1.

[1 9 6 0 s]

Bầu trời không một gợn mây. Màu xanh đằm của nó trông sâu hoắm như mấy cái hố trốn bom, mà mỗi sáng, các gia đình thường dậy sớm múc nước đổ đi. Việc quen thuộc ấy mà. Họ làm xong mới trở vào nhà gọi con cái dậy. Cuối đường có một cây bằng lăng ra hoa màu hồng, bấy giờ, hoa của cây chưa đến dịp phải nở. Cho nên mới thấy là cây cũng xanh như bầu trời màu xanh. Nhưng sắc tố của lá trông lại rạng rỡ, sẫm hơn cái bảng màu đơn trên cao kia. Con phố này làm sao mà lại hiu vắng tới thế. Người ta đoán do cây làm dân buồn, mà dân thì đi đâu hết, hình như họ không thích cái vẻ sừng sững của thân bằng lăng, trông lúc nào cũng rất tràn trề sức sống. Họ đang trải qua những gì, cây chẳng hiểu cho họ, còn cứ vươn lên uy nga như thế.

-----------------

Ở giữa lòng thủ đô ta có một cái hồ, tên gọi hồ Hoàn Kiếm. Các thanh niên coi đó là nơi hẹn hò thú vị nhất. Chẳng lấy đâu xa, lạ gì cái đám công tử nhà giàu chiều chiều đóng áo vest, lái những chiếc Lambretta nối đít thành nhóm, ca hát rầm rộ một vài giờ đồng hồ nhằm thu hút sự chú ý từ các cô nàng tóc dài. Mỗi cuối tuần, chỉ cần nghe thoảng qua thanh âm gầm gừ của đôi ba khung sắt biết đi là các nàng nhà gần hồ đã náo loạn lên. Từ sáng sớm, họ quyết chí làm cho xong việc to việc bé, tính thì giờ bôi dầu dừa lên nếp tóc rồi mặc cái gì đẹp nhất mà họ có được trong tủ, chạy ra ngoài ấy phô khoe với các chàng. Không ai trách. Thi thoảng mấy ông bà cũng nhẩm miệng khen tụi nó thấy mà thích mắt. Thanh niên Thủ đô, cứ phải nô nức lên, giỡn cười, lạc quan lên. Nếu mà có cô nào may mắn lọt vào mắt xanh của một anh công tử để rồi đổi cái đời, thì bạn bè lại mừng cho không hết. Sống ở cái thời đại này, giàu lên cũng là cách làm đỡ đi bấy nhiêu sự xui xẻo rầu rĩ rồi.

Gió man mác thổi loanh quanh. Vẻ xanh rờn của trời cũng dần dịu dàng bớt lại. Một chuyến xe tàu điện leng keng báo hiệu từ xa, chuẩn bị chạy ngang phần đường đông nghịt người bước chân. Anh Kỳ đang đi đâu trông rất vội. Trên người anh là một bộ đồ lem nhem toàn màu gì ngó lạ lùng. Nhìn thoạt qua, thấy chúng kéo thành những vệt dài như có người quái gở nào sơn lên quần áo.

- Tình hình! Rất là tình hình, cô ơi, cho qua!

Mồm miệng gì đâu mà cứ hô toác cả phố. Có khác nào cái loa mọc chân. Người xung quanh nghe thấy cũng nhanh gọn rạt cả thành hai phía. Lướt qua đầu toa tàu, Kỳ vẫn còn kịp giơ ngón trỏ chỉ về phía người mặc đồng phục xanh ngồi sau miếng nhựa kính hình chữ nhật. Người ta nhổm cả dậy, hốt hoảng, xong lại bật cười. Trời, cứ tưởng có đứa tính gây sự. Hóa ra là cái thằng công nhân ấy.

- Anh Hoan gặp mình giữa phố nhá! Tối nay Hoan kho cá!

Người lái tàu nghển cổ ra ngoài, đáp lại theo tiếng gió:

- Biết rồi nói nhiều quá! Tập trung chú ý đường cẩn thận!

Chuyện là Hoan dạo này không phải chịu trách nhiệm nấu cơm. Cả dãy trọ lập mưu kế đưa Hoan vào bẫy từ lâu rồi. Tối đến là không thấy mặt, anh ta toàn đi ăn cơm đơn vị. Từ ngày được vào làm trong Nhà máy tàu điện, anh ta có thèm về với mấy đứa em cùng xóm nữa đâu. Bây giờ Hoan mà đụng mặt đứa nào trong giờ lái, đứa đó có quyền bắt Hoan nấu cá.

- Tôi có đồng ý đâu mà mấy chú vui.

- Anh Hoan dám nói không à? Em gửi thư cho bà nhà anh biết về...

- Được rồi! Mình xin lỗi chú nhé! Chú đừng làm như thế tội nghiệp mình! Vậy thì chơi!

- Ha ha ha, đấy thấy chưa, các cậu trông thấy chưa... – Quốc nhỏ tuổi nhất, cười sang sảng, ngã lăn cả vào bức tường gạch – Em bảo rồi, ông anh này sập bẫy dễ ợt.

- Tôi lái tàu vào giờ mấy chú đi làm cả, còn lâu mới chạm mặt nhé! Lêu lêu.

Hoan tin chắc trong lòng là thế. Nhưng Kỳ lại thắng ván cược này mất rồi còn đâu. Món cá anh bạn Hoan nấu là ngon nhất cả xóm trọ, đứa nào cũng thèm được ăn. Bảo anh truyền công thức thì lại cứ giấu đi. May mà lúc đó Kỳ đã chạy ngang tàu Hoan lái.

Cuối cùng cũng đến nơi. Kỳ đẩy cánh cửa gỗ mục nát bằng khuỷu tay phải, ho húng hắng vài cái, đoạn nheo mắt xung quanh một lượt. Không có ai...? Đang lúc anh hoang mang định cất tiếng hỏi thật to thì có bóng người bước ra từ phía sâu bên trong.

Không có nhiều người đàn ông mang bụng béo ở thời điểm này, Hà Nội đang rất lắm thứ việc. Còn lạ lùng hơn nữa khi ông ta diện một áo màu đỏ. Cái ấy làm anh tự dưng thấy lo lắng trong bụng dạ. Anh chào ông ta thật rõ ràng, điệu bộ lảnh lót và khôi hài, dù đó chẳng vốn phải là anh. Sau đó chiếc ba lô to ù ụ được gỡ xuống, anh ngồi xổm trên sàn nhà bụi trắng mờ bắt đầu đếm số:

- Một, hai, ba,..., ba mươi tám. Tôi mang cho ông Nghiêm đủ ba mươi tám con thú bông vải. Mời ông xem...

- Tôi đã thấy. Nhưng này, muộn quá! Bây giờ mới mang qua thì nói làm gì!

Cái áo đỏ hóa ra lại là phần trên của áo dài. Ban nãy góc ông Nghiêm đứng tối quá, Kỳ lại đang hoa mắt chóng mặt nên trông không rõ. Anh đứng bật dậy, túm lấy vạt áo ông rồi liến thoắng:

- Ông Nghiêm ơi, tôi cũng phải đi làm mà! Ông xem người tôi dính đầy dầu, tôi chạy qua đường suýt thì bị xe điện cán, đã thế lái tàu còn quát nạt tôi. Người ta đi xe bò thì cũng mặc kệ tôi. Tôi còn cứ tưởng lúc ấy bị lạc đâu một bên dép mất rồi. May quá, người ngợm vẫn lành lặn chạy được đến tận đây, trịnh trọng gửi cho ông ba mươi tám sản phẩm!

Mặt người đàn ông méo xệ đi, hình như là cả cuộc đời sáu mươi lăm năm chưa từng thấy thằng nào bốc phét giỏi như cái thằng này.

- Cậu... cậu nói chậm thôi, già rồi đau đầu...

- Vâng, ông Nghiêm nhận hàng cho tôi đi!

- Nhận, nhận. Be bé mồm lại, cậu làm tôi nhức thái dương!

Thế là anh Kỳ sung sướng lắm, nhảy cẫng lên bằng cả hai chân. Cái sàn nhà cũ kỹ suýt chút nữa thủng một lỗ vì sức lực trai trẻ của anh.

Trong lúc ông Nghiêm kiểm tra lại một lần nữa số lượng búp bê, anh đi loanh quanh căn nhà gỗ bỏ hoang, rồi anh ngắm từng chút. Chỗ này gần như không có mái, ở cuối gian có một đoạn bê tông còn sót lại, lòi cả thanh ruột ra. Coi như nó là cái trần, cũng là phần mái nhà duy nhất. Chắc những người vô gia cư sẽ vào ngủ trong đây khi đêm xuống, anh nghĩ thầm. Chắc là bom đợt nào đã làm chốn này thành ra vỡ lở tan tành, chứ làm sao ông đốc lý ngày xưa chịu để thành phố tồn tại mấy cái nhà tự đẻ ra đã xấu xí thế này được.

- Con trai, tôi về đây. – ông Nghiêm lên tiếng sau một quãng, kéo anh Kỳ chạy lại gần.

- Vậy tôi sẽ nhận tiền từ ai?

- Cậu về gặp chính chỗ đưa hàng, họ tự khắc có xác nhận. Miễn là xác nhận rồi thì cậu được trả công thôi. Tôi phải đi kẻo quá giờ. Gió chiều xuống độc hại không tốt cho cậu chủ. Thôi, đi nhé!

- Vâng, tôi cảm ơn. Ông cẩn thận kẻo rách ba lô!

- Rồi, rồi.

Một lát sau Kỳ mới quyết định đi ra. Có chiếc ô tô màu đen mang hình thù như miếng pho mát của người Ý đang đỗ ngay trước vỉa hè đối diện. Ông Nghiêm chưa đi về mà còn đang lau phần mông xe bằng chiếc khăn vải to sụ. Anh cứ tưởng ông lo lắng giờ giấc gì đó cơ mà nhỉ. 

Ánh mắt chàng trai tò mò đưa vào phía nội thất bên trong. Bấy giờ, đa phần dân đi xe đạp, xích lô, xe điện,... Xe khách chở người đi xa, và xe bò dùng để chở đồ. Thi thoảng lắm mới có một chiếc ô tô. Mà chủ yếu cũng là ô tô công vụ. Ai đi qua cũng xuýt xoa trước chiếc xe đen láy. Nhưng về phần mình, Kỳ bị thu hút bởi người đang ngồi ở ghế sau hơn.

Cửa kính mờ mờ đột nhiên hạ dần xuống. Người nọ cũng nhìn thẳng vào mắt anh.

Chàng trai ngồi đó trông như một thiếu niên, với tấm lưng duỗi thẳng và chiếc áo sơ mi trắng tinh có cổ tam giác cài kín nút, đeo thêm cà vạt màu đen tuyền ngay giữa, trên đôi vai khoác hờ một tấm áo dạ màu lông chó – Kỳ đặc tả vậy.

Cậu ta nhìn vào mắt anh. Anh nhìn lại. Lúc đầu anh định quay đi vì thói quen tránh dây dưa với nhà giàu. Nhưng rồi cậu mỉm cười. Họ nhìn nhau như hai con người quằn quại quái đản giữa đường phố thị gần lúc mặt trời lặn. Đây là "cậu chủ" ư? Nhưng anh còn đang bận suy nghĩ vơ vẩn thì ô tô đã bị ông Nghiêm lái đi mất tiêu.

Gương mặt cậu con trai ấy thực là thanh tú đến nao lòng.

Tối đó, Kỳ ăn cá trong trầm tư. Anh nhận tiền rồi nhưng còn chưa buồn lấy ra đếm. Cả đám thanh niên choai choai hát vang xóm trọ với mấy ca rượu đểu và nồi cá kho cháy cạnh thơm nức mũi. Kỳ vốn không tham gia kể chuyện hão bao giờ, nên chẳng ai thèm đả động đến anh. Mặc anh ngồi im lặng đi. Thực ra, Kỳ ít nói hơn tất cả những người bạn còn lại ở đây.

- Này Quốc, liệu cậu có biết... họ Trịnh sinh bao nhiêu đứa con không?

- Em không? Anh tôi lại đi hỏi gì lạ thế? – cậu Quốc nốc một hơi hết ly rượu đặt trên chiếu. Tấm chiếu 1 mét vuông rách lổm chổm đủ để hai anh em đặt mông. Cậu xoa nóng tay, vỗ lưng người bạn trọ lớn hơn mình vài tuổi – Ngoài việc nhà họ nhiều tiền ra thì biết gì hơn được hả anh.

- Cậu say rồi à? – Kỳ rót thêm.

- Anh ơi, một phần rượu trộn chín phần nước lã, say thế nào nổi!

- Ừ nhỉ, tôi buồn cười thật đấy, lại quên mất.

Chính Quốc mới ợ một hơi, tay gắp miếng gừng bỏ vào miệng nhai cho đã rồi nhả đi. Cậu em nhìn mép anh, chép miệng một cái. Trông cái tướng mặt Quốc có đôi mắt to tròn long lanh lúc nào cũng như khóc.

- Anh Kỳ, chẳng biết lắm tiền như họ, con cái có sang Tây luôn không? Chứ như chúng mình sớm hay muộn cũng phải đi xung phong thôi.

Kỳ không đáp lời. Cả tối hôm ấy, anh ngủ say trong một hơi rượu nhạt, một dòng suy nghĩ đẹp về hình ảnh cậu con họ Trịnh mỉm cười thật hiền khi ngồi trong chiếc xế sang.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro