10.
Những ngày sau đó, xóm trọ nghèo vẫn ai làm việc người nấy. Kẻ đi học, đi làm, cứ đi. Người ở nhà thì chăm con và thu vén cuộc sống sinh hoạt thấp thỏm thiếu thốn. Mấy bận, chị Lan không còn thấy cô đơn vì Hân thường đến thăm. Cô rất được lòng hai đứa trẻ. Cũng có lúc cô nhìn các cháu nằm ngủ trưa mà mỉm cười âu yếm. Nghĩ bụng, mai này nhất định sẽ hạ sinh cho chồng Hoan mấy đứa nhóc thật là khỏe mạnh, duyên dáng và đáng yêu.
Hôm ấy bắt đầu mưa chính đông. Thời tiết xấu quá khiến cho lòng người cũng đượm chung hương trời rầu rĩ. Những giọt nước nhỏ phùn khắp chốn Bắc ta, rơi xuống, không tốt cho cây mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe. Hà Nội vốn đã e lệ, ít nói, nay lại càng thêm vẻ trầm mặc, man mác như một nữ nhân thị thành mới bị ép gả đi...
Nam Tuấn có một bữa rảnh, cậu sang thăm nhà Tích với ngô mới luộc còn nóng hổi bỏng tay. Ông Nghiêm đang ngồi đọc báo, nghe tiếng gọi ngoài cửa thì chạy tới gỡ khóa, mở he hé canhs cho nước khỏi chảy vào thềm cửa. Nhận ra Tuấn, ông liền cất giọng giục giã:
- Mau đi vào, mau lên, tôi không được để cửa lớn quá kẻo Tích nó cảm lạnh.
- Vâng vâng, cháu biết rồi mà! Ông mở rộng thêm thì cháu mới thò cái chân vào được chứ!
- Đây. Có áo mưa không đấy, sao cậu không mặc? Ốm thì chết! Tích trên tầng hai đó. Cứ đi lên rồi gọi là nó đáp ngay.
- Cháu biết rồi mà!
Tuấn quấn kín như bưng, bước vào được một lúc rồi mới thấy đỡ rét. Cậu sờ tay vào túi ngô xem còn đủ ấm hay không, sau đó tháo giày đi nhon nhón lên những bậc thang gỗ. Cậu từng tới đây đúng một lần khi còn bé tẹo. Lúc đó cha mẹ Tích còn ngủ trong phòng lớn ở tầng hai kia kìa. Cái bệ nước nhìn từ phía sau nhà giờ đã trống trơn, rêu mọc chen chúc cả trong ấy. Cậu vẫn nhớ mang máng món bánh ngọt thơm thơm mà mẹ Tích đãi mình. Giờ đây, căn phòng này đã là của riêng Tích. Những phòng khác đều phủ vải trắng tinh che kín đồ đạc bạc màu theo năm tháng, bụi bám dày thành những lớp cứng ngắc nhưng không ai động vào.
- Tích ơi!
- Tuấn? Tuấn đến đó hả?
Tích nghe tiếng gọi khe khẽ từ phía ngoài thì lập tức choàng dậy, đi dép ấm rồi chạy ra mở cửa. Cậu với bạn thưở nhỏ đã hẹn một ngày nào sẽ cùng nhau ăn cơm ở nhà, ôn lại kỷ niệm xưa hay là nói những chuyện ngoại quốc thâu đêm suốt sáng.
- Tớ đem theo ngô này để mình nhâm nhi, - Hai người trao cho nhau một cái ôm chào hỏi, thân Tích nhỏ nhắn lọt thỏm trong một cậu Tuấn cao lớn – Lẽ ra đong thêm một bình nước luộc đi thì tốt mấy, vì ngọt lắm! Nhưng mẹ tớ bảo thôi, trời mưa rét như vầy, mang lắm mà cồng kềnh.
- Úi chà, cảm ơn mẹ cậu nhé.
- Cả Tuấn nữa chứ!
- Úi chà, cảm ơn Tuấn nhé. – Tích trêu đùa, gần gũi hệt ngày xưa.
- Thôi khỏi khách sáo. Để đâu bây giờ? À trên bàn hả? Nhớ ngày đó cậu chưa dùng căn phòng này. Giờ vào rồi mới thấy đẹp đẽ quá...
Tuấn khen ngợi trong khi Tích mời trà, và những tủ nhét đầy thú bông, vải vóc cũng cuốn hút mắt cậu.
Nhưng hai bạn chỉ vừa mới ngồi xuống ghế thì ông Nghiêm lại phá hỏng không khí. Ông mở ruỳnh cửa chạy vào với vẻ lúng túng, đoạn ông thông báo đến Tích một tin tức đột ngột chẳng lấy gì làm vui:
- Cậu chủ ơi, ông lớn và phu nhân gọi cháu về nhà kia để bàn chuyện tương lai!
Đứng trước những lời này, Tích bật dậy với một thoáng nét mặt nhăn nhăn:
- Sao lại thế ạ? Sao ông biết?
- Thằng tí Thành nó sang đây báo tận cửa, nó vừa đạp xe trở về. Xin lỗi Tuấn nhé, anh thông cảm trông nhà giúp chúng tôi một lát, chắc là phải đi ngay kẻo không kịp giờ.
- Nhưng mà...
Tích ái ngại nhìn sang Tuấn. Như hiểu ra tất cả, cái mắt của Tuấn trở nên rất vô tư chẳng gợn chút phiền lòng. Cậu vỗ vai bạn mình và gật đầu với ông Nghiêm:
- Không sao, không sao, ông với cậu cứ đi đi. Còn cả ngày dài mà, Tuấn ở đây đợi Tích về rồi chơi gì cũng chơi.
Thế là xe riêng của cậu Tích lại bon bon trong mưa gió, chở cậu sang bên nhà họ Trịnh. Tích ngồi trong xe với một bầu trời tâm trạng vô cùng ảm đạm, y hệt cái dáng vẻ đang bao trùm lên toàn thành phố ngày hôm nay. Mưa buồn, cơ hồ lòng cậu cũng buồn theo. Cha mẹ mãi chẳng chịu bỏ cuộc, cho dù cậu có cố gắng cả trăm lần...
- Con đã từ chối nói chuyện cưới xin rồi cơ mà.
Các gia nhân vội vã kéo rèm và đóng cánh cửa chính. Họ cảm nhận tình hình rất nhanh cũng như hoạt động rất đỗi khẩn trương. Ông Nghiêm nặng nề, vuốt cái mặt già mệt mỏi của mình rồi ngồi xuống ghế ở một góc... Cái câu chuyện rắc rối này lại chuẩn bị bắt đầu rồi đây...
- Tích, con có thể còn bé nên chưa đủ thấu hiểu. Gia đình chúng ta bốn đời làm ăn phát đạt, lại được bắt tay với dòng họ Võ, thật là như một cái cơ may. Chúng ta cũng gọi là có của ăn, của để. Mà con biết, dòng họ ấy nức tiếng lâu đời với tận tám thế hệ làm nón, làm trang sức, hỗ trợ nguồn lực cho chính quyền trải qua bao lần đánh giặc Pháp. Rất vẻ vang. Con xem, cả cái Hà Nội này làm gì còn ai xứng...
- Mẹ ơi. Đã thời nào rồi mà nhà ta còn giữ cái tư tưởng "đặt đâu ngồi đó"...
- Trịnh Hiệu Tích!
Ông Đô nóng máu, cố gắng giữ lấy vẻ bình tĩnh uy nghiêm mà hô to tên con trai một lần nhằm đe nạt. Trông Tích cũng nhẫn nhịn lắm. Cậu thở dài, ngồi thẳng xuống chiếc nệm phủ kín tràng kỉ mà cúi mặt buồn bã, vành trán cậu nhăn lại, và hàng mi trên mắt cậu rung rung nhìn theo những viên gạch dưới sàn:
- Đúng là Tích còn nhỏ. Tại sao cứ phải bắt con đi cưới một cô nào đó trong khi tuổi còn nhỏ cơ chứ?
- Tích ơi, cha mẹ đã phải đợi đến khi con lên mười tám mới đề cập chuyện lập gia thất. Hãy khoan mới cưới cũng được, chỉ mong con đồng ý thôi...
- Con không thể kết hôn với một người xa lạ.
- Hai đứa có thể gặp gỡ và làm quen dần...
- Con cũng chẳng yêu cô ấy được đâu.
- Sao có thể khẳng định như vậy dù chưa hề làm gì cơ chứ?
- Thôi. Dừng lại đi, tôi đây này, tôi mệt mỏi lắm rồi. Sáng nay nghe tin gái rượu nhà người ta nói có, tôi vui như nắng hạ chảy vào tim! Thế mà đến lượt con trai mình, có dùng bao nhiêu công sức nó cũng đâu chịu hiểu? Nhà này chỉ có mỗi mình con thôi. Con nhìn xem, cha mẹ con đã qua tứ tuần từ lâu, già cả rồi. Chúng ta tặng cho Nhà nước 3000 lượng vàng hồi kháng Pháp. Chính bà nội con đã dặn gì? Bà bảo mong thằng Tích khỏe, giữ gìn gia phả, sống cho hạnh phúc. Bà Quỳnh, mình đừng nói nhiều nữa, mấy nó cũng chẳng nghe. Cho nên tôi mới bảo bà đừng có lôi nó về làm gì, thà là cứ để nó ở luôn bên đấy...
- Tích... kìa, sao ông lại huỵch cả ra như vậy? Tích ơi, cha ngăn không cho con về vì sợ tình hình Thủ đô không ổn định sẽ khiến con gặp nguy thôi!
- Con biết ạ... – Tích rầu rĩ, vẫn chẳng ngẩng mặt.
- Mẹ hy vọng con sẽ suy nghĩ tiếp về chuyện này. Sức khỏe của cha đã không tốt nữa rồi, chỉ vì gia đình lo cho con nên mới...
- Mình nhắc tới tôi làm gì!
- Ông để yên tôi nói. Tích này, hôm nay đi gặp con gái nhà Võ được không? Chỉ gặp thôi cũng được?
Tích cựa ngón chân trong giày, lòng như càng thắt lại:
- Con không muốn đi đâu...
- Con à...
- Mẹ ơi, con cũng có cuộc đời riêng của mình mà!
Ông Nghiêm từ nãy tới giờ vẫn ngồi trốn sau cái rèm cửa lớn, lắng tai nghe và chứng kiến tất cả. Chuyện này đã xảy ra chẳng biết bao nhiêu lần. Họ thuyết phục Tích nên hôn nhân với cô bé Võ Ái Ngân nhà giàu nào kia, rồi Tích không chịu, Tích buồn giận, bỏ đi. "Cháu trai" của ông vốn dĩ còn quá nhỏ để phải nghĩ chuyện cưới xin, nhưng ông bà chủ lại cứ nhập nhằng mãi. Ông Nghiêm thấy mà thương lắm chứ. Ông muốn bảo vệ chính kiến cậu chủ nhỏ, nhưng ông thì có cái quyền gì?
Tích vốn là một chàng trai ngoan ngoãn, biết nghe biết nhịn, đức tính hiền lành, chỉ duy nhất chuyện này mà cậu phát bực lên.
Mới đầu, nói ba bốn lần không được, ông Đô giận quá, ông buông ngay một lời nặng nề trên đất Pháp:
"Nếu thằng Tích không chịu thì cho ở lại đây học tiếp lên cao đi. Sẵn trường đại học rồi. Đừng có về Việt Nam nữa...
...Con có về nhà cũng chả lo đỡ giúp gì được cho gia đình."
Ông ngân dài những từ như muốn xoáy sâu vào tâm cậu.
Bà Quỳnh khi ấy đang ở Hà Nội, hay tin Tích bị cha bắt tiếp tục cái sự học tại Pháp mà phát bệnh tâm, buồn rầu não nề suốt mấy tuần. Đứng giữa chuyện ủng hộ chồng và thương con trai, bà chẳng biết nên làm sao cho phải.
---
Trên đường về biệt thự riêng, Tích nhờ ông Nghiêm lái xe đi vòng qua phố Hàng Bạc. Ông chở cậu nhích chầm chậm trên con đường ấy, giữ khoảng cách với biệt thự nhà Võ cỡ chục mét. Tích yên lặng, ngẩn ngơ ngắm nhìn căn nhà to lớn nằm trong tầm mắt, trông thực cũng có cái vẻ diễm lệ mà u buồn, chẳng khác nào nhà cậu. Cô Ái Ngân sao có thể đồng ý kết hôn với một người còn chưa bao giờ gặp cơ chứ? Tích nén hơi thở nghẹn lại trong lòng. Rồi cậu khe khẽ phả làn khói mỏng vào sát mặt cửa kính:
- Cô Ái Ngân, cho tôi xin lỗi...
Ông Nghiêm vờ như không nghe thấy, nhưng cũng lén thở dài.
Trời vẫn mưa phùn rả rích, ẩm ướt bao rặng cây. Bầu trời cao và xa của ngày hôm nay giống như đang muốn nói thay cho tấm lòng ai.
Mưa, lạnh, vẫn rơi, vẫn chẳng thôi. Cây bằng lăng một mình góc phố vắng, chỉ có vài chiếc xe đạp nghèo đang chẳng ngại bầu bạn, đứng quanh dưới gốc cây, tắm mình trong cái lạnh buốt mà tỉ tê với mặt gỗ đôi ba chuyện đời.
Ánh mắt Tích mơ màng theo dõi cảnh vật lùi dần sau bánh xe. Cổng trọ nhà anh Kỳ chợt ẩn hiện trong màn ánh sáng nhợt nhạt ở đằng đó, khiến cho cậu bừng tỉnh, khẽ giật giật hàng mi. Kỳ đang đi làm, hay đang ở trong kia? Tích không hình dung ra những công việc của anh, và anh có khỏe không trong một ngày mưa độc? Cậu muốn gặp anh, muốn lại gần căn phòng trọ có hai chàng gần tuổi đầy hài hước, thấu hiểu và yêu thương. Hàng Bạc nơi đây vừa có nhà Ái Ngân, vừa có nhà Doãn Kỳ. Hình như ông Nghiêm nghe tiếng cậu đã bật cười trong giây lát.
Kỳ ơi, em muốn gặp anh nhiều lắm...
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro