Tình Cờ Gặp Gỡ
Leyla tốt nghiệp khoa Hóa sinh của Đại học quốc tế, với thế mạnh của mình, cô ứng tuyển vào một công ty chuyên về cà phê đặc sản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hai năm làm việc, từ vị trí là một thực tập sinh, giờ đây cô đã là một chuyên viên nghiên cứu sản phẩm của công ty. Để có thể hiểu được khẩu vị của khách hàng, đôi lúc cô cũng sẽ qua showroom cà phê của công ty và đứng quầy bar. Đó là những lúc hiếm hoi cô bước ra khỏi phòng nghiên cứu và tiếp xúc với những người bên ngoài. Cô không có thói quen kết giao với người lạ. Cô thích một mình, và cũng rất thoải mái với việc đó.
Leyla là con lai. Ba là người Ý và mẹ là người Việt Nam. Hồi đó mẹ qua Ý du học ngành quản trị khách sạn và nhà hàng rồi tình cờ gặp ba. Hai người cưới nhau được 2 năm thì quyết định chuyển về Việt Nam ở hẳn.
Ở nhà Leyla là em út. Leyla có một anh trai làm bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, Leyla đã rất quấn anh trai. Anh rất chiều cô. Hồi bé, Leyla còi trơ xương lại còn bé nhất lớp, thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Lúc nào anh cũng sẽ là người đứng ở đầu cổng trường dọa cho tụi nó một trận để bảo vệ cô.
Vũ là một họa sỹ đang trên hành trình đưa những bức tranh của mình tỏa sáng và đến với công chúng. Với ước mơ họa những cảm xúc nội tâm thành những bức tranh nhìn thấy được, cô bé đã bắt đầu vẽ tranh từ những năm tiểu học dưới sự cổ vũ và hâm mộ của ba mẹ, hai người fan trung thành tuyệt đối của cô. Dù đã dành những giải thưởng cấp phường và cấp quận từ hồi bé, nhưng khi lớn lên, cô vẫn
chưa tìm được lối đưa những tác phẩm của mình vụt sáng lên những tầm cao mới.
Ngoài sở thích vẽ tranh từ bé, Vũ còn đam mê nhiếp ảnh hoài cổ, những bức tranh trắng đen gợn gợn buồn mà cô không lí giải được nét buồn ấy đến từ đâu, trong khi cô có một cuộc sống gia đình vô cùng hạnh phúc. Sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũ được tiếp nhận những văn hóa mới mẻ du nhập từ các nước khác nhau và cả sự phóng khoáng của con người nơi đây. Vũ thích con gái. Vũ là một người đồng tính. Điều này Vũ đã biết từ lâu. Vũ cũng đã thổ lộ cho ba mẹ biết khi Vũ tròn 19 tuổi. Không phải vì sự giấu diếm, mà vì Vũ muốn thổ lộ cho ba mẹ sau khi chứng minh được sự trưởng thành của mình một cách nghiêm túc. Tất nhiên Vũ được ba mẹ chấp nhận. Đây là một điều vô cùng may mắn đối với Vũ. Từ nhỏ ba mẹ đã luôn rất thấu hiểu và lắng nghe cho những tâm tư và suy nghĩ của Vũ. Vũ đoán có lẽ ba mẹ đã biết điều này từ lâu và chỉ chờ thời điểm Vũ thổ lộ mà thôi.
Vũ chưa yêu ai bao giờ. Có lẽ vì vậy mà thầy Tín hay bảo là tranh của Vũ cứng và khô khan quá. Y như cọng cây khô trong một ngày nắng tháng 5 vậy. Héo khô không một chút sức sống.
Thầy Tín vừa là thầy vừa là một người cha thứ hai của Vũ. Tốt nghiệp cấp 3, Vũ không theo học đại học. Vũ quyết định theo thầy Tín đi khắp Việt Nam để tìm những niềm cảm hứng hội họa và vẽ nên những bức tranh lột tả từng nét đặc trưng của từng vùng miền mà hai thầy trò đi ngang qua. Mỗi địa điểm đặt chân đến, hai người cũng ở lại có khi đến hai, ba tuần để sống và trò chuyện cùng với bà con địa phương. Để hiểu về cuộc sống của họ, để thẩm thấu mùi, vị, hương của vùng đất nơi đó. Thầy Tín bảo vẽ tranh là một hình thức đưa những kí ức trong bộ não lên trên trang giấy thông qua cây bút vẽ. "Vậy nên chỉ khi con có những trải nghiệm sâu sắc nhất thông qua cả năm giác quan của con về một vùng đất, về một con người, con mới có thể họa nên một cách chân thực và sáng tạo nhất những kí ức trong con." Đó là cách mà thầy đã sáng tạo suốt hơn 20 năm qua và sự hiệu quả của nó đã được chứng minh qua rất nhiều giải thưởng hội họa của thầy từ trong nước cho đến Châu Á.
Được đi theo thầy và được thầy hướng dẫn là một may mắn nữa của Vũ. Thầy Tín là bạn thân của ba. Ba là một nhà văn. "Một nhà văn giỏi và cực kì kì dị", thầy hay nói về ba như vậy. Có lẽ vì thế mà hai người chơi rất thân với nhau. Thầy Tín rất hay sang nhà Vũ chơi. Mỗi lần thầy sang Vũ lại tíu ta tíu tít khoe với thầy những bức tranh mà cô bé nhỏ ngày đó nghệch ngoạc vẽ được. Khi ấy thầy và ba lại cười phá lên khi thấy Vũ nhăn nhó đòi sự chú ý từ hai người lớn đang say mê trò chuyện với nhau. Thỉnh thoảng thầy Tín cũng thương tình, lại hướng dẫn vài nét cơ bản cho Vũ. Những giải thưởng hồi bé của Vũ không thể nào thiếu công lao của thầy
được.
Nhưng đột nhiên năm Vũ 10 tuổi, thầy Tín quyết định sang Nhật. Vợ thầy, cô Tâm mất vì chứng lao phổi di truyền trong nhà. Thầy cô thương nhau lắm. Thầy và cô hồi mới lấy nhau đã quyết định sẽ không sinh con vì sức khỏe của cô Tâm. Cô mất khi hai thầy cô mới lấy nhau được 3 năm. Thầy suy sụp. Chuyện thầy suy sụp mãi sau này ba mới kể cho Vũ nghe, khi Vũ đã lớn và hiểu chuyện hơn. Thầy sang Nhật một thời gian rất dài. Cuộc sống của thầy khi ấy chỉ được mô tả qua những
bức tranh phong cảnh mà thầy gửi qua bưu điện về cho Ba. Tuyệt nhiên trong phong kiện gửi về, thầy không nhắc gì đến cuộc sống thường ngày của mình. Mà có lẽ ba cũng biết gì đó nên không hỏi. Ba cũng chỉ gởi những tác phẩm của mình cho thầy đọc. Có lẽ đây là thứ mà người ta gọi là sự đồng điệu giữa những người nghệ sỹ. Một sự đồng cảm không bằng ngôn từ.
Vũ có thói quen lê la khắp các con hẻm nhỏ ở Sài Gòn để chạm đến những ngôi nhà mái ngói cũ kĩ hay những miếu thờ hàng trăm năm của người Hoa. Vũ tìm đến những nơi ấy như những nơi dành cho niềm cảm hứng nghệ thuật của mình.
Nhưng cho dù cố gắng thế nào thì thầy Tín vẫn cho rằng tranh của Vũ quá cứng và khô khan. Thầy Tín nói rằng chúng giống như một dòng sông bị cạn nước và đầy những tù đọng. Dòng chảy của sự sáng tạo bị tắc nghẽn do một vài nguyên nhân gì đó mà Vũ không hiểu được.
Thở dài, nhìn vào bức tranh vừa mới vẽ, cô vẫn không biết mình làm sai ở đâu. Cô vô cùng thả lỏng và thưởng thức quá trình vẽ tranh, nhưng tại sao nó, như thầy nói, vẫn vô cùng đơn sắc.
Mở bài nhạc quen thuộc từ chiếc đĩa than yêu thích, Vũ chìm vào không gian một mùi cổ điển đặc trưng.
Hôm nay là chủ nhật, nằm soài ra sàn cả ngày cũng sẽ không nghĩ ra được ý tưởng gì, Vũ quyết định đi đến quán cà phê quen thuộc nằm trên con hẻm Lê Văn Sỹ.
Quán cà phê này là do thầy Tín và bạn của thầy mở ra, dựa trên căn biệt thự của bác ấy. Căn biệt thự được chia làm ba khu. Một khu uống cà phê trong nhà và triển lãm tranh ở lầu 2, một phòng phụ dùng để sử dụng cho những mục đích hội họp hoặc họp nhóm ở tầng 1 và thêm một khu vực tiểu cảnh ở ngoài trời dành cho
khách không thích ngồi máy lạnh trong phòng. Vũ gọi cho mình một ly espresso quen thuộc, không đường và thêm một ly đá riêng ở ngoài. Hôm nay ở quán cà phê nhộn nhịp hơn bình thường. Bác chủ cùng một nhóm khách đang tập trung tại quầy bar để thử cà phê. Mùi cà phê mới xay lan khắp phòng.
"Mời em một ly pour-over, hạt từ Khe Sanh." Anh quản lý bước đến bàn của Vũ và mời cô một ly cà phê.
Vũ mỉm cười cám ơn.
Trên tường treo ba bức tranh đen trắng mà thầy Tín vừa mới vẽ hồi tháng trước, vô cùng nổi bật.
Ngồi tại chỗ quen thuộc nơi góc tầng hai, ban công của phòng triển lãm tranh, từ chỗ này Vũ có thể nhìn thấy tiểu cảnh thác nước ở bên dưới, và cũng tách mình ra khỏi phần còn lại của quán.
Đột nhiên có tiếng bước chân bước vào phòng, Vũ ngoái lại, một cô gái. Có lẽ thấy có người ngồi ở ngoài ban công từ trước nên cô gái cũng rời khỏi căn phòng và trở về căn phòng máy lạnh. Vũ cũng không để ý nhiều, cô lại tiếp tục chìm vào dòng suy nghĩ vừa bị ngắt quãng.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro