12.

Đã lâu rồi. Kể từ sau lần Kỳ đưa bố mẹ ra ga tàu hỏa về dưới cuối miền Bắc để lánh những trận Mỹ đánh nhắm vào Thủ đô đang có nguy cơ ngày một tăng cao, lòng anh mới lại buồn đến thế. Anh vẫn nhớ ánh mắt già của mẹ trước khi tàu chuyển bánh. Lớp da ở khóe nhăn nheo với những vết đồi mồi xô lấn trong một cơn bụi bốc lên. Hai ông bà nhìn con trai đằng đẵng, anh lại níu lấy tay mẹ mặc cho tàu đã chạy. Tất cả xảy ra rất nhanh. Tàu rời đi một hồi, người vãn hết, anh vẫn đứng ở ga như một cái bóng đen.

"Chú Kỳ, chú nhớ giữ sức khỏe mà còn về chơi, nhà luôn đợi con."

Đã lâu rồi, kể ra anh vẫn nhớ rõ lắm mà vẫn chẳng thể đi.

Kỳ đạp xe đưa Tích ngắm phố, lượn lờ những Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bài, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà. Gần trưa, bụng anh đói, bụng Tích cũng mốc meo. Nhưng Tích gắng đợi anh dẫn đến cái hồ Tây mặt sóng êm ru để anh hái những quả trứng cá chín ngon cho cậu nhâm nhi trước khi trở về Pháp.

Tích nghe lời anh, túm chặt lấy áo cho khỏi ngã. Trông cậu be bé nhỏ xinh như một người em trai ngoan đang được anh lớn dắt đi mở mang tầm mắt. Xe vừa chạy, hai chân cậu vừa âm thầm đung đưa.

Kỳ đưa Tích ngắm từng con phố, cửa hàng, khu thông báo kết quả sổ xố đông tới hàng trăm người chen đứng, chạy xe lên trên Đồng Xuân, chỉ cho cậu thấy kẻ chợ nô nức dưới những chiếc nón phau phau. Đi đến đâu, anh thuyết giảng tới đó. Tích mới nói, giá mà có cái máy ảnh để lưu giữ những cảnh này rồi mang sang Pháp, nghe vậy anh chỉ cười rồi bảo:

- Mai này lớn hơn mà đi làm, em hãy mua một cái thật xịn đem về Việt Nam chơi.

Tích bảo sẽ chụp cho anh Kỳ và Quốc một trăm ngàn bức ảnh khi cậu có chiếc nháy của riêng mình. À, cả bạn Tuấn của cậu nữa. Thế là Kỳ biết ở đây Tích cũng từng có một chiến hữu. Anh rất lấy làm vui mà thậm chí còn vỗ tay.

Một lúc lâu rồi cũng tới nơi phía Tây Hà Nội. Vết tích cổ xưa của con sông Hồng thuần túy trải dài trước mắt người. Kỳ dựng xe ở một bên rồi ngó nghiêng con đường vắng tanh. Anh kéo Tích chạy ra cạnh mặt hồ, một làn nước thơ ngây mà trong xanh huyền bí, dạt dào như tâm hồn người vãn cảnh. Gió. Lại là gió. Gió thổi vòng quanh tạo ra những thanh nhẹ mà dai, lào xào, rì rào, tưởng như dế đang rít trong màng nhĩ. Người tỉnh ra vì cái lạnh, nhưng buồn ngủ vì những tiếng đìu hiu. Mặt hồ lay động khẽ kéo theo cơn hoan hỉ của những rặng liễu. Họ mới cùng ngồi xuống thảm cỏ, phóng mắt ra nhìn thật xa một tầm rộng tới mấy nghìn mét. Đằng nọ, thấp thoáng một mái chùa trầm mặc trong cái dáng bình dị thâm sâu. Trời mùa đông vẫn cứ là nhàn nhạt. Nhưng riêng niềm háo hức trong lòng Tích thì đậm đà mà lớn dần theo thời gian. Nhìn ánh mắt trông như thể cậu sẽ chẳng bao giờ phải rời đi đâu nữa.

Kỳ hít khí lạnh, thấy hơi rùng mình nhẹ, rồi anh nằm ngửa ra thảm cỏ xanh ẩm vẫn còn sót dư âm mưa đã qua. Đầu cỏ làm cho anh thấy buồn buồn ở cổ tay, và cổ chân, anh mới gãi một lúc thì chúng cũng biến đi.

- Em nằm xuống đi Tích.

Tích mới làm theo, cẩn thận cuộn chặt tay trong áo khoác cho đỡ rét.

Người ta thường đi nằm thảm cỏ, đi píc níc, hay là ra hồ chơi hóng gió vào những ngày cuối xuân hoa nở hoặc mùa hạ nắng chang chang, ve kêu vui tai. Ấy vậy mà đây, Kỳ Tích lại sõng soài dạt cái thân ra trong một ngày cuối đông. Chẳng hiểu vì sao mà cứ nhìn nhau cười. Kỳ lặng thinh ngắm bầu trời. Anh tưởng tượng ra một cái máy bay quân mình đang hùng dũng xuất hiện, tạo ra những tiếng ù ù khắp thành phố. Rồi anh nghiêng một bên má bất thình lình quay qua ngắm em Tích. Đột ngột quá đỗi, Tích không ngờ tới việc bị bắt gặp mới xấu hổ quay phắt đi.

- Em... em chỉ vô tình thôi.

- Sao thế? Em muốn nói điều gì?

- Anh Kỳ có ít râu mọc dưới cằm kìa.

- Chúng mình... ai chẳng có... – anh cười thích thú, đưa ngón tay lên vuốt ve những cọng ngắn tủn ngủn rồi lật nghiêng người hẳn về phía cậu – Cho tôi xem mặt Tích có không, nha?

Tích càng thấy ngượng quá, cậu cố gắng nghĩ ra một cái gì đấy để đâm chọc lại. Não cậu như rung lên mà nào có thắng nổi nụ cười của anh. Ở cạnh nước, cho nên thanh phong (*) nô nức vờn, cũng chẳng có những căn nhà lớn bé xung quanh để che bớt đi cái hào phóng ấy của ông trời, làm cho họ thấy rét. Ấy thế mà cái ngưỡng tuổi thanh niên mới cứng đầu làm sao, không một ai thừa nhận việc mình sắp không chịu nổi nữa. Tích nghĩ cho anh, cậu tưởng anh thích nằm như thế này. Anh thì lại nghĩ cho Tích. Được một phút, anh mới ngồi bật dậy mà thẳng thừng:

- Tôi xin lỗi... Chắc là em thấy lạnh lắm.

Rồi đưa tay kéo người cậu dậy.

- Em thấy vui mà.

- Nhưng có nằm không thì vui cái gì đâu. Bị nhìn thấy là thành hai thằng dở hơi ngay bây giờ. Thôi, mình đứng lên, tôi chở em đi quanh hồ nhé. Nếu mà em lạnh quá thì cứ...

Im lặng một giây, Kỳ trở nên ngập ngừng:

- Cứ... ôm tôi...

Họ rất muốn làm như vậy. Nhưng cái gì lạ lạ xảy ra từ sâu bên trong họ vẫn ngăn không cho phép. Và giả sử nếu cả hai cứ đâm lao thì sao? Thật không đúng. Kỳ biết mình kì cục lắm khi nói như thế. Mà Tích thì thấy bản thân sẽ hóa ngu ngốc nếu hành động như anh bảo. Thế là họ đồng thanh:

- Thôi...

Rồi nhìn nhau.

- Hoặc thôi... Tích mà lạnh quá thì tôi cởi áo này nhường em.

- Thôi, anh ra vẻ ghê gớm. Anh Kỳ cũng biết lạnh chứ! Nhìn anh xem bây giờ có khác gì con cáo nhỏ bị bỏ rơi một mình giữa rừng băng!

Tích cứ xét nét anh Kỳ, đứng dạng sừng sững hai chân, bám gót chặt lên cỏ, xoa mạnh bàn tay mình vào hai cánh tay áo anh cho khí bên trong nóng lên. Rồi cậu cài lại cúc chỉn chu trên chiếc áo bông sờn rách ấy, nhẹ nhàng lau nước mưa đọng trên gáy tóc hớt gọn mà lởm chởm của anh; tiếp đó, lấy từ trong túi ra một cái khăn tay, nhét thêm vào khoang cổ anh cho kín gió. Tất cả đều làm một lượt rất mượt mà, cẩn thận.

Phản ứng của Kỳ chính là phát ngẩn ra sau những hành động đó. Nhìn Tích, anh như muốn hỏi... điều gì đã làm em trở nên táo bạo và tỉ mỉ chăm sóc cho một người như mình? Nhưng đáp án dội lại cõi lòng cũng chỉ là tiếng thở dài hay nụ cười như không:

- Anh Kỳ, phải học cách chăm lo bản thân cho tốt chứ. Anh làm việc nhiều quá nên trông tả tơi lắm đó. Khi Tích đi rồi, hai người phải giữ gìn sức khỏe thì em mới có động lực yên chí học hành.

- ...

- Rồi năm sau còn về thăm anh nữa.

Giọng cậu thẳng tuột nhưng nghe như nghèn nghẹn. Phần mình, Kỳ thấy tức cái lồng ngực vô cùng tận, người như muốn quặn lại, cố tình chịu đựng một cơn đau đớn vừa ghé qua trái tim...

Họ chạy xe quanh vòng Tây Hồ lao xao.

- Tích ơi, em có thích thơ không? – Kỳ cất tiếng hỏi ở đằng trước trong khi Tích đang bận lưu giữ những hình ảnh về một làn hồ vẽ đường cá bơi vào trong trí nhớ.

- Vâng ạ? Em có chứ! – cậu vui vẻ đáp.

- Để tôi đọc một bài cho em nghe nhé...

"Một chiều dạo bước Hồ Tây

Mênh mang dịu nhẹ đắm say lòng người

Gió ru những nụ hồng tươi

Trên môi em cười hút cả hồn anh

Trời xanh mặt đất hiền lành

Giữa nơi nhộn nhịp vẫn dành một bên

Nên thơ chút cảnh êm đềm

Buông lời đối họa cho mềm câu thơ

Dệt thêm những sợi ước mơ

Mong một bến bờ mình vẫn bên nhau.." (**)

- Thơ Dạ Lan Hương! Ngọt! Tôi cứ nghĩ từ ban nãy rằng những vần ấy sao mà hợp tình đến thế...

Tích vẫn nghe anh đọc, anh ngâm, thật nhiều những bài mộng mơ mà dịu êm tai nữa. Hai chân cậu hoài lắc lư theo nhịp gió, cùng nhịp điệu giọng anh trầm bổng mà hăng say. Mỗi một bài kết thúc, cậu lại cười thật giòn để gió đưa cảm kích trong lòng tới phía trước, mong sao anh Kỳ cảm nhận được mà lưu tâm. Những ngón tay nhỏ mềm mại vẫn chỉ bám vào thân áo của anh. Tấm lưng anh che chắn bao cơn lạnh, tựa như một tấm khiên của vệ sĩ, khiến cậu thấy thoải mái và nóng bừng nơi má, nơi lưng hơn bao giờ hết. Trong khoảnh khắc ấy, câu chuyện về chuyến quay ngược trở lại Pháp có chăng cũng chẳng còn tồn tại nữa. 

Một anh một em cứ ca lên lời thơ, vần chữ nhẹ bay bay, thổi vào hồn nước biết bao những câu từ đẹp nhất mà thi sĩ nhiều đời cất công dành tặng nó. Hàng tiếng trôi qua, xe và Tích bận nghe anh Kỳ kể về góc lãng mạn nhất Hà Nội - Tây Hồ, lại về cả Hoàn Kiếm - trái tim được ví như thiên đường một thành phố. Tích cũng chẳng thua kém, cậu đọc cả thơ Pháp, về sông Seine - linh hồn của Paris, về con đường đá vòng quanh ngôi nhà đầy hoa lưu ly ông Nghiêm trồng ở bên đó. Vừa đạp xe, Kỳ vừa lắng nghe Tích kể chuyện say sưa lắm, anh cũng nhân tiện đế thêm một ý hay:

- Ở nước mình gọi Seine là sông Sen, hay sông Thanh, tôi cũng không rõ vì sao. Ấy mà, tôi lắng nghe thế này. Đoán hẳn là Tích rất yêu thương dòng chảy của nó?

Trứng cá ngòn ngọt chất thành đụm trong lớp vải bụng áo, xen lẫn với lá rụng và chút ít mật dập nát từ những quả đỏ mọng xô đẩy nhau. Anh dạy cậu cách ăn, chẳng thể rời mắt khỏi vệt nước lỏng màu cam dính trên khóe môi mỏng. Ngọt, nước quả thì ngọt lắm. Nếu vào mùa hè sẽ còn nhiều hơn nữa. Như cảm nhận được tâm tư ai, Tích cũng lặng yên, ngây ngô nhìn thẳng vào ánh mắt anh Kỳ. Trời xui, đất rủi, bàn tay thô ráp ấy chậm chạp đưa lên cao, khẽ chạm nhẹ, cảm nhận cái ẩm ướt và mong manh của nước đường lan truyền dần sang những đầu ngón tay...

Cuối ngày, Kỳ chở Tích quay trở về trung tâm. Đây là lúc để dẫn cậu đi ăn một bát phở thật nóng, lấp đầy cái lạnh giá trong những chiếc bụng dạ vốn đã rỗng tuếch từ ban sáng. Hai bát phở nghèo. Một cụ Tư tay có dị tật đứng bán, tay cụ cầm dao hơi sát mặt thớt, nhưng cụ làm rất giỏi, và rất ngon. Thường thường trẻ con ốm, chúng sẽ được bà và mẹ dỗ dành bằng những bát phở bao cấp đổi ít hào, như thể một điều kì diệu lắm, như là cứ ăn phở thì sẽ khỏi bệnh sốt ngay...

- Nay chú Kỳ với ai ghé ăn gánh của già này đấy?

Cụ Tư đùa.

- À! Cụ ơi, cháu giới thiệu cho cụ, em ấy tên là Tích, chúng cháu là... bạn của nhau...

Một ít bánh phở, ngâm nóng hổi trong một làn nước dùng đun sẵn chỉ với nào là mỡ, mì chính, muối, hành phi và hành lá... Nào có thấy cái vị xương vị thịt đâu. Ôi, thời buổi này, lấy đâu ra mà có! Thế mà sao ăn ngon quá, thơm quá. Anh Kỳ và cậu Tích cùng ngồi rúc vào một góc, quần áo cọ vào nhau vì chật chội, cúi đầu mải miết trước những sợi gạo mềm tươi bốc khói. Dưới chiếc mũi nhỏ nhắn của Tích thấy ngưa ngứa một dòng nước. Và dường như, cái đụng chạm ý nhị mới gần đây lại ùa về, làm cho hơi thở cậu phả mạnh xuống mặt bát. Khắp tế bào như muốn căng phồng lên trước cơn bội thực niềm hạnh phúc mơ hồ...

Hai người ăn thật no. Rồi Kỳ mới nảy thêm một ý tưởng hấp dẫn khác: anh muốn đưa Tích lên trên cầu Long Biên ngắm hoàng hôn.


(* thanh: tươi mát, dễ chịu, trong lành; phong: cơn gió /từ Hán Việt/)

(** thơ Dạ Lan Hương)

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro