CHÀO EM, THÂN ÁI CỦA TÔI!
Sau cuộc thảm sát Nam Kinh, tình hình chính trị và xã hội của Trung Hoa có những bước lùi rõ rệt.
“... Đứng đầu ba trăm nghìn quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ là Phó đô đốc Kiyoshi Hasegawa, tiếp tục cho binh lính từ đường hàng hải đổ bộ sang Trung Quốc.
Nhật Bản đẩy mạnh các cuộc xâm lăng vào những cứ điểm quan trọng, đánh chiếm từ Thượng Hải, Nam Kinh tràn sang những vùng đất lân cận, nắm thóp Đại Xưởng, Tô Châu, cùng hầu hết các tỉnh thành của miền Bắc Trung Quốc.
Đến giữa năm 1938, quân Nhật chiếm đóng Khai Phong, sau đó đe dọa đánh sang Trịnh Châu - Hà Nam, ngã ba của đường sắt Bình Hán và Long Hải.
Để ngăn chặn mối nguy hại ấy, Tưởng Giới Thạch theo lời cố vấn của Trần Quả Phu đã ra lệnh phá các con đê trên sông Hoàng Hà gần Trịnh Châu. Kế hoạch ban đầu là phá đê ở Chu Khẩu, nhưng do gặp một số khó khăn nhất định nên đã phá qua đê Viên Khẩu ở bờ Nam.
Quyết định sai lầm này đã khiến nước lũ tràn qua Đông Hà Nam, Trung An Huy và Bắc Trung Giang Tô, phá hủy cuộc sống của hàng triệu người dân vô tội và khiến hàng trăm nghìn binh lính Nhật bị chết đuối. Nhưng điều ấy đến cuối cùng vẫn không thể ngăn chặn quân Nhật chiếm được Vũ Hán, buộc Quốc dân Đảng phải rút về Trùng Khánh...”
Mười triệu dân di cư, không nhà cửa, không điểm dừng. Nạn đói, nạn rét. Cướp bóc, cưỡng hiếp. Dịch bệnh hoành hành. Mỗi ngày trôi qua còn thống khổ hơn cái chết.
Tuy nhiên, những khó khăn trên cũng không thể khiến cho Tưởng Giới Thạch chùng lòng, ngài tuyên bố rằng sẽ chỉ xem xét thương lượng khi quân đội Nhật Bản chịu rút về ranh giới của trước năm 1937.
Và lời tuyên bố ấy là điểm khởi đầu cho những cuộc chiến tranh kế tiếp.
Tôi là Đinh Trình Hâm, 19 tuổi, một binh lính quèn dưới trướng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trái với những người con yêu nước, mang trên mình lý tưởng và chế độ, tôi đến quân doanh chỉ vì bản thân chẳng còn chốn nào để về.
Hôm tròn mười sáu, bên cạnh tiếng vỗ tay chúc mừng của bố mẹ, còn có một loạt bom liên hoàn đến chung vui. Bố kịp đẩy tôi xuống tầng hầm, nhưng hai vợ chồng thì chẳng đủ thời gian để giữ lại mạng. Thế là tôi sống, họ chết, ngôi nhà nhỏ biến thành một ngọn lửa nóng rực giữa hàng trăm ngọn lửa khác trong làng.
Năm mười sáu tuổi lẻ hai ngày, tôi theo lệnh chiêu binh đi đến doanh khu với ước muốn đầu tiên là lấp đầy cái bụng rỗng.
Thấm thoát ba năm qua đi, sau ngần ấy thời gian ôm súng đạn, tôi cũng chẳng còn muốn rời khỏi nơi này nữa. Anh em bè bạn đều ở đây, tự do độc lập đều ở đây, tôi có thể trôi dạt đến đâu?
Để nói cho nó oai, tôi nghĩ bản thân là một thằng nhóc khá.
Mấy lần bọn giặc nhả đòn đánh tọa độ, tôi đã chẳng ngại nai cái thân ra khỏi lùm cây bắn trả. Sau mỗi trận đánh lùi quân giặc, binh đoàn trưởng đều không tiếc lôi hết từ vựng ra khen ngợi tôi. Mà cũng chỉ có thế, sau đó chúng tôi lại phải vác xẻng đi đào hố chôn cất những người đã mất, chẳng được sướng ích gì.
Hơn một nghìn ngày vật lộn với chiến tranh, tôi thấy tim mình như bị chai lì. Thứ duy nhất khiến tôi nặng lòng có lẽ là nhìn đồng đội của mình từng người, từng người một ngã xuống. Ban đầu tiểu đội chúng tôi có tới mười tám quân, nhưng giờ nhẩm lại, chỉ ngót nghét mười người.
Tôi gặp Mã Gia Kỳ vào một chiều buồn, khi tiết trời ảm đạm rả rích còn không khí thì chẳng nguôi đi cái mùi nhựa cháy.
Anh vận trên mình bộ quân phục mới toanh, dáng người gầy còm và mặt mày trông non choẹt. Cùng với bảy người khác, anh được đưa vào tiểu đội của tôi với nhiệm vụ lính mới sẽ được lính cũ huấn luyện. Chúng tôi làm quen nhau rất nhanh, biết đấy, bọn con trai thì có cái mẹ gì đâu để dài dòng.
Mã Gia Kỳ khi ấy đã 25, hỏi ra cái tuổi khiến tôi ngỡ ngàng. Khuôn mặt anh nhỏ xíu, gò má cao, môi mỏng, mũi thẳng, và nó thích hợp cho nghề nghiệp lúc trước của anh - một phiên dịch viên thông thạo ba thứ tiếng chứ chẳng phải tên lính quèn chạy theo lý tưởng của hòa bình và tự chủ.
Tôi hỏi vì sao anh lại đến đây, Mã Gia Kỳ cười buồn, nói rằng gia đình trong vụ ngập lụt ở Trịnh Châu không ai qua khỏi, chỉ còn lại mỗi anh trên thế gian này. Ánh mắt anh lê thê, nhưng sáng trong và đầy nhiệt huyết. “Cái nghề phiên dịch chẳng khiến anh báo được thù nhà”, anh nói thế, và tôi chỉ biết lặng thinh.
Gia Kỳ có giọng nói khá thanh, ôn hòa, dễ chịu. Lắm lúc tôi nghe anh hát vu vơ mấy câu tiếng Tây, nó cứ lạ lạ và hay hay kiểu gì. Anh cao hơn tôi một chút, nhưng gầy trơ xương, ăn uống cũng chẳng được khỏe khoắn. Vài lần anh đẩy cho tôi mấy món trong ngăn cơm của mình, tôi khó hiểu nhìn nhìn, anh chỉ cười bảo không ăn được.
Tôi thích cái tính dịu dàng của anh, dù nó có thể khiến những buổi huấn luyện khó khăn hơn chăng nữa, tôi vẫn rất thích. Mã Gia Kỳ không phải một anh chàng văn vẻ. Anh nói ít, làm nhiều, hay dùng tay chân thay cho cái miệng, lúc không cười thì nghiêm túc, khi cười lên trông đến hiền khô.
Vẫn nhớ lần đầu tôi tập cho anh bắn súng. Dáng vẻ cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng giật mình của anh khiến tôi cười đau khớp hàm. Anh nạp đạn chậm rì, lên nòng chậm rì, bóp cò cũng chậm nốt. Thằng út Văn vỗ vai anh tỏ ý an ủi, nhưng miệng mồm lại lao nhao trêu rằng: “Đợi anh lên đạn thì cái xác anh thủng hai chục lỗ rồi anh Kỳ ơi.”
Gia Kỳ gãi đầu, cười đần ra.
-
Qua ba tuần tập luyện nghiêm khắc, nhóm lính mới cũng xem như biết không ít điều. Cái chúng tôi tập là kỹ năng, là tay chân, là sức mạnh. Nhưng một thứ còn quan trọng hơn tất cả, ấy là ý chí tinh thần. Trước cảnh nước nhà bị ngoại xâm lăm le cướp đoạt, đám thanh niên xung phong chúng tôi đều bày tỏ chung một quan điểm là phải giành về cho bằng được từng thước sông ngọn cỏ.
Tín ngưỡng của mỗi người là khác nhau, niềm tin chiến đấu cũng khác nhau, chỉ trùng hợp ở chỗ chúng tôi đều mong muốn hòa bình. Mà để có được hòa bình, trước hết là phải đấu tranh.
Lại một ngày nữa dẫn dắt nhóm lính mới bò trườn trên mặt đất.
Con đồi thấp lè tè, còn chưa tới năm mươi mét. Nhưng để nằm sát rạt dưới đất rồi tay không nắm cỏ từng chút một bò lên đỉnh thì lại chẳng dễ dàng. Mã Gia Kỳ phì phò từng hơi thở nặng nhọc, nắng trời vàng chóe dội thẳng lên khuôn mặt đang ngẩng cao của anh. Từ mười một giờ rưỡi trưa đến gần một giờ chiều, ngọn đồi thấp lè tè ấy mới bị anh chinh phục.
Tôi thảy cái bi đông cho Gia Kỳ, thấy mặt mày anh cháy nắng đỏ hỏn. Chắc là rát lắm. So với hôm mới vào quân doanh, anh đô con hơn nhiều, và cả đen không ít. Mấy đầu ngón tay quen cầm bút bị chai do kéo cò súng mỗi ngày, chân cẳng thon dài mảnh khảnh xuất hiện nhiều vết bầm xanh bầm tím.
Lau đi giọt mồ hôi từ trán chảy xuống đuôi mắt anh, tôi hỏi rằng: “Bỏng thịt luôn rồi này, rát lắm không?”
“Hơi hơi thôi.”
Lưu Diệu Văn - thằng em thân thiết hai năm bốn tháng của tôi, từ đâu chạy đến lượn quanh người tôi đầy ý tứ.
“Ê hê hê, gì đây anh trai?”
“Gì là gì? Muốn ăn đấm không?”
Nó vừa thấy tôi động thủ liền vội núp sau lưng Mã Gia Kỳ, còn lè lưỡi trêu chọc, sau đó lại ranh mãnh ghé vào tai anh thầm thì cái gì đó, vẻ mặt gợi đòn cực kỳ.
“Cậu nói xấu anh gì đó?”
“Gì đâu, có sao nói vậy.”
Tôi liếc nó, không quên liếc luôn Gia Kỳ, thấy đôi môi khô nứt của anh khẽ mỉm.
“Hai người đừng có chọc tức em. Khai nhanh, nhóc Văn nói gì với anh rồi?”
Mã Gia Kỳ nghiêng đầu nhìn gương mặt hí hởn của Lưu Diệu Văn, nhận được cái gật đầu thách thức của nó, anh mới từ tốn bảo rằng.
“Diệu Văn nói tối qua em nhìn trộm anh khi đi tắm.”
“Gì cơ?”
Tôi há hốc cả mồm, vừa rượt theo đôi chân dài miên man của Lưu Diệu Văn vừa gào toáng.
“CMN Lưu Diệu Văn! Cậu thiếu đòn có đúng không? Mã Gia Kỳ có cái gì thì anh cũng có cái đó, tại sao phải làm cái trò mất mặt như thế? Đứng lại, Diệu Diệu, đứng lại!”
Giữa trưa nắng, thằng nhóc 19 đuổi theo thằng nhóc 18, ồn ào mạn sườn đã trụi cây trụi cỏ.
Tiết trời nóng hừng hực, bộ quân phục lại còn ì ạch dày cui, nghiệt đến chảy mỡ. Tôi khệ nệ xách tai Lưu Diệu Văn từ lưng đồi lên đỉnh đồi, bắt nó tự vả miệng hai mươi lần trước mặt Gia Kỳ, anh xua tay bảo thôi, bỏ qua cho em ấy đi, nhưng tôi nào dễ dàng buông tha như thế.
Đinh Trình Hâm từ bé đến lớn, cần bảo vệ nhất là cái mặt đẹp trai, cần bảo vệ nhì là danh dự nam nhi đại trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất này. Nói tôi đi rình trộm trai nhà lành tắm, có phải là quá xấu hổ rồi không?
“Nhóc con, nói xin lỗi anh Hâm, từ nay về sau không dám nữa.”
Lưu Diệu Văn xụ mặt, lẩm bẩm đôi câu mới chịu xẵng tiếng: “Xin lỗi anh Hâm, từ nay về sau em không dám nói anh rình anh Kỳ tắm đến quên chớp mắt nữa.”
Tôi gõ vào đầu nó, một phát lủng sọ.
“Đau đau đau, người gì mà bạo lực quá trời.”
“Ăn nói đàng hoàng trước khi anh đập cậu tan xương.”
Tiểu Lưu nghiền ngẫm gì đó ba giây, đột nhiên ngoan ngoãn xin lỗi đầy chân thành. Tôi hài lòng thả bàn tay ra khỏi vành tai sắp trào máu của nó, nghe lời than thở đầy phẫn hận.
“Đau chết người trời ơi, anh Hâm, xách ngược tai người ta là tồi tệ lắm đấy!”
Rồi nhân lúc tôi bận phủi mấy quả gai dính dưới ống quần, Lưu Diệu Văn lại nổi tánh ranh ma ghé vào tai Mã Gia Kỳ thủ thỉ thêm một câu gì đấy. Tôi lừ mắt, nó lảng đi rồi chạy té như ma rượt.
“Mã Gia Kỳ, nó lại vừa thầm thì cái gì đó?”
Anh khịt mũi, trông có vẻ vấn đề ấy rất ngượng ngùng.
“Nói.”
“Thì... cậu ấy bảo tối hôm trước em lén hôn trán anh ba cái, khi anh đang ngủ.”
“Cái gì?”
Tôi chết đứng, lắp bắp “đừng có tin” không thành câu. Máu nóng lần nữa tràn về, tôi gào lên thật rành mạch tên của Lưu Diệu Văn, vội vàng phóng theo hướng nó đã chạy bay chạy biến.
“Lưu Diệu Văn! Cậu thiếu đòn có đúng không? Rõ ràng là chỉ có hai cái mà thôi!”
-
Tháng đào tạo thứ hai, lính mới được điều động ra quân cho trận chiến chính thức.
Một nhóm người chạy chen qua chục ngôi nhà tìm cách đánh lạc hướng không quân của giặc. Mã Gia Kỳ chạy sau lưng tôi, hơi thở hối hả và gấp gáp. Thật ra sức khỏe của anh không tốt lắm, tôi biết điều ấy từ lần đầu anh tập chạy đường dài cùng tiểu đội.
Tôi dẫn đầu nhóm người, sức khỏe ai cũng khá ổn nhưng tôi lại chẳng thèm tăng tốc. Dưới mấy căn nhà bị cháy xém, bóng quân nhân chập chờn, bọn giặc cũng chỉ có thể rượt theo và rải đạn trong hụt hẫng.
Chúng tôi nấp xuống rãnh ngầm đã đào sẵn, vài người bắn trả, vài người tháo chốt ném lựu. Mã Gia Kỳ trông mệt đến thở không ra hơi nhưng vẫn ôm súng bắn nhiệt tình.
Đạn 20 ly táp xuống như mưa, tôi tỉnh queo nạp vào khẩu súng một băng đạn mới: “Chẳng phải em đã nói khi chạy cố giữ sức rồi sao?”
“Anh giữ rồi, nó tự mất ấy chứ.”
Lưu Diệu Văn phụt cười, cái thân mét tám lăm núp trong ổ đất nhô lên có chút xíu chả che chắn được gì. Nó tinh nghịch bảo: “Nghe hay ghê, người lắm văn chương có khác, lại còn giữ rồi mà tự mất cơ đấy.”
Tôi cũng buồn cười, nhưng thay vì cười cợt, tôi chọn càu nhàu thằng đệ của mình.
“Bớt ghẹo, giấu cái mông vào.”
“Chỉ có bênh anh Kỳ là giỏi.”
“Kệ anh.”
Sau nửa tiếng vật lộn với tử thần, bốn chục quân bên tôi chẳng còn gì ngoài cây súng chết và băng đạn rỗng. Nhưng may sao bên địch cũng rớt tận sáu cái máy bay, thế là bọn nó quyết định rút về.
Tôi từ rãnh ngầm trèo lên, vai áo bị đạn quẹt hơi xót thịt, mùi máu bốc thẳng lên mũi khó thở gần chết.
Tôi đỡ lấy cơ thể Gia Kỳ, thấy tay anh run lẩy bẩy, chân bước loạng choạng, thảm hơn người chạy nạn từ Trung An Huy. Cái mũ của tôi bị đạn giặc găm xuống đất từ bao giờ, ngọn tóc còn hơi khét, nhưng cũng chẳng buồn đi nhặt lại.
Lấy cái mũ quân đội của Mã Gia Kỳ đội lên đầu mình, tôi tiện tay xoa đầu anh, vuốt vuốt hai bên tóc mai đầy mồ hôi và nói rằng: “Ổn rồi. Giỏi lắm.”
Người anh dựa cả vào tôi, đờ đẫn, nhẩm đếm một, hai, ba rồi bốn.
Tôi ngầm hiểu, chỉ biết vỗ lưng cho anh nhẹ lòng.
Mã Gia Kỳ đang đếm số quân giặc ngã xuống dưới nòng súng của anh, lần đầu ra trận tôi cũng thế, nghe qua thật nhân từ.
Bên tôi chết ba, bị thương tám. Lưu Diệu Văn cõng trên vai một cái xác mềm oặt, nó trầm tư, như thể thằng nhóc lúc nãy nói lời trêu đùa chẳng phải là nó. Chúng tôi mang tất cả người không thể di chuyển về doanh trại rồi tách làm hai ngã, một bên đưa lính bị thương qua lán quân y, một bên đưa thi thể đồng đội đã chết đi chôn cất.
Mã Gia Kỳ không hó hé nửa lời, đôi mắt anh vẫn sáng trong nhưng con ngươi lại rũ rượi. Người đồng đội sáng hôm qua kêu anh dậy ra sân tập, lúc này đang nằm dưới hố sâu, bị từng lớp, từng lớp đất chôn vùi.
Tôi mạnh mẽ hô ba chữ: “Nghiêm! Đoàn kết!”
Bàn tay chúng tôi đưa lên thái dương, phút giây tưởng niệm lúc nào cũng trôi lâu hơn bình thường.
Chiến tranh gắn liền với những cái chết.
Tối hôm đó, tôi thấy Mã Gia Kỳ trằn trọc cả đêm không ngủ.
-
Lần thứ hai dẫn Mã Gia Kỳ ra trận cách lần đầu bốn ngày, tại một thôn nhỏ, dân cư còn chưa kịp sơ tán khỏi vùng hiểm nguy.
Binh đoàn trưởng giao cho tôi nhiệm vụ dẫn đầu hai mươi người, đẩy xe pháo chạy tít ra xa để bắn trả không quân của giặc. Một nhiệm vụ, hai việc cần hoàn thành. Một là thu hút sự chú ý để chúng nó đuổi theo. Hai là phải giữ được cái mạng để ôm pháo quay lại bắn trả.
Tôi đẩy Lưu Diệu Văn ở lại đội sơ tán dân thường, chỉ kịp thét to một câu không đầu không đuôi rằng: “Để ý người giúp anh.” Rồi lạch cạch đẩy xe pháo chạy mất dạng.
Chạy tới cuối thôn, Đại Hắc gấp rút châm ngòi, tôi xoay xe pháo lại, tì ống bắn lên cao, ba cái xe pháo còn lại cũng làm tương tự. Từng ổ pháo bắn ra, điếc đặc. Khói lửa bốc lên nghi ngút, máy bay giặc như những con chuồn chuồn khổng lồ lượn qua màn sương, có tiếng chửi thề, chẳng ổ pháo nào táp tới chúng nó.
Cả đám chúng tôi chạy túi bụi, đứa xuống rãnh, đứa vào lùm. Lựu đạn và bom tự chế chẳng được bao nhiêu quả, pháo mỗi phút chỉ bắn được một lần. Quân đội Nhật Bản quá mức tân tiến, chúng nó thả bom xuống, nổ đùng đoàng, cú nào cú nấy hơn sấm chớp. Máy bay phản lực của Trung Quốc không đuổi kịp, kêu tành tạch tành tạch như chim non mới tập bay.
Xác chết rải rác khắp đường mòn, từ trẻ em tới người già, từ dân thường đến binh lính. Nhà cửa tan hoang. Lửa cháy phừng phực. Tôi nghe tiếng một đứa bé từ đâu đó ré lên, muốn chạy qua coi, nhưng loạt bom đã kịp chào hỏi trước. Hơi nóng tạt vào người tôi, Đại Hắc kế bên cũng dính, lông lá teo tót lại, da thịt nóng phồng lên. Tôi điên tiết nạp đạn vào cây tiểu liên bắn trả, cái đầu chẳng đủ tỉnh táo để nấp vào đâu hết, cứ lộ thiên giữa mưa đạn.
Lần này bên tôi chết khá nhiều, hai trên bốn cái xe pháo bị nổ tanh bành, máu me đổ xuống đất dậy mùi khai ngấy. Đại Hắc bị đạn 20 ly ghim vào bụng, tôi thấy cậu ngã phịch xuống, đau đớn rên rỉ không thành câu.
“Bò vào trong, không được nằm ở ngoài này.”
Đại Hắc nín thinh, mặt mũi nhăn tít lại. Tôi dừng bắn, khom người kéo cậu vào mỏm đá chắn đạn, vệt máu loãng lê một đường dài.
“Nhịn đi, mẹ nó, cậu mở mắt ra cho tôi!”
“Mẹ kiếp... đau...”
“Nghe tiếng xe tăng cứu viện không? Quân mình tới rồi, bọn nó sắp rút rồi. Đại Hắc, ráng chịu một chút đi. Tôi xin cậu!”
Đại Hắc bắt lấy nhịp thở, cố gắng hít vào những ngụm khí toàn bụi bẩn. Tôi hoảng đến cáu, bàn tay đầy máu siết chặt khẩu tiểu liên. Cậu kêu tên tôi, gấp rút, nặng trịch. Tôi lắc đầu van nài, nắm lấy bàn tay đang đưa ra của cậu, liên tục gọi “Đại Hắc, Đại Hắc”.
May mà xe tăng tới kịp lúc, thêm trăm binh lính và vài cái xe pháo cỡ đại nữa. Bốn cái máy bay giặc bị bắn hạ, bảy tám cái thức thời chạy thoát. Bộ binh Nhật Bản đuối sức, chạy tán loạn khắp nơi tìm đường trốn, một số bị xe tăng bên tôi cán xẹp, một số bị bom nổ cho nát thành tương.
Tôi thấy Mã Gia Kỳ trong đoàn cứu viện, bàn tay anh còn hơi run, nhưng ánh mắt vẫn kiên định như ngày đầu. Nòng súng của anh chĩa vào tên lính Nhật đang chạy trối chết, không ngập ngừng mà kéo cò thật vững.
Tôi thấy tất cả, thấy đôi mắt anh chậm rãi nhìn kẻ thù ngã xuống, không chút cao ngạo.
Mảnh đất cuối thôn bị chiến tranh quét thành một mớ tro tàn, xác chết ngập ngụa và tiếng ai oán của người ở lại thật tang thương. Tôi cõng Đại Hắc sớm đã mất máu đến ngất xỉu theo đoàn người chạy về lán quân y. Mã Gia Kỳ đi sát phía sau tôi, trên lưng là một bé gái bị thương ở chân, bên tay là em trai nhỏ của cô bé ấy.
Lính và dân xen lẫn vào nhau, nhốn nháo, nhưng chẳng hề nhộn nhịp.
Rồi tôi nghe tiếng anh suỵt cô bé, dịu dàng như một người anh trai, rằng: “Chịu đau một tí anh mua kẹo đường cho nhé.”
Sau trận ấy, Đại Hắc vẫn sống nhăn răng. Qua kỳ nghỉ dưỡng, cậu lại chạy tung ta tung tăng khắp quân khu như được sống lại. Đại Hắc nằm đè lên người Lưu Diệu Văn, hai bên vật lộn hệt trâu đen và trâu trắng.
Một buổi tối, tôi hí hửng tường thuật dáng vẻ sắp chết tới nơi của Đại Hắc cho cả bọn nghe, toàn đội cười như được mùa.
“Quá đáng vừa thôi, sắp chết ai chả thế. Cậu lại nói cậu không lo sốt vó lên đi, cứ liên tục “Đại Hắc Đại Hắc” như thể tôi sẽ ngủm củ tỏi nếu cậu ngừng gọi ấy.”
Tôi đấm nhẹ vào bụng cậu, đành hanh bảo rằng: “Vớ vẩn, tôi nâng cao tình đồng đội thôi. Cậu mà chết trước, coi chừng giỗ mỗi năm tôi đều đào mộ cậu lên đấm cho tới khi cậu chịu tỉnh.”
“Eo ơi tà khí, tôi sợ ma lắm đó.”
“Điên.”
Mã Gia Kỳ ngồi xếp bằng một bên, cười cười nhìn tôi dứ dừ nắm đấm, ánh mắt anh chan chứa những dịu dàng khiến lòng tôi chộn rộn: “Còn anh nữa, nhìn cái gì mà nhìn?”
Gia Kỳ lắc đầu.
“Lần sau không được để anh lại, em không cho anh đối diện với quân địch thì làm sao mà tiến bộ được?”
Anh trầm giọng nói, tôi chun mũi, lại nghe Lưu Diệu Văn búng tay một cái “tách” đồng tình.
“Đúng đúng đúng đúng, anh coi thường người mới như anh Kỳ có đúng không? Nói cho anh biết, khả năng nhắm bắn của anh Kỳ siêu đỉnh luôn đấy.”
Tôi đẩy cái trán Diệu Văn, thấy miệng nó cà chép cà chép cả ngày không ngớt được, ồn ào phải biết, “Đủ người nên mới để hai người ở lại, làm ơn nghiêm túc chấp hành nhiệm vụ được giao đi.”
“Nhưng anh muốn ở bên cạnh em.” - Mã Gia Kỳ đột nhiên nói một câu như thế.
Tôi trố mắt nhìn anh, không tìm thấy nửa điểm đùa cợt. Cả bọn ồ lên, có người còn hát cả nhạc hỉ. Mã Gia Kỳ vẫn nở nụ cười bảy phần ôn nhu đối mắt với tôi, khiến tôi ngượng tới đỏ lựng mang tai, xấu hổ đánh vào đùi anh một cái.
“Nói đùa kiểu gì thế không biết.”
Lưu Diệu Văn nhại theo câu vừa rồi của tôi bằng cái tông giọng nhão nhoẹt, rồi nó lại giả vờ nghiêm chỉnh, ngồi xếp bằng như tư thế của Mã Gia Kỳ, thâm tình nhìn tôi mà nói: “Anh Hâm này, em cũng muốn ở bên cạnh anh.”
Cả bọn cười ha hả, tôi chưởng vô đầu nó một cú với nửa phần công lực, đanh thép tuyên bố:
“Loại! Anh đây không thèm cậu ở cạnh.”
-
Mã Gia Kỳ là người có tố chất cực kỳ thông minh.
Tuy anh hành động chậm, nhưng học mọi thứ rất nhanh, chỉ cần như thế thì vấn đề thời gian vẫn có thể khắc phục được. Sức khỏe anh tốt hơn, ăn uống trông mạnh dạn hơn, ngủ nghê cũng thẳng giấc hơn. Anh khác với những ngày đầu mới vào quân khu, khác hẳn, chỉ có cái bản tính dịu dàng với cả thế giới là chẳng hề đổi thay.
Quá nửa đêm nghe tiếng Lưu Diệu Văn ho khan vì lạnh, tôi vội mở mắt tính gói chăn mang qua cho thằng bé, thế mà chưa kịp làm gì đã nhận ra mình bị Mã Gia Kỳ hẫng tay trên tự bao giờ.
Tôi thấy anh đắp cái chăn mỏng của mình lên người Lưu Diệu Văn. Thấy anh ôn nhu vém chăn cho những người đồng đội còn lại đang co rúm. Thấy anh lấy bộ quần áo sờn cũ từ trong ba lô che hết mấy cái lỗ hỏng trên cửa sổ. Thấy anh rón rén và nhẹ nhàng, mỗi hành đồng đều cố hết sức không phát ra âm thanh.
Rồi... từ trong bóng tối, tôi thấy Gia Kỳ bước về phía mình, xoa nóng lòng bàn tay mới cẩn thận áp lên má tôi, mang ấm áp bao bọc khuôn mặt lạnh toát.
Tôi vờ ngủ, nhưng thấy hết, và cũng biết hết.
Cả cái việc anh cúi đầu hôn lên trán tôi như tôi từng làm với anh vào đêm hè ấy.
Chiến tranh là sống hoặc chết, là giết hoặc bị giết, là đặt tổ quốc lên cả con tim. Lý do tìm đến quân khu của tôi là vì chẳng còn nơi nào dung thân, đúng, tôi khẳng định. Nhưng sau ngần ấy thời gian, tôi bất giác nhìn nhận mọi thứ chín chắn hơn nhiều.
Tôi chẳng còn là một thằng nhóc láu cá thích ra vẻ tài ba, vì những lời khen sáo rỗng mà đến tính mạng cũng không cần. Tôi cẩn trọng hơn trong từng bước chạy, chắc chắn hơn trong từng phát súng. Mùa thu năm 19 tuổi, mọi thứ tôi làm hiện tại chỉ dành cho một tín ngưỡng duy nhất, nó mang tên “hòa bình”.
Và nếu đất nước thật sự hòa bình, thì có chăng, tôi được chân chính ngỏ lời với anh?
-
Lần thứ năm ra trận, Mã Gia Kỳ “được” giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn binh hơn ba chục người đánh lạc hướng xe tăng của địch.
Không quân của quân đội Trung Hoa lần này thả ra sáu chiếc. Tôi ngồi trên máy bay, tay ôm súng trường, chân quấn chặt vào dây hỗ trợ. Tôi cửa trái, Đại Hắc cửa phải, Diệu Văn cửa trên.
Việc của chúng tôi là bắn trực tiếp vào máy bay của giặc, bắn đến khi nào chúng rớt xuống thì thôi.
Hoặc bị chúng bắn ngược lại.
Đạn 20 ly ghim vào thân máy bay phát ra âm thanh chát chúa. Đôi cánh mỏng chao đảo như đang chực chờ rơi xuống đất từ độ cao 40 mét hơn. Tôi nghe giọng Đại Hắc đùa bỡn, rằng bọn địch xả đạn trúng đứa cầm súng thì chúng tôi chỉ chết một thôi, chứ mà trúng đứa cầm lái thì lại chết tư đấy.
Lưu Diệu Văn ngậm trong miệng một cọng rơm khô, đôi tay thô ráp bóp cò liên tục vẫn không quên thút thít: “Em sợ độ cao.”
“Khóc đi.” Tôi trêu nó.
Lưu Diệu Văn mếu máo theo lời tôi nhưng chẳng có miếng chân thật. Đoạn, nó hỏi: “Anh ở trên này bỏ người ta một mình ở dưới, bộ hết sợ rồi sao?”
“Sợ cái gì?”
Đại Hắc cao giọng: “Sợ anh ấy chết ngắc.”
Tôi nhắm ngay đầu tên phi công bên kia, bắn một phát nháy khói.
“Tôi tin Gia Kỳ.”
Đúng vậy, tôi tin anh ấy. Tin rằng Mã Gia Kỳ chẳng phải một gã yếu đuối cần tôi hỗ trợ suốt cuộc đời. Tin rằng Mã Gia Kỳ có thể chiến đấu bằng tất cả khả năng anh ấy có mà không cần tôi phải ở cạnh. Tôi tin Mã Gia Kỳ, anh đến đây không phải để chờ người khác trả thù nhà cho anh.
Tất nhiên, anh ấy đủ bản lĩnh.
Tôi nhìn thấy rồi, tất thảy những gì Gia Kỳ muốn chứng minh, tôi đều nhìn thấy rồi.
Dưới mặt trận hỗn loạn toàn bom mìn và khói lửa, Mã Gia Kỳ dồn sức ném quả lựu đã tháo chốt vào xe tăng của giặc. Nó không khiến cái xe kiên cố ấy vỡ nát, nhưng chắc chắn người cầm lái sẽ chẳng vẹn nguyên. Mũi xe tăng lõm vào trong, hai bên răng bánh thụng xuống lệch khỏi quỹ đạo xoay, con voi đen cứ thế đâm khỏi lề đường chẳng khởi động được.
Bộ binh của bên tôi đánh giáp lá cà, không có súng thì giáo mác, không giáo mác thì đá, gạch. Dáng vẻ cái gì cũng chẳng màng của họ khiến lòng tôi nôn nao và chuếnh choáng.
Có lẽ trước nay ở dưới, tôi cũng bán mạng như thế này.
Cũng có lẽ, tổ quốc là nguyên nhân khiến chúng tôi chẳng biết chữ “lùi” viết như thế nào nữa.
Một lần nhìn xuống, tôi thấy Mã Gia Kỳ chẳng thèm cúi người, anh chạy thẳng băng một đường đến bên cậu đồng đội bị địch bắn trúng, mang người ấy xuyên qua mưa đạn núp vào bụi rậm.
Thêm một lần nữa, tôi thấy anh nhanh nhẹn đá bay quả lựu đã tháo chốt do bọn giặc ném qua nhưng chưa kịp phát nổ.
Lại một lần nữa, lần chót, tôi thấy anh đang ngẩng đầu lên trời, như muốn tìm kiếm điều gì đó.
Trận chiến kéo dài ba tiếng hơn, cát đá và gió bụi bay mịt mù. Không quân của giặc bị hạ hơn nửa, bộ binh thức thời đã rút về từ lâu. Hai bên tạm ngưng chiến. Trực thăng đáp xuống cánh đồng hoang, tôi gấp gáp chạy ngược lên đường lớn. Đồng đội chào đón chúng tôi bằng những tràng hú hét. Tiểu đội tôi trận ấy chẳng hy sinh, thế là đủ vui rồi.
Đêm đến, sương lạnh giăng khắp lối.
Tiểu đội ngồi quay quần bên ngọn lửa ấm, tâm sự đủ thứ chuyện trên đời, chẳng ai bận tâm đến việc tôi và Gia Kỳ đã lặng lẽ tách riêng.
Anh ngồi hơi ngả lưng, chống hai tay ra phía sau để trụ vững. Tôi lơ ngơ ngồi cạnh anh, ngắm trăng ngắm sao cho bớt ngại ngùng. Rồi giọng anh vang lên khe khẽ, rằng: “Trăng đêm nay thật đẹp.”
Tôi ngờ ngợ, chỉ bằng cái lưỡi liềm thì đẹp nỗi gì?
“Hửm?”
Mã Gia Kỳ cười cười, nhìn vào mắt tôi lặp lại câu anh vừa nói: “Trăng đêm nay thật đẹp.”
“Sao nhỉ? Em lại thấy mấy ngôi sao còn đẹp hơn ấy chứ, anh nhìn xem...”
Tôi đưa ngón trỏ chỉ lên ngôi sao sáng nhất trên nền trời, nhưng thay vì nhìn theo, anh lại lựa chọn bắt lấy ngón tay tôi, sau đó lật người áp sát hai cơ thể vào nhau.
“Em có biết câu anh vừa nói có nghĩa là gì không?”
Tôi lắc đầu, thấy con tim đập từng nhịp bồi hồi.
“Theo một tờ báo Nhật, “trăng đêm nay thật đẹp” còn có ý nghĩa khác nữa, đó là...”
Anh kéo dài, tỏ ra thật thần bí. Tôi trông đợi nhìn thẳng vào mắt anh, thấy thời gian như đang ngưng trệ: “Là gì?”
“... Là, anh rất yêu em.”
“Mã Gia Kỳ.”
Đêm đông năm 1938, tôi và Mã Gia Kỳ đã có nụ hôn đầu tiên, rồi thứ hai, thứ ba, triền miên như thể xung quanh chẳng điều gì đáng phải bận tâm đến. Tôi gọi tên anh giữa cái siết môi ngọt lịm, đáp lại tôi là một chữ “ừm” thật vững vàng, như nói rằng, “anh đây”.
“Đinh Trình Hâm, anh yêu em.”
“Mã Gia Kỳ, trăng đêm nay thật đẹp.”
-
Tôi và Mã Gia Kỳ bên nhau một năm trời, vai kề vai, súng hợp súng, vừa vặn như Karlist và Tochnost, ngạo nghễ với lời khen của bao người rằng chúng tôi chính là “liên thủ cường cường”.
Cuối năm 1939, liên minh quân đội Đức và Liên Xô hỗ trợ mạnh mẽ cho Trung Hoa, tạm xem như thành công đẩy lùi Lục quân Đế quốc Nhật Bản rút khỏi Trùng Khánh. Chúng tôi có kì nghỉ phép đầu tiên, bốn ngày, cho những đứa con xa quê kịp về thăm nhà. Cố nhiên, để tránh trường hợp bị tập kích, nhà nước chẳng đần độn đến mức cho tất cả binh lính nghỉ cùng lúc.
Tôi ở lại quân khu, Gia Kỳ cũng thế. Căn bản, hai chúng tôi chẳng còn nơi nào để về. Lưu Diệu Văn là người cuối cùng trong tiểu đội ôm hành lý lên, nó nhìn hai chúng tôi bằng đôi mắt ý vị thâm trường, cười khanh khách nói “chúc vui vẻ” rồi mất hút sau cánh cửa hỏng.
Lời chúc thành sự thật.
Tối hôm ấy, Gia Kỳ và tôi có lần làm tình đầu tiên.
Giữa những cú thúc nửa chiếm hữu nửa dịu dàng của anh, tôi chỉ có thể nỉ non mấy câu vô nghĩa. Bàn tay chúng tôi đan lấy nhau, ngón áp út siết chặt ngón áp út, mãi chẳng chia lìa. Cuộc yêu là những gì nguyên thủy và chân thật nhất, anh ôm tôi, gầm gừ, lưu luyến. Chúng tôi gọi tên nhau vào đỉnh điểm cao trào, với những nụ hôn vụn vỡ ngây dại.
Tôi tỉnh dậy trong vòng tay anh, trên chiếc giường quân đội vốn chỉ dành cho một nằm. Đó là buổi sáng yên bình nhất, với tiếng chim líu ríu, màu sương dịu nhẹ và câu nói “Thân ái, ngày mới tốt lành” của Mã Gia Kỳ.
Bình minh lên, chúng tôi lặng lẽ ngồi bên nhau.
Gia Kỳ vu vơ mấy câu hát nhỏ nhặt, tôi thích lắm, hỏi anh rằng: “Hát cái gì đó cho em nghe được không, tiếng nước ngoài ấy?”
Anh cưng chiều gật đầu, chậm rãi hát lên một giai điệu thiết tha nào đó.
“... Una mattina mi son alzato,
O bella ciao, bella ciao, bella ciao ciao ciao!
Una mattina mi son alzato,
E ho trovato l’invasor.
O partigiano portami via,
O bella ciao, bella ciao, bella ciao ciao ciao!
O partigiano portami via,
Che mi sento di morir...”
Tôi sờ cằm anh, mấy sợi râu lún phún đâm vào đầu ngón tay: “Ý nghĩa của nó là gì?”
Gia Kỳ hôn tôi, cái chạm môi dịu dàng như cánh bướm.
“Là đôi lời gửi gắm đến tình yêu, viết bởi những người lính Ý.”
“Lời ca có vui không?” - Tôi lại hỏi.
“Vui, câu cuối bài là khoảnh khắc họ ôm lấy nhau giữa ngày non nước hòa bình.”
Tôi cười xòa, bảo anh hát lại đi, mình muốn nghe mãi.
-
Điều khiến tôi bất ngờ ấy là lệnh khẩn về một trận sống còn sau bốn ngày yên lành nghỉ phép.
Tất cả binh lính trở lại quân khu ngay trong đêm, loa phát thanh truyền khi khắp nơi, hối hả như thác và lũ.
Tiểu đội chúng tôi cùng một tiểu đội khác, hơn năm mươi người, cuống quýt chạy từ bìa rừng vào giữa rừng, vừa chạy vừa nấp, vừa thủ vừa công. Tôi và Mã Gia Kỳ sóng vai nhau, vượt qua bom đạn, đối đầu với cái chết.
Chúng tôi chính là một cặp bài trùng, là song phương, là cùng tiến lên phía trước.
Bom đạn của bọn giặc xả như mưa trút, đồng đội chết càng lúc càng nhiều, tình hình chẳng mấy khả quan. Lưu Diệu Văn gắt gỏng với cái vai thấm máu, Đại Hắc loay hoay với quả lựu chẳng chịu nhả chốt an toàn. Tôi nhảy khỏi mỏm đá, lôi hai người đồng đội bị thương nhưng chưa chết vào trong.
Lần này quân đội Nhật Bản tập trung rất mạnh, liên minh quân đội Đức và Liên Xô còn chưa kịp đến, chỉ riêng Trung Hoa thì hiển nhiên không thể đối kháng.
Một cơn bão đạn quét qua, tôi chẳng thể tránh hết, vai phải nhanh chóng bị ghim vào hai viên bỏng rát. Cảm giác nhức nhói bùng nổ, tôi chỉ có thể nén lại cơn đau rồi nấp vào mỏm đá cao. Máu từ trên vai đổ xuống, ào ạt, thốn đến tận óc. Mã Gia Kỳ vội vàng chạy đến bên tôi, anh xé toang phần vai áo, thấy giữa vai là hai viên đạn sắt lạnh lùng.
“Ở yên trong này cho anh.”
“Cẩn thận...”
Tôi thều thào, ráng gượng không cho đôi mắt khép lại.
Mã Gia Kỳ nhắm bắn ở khu vực xung quanh tôi, để chắc chắn rằng quân địch không thể chạm tới một tên lính Trung vẫn có thể thoi thóp. Anh mạnh mẽ xoáy đạn vào những kẻ cướp nước, mồ hôi tua tủa, quần áo bám đầy bùn đất, hơi thở nặng nề, lại chẳng than thở một câu nào.
Chiến tranh gắn liền với những cái chết.
Giữa khoảnh khắc đến việc thở còn chẳng thể nhớ như thế này, con người ta có đủ thời gian để nghĩ về chết chóc không?
Chúng tôi ít khi hỏi nhau rằng, “Cậu có sợ chết không?” hoặc “Anh nghĩ sao nếu bị giết?” Ôi chao, những câu hỏi vô vị. “Chết đi” chẳng có gì là đáng sợ, tôi nghĩ vậy, chỉ có “cái chết” mới là thứ đáng để lưu tâm thôi. Người ta khi chết đi rồi, nghĩa là đã giải thoát, đã chẳng còn biết gì nữa. Nhưng người ở lại, sẽ vì cái chết của người đã khuất mà âm ỉ mãi.
Một đêm trăng tròn, Mã Gia Kỳ ôm lấy tôi và hỏi rằng: “Em đừng xa anh có được không?”
Tôi chẳng chút bận tâm trả lời anh: “Tất nhiên, sẽ cùng anh đi đến tận cùng chân trời.”
Mã Gia Kỳ và Đinh Trình Hâm, chẳng thể bẻ ra làm đôi.
Cuộc chiến đi đến hồi kết thúc, khi lính hai bên đã chết như ngã rạ và đất đá thì bị bom đạn thổi cho tan tác cả lên.
Gia Kỳ xốc tôi lên vai, từ giữa rừng chạy về quân khu, chẳng giây nào ngừng lại.
“Gia Kỳ...”
“Ừm.”
Tôi rúc vào hõm cổ của anh, nũng nịu.
“Dỗ em đi.”
Anh vẫn chạy mải miết nhưng không quên nhẹ giọng dỗ tôi: “Chịu đau một tí anh mua kẹo đường cho nhé.”
“Kẹo đường”, tôi nào phải con nít, biết thế nhưng anh vẫn xem tôi là con nít. Đinh Trình Hâm lớn rồi, tôi là quân nhân, mang trên vai trách nhiệm bảo vệ người dân và lý tưởng của đế chế cộng hòa. Tôi biết yêu, yêu Trung Hoa và yêu anh ấy.
“Không cần kẹo, em muốn anh hôn em.”
-
Chỉ là hai viên đạn cắm thẳng vào vai, không nguy hiểm đến tính mạng và tôi cũng biết mình đâu có dễ chết như thế. Nhưng rồi nghiệt ngã ập đến, khí hậu khắc nghiệt khiến binh sĩ mang thương tích bị sốt rét hành hạ, những cơn sốt rét kéo dài liên miên, tôi lơ ngơ trên giường bệnh, thấy người ta hối hả khiêng xác người chạy ra chạy vào.
Âm thanh bom đạn ngoài xa vọng vào quân doanh, nghe điều dưỡng nói hôm nay lại thêm một trận nữa, từ sáng tới giờ rồi. Mã Gia Kỳ chẳng ở đây, tôi ngầm hiểu, anh lại đang lăn lộn trên chiến trường đấy.
Bên kia giường bệnh, Đại Hắc lú đầu ngồi dậy. Tôi và cậu nhìn nhau, không nhịn được tiếng thở dài.
“Bị thương ở đâu đấy?”
“Sát cái cẳng giữa.”
Tôi hoảng sợ giùm cho cậu, chậm chạp nói: “Tí thì đi tông dòng dõi.”
“Không lo cho mình đi, dòng dõi nhà cậu đang bắn đùng đùng ở ngoài kia kìa.”
“Thì ừ, nhưng tôi tin Gia Kỳ, một lát anh ấy sẽ về với tôi thôi.”
Không để tôi chờ lâu, Mã Gia Kỳ từ ngoài lều gấp rút chạy vào ngay sau khi tôi dứt lời. Đại Hắc vờ buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài liền nằm xuống. Tôi cười cong mắt, để mình rơi vào vòng tay ấm áp của anh.
“Vai sao rồi?”
“Có sao đâu, chắc khi nào hết sốt lại được thả về với anh ấy mà.”
Bỗng chốc, Mã Gia Kỳ chững lại. Tôi ngờ ngợ, vuốt má anh hỏi han: “Sao vậy, không muốn em hết bệnh hả?”
Anh lắc đầu, nói tất nhiên là muốn tôi nhanh khỏe. Nhưng cái sự hụt hẫng lẫn bối rối của anh khiến tôi phải gặng hỏi cho bằng được. Sau một hồi, anh mới bảo rằng tôi sẽ chẳng về quân khu nữa đâu. Sáng mai, tất cả binh lính bị sốt rét sẽ được đưa thẳng lên bệnh viện chữa trị, nơi này không đủ điều kiện nữa.
Tôi lặng người.
Nhưng rồi, anh lại hào hứng nói với tôi: “Khi nào em khỏe lại bị bắt về quân khu ấy mà, anh ở đây chờ em, nhé! Đừng đi lâu quá, có được không?”
Cũng còn cách nào khác đâu, tôi chỉ có thể gật đầu.
-
Buổi sáng khi tôi rời đi, Mã Gia Kỳ qua lán quân y từ sớm. Anh ngồi bên giường bệnh, giữa lúc tôi mơ màng đặt lên môi tôi một nụ hôn nhẹ tênh. Rồi anh lại hát, mấy lời vụn vặt, âm thanh nhỏ xíu, lúc ngân lúc trầm. Tôi ước gì thời gian ngừng lại, để mình nghe thấy giọng anh mãi, giấu vào tim, chẳng thể xa rời.
Đoàn xe lăn bánh khi bình minh lấm loét, nền trời nhạt màu và sương mai còn đọng lại. Tôi tìm thấy bóng hình người thương trong đoàn quân tiễn biệt, đôi mắt chạm nhau, ngỡ như thắt chặt. Bàn tay anh đưa lên thái dương, kiêu hãnh, kiên cường. Đôi môi anh khẽ động, tôi biết, anh vừa nói hai chữ “bella, ciao”.
Đáp lại, tôi thầm thì: “Chào anh, thân ái của em.”
-
Lần tiễn biệt đấy đẩy chúng tôi thành hai ngã.
Những trận chiến vẫn liên miên, đồng thời các tỉnh thành khác bắt đầu bị quân Nhật tấn công dữ dội. Đầu 1940, sau khi thương tích lành lặn, những binh sĩ bị chuyển từ lán quân y lên bệnh viện tỉnh được điều vào quân doanh khác. Chúng tôi lên xe chuyên dụng đưa thẳng ra Trường Sa, súng đạn cắp lên chuẩn bị cho một cuộc chiến tàn khốc mới.
Lời hứa trở về doanh khu cùng anh chiến đấu rơi vào ngõ cụt.
Tôi gửi thư, kể cho anh nghe về tình hình bên mình. Lá thư chông chênh, đi từ đầu xuân đến cuối hạ mới nhận được lời hồi đáp. Đơn giản, anh nói anh đã biết rồi. Kêu tôi giữ gìn sức khỏe, ăn no, ngủ đủ giấc, hôm nào trăng rằm hai đứa hai nơi nhưng vẫn có thể cùng ngắm trăng. Cuối dòng, anh nắn nót hai chữ “yêu em” như một lời khẳng định. Và thay cho chữ ký, ấy là câu nói quen thuộc “bella, ciao”.
Tôi miết nhẹ bức thư cho thẳng thớm, đem kẹp sâu vào quyển sách anh tặng. Đại Hắc tò mò muốn giành lấy, tôi hung hăng thảy cho cậu một cái nhìn đầy cảnh cáo.
“Gì căng? Thư anh Kỳ gửi à?”
“Biết còn hỏi làm gì?”
“Thắc mắc tí thôi, mấy người yêu nhau đáng ghét quá.”
Rồi cậu lủng lẳng quay đi, để lại tiếng “hừ” đầy giận dỗi.
-
Chúng tôi tiếp tục chạy đua với guồng quay của cách mạng. Thư tay ba tháng gửi một lần, sáu tháng nhận một lá.
Ba mùa xuân đi qua, năm 1944, chúng tôi nhận lấy một tin tốt rằng tình hình Lục quân Đế quốc Nhật Bản đang biến động, có lẽ sẽ sớm rút về nước. Chỉ cần như thế, Trung Quốc hòa bình, và khi ấy chẳng còn gì khiến đôi chim trắng lạc mất nhau nữa.
Trong thư của tôi, tôi nói rằng mình đã sắp xếp một mảnh vườn giá rẻ bên này rồi, tiền trợ cấp ra quân sẽ đủ để mua nó. Trong thư của Gia Kỳ, anh chỉ đề đúng một dòng duy nhất, với nét chữ như đang vội vàng.
“Ngày giải phóng, chờ anh ở sân ga.”
-
Ngày 9 tháng 9 năm 1945, liên minh quân đội Trung Quốc phòng thủ thành công, Đế quốc Nhật Bản chính thức rút về nước.
Tiếng còi tàu vang lên giữa những ồn ào và rạo rực, người người chen lấn nhau trên sân ga đông đúc. Tôi giơ cao quyển sách anh tặng, mong chờ chủ nhân cũ của nó sẽ nhìn thấy để bước về phía mình, nhưng chờ mãi chẳng thấy người đâu.
Hoàng hôn buông tự bao giờ, cái nhộn nhịp kéo đi đâu mất, chỉ lưa thưa vài kẻ đợi chờ trong vô vọng như tôi ở lại.
Chuyến tàu hỏa cuối cùng mở cửa, từng tốp người ồ ạt bước ra.
Tôi trông ngóng mãi một dáng người dong dỏng cao, nở nụ cười hiền lành rồi bước đến ôm tôi vào lòng.
Thế rồi, cuối cùng sân ga chẳng còn ai cả, và người ấy cũng đã biệt tăm.
Phút giây ga tàu chỉ còn lại bản thân, tôi chẳng thể làm gì ngoài việc ngồi thụp xuống đất bật khóc. Quyển sách cũ rơi xuống kêu lộc cộc, mấy lá thư vương vãi sàn. Bầu trời chạng vạng sáu giờ rưỡi chiều, nắng mất hút, mây đen phủ kín mảnh trăng.
Nước mắt tôi lã chã. Tim gan như bị bóp nghẽn. Thế giới chẳng có tiếng động. Và tôi cũng đang chết dần.
“Ngày giải phóng, chờ anh ở sân ga.”
Tôi gào tên anh, như hóa dại.
Bảo em chờ nhưng anh chẳng đến.
Mã Gia Kỳ, anh mau đến dỗ em đi.
Ngày 9 tháng 9 năm 1945. Nhật Bản rút quân về nước, Trung Quốc giành lại hòa bình.
“Hòa bình”, nhưng tôi chẳng thể chân chính ngỏ lời với anh.
Trên đài phát thanh là giai điệu quen thuộc. Tôi bịt tai lại, nước mắt mặn đắng như xát vào vết thương, lở ra thêm, lại lở ra thêm, cái vết thương chẳng bao giờ lành.
“... Một buổi sáng, lúc bình minh lên.
Chào em, thân ái của tôi!
Một buổi sáng, lúc bình minh lên.
Và ra chiến trận chống quân thù.
Cách mạng mang tôi rời khỏi đây.
Chào em, thân ái của tôi!
Cách mạng mang tôi rời khỏi đây.
Tôi sắp phải xa em thật rồi...”
Đến mãi sau này tôi mới biết, câu hát cuối cùng nào phải khoảnh khắc tìm thấy người yêu đâu. Mã Gia Kỳ, anh biết mà, câu hát ấy phải là “đã ngã xuống vì tự do và độc lập”.
-
“Ngày giải phóng, chờ anh ở sân ga.”
Tôi tự xoa lấy bờ vai mình, qua ngày giải phóng đã ba năm rồi, anh lại muốn em chờ đến khi nào đây?
Nước mắt tôi cạn khô, con ngươi đỏ ửng, cơ thể tôi gầy gọc đi nhiều, mấy lần Đại Hắc gặp tôi đều mắng đến thậm tệ.
Chiều mùa hạ ảm đạm và rả rích, như ngày đầu chúng tôi gặp nhau. Tôi nhớ mãi nụ cười của Mã Gia Kỳ, nhớ giọng nói đầy cưng chiều của anh, cả những cái xoa đầu và mấy nụ hôn vụn vỡ. Tôi đến doanh khu trước anh ba năm, xa nhau năm năm, đến bây giờ lại chờ anh thêm ba năm, chỉ thấy con tim đỏ hỏn ngày càng nát ngấu.
Nếu có anh ở đây thì tốt biết mấy, có chăng anh sẽ ghì chặt tôi, suỵt lấy suỵt để mấy câu yêu thương dỗ dành.
Đã hứa là chúng mình chẳng thể bẻ ra làm đôi.
Đã hứa rằng ngày giải phóng anh trở về.
Mã Gia Kỳ, anh đã hứa rồi, sao anh lại không thực hiện?
Tôi co ro trên hàng ghế bên sân ga buồn.
Một đứa bé bước đến bên tôi, đưa bàn tay nhỏ xíu ra chạm lên những giọt nước mắt mềm yếu, em nói rằng: “Anh ơi, đừng khóc nữa, chú kia bảo anh chờ một chút chú sẽ mua kẹo đường mang đến.”
Tôi ngờ vực nhìn cậu bé chạy đi, trên tay thằng nhóc là cây kẹo đường ngọt lịm.
Hơi thở nghẹn ngào từ sau lưng bao lấy tôi, quân hàm với hai ngôi sao đỉnh lên bờ vai gầy, tôi thấy mình chết lặng trong vòng tay quen thuộc.
Chủ nhân cũ của quyển sách tìm thấy nó rồi.
“Chào em, thân ái của anh... để em phải đợi lâu rồi.”
- Hết -
Tiểu dẫn: Trích “Nhật đánh phủ đầu Trung Quốc” &feature=share
Tài liệu tham khảo: Chiến tranh Trung - Nhật (Wiki).
Bài hát chủ đề: “Bella, ciao!”, biên lời bởi lính Ý trong khoảng thời gian 1943 - 1945.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro