ĐÁNG NHỚ
Trước khi kịp hiểu công việc, tôi đã lao vào làm không chỉ như một bác sĩ đa khoa mà còn là một bác sĩ giải phẫu, tiến hành những ca mổ cấp cứu cho những người bị thương do chiến trận.
Bệnh viện của chúng tôi là “con đường duy nhất” đối với dân chúng Quảng Trị chẳng may bị thương vì bom đạn chiến tranh, bởi không còn nơi nào gần hơn để cấp cứu nạn nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Con số thường dân thương vong dao động tùy theo tình hình chiến sự. Nếu như có một đợt tạm ngưng bắn, một thời gian tạm lắng chừng một hai ngày, thì sẽ có hàng đoàn người đến trước cổng bệnh viện để xin chữa trị. Những lời truyền miệng nhanh chóng lan ra là có một ông bác sĩ ở đây và sẽ làm việc ngày đêm để chữa bệnh và cứu thương.
“Bác sĩ Mỹ”, họ chào tôi với vẻ kính trọng, hoặc “Bác sĩ Number One”.
Điều kiện phẫu thuật tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị rất thô sơ, điều kiện vệ sinh tồi tệ, trong khi thuốc men cũng như y cụ cần thiết không phải lúc nào cũng có.
Chìa khóa để cứu sinh mạng bệnh nhân là mau lẹ, mau lẹ và mau lẹ. Đó là bí quyết duy nhất. Phẫu thuật cấp thời là yếu tố quan trọng để cứu sống bệnh nhân. Nếu như bạn không có lượng Adrenalin(1) cao hoặc nếu bạn không đủ sức khỏe, thì vào thời điểm bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, bạn sẽ chẳng thể cứu sống được ai cả. Dù không chú tâm đến con số thống kê về ca mổ, nhưng có thể tôi đã phẫu thuật hơn 200 trường hợp trong khoảng thời gian chừng 2 tháng. Một số ngày có ít ca mổ, nhưng những ngày khác thì chúng tôi đứng mổ đến tận nửa đêm.
Khi cần thiết thì cả tôi, các y tá Hải quân Mỹ và y tá Việt Nam tiến hành ngay ca mổ, bỏ qua mọi thủ tục giấy tờ rườm rà như thường thấy ở các bệnh viện Mỹ trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, chúng tôi tùy cơ ứng biến tìm ra giải pháp, một cách làm chẳng thể được chấp nhận tại các bệnh viện Hoa Kỳ. Chúng tôi không có chuyên gia, không có bác sĩ giải phẫu thần kinh, không có chuyên gia phẫu thuật mạch máu; thực tế là không có chuyên gia phẫu thuật, mà chỉ có tôi, các y tá Hải quân Mỹ và thỉnh thoảng có thêm một bác sĩ quân y trợ lực.
Cũng như nhiều nơi khác ở Việt Nam, Quảng Trị có khí hậu nóng và ẩm vào ban ngày, ban đêm chẳng mát hơn là mấy. Trong khi các loại thuốc kháng sinh cũng như những dược phẩm thiết yếu thường hiếm hoi, thì các loại côn trùng hiện diện khắp nơi. Ruồi nhặng và muỗi mòng từng đàn từng đàn bay khắp bệnh viện, xuyên qua các cửa sổ không màn chắn và luôn phải mở ngỏ do khí hậu quá oi bức. Trong các phòng bệnh, ruồi bu đầy những vết xước hay những vết thương hở. Nếu như bệnh nhân không có ai đi theo săn sóc, quạt đuổi ruồi muỗi, thì ít nhất sẽ bị hàng chục, thậm chí hàng trăm con ruồi bu bám vào vết thương. Ruồi nhặng ở đây gợi tôi nhớ đến những ngày tháng ở nông trang Iowa. Vào những tháng nắng nóng mùa hè, ruồi bám đầy trên đầu bò và ngựa, rồi bám đầy phân bò ngựa ngay khi những con vật này vừa thải xuống đất.
Midaxudavo:
Chương 7 (tiếp)
Tại Quảng Trị, ngay cả phòng mổ cũng không được che chắn chống ruồi muỗi. Ruồi bu vào vết thương hở ngay cả khi chúng tôi đang tiến hành phẫu thuật, mặc dù các y tá đã cố gắng xua chúng đi. Vào ban đêm, khi lũ ruồi đã ngủ hết, thì chúng tôi lại phải đối phó với lũ muỗi đến từ ao hồ, vũng rạch, mang theo mối nguy sốt rét và các bệnh khác. Sau một thời gian, chúng tôi xin được DDT để diệt bớt côn trùng, ruồi muỗi; nhưng cũng như mọi thứ thiết yếu khác mà chúng tôi cần, DDT được cung cấp rất nhỏ giọt ở Việt Nam.
Mỉa mai thay, những gì tôi học được về thú y tại Iowa State University có lẽ lại thích hợp với những gì tôi đang làm hơn là những kiến thức, kinh nghiệm mà tôi nhận được ở trường y và ở các phòng cấp cứu tại bệnh viện. Tại trường thú y, được học tập và thực hành trên cơ thể vật nuôi như trâu, bò, ngựa, chó, mèo và những động vật nhỏ khác, tôi đã thực hành hàng trăm ca mổ và học hỏi được những kỹ thuật mổ phức tạp, rắc rối mà sau này tôi đã ứng dụng nhiều lần.
Tại Việt Nam, do tình trạng đơn thương độc mã, tôi buộc phải trở thành một chuyên gia gây mê chỉ trong vòng hai tuần lễ. Thật ra, là một bác sĩ chữa trị, tôi cũng hiểu các mức độ gây mê cần thiết cho các ca phẫu thuật cơ bản, nhưng vì không được đào tạo để trở thành một chuyên gia gây mê nên tôi lo ngại mình dùng không đúng liều lượng chất gây tê ê-te và Pentothal với bệnh nhân cần phẫu thuật. Hồi còn ở trường thú y, chất gây mê duy nhất mà chúng tôi sử dụng là Pentothal, và vì chó hay mèo có thể trọng nhỏ hơn con người rất nhiều, nên chúng tôi chỉ dùng một lượng rất nhỏ dược phẩm. Với người bệnh, tôi luôn luôn cẩn trọng và thật là may mắn là đã không xảy ra trường hợp tử vong nào do việc sử dụng thuốc gây mê không hợp lý.
Sau các cuộc giao tranh ở vùng nông thôn, những người bị thương đổ về bệnh viện. Một số được chở đến bằng xe Jeep hoặc các phương tiện vận chuyển khác của quân đội. Những người khác thì được thân nhân cõng trên lưng, đặt trên cáng hay võng và được hai chiếc xe đạp đẩy đi, hoặc nằm trên võng buộc một bên hông của trâu bò… Thương vong gây ra do đủ loại chiến cụ của chiến tranh hiện đại: đạn, lựu đạn, đạn pháo, đạn cối, bom na-pan và các loại bom khác.
Việc trước tiên là bạn phải nhìn tổng thể bệnh nhân, rồi quyết định việc gì phải làm kế tiếp. Tôi cùng các y tá Hải quân buộc phải đánh giá mức độ thương tích dựa trên những yếu tố cơ bản nhất: huyết áp, nhịp mạch và nhịp thở của người bệnh. Bạn phải dùng đủ năm giác quan: nhìn, ngửi, sờ, nghe, nếm và cả giác quan thứ sáu – lượng định những điều bất ngờ. Và bạn cần phải biết ứng biến.
Midaxudavo:
Chương 7 (tiếp)
Rất nhiều bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tỉnh Quảng Trị là do các vết thương vì bom, một số là do máy bay B-52 thả loại bom khổng lồ 2.000 cân Anh, có sức hủy diệt khủng khiếp. Loại bom này có kích cỡ to bằng chiếc xe Volkswagen Beetle, và chấn động của vụ nổ có thể cảm nhận ở nơi cách xa gần 20 km. Nếu như bạn nằm trong phạm vi 8 km khi bom nổ, bạn sẽ thấy đời mình xem như kết thúc. Mặt đất rung chuyển dữ dội cùng với tiếng ầm ầm như thể bạn đang ở trung tâm của một vụ động đất. Lần đầu tiên trải nghiệm, tôi cứ nghĩ là trái bom đã nổ ngay bên cạnh mình, nhưng sau đó mới biết là dù gây ra chấn động kinh hoàng, trái bom rơi cách rất xa chỗ tôi nên tương đối an toàn, ngoại trừ tiếng đổ, tiếng rơi của mảnh vỡ, của gạch đá.
Những vụ ném bom như thế gây ra vết thương theo nhiều cấp độ cho rất nhiều người, tùy thuộc vào khoảng cách từ nạn nhân đến chỗ bom rơi. Nếu ở gần nơi bom nổ, chấn động cực mạnh xuyên qua cơ thể có thể làm tổn thương trầm trọng tim, gan, thận, ruột. Sóng chấn động mạnh cũng có thể thổi bay con người vào tường hoặc một vật cứng nào đó và gây thương vong cho họ. Ở nơi xa hơn trung tâm vụ nổ, sóng mạnh và kéo dài cũng có thể làm rách màng nhĩ (nếu sức nổ tạo nên áp suất 7 cân Anh trên một inch vuông). Còn nếu như có ai đang tiếp xúc với vật thể rắn nào đó thì sóng chấn động của vụ nổ có thể truyền từ vật thể ấy vào cơ thể người, làm chấn thương nhiều hay ít tùy theo sức mạnh của vụ nổ. Sóng chấn động do bom mìn nổ dưới nước còn gây thương vong nhiều hơn vì truyền đi nhanh hơn và mạnh hơn, trong khi sức chịu đựng của cơ thể con người chẳng hề tăng lên khi ở dưới nước. Còn trên mặt đất, ngoại trừ việc bị rách màng nhĩ, thì cơ thể con người có thể chịu đựng được sức ép đến 30 cân Anh trên một inch vuông nếu như bạn tránh được mảnh vỡ của các vật cứng.
Về mặt y học, các vụ nổ gây nên nhiều chấn thương ở ngực, bao gồm tổn thương lồng ngực, phá vỡ các phế nang và làm xuất huyết phổi. Những chấn thương này là do sức mạnh của vụ nổ đã ép xương sườn vào phổi. Những người bị thương trong trường hợp này có thể không có biểu hiện ra bên ngoài, hoặc chỉ là ho ra chút ít máu vì xuất huyết phổi.
Trong chiến tranh hiện đại, hầu hết các thương tích thường gây nên do vật thể phóng đi như đạn, bom… Dĩ nhiên ở trong cơ thể, một viên đạn có thể gây nên sát thương khi làm vỡ xương thành nhiều mảnh nhỏ, tạo thành nhiều thương tích khác. Là bác sĩ chẩn đoán trong những trường hợp này, việc đầu tiên là phải xác định vị trí của nạn nhân vào thời điểm bị thương. Đường đi của một viên đạn hay một mảnh bom ghim vào nạn nhân đã ngã xuống thường khá khác biệt so với người bị thương trong tư thế đứng. Vết thương do viên đạn hay mảnh bom đi ra khỏi cơ thể, nếu có, sẽ luôn luôn to hơn nơi viên đạn đi vào.
Chương 7 (tiếp)
Khi cân nhắc, xác định tình trạng người bị thương để phẫu thuật trong các trường hợp này thì việc phân tích hình dáng, kích cỡ và tốc độ của viên đạn hoặc mảnh bom vào thời điểm gây thương tích là rất quan trọng – không kém việc xem xét tình trạng vết thương. Nếu so sánh với vết thương do dao hoặc lưỡi lê gây ra, thì những vết thương do một viên đạn bắn ra ở tốc độ cao nghiêm trọng hơn rất nhiều vì lực phá hủy của chúng rất cao.
Tốc độ bay của đầu đạn và tên lửa đã tăng lên gần 4 lần kể từ Thế chiến thứ I, và thương vong do viên đạn bắn đi với tốc độ từ 600 đến 1.200 mét trong một giây thì thật là khủng khiếp. Khi chạm vào đối tượng, động năng của viên đạn sẽ phá tung và tạo ra một lỗ hổng tức thời quanh điểm bị bắn. Lỗ hổng này có thể lớn gấp 30 lần độ lớn của đầu đạn, phá vỡ các mạch máu, dây thần kinh và làm vỡ xương. Những vết thương do đạn của súng tiểu liên M-16 gây nên thường nghiêm trọng hơn là những vết thương do mảnh lựu đạn cho dù thoạt nhìn, vết thương do mảnh lựu đạn tạo ra thường to hơn và có vẻ khủng khiếp hơn. Dĩ nhiên, với bất cứ vết thương nào, bạn cũng phải xử lý khả năng nhiễm trùng từ quần áo, da thịt, đất cát dơ bẩn và bất cứ thứ gì đi theo viên đạn thâm nhập vào vết thương. Vết thương do viên đạn xuyên qua còn có thể nhiễm trùng từ phân, nước tiểu, xương và các loại vi khuẩn nếu viên đạn làm thủng vùng ruột.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phải xử lý nhiều thương tích do tai nạn. Chúng tôi thường gặp những ca trẻ em chạy xe đạp bị ngã, rồi bị các loại xe quân sự cán qua người. Có em tử vong, có em bị nghiền nát tay hoặc chân. Bất cứ trường hợp nào bị nghiền nát tay chân sẽ bị hội chứng sưng tấy lên trong vòng một giờ đồng hồ: chân tay phù lên khi máu từ các mao mạch tràn ra trong cơ thể. Rồi các bắp thịt nơi bị nghiền nát sẽ phóng thích đồng loạt một lượng lớn các hóa chất như sắc tố của tế bào, kali, creatinine và a-xít có thể làm trụy gan, hạ huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong. Khi nạn nhân của những trường hợp này được đưa tới bệnh viện, chúng tôi phải xem xét ngay là vào lúc đó, có ca bệnh nào cần thiết phải theo dõi trực tiếp hay không, rồi quyết định việc trị liệu. Thông thường, những chân tay bị nghiền nát quá nặng, hoặc bị nhiễm trùng nặng không thể cứu vãn được thì sẽ phải cắt bỏ. Đôi khi, vì có quá nhiều nạn nhân, chúng tôi phải giải quyết thật nhanh và trong phòng mổ có cả thùng chất đầy chân tay bị cắt bỏ.
Midaxudavo:
Chương 7 (tiếp)
Nhưng chúng tôi luôn cố gắng cứu lấy chân tay người bị nạn bất cứ khi nào có thể bằng cách nhanh chóng cắt bỏ mô hoại tử, chữa ngay các thương tích mạch máu, làm giảm sự biến chất của các mô, áp dụng liệu pháp kháng sinh – tức sử dụng hết mọi phương cách nhằm ngăn chặn sự nhiễm trùng và xuất huyết để khỏi phải dùng đến biện pháp cuối cùng là cắt bỏ. Một lý do để cố tránh việc cưa bỏ tay chân là tâm lý của nạn nhân sau khi phẫu thuật. Nếu như nạn nhân thấy được rằng đó là biện pháp cuối cùng sau khi đã tìm mọi cách cứu chữa thì họ sẽ dễ chấp nhận hơn.
Tôi nhớ một lần, khi có toán bác sĩ Canada đến giúp trong vài ngày, chúng tôi cùng làm việc suốt nhiều giờ để cứu chữa cho cánh tay một em gái Việt Nam 12 tuổi bị một chiếc xe Jeep cán qua. Một cánh tay của em đã gần như rời ra, treo lủng lẳng với các dây thần kinh, động mạch giữa, các chùm động mạch và tĩnh mạch của cánh tay. Các bác sĩ đã làm việc hết sức tận tâm. Chúng tôi lo ngại về độ ẩm, về thời tiết oi bức, về tất cả các thứ như côn trùng, bụi bặm, chất bẩn kết hợp với chấn thương nặng như thế sẽ khiến cho em không sống nổi hoặc nhẹ nhất là mất luôn cánh tay.
Tuy vậy, chúng tôi đã làm việc trong 6 giờ liền để khâu lại các mạch máu, cắt bỏ các mẩu xương gãy và sắp xếp lại các bắp thịt. Một điều thật đáng nể phục là em gái này không những đã dũng cảm chịu đựng mà còn cố nở nụ cười trên môi. Sau cuộc phẫu thuật, chúng tôi bọc tay của em bằng bao sợi saran và ngâm khuỷu tay trái vào nước đá lạnh. Chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng định mệnh đã không chiều theo cô bé khi chúng tôi xem xét lại vết thương vào ba ngày sau. Tôi đã ngây thơ hơn tay bác sĩ chỉnh hình là người đứng mổ chính của ca này. Vào ngày thứ ba, vị chuyên gia này nhìn cánh tay của cô bé rồi phán: “Chúng ta phải cắt bỏ và ném vào thùng rác thôi”. Đây là thời khắc thật đáng buồn, nhưng ở Việt Nam lúc ấy thật sự không có nhiều thời khắc vui vẻ.
“Chuyến đi thứ hai của tôi là đợt công tác ở Quảng Ngãi và phòng bệnh tôi phụ trách gồm những ca tệ hại nhất, những người bị thương trầm trọng nhất”, Bill Owen, một bác sĩ tình nguyện khác nhớ lại. “Đó là một cô gái xinh đẹp chừng 15 tuổi với một chân bị bắn rời và chân còn lại cũng ở trong tình trạng thật là tệ hại. Tôi nói cho cô gái biết là cô cần phải chịu đựng để cắt bỏ chân còn lại. Cô òa khóc nức nở. Sáng hôm sau, cô gái biến mất khỏi bệnh viện. Gia đình đã đưa cô về nhà vào đêm hôm đó và chẳng bao lâu sau, cô gái đã chết.”
Đôi khi, hoàn cảnh và điều kiện y tế ở Việt Nam giống như thời trung cổ. Có những bà mẹ bồng con mình vừa mới đạp phải bẫy mìn với bàn chân bấy nát. Trước khi mang con đến bệnh viện, họ thường tìm cách chữa trị theo lối dân gian của người Việt Nam. Cơ bản là họ ngâm chân tay bị thương của con vào một cái chum đựng đầy phân bò bẩn thỉu, có cả giòi nên rất dễ bị nhiễm trùng. Thông thường, cách “chữa trị” theo kiểu được ăn cả ngã về không như thế hoặc có thể giết chết nạn nhân hoặc có thể giúp nạn nhân hồi phục. Sau khi được đặt vào chum đựng phân, phần còn lại của chân hay tay bị thương sẽ ngừng chảy máu. Rồi phần bị thương tích đó sẽ chuyển qua màu đen, thoái hóa và rời ra, để lại phần chân, tay cụt. Sau quá trình như thế, một số nạn nhân giành lại được sự sống, số khác tử vong.
Midaxudavo:
Chương 7 (tiếp)
Ở Quảng Trị, tôi đã cố gắng tìm cách cứu chữa nhiều em bé bằng y học hiện đại. Mặc dù gia đình các em không chú ý nhiều đến sự khác biệt này, chúng tôi đã dùng thuốc kháng sinh và tiếp tục chăm sóc hậu phẫu. Kết quả là chúng tôi đã chữa trị và cứu sống được nhiều nạn nhân hơn.
Người Việt Nam cũng thường áp dụng các phương cách trị liệu truyền thống của người châu Á như giác lể và châm cứu trước khi tìm đến cách trị liệu khác. Tại Vĩnh Bình, bác sĩ Victor S. Falk nhớ lại: “Điều khá thường xuyên là trước khi gặp bác sĩ Mỹ, bệnh nhân đã qua chữa trị bằng đông y của người Hoa hoặc thuốc của người Campuchia, mà hầu hết là dùng các ống giác hơi, hút trên vùng cơ thể bị đau với những vết cắt lể trên da. Keo dán của người Campuchia thỉnh thoảng cũng được dán trên trán những ai bị chứng nhức đầu. Người ta hoàn toàn có thể nhận ra bệnh của ai đó qua việc quan sát dấu vết của các thầy lang tạo ra”.
Nhiều lần, khi có bệnh nhân nhập viện với tình trạng xương ngực bị vỡ, tôi đều nhanh chóng tiến hành phẫu thuật để chữa trị vết thương theo khả năng có thể được. Các y tá Hải quân thì xử lý những thương tích đơn giản, và tôi cũng cùng làm với họ những lúc không có ca nặng. Một số y tá Hải quân nói rằng tôi là một trong những bác sĩ phẫu thuật cừ nhất mà họ từng thấy, nhưng tôi lại nghĩ việc họ khen ngợi tôi như thế là do tôi được đào tạo thành một bác sĩ tâm lý mà lại làm việc như một bác sĩ giải phẫu. Tuy không được huấn luyện nhiều về phẫu thuật nhưng tôi lại có nhiều cơ hội học hỏi và rèn luyện nhanh chóng trong lĩnh vực này.
Một lần, sau khi mở vùng bụng của một bệnh nhân, tôi chuyển nhẹ con dao mổ từ tay phải sang tay trái. Không may, lưỡi dao đâm vào cổ tay. Tôi lặng lẽ lấy con dao ra và đặt lên bàn. May mắn là chỉ còn một chút nữa thì lưỡi dao đã chạm vào các động mạch của bàn tay.
- Nào các bạn, hãy băng vết thương này lại giùm tôi. - Tôi nói một cách điềm tĩnh.
- Ối trời ơi! Bác sĩ! Ông đã đâm vào tay mình!
- Hãy băng giùm, - tôi nói, - và chúng ta hãy tiếp tục ca mổ.
Sau khi chúng tôi hoàn tất công việc và nghỉ ngơi vào cuối ngày, các y tá Hải quân nói rằng họ muốn đề xuất cho tôi nhận Chiến thương Bội tinh, một huy chương dành để tưởng thưởng cho quân nhân nào bị thương ở chiến trường. “Thôi, quên nó đi. Tôi là thường dân”, tôi nói, và tất cả chúng tôi cùng cười.
Các cuộc giao tranh ở Việt Nam thường diễn ra vào khoảng 4 giờ chiều, nên những thường dân bị thương mà không chết sẽ bị để nằm qua đêm trên hào, mương hay trên ruộng lúa ngập nước đến nửa thân cây lúa. Họ sẽ được tải thương vào lúc bình minh, khi chiến sự tạm ngưng.
Chúng tôi phải chữa trị nhiều người bị thương vì đạn của các loại súng cá nhân, vì mảnh đạn pháo và vì bẫy mìn, trong đó nhiều nhất là thương vong do mảnh bom đạn. Trong một số trường hợp khá hiếm hoi, chúng tôi cũng chữa trị những người bị thương, bị cháy bỏng vì bom na-pan. Bom này đốt cháy hoàn toàn cả xương lẫn xác thịt và khi đã dính bom na-pan, rất khó để ngăn chặn sự phát cháy nên rất ít người sống sót để được chuyển đến bệnh viện.
Midaxudavo:
Chương 7 (tiếp)
Khi bệnh nhân nhập viện, chúng tôi không thể biết được ai là người theo Việt Cộng, ai đồng tình với Mỹ hoặc những ai là người trung lập, đứng giữa và chỉ muốn sống sót. Chúng tôi chữa trị không phân biệt những ai đến đây, nhưng rất nhiều người bị thương quá nặng và đã không thể vượt qua cơn nguy kịch. Những y tá Hải quân có nhiệm vụ chuyển đi những thi thể bệnh nhân chết trong đêm, nhưng cũng có những thi thể được thân nhân của họ mang đi. Ngay khi chúng tôi hoàn tất khám chữa vết thương cho một người, viên y tá Hải quân trẻ tuổi nhất liền nhắc nhở việc đưa bệnh nhân kế tiếp vào. Chứng kiến sự chết chóc mỗi ngày, thỉnh thoảng họ cũng có chút hài hước về điều đáng sợ này:
- Xong rồi, hãy đem người chết kế tiếp vào!
Khi chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân vào cùng một thời điểm thì các y tá Hải quân thực hiện giúp tôi một số ca mổ. Nếu như một bệnh nhân nhập viện với một cánh tay bị thương thật nặng và tôi đang bận rộn ở một nơi nào đó thì các y tá thường tiến hành cưa bỏ. Nếu cần thiết phải loại bỏ nhãn cầu bị hỏng của một bệnh nhân, tôi thường áp dụng thủ thuật khoét nhân và sau đó là phần việc của các y tá Hải quân. Trong trường hợp tôi quá bận, các y tá phải tiến hành thủ thuật này.
Việc phải mổ nhiều vết thương phức tạp cùng lúc ít khi xảy ra. Chẳng hạn khi một y tá Hải quân tiến hành việc cưa chân cho một người bị thương, tôi có thể đang xem xét vùng bụng cho một người khác trong lúc một y tá Hải quân nữa chăm sóc vết thương ở mông hay chuẩn bị sẵn sàng cho thủ thuật khoét nhân mắt.
Rất khó ước tính số lượng bệnh nhân nhập viện, các loại thương tích, bệnh tật của họ cũng như khối lượng công việc chúng tôi phải làm. Chỉ có thể nói rằng, số người bệnh hầu như luôn quá tải. Có lần, trong 4 ngày liền, mỗi ngày tôi tiến hành 5 ca mổ bụng quan trọng. Ở Mỹ, một ca mổ quan trọng như thế thường gây mệt mỏi cực độ cho bác sĩ đứng mổ, và hầu hết các bác sĩ phẫu thuật chỉ tiến hành không quá 2 ca mổ mỗi ngày, hoặc nhiều lắm là 3 ca trong trường hợp quá khẩn cấp. Chúng tôi đã thực hiện một loạt các ca phẫu thuật như thế trong nhiều ngày liên tiếp, trong điều kiện tệ hại về vệ sinh, an ninh, muỗi mòng, bụi bặm. Lại thêm việc các y tá thỉnh thoảng vắng mặt trong một bệnh viện không được trang bị những thứ cần thiết cho các ca mổ phức tạp cũng như việc chăm sóc hậu phẫu không chu đáo.
Tôi vẫn nhớ đến một vài người trong số các bệnh nhân của mình. Có một ngày, chiếc xe Jeep dừng gấp trước bệnh viện.
- Bác sĩ! Bác sĩ! Giúp chúng tôi với! - Một trong hai người lính Thủy quân lục chiến từ trong xe Jeep la to lên.
Tôi quan sát hai quân nhân Thủy quân lục chiến trẻ đang khiêng một người đàn ông khá lớn tuổi vào bệnh viện với sự trợ giúp của các y tá Hải quân. Nạn nhân mặc bộ đồ pyjama viền đen. Nhìn bề ngoài, người đàn ông này rõ ràng là người thuộc mạng lưới truyền tin địa phương, có nhiệm vụ đưa tin từ làng xã này qua làng xã nọ, không giống như kiểu đưa tin bằng ngựa cổ xưa ở Mỹ. Ông ta chạy bộ khoảng 10 km mỗi ngày để mang tin tức từ thủ phủ Quảng Trị về xã Quảng Điền của ông. Một trong những người lính Thủy quân lục chiến đã bắn trúng bụng ông khi ông đang chạy đi giao tin tức.
Midaxudavo:
Chương 7 (tiếp)
Những người lính Thủy quân lục chiến không nghĩ ông là Việt Cộng mà họ chỉ nhắm bắn vào ông vì theo lệnh, họ được quyền bắn vào bất cứ người Việt Nam nào đang chạy. Điều này vi phạm trắng trợn những quy tắc hành xử của quân đội, nhưng ở Việt Nam, những quy định không phải luôn luôn được tuân thủ.
Khi tôi nhìn vào mắt của hai người lính Thủy quân lục chiến, những đôi mắt nói được nhiều hơn bất kỳ bài viết nào về tâm lý mà tôi từng đọc về sự tàn nhẫn của chiến tranh. Cho dù quai hàm của họ đã cứng lại, nhưng hai khuôn mặt trẻ ẩn chứa sự ăn năn và hối lỗi. Những người lính Thủy quân lục chiến được huấn luyện để bắn giết, nhưng khi họ thấy những gì họ làm đối với một thường dân, họ đã nhanh chóng chuyển nạn nhân ra khỏi vùng oanh kích tự do để đưa đến bệnh viện cứu chữa, không để nạn nhân chịu đau đớn nhiều hơn.
Trên bàn mổ, người đàn ông trông khoảng 60 tuổi. Ông nhỏ người nhưng rắn chắc, cao khoảng 1,6m và nặng gần 50 kg. Tôi chỉ lo viên đạn nhằm trúng một động mạch và sẽ không thể cứu mạng ông.
Tôi xem xét vết thương nơi đường đạn đi vào. Không có lỗ ra, có nghĩa là viên đạn còn nằm đâu đó trong cơ thể ông. Nhịp mạch 140 cho thấy không có mạch máu chính nào bị thương tổn. Ông lão quằn quại với những cơn đau nhưng cũng còn tỉnh táo và nhận biết được những gì chúng tôi đang làm khi chuẩn bị gây mê. Một trong những y tá Hải quân cho một ít chất gây mê Pentothal và ê-te vào mặt nạ.
Chúng tôi làm vệ sinh vết thương, cọ rửa cho ông với các dung dịch khử trùng khác nhau. Tôi nhanh chóng rạch một đường mổ từ ngực xuống xương mu. Ông lão chỉ có lớp mỡ bụng dày chừng 1,5 cm. Vết thương nằm gần giữa bụng, hơi lệch sang trái một chút. Viên đạn phá vỡ một trong những phần chính yếu của ruột kết. Và thật đáng kinh ngạc, tôi đã phát hiện viên đạn 45 ly nằm ở một trong các đốt xương sống của nạn nhân, giữa các mạch máu chính. Viên đạn nằm chính giữa động mạch chủ ở bụng và một trong hai tĩnh mạch chính, tức động mạch lớn và tĩnh mạch vận chuyển máu đi và đến các chân và vào cơ ngang của xương sống. Thật may mắn là viên đạn đã không trúng vào động mạch chủ. Tôi cố gắng ngăn không cho xuất huyết. Phân từ phần ruột kết bị vỡ tuôn ra ổ bụng, làm tôi phải liên tục súc, rửa trong khi mổ.
- Thuốc kháng sinh! - Tôi gọi lớn.
Tôi cắt bớt phần ruột bị hư rồi súc, rửa ổ bụng.
Tạm bỏ qua viên đạn, tôi tập trung vào việc giảm thiểu khả năng nhiễm trùng. Tôi biết là mình cần phải chữa vết thương rộng miệng ở phần cuối ruột kết bằng thủ thuật cắt bỏ ruột kết nhưng chưa dám làm. Có quá nhiều ruồi nhặng, quá nhiều nguy cơ nhiễm trùng, thời tiết quá nóng và lại có quá ít thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng từ một vết thương mở nữa. Tôi yêu cầu đem thêm kẹp, kim, chỉ khâu. Tôi cầm máu, tiếp tục cầm máu, đóng lại hết điểm chảy máu này đến điểm chảy máu khác bằng cách tận dụng tất cả những gì có thể.
Chương 7 (tiếp)
Như đã từng phẫu thuật trên chó và mèo trong thời gian ở trường thú y, tôi thận trọng cắt bớt phần ruột bị hư, khoảng 10 cm ruột kết, rồi nối lại phần ruột còn tốt bằng chỉ khâu 3-0, loại chỉ tốt nhất trong tình huống này khi phải xử lý với mô ruột. Với phần ruột ấm nóng trên tay, tôi cố tìm xem còn chỗ nào bị rách, bị thương nữa hay không và may mắn là không còn chỗ nào khác. Tôi đóng vết thương và khử trùng một lần nữa.
Tôi không tìm thấy vết thương nào khác mặc dù viên đạn vẫn còn nằm trong trục xương sống, một vị trí nguy hiểm. Vết sưng xung quanh cột sống sẽ gia tăng nếu tôi không gắp viên đạn ra. Việc nhiễm độc chì thường ít xảy ra với những viên đạn còn nằm trong cơ thể nhưng những mảnh vỡ lại có thể di chuyển và gây đau đớn, trục trặc ở một nơi nào khác. Tôi không có nhiều thời gian để quyết định xem là nên hay không nên lấy viên đạn ra. Nếu tôi gắp viên đạn ra, nó có thể gây hại nhiều hơn và ông lão có thể bị xuất huyết nhiều hơn. Những ý nghĩ này cứ luẩn quẩn trong tâm trí khi tôi đang phẫu thuật.
Cuối cùng, tôi quyết định gắp viên đạn ra. Tôi cắt xung quanh viên đạn một cách thận trọng rồi kiểm tra chức năng hai chân của ông. Thử nghiệm phản xạ Babinski ở ngón chân cho kết quả tốt. Không có dấu hiệu bị liệt. Sau khi gắp viên đạn ra, tôi đặt nó vào chiếc lọ thủy tinh nhỏ bên cạnh. Có người muốn giữ những vật như thế để lưu niệm? Không chắc đâu – tôi tự nhủ – vì có quá nhiều viên đạn như thế quanh đây. Nhìn lại vết thương lần nữa, tôi nhận thấy là ông lão đã vô cùng may mắn. Viên đạn đã hết đà khi chạm đến cơ thể ông. Thượng đế đã che chở cho ông. Nếu như ông ở gần người bắn hơn chút nữa thì chắc chắn viên đạn đã phá vỡ xương sống của ông.
Ca mổ kết thúc tốt đẹp và tôi đã cứu được ông lão. Trông ông rất khỏe, một ông lão cừ khôi. Nhưng tôi cũng biết rằng phẫu thuật thành công chỉ chiếm 20% của cuộc chiến giành sự sống. Kế tiếp, ông lão cần phải nhận được sự chăm sóc cần thiết trong 10 ngày.
Tôi nhìn quanh phòng mổ của bệnh viện Quảng Trị và nghĩ về điều kỳ diệu mà Thượng đế dành cho ông lão. Viên đạn hết đà khi chạm đến cơ thể ông. Những người lính Thủy quân lục chiến đã bắn ông, rồi cũng chính những người lính đó nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện. Họ biết là mình nhầm vì ông không phải là Việt Cộng. Hai người lính Thủy quân lục chiến đó có lòng trắc ẩn nên đã mang ông lão đến bệnh viện để ông có cơ hội được cứu sống.
Ngày hôm sau, tôi nói chuyện về ca mổ với thông dịch viên Nguyễn.
- Thế bác sĩ có biết là ông lão bao nhiêu tuổi không? - Nguyễn hỏi tôi.
- Có lẽ 60 hoặc 65 gì đó. - Tôi đoán, dựa vào những ấn tượng đầu tiên của mình. Tôi nhớ lại các mạch máu của ông trong khi mổ, động mạch lớn chảy mạnh xuống hai chân. Không hề có chất vôi do cholesterol tích đọng khiến cơ thể ông trông giống như một người khỏe mạnh ở độ tuổi 40 hoặc 50.
Midaxudavo:
Chương 7 (tiếp)
- Ông lão đã 94 tuổi rồi đấy! - Nguyễn nói. Cậu ta còn cho tôi biết ông lão là người chạy đưa tin từ Quảng Trị về xã nhà Quảng Điền, nghĩa là mỗi ngày ông chạy khoảng 10 km để đưa tin chiến sự.
- Không thể tin nổi! - Tôi thốt lên.
Ông lão đã được nhìn một thế giới nhiều đổi thay với 94 năm tuổi đời. Ông đã sống qua thời thuộc địa dưới ách thực dân Pháp, thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam trong Thế chiến thứ II, thời kỳ của chế độ Vichy (Pháp) với cuộc chiến chống thực dân Pháp và nay là sự kiện quân đội Mỹ tràn lan trên đất nước của mình.
Cách sống và chế độ ăn uống đã cho ông một thể chất phi thường. Trong một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, chế độ ăn uống thường ưu việt hơn là ở các nước phát triển. Trái cây cùng rau tươi, các loại cá và gạo là những thành phần chính trong thực đơn của người Việt Nam. Thêm vào đó, ông lão là một hiền nhân được dân trong xã kính trọng, bởi ông không chỉ là người mang tin tức đến cho mọi người mà còn là người già cả, thông thái sống trong một đất nước vốn có truyền thống tôn trọng ý kiến cùng sự thông thái của những bô lão.
Tôi không biết ông sẽ sống thêm bao nhiêu năm nữa nhưng tôi nghĩ thời gian đó không chỉ là vài năm khi quan sát cách sống của ông. Ở ông toát lên sự say mê kỳ lạ đối với cuộc sống. Trong thời gian ở bệnh viện, ông tận tình dìu dắt, hướng dẫn những bệnh nhân khác, nhất là những đứa trẻ bị cụt tay chân và đang cố học cách làm quen với chân tay giả. Ông sống theo cách sống của người Việt Nam – không nghĩ nhiều về mình mà cố giúp làm giảm cơn đau cũng như nỗi lo sợ của những đứa trẻ bất hạnh. Bù lại, những đứa trẻ kính yêu, quý mến ông. Ông đã cho chúng niềm tin và hy vọng.
Ở những nơi khác của Việt Nam, các bác sĩ tình nguyện cũng làm việc cật lực trong những hoàn cảnh khó khăn tương tự.
“Đã từng là bác sĩ phẫu thuật trong Thế chiến thứ II, tôi nghĩ là mình đã trải nghiệm mọi thứ, nhưng chỉ trong một tháng ở Việt Nam, tôi đã phải xử lý số thương vong còn nhiều hơn cả thời gian tôi phục vụ trong Thế chiến thứ II”, bác sĩ Victor S. Falk kể lại. Ông được phân bổ đi vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ tại bệnh viện tỉnh Vĩnh Bình, một bệnh viện đã được người Pháp xây dựng trước đó 70 năm. “Các thương tích gây nên do đạn, lựu đạn, mìn và bom trong các cuộc không kích. Phổ biến nhất là việc phải cưa bỏ chân tay nếu bị thương nặng, bị vỡ hay giập xương. Các cuộc phẫu thuật được hạn chế tối đa do rất dễ bị nhiễm trùng. Một trong những tình huống thống thiết nhất là trường hợp một bé gái 10 tuổi bị cắt cả tứ chi, còn vai thì bị bắn vỡ.”
“Người bị thương đến bệnh viện theo từng đợt, tương ứng với các cuộc tấn công của hai bên”, bác sĩ Frank Van Orden hồi tưởng. Ông được phân bổ đi Mộc Hóa – cách biên giới Campuchia khoảng 6 km – trong dịp Tết Mậu Thân. “Một người đàn ông 85 tuổi bị bắn trúng giữa xương ống chân, đã lội bộ hơn 20 km đến chỗ chúng tôi để xin chữa trị. Ông đã chịu đựng đau đớn với thái độ chững chạc. Chúng tôi đã làm “phẫu thuật thịt bò viên” cho ông trong cảnh một y tá lật từng trang giáo trình phẫu thuật khi chúng tôi đang mổ. Chúng tôi phẫu thuật vùng bụng, còn với những chấn thương ở đầu và ngực thì chuyển bệnh nhân về Cần Thơ. Ngoại trừ những người làm trong ngành y, thái độ của nhân viên quân sự Mỹ đối với người Việt Nam là cực kỳ xấu.”
J. Clyde Ralph, một bác sĩ tình nguyện khác, nhớ lại: “Không hiếm trường hợp các bà mẹ đến bệnh viện với đứa con thơ đã chết còn ấm nóng trên tay. Có lần, tôi đã dùng ống nghe đặt trên ngực một em bé khi tim nó đã ngừng đập. Chúng tôi dùng hết mọi phương cách để cứu chữa, kể cả việc sử dụng số oxygen quý giá của mình. Có vẻ như chúng tôi đã thành công, nhưng chỉ ba giờ sau thì đứa bé chết. Thật sự là một nỗi đau lớn khi bạn đã đặt hết niềm tin vào đó. Nhưng bạn phải nhớ rằng đây không phải là nước Mỹ. Bạn phải biết điều đó”.
Midaxudavo:
Chương 8
CON NGƯỜI VIỆT NAM
Vẻ đẹp và sự yên bình của Việt Nam nổi bật lên trong những thời khắc ngắn ngủi giữa các trận giao tranh. Rất nhiều, nếu như không muốn nói là hầu hết quân nhân Mỹ đều xem Việt Nam như một hỏa ngục.
Nhưng khi Quảng Trị không phải là quang cảnh của một bãi chiến trường, tôi lại nhanh chóng bị hút hồn bởi vẻ đẹp không lẫn vào đâu của vùng đất này. Chẳng hạn như những khu nhà trong thị tứ hoặc vùng phụ cận. Đó là những khu nhà trông có vẻ ọp ẹp, xiêu vẹo như các lán trại, nhưng bên trong là những mái nhà ấm cúng, sạch sẽ với các chủ nhân rất hiếu khách.
Cảnh quan của Quảng Trị đẹp dịu dàng với những con sông, con suối cắt ngang đồi núi bạt ngàn và những cánh đồng chạy dọc theo bờ biển. Buổi sáng, ta có thể nghe tiếng chim hót trong các bụi cây đang hiện dần trên đồng lúa. Bên ngoài khu thị tứ, những người nông dân Việt Nam trồng lúa trên đồng ruộng, một công việc mà tổ tiên họ đã làm từ hàng nghìn năm nay với niềm yêu thích việc đồng áng. Nhà nông Việt Nam làm việc 12 giờ một ngày trong suốt vụ mùa. Họ giữ được mực nước hợp lý trên đồng bằng cách sử dụng một hệ thống và cách thức tưới tiêu thô sơ, sử dụng sức người nhưng rất hiệu quả.
Khi phát âm, tiếng Việt nghe trầm bổng như hát. Tùy thuộc vào người nói và ngữ cảnh, những âm thanh đó có thể chuyển từ êm dịu dễ nghe sang chênh chênh buồn nản, đau đớn hoặc hoảng sợ.
Người Việt Nam không chỉ đẹp về thể chất mà còn thể hiện nét đẹp qua tinh thần hợp tác, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau ở một phạm vi mà tôi không bao giờ thấy ở Hoa Kỳ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh các em nhỏ phụ giúp cha mẹ trong những công việc thường nhật ở nhà. Tại Việt Nam, trẻ em 10 tuổi hoặc nhỏ hơn là đã có thể gánh vác việc nhà và nhận lấy trách nhiệm như một thiếu niên đến độ tuổi trưởng thành ở Mỹ. Những đứa trẻ – với vẻ già dặn hơn tuổi thật của mình – luôn hăng say làm việc, không hề tỏ ra miễn cưỡng. Chúng chăm sóc lẫn nhau. Những bé gái 5 hay 6 tuổi đã có thể cõng đứa em 8 tháng tuổi trên lưng của mình. Công việc “giữ em” như thế thường là tự nguyện chứ không bắt buộc và những em bé được anh hoặc chị “nhí” của mình chăm sóc rất tốt, hơn cả mức độ của một người giữ trẻ được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ.
Xã hội Việt Nam không dựa vào chủ nghĩa cá nhân, mà dựa vào đạo lý chứa đựng sự hợp tác. Đó là việc thực hiện những hành vi tốt đẹp cũng như sự quan tâm và chân thành chăm sóc người khác - thể hiện rõ nhất ở các gia đình nền nếp. Điều gây ấn tượng lớn với tôi là hầu như không có tính ích kỷ, nhỏ nhen trong các gia đình người Việt Nam, cho dù cuộc sống của họ đang bị chiến tranh đe dọa. Tôi tin chắc rằng, rất ít quốc gia trên trái đất này còn có được những đứa trẻ có tinh thần và tâm lý lành mạnh như trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh như thế.
Cùng lúc với việc chứng kiến những vết thương kinh hoàng mà chiến tranh gây ra cho người dân Việt Nam, tôi đã hiểu biết thêm nhiều điều về họ. Và cũng giống như nhiều bác sĩ tình nguyện khác, tôi cảm phục và yêu mến tình cảm ấm áp, giản dị và chân thành của họ.
Midaxudavo:
Chương 8 (tiếp)
“Cho dù có những vấn đề về vệ sinh, tôi yêu những con người này”, bác sĩ Clyde Ralph ở Nha Trang viết. “Dường như họ rất dễ hòa nhập với cuộc sống, tỏ ra vô tư với hoàn cảnh sống mà bề ngoài, hoàn cảnh đó có vẻ chỉ đưa lại cho họ chút ít niềm vui. Trẻ con thì chạy loanh quanh, chỉ mặc độc chiếc áo mà không có quần, hồn nhiên ngồi chồm hỗm bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào chúng muốn. Gương mặt chúng sáng sủa, còn miệng thì luôn cười rạng rỡ. Đôi mắt tinh anh của chúng ánh lên niềm vui của sự nhận thức về những điều tốt lành trong cuộc sống. Tuổi trưởng thành dường như đã biến đổi rất nhanh điều đó. Chúng trở nên dè dặt và ngờ vực nhiều hơn, ít còn tin tưởng vào những điều tốt lành của cuộc sống; nhưng có phải đó là điều tất yếu ở con người?
Bác sĩ Ralph nhớ lại cảnh vật vào cuối một ngày làm việc, khi ông rời bệnh viện Nha Trang về nhà. Ông thấy một nông dân đang cày trên đồng với chiếc cày bằng gỗ do bò kéo. Gần đó, hai chú bé đang tát nước vào ruộng với một dụng cụ thô sơ: gàu dai(1). “Thật khó diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó, ngoại trừ sự thán phục và ngạc nhiên”, Ralph nói. “Thán phục những nụ cười tươi sáng, hạnh phúc của trẻ em Việt Nam. Thán phục vẻ đẹp đứng đắn, đoan trang của phụ nữ Việt Nam. Ngạc nhiên ở sự vô nghĩa của cuộc chiến đang bao phủ và gây tang thương cho cuộc sống của họ. Ngạc nhiên ở sự vô nhân đạo giữa con người với con người và sự bất công, nghiêng hẳn về một bên trong phân phối của cải và sự dư thừa của đời sống. Nhưng đó có phải thật sự là vấn đề hay không, khi những con người này đang tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc? Và tôi đã tự hỏi là liệu chúng ta có thể cải thiện gì để hướng tới một cuộc sống tốt hơn.”
“Tôi luôn lấy làm lạ về khả năng của người Việt Nam trong việc giữ quần áo tươm tất, sạch sẽ, với nét thanh nhã và quyến rũ kỳ lạ”, John McBratney, một bác sĩ tình nguyện ở Quy Nhơn và Phan Rang nói. “Những người trẻ tuổi xuất hiện mỗi ngày từ những nơi có thể nói là có điều kiện thô sơ nhất - như nền nhà bẩn thỉu chẳng hạn - nhưng lại với nụ cười rất tươi và áo quần thật bảnh bao.”
Tại Quảng Trị, khi thỉnh thoảng thả bộ qua vài khu nhà trên đường đến bệnh viện vào buổi sáng, tôi cũng cảm nhận được nhiều điều lý thú. Trước hết, trên đường đi thế nào cũng có vài đứa bé nhảy lò cò theo chân tôi. Tôi cảm thấy mình có đôi chút giống như Pied Piper(1) của Quảng Trị khi mấy đứa trẻ này vừa chạy theo tôi vừa la hét: “Bác sĩ Number One! Bác sĩ Number One!”.
Sau một vài lần, tôi chợt nhận ra có thể đây là một cách cảnh báo với lực lượng Việt Cộng rằng tôi chẳng phải là mối đe dọa của họ, không phải là mục tiêu của họ. Dĩ nhiên tôi là người Mỹ, nhưng tôi không phải là lính chiến mà là một bác sĩ y khoa nên có thể tôi đã nhận được một số phương cách bảo vệ để không trở thành mục tiêu trực tiếp của các lực lượng thù địch. Tiếng Việt gọi những người hành nghề như tôi là bác sĩ mà theo thông dịch viên Nguyễn, từ này không chỉ có nghĩa là người làm nghề khám chữa bệnh, mà còn hàm nghĩa kính trọng, dành cho người được tôn trọng, được tin tưởng và được vinh danh. Cũng với ý nghĩa tôn trọng, người Việt Nam gọi lãnh tụ Cách mạng Hồ Chí Minh là Bác Hồ.
Midaxudavo:
Chương 8 (tiếp)
Được xem là những chuyên gia, các bác sĩ có một vị trí đặc biệt trong nền văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Vào thế kỷ 19, Hải Thượng Lãn Ông – một học giả danh tiếng của Việt Nam - đã từ quan trở về quê nhà, dành hết cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu y học chữa bệnh. Ông là một thầy thuốc tài ba đã đặt nền tảng cho nhiều nguyên tắc quan trọng của vệ sinh và phòng ngừa bệnh trong các công trình đồ sộ của mình. “Y học là nghệ thuật của con người, có nhiệm vụ duy trì sự sống, giúp chống lại nỗi đau, chăm sóc bệnh tật của con người mà không quan tâm đến tiền bạc hoặc sự đền ơn”, Hải Thượng Lãn Ông đã viết như thế. Ông quan niệm “Những người giàu có không thiếu thầy thuốc chăm sóc, nhưng người nghèo khó thì không thể, nên chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến họ. Y học là một nghệ thuật cao quý. Chúng ta phải phấn đấu để giữ vững nền tảng đạo đức thanh khiết đó”.
Mặc dù hầu hết người Mỹ không mấy chú tâm, nhưng nền văn hóa Việt Nam với các tác phẩm chạm khắc, tạo hình của khu vực Đông Dương trước đây thật là quyến rũ. Đa số người Việt Nam theo đạo Phật, một số theo đạo Thiên Chúa, dù những tôn giáo khác như Khổng giáo, Lão giáo hay tập tục thờ cúng tổ tiên, ông bà cũng ảnh hưởng đến nền văn hóa. Ở Việt Nam, người già có vị trí tôn kính trong xã hội. Đức tin về việc đầu thai sau khi chết đã tạo được mối ràng buộc gia đình rất bền chặt, không chỉ với những người hiện hữu mà còn cả đối với những thành viên gia đình đã khuất. Đức tin này cũng khiến cho con người tiếp tục yêu thương và chú ý chăm sóc đến phần mộ của những người thân đã mất. Ý tưởng về sự đầu thai làm cho quan niệm của người Việt Nam về cuộc đời không là một khái niệm về đường thẳng – với một khởi đầu và kết thúc giống như cách nhìn của người phương Tây – mà là một sự tuần hoàn theo chu kỳ, có luật nhân quả chi phối. Và người Việt Nam có một thái độ tôn trọng – mà theo quan điểm của người phương Tây có thể là buồn cười – đối với cuộc sống của mọi sinh vật. Thế giới quan này cho phép họ, hoặc phớt lờ đi, bỏ qua một con gián mà bất cứ người Mỹ nào trông thấy cũng cố công trừ khử, hoặc thậm chí còn nhẹ nhàng nhặt lên và đưa con vật đi chỗ khác. Đối với người theo đạo Phật thì việc phóng sinh, việc thả những con vật trở về đời sống hoang dã hay bảo vệ chúng, sẽ tích đức cho họ trong kiếp sau. Vì thế, nhiều động vật, nhiều chim lạ thỉnh thoảng được thả khỏi lồng trong những dịp lễ hoặc những sự kiện trọng đại. Trong khi người phương Tây hăm hở săn tìm hạnh phúc hão huyền thì người Việt Nam cảm nhận rằng họ đã được sinh ra với niềm hạnh phúc, và việc quan trọng nhất trong cuộc đời là bảo vệ niềm hạnh phúc đó, không để nó mất đi. Trong các mối quan hệ, người Việt Nam không phô bày hết những cảm nghĩ thực sự của mình, mà thường cố chứng tỏ rằng cuộc đời là một trải nghiệm hạnh phúc. Việc Phật tử tâm niệm rằng dục vọng là nguyên nhân chủ yếu gây ra đau khổ đã khiến họ an phận với kiếp nghèo để hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn, khác với những gì ở Mỹ.
Cuộc sống ở Việt Nam cực kỳ đơn giản nếu như so sánh với cuộc sống ở Mỹ cùng thời điểm đó. Bác sĩ tình nguyện B. L. Tom phục vụ ở Đà Lạt, một khu nghỉ mát xinh đẹp ở miền núi, cách Sài Gòn mấy trăm kilômet về phía Bắc. Vào mùa mưa, mặc dù bệnh nhân xếp hàng thành cả đoàn và những cơn mưa tầm tã mỗi ngày, ông nhớ là mình vẫn có những giây phút giải trí vào ban đêm, gợi nhớ đến những gì từng diễn ra ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cả trăm năm về trước: “Không hề có tivi, radio, cũng chẳng có máy hát, nhưng chúng tôi vui đùa thỏa thích ở nhà dưới. Phòng ăn này có một lò sưởi lớn làm cho căn phòng trông giống như một căn lều ở vùng trượt tuyết. Tất cả chúng tôi tụ tập vào chiều tối để ca hát và nghe vài bạn bè người Thượng chơi đàn ghi-ta. Nhiều buôn làng người Thượng chuyển sang theo đạo Cơ Đốc và những người truyền giáo – vốn đã thâm nhập vào khu vực này một thời gian dài – đã cùng nhập bọn với chúng tôi hát những bài thánh ca. Dù hầu hết người Việt Nam theo đạo Phật, nhưng họ cũng rất thích thưởng thức âm nhạc”.
Chương 8 (tiếp)
“Tôi nhớ đến những trại mồ côi đông đúc và sự chịu đựng đau đớn cùng cực của con người”, Richard F. Harper, một bác sĩ tình nguyện được phân bổ phục vụ tại Mộc Hóa nhớ lại. Mộc Hóa là một thị trấn nhỏ trong vùng Đồng Tháp Mười, nằm cách Sài Gòn gần 100 km về phía Tây. “Tôi cũng nhận ra nghị lực của con người Việt Nam. Họ quyết sống còn và cố giữ cho được phẩm giá của mình.”
“Khi tất cả mọi việc đã được tuyên bố và thực hiện xong, điều gây ấn tượng nhất đối với tôi trong ba tháng làm việc ở đây chính là những con người Việt Nam”, bác sĩ Tom H. Mitchell, người tình nguyện phục vụ ở Bạc Liêu nói. “Sự chấp nhận và chịu đựng của họ đối với nghịch cảnh cũng đáng kinh ngạc như sự tự nguyện và tính kiên trì của họ. Họ có một khả năng hồi phục mà bạn hiếm khi thấy ở Hoa Kỳ. Khi trở lại quê nhà, tôi đã có khoảng thời gian khá khó khăn để chấp nhận một số điều khó hiểu phải đối diện khi hành nghề y.”
Cậu thông dịch viên Nguyễn trẻ tuổi thông minh đã hướng dẫn cho tôi khá nhiều về lịch sử và chính trị trong vùng, kể cả những kiến thức tổng quát về văn hóa Việt Nam. Mặc dù tôi không quan tâm đến việc tìm kiếm một người bạn gái hay một người vợ, Nguyễn đã vài lần cố lôi kéo tôi, cố giới thiệu cho tôi một cô gái.
Nguyễn và gia đình cậu đã gắn số phận của mình với chính quyền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ. Họ có thể sẽ bị giết chết nếu như các lực lượng Việt Cộng tiến chiếm Quảng Trị. Cha của Nguyễn là Tỉnh trưởng, một chức vụ cao cấp đầy quyền lực trong chính quyền Nam Việt Nam, chức vụ có thẩm quyền phân phối thực phẩm và hàng tiếp liệu do Cơ quan Viện trợ Mỹ cung cấp. Sau này, một vài người có nói với tôi rằng, có lẽ cha của Nguyễn đã mua chức vụ tỉnh trưởng với giá 50.000 đô-la Mỹ, và hầu hết những ai đã đầu tư theo kiểu mua quan bán chức như thế thì đều lấy lại khoản tiền mà họ đã bỏ ra chỉ trong vòng bốn tháng. Trong thời gian ở Quảng Trị, do Nguyễn quá tử tế và giúp đỡ tôi nhiều việc nên tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng cha cậu ta phải là người thông minh, thân ái và là người không bao giờ lừa dối dân chúng hoặc ăn chặn, ăn bớt của những kẻ nghèo khó.
Một hôm nọ, tôi nhận được lời mời đến ăn cơm tối tại tư dinh của cha Nguyễn. Tôi nghĩ, được quan đầu tỉnh mời như thế là một vinh dự lớn nên vui vẻ nhận lời. Do cha của Nguyễn không biết tiếng Anh còn tôi thì chỉ biết lõm bõm một vài tiếng Việt nên Nguyễn lại phải làm thông ngôn trong bữa ăn xa xỉ có đến 10 món ăn.
Khi viên tỉnh trưởng biết là tôi chưa có vợ, ông ta biểu lộ sự quan tâm.
- Chúng tôi có nhiều cô gái đẹp và đáng yêu đang cần một tấm chồng. - Ông nói bằng tiếng Việt và Nguyễn dịch lại cho tôi.
- Chúng tôi sẽ kiếm cho ông một cô vợ xinh đẹp.
Midaxudavo:
Chương 8 (tiếp)
Tôi lịch sự cám ơn và tiếp tục ăn. Mặc dù tôi yêu phụ nữ, nhưng tôi cũng đã quyết định là không đụng chạm đến bất cứ cô gái Việt Nam nào vì tôi nghĩ, làm như vậy chẳng khác gì một hình thức bóc lột.
Cha của Nguyễn đẩy qua cho tôi một đĩa mà ông nói là đặc biệt thơm ngon. Trên đĩa là những lát thịt thái mỏng, có màu hơi đen đen được gói trong những lá xanh có mùi thơm bạc hà. Ông nài nỉ tôi ăn thử. Đĩa thịt trông ngon lành và tôi đã ăn hết cả đĩa rồi quay qua hỏi Nguyễn tên món ăn này.
Nguyễn nói cho tôi tên tiếng Việt của món ăn.
- Cậu nói gì? - Tôi hỏi lại.
- Thịt chuột. - Nguyễn giải thích bằng tiếng Anh.
Tôi đã từng biết thịt chuột là món ăn phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, nhưng tôi không nghĩ là chính mình sẽ nếm thử. Tôi phải thừa nhận là mùi vị thơm ngon của thịt chuột làm tôi ngạc nhiên, nhưng khi nghĩ về bệnh giun xoắn có thể nhiễm vào những loại thịt như thế, tôi đã lịch sự từ chối đĩa thứ hai.
Mặc dù không thường gặp viên tỉnh trưởng này, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm nhận được sự lưu tâm của ông đối với cuộc sống của mình.
Một vài ngày sau bữa ăn tối tại tư dinh tỉnh trưởng, Nguyễn kéo tôi ra cửa sổ bệnh viện và chỉ cho tôi nhìn ra bên ngoài. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy khoảng 100 cô gái trẻ đẹp đang đứng xếp hàng một cách từ tốn. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng như thế bao giờ. Các cô gái thanh xuân trong độ tuổi trên dưới hai mươi. Tất cả đều mặc những chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam bằng lụa trắng khiến họ trông giống như những thiên sứ đến thăm chúng tôi.
- Những cô gái này đến đây để làm gì? - Tôi hỏi Nguyễn.
- Để xin châm cứu. - Nguyễn đáp.
- Nhưng mà Nguyễn này! Tôi đâu có biết châm cứu!
- Không, không. - Nguyễn giải thích. - Họ đã được châm cứu rồi, nhưng vẫn còn kim châm cứu trên thân thể.
- Tôi phải làm gì với những cây kim đó?
- Họ biết ông từng lấy những viên đạn ra khỏi cơ thể nên bây giờ, họ muốn ông lấy những cây kim kia ra. - Nguyễn nói. - Ngoài ra, ông có thể chọn bất cứ cô nào ông thích để làm bạn gái.
- Bác sĩ không được quyền hẹn hò với bệnh nhân của mình. - Tôi nói và giải thích cho Nguyễn biết về lời thề Hippocrates.
- Không thành vấn đề. - Nguyễn nói. - Ông không cần phải hẹn hò với cô nàng. Ông có thể cưới bất cứ cô nào mà ông thích.
Nguyễn tỏ ra vui vẻ khi ra hiệu cho cô gái đầu tiên đi vào phòng khám. Sau khi cô gái cởi áo dài ra, tôi thấy có ba gốc kim châm cứu nhỏ – như thể kim bị gãy – dưới da cô gái. Châm cứu là một cách trị liệu chính của Đông y và tất cả những cô gái đang chờ tôi khám bệnh đều đã được chữa trị bằng phương pháp này cho mọi chứng bệnh, từ ho, đến cảm lạnh, nhiễm trùng đường tiểu và ngay cả bệnh sốt rét nữa. Những cây kim châm cứu dài, nhỏ, thường được dùng đi dùng lại, có khi bị gãy trong khi châm cứu và các vị Đông y sĩ cứ để mặc như thế. Các cô gái không được chữa trị gì thêm cho đến khi các gốc kim lồi lên khỏi da. Một ai đó – có lẽ là viên tỉnh trưởng, cha của Nguyễn – đã tập trung họ lại để cho tôi giải quyết, giúp họ tránh những vết sẹo do gốc kim gây ra. Lúc đó, dường như tôi không để ý là tại sao không có lấy một người đàn ông nào trong số những người đến nhờ tôi lấy gốc kim châm cứu ra.
Midaxudavo:
Chương 8 (tiếp)
Tôi đã cố hết sức để giúp họ. Với cô gái đầu tiên, sau khi khử trùng vùng da, tôi rạch bằng một cây dao nhỏ, nhưng khi tôi cố gắp cây kim ra - tương tự như khi gắp viên đạn hay mảnh bom - thì gốc kim chẳng hề suy suyển. Các gốc chân kim này đã hoàn toàn kết dính với những mô sợi. Với chỉ hai cô gái đầu tiên thôi, tôi đã mất ba hoặc bốn tiếng đồng hồ, trong lúc những cô gái khác vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi trong chiếc áo dài bằng lụa trắng. Sau một lúc làm việc, tôi thấy thật khó để lấy những gốc chân kim này, và vết sẹo chắc chắn là vẫn còn sau khi đã lấy kim ra.
Cuối cùng, tôi bảo Nguyễn là hãy nói với các cô gái đang chờ rằng tôi muốn giúp họ nhưng việc gắp những gốc chân kim cũng không tránh khỏi việc để lại vết sẹo, thậm chí còn sâu hơn là vết sẹo đã có sẵn. Tôi cho Nguyễn biết là không thể khám cho các cô ngay bây giờ vì còn nhiều bệnh nhân già yếu và trẻ con đang chờ. Bằng một lệnh ngắn gọn, Nguyễn giải tán ngay các cô gái rồi trở lại làm việc với tôi.
- Sao ông không là một người hạnh phúc ở Việt Nam? - Nguyễn hỏi tôi khi trở lại. - Ông đã khá lớn tuổi và có thể lập gia đình ở đây. Ông cần phải là một người hạnh phúc từng ngày. Tôi muốn kiếm cho ông một người vợ tốt.
Tôi mỉm cười và nháy mắt với Nguyễn. Tôi biết ý định tốt của cậu ta.
Nguyễn luôn luôn để ý đến những mối quan tâm của gia đình, bạn bè và những ai có nhu cầu. Cậu ấy cho rằng tôi thật sự cần có một tình bạn khác phái cho dù tôi không nghĩ như vậy. Và mặc dù không nhận thức được ngay thời điểm đó, nhưng sự hấp dẫn của cuộc sống đời thường giản dị mà cậu ấy đang hưởng thụ hằng ngày, cũng như chính cuộc sống mà tôi đang trải nghiệm, đã cuốn hút và làm thay đổi quan điểm của tôi theo nhiều cách khác nhau.
Với nền văn hiến mấy nghìn năm, người Việt Nam có rất nhiều ngày lễ lớn để tổ chức kỷ niệm. Thông thường, những bữa tiệc tối là cơ hội cho hội hè đình đám. Những ngày lễ hội như thế giúp cho người Việt Nam giảm bớt căng thẳng từ cuộc chiến bằng thời gian thư giãn và vui chơi. Một đôi lần, tôi may mắn được mời tham dự vào những lễ hội này. Tôi còn nhớ mãi những âm thanh trang nhã, mượt mà của âm nhạc châu Á trong lúc những đứa trẻ sung sướng cùng gia đình san sẻ thức ăn với nhau.
Vào một trong những dịp lễ hội như thế, tôi được mời thưởng thức một món ăn đặc biệt mà mọi người trong bàn đều muốn tôi nếm thử. Món ăn đầu bữa này thoạt nhìn giống như món bánh kem sô-cô-la. Mọi người đều nói món này ngon tuyệt. Nhìn quanh, tôi thấy những người ngồi chung bàn đều múc vào đĩa thức ăn một cách nhiệt tình.
Khi ăn thử một miếng, tôi kinh hãi với vị đắng gắt nên liền phun ra khỏi miệng một cách bất lịch sự. Vài người giải thích cho tôi biết món ăn ngon đó của địa phương chính là món tiết canh, làm bằng hỗn hợp của huyết với lòng.
Và khi tôi nói rằng mùi vị đó không hợp với mình, với khẩu vị người Mỹ của tôi, mấy đứa trẻ phục vụ muốn đền bù lại cho tôi nên chúng mang đến một món ngon khác: trứng vịt lộn.
Khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng những cái trứng mà bọn trẻ đem ra đãi tôi chính là trứng vịt đã được chôn dưới lòng đất ấm trong nhiều tháng trời. Mặc dù bị chôn như thế, con vịt con ở trong trứng vẫn lớn lên theo thời gian và phát triển đến độ hình thành mắt, và đôi khi cả mỏ nữa. Khi trứng đến độ vừa ăn, người ta đem luộc lên và bọn trẻ đem ra mời tôi.
- Hãy thử đi. Ông sẽ thích lắm đó! - Lũ trẻ nói.
Tôi cám ơn nhưng bọn chúng vẫn tiếp tục nài ép tôi ăn. Tôi không thể ăn được. Thế là các em chia nhau ngay những trứng vịt lộn đó. Sau này tôi mới biết là bọn trẻ đã thể hiện lòng quý mến nên mới mời tôi ăn những quả trứng đầu tiên.
Midaxudavo:
Chương 9
CUỘC SỐNG TRONG THỜI CHIẾN
Thái độ của tôi khá chao đảo trong những ngày tháng phục vụ ở Việt Nam. Tôi biết quá rõ về cuộc chiến ác liệt đang diễn ra với số tổn thất nhân mạng và bị thương rất cao. Tôi biết là cuộc đời mình có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Tôi biết là mình có thể lãnh ngay một quả đạn pháo hay một viên đạn lạc. Vài tuần sau khi đến Việt Nam, tôi nghe tin thượng sĩ Robert Kennedy (1) bị ám sát ở California. Ngày hôm sau thì ông ấy chết .
Nhưng cho dù tình hình nghiêm trọng như vậy, tâm trạng của tôi không hoàn toàn bi quan. Trong nhiều ngày, tôi cảm thấy cực kỳ vui vẻ, một cảm giác của người không hề có vấn đề gì. Tôi vui vẻ tiến hành công việc cứu mạng những thường dân vô tội và khoan khoái vì đã thoát khỏi công việc nhàm chán trong chức năng bác sĩ nột trú tại một bệnh viện tâm thần Mỹ. Tôi cảm nhận rằng mình đang hoàn thành một điều gì đó xứng đáng ở Việt Nam. Tôi biết những gì mình đang làm đáp ứng được nhiều hơn, cần thiết hơn, nhân đạo hơn và nhân văn hơn bất cứ điều gì tôi có thể làm ở bệnh viện tâm thần trước đó.
Cứ mỗi lần cứu mạng được một người nghèo , giúp họ sống thêm trên cõi đời này , tôi lại cảm thấy một niềm vui nho nhỏ và thật sự hài lòng về mình. Những lúc như thế, tôi phấn khởi thấy mình làm việc nhanh hơn. Nhiều lần tôi có cảm giác tự hào khi mấy anh chàng Thủy quân lục chiến trẻ xem tôi là “người của họ”. Nhưng liền đó tôi lại trở nên lo lắng và sợ hãi cho cuộc đời mình.
Đột ngột không cần cảnh báo, chiến tranh có thể ở ngay trên đầu chúng tôi. Bầu trời đen kịt trực thăng quân đội với những tiếng nổ liên tiếp của hỏa tiễn, của đạn pháo. Cũng chẳng có gì báo trứơc, mặt đất dưới chân tôi bất thần có thể rung lên với những đợt đánh bom của máy bay B-52 ở một nơi khá xa. Tôi có thể ngửi thấy mùi đặc trưng của bom na-pan trong không khí. Thường là những khi xuất hiện các sự việc nhắc nhở về cuộc chiến đang tiếp diễn như thế, tôi dễ trở nên chán nản ngay tức khắc. Tôi bất lực tự hỏi sẽ có bao nhiêu người dân vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn, bao nhiêu người đang chết vào thời điểm đó, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu cơ thể bị biến dạng vì bom đạn và bao nhiêu người sẽ bò đến hoặc được đưa đến bệnh viện của chúng tôi xin chữa trị trong vài giờ tới.
Sau một ngày dài đối diện với chết chóc và những nỗi thống khổ, khi trở về nhà trong tối tăm ẩm ướt, tôi tự hỏi những chỗ tối bên đường là gì? Có ai đó hay ma quỷ nào đi theo mình không? Những lần khác, tôi tự hỏi những tiếng nổ đó phát xuất từ đâu? Có phải là tiếng nổ của đạn súng cối? Ai đã bắn và tại sao bắn? Viên đạn bắn từ hướng nào và phát kế tiếp có bắn trúng mình không?
Nhưng là một bác sĩ trẻ đang thực hiện những việc làm thiện chí, tôi có cảm giác là mình được bảo vệ, là “đạn bắn không thủng”. Chẳng bao lâu sau khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi đã được biết đến–qua truyền miệng của trẻ em– là người đến đây để giúp dân chúng địa phương mà không nhận thù lao. Đôi khi tôi cảm thấy không một ai ở Việt Nam lại muốn làm tổn thương đến một bác sĩ nhân từ, một Pied Piper được các em bé bu theo trên đường đến nơi làm việc. Tuy thế, vào những ngày khác, vì một số lý do nào đó mà tôi không thể biết được, những đứa trẻ thường hay theo chân tôi đến bệnh viện lại không xuất hiện. Tôi bắt đầu thắc mắc về điều này.
Khi đi bộ đến bệnh viện và từ bệnh viện về nhà, hoặc thả bộ quanh thị tứ, thỉnh thoảng tôi cũng nghe thấy âm thanh tương tự như đường đạn bay xuyên qua cây cối bên cạnh mình. Tôi đã biết âm thanh này từ những ngày còn phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến, nhưng kể từ khi trở thành bác sĩ của thị tứ này, tôi không nghĩ là các tay bắn tỉa sẽ nhắm vào mình. Đôi khi, tôi nghĩ mình được miễn trừ khỏi làn đạn của cả hai phía vì là một bác sĩ Mỹ đến giúp thường dân Việt Nam.
Midaxudavo:
Chương 9 (tiếp)
Vài lần đầu nghe tiếng đạn bay như thế, tôi cho đó chỉ là những viên đạn lạc và chẳng mấy quan tâm. Thế nhưng về sau , khi tiếp tục đi bộ đến sở làm và vẫn nghe thấy tiếng đạn rít quanh mình, tôi nhận thức được rằng có thể những viên đạn đó đang nhắm vào mình. Tôi hiểu rằng có lẽ Việt Cộng nhắm bắn vào bất cứ người Mỹ nào hiện diện trong khu vực. Nhưng tôi vẫn có ý nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ là mục tiêutrực tiếp của các tay súng và họ chỉ bắn cảnh cáo qua đầu theo kiểu gửi “danh thiếp” cho biết vậy thôi vì tôi trị liệu cho bất cứ ai đến bệnh viện, kể cả Việt Cộng.
Những ngày khác, tôi cẩn thận hơn. Khi nghe tiếng đạn bay, tôi chạy ngay về nơi trú ngụ, chạy rất nhanh và lắt léo để tránh đạn. Mặc dù tôi đã được huấn luyện cách sử dụng các loại súng cá nhân khi còn trong lực lượng Thủy quân lục chiến và tôi cũng đã được cấp một khẩu M-16 khi đến nhận nhiệm vụ ở Quảng Trị. – một vũ khí hiện đại so với khẩu M-1 cổ lỗ sĩ mà tôi sử dụng khi còn là một quân nhân Thủy quân lục chiến, tôi đã không bao giờ mang theo vũ khí ở Việt Nam. Tôi không muốn mình trở thành mục tiêu . Tôi đến đây trong vai trò một bác sĩ chứ không phải là một chiến binh.
Nhưng khi chiến tuyến thay đổi và chiến sự đến gần hơn, nỗi sợ hãi bắt đầu lan truyền. Tất cả mọi người ở Quảng Trị đều bị tác động. Những đoàn xe quân sự chạy nhanh qua tỉnh lỵ. Dân chúng vội vội vàng vàng. Còn phần mình, tôi nguyện tiếp tục công việc cần thiết như mọi ngày, bất kể thời cuộc diễn biến ra sao. Có quá nhiều bất ổn, nhiều nỗi đau đớn quanh tôi và tôi phải cách ly chúng để tập trung vào công việc cứu người của mình.
Càng ngày tôi càng nhận rõ là mình thực sự đang ở vùng tâm điểm của cuộc chiến mà cả hai bên đều muốn giành phần thắng. Tỉnh lỵ Quảng Trị chỉ cách vĩ tuyến 17 – tức vùng phi quân sự - chừng 35 km. Cư dân sống trong thị tứ này chia thành nhiều phe. Một số người đồng tình với Việt cộng, một số người thì ban ngày làm việc cho Mỹ, nhưng khi đêm đến lại trở thành những tay súng du kích sẵn sàng tấn công vào binh lính Hoa Kỳ và Nam Việt nam. Tôi được biết là Việt cộng đã cho người thâm nhập vào lực lượng cảnh sát địa phương. Tôi thật sự chẳng thể biết được dânc húng Quảng Trị trung thành với chế độ Nam Việt Nam, hay với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính quyền Hà Nội hậu thuẫn.
Mặc dù không thể ước lượng một cách chính xác, có lẽ Quảng Trị được chia ra như sau: 25% dân chúng đồng tình với chính phủ Nam Việt Nam, 25% khác trung thành với Việt Cộng, và một đa số của 50% còn lại thuộc loại lưng chừng, có thể thay đổi chính kiến tùy theo diễn tiến của cuộc chiến. Hầu hết người Việt Nam thích người Mỹ, đặc biệt là thích tiền bạc của Mỹ, nhưng nhiều người trong số họ biết chắc rằng họ có thể phải giết các tay súng người Mỹ vào một thời điểm nào đó để thống nhất đất nước.
Một ngày nọ, có tin đồn là quân đội Bắc Việt Nam đang chiến thắng, rằng Việt Cộng ngày càng mạnh hơn và rằng do quá nhiều quân nhân Mỹ thương vong nên người Mỹ chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Ngày đó, các y tá người Việt không đến bệnh viện làm việc. Ngày hôm sau, lại có tin đồn là quân đội Mỹ vừa đánh thắng một trận lớn và rằng các lực lượng của Nam Việt Nam sẽ chiến thắng cuộc chiến. Thế là các y tá trở lại làm việc. Tinh thần làm việc của mọi người được tiếp tục thử nghiệm qua sự dao động, biến chuyển của tình hình chiến sự, trong đó phe nào cũng muốn chiếm thế thượng phong. Mọi thứ như một trò đùa. Vào những đêm khi có tin đồn sẽ có trận đánh lớn nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ, Nguyễn hoặc những người Việt Nam khác đã cảnh báo và tôi nhận những lời cảnh báo này một cách nghiêm túc.
Trong lần đi Huế vào một buổi chiều, tôi đã có dịp thấy rõ ràng bức tranh về những hoạt động bí mật của Việt Cộng và khả năng xâm nhập của họ vào những khu vực được coi là vùng an ninh. Tôi cùng bác sĩ Detwiler – người cố vấn của tôi – đi thăm một lăng tẩm ở Huế. Vào thời điểm đó, các lực lượng quân đội Mỹ đang bảo vệ cho cố đô Huế.
Khi đến lăng tẩm này, chúng tôi dừng một lát để nhìn cảnh tượng một đám ma đang diễn ra trên đường phố. Một nhóm người khiêng nhiều quan tài bằng gỗ trong khi những người khác ngồi trên những chiếc xích lô. Đúng lúc đó, một vị tu sĩ Phật giáo lặng lẽ đến bên cạnh chúng tôi và lưu ý là chúng tôi không nên đến quá gần đám tang đó. Vị tu sĩ nói thầm cho chúng tôi biết là các quan tài đó chẳng hề có xác chết mà trái lại, chứa toàn lựu đạn và các loại quân trang quân dụng khác. Còn những người ngồi trên xích lô chịu trách nhiệm trinh sát, canh phòng cho bất cứ sự cố nào có thể xảy ra.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro