khong the chuoc loi -LỜI GIỚI THIỆU-Chương 4

Midaxudavo:
LỜI GIỚI THIỆU
CON ĐƯỜNG CUỐN SÁCH "KHÔNG THỂ CHUỘC LỖI" ĐẾN VIỆT NAM

   Tại hội trường 8 Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt ở Đức năm 2006, giữa các khu vực trưng bày sách rộng lớn và không khí giao dịch bản quyền náo nhiệt của các tập đoàn xuất bản hàng đầu thế giới là một gian hàng nhỏ với một điểm đặc biệt có một không hai:
     Gian hàng chỉ trưng bày và giao dịch bản quyền duy nhất một cuốn sách có tựa đề Failure To Atone - Không Thể Chuộc Lỗi - với một poster lớn: "Nước Mỹ không thể chuộc lỗi về những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam! Sự thật chưa từng được tiết lộ của một bác sĩ tình nguyện người Mỹ tại Việt Nam".
     Tác giả cuốn sách là một bác sĩ phẫu thuật người Mỹ, tiến sĩ Allen Hassan, nguyên là quân nhân thuộc binh chủng Thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ, từng qua Việt Nam để chữa trị cho những nạn nhân chiến tranh. Đại diện công ty First News tham dự hội chợ đã làm việc với đại diện bản quyền của bác sĩ Allen Hassan. Phía bạn rất vui và xúc động khi Việt Nam là ngôn ngữ đầu tiên mua bản quyền cuốn sách. Ông liên lạc ngay với tác giả ở Mỹ để thông báo và cho biết bác sĩ Allen Hassan sẽ sẵn sàng bay qua TP. HCM dự lễ ra mắt ấn bản tiếng Việt cuốn sách của mình ở Việt Nam vào dịp 30/04/2007.
     Khi chúng tôi hỏi vì sao lại lấy tên là Không Thể Chuộc Lỗi đặt cho cuốn sách, đại diện bản quyền của bác sĩ Allen Hassan trả lời: "Mục đích của bác sĩ Allen Hassan khi viết cuốn sách này là muốn những người lính đã từng tham chiến tại Việt Nam và chính quyền Mỹ thật sự hiểu rõ những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam là lớn hơn rất nhiều những gì mà người Mỹ từng nghĩ. Nước Mỹ nhớ rất kỹ những gì người khác gây cho họ nhưng lại quên rất nhanh những gì họ đã gây ra cho những người khác. Người chết không thể sống dậy, người tàn tật mãi mãi tàn tật, và nỗi đau mãi mãi là nỗi đau… Khi đọc xong cuốn sách này, mọi người sẽ hiểu bây giờ dù làm bất cứ việc gì, nước Mỹ cũng không thể chuộc lại lỗi của mình đối với người dân Việt Nam!”.
                                Những ám ảnh khó quên
       Là một trong những bác sĩ người Mỹ hiếm hoi chữa trị cho những người bị thương ở cả hai phía, nhất là ở vùng bom đạn ác liệt trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam như Quảng Trị, bác sĩ Allen Hassan đã rất phẫn nộ khi chứng kiến tận mắt những thảm cảnh đau thương do cuộc chiến gây ra, đặc biệt là vụ thảm sát trẻ em ở Quảng Trị - một sự kiện chưa hề được công bố. Đến nỗi đang hưởng tuần trăng mật mà ông cũng không thể gác được nỗi ám ảnh về cơn ác mộng đó. Trong tuần trăng mật ở Rome và Majorca năm 1974, vợ ông đưa cho ông cuốn sách có tựa “Home From The War” (Trở về từ cuộc chiến) của tác giả Robert J. Lipton. Cuốn sách đã khơi dậy những ký ức về Việt Nam, khiến ông viết ngay vào bên lề trang sách đang đọc: "Việc chứng kiến cái chết của những người già và trẻ em đã khắc ghi vào tâm khảm tôi. Bị bắn vào đầu! Tại sao? Có lẽ tôi không bao giờ có thể quên được những điều ấy".
     Những điều chưa hề được tiết lộ về cuộc chiến còn là tình cảnh thương tâm của những thương binh hạng nặng của Mỹ được tập trung trong các lán trại ở Đông Hà. Họ không được đưa về Mỹ để chữa trị hay để có được niềm an ủi cuối cùng là chết trong vòng tay thân ái của gia đình, bởi cỗ máy chiến tranh của Mỹ lo sợ rằng những hình ảnh của sự thật tàn khốc này sẽ gây ra làn sóng phản đối chiến tranh. Tác giả viết: "Giá như lúc đó, người dân Mỹ biết về những gì đang xảy ra với con cái của họ… Giá mà họ biết đến phạm vi rộng lớn của các hành động tàn ác điên rồ diễn ra khắp mọi nơi…".
     Và rồi ông đã chứng kiến phong trào phản chiến ngay tại chiến trường Việt Nam: "Trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, tôi rất kinh ngạc phát hiện ra rằng, Việt Cộng không phải là những người duy nhất sống dưới đường hầm ở Việt Nam. Erhart yêu cầu tôi - với tư cách là một bác sĩ - đi cùng anh ta đến một khu vực có nhiều binh lính Hoa Kỳ đào ngũ hoặc vắng mặt bất hợp pháp. Những người này rõ ràng là đang sống dưới các đường hầm. Cùng với một toán quay phim của hệ thống truyền hình - tôi không chắc là đài nào, nhưng có lẽ là đài truyền hình NBC - chúng tôi tìm thấy những binh lính Mỹ đào ngũ đang sống trong đường hầm ngay dưới lòng đất Sài Gòn".
     Tận mắt chứng kiến những điều đau lòng như thế, nhưng bác sĩ Hassan đã phải im lặng suốt một thời gian dài vì những phản ứng của ông lúc đó - về vụ thảm sát trẻ em - đã bị Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) tại Nam Việt Nam theo dõi và suýt nữa thì ông đã phải trả giá bằng mạng sống của chính mình trong một đêm nọ tại Quảng Trị. Và sau này, ông còn biết thêm rằng, trong chiến tranh, có khoảng 40.000 người Việt Nam bị chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ bí mật theo dõi và sát hại trong các chiến dịch Phượng hoàng do CIA chỉ đạo.
                                        Nỗi đau còn đó
     Chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm nhưng những di chứng của nó vẫn còn tồn tại không những trên đất nước Việt Nam, mà còn mang theo đến tận bên kia Tây bán cầu. Tại Hoa Kỳ, bác sĩ Hassan vẫn tiếp tục chữa trị cho những quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, vẫn tiếp tục cùng những người khác đấu tranh cho đồng đội của mình được hưởng những phúc lợi mà họ đáng được chăm sóc do hậu quả độc hại của các loại hóa chất - đặc biệt là chất độc da cam - mà Hoa Kỳ từng sử dụng tại chiến trường Việt Nam.
     Trong khi đó, ngay trên mảnh đất đau thương hứng chịu toàn bộ bom đạn, hóa chất trong cuộc chiến, chính quyền cùng nhân dân Việt Nam tiếp tục khắc phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến. Những cố gắng của chính quyền các cấp, những tổ chức từ thiện, những tấm lòng nhân ái rộng mở đối với nạn nhân chất độc da cam đã phần nào làm dịu bớt nỗi đau, nhưng tác hại của nó lớn quá, lâu dài quá và nạn nhân thì đông quá. Trong Không Thể Chuộc Lỗi, bác sĩ Hassan đã đề cập đến chất độc da cam, nhưng đặc biệt, trong ấn bản Việt ngữ, ông đã viết thêm một chương về những hậu quả và di chứng nặng nề của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng trích dẫn một số tài liệu, hình ảnh liên quan để bạn đọc tham khảo. Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam đã cho phép chúng tôi được trích dẫn những số liệu, hình ảnh trong hai tập tư liệu "Vì nỗi đau da cam" và "Chất độc da cam - Lương tâm và trách nhiệm".
                                   Một tấm lòng nhân ái
     Những trăn trở của bác sĩ Hassan về cuộc chiến tranh Việt Nam cứ mãi ám ảnh ông. Mặc dù tiếp tục thành công ở phòng mạch và văn phòng luật sư ở Sacramento, California nhưng ông vẫn khổ sở với những cơn ác mộng triền miên về Việt Nam. Nhiều tháng, nhiều năm sau khi trở về nước, giấc ngủ của ông vẫn bị gián đoạn vì những hình ảnh hãi hùng. Ông từng thực hiện nhiều chuyến đi trở lại Việt Nam, trở lại vùng đất Quảng Trị với mong muốn làm sáng tỏ về cái chết bí ẩn và man rợ của hàng chục sinh linh nhỏ bé mà ông từng tận mắt chứng kiến.
     Sau chiến tranh Việt Nam, những cựu binh Mỹ trở về quê nhà, kể những câu chuyện mắt thấy tai nghe, nhưng họ bị phớt lờ, bị cô lập, bị từ chối những phúc lợi đúng ra họ được hưởng, thậm chí bị đưa vào nhà thương điên. Cũng như trường hợp của bác sĩ Hassan, người ta đã nói với nhiều cựu binh rằng những việc mà họ đã thấy và đã làm trong chiến tranh là không thể xảy ra, vì nước Mỹ không cho phép những việc như thế, và rằng dân chúng Mỹ không muốn nghe những điều kinh hoàng như thế. Họ phải là những "anh hùng chiến đấu vì chính nghĩa". Do đó, bác sĩ Hassan tiếp tục mong muốn làm sáng tỏ vụ việc.
     Bác sĩ Allen Hassan cho biết, trong hơn 30 năm qua, ông thường dành khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày để theo dõi tin tức thế giới, đã đọc hơn 200 cuốn sách viết về Việt Nam và còn sẽ đọc tiếp những cuốn xuất bản sau này. Giống như nhiều người từng chứng kiến cuộc chiến ở Việt Nam, ông luôn quan tâm đến những thông tin làm rõ sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh này. Ông mong muốn chính quyền Mỹ phải nhận trách nhiệm về những gì đã gây ra. Bác sĩ Hassan đã dẫn lời của Richard Hughes, một người bạn và là người quản lý một tổ chức nhân đạo nhỏ mang tên Shoeshine Boys of Vietnam.
     Richard Hughes đã tuyên bố vào năm 1976 khi từ Việt Nam trở về Mỹ: "Tôi nghĩ sẽ có việc bình thường hóa mối quan hệ hai bên… Sẽ có đàm phán về trách nhiệm, và nên chăng chúng ta hãy nhận lấy phần trách nhiệm ấy về mình. Chúng ta có sức mạnh, và khi chúng ta sử dụng sức mạnh đó ở bất kỳ đâu thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm. Chúng ta đã ở đó, ở đó với tầm ảnh hưởng quá lớn. Và giờ đây có rất nhiều việc chúng ta có thể làm và cần phải làm. Chúng ta có khả năng. Chúng ta có thể làm điều gì đó để giảm bớt những đau thương, giúp họ cải thiện cuộc sống; và ngược lại, họ có thể giúp chúng ta thoát khỏi những nỗi ám ảnh, day dứt triền miên".
     Bác sĩ Allen Hassan đã viết cuốn Failure To Atone - Không Thể Chuộc Lỗi trong ba năm và kịp xuất bản để mang sang giới thiệu tại Hội sách Quốc tế 2006. Cuốn sách là một lời kêu gọi chống lại bạo lực, chống lại bất công của con người đối với con người và đối với những sinh vật khác trên trái đất. Ông cũng đã lập riêng một trang web với tên cuốn sách: www.failuretoatone.com để giới thiệu với độc giả thế giới và dành 10% lợi nhuận có được từ cuốn sách để giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn Failure To Atone - Không Thể Chuộc Lỗi đến bạn đọc Việt Nam.

Midaxudavo:
LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Chúng ta chưa chuộc lỗi với những thiệt hại mà bom đạn và hóa chất của chúng ta đã gây ra tại Việt Nam. Tôi hy  vọng rằng một ngaỳ nào đó, chúng ta có thể giúp đất nước tươi đẹp này tẩy xóa hết những hóa chất độc hại, những bom mìn chưa nổ, và rồi tạ lỗi cùng nhân dân Việt Nam về tất cả những gì chúng ta đã gây nên. Tôi hy vọng là chúng ta sẽ không quá kiêu hãnh và ngạo mạn để có thể thốt lên bằng tiếng Việt “CHÚNG TÔI CHÂN THÀNH XIN LỖI!”
     Trên đây là những nhận định trong phần kết về những bài học chiến tranh trong tác phẩm tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam với tựa đề: “KHÔNG THỂ CHUỘC LỖI” của bác sĩ Allen Hassan.
     Năm 1968, bác sĩ Allen Hassan là một trong số gần 200 bác sĩ Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi nhân đạo của Hiệp Hội Y học Mỹ trong chương trình bác sĩ tình nguyện  cho Việt Nam. Lên đường đến việt nam vào thời điểm vài tháng sau cuộc tổng công kích và nổi dậy của quân và dân Việt Nam trong Tết Mậu Thân, khi mà những cuộc trả đũa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Mỹ đã làm cho chiến sự ngày càng một ác liệt hơn, bác sĩ  Allen Hassan đến Quảng Trị với nhiệm vụ của một bác sĩ dân sự chăm sóc và điều trị cho dân thường trong Tỉnh. 
 
     Tỉnh  lỵ Quảng Trị chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 35 km đã trở thành vùng tâm điểm của cuộc chiến từ hai phía. Do vậy mà tuy dân số thị xã Quảng trị thời bấy giờ chỉ ước khoảng 35.000 dân nhưng đã có đến hơn 87.000 lính thủy quân lục chiến thuộc Quân đoàn I trú đóng tại trung tâm thị xã và các khu vực lân cận. Và hiển nhiên, nơi đây đã trở thành vùng giao tranh ác liệt cả ngày lẫn đêm với xe tăng, xe bọc thép, phi pháo, bom đạn rải thảm không chỉ nhằm vào đối phương mà phần lớn người dân thường đã phải gánh chiụ những hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Bệnh viện tỉnh Quảng trị đã trở thành nơi thường xuyên tiếp nhận binh lính, các nạn nhân chiến tranh gồm phụ nữ, người già và trẻ em bị thương vong bởi bom đạn và các cuộc giao tranh , càn quét khốc liệt, đẫm máu của quân lực Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ.
     Đọc những trang viết mà bác sĩ Allen Hassan hồi tưởng lại thời điểm làm nhiệm vụ chữa trị, cứu người tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, chúng ta luôn bắt gặp những cảm xúc thương cảm, bất lực xen lẫn niềm căm phẫn tột độ với tư cách một con người, một bác sĩ với lời thề Hippocrates trước nỗi đau của đồng loại và tội ác chiến tranh do người Mỹ nhân danh tự do, nhân danh niềm kiêu hãnh của nước Mỹ đã gây nên cho dân tộc và đất nước Việt Nam vốn nhỏ bé và hiền hòa này.
     Không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thảm kịch mà ông đã nhìn thấy hoặc âu lo về những người mà mình sẽ chữa trị trong ngày, đêm đến Allen Hassan thường xuyên không ngủ được và luôn trăn trở “ Có quá nhiều thường dân vô tội bị thương. Người già, phụ nữ, trẻ em, những nạn nhân vô tội của các vụ ném bom ồ ạt, tàn nhẫn của Mỹ. Suy tưởng về tất cả những nạn nhân chết và bị thương làm cho tôi xúc động sâu sắc, âm thầm, lặng lẽ khóc một mình vào những giờ sáng sớm…”.
Trạng thái buồn bã, mệt lử, khóc trong đau đớn… đã thường xuyên hiện hữu trong suốt ngày tháng bác sĩ Allen Hassan phục vụ tại Việt Nam. Và không những thế, nó đã trở thành cơn ác mộng đeo đuổi và ám ảnh suốt cuộc đời ông cho đến hơn 40 năm sau.
“Trước mặt tôi là khoảng 40 em bé Việt nam đang quằn quại giãy chết. Đa số còn rất bé, đứa lớn nhất có lẽ chỉ chừng năm tuổi. Tất cả  các bé đều mang băng buộc cánh tay và đang cố chống chọi với cái chết. Nhiều bé cố cựa quậy chân tay trong khi máu vẫn rỉ ra từ những vết thương tròn, nhỏ trên đầu – những vết thương không được chữa trị, và có thể không còn cứu chữa được nữa. Chúng đã bị bắn ngay vào đầu! Tôi hình dung ngay ra cảnh những em bé này bị sắp thành hàng rồi bị bắn như kiểu hành quyết…”
     Đọc những dòng mở đầu tập sách: “ Một buổi chiều tháng năm – Những chiếc cáng chất đầy xác trẻ thơ”, bạn đọc ắt hẳn cũng như tôi, sẽ liên tưởng ngay đến sự kiện thảm sát Mỹ Lai ( Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968 ( trước thời điểm thảm sát trẻ em do bác sĩ Hassan kể lại này gần hai tháng) với 500 người đã bị giết chết: “Đàn ông, đàn bà, trẻ em không vũ khí, một số đã bị dồn xuống một hố sâu và bị bắn chết, xác chồng lên nhau”.
     Nhân danh một nước lớn, nhân danh cho cái gọi là chủ nghĩa tự do, công lý nhân quyền, nước Mỹ luôn muốn thể hiện vai trò của người đứng ra sắp đặt, dàn xếp trật tự thế giới và sẵn sàng trả đũa, trừng phạt – ngay cả bằng những vụ thảm sát rùng rợn như thế - với những gì gọi là “ lệch chuẩn” theo quan điểm, góc nhìn của chính quyền Mỹ.
     Trong những năm tháng chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại, tội ác và bài học về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam tiếp tục được che giấu, bưng bít. Và với bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào cố tình điều tra, phanh phui, đưa ra ánh sáng, thì: HÃY COI CHỪNG! Họ phải trả giá bằng những đòn trừng phạt thẳng thừng hay bí mật. Tuy rằng nước Mỹ luôn tự hào về dân chủ, tự do, nhân quyền… song nước Mỹ sẵn sàng lãng quên, xóa bỏ những gì mà họ đã gây ra cho người khác như những tội ác trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
     Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam, trở về nước, trong nỗi ám ảnh về tội ác do người Mỹ gây ra tại Việt Nam, bác sĩ Allen Hassan đã bền bỉ, liên tục đi tìm công lý, đòi hỏi sự chuộc lỗi, và hành trình này đã gặp nhiều gian truân. Sau cùng, ông dành ra khoảng thời gian ròng rã hơn ba năm với sự hậu thuận của nhiều đồng nghiệp để hoàn thành cuốn sách FAILURE TO ATONE. Nhân danh người Mỹ nhân ái, trung thực, tác giả thay lời sám hối đồng thời cũng là lời kêu gọi nhân loại chống lại bạo lực, chống lại tội ác gây chiến tranh.
Xin được ghi nhận tấm lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Allen Hassan khi ông kêu gọi nước Mỹ phải SÁM HỐI, phải CHUỘC LỖI.
     Chỉ bằng những nỗ lực hành động hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau của nạn nhân bom mìn và chất độc màu da cam mà Mỹ đã gây ra cho hàng vạn gia đình Việt nam, nước Mỹ mới có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh tội ác và “ quả báo nhãn tiền”. Đó chính là thông điệp mà chúng tôi tìm thấy ở sự trung thực, long tự trọng và tấm lòng nhân ái của tác giả FAILURE TO ATONE dành cho đất nước và nhân dân Việt nam mà ông đã từng xem như quê hương thứ hai của mình.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách đặc biệt này.
 Tiến sĩ QUÁCH THU NGUYỆT
 Giám đốc Nhà Xuất Bản Trẻ.

Midaxudavo:
Chương 1
MỘT BUỔI CHIỀU THÁNG NĂM

NHỮNG CHIẾC CÁNG CHẤT ĐẦY XÁC TRẺ THƠ

Tôi bị một giấc mơ về quá khứ hành hạ dai dẳng. Đúng hơn, đó là một cơn ác mộng. Khi đó là vào khoảng hạ tuần tháng Năm năm 1968 và tôi đang là bác sĩ ở Nam Việt Nam, gần khu vực giao tranh dữ dội và khu phi quân sự.

Hôm ấy, tôi nghe thấy âm thanh quen thuộc của máy bay trực thăng đáp xuống mặt sân bệnh viện tỉnh Quảng Trị, nơi chỉ có một mình tôi là bác sĩ.

Đột nhiên, ba viên phi công trực thăng trong bộ đồ bay chạy vội vào hội trường của bệnh viện, mang theo nhiều cái cáng chất đầy trẻ con. Cứ ba hay bốn em bé chất trên một cáng và họ cứ tiếp tục khiêng cáng vào, cái nọ tiếp theo cái kia cho đến khi những nạn nhân nhỏ bé cuối cùng được xếp hàng trên nền đá cẩm thạch.

“Bọn chúng đấy, bác sĩ!”, một viên phi công nói, mắt liếc nhanh qua tôi khi họ bỏ đi.

Tôi là bác sĩ. Tôi biết nơi đây là Việt Nam. Nơi đây là chiến trận. Nhưng cho đến khi tiếng trực thăng đã bay xa, tôi vẫn không thể tin vào cảnh tượng hãi hùng đang bày ra trên nền nhà quanh tôi.

Trước mặt tôi là khoảng 40 em bé Việt Nam đang quằn quại giãy chết. Đa số còn rất bé, đứa lớn nhất có lẽ chỉ chừng năm tuổi. Tất cả các bé đều mang băng buộc cánh tay và đang cố chống chọi với cái chết. Nhiều bé cố cựa quậy chân tay trong khi máu vẫn rỉ ra từ những vết thương tròn, nhỏ trên đầu - những vết thương không được chữa trị. Chúng đã bị bắn ngay vào đầu! Tôi hình dung ngay ra cảnh những em bé này bị sắp thành hàng rồi bị bắn như kiểu hành quyết.

Tôi là bác sĩ người Mỹ duy nhất ở bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Xung quanh tôi, các em bé vô tội đang chết dần. Tôi la hét như trong giấc mơ, gọi y tá mang nhanh Gelfoam, một chất hút nước có thể cầm máu được. Còn nước còn tát, tôi vội nhét đầy Gelfoam, bít kín các vết thương trên đầu, cố cứu sống các cháu trong tuyệt vọng. Một số bé đã chết. Số khác đang thở những hơi thở cuối cùng trước mắt tôi. Sau một hồi cố gắng, tôi biết là không một đứa bé nào có thể cứu chữa được nữa.

Tôi mãi mãi ghi nhớ khoảnh khắc tuyệt vọng đó, khoảnh khắc mà mỗi bác sĩ đều cảm thấy khi đã tận tình cứu chữa mà buộc phải nhìn con bệnh của mình ra đi. Tôi đã mất đến 40 bệnh nhân chỉ trong một lúc, và không thể cứu lấy, dù chỉ là một người. Tôi không chỉ là một bác sĩ, tôi còn là một cựu binh Thủy quân lục chiến. Tôi nhìn vào dải băng trên tay một em bé. Dải băng có in hàng chữ “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”.

Toàn thân tôi rúng động. Lẽ nào Thủy quân lục chiến Mỹ lại có hành động thảm sát như thế này? Nhiều câu hỏi dấy lên trong đầu, tôi như muốn phát điên lên và có cảm giác như thể mình đang bị tấn công, như thể là đại bác đang nổ ngay trên mái của bệnh viện.

Cảnh tượng hàng chục em bé bị hành quyết ấy mãi mãi in sâu trong tâm khảm tôi. Khi cháu bé cuối cùng lặng lẽ lìa đời, tôi tự nghĩ là sẽ không thể nào chuộc hết tội lỗi cho hành động vô nhân đạo này.

Midaxudavo:
Chương 2
NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU ĐỜI


Tôi không sinh ra đời để trở thành một bác sĩ phẫu thuật tại mặt trận, làm việc ngày đêm để cứu sống con người trong rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Tôi cho rằng không một ai ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi – vùng Red Oak, tiểu bang Iowa – lại biết đến Việt Nam.

Trong gia đình tôi, chưa từng có ai là bác sĩ. Số phận tôi đã được định đoạt để trở thành vị bác sĩ đầu tiên, luật sư đầu tiên và còn là vị bác sĩ thú y đầu tiên của gia đình. Khi tôi ra đời, ngay giữa thời kỳ Đại khủng hoảng(1), thì Red Oak chỉ là một thị trấn 7.500 dân nằm trên các ngọn đồi bao quanh thung lũng Nishnabotna, trái tim của vùng nông thôn Hoa Kỳ.

Họ của tôi – Hassan – là một họ hiếm hoi ở vùng Trung Tây. Mặc dù mẹ tôi sinh trưởng ở Iowa, là hậu duệ của những người di dân Thụy Điển và Ireland, nhưng cha tôi lại sinh ra không phải trên đất Mỹ mà là ở Bờ Tây (West Bank), nơi mà sau này gọi là Bethlehem thuộc Palestine. Cha tôi là một người Hồi giáo nhập cư chịu thương chịu khó. Khi gặp gỡ bà ngoại tôi - thỉnh thoảng bà vẫn tự lái máy bay từ Red Oak đến Chicago để mua sắm - cha tôi đã có một cửa hiệu bán đồ thời trang cho nữ giới ở Chicago. Một trong những lần đi shopping đó, bà ngoại gặp cha tôi, một doanh nhân thành công, lại đẹp trai. Ngoại tôi không thể hiểu vì sao anh thanh niên bảnh trai, hào phóng này lại không lấy vợ. Cha tôi nói rằng ông muốn lấy một phụ nữ có cuộc sống thanh bạch, không uống rượu và phải tuân thủ giáo lý đạo Hồi. Ông không thể kiếm đâu ra một phụ nữ như thế trên đất Mỹ. Trước đó không lâu, bà ngoại tôi đã đưa con gái mình - tức mẹ tôi, một cô gái tính tình sôi nổi đang ở tuổi cập kê - lên học tại Học viện Mỹ thuật Chicago. Khi cha mẹ tôi gặp nhau, họ như bị “sét” và tổ chức đám cưới sau một thời gian ngắn tìm hiểu, nhanh như một cơn lốc.

Sau đó có nhiều sự cố xảy ra. Mẹ tôi đã không thể hoàn tất việc học. Bà cũng không hoàn toàn từ bỏ rượu chè, và dĩ nhiên là người cha Hồi giáo của tôi không chấp nhận điều đó; nhưng tôi không hiểu điều gì đã thật sự xảy ra giữa hai người. Mẹ tôi đã tự sát khi mới 21 tuổi bằng cách bắn vào đầu mình ngay cạnh quầy tính tiền trong hiệu thời trang của cha tôi. Có lẽ mẹ bị trầm cảm sau khi sinh ra tôi. Mặc dù không còn ký ức gì về điều này, tôi được kể lại rằng mình đã có mặt tại nơi mẹ đã tự sát. Ông ngoại tôi, giải quyết vấn đề theo bản năng, đã mang tôi và chị tôi về quê ngoại ở Red Oak.

Hai chị em tôi hầu như được ông bà ngoại – ông Pete và bà Milly Tuttle - nuôi nấng. Tôi lớn lên ở trang trại rộng gần 100 hec-ta của ông bà. Tôi đã trải qua những ngày thơ ấu làm việc siêng năng nơi miền thôn dã. Giờ đây, mỗi khi hoài niệm về Red Oak, nó thường gợi lên trong tôi một cái gì đó tử tế và rất Mỹ, giống như một bức tranh của Norman Rockwell(1). Thời trung học, tôi thức dậy vào lúc 4 giờ 30 sáng để vắt sữa bò, thu gom trứng gà, cho ngựa và bò ăn rồi bắt đầu những công việc thường nhật khác. Tôi là nhân viên thuộc tổ chức Những Nhà nông Tương lai của Hoa Kỳ (Future Farmers of America – viết tắt là FFA) với ước mơ trở thành chủ một trang trại sản xuất bơ sữa cừ khôi ở Iowa. Là một thanh niên tháo vát và tràn đầy sinh lực, tôi cũng thường có những chuyến đi vào thành phố. Nói tóm lại, tại Red Oak, chúng tôi ăn nhiều, làm nhiều và tôi lớn lên với cảm giác được yêu thương, với nhiều thứ đang trông đợi nơi tôi, một con người làm lụng ra trò trong tuổi thanh xuân của mình.

Người có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với tôi chính là ông ngoại Clarence “Pete” Tuttle, người gốc Ireland. Tính cách của tôi được hình thành dưới cái bóng vĩ đại của ông. Là một đảng viên Đảng Dân chủ thời kỳ New Deal(1), một nhà toán học lỗi lạc và là một doanh nhân, ông ngoại tôi là một con sư tử đầy quyền lực và tự tin. Chỉ cần vài tiếng nói bằng một giọng trầm và mạnh là ông có thể làm cho cả căn phòng yên lặng trở lại. Đã có lúc ông muốn trở thành một mục sư, nhưng ông lại quá yêu phụ nữ nên hẳn là ông không thích hợp với công việc đó. Là người có tầm nhìn đi trước thời đại, ông từng có lần được đề nghị ra tranh cử chức thống đốc bang Iowa, nhưng ngoại tôi đã từ chối vì ông từng ở tù vài lần do tội bán rượu lậu trong thời kỳ Prohibition(2). Với tôi, ông ngoại vững chắc như một tượng đài.

Ông ngoại tôi hoạt động tích cực trong thời kỳ sơ khai của ngành hàng không. Ông là một phi công nhào lộn và sở hữu nhiều máy bay biểu diễn - đó cũng chính là tấm bình phong cho hoạt động bán rượu lậu của ông. Trong số những việc làm tích cực, ông đã thành công trong việc vận động hành lang để Quốc hội quyết định lắp đặt đèn trên tất cả các phi trường, tạo điều kiện cho máy bay có thể cất cánh, hạ cánh ban đêm. Nhưng ông đã giã từ nghề nhào lộn máy bay khi viên phi công đồng sự chết thê thảm trong một tai nạn.

Ông bà ngoại tôi xem việc lái máy bay như là một phần trong cuộc sống của họ. Cả ông và bà đều có thể nhảy lên một chiếc máy bay rồi lái đi mua sắm ở Chicago hoặc lên tận New York xem một trận đấu bóng chày.

Ông ngoại tôi rất có tài trong việc phát hiện, nắm bắt và định hướng thị hiếu của thị trường. Ông đã thành lập đài phát thanh KICK ở Red Oak, một trong những đài phát thanh đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông phục vụ trong Hội đồng Truyền thông Liên bang chỉ một năm sau khi tôi ra đời, để nhằm quảng bá cho một trận quyền Anh vốn không bao giờ diễn ra. Ông cũng là người xây motel(1) đầu tiên ở Red Oak. Ngoài ra, ông còn sở hữu ba nhà máy sản xuất nước giải khát có ga, nhà máy ấp trứng gà, và nhiều tài sản khác.

Trong Thế chiến thứ II, ông xây dựng 400 căn hộ nhỏ ở Downey, bang California mà ông khôn khéo đặt tên là Tuttleville. Mặc dù ông dạy bảo chị em tôi là phải luôn luôn nói sự thật, nhưng ông lại để tôi khai gian tuổi để có thể ghi danh học cùng lúc với chị. Ông ngoại tôi thường xuyên đi đây đi đó và làm đủ mọi việc, khiến tôi tin chắc rằng chị em tôi rồi cũng sẽ giống như ông. Tôi còn nhớ như in việc ông đã bảo vệ chị em tôi bằng giọng nói quyền lực, tính tình dữ dội vốn có của người gốc Ireland và trái tim rộng mở của ông. Ông thương yêu chúng tôi như thể không ai trên trái đất này có thể yêu thương chúng tôi như thế.

Chương 2 (tiếp)

Lớn lên, với làn da màu ô-liu, tóc đen và mắt cũng đen, nhưng tôi được chấp nhận như những cư dân mắt xanh gốc Scandinavia ở Red Oak. Chúng tôi đi lễ ở Congregational Church và theo học trường công lập. Tuy nhiên có một lần, khi tôi lên chín, tôi đã cảm nhận có sự phân biệt khi một số người nhìn màu da sậm và cho rằng tôi là người Do Thái. Sự việc xảy ra khi tôi đi mua một thanh kẹo ở trạm xăng gần nhà. Người bán hàng không chịu bán kẹo cho tôi; hơn thế nữa, anh chàng này còn giật lại thanh kẹo trong tay tôi và tuyên bố cộc lốc: “Ở đây không bán cho người Do Thái!”.

Tôi tiu nghỉu trở về nhà với vẻ mặt ngượng nghịu. Ông ngoại đang đọc báo khi tôi bước vào.

- Người Do Thái là gì hả ngoại? - Tôi hỏi.

- Tại sao cháu lại hỏi thế? - Ông hạ thấp tờ báo xuống, hỏi lại.

Tôi kể đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra. Ông lặng lẽ gấp tờ báo, kéo tôi ra xe và lái thẳng đến trạm xăng. Ông vào nói chuyện với người chủ trạm xăng trong khi tôi chờ ở trong xe.

Tôi không biết những gì diễn ra bên trong trạm xăng, nhưng khi trở ra, ông nói: “Cháu có thể mua kẹo ở đó. Cháu sẽ không bao giờ gặp rắc rối nữa đâu”.

Ba tuần lễ sau, một tấm biển treo lên bên ngoài trạm xăng: Nghỉ bán. Tôi luôn tự hỏi không biết ông ngoại mình đã làm điều gì với họ, nhưng không dám nói ra.

Một mùa hè nọ, chị em tôi đi cắm trại bên hồ Okiboji ở phía Bắc Iowa. Chúng tôi thả bộ dọc theo bờ hồ. Chị tôi lúc đó đã 13 tuổi, cơ thể bắt đầu phát triển, và có thể sẽ đoạt vương miện trong một cuộc thi sắc đẹp vào một ngày nào đó với mái tóc đen hợp cùng làn da màu đồng vàng. Chúng tôi đi giữa một nhóm con trai, bỗng một đứa lên tiếng: “Một con nhóc da đen kìa!”.

Khi những đứa khác nhập cuộc, thêm lời bàn ra tán vào một cách thô tục, tôi mới nhận ra là bọn chúng đang nhắm vào chị tôi. Tôi thấy chị Miriam sợ cóng người. Chị đã rất nhạy cảm với cái họ Hassan của chúng tôi và sau này đã cải họ. Tôi nhận thấy Miriam rất xấu hổ trước những lời thô lỗ của chúng. Tôi hét to một tiếng rồi nhảy bật lên, đứng chắn giữa chị Miriam và bọn chúng. Chắc không thể tránh khỏi một cuộc đánh nhau. Nhưng may mắn thay, có một người lớn tuổi đi qua và ngăn chặn cuộc ẩu đả. Tuy nhiên, tôi đã học được bài học về sự tàn nhẫn và hẹp hòi của tệ nạn phân biệt chủng tộc. Và các bài học đó theo tôi suốt đời.

Ông ngoại Pete Tuttle của tôi cũng ghét sự hẹp hòi. Tôi nhận ra điều đó trong cách sống của ông. Ông thường giúp đỡ những kẻ thua thiệt. Sự hào phóng của ông vẫn được truyền tụng ở Red Oak. Từng trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, ông ngoại tôi rất quý tiền bạc, nhưng ông xem trọng con người hơn. Một câu chuyện mà ông kể lại là sau cơn Đại suy thoái, rất nhiều nông dân đã mắc nợ khi mua gà con tại lò ấp trứng của ông. Nhưng sau đó, hầu hết các trại chủ nuôi gà đều bị phá sản và mất khả năng chi trả. Pete Tuttle đã bỏ qua tất cả. Ông chỉ yêu cầu họ trả lại tiền khi họ có thể.

Tôi đã trải qua một cuộc sống lao động chân tay tại trang trại ở Red Oak. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã làm những công việc như vắt sữa bò, chăm nom đàn heo, đàn ngựa, bầy gà. Tôi lái máy kéo ra đồng trồng bắp và lúa mạch. Tôi cắt cỏ, cột thành kiện cỏ khô dành cho bò, ngựa. Tôi lái xe tải nhỏ chạy khắp nông trang để trông coi gia súc và vụ mùa. Tóm lại là tôi có thể tự hào rằng mình là con nhà nông tiêu biểu ở Iowa. Tôi đã biết cách quản lý nông trang. Ông ngoại tôi cười vui khi nghe tôi nói rằng sau này, khi lớn lên, tôi muốn trở thành một “quý trang chủ” như ông.

Tuy nhiên, vào năm 14 tuổi, đời tôi rẽ sang một bước ngoặt khác khi tôi bị Jeannie – chú ngựa mà tôi yêu thích nhất – đá vào đầu một cú chí mạng. Tôi bị vỡ xương sọ, chấn thương sọ não và còn nhớ như in cảnh ông ngoại tôi khóc khi trông thấy tôi.

“Cậu bé này sẽ lâm vào tình trạng chậm phát triển trí tuệ, hỏng mắt phải và khứu giác cũng không thể hoạt động”. Đó là lời dự đoán kinh khủng của viên bác sĩ ở bệnh viện về tình trạng của tôi lúc ấy.

Một bác sĩ phẫu thuật thần kinh ở Omaha đã lấy đi một mẩu xương sọ cỡ bằng đồng tiền 50 xu ở phía trên mắt phải. Ông cũng lấy được hết phần máu bầm ở phần trước não bộ của tôi.

Đây là một cuộc phẫu thuật tinh vi vào thời điểm đó, trong điều kiện không được chẩn đoán tốt. Nhưng may mắn thay, tôi đã vượt qua được. Các giáo trình y học cho rằng, một chấn thương não như thế thường dẫn đến hậu quả khiến nạn nhân bị chậm phát triển trí tuệ. Và cho dù có hồi phục thì vẫn để lại một số di chứng như: cáu gắt, tính tình hay thay đổi, tiến trình suy tưởng, tranh luận khó khăn và có thể bị mất trí nhớ lâu dài hay ngắn hạn.

Thế nhưng tôi còn trẻ và có sức khỏe tốt. Tôi ăn khỏe và trải qua thời gian phục hồi chậm nhưng thật diệu kỳ. Sau tai nạn, điểm số của tôi ở lớp rơi từ A và B xuống C và D, lại nhận cả điểm F trong môn đại số. Tôi tư duy một cách khó khăn và biết rằng tiến trình hồi phục não bộ chưa được tốt. Nhưng rồi tôi cũng hồi phục hoàn toàn, một sự hồi phục phi thường, đến độ có một bác sĩ đã nói với tôi rằng, trường hợp của tôi nên được viết bài đăng trên tạp chí y học.

Sau cuộc phẫu thuật, ông bà ngoại rất lo lắng nên đã hạn chế nhiều hoạt động của tôi. Tại trường, tôi là một học sinh có chiều cao 1,7 m và đang lớn nhanh, trổ mã với thể trọng 66 kg. Nếu không có sự cố nói trên, có lẽ tôi sẽ là một vận động viên điền kinh. Nhưng nay thì phải tránh xa các môn thể thao như bóng đá chẳng hạn. Trong suốt thời gian học bậc trung học, dù làm tốt công việc ở trang trại, tôi vẫn không được phép tham gia vào các đội chơi thể thao. Thay vào đó, tôi được sắp xếp để trở thành nhà quản lý các đội thể thao và cổ vũ cho đồng đội. 

Midaxudavo:
Chương 2 (tiếp)

Và cuối cùng, như đáp lại sự mong đợi, điểm số của tôi đã khá lên. Tôi tốt nghiệp trung học phổ thông ở tuổi 16 rồi cùng chị Miriam theo học Iowa State University ở Ames. Tôi theo chuyên ngành chính là nông nghiệp, đặc biệt chú trọng về quản lý nông trại sản xuất bơ sữa. Thời trung học, tôi đã luôn cố gắng kiếm tiền và để dành được một ít nhờ công việc bán thời gian là vắt sữa bò ở nông trại nhà trường, nhưng đến lúc lên đại học ở tuổi 17 thì khoản tiền tiết kiệm đó đã cạn kiệt. Ở thời điểm ấy, việc vay tiền chính phủ để theo học đại học chẳng dễ dàng tí nào và tôi khá tự hào là mình có thể tìm sự trợ giúp tài chính từ gia đình. Nhưng tôi không muốn nói với ông ngoại là mình đã hết tiền mà to nhỏ với Miriam vì biết chị sẽ cố giúp mình.

Rồi tôi gia nhập lực lượng Thủy quân lục chiến ở tuổi 18 mà không hỏi ý kiến bất cứ ai trong gia đình. Bạn bè tôi ở đại học Iowa đe rằng nếu gia nhập lực lượng này thì tôi sẽ chẳng còn cơ hội trở lại giảng đường. Nhưng tôi đã không tin họ. Tôi rời trường với 22 đô-la trong túi và trở thành một anh lính Thủy quân lục chiến.

Lý do gia nhập Thủy quân lục chiến là vì tôi muốn chứng tỏ rằng mình cũng có thể tự khẳng định bản thân trên thế giới này. Tôi đã nhận ra mình không thích tiêu phí cuộc đời ở nông trang. Thủy quân lục chiến nổi tiếng là binh chủng “oách” nhất của quân đội và tôi muốn bổ khuyết cho những năm tháng mình bị loại ra khỏi “tình đồng đội” trong các đội chơi thể thao ở trường trung học. Tôi cũng biết một số người có tư tưởng kỳ thị với người gốc Ả Rập nên tôi muốn chứng tỏ mình không thua kém bất kỳ ai.

Khi còn là một cậu bé, tôi đã ghi nhớ bài nói chuyện của Tổng thống Franklin Roosevelt lên án Nhật Bản đánh bom Trân Châu Cảng, gọi đó là “một ngày sống trong nỗi ô nhục”. Cũng giống như mọi người Mỹ thời ấy, tôi chứng kiến những nỗ lực anh hùng của quân đội Hoa Kỳ để chiến thắng trong cuộc chiến này. Tôi thường nghe ông bà ngoại nhắc đến một ông chú của tôi là Mortimer M. Marks, một sĩ quan Thủy quân lục chiến mà mọi người tin là đã chết khi có mặt trong sự cố Bataan Death March(1). Một ngày nọ, gia đình nhận được tin ông ấy vẫn còn sống và bị Nhật bắt làm tù binh. Ông đã sống sót sau ba năm trong trại tù của Nhật. Khi trở về Mỹ, ông được xem là người hùng và được vinh thăng Trung tá Thủy quân lục chiến. Trong trường hợp của mình, tôi cũng biết đã có dự luật về quân nhân Mỹ có thể giúp tôi trang trải mọi thứ cho việc hoàn tất đại học sau vài năm phục vụ trong quân ngũ.

Tôi thích Thủy quân lục chiến theo cách mà chỉ có giới trẻ mới hiểu được. Tôi thích tác phong kỷ luật, niềm kiêu hãnh, những tiêu chuẩn cao về thanh danh được rèn luyện khi phục vụ trong quân đội. Tôi có cảm giác và định hình trong đầu là Thủy quân lục chiến đã kéo mình ra khỏi cuộc sống lao động ở nông trang và hướng cho tôi con đường đi đến vinh quang và phụng sự. Là một quân nhân gia nhập Thủy quân lục chiến Mỹ năm 1954, tôi được huấn luyện về tự vệ và đánh quân địch trong suốt 12 tuần lễ cực kỳ gian khổ ở Trung tâm Huấn luyện Thủy quân lục chiến Camp Pendelton, bang California.

Các huấn luyện viên hét thẳng vào mặt, đánh đấm chúng tôi tơi bời dù chỉ với những vi phạm nhỏ nhặt. Tôi cùng những tay lính mới khác phải vượt qua môi trường khắc nghiệt, căng thẳng của Trung tâm Huấn luyện. Chúng tôi phải dậy sớm, làm việc cả ngày rồi ngủ mê mệt như những khúc gỗ. Chúng tôi phải mang vác những khẩu súng máy nặng 55 kg, đeo cấp số đạn vòng quanh bụng rồi leo lên tụt xuống các ngọn đồi quanh Camp Pendelton, lại phải thực tập nạp đạn và bắn 550 viên một phút. Mỗi khi cảm thấy bị hành hạ, bị sỉ nhục quá mức và muốn bỏ cuộc, chúng tôi lại tìm cách tự kiềm chế cảm xúc trong lòng và tiếp tục tiến bước. Việc gia nhập binh chủng Thủy quân lục chiến đã hình thành tính cách của tôi, tập cho tôi tính kỷ luật, sự dũng cảm, gan dạ, bản năng tự bảo toàn tính mạng và tính trung thực.
Sau hai tuần trong Trung tâm Huấn luyện, hôm nọ, một huấn luyện viên đi đến, chỉ thẳng vào ngực tôi khi chúng tôi đang đứng trong hàng quân. Vào thời điểm đó, tôi đã cao 1,83 m và nặng đến 82,5 kg.
- Này! Cậu đã bao giờ đấu quyền Anh chưa? - Huấn luyện viên hỏi.
- Thưa, chưa. - Tôi trả lời.
- Tốt. Bây giờ cậu là tay đấm bốc của trung đội này.
Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tôi có thể hình tốt do từng làm việc nhiều năm ở nông trại. Nhưng đối thủ của tôi trong trận so găng đầu tiên lại là một tay quyền Anh từng đoạt giải “Găng tay Vàng”. Vả lại xét mình từng bị thương nặng ở đầu do bị ngựa đá, tôi vội đi gặp riêng vị huấn luyện viên tại văn phòng của ông.
- Thưa ông, tôi không thể đấu quyền Anh được. - Tôi nói.
- Cái gì? Anh muốn nói gì? Anh không thể đánh bốc hả? Có điên không?
- Thưa ông, tôi từng bị lấy đi một phần vỏ não. Nếu tôi bị đánh trúng ngay đó, tôi có thể bị chết.
- Anh nhát gan hả? Đồ liếm đít! Anh giả nai hả?
- Không, thưa ông.
- Thế anh đã gia nhập vào Thủy quân lục chiến?
- Vâng.
- Anh có man khai để gia nhập Thủy quân lục chiến không?
- Không, thưa ông.
- Họ đã nhận anh vào Thủy quân lục chiến?
- Thưa, vâng.
- Rồi thì anh đã là một quân nhân Thủy quân lục chiến?
- Vâng.
- Cút ra khỏi phòng tôi ngay!

Midaxudavo:
Chương 2 (tiếp)

May mắn thay, các tay đấm bốc trong lực lượng Thủy quân lục chiến được mang mũ bảo hộ. May mắn nữa là miếng da của mũ bảo vệ lại ăn khớp với “điểm mềm” vỏ não ngay trên mắt phải của tôi. Mặc dù tập dượt cả tháng trời, tôi vẫn cảm thấy yếu ở hai đầu gối khi bước lên vũ đài vào vòng đấu với tay đấm bốc “Găng tay Vàng”. Tay này cũng chẳng khá hơn tôi. Chúng tôi ghìm nhau, công thủ qua lại khá đẹp mắt và dù không ai được nhận cúp về thể hiện sự dũng cảm trong thi đấu quyền Anh, nhưng tôi được công nhận là người chiến thắng.

Tôi cũng đạt được điểm số cao nhất chưa ai từng đạt trong môn bắn súng lục 45 ly, hạng nhì trong môn đoạn đường chiến binh và giúp cho trung đội của mình đạt danh hiệu trung đội xuất sắc. Bằng nhiều cách, binh chủng Thủy quân lục chiến đã chỉ cho tôi thấy là mình có thể làm được nhiều hơn là mình nghĩ.

Tôi phục vụ trên chiếc USS Toledo, tàu đô đốc của hạm đội 7, lênh đênh trên biển mỗi đợt 4 tháng với bộ phận đổ bộ gồm 45 tay súng Thủy quân lục chiến luôn túc trực, sẵn sàng chiến đấu. Trên biển cả thời chiến, Thủy quân lục chiến là những tay súng có nhiệm vụ trước tiên là bắn hạ các phi cơ tấn công của đối phương. Với nhiệm vụ là đơn vị đổ bộ, các tay súng cũng phải tiếp tục tập dượt hằng ngày, sáu ngày rưỡi một tuần. Đứng gác 4 tiếng đồng hồ – dù cách nhật – thì thật là khổ, đặc biệt nếu như bạn đứng gác từ nửa đêm cho đến 4 giờ sáng sau khi đã làm việc một ngày.

Là quân nhân Thủy quân lục chiến, tôi đã chuẩn bị cho việc đổ bộ lên bãi biển Hàn Quốc khi hữu sự. Tôi cũng đã sẵn sàng hành động khi chiến hạm chúng tôi nhổ neo hướng về Cairo vào năm 1956 trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Sau khi tuyên bố quốc hữu hóa, Tổng thống Ai Cập Gamel Abdul Nasser đã cho quân đội chiếm quyền kiểm soát kênh đào từ tay người Anh và Pháp. Có khả năng Mỹ sẽ đưa quân chiếm lại kênh đào. Tuy nhiên, trước khi chiến hạm chúng tôi đến Cairo, Tổng thống Eisenhower đã hủy bỏ lệnh tấn công. Ông quyết định không giúp Anh và Pháp trở lại vai trò của những cường quốc thực dân.

Đối nghịch với ông ngoại mình là một người trung kiên với Đảng Dân chủ, tôi đã ủng hộ Tổng thống Eisenhower. Khi tôi cho ngoại xem chiếc nút có dòng chữ “Tôi thích Eisenhower”, ông đã bảo tôi quẳng nó đi, hoặc là bước ra khỏi nhà ông. Đối với tôi, đây là cơ hội thể hiện tính độc lập của mình. Dù vậy, trên chuyến đi đến Ai Cập, Hạm trưởng chiếc USS Toledo đã chạm trán tôi.

- Hassan! Anh là một Thủy quân lục chiến hay là một người Ả Rập? - Ông hỏi tôi.

- Thưa, trước tiên tôi là một Thủy quân lục chiến, sau đó, là một người Ả Rập. - Tôi trả lời.

- Tốt. Chúng tôi sẽ để ý đến anh. - Ông nói tiếp. - Anh đủ tư cách để trở thành người chỉ huy tiểu đội nên tôi hy vọng, như một Thủy quân lục chiến xuất sắc, hạ sĩ Hassan, anh biết anh sẽ phải làm gì khi chúng ta đặt chân đến Địa Trung Hải.

Tôi xem đây là một cơ hội củng cố sự tự tin của mình, nhưng sau này, tôi tự hỏi tại sao ông ấy không nhắc đến chuyện đó nữa.

Trong một chuyến đi khác, vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng ở hai hòn đảo Quemoy và Matsu, chúng tôi đã chuẩn bị chiến đấu, trực chiến 24 giờ một ngày sau khi được ngủ 6 tiếng đồng hồ. Tất cả chúng tôi đều mang theo lựu đạn đầy đủ và trông chờ những chiếc thuyền cỡ bằng các chiếc Volkswagen Beetle cặp vào boong chiến hạm. Dân chúng đang tìm cách chạy thoát khỏi đảo, thoát vòng kiểm soát của chính quyền, và nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đưa họ lên tàu chở ra Đài Loan.

Tàu của chúng tôi neo ở Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và các hải cảng của Nhật như Kobe, Nagoya, Sasebo và Yokusuku. Chúng tôi cũng có cặp bến ở Bataan và Corregidor thuộc Philippines cũng như tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm tại Surabachi trên đảo Iwo Jima. Tôi là một chuyên gia về súng trường, một tay bắn tỉa, nhưng tôi có nhiều việc khác phải làm trên tàu, kể cả việc hành xử như một quân cảnh. Tôi có giấy chứng nhận là một thiện xạ súng liên thanh cỡ nòng 50 ly, và theo đó, tôi hướng dẫn kỹ năng cho Thủy quân lục chiến Hàn Quốc ở Chin Hae. Tôi cũng vinh dự được chào đón các vị hạm trưởng, các đô đốc và làm tài xế phục vụ cho các cấp chỉ huy này trên bến cảng. Thỉnh thoảng, tôi cũng làm tài xế đưa đón con gái của họ. Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với những nhà ái quốc đáng tự hào này.

Midaxudavo:
Chương 2 (tiếp)

Về cơ bản, tôi rất tằn tiện và siêng năng. Tôi hớt tóc hay giặt, ủi đồ cho đồng đội chỉ với một hoặc hai đô-la. Trong khi một số chiến hữu của tôi vui chơi trên cảng, chè chén say sưa ở các quán rượu, bù khú bên các cô gái thì thỉnh thoảng tôi lại làm nhiệm vụ canh gác nơi vui chơi của họ để nhận khoản tiền thù lao 20 đô-la một đêm. Tôi cố dành dụm càng nhiều càng tốt khoản tiền lương 75 đô la một tháng của mình. Tôi bắt đầu các buổi lễ cầu nguyện trên tàu, nơi chúng tôi không chỉ nghiên cứu Kinh Thánh, mà cả kinh của Do Thái giáo cũng như tôn giáo của nhiều khu vực khác. Một đêm nọ, sĩ quan chỉ huy tiến hành một cuộc kiểm tra bất thần sau khi cho tắt đèn vào lúc 9 giờ và phát hiện ra rằng tôi đang theo học hàm thụ trường luật. Điểm số trên một trong những bài tiểu luận của tôi gây ấn tượng mạnh và viên sĩ quan đã cho phép tôi được sử dụng phòng khám bệnh phát thuốc trên tàu để nghiên cứu bài vở sau khi đèn tắt ở các phòng khác.

Trước hết, tôi là một Thủy quân lục chiến trung thành. Tôi được đề bạt lên hạ sĩ, rồi trung sĩ. Những năm tháng phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến là những ngày đáng tự hào trong đời tôi. Tôi thích phương châm “Semper Fidelis” – luôn luôn trung thành. Ý tưởng về một chiến binh sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ tổ quốc là một khái niệm đầy tự hào và hãnh diện đối với tôi.

Một ngày nọ, Hạm trưởng Thomas cho gọi tôi vào phòng làm việc của ông trên chiến hạm USS Toledo và tiến hành một cuộc thi vấn đáp ngắn trước khi đề bạt tôi mang quân hàm trung sĩ. Hạm trưởng Thomas đưa cho tôi giải quyết một tình huống.

- Hạ sĩ Hassan này, tôi sẽ hỏi anh một vài câu vì tôi dự định gửi anh đi học ở Annapolis. Đây là một cuộc thi vấn đáp. - Ông ấy nói.

Tôi cực kỳ kích động xen lẫn cảm giác tự hào. Có thể đây là niềm vinh dự lớn nhất trong đời binh ngũ của mình.

- Vâng, thưa Hạm trưởng. - Tôi trả lời, dù chưa hình dung được những gì sắp diễn ra.

- Bây giờ, anh đang ở Hàn Quốc và đang giữ ngọn đồi 827. Anh có 14 binh sĩ thuộc quyền và được lệnh cố thủ. Quân giặc muốn chiếm ngọn đồi. Họ đang tấn công lên đồi và sử dụng chiến thuật là lùa trẻ em và phụ nữ đi trước. Anh phải xử lý thế nào?

- Thưa Hạm trưởng, tôi sẽ yêu cầu các tay súng, các tay bắn tỉa của mình nhắm bắn vào các cấp chỉ huy, các sĩ quan, những nhân vật chịu trách nhiệm về cuộc công kích.

- Chúng vẫn tiếp tục tiến lên.

- Thưa Hạm trưởng, tôi sẽ sử dụng đến tổ súng cối. Chúng ta sẽ cho nã đạn cối vào phía sau đám trẻ em, phụ nữ. Cùng lúc đó, tôi cho lệnh thiết lập chiến lũy phòng ngự.

- Hạ sĩ Hassan, chúng vẫn cứ tiến!

- Vâng, thưa Hạm trưởng, nếu chúng tràn qua chiến lũy, tôi sẽ ra lệnh mang súng ba-zô-ka ra và cho ráp lưỡi lê vào súng để cận chiến. Chiến tranh là địa ngục mà.

Tôi đã từng nghe câu nói “Chiến tranh là địa ngục” (War is hell) trong một bộ phim nào đó và câu trả lời của tôi phản ánh đúng tình trạng chiến tranh qua nhãn quan của mình: một trận chiến sống còn, đối đầu trực diện của các tay súng và sử dụng bất cứ phương tiện nào. Và nếu dân chúng bị lùa đi làm lá chắn – như trong tình huống giả định mà Hạm trưởng đưa ra để tôi giải quyết – thì phải tìm cách hạn chế tối đa tổn thất sinh mạng cho họ. Những câu trả lời của tôi phải thuyết phục được Hạm trưởng Thomas và cả viên sĩ quan giám sát tôi, đại úy Thủy quân lục chiến Thompson. Vào cuối chuyến hải trình đó, tôi cực kỳ hãnh diện khi được cử đi học ở Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis và là người duy nhất được chọn trong số 190.000 Thủy quân lục chiến trên hạm đội 7. Cả hai vị sĩ quan nói trên đều nói với tôi rằng đây là một cơ hội hiếm có trong đời binh ngũ. Tôi cũng cảm thấy như thế.

Midaxudavo:
Chương 2 (tiếp)

Tại Hồng Kông, tôi tạm biệt Hạm trưởng Thomas và giới thiệu với ông người yêu của tôi – Monica Thirwell – một cô gái trẻ đẹp mới 17 tuổi. Monica biết 5 thứ tiếng và tôi nghĩ, cô nàng khéo léo, khôn ngoan hơn mình và nếu cưới nhau, chúng tôi chắc sẽ có những đứa con ngộ nghĩnh, dễ thương. Nhưng viên Hạm trưởng vội kéo tôi ra khỏi tầm nghe của Monica và nói ngay là ông muốn tôi đi Annapolis chứ không nên đám cưới đám kiếc gì hết.

- Trung sĩ Hassan này, nếu cậu cưới cô gái trẻ đẹp này, tôi sẽ xé xác cậu ra đấy! - Ông rít lên bên tai tôi.

- Thưa Hạm trưởng, tôi hiểu.

Tôi đã không cưới Monica mà sớm xuất hành đi Annapolis với niềm tự hào xen lẫn cảm giác cô đơn.

Ngay trước khi lên đường đi Annapolis, tôi được tin ông ngoại bị bệnh bạch cầu. Tôi bay về Iowa thăm ngoại và báo cho ông biết tin mình được chọn đi học ở Annapolis để trở thành sĩ quan Thủy quân lục chiến. Trước đây, ngoại đã từng nói là ông nghĩ tôi sẽ là một bác sĩ giỏi, và lần này ngoại nhắc lại điều đó. Tôi biết ông ngoại đang bệnh, đã truyền máu tới 18 lần, nhưng tôi không hiểu được tầm hệ trọng của vấn đề vì chính ngoại đã đích thân lái xe chở tôi ra phi trường.

Trên đường trở lại Hàn Quốc, tôi ngủ quên và lỡ chuyến bay ở căn cứ không quân Travis. Tôi cố chạy theo cho kịp máy bay đang chuyển bánh, nhưng đã bị ngăn lại.

Tôi thở hổn hển la lên:

- Tôi không thể trễ chuyến đi đến chiến hạm được. Đó là một tội danh của tòa án binh.

Nhưng tôi đã trễ chuyến bay.

Sau đó, tôi hay tin chiếc máy bay này bị nạn ở gần đảo Wake, Thái Bình Dương, khiến 69 lính Thủy quân lục chiến và quân nhân khác tử nạn. Xác máy bay không tìm thấy được.

Sau một loạt các sự cố, kể cả một tháng làm việc như một nhân viên đưa thư và lính gác ở Hàn Quốc, cuối cùng tôi cũng được lên tàu đi Annapolis. Ở Annapolis chỉ mới được một tháng, chị Miriam đã gọi điện báo tin là bệnh tình của ông ngoại trở nên trầm trọng. Chị nói ông đang nằm viện, đang chết dần với chứng bệnh có quá nhiều bạch huyết cầu. Mặc dù tôi đã cố đi chuyến bay sớm nhất để trở về Red Oak nhưng không kịp nữa. Ông ngoại đã ra đi - ở tuổi 73. Tôi cảm thấy ân hận vô cùng. Tôi đã không có thời gian để trò chuyện cùng ông, nói cho ông biết là tôi yêu ông biết dường nào. Nhiều năm sau, hằng ngày tôi vẫn nghĩ về ông như thế.

- Ông ngoại con trông chờ con về để giao cho việc quản lý nông trang. - Một người dì nói với tôi, chẳng khác nào đâm một nhát dao vào tim tôi. - Bà ngoại con thì nghĩ rằng con đã giết ông ngoại khi nói với ông là con sẽ không trở về nông trại nữa.

Những lời đó làm tôi thêm hối hận. Tôi ở lại Red Oak một thời gian ngắn để giúp bà ngoại Milly Tuttle bán bớt gia sản. Tôi là người duy nhất trong gia đình biết rõ nguồn gốc và giá trị của từng con vật trong nông trang nên tôi không muốn thấy cảnh bà ngoại bán đổ bán tháo. Tôi giúp bà bán đi bầy gia súc Black Angus và Brown Swiss, những chú cừu Duroc, gà Thổ Nhĩ Kỳ Beltsville, chú ngựa Morgan mà chúng tôi mua của một gánh xiếc rong, những con ngựa cái Des Moines mà tôi và ông ngoại từng chăm sóc để dự thi tại hội chợ tiểu bang Iowa. Lòng tôi tràn ngập nỗi ân hận khi bán đi những con vật này, bởi ông ngoại đã hết lòng dạy dỗ tôi trở thành người quản lý nông trang nhưng tôi đã không theo ý nguyện của ông.

Đến khi trở lại Annapolis thì tôi đã bỏ khá nhiều môn học. Nhà trường báo là tôi phải bắt đầu học lại vào năm sau, vào học kỳ mùa Thu, học kỳ duy nhất dành cho các sinh viên mới nhập trường. Trong khi chờ đợi, tôi vẫn ở lại Annapolis nhưng không ở trong học viện. Tôi nhớ đồng đội của mình trên chiến hạm. Tôi thương nhớ ông ngoại và cảm thấy cuộc đời mình như bế tắc.

Chương 2 (tiếp)

Khi còn ở Red Oak, anh Richard Houck, chồng chị Miriam và cũng là một bác sĩ thú y, có gợi ý là tôi nên trở về Red Oak để hoàn tất đại học.

- Em nên trở thành một bác sĩ thú y thì tốt hơn là đi học ở Annapolis. - Anh Richard nói. - Nên nhớ em xuất thân là một cậu bé ở nông trang.

Giờ đây, khi đang nôn nóng với thời gian ở Annapolis thì những gợi ý của anh Richard chợt trở lại trong suy nghĩ của tôi. Tôi chỉ mới 21 tuổi mà đã hơi sốt ruột. Tôi gọi điện ngay cho trường Iowa State University. Và với sự giúp đỡ của anh Richard, trường đã chấp nhận cho tôi theo học, mặc dù các lớp đã khai giảng từ hai tuần trước đó. Cho dù tôi được xuất ngũ, đã vinh dự làm tròn trách nhiệm trong lực lượng Thủy quân lục chiến, nhưng tôi luôn hối tiếc việc từ bỏ Học viện Hải quân Annapolis. Tôi cảm thấy mình đã phụ lòng những người đã tiến cử và tin tưởng vào mình.

Tôi khập khiễng trở về Red Oak trên đôi nạng vì một tai nạn khi lặn dưới hồ bơi. Ngoài món tiền 3.500 đô-la tiết kiệm được và khoản tiền 3.000 đô-la ông ngoại để lại, tôi được nhận thêm 110 đô-la mỗi tháng theo quy định dành cho quân nhân xuất ngũ. Do nhập học trễ, điểm số giữa học kỳ của tôi thật tệ và hầu như tôi thi hỏng tất cả các môn. O’Mara, một giáo sư tóc đỏ do di truyền – người có chỉ số thông minh (IQ) 187, cao nhất trong trường đại học – đã khuyên tôi nên từ bỏ việc học này vì sự cách biệt quá lớn so với các bạn đồng học. Tôi cẩn thận lắng nghe những gì giáo sư nói.

- Allen này, anh đã bị tụt lại quá xa. Dù anh thông minh nhưng tôi không nghĩ là anh có thể san bằng khoảng cách. Trong môn của tôi, điểm số của anh thật là tệ hại.

Tôi đề nghị giáo sư O’Mara cho tôi được hoàn tất học kỳ vì cảm thấy rằng, cho dù có những điểm số “thê thảm” như thế, “những tia sáng đã bắt đầu lóe lên” trong tôi.

- Được rồi. Nhưng anh cần phải có một phương pháp học tập thật tốt mới vượt qua được và trả nợ điểm số với tôi cũng như với các vị giáo sư khác. - Giáo sư O’Mara nói.

Tôi lao vào việc học. Học và học liên miên. Các bạn cùng lớp rủ tôi vào nhóm học tập, chỉ giúp cho tôi cách học và những thiếu sót trong kiến thức của tôi. Nhờ đó, điểm số của tôi được cải thiện đáng kể. Vào cuối học kỳ, tôi đã nhận được điểm B trung bình. Tôi có tên trong danh sách tuyển chọn của trường Thú y trước khi vào lực lượng Thủy quân lục chiến, vì thế giờ đây họ dễ dàng chấp nhận cho tôi theo học.

Học ngành Thú y khá vất vả nhưng tôi có thể vượt qua. Tôi đã từng quản lý nông trang của ông ngoại. Tôi yêu các con vật và biết cách chăm sóc chúng. Nhưng những sinh viên khác thuộc ngành này cũng xuất thân là những cậu bé xuất sắc ở nông trang nên tất cả đều cần phải thật kiên trì, bền bỉ mới mong vượt qua được những thách thức. Chúng tôi được dạy rằng có thể phán đoán một nền văn minh qua phương cách mà xã hội đó cư xử với loài vật. Chúng tôi học thuộc lòng tất cả các loại vi khuẩn cùng bệnh tật có thể truyền từ gia súc qua con người và ngược lại. Chúng tôi học tất cả triệu chứng bệnh trên gia súc và thực hành nhiều, rất nhiều ca phẫu thuật trên các loài động vật lớn, nhỏ. Cùng với những kiến thức khác, sự khéo tay, chuẩn xác trong những ca phẫu thuật này về sau đã giúp tôi chữa trị vết thương cho người dân Việt Nam.

Trong trường Thú y, cùng với những “bàn tay vàng” Jimmy Higa, Richard Okey và các thành viên khác trong đội phẫu thuật, chúng tôi đã tiến hành những thủ thuật tinh tế trên chó và mèo. Chúng tôi khéo léo giải phẫu các bộ phận đường ruột, kéo chúng ra, tách các bộ phận riêng ra rồi cẩn thận đặt chúng trở lại trong khi con vật được gây mê và vẫn còn sống. Những thủ thuật khó khăn và nhạy cảm này đã cho tôi kinh nghiệm vô giá khi tôi đến phục vụ tại Việt Nam. Chúng tôi đã cắt bỏ lá lách, thận, buồng trứng, tử cung, một phần lá gan, một phần tụy tạng và nhiều phần nữa của những con chó trong phòng thí nghiệm.

Có một lần, một sinh viên cố cắt bỏ khối u thòi ra trên mũi của một con vẹt bằng điện và kết quả là con chim bị chết ngay lập tức. Tôi còn nhớ có lần mình đã thức dậy vào sáng sớm trên bàn mổ, kế bên là xác con ngựa mà tôi phải phẫu thuật cho kỳ thi ngày hôm ấy. Tôi còn nhớ là các giáo sư đã bảo đảm rằng sau khi ra trường, chúng tôi sẽ nắm vững chuyên môn hơn bất kỳ bác sĩ thú y nào trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng được rèn luyện một phong cách nhã nhặn và nghiêm túc hơn nhờ trường Thú y là môi trường không rượu chè.

Trong khi theo học để trở thành bác sĩ thú y, tôi được kết nạp vào Hội sinh viên Học bổng Acacia, một hội đoàn uy tín của trường. Sau khi tôi được bầu làm Phó Chủ tịch và huấn luyện viên của Acacia, một trong những nhiệm vụ của tôi là thuyết phục cho được Jesse Owens tham gia vào Hội. Jesse Owens là người da đen, là anh hùng nổi tiếng thế giới của Thế vận hội và được rất nhiều người đánh giá là vận động viên vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Trên đường trở lại trường, Owens hỏi tôi có ở trong Hội sinh viên không và tôi nói là có, tôi đang là thành viên Hội Acacia.

- Là người có họ Hassan, là người Ả Rập, anh không nên vào hội sinh viên. Các hội sinh viên không cho phép người da đen đứng chung hàng ngũ với họ. - Jesse Owens nói. - Anh không biết các hội sinh viên chính là thành lũy chủ chốt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ hay sao?

Midaxudavo:
Chương 2 (tiếp)

Tôi suy nghĩ về lời nói của vận động viên nổi tiếng này trong mấy tuần lễ kế tiếp. Sau đó, tôi giới thiệu một cầu thủ bóng đá da đen, một người bạn của tôi có điểm số học tập khá cao gia nhập hội. Tôi kinh ngạc khi thấy một số các thành viên năng nổ đã bỏ phiếu chống lại việc gia nhập của anh chàng thông minh này, viện dẫn là họ từng có lần nghe anh ta chửi thề. Thái độ đạo đức giả này làm tôi thật xấu hổ vì tôi đã nhiều lần nghe các thành viên của hội cũng dùng ngôn từ thiếu lịch sự như thế. Lúc đó, tôi mới thấy một điển hình về tệ phân biệt chủng tộc mà Jesse Owens đã nói.

Tôi giận dữ phản đối và bước ra khỏi tòa nhà của hội sinh viên, bắt đầu vận động những thành viên cởi mở hơn nhằm xóa bỏ sự bất công trong thủ tục bầu chọn. Cuối cùng, một nhóm đông thành viên đi đến căn hộ của tôi và thông báo rằng vị giám sát hội sinh viên đã đồng ý sửa đổi điều lệ. Họ đề nghị tôi trở lại cương vị Phó Chủ tịch hội, nhưng tôi nói là sẽ không trở lại cho đến khi người bạn cầu thủ của tôi được đón chào giống như tôi. Tôi chắc rằng mình đã làm một điều đúng đắn.

Mặc dù sắp trở thành bác sĩ thú y, những người mà tôi kính trọng lại xem tôi như là một bác sĩ y khoa. Mẹ Dinsmore – một Mẹ giám thị ký túc xá tốt bụng của Acacia – thường hay quan sát tôi. Một ngày nọ, Mẹ kéo tôi sang một bên và nói rằng Mẹ nghĩ những kỹ năng của tôi sẽ hữu dụng trong vai trò một bác sĩ y khoa hơn là một bác sĩ thú y. Lời Mẹ nói chạm vào sâu thẳm tim tôi, bởi nó chính là những lời mà ông ngoại yêu quý của tôi đã từng nói.

- Con có nhiều khả năng phục vụ cho con người hơn là phung phí cho loài vật. - Mẹ Dinsmore nói với tôi.

- Nhưng con yêu các con vật cũng như yêu con người. - Tôi trả lời.

- Hãy yêu hết thảy sinh vật của tạo hóa, - Mẹ nói. - Nhưng phải tối ưu hóa tiềm năng của mình. Phải phát huy hết ưu điểm của mình.

Mẹ Dinsmore giúp tôi vào trường Y. Mẹ gọi điện đến trường đại học và nói với ban giám hiệu rằng tôi vừa tốt nghiệp hạng ưu ở trường Thú y, rằng tôi là một người hết sức đáng yêu, và theo suy nghĩ của Mẹ, tôi sẽ thành công trong vai trò một bác sĩ y khoa hơn là một bác sĩ thú y. Tôi nộp đơn và theo học trường Y của Iowa State University, trong khi vẫn làm việc bán thời gian như là bác sĩ thú y thuộc Chương trình Triệt tiêu Bệnh Gia súc của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Chương trình học gồm 50% là nghe giảng và đọc sách, tài liệu; thời gian còn lại là học cách khám chữa bệnh qua việc tiếp xúc với bệnh nhân. Vậy là tôi đã làm theo ý nguyện của ông ngoại.

Có một thời gian, tôi có ý muốn trở thành bác sĩ giải phẫu thần kinh. Nhưng một phần trong chương trình phẫu thuật hoán chuyển, tôi đến làm việc ở nhiều phòng cấp cứu của bệnh viện thuộc tiểu bang California, từ các bệnh viện ở nội ô Oakland cho đến các bệnh viện chữa trị cho người da đỏ thuộc khu Hoopa, hạt Humboldt. Không kể đến rất nhiều ca phẫu thuật mà trước đây tôi từng thực hiện tại trường Thú y, giờ đây tôi phải tham dự hàng trăm ca phẫu thuật khác nhau trên cơ thể người, từ việc giải phẫu cắt bỏ khối u các loại, đến mổ bụng và ngực trong các trường hợp cấp cứu, gãy xương, cắt bỏ tứ chi… Tôi cũng giúp vài ca đỡ đẻ. 

Tôi tin nghề y là một nghề cao quý. Tôi rất thích một câu trích dẫn của nhà văn Robert Lewis Stevenson, người từng bị bệnh lao và tiếp xúc với rất nhiều bác sĩ. Stevenson đã viết: “Có những người và tầng lớp người được xếp trên những thứ bậc bình thường: binh lính, thủy thủ và những người chăn cừu là lớp người bình thường; người nghệ sĩ khá hiếm hoi; giáo sĩ còn hiếm hơn; và bác sĩ thì hầu như là ngoại lệ. Người bác sĩ là tinh hoa, là đỉnh cao của nền văn minh chúng ta… Lòng quảng đại của người thầy thuốc, sự thận trọng được đúc kết bằng cả trăm bí quyết, cả trăm cách làm mà nhiều người không biết, tài xử trí được tôi luyện qua hàng ngàn tình huống khó xử, và quan trọng hơn hết là sự can đảm và tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ. Rõ ràng người bác sĩ mang lại sinh khí cho phòng bệnh, mang lại sự hồi sinh cho người bệnh”.

Midaxudavo:
Chương 2 (tiếp)

Sau thời gian thử thách với kỷ luật nghiêm khắc của trường Y và thời kỳ ngoại trú ở khoa thần kinh, tôi quyết định theo chuyên khoa bệnh học thần kinh. Tôi nói với các bạn đồng học rằng bệnh học thần kinh là một lĩnh vực mà tôi có thể nghiên cứu về con người mà không phán xét họ. Về mặt lý thuyết, chuyên khoa này có phương pháp rèn luyện tinh thần nhẹ nhàng mà tôi cảm thấy thích hợp nhất. Tôi đặc biệt quan tâm đến bệnh học thần kinh xuyên văn hóa, một ngành của bệnh học thần kinh không chỉ nghiên cứu các nhóm vị thành niên trong tù mà còn tìm hiểu nền văn hóa, phong tục của các dân tộc trên thế giới.

Tôi ước mơ có thể hợp nhất sự hiểu biết dựa trên kinh nghiệm với lý thuyết thành một tổng thể, để phục vụ cho sự nghiệp y tế cộng đồng trên toàn thế giới. Năm 1966, tôi chuyển đến sinh sống ở khu vực Bắc California theo quy trình nội trú luân chuyển, phục vụ tại bệnh viện Mount Zion ở San Francisco, và theo một chương trình huấn luyện tại chỗ về bệnh học thần kinh tại Mendocino State Hospital, một bệnh viện tâm thần ở gần San Francisco. Những trải nghiệm không mấy tốt đẹp ở California cuối cùng đã khiến tôi tình nguyện đến Việt Nam.

Tôi làm việc ở phòng cấp cứu bệnh viện Mercy San Juan ở Sacramento vào những ngày cuối tuần. Tôi cũng tiến hành một vài nghiên cứu độc lập tại các trường đại học lân cận nhưng hầu hết thời gian tôi có mặt tại bệnh viện tâm thần. Tôi chúi đầu vào sách vở nghiên cứu về bệnh thần kinh, học hỏi tất cả những gì về các loại bệnh tâm thần. Tôi cho rằng, các bác sĩ bệnh thần kinh có thể làm những điều tốt đẹp nhất khi phục vụ cho người nghèo, những người thiệt thòi và chữa trị những bệnh thần kinh ngặt nghèo nhất.

Thế nhưng, một trong số những bác sĩ ở bệnh viện Mount Zion đã nói với tôi rằng, trừ phi tôi có phòng mạch ở Nob Hill, San Francisco, nếu không, tôi không được xem là một bác sĩ thần kinh giỏi. Sau khi nghiên cứu ở bệnh viện Mendocino hai năm rưỡi, tôi mới tỉnh ngộ từ môi trường không mấy thân thiện mà nhân viên bệnh viện này tạo ra đối với người bệnh. Cơ bản mà nói, tôi cảm thấy chúng tôi là những người “lưu kho” vì không ai trong số những bác sĩ nội trú chúng tôi được hướng dẫn, giảng giải tường tận nên sau khi rời bệnh viện Mendocino, nhiều người đã phải nghiên cứu thêm một năm nữa mới theo kịp những gì mình chưa được giảng dạy.

Thông thường, một bác sĩ nội trú sẽ phục vụ với tư cách là bác sĩ cho cả một phòng bệnh với những bệnh nhân loạn thần kinh. Tôi được phân công làm bác sĩ phụ trách một phòng bệnh gồm những người trẻ tuổi lạm dụng thuốc gây mê trong 6 tháng. Lãnh đạo của bệnh viện dường như chỉ quan tâm chủ yếu đến việc kiểm soát bệnh nhân, việc sử dụng các loại thuốc thần kinh liều nặng như Thorazine và Mellaril cùng các kiểu hành hạ gần như giống với thời trung cổ.

Tôi tin rằng, nhiệm vụ của mình là phải hiểu người bệnh mà mình đang chăm sóc, phải điều trị cho họ chứ không phải là phê bình, phán xét họ. Chính thái độ này của tôi đã gây nhiều phiền hà cho bản thân vì tôi đã đụng chạm đến những nhân vật có trách nhiệm giám sát tôi, những người mà tôi không bao giờ kính trọng. Một trong số những người đó đã để cho 3 trong số những con ngựa nuôi của ông ta chết đói. Vì từng là bác sĩ thú y, hơn nữa, là một người lớn lên từ nông trang rất yêu quý gia súc, việc bỏ bê và tàn nhẫn với thú nuôi như thế đã làm tôi thấy thật kinh khủng.

Những vị giám sát khác cũng có một số vấn đề với tôi. Có lần, tôi cho đám trẻ bị nhốt trong một phòng bệnh được ra khỏi phòng, đưa chúng lên đầy một xe rồi chở ra bờ biển gần bệnh viện Mendocino. Bọn nhóc sinh hoạt vui vẻ mà không cần dùng đến thuốc tác động thần kinh. Chúng tôi chơi dã cầu, nướng bánh mì kẹp xúc xích. Sau đó, tôi liên hệ với nhân viên cứu hộ ở bờ biển để bọn trẻ có thể bơi lội thỏa thích trong sóng nước Thái Bình Dương. Tôi dùng tiền riêng của mình để tổ chức, vì biết rằng những sinh hoạt ngoài trời như thế sẽ có lợi cho bệnh nhân, đúng như hướng dẫn trong các tài liệu chuyên ngành bệnh học thần kinh.

Không lâu sau đó, bác sĩ John Gonda, một chuyên gia thần kinh của Đại học Stanford và là giáo sư thỉnh giảng của chương trình, đã ghé bệnh viện Mendocino và nói với tôi là ông đã nghe kể mọi chuyện. Ông nói rằng chính tôi là người đã mở tung những cánh cửa sổ để cho ánh nắng tràn vào bệnh viện Mendocino với những hoạt động như thế. “Hãy cứ thế mà làm”, ông nói. “Rồi anh sẽ trở thành một chuyên gia thần kinh cừ khôi cho mà xem.”

Nhưng không phải mọi người đều nhìn nhận như vậy về việc làm đó của tôi. Khi các nhà quản lý bệnh viện Mendocino hay biết sự việc, họ đã đưa vào hồ sơ của tôi một bản ghi nhớ với nhận xét là “hành xử không chuyên nghiệp”. Một lần khác, sau khi tôi dẫn một đứa bé ra khỏi bệnh viện Mount Zion để cho cháu ăn một cây kem, thì lại thêm một bản ghi nhớ nữa được đưa vào hồ sơ của tôi.

Mọi chuyện không phải đã hết. Tôi thật sự kinh hoàng khi thấy cách họ xử sự với một cô gái vị thành niên thuộc phòng bệnh loạn thần kinh, và tôi đã buộc phải hành động để cứu cô bé. Cô bé được đưa tới bệnh viện vài ngày trước đó vì chứng lo âu thái quá cùng thái độ “bộc lộ ra bằng hành động”. Hai ngày sau khi nhập viện, người ta phát hiện cô quan hệ tình dục với một bệnh nhân khác dưới các bụi cây. Để trừng phạt, họ đưa cô vào phòng loạn thần kinh với những bệnh nhân nặng thuộc lứa tuổi trên 60.

Một cách xử lý thật là kinh khủng! Những bệnh nhân ở đó chửi thề liên tục, lại thường tấn công, ném phân người vào nhau. Đó không phải là nơi dành cho cô bé. Tôi yêu cầu đưa cô sang một phòng bệnh khác thích hợp hơn, với những bệnh nhân cùng độ tuổi và cùng triệu chứng. Người ta bảo đó không phải là việc của tôi. Thế là tôi trở về phòng của mình, tìm một cái rìu rồi đến trước cửa phòng bệnh kia và tuyên bố: “Nếu các ông không đưa cô bé ra khỏi phòng này ngay, tôi sẽ phá cửa phòng!”.

Vậy là thêm nhiều lời phê bình, khiển trách nặng nề được ghi vào hồ sơ của tôi. Những việc như thế khiến tôi phải tự hỏi mình có làm đúng vai trò của một bác sĩ và một chuyên gia tâm thần? Tôi đã hoàn tất 13 năm miệt mài học tập và đã nhận được hai bằng cấp y khoa. Tôi đã được giáo dục đến mức mụ cả người đi. Lúc ấy, tôi cảm thấy buồn chán và không nghĩ là mình đã làm được điều gì xứng đáng cho cuộc đời này. Tôi ao ước được đáp trả cho đời.

Một thời điểm có ý nghĩa trong cuộc đời tôi đã đến. Bên ngoài cái thế giới nhỏ nhoi của bệnh viện Mendocino, tin tức về cuộc chiến ở Việt Nam đang nóng lên. Tôi đã đọc những mảng thông tin chiến sự, và riêng cá nhân mình, tôi phản đối cuộc chiến, cho dù tôi tin tưởng mạnh mẽ vào lòng tốt và sự cao thượng của Hoa Kỳ. Tôi háo hức muốn biết nhiều hơn về Việt Nam nên khi có lời kêu gọi, người cựu binh Thủy quân lục chiến trong tôi đã đáp lời ngay.

Midaxudavo:
Chương 3
NHỮNG BÁC SĨ TÌNH NGUYỆN ĐẾN VIỆT NAM

    Vào tháng Giêng năm 1968, tôi chú ý đến một mẩu quảng cáo ngắn trên tờ tạp chí uy tín Journal of the American Medical Association (Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ).
Quảng cáo viết: “Chúng tôi cần những bác sĩ tình nguyện đến Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) để chăm sóc sức khỏe cho dân chúng. Chương trình được Hiệp hội Y học Mỹ đỡ đầu”.
Năm đó, tôi là một trong số khoảng 200 bác sĩ Mỹ đáp ứng lời kêu gọi nhân đạo của Hiệp hội Y học Mỹ. Chương trình Bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam (VPVN) đã bắt đầu 3 năm trước đó, do Hiệp hội Y học Mỹ quản lý về hành chính và được sự hỗ trợ về ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)(1). Có rất ít bác sĩ trẻ tham gia chương trình này mà hầu hết là những vị ở độ tuổi trung niên, một vài người đã trên 70 tuổi.

    Vào thời điểm đó, dân chúng Việt Nam đang rất cần y, bác sĩ. Cho đến khi Chương trình Bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam kết thúc vào tháng 6.1973, cứ mỗi hai tháng, Việt Nam cần thêm 32 bác sĩ tình nguyện và rất nhiều bác sĩ Mỹ đã tình nguyện phục vụ. Tổng cộng, có 774 người tình nguyện phục vụ thời hạn hai tháng không lương, chỉ nhận tiền chi phí 10 đô-la mỗi ngày và chính sách bảo hiểm 50.000 đô-la. Tôi tự hào là một trong số bác sĩ tình nguyện đến Việt Nam và nằm trong số 17% trở lại Việt Nam phục vụ đợt hai. Trong quá trình chuẩn bị cho cuốn sách này, tôi đã viết thư cho nhiều bác sĩ từng tham gia chương trình và những vị đó đã phúc đáp kèm theo những lời bình luận sâu sắc, được trích dẫn trong sách.
     Một trong những bác sĩ tình nguyện đầu tiên đến Việt Nam là bác sĩ William Shaw, đã 72 tuổi khi ông đến Việt Nam vào năm 1965. Mặc dù bác sĩ Shaw đã mất năm 1973 sau khi được vinh danh trong vai trò bác sĩ gia đình và bác sĩ phẫu thuật trong quân đội, ông đã ghi lại nhiều con số thống kê, tài liệu về thực hành ngành y trong chiến tranh Việt Nam. Vào lúc đó, miền Nam Việt Nam với 17 triệu dân nhưng chỉ có 700 bác sĩ có giấy phép hành nghề. Trong số này, hết 500 bác sĩ phục vụ cho quân đội Nam Việt Nam, để lại hàng triệu cư dân cho chỉ 200 bác sĩ trị liệu. Một số bác sĩ từ các nước như Úc, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Ý và Iran đã hiện diện tại đây để lấp bớt khoảng trống khi ông Shaw đến Việt Nam. Theo các tài liệu của bác sĩ Shaw thì tại các thành phố Việt Nam, một bác sĩ phải chăm sóc cho 25.000 người, còn ở vùng nông thôn thì một bác sĩ phải lo cho gần 100.000 dân. Trong khi vào thời điểm đó, tỉ lệ ở Mỹ là 1 bác sĩ/700 người và ở Nhật là 1 bác sĩ/920 người.

    Khi tình nguyện tham gia chương trình, tôi không nhận thức được rằng một công việc ngắn hạn ở Việt Nam như thế lại trở thành một giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời mình. Vốn là lính Thủy quân lục chiến, tôi sẵn có niềm yêu thích đối với vùng Viễn Đông - chiến hạm của chúng tôi đã từng cặp bến ở Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các hải cảng khác của Thái Bình Dương. Ngoài tiếng Anh, tôi nói được một ít tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc. Do mối liên quan chặt chẽ của những ngày phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến trên chiến hạm USS Toledo, Viễn Đông là một vùng hấp dẫn đối với tôi. Nhưng có lẽ lý do trước hết của việc tình nguyện đi Việt Nam là vì lúc đó tôi cực kỳ chán ngán công việc của một bác sĩ nội trú tại bệnh viện Mendocino.
Cuối cùng, quyết định đi Việt Nam đã giúp tôi chấm dứt chương trình nội trú chỉ mới kéo dài được 3 tháng tại khoa bệnh học thần kinh. Có thể tôi đã hành động một cách bốc đồng nhưng đúng là tôi đang rất cần một sự đổi thay. Tôi bị cuốn hút về phía cuộc chiến này không chỉ vì bản thân là cựu quân nhân Thủy quân lục chiến, mà còn vì tôi là một bác sĩ đang mong muốn được làm những công việc hữu ích.

     Những bác sĩ giám sát tôi tại bệnh viện Mendocino tỏ vẻ không hài lòng về việc tôi bỏ dở thời gian làm bác sĩ nội trú. Họ tổ chức một cuộc họp và phủ quyết việc tôi tình nguyện đi Việt Nam phục vụ. Nhưng cuối cùng tôi đã thuyết phục được các bác sĩ giám sát rằng chương trình nghiên cứu của tôi sẽ càng tăng giá trị một khi tôi viết luận văn về phương pháp chữa trị bệnh thần kinh ở Việt Nam. Sau đó, tôi xin nghỉ phép không lương và chuẩn bị cho chuyến đi Nam Việt Nam.

Midaxudavo:
Chương 3 (tiếp)

Vào thời điểm đó, Việt Nam là một đất nước bị chia cắt, là nơi diễn ra cuộc chiến giữa chính quyền Cộng sản miền Bắc Việt Nam với chính quyền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp mà sản phẩm chủ yếu là gạo và cao su, vốn được trồng trong hệ thống đồn điền do người Pháp quản lý cho đến khi chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1954. Khi người Pháp rút lui, Hiệp định Geneve tạm thời chia cắt Việt Nam làm hai phần. Hồ Chí Minh – một anh hùng yêu nước – nhanh chóng thiết lập chính quyền Cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Gần một triệu người Thiên Chúa giáo đã di cư vào Nam. Chiến tranh lại tiếp diễn và dân chúng sống ở vùng nông thôn miền Nam Việt Nam bị buộc phải tản cư, buộc phải về sinh sống ở các khu vực thành thị, hình thành sự chuyển động dân cư từ nông thôn lên thành thị. Khi các cố vấn, rồi kế đến là quân đội Mỹ tràn vào giúp Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh kéo dài, quân đội Bắc Việt Nam đã hợp lực với du kích quân thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu để tái thống nhất đất nước. Cuộc chiến đẫm máu với tổn thất sinh mạng ngày càng cao, cho đến khi lệnh ngừng bắn được thực hiện vào tháng Giêng năm 1973.

    Hiệp hội Y học Mỹ gửi những tài liệu hướng dẫn cho các bác sĩ tình nguyện của mình qua một loạt các bức thư ngắn. Những bức thư này giải thích rõ ràng về những loại vắc-xin hay dược phẩm nào sẽ nhận, chỉ dẫn cách thức xin hộ chiếu v.v. Có một bức thư yêu cầu chúng tôi học nhanh một số vốn từ tiếng Việt và tiếng Pháp. Chúng tôi cũng được cảnh báo là sẽ phải đối phó với những bệnh tật miền nhiệt đới mà chúng tôi chưa từng thấy ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như bệnh dịch hạch, số rét và sốt thương hàn tràn lan trong nhiều làng xóm. Chúng tôi cũng phải chuẩn bị để chữa trị những ca nhiễm trùng, bị thương vì bom đạn vốn là hậu quả tất yếu của chiến tranh.
    Tôi thật sự háo hức khi đi đến một vùng đất lạ, hơn nữa lại được thoát khỏi công việc nhàm chán ở bệnh viện tâm thần. Tôi cũng thật sự háo hức muốn đóng góp những gì hữu ích cho đồng loại trong chức năng một bác sĩ y khoa. Nhưng tôi cũng phải chuẩn bị kỹ càng vì tôi biết là mình sẽ không có được điều kiện làm việc như một bác sĩ ở Hoa Kỳ khi hành nghề trong hoàn cảnh của Việt Nam.

    Tôi mang theo một số sách vở, tài liệu y khoa liên quan đến bệnh nhiệt đới, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật chỉnh hình, làm thế nào duy trì cân bằng chất điện giải trong phòng cấp cứu. Cuốn sách hữu dụng nhất trong số này là cuốn sách nhỏ, mỏng có tựa Emergency War Surgery - NATO Handbook, Department of Defense-United States of America mà tôi đã mua với giá 2,25 đô-la tại một hiệu sách ở San Francisco, gần bệnh viện Mount Zion. Tôi ngây thơ nghĩ rằng mình có thể đọc những quyển sách y học này vào chiều tối, sau một ngày làm việc. Tôi đã không nhận thức được công việc cấp cứu liên miên trong ngày đã vắt kiệt sức lực của mình đến nỗi không còn một chút thời gian và sức lực để đọc, ngay cả những gì cần thiết. Tôi đã không đánh giá đến mức độ hạn chế của đèn cầy trong hầm trú ẩn, không lường được việc sử dụng đèn ban đêm có thể làm mục tiêu cho các cuộc pháo kích. Nói chung, giống như nhiều bác sĩ tình nguyện khác, tôi cũng có một số điều ngây ngô về điều kiện thực tế ở Việt Nam.
 
      “Đến Nha Trang một mình với một chút sợ hãi”, bác sĩ William P. Levonian nhớ lại tình huống lúc ông đến phục vụ tại một trong những bệnh viện tỉnh của Việt Nam. “Không có ai đón mình ở phi trường. Cũng không chắc là mình đã đáp máy bay xuống đúng thành phố đã định. Không ai quanh mình biết nói tiếng Anh nên chẳng thể biết lối nào về thành phố. Đi nhờ xe ô tô đến bệnh viện tỉnh mà không biết ai là Việt Cộng, ai là kẻ thù của họ. Bệnh viện thì nghĩ là tôi sẽ đến vào ngày kế tiếp.”

      Bác sĩ William Shaw đã ghi lại suy nghĩ của mình ở Nha Trang: “Trong một tháng ở bệnh viện, có quá nhiều bệnh tật như viêm gan, viêm a-mi-đan, bệnh bạch hầu, bệnh giun đũa, bệnh phong, viêm não, bệnh dịch hạch, bệnh cơ, bệnh lỵ, suy dinh dưỡng và bệnh dịch tả. Trong khu phẫu thuật của tôi có 30 bệnh nhân thì có đến 13 người bị thương tích do chiến sự. Nhìn chung, 50% bệnh nhân của chúng tôi là nạn nhân của các cuộc giao tranh, nhưng rất nhiều lần, chúng tôi phải chứng kiến cảnh những nạn nhân này chết trước khi được nhập viện. Chẳng hạn trong một lần, có 4 trong số 6 thường dân bị thương đã chết trước khi có thể tiến hành phẫu thuật cứu chữa”.

     “Ngày đầu tiên là ngày khó khăn nhất đối với tôi”, bác sĩ Carnes Weeks nhớ lại. Không may khi đến Phan Rang, ông bị một cơn đau bụng dữ dội. “Trong khi cơn viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính của tôi càng tệ hại hơn với mùi khó chịu của bệnh viện đông người, thì cả một dòng bệnh nhân chen chúc, trải dài ra cả 3 khu nhà của bệnh viện (nhiều bệnh nhân đi chân không hoặc đi bằng xe bò suốt đêm để đến được bệnh viện). Trong ngày hôm đó, tôi thật diễm phúc và xin cám ơn tục lệ địa phương về giấc ngủ trưa trong một buổi trưa nắng nóng như thế. Tôi tranh thủ nằm được vài tiếng đồng hồ và trở lại tươi tỉnh sau khi uống nước và nghỉ ngơi. Trong tháng kế tiếp, chúng tôi trở nên nhuần nhuyễn hơn trong việc ứng biến, nhanh chóng nhận bệnh và phân loại bệnh, cũng như cảm thông với người bệnh hơn. Chúng tôi trị liệu các chứng bệnh mà tôi chỉ nêu ra một số như bệnh dịch hạch, dịch tả, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt ở trẻ em và bệnh lao.”

    Bác sĩ Bill Owen nhớ lại ấn tượng mạnh nhất đối với anh khi được phân bổ tới bệnh viện tỉnh Bạc Liêu: “Bệnh viện không có nước máy. Heo và dê thì chạy loanh quanh trong các phòng bệnh bỏ trống. Tôi thấy khoảng 120 trẻ em trong khu khám bệnh dành cho bệnh nhân ngoại trú đầu tiên của mình. Một bà mẹ đi vào và trao cho tôi đứa bé đã chết trên tay”.

     Bác sĩ phẫu thuật Marvin H. Lottman nhớ như in lần ông đến Gò Công trợ giúp cho một nhóm bác sĩ Tây Ban Nha mà ông cho là “một thời điểm buồn tẻ nhất trong đời hành nghề thầy thuốc của tôi”. Khi đến bệnh viện, ông nhìn trước ngó sau và nhận ra rằng “Những dụng cụ duy nhất còn có thể dùng được đều cũ kĩ, hoen gỉ và thiếu khử trùng. Những gì có thể dùng cho phẫu thuật vùng bụng chỉ là một số dụng cụ dùng cho trực tràng, cơ quan sinh dục và tiết niệu. Chẳng có lấy dụng cụ chỉnh hình, cũng chẳng có dụng cụ kéo tay, kéo chân nào cả. Không có hoặc có rất ít chỉ khâu. Thuốc kháng sinh duy nhất dùng được là những gì tôi mang theo bên mình. Không có dụng cụ lọc máu, không ngân hàng máu, không truyền máu qua tĩnh mạch, không hợp vệ sinh. Càng quan sát, tôi càng phát hiện thêm nhiều vấn đề, nhiều trở ngại tệ hại”.

    Tại Quảng Ngãi, bác sĩ Gilbert Lee cho biết, bệnh viện phải chăm sóc 600 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, không có hệ thống thoát nước và chất thải, nước máy thì chảy nhỏ giọt, bóng đèn thì chẳng có chụp đèn tụ sáng. Ông viết thêm: “Tôi bị sốc trong cảnh khốn khổ này. Hàng dòng người bệnh và bị thương đổ vào bệnh viện cùng với dòng người tản cư, lánh nạn chiến tranh. Vào cuối tuần lễ đầu tiên ở Việt Nam, tôi mới tin chắc là việc hành nghề thầy thuốc ở Việt Nam khác xa với những gì tôi đã làm ở Hoa Kỳ”.

      Vào thời điểm đó, tôi đã sẵn sàng gia nhập hàng ngũ những bác sĩ tình nguyện và đã chuẩn bị cho chuyến bay đến Việt Nam.

Chương 4

ĐẾN SÀI GÒN


     Tôi lên máy bay ở San Francisco ngày 3.5.1968 và đến Hồng Kông ngày 5.5. Ngày 7.5, tôi rời khách sạn Peninsula, đáp chuyến bay thương mại đi Việt Nam. Máy bay chở hơn 10 bác sĩ tình nguyện và nhiều binh lính bay thẳng đến Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam.

     Khi chúng tôi vào không phận Việt Nam, máy bay bắt đầu bay chệch hướng từ bên này qua bên kia, theo cách “bay ngoằn ngoèo, bay hình chữ chi” để tránh bị bắn hạ. Một cô tiếp viên hàng không nói với tôi là đã có 4 chiếc bị bắn hạ trong vòng hai năm qua. 

   Chỉ mới vài tháng trước đây, cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm đảo lộn tình hình chiến cuộc Việt Nam. Các lực lượng Bắc Việt Nam cùng Việt Cộng(1) đã đồng loạt tấn công vào những thành phố Nam Việt Nam. Các lực lượng này bị đẩy lui với tổn thất nặng nề. Vào thời điểm máy bay chúng tôi chuẩn bị đáp xuống Sài Gòn, thì một cuộc Tổng tấn công khác -- với quy mô nhỏ hơn cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân - đang diễn ra ở thành phố này, trong đó có cuộc tấn công vào khu vực Chợ Lớn.

     Từ trên máy bay, tôi đã có thể nhìn thấy những cánh rừng, những cánh đồng tươi tốt bị cắt bằng một mê cung với những con sông uốn khúc chảy ra biển Đông. Khung cảnh bên dưới chúng tôi thật là hiền hòa, giống như một tấm bưu thiếp vĩ đại chụp cảnh trời quang mây tạnh. Thế nhưng máy bay hạ cánh chẳng an bình chút nào.

    Cách thức máy bay hạ cánh đã xác nhận là chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự. Trên bầu trời Sài Gòn, viên phi công bất thình lình cho máy bay đâm bổ xuống, tức hạ độ cao một cách cực nhanh, rồi hạ cánh với tiếng rít bánh máy bay trên đường băng mà tôi tưởng như thể máy bay có thể quay ngoắt lại, lật nhào từ đằng mũi. Chúng tôi nhanh chóng rời khỏi máy bay chạy vào nhà đón khách của phi trường Tân Sơn Nhất. Rõ ràng chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự. Nhiều máy bay hư hỏng nằm ụ trên đường băng cũng như trong các nhà chứa máy bay. Cả phi trường lẫn nhà ga đều được quây xung quanh bằng loại vòng kẽm gai concertina. Các ụ bao cát phòng vệ được thiết lập cách nhau chừng 15m. Khu vực quanh sân bay được phong tỏa, bảo vệ để ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Cộng.

     Khi lên xe buýt đi về khách sạn, chúng tôi mới bắt đầu đổ mồ hôi vì thời tiết nóng và độ ẩm cao của khí hậu Việt Nam. Những thứ đầu tiên mà tôi chú ý là các tấm lưới bằng kim loại mỏng được thiết kế ở cửa sổ xe buýt, nhằm chống lại việc ném lựu đạn vào xe. Sau này, Việt Cộng đã tìm cách phá hỏng kế hoạch bảo vệ xe như thế bằng cách sử dụng lựu đạn tấn công với chất liệu là đinh, mảnh kim loại.

Midaxudavo:
Chương 4 (tiếp)

Sài Gòn – thủ phủ cấp tỉnh đẹp như tranh từ thời Pháp – trở thành thủ đô của Nam Việt Nam. Thành phố cổ này hầu như hoàn toàn được xây dựng trong thời Pháp thuộc với sức quyến rũ riêng của nó. Đường phố đầy người đi bộ, đi xe hơi, xe đạp và xích lô. Dân chúng mặc quần áo với sắc màu nhẹ, thanh thoát. Nhiều người đội chiếc nón lá che nắng đặc trưng của Việt Nam. Nhiều lâu đài, biệt thự mang dáng dấp của thời thực dân Pháp. Nhưng tôi và những bác sĩ đồng nghiệp khác cũng nhận ngay ra một Sài Gòn khác, với những cuộc chạm súng lác đác: Sài Gòn đã là một pháo đài quân sự. Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều hố bom trên đường phố cùng một số tòa nhà tan tác vì bom đạn. Du kích quân Việt Cộng đã chiếm những cánh rừng và ngọn đồi lân cận thành phố, gây áp lực bằng các cuộc tấn công vào ban ngày.

     Chúng tôi đi qua nhiều công sự, boong-ke, nhiều vị trí đặt súng máy với bao cát và dây kẽm gai bao quanh. Tại các vị trí đó, những binh lính thuộc quân đội Nam Việt Nam mang kính râm, tay lăm lăm súng liên thanh. Cuộc Tổng tấn công đợt hai bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, tức ngay ngày chúng tôi đến Sài Gòn. Giao tranh đang diễn ra ở Sài Gòn và tiếp tục gần một tháng ở khắp miền Nam Việt Nam. Và thật là nhẹ cả người khi đến được Caravelle – một khách sạn cổ và thanh nhã thời Pháp, được đặt làm tổng hành dinh của các bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam. Tại khách sạn Caravelle, chúng tôi gặp một bà chủ khách sạn Việt Nam tuyệt đẹp, một người hiền lành đáng mến, tuy không bao giờ cười nhưng đã tiếp đãi chúng tôi như những ông hoàng trong hai ngày.

     “Trong thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn, chúng tôi được thông báo ba lý do cho sự hiện diện của mình ở đây”, bác sĩ Victor S. Falk – người được phân bổ đi Vĩnh Bình – nhớ lại. “Trước hết là tác động tâm lý, cả đối với người Việt Nam và ở quê nhà. Thứ đến là việc huấn luyện người Việt ở các bệnh viện tỉnh, nơi chúng tôi sẽ được phân công đến làm việc. Có lẽ một vài phương pháp hoặc cách thức khám bệnh của chúng tôi có thể làm mẫu mực cho nhân viên Việt Nam. Thứ ba là công việc chăm sóc y tế cấp thời. Công việc cuối cùng này là quan trọng nhất và chiếm hết thời gian của chúng tôi.”

     Gặp gỡ một số bác sĩ tình nguyện trong khách sạn Caravelle, tôi biết rằng không một ai trong chúng tôi được biết trước địa điểm phân công nhiệm sở của mình. Chúng tôi thảo luận về tình hình Việt Nam và về khả năng công việc còn bỏ ngỏ. Chỉ trong vài ngày, tất cả chúng tôi đều được phân bổ đi các nơi, hầu hết là rời Sài Gòn để đến một nơi nào đó ở Nam Việt Nam.
Tối hôm ấy, chiếc giường êm ấm và an toàn của tôi tại khách sạn Caravelle đã bị rung lên do ảnh hưởng của những vụ ném bom gần đó. Trong chuyến tham quan Sài Gòn vào hôm sau, tôi có thể nhìn tường tận cuộc chiến diễn ra quanh mình khi đứng trên mái nhà của khách sạn.

     Số là trong bữa ăn sáng, tôi tình cờ gặp Jim Cavanaugh, một bác sĩ tình nguyện lớn hơn tôi 10 tuổi mà tôi đã làm bạn từ lúc còn quá cảnh ở Hồng Kông. Lúc đó, chúng tôi đã nhanh chóng kết thân với nhau bởi lẽ Jim là một cựu binh Nhảy dù và tôi là một cựu binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Người ta khuyên là nên ở lại khách sạn, nhưng chúng tôi quyết định là phải xem xem việc gì đã xảy ra tối qua. Chúng tôi leo lên một chiếc taxi đi đến chỗ bị đánh bom tối hôm trước, vốn chẳng xa khách sạn là mấy. Trên đường đi, Jim cho tôi xem khẩu súng ngắn mà anh mang theo từ Mỹ.

- Anh chẳng biết lúc nào thì phải cần đến thứ này ở Việt Nam đâu! - Jim nói, tay vỗ vỗ vào khẩu súng 45 ly.

     Jim là một cựu binh ưa mạo hiểm và nghiện rượu nặng, một lính Nhảy dù trong cuộc chiến Triều Tiên và là một bác sĩ thích sống trong những tình huống nguy hiểm. Khi đến Việt Nam, anh đi vào nhiều vùng hoang vu, nguy hiểm cùng với lực lượng đặc biệt Mỹ. Anh ta là nhân vật đặc biệt vì là bác sĩ Mỹ tình nguyện duy nhất bị trục xuất khỏi Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn giữ tình bạn và sau khi trở về Hoa Kỳ, chúng tôi còn có một thời gian ngắn cùng hoạt động chung với nhau trong ngành y.

Midaxudavo:
Chương 4 (tiếp)

Bước ra khỏi xe taxi, tôi và bác sĩ Cavanaugh cùng quan sát khu vực Chợ Lớn, nơi vừa bị đánh bom tối hôm qua. Những chiếc máy bay phản lực bay thấp bắn phá, dội bom vào những địa điểm được xem là nơi trú ẩn của Việt Cộng. Khu vực này vẫn còn âm hưởng của vụ đánh bom, còn hơi nóng và còn những nơi âm ỉ cháy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy sự tàn phá của chiến tranh Việt Nam.

     Một khu vực của thành phố đã bị đánh bom. Vật đầu tiên mà tôi thấy là một chiếc nệm đang cháy âm ỉ, bốc lên một mùi khét là lạ mà sau này tôi mới biết là của bom na-pan. Mặc dù không nhìn thấy bất cứ một thi thể nào, nhưng là bác sĩ, chúng tôi cảm nhận được mùi tử khí bốc lên trong không khí và nghĩ rằng, những nạn nhân chết và bị thương đã được chở đi. Đối với tôi, việc đánh bom vào khu dân cư đông đúc của một thành phố lớn như thế là bừa bãi, không thể chấp nhận được. Tôi đã tự hỏi: Ai đã làm việc này? Với mục đích gì? Vì sao họ có thể liều lĩnh như thế? Nhưng trả lời những câu hỏi đại loại như thế này thì thật là khó ở trường hợp của Việt Nam.

     Tôi và Jim trở về khách sạn và thấy rằng mình đúng là “cựu chiến binh” hơn là bản thân đã cảm nhận trước đó.
Trong mấy ngày ở khách sạn Caravelle, những bác sĩ tình nguyện chúng tôi gặp nhau một cách tự nhiên để tìm hiểu và để cùng chia sẻ, trao đổi ý tưởng cũng như thông tin cần thiết. Nhiều người là những nhà phẫu thuật tài ba. Rất nhiều người là bác sĩ giải phẫu thần kinh, bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cùng những chuyên gia giàu kinh nghiệm khác. Hầu hết trong độ tuổi 40, 50, một số ở độ tuổi 60. Tôi là bác sĩ trẻ nhất trong nhóm và điều đó làm cho tôi thú vị. Tương phản rõ nét với những bác sĩ quanh mình, tôi là một thầy thuốc chuyên về thần kinh với rất ít kinh nghiệm về phẫu thuật và sắp được bổ nhiệm trong chức năng một bác sĩ y khoa ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Nhưng tất cả chúng tôi đều có điều gì đó chung nhất, cái điều đã đưa chúng tôi đến Việt Nam.

    “Tôi không tin chắc vào quyết định tình nguyện đi Việt Nam của mình”, bác sĩ William P. Levonian nhớ lại. “Cơ quan Phát triển Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao lên kế hoạch giúp đỡ thường dân ở Việt Nam và tôi chỉ nghĩ đó là một việc làm đúng đắn. Tôi tự hỏi là mình có quyền làm tổn thương đến hạnh phúc cũng như tương lai tốt đẹp của cả gia đình mình hay không khi đưa tay vẫy chào tạm biệt qua cửa sổ máy bay. Tuy nhiên, việc vợ và các con tôi đứng vẫy chào giã biệt đã cho tôi câu trả lời xác đáng về quyết định của mình.”
“Có thể nói là có rất nhiều lý do để phục vụ trong vai trò một bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam”, William J. Rogers III, một bác sĩ tình nguyện ở Đà Nẵng nhận xét. “Khi chuyện trò với những bác sĩ Mỹ tình nguyện, tôi phát hiện ra rằng, nguyên nhân đưa họ đến đây chẳng hề dễ dàng diễn tả. Những người này hoàn toàn khác biệt nhau. Tất cả đều nói là họ muốn làm một cái gì đó, cần phải làm, phải cống hiến mà không thể nói là tại sao. Họ không thể kiềm nén động cơ thúc đẩy đó bằng những việc đơn giản như lái chiếc xe hơi mốt và sang trọng nhất, hoặc giả là cò kè đòi tăng lương, được cất nhắc lên một địa vị cao hơn và cả ngàn lẻ một sự việc nào đó mà thỉnh thoảng có vẻ như là mục đích cuối cùng của các y bác sĩ.”

     Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp tài liệu tóm tắt, hướng dẫn cho chúng tôi về lịch sử, tình hình kinh tế và quân sự của Việt Nam. Việc phân nhiệm cuối cùng được giao cho bác sĩ Charles H. Mosley, lúc đó là giám đốc khu vực của chương trình ở Sài Gòn. Một trong số những nơi cần một bác sĩ dân sự là tỉnh Quảng Trị xa xôi ở cực Bắc của Nam Việt Nam. Quảng Trị cần một bác sĩ đa khoa. Quảng Trị là một tỉnh không an ninh nằm gần vùng phi quân sự, và là trung tâm của các cuộc giao tranh dữ dội, có thủ phủ nằm cách đường phân chia ranh giới Nam - Bắc Việt Nam chỉ chừng 40 km. Người ta thông báo cho chúng tôi biết là vị bác sĩ được phân bổ đi phục vụ tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị cần phải là người có kinh nghiệm về quân sự, tốt nhất đã từng phục vụ trong các đơn vị nhảy dù hoặc đơn vị chiến đấu nào khác, chứ không lưu ý đến một chuyên khoa ngành y nào cả.
- Tôi đi Quảng Trị. - Tôi nói và giơ tay lên. - Tôi từng phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến. Tôi có thể tự lo cho mình được.

    Các đồng nghiệp quay nhìn tôi chòng chọc, điều mà vào thời điểm đó tôi chẳng mấy quan tâm. Không còn một ai khác xung phong nhận vị trí này nên nhiệm vụ đó hầu như được giao cho tôi ngay vào lúc ấy. Vì đã từng là lính Thủy quân lục chiến, tôi nghĩ là mình có thể xoay xở trong bất kỳ tình huống nào, dù không chắc chắn lắm. Tôi còn độc thân, đó là một lợi thế nữa. Hầu hết các bác sĩ tình nguyện khác đều được phân bổ đi những nơi tương đối ít nguy hiểm hơn và tôi trở thành bác sĩ tình nguyện đầu tiên đi Quảng Trị. Sau này, trong những ngày tháng ở Việt Nam, nhiều lần tôi vẫn ghi nhớ và hành động theo phương châm của những bác sĩ tình nguyện “Nếu việc gì đến với bạn, hãy tiếp nhận nó”.
Thời tiết nóng và ẩm khi tôi leo lên máy bay rời Sài Gòn.

Midaxudavo:
Chương 5

PHẪU THUẬT TIM MỞ Ở HUẾ

     Con đường Quốc lộ 1 Việt Nam – cũng còn được biết dưới cái tên “Street Without Joy” (Con đường khổ ải) – là con đường nguy hiểm, là trục lộ chính chạy dài từ Bắc vào Nam do người Pháp xây dựng và đặt cho một cái tên buồn “La Rue Sans Joie”(1).
     Chạy dài từ Sài Gòn ra Huế, Quảng Trị và tiếp tục qua bên kia vùng phi quân sự, Quốc lộ 1 là con đường huyết mạch mà các đoàn xe quân sự Mỹ và Nam Việt Nam thường xuyên bị các tay súng bắn tỉa của đối phương tấn công cả ngày lẫn đêm trong chiến tranh Việt Nam. Rời Sài Gòn, máy bay đưa tôi đến Phú Bài, một phi trường nhỏ có căn cứ an toàn của Thủy quân lục chiến nằm cách thành phố Huế khoảng 10 km. Tại Huế, tôi gặp vài bác sĩ tình nguyện trước khi leo lên xe Jeep chạy thẳng đến Quảng Trị.
     Tôi còn nhớ cảnh mình rời khỏi chiếc máy bay nhỏ, loại 10 hành khách, bước xuống đường băng đen nhánh, đang bốc hơi. Khu rừng bao quanh sân bay Phú Bài đã được phát quang một phần bằng bom và bằng những chất làm cây rụng lá, nhưng đường băng với nhựa đường đen thì vẫn còn mới tinh và không bị hư hỏng. Tôi mang cái ba lô chứa một số đồ linh tinh như bàn chải, kem đánh răng, bộ dao cạo râu, ba cái áo thun ngắn tay, một quần jeans, cuốn cẩm nang phẫu thuật của NATO, một cuốn sách về bệnh nhiệt đới, hai trái táo, một trái cam và một trái chuối. Viên đại tá dẫn tôi xem qua bệnh viện quân sự một tầng, nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp trong một khu nhà tiền chế(1) ở Phú Bài. Tôi nhớ rõ sự yên ắng cùng mùi khử trùng ở bệnh viện quân sự nhỏ này. Những dãy giường sạch gọn, và trên mỗi giường là một thương binh thuộc Thủy quân lục chiến hoặc một quân nhân thuộc binh chủng khác. Một vài người bị thương ở chân được treo chân lên, nhưng hầu hết là những vết thương không nhìn thấy được dưới lớp chăn quân đội màu xanh nâu.
- Chào bác sĩ, tôi đây này! - Một giọng nam cất lên.
     Ai ở đây mà biết tôi là bác sĩ vậy? Cách chỗ tôi đứng không xa là một khuôn mặt râu ria sạch nhẵn trên đôi vai rộng, cặp mắt đượm buồn và mái tóc húi cua theo “tiêu chuẩn quân đội” ló lên khỏi chiếc chăn. Đó là một gã đẹp trai, cằm vuông mà tôi chỉ biết tên là Jerry, một trung úy Thủy quân lục chiến. Trước đó mấy tháng, chúng tôi có gặp nhau tại quán rượu Shadowbox – nơi thỉnh thoảng các bác sĩ nội trú tụ tập, gần bệnh viện Mount Zion ở San Francisco. Lúc đó, Jerry trong bộ quân phục Thủy quân lục chiến và tôi cho anh biết mình cũng từng là lính Thủy quân lục chiến. Chúng tôi chuyện trò, tán gẫu và uống với nhau một vài cốc trong khi chờ các cô gái nhảy. Tôi có những nghi ngờ của mình về cuộc chiến. Jerry cũng có sự ngờ vực của anh nhưng anh nói, vì là một trung úy Thủy quân lục chiến trung thành nên anh chấp hành lệnh điều động đi đến bất cứ nơi đâu. Và nay thì anh đang ở tại một bệnh viện ở Việt Nam.
- Xin chờ tôi một lát. - Tôi nói với viên đại tá và đi tới bên cạnh giường Jerry.
- Trời đất, Jerry! Anh làm cái quái gì ở đây thế?
     Jerry cho tôi biết là chỉ mới vài tuần trước đây, tức khoảng đầu tháng 5, anh ở Đông Hà trong đợt hai của cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Đông Hà là thị trấn nằm cách thủ phủ Quảng Trị - nơi tôi được phân bổ - chừng 12 km về phía Bắc. Jerry mô tả đó như là một hỏa ngục với quá nhiều kẻ thù và quân đội Mỹ không thể giữ nổi chiến tuyến. Jerry đã nhảy vào một hố bom để tránh đạn nhưng một quả đạn pháo cối đã bám theo và phát nổ. Giờ đây, các bác sĩ vẫn còn tiếp tục gắp những mảnh đạn găm trên lưng anh. Jerry bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống và cánh tay cũng cử động khó khăn.
- Nhưng trông anh khá lắm. - Tôi nói.
- Tôi không khá đâu. - Vừa nói anh vừa kéo chiếc chăn lên một chút.

Midaxudavo:
Chương 5 (tiếp)

Viên đại tá bước đến và nói rằng đã đến lúc phải đi. Tôi nói cho ông ấy biết là chúng tôi đã làm quen với nhau lúc ở San Francisco. Tôi cũng an ủi Jerry rằng các bác sĩ của quân đội rất giỏi và anh sẽ nhanh chóng hồi phục. Jerry nói có lẽ sau này anh chỉ có thể uống rượu được với tôi thôi, còn việc khiêu vũ thì chắc là không thể nghĩ tới được nữa.
     Cuộc hành trình ngắn từ phi trường về thành phố Huế bằng xe Jeep là một chuyến đi sởn tóc gáy. Tay tài xế nói là phải chạy nhanh để tránh các nòng súng bắn tỉa của Việt Cộng, vốn thường nhắm vào tấn công các xe quân sự Mỹ. Xe phóng xuống Quốc lộ 1 rồi qua con sông Hương tuyệt đẹp. Con sông được đặt tên theo những loài hoa thơm ngát mọc xanh tốt hai bên bờ sông.
     Huế là thành phố văn hiến với hơn 100.000 dân. Ở đây có nhiều kiến trúc truyền thống của Việt Nam, kể cả cung điện, lâu đài, lăng tẩm nguy nga, nhưng nhiều kiến trúc đã bị phá hủy trong chiến tranh. Việt Nam là đất nước có 4.000 năm văn hiến và Huế là một trung tâm văn hóa và học thuật, là cố đô của các hoàng đế phong kiến Việt Nam. Trung tâm của thành phố là Tử Cấm Thành. Qua triều đại của 13 vị vua, Huế trở thành nơi quy tụ những học giả, nghệ sĩ, triết gia và bác sĩ hàng đầu Việt Nam. Trong khi sự chiếm đóng của người Pháp ở Đông Dương từ 1889 đến 1954 bị xem là bóc lột, tàn ác vì đã duy trì tình trạng nghèo đói cho hầu hết dân chúng Việt Nam thì họ vẫn có được một vài động tác nhân đạo nổi bật. Đó là việc xây dựng hai Viện Pasteur đầu tiên bên ngoài Paris ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.
     Huế cũng là nơi có một bệnh viện đại học lớn, có lẽ là bệnh viện tốt nhất ở Nam Việt Nam. Bệnh viện 1.000 giường do người Pháp xây dựng với mục đích giảm thiểu bệnh tật bằng công tác vệ sinh, huấn luyện kỹ năng chuyên môn cao cho các bác sĩ người Việt để tiến hành một số công trình đáng kể ở Đông Nam Á.
     Tại Huế, tôi gặp nhiều bác sĩ người Mỹ, trong đó có bác sĩ Howard Detwiler, một người bệ vệ, chuyên gia về tai mũi họng và là cố vấn dày dạn kinh nghiệm của tôi trong mấy hôm sau đó. Ông Detwiler tốt bụng đã 65 tuổi và gần nghỉ hưu khi ông rời phòng mạch của mình ở Michigan để tình nguyện đến Việt Nam. Đội ngũ bác sĩ ở Huế còn có thêm ba người khác là bác sĩ X-quang Grant Raitt, bác sĩ nhi khoa Ralf Young và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Joe Nettles.
     “Đúng là có từ hai đến ba bệnh nhân nằm trên cùng một giường trong cái bệnh viện cả ngàn giường này”, nhiều năm sau này, bác sĩ Nettles viết, “kể cả trong một khu dành cho bệnh nhân bị bệnh phong. Bệnh viện an ninh vào ban ngày nhưng đêm đến thì đạn pháo nổ nhiều lần quanh đó. Chúng tôi được khuyên là hãy ngủ trong khu bệnh nhi và phải mang theo súng M-16 cùng lựu đạn để đề phòng việc Việt Cộng tràn vào lần nữa. Mỗi buổi sáng, những nạn nhân của các cuộc dội bom bằng B-52 trong đêm lại nằm sắp lớp trước cổng bệnh viện. Những vết thương khủng khiếp khó mà mô tả và chắc chắn là rất khó điều trị. Hàng ngày, tôi bận rộn từ sáng đến tối mịt và chỉ nhớ một điều là khi thời tiết trở nên nóng bức sau buổi trưa thì tôi rời bệnh viện, chạy băng qua đường rồi nhảy ào xuống dòng sông Hương. Tôi bơi một hồi thỏa thích cho đến khi thân thể mình chạm vào một dòng nước âm ấm mà tôi biết là dòng nước từ ống cống bệnh viện chảy ra sông.”
     Trong mấy ngày đầu tiên ở Huế, tôi đã nếm mùi những gì sẽ chờ đợi mình ở Quảng Trị. Đó là một kiểu rối loạn tâm thần, mất trí nhất thời mà người đang phải đối phó lúc ấy là bác sĩ Detwiler.
     Tôi bắt gặp bác sĩ Detwiler đang trốn chui trốn nhủi bên dưới một gầm giường. Một binh sĩ Nam Việt Nam giận dữ, tay cầm khẩu M-16 đang đi lùng sục khắp các tòa nhà của bệnh viện để tìm kiếm ông ta. Tay súng này giận dữ hét lên là sẽ bắn chết Detwiler, một bác sĩ già, tốt bụng mà anh ta cho rằng đã giết chết con trai của mình. Số là bác sĩ Detwiler đã tiến hành phẫu thuật vá môi sứt – một dị tật rất phổ biến ở Việt Nam – cho đứa bé trai con của người lính chiến kia. Nhưng thằng bé lại có một cái răng long, có thể rơi ra bất cứ lúc nào. Sau khi vá môi xong và được chuyển xuống phòng hậu phẫu, thằng bé hút bật hơi làm sao để chiếc răng long ra, lọt vào khí quản, khiến cậu bé tử vong vì ngạt thở. Cái chết này một phần là do các y tá đã không chăm sóc cẩn thận. Vị bác sĩ cân nặng gần 110 kg đã thoát chết bằng cách trốn dưới gầm chiếc giường nhỏ trong một phòng bỏ trống của bệnh viện, và rốt cuộc, người lính kia đã bình tĩnh trở lại.
     Ba ngày sau, tôi và bác sĩ Detwiler chạy ra khi trông thấy một binh sĩ Việt Nam nằm gục trên thềm tam cấp bệnh viện. Có một vết nhỏ màu đỏ trên ngực anh ta và máu trào ra ướt đẫm bộ quân phục. Chữ thêu trên quân phục cho biết anh ta là hạ sĩ Bình. Người lính trẻ này xem ra gần chết và bác sĩ Detwiler chú ý đến những tĩnh mạch cổ sưng phồng của anh ta.
- Chúng ta có một ca ép tim do tràn dịch ngoài màng tim.
- Bác sĩ Detwiler nói.
-Đưa ngay anh ta vào phòng phẫu thuật cấp cứu!

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro