CHƯƠNG II TÀU BIỂN luat hang hai
CHƯƠNG II
TÀU BIỂN
Mục A: TÀU BIỂN VIỆT NAM
Điều 8.
1- Chỉ có tầu biển Việt Nam mới được mang cờ quốc tịch tầu biển Việt Nam.
2- Tàu biển Việt Nam là tầu biển thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam, tổ chức Việt nam có trụ sở chính tại Việt nam và của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam hoặc tầu biển thuộc sở hữu nước ngoài đã được phép đăng ký tại Việt Nam.
3- Sau khi được đăng ký vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" của Việt nam hoặc từ khi được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài cấp "Giấy phép mang cờ quốc tịch tầu biển tạm thời", thì tầu biển có quyền và nghĩa vụ mang cờ quốc tịch tầu biển Việt Nam.
Điều 9.
1- Tàu biển Việt Nam được ưu tiên vận chuyển hàng hoá, hành khách và hành lý giữa các cảng biển Việt Nam. Tàu biển nước ngoài chỉ được vận chuyển hàng hoá, hành khách và hành lý giữa các cảng biển Việt Nam trong các trường hợp do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Bưu điện quy định.
2- Hội đồng Bộ trưởng quy định phạm vi hoạt động của tầu biển Việt Nam thuộc sở hữu tư nhân Việt Nam.
Điều 10.
Tàu biển có tên gọi riêng do chủ tầu đặt và phải được cơ quan đăng ký tầu biển Việt Nam chấp nhận.
Điều 11.
Chủ tầu là người sở hữu tầu biển. Chủ tầu có quyền sử dụng cờ hiệu riêng.
Điều 12.
1- Tàu biển Việt Nam phải được đăng ký vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" của Việt Nam.
Việc đăng ký tầu biển ở Việt Nam do cơ quan đăng ký tầu biển thực hiện công khai và thu lệ phí. Những người quan tâm có quyền yêu cầu được cấp trích lục hoặc bản sao từ "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia".
2- Hội đồng bộ trưởng quy định trường hợp tầu biển thuộc sở hữu Việt Nam được đăng ký ở nước ngoài và tầu biển thuộc sở hữu nước ngoài được đăng ký tại Việt Nam.
3- Hội đồng Bộ trưởng quy định về cơ quan đăng ký tầu biển Việt Nam; thể thức đăng ký tầu biển và xử phạt hành chính các vi phạm về đăng ký tầu biển tại Việt Nam.
Điều 13.
Tàu biển chỉ được đăng ký vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" của Việt Nam sau khi không còn mang quốc tịch tầu biển của nước ngoài và được Đăng kiểm Việt Nam hoặc cơ quan đăng kiểm tầu biển nước ngoài mà đăng kiểm Việt Nam uỷ quyền đã kiểm tra kỹ thuật, phân cấp tầu, đo đạc dung tích và cấp các giấy chứng nhận cần thiết.
Điều 14.
1- "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" của Việt Nam bao gồm nội dung sau đây:
a) Tên tầu, tên chủ tầu và nơi chủ tầu đặt trụ sở, hô hiệu quốc tế; loại tầu và mục đích sử dụng;
b) Sổ đăng ký; thời điểm đăng ký;
c) Nơi đóng tầu, xưởng đóng tầu và thời điểm đóng tầu;
d) Các đặc tính kỹ thuật của tầu;
e) Định biên tối thiểu;
g) Sở hữu và những thay đổi liên quan;
h) Thời điểm xoá đăng ký và cơ sở của việc xoá đăng ký.
2- Mọi thay đổi về nội dung đăng ký nói tại khoản 1, điều này cũng phải được ghi rõ vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia".
3- Nội dung đã được đăng ký vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" có giá trị pháp lý đối với người liên quan.
4- Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký, tầu biển được cấp "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển" của Việt Nam. Giấy này đồng thời là bằng chứng về quốc tịch Việt Nam của tầu.
Điều 15.
1- Tàu biển Việt Nam đương nhiên xoá đăng ký trong "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" của Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Bị phá huỷ hoặc chìm đắm;
b) Bị mất tích;
c) Bị hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa là không có hiệu quả kinh tế;
d) Không còn đủ cơ sở để được mang quốc tịch tầu biển Việt Nam;
e) Không còn tính năng tầu biển.
2- Trong các trường hợp nói tại điểm c và điểm e, khoản 1, điều này, khi tầu biển bị cầm cố, thế chấp, cầm giữ, thì tầu biển chỉ được chính thức xoá đăng ký, nếu chủ nợ chấp nhận cho xoá đăng ký.
3- Tàu biển Việt Nam có thể xoá đăng ký theo yêu cầu của chủ tầu.
Điều 16.
1- Chủ tầu có trách nhiệm hoàn thành thủ tục đăng ký tầu biển chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận tầu tại Việt Nam hoặc từ ngày đưa tầu về đến cảng biển Việt Nam đầu tiên, nếu nhận ở nước ngoài.
2- Chủ tầu có trách nhiệm thông báo chính xác và nhanh chóng cho cơ quan đăng ký tầu biển về mọi sự kiện liên quan đến tầu.
Mục B: AN TOÀN HÀNG HẢI và PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Điều 17.
Chỉ được phép sử dụng tầu biển vào mục đích đã đăng ký khi cấu trúc, trang thiết bị, tài liệu của tầu, định biên và khả năng chuyên môn của thuyền bộ hoàn toàn phù hợp với các quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Bưu điện về an toàn hàng hải đối với tầu, người ở trên tầu và về phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Điều 18.
1- Sau khi được Đăng kiểm Việt Nam hoặc cơ quan đăng kiểm tầu biển nước ngoài mà Đăng kiểm Việt Nam uỷ quyền đã kiểm tra, xác nhận có đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy phạm quốc gia của Việt Nam hoặc điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc công nhận, tầu biển Việt Nam được cấp các giấy chúng nhận an toàn kỹ thuật.
2- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phải ghi rõ thời hạn có hiệu lực. Thời hạn này đương nhiên được kéo dài thêm nhiều nhất là chín mươi ngày, nếu tầu thực sự không có điều kiện đến nơi được chỉ định để kiểm tra định kỳ và điều kiện kỹ thuật của tầu trong thực tế vẫn bảo đảm an toàn. Thời hạn đương nhiên được kéo dài này kết thúc ngay khi tầu về đến cảng được chỉ định để kiểm tra.
3- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đương nhiên mất giá trị, nếu trên thực tế tầu biển có những thay đổi lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng an toàn kỹ thuật của tầu.
4- Trong trường hợp có đủ căn cứ để nghi ngờ khả năng an toàn kỹ thuật của tầu, Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam có quyền tạm đình chỉ hoạt động của tầu, tự mình hoặc yêu cầu Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra kỹ thuật của tầu, mặc dù trước đó tầu đã được cấp đủ các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Điều 19.
1- Chủ tầu và thuyền trưởng có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiến hành thanh tra an toàn hàng hải, kiểm tra kỹ thuật tầu biển.
2- Chủ tầu và thuyền trưởng có trách nhiệm sửa chữa, bổ sung các điều kiện an toàn hàng hải theo yêu cầu của Đăng kiểm Việt Nam, Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam trước khi cho tầu hoạt động.
Điều 20.
1- Khi hoạt động trên biển và vùng nước liên quan đến biển mà tầu biển được phép hoạt động, các tầu biển, tầu sông, thuỷ phi cơ, kể cả của các lực lượng vũ trang Việt Nam phải chấp hành các quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Bưu điện quy định.
2- Các công trình, thiết bị được xây dựng hoặc lắp đặt ở biển và vùng nước liên quan đến biển mà tầu biển được phép hoạt động phải có đầy đủ các báo hiệu an toàn theo đúng quy định về báo hiệu hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Bưu điện quy định.
Điều 21.
1- Trong phạm vi nội thuỷ và lãnh hải Việt Nam, tầu biển nước ngoài phải chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn hàng hải của Việt Nam, trừ trường hợp giữa Việt Nam và quốc gia mà tầu đó mang cờ có những thoả thuận khác.
2- Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam có quyền kiểm tra và xử phạt hành chính các vi phạm của tầu biển nước ngoài khi hoạt động tại nội thuỷ và lãnh hải Việt Nam, nếu có đủ căn cứ để nghi ngờ khả năng an toàn hàng hải của tầu hoặc khi tầu vi phạm quy định về an toàn hàng hải Việt Nam.
Điều 22.
Việc thanh tra an toàn hàng hải, kiểm tra kỹ thuật tầu biển theo quy định của Bộ luật này; việc khám xét tầu biển phải được tiến hành theo đúng pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến khả năng an toàn hàng hải của tầu.
Điều 23.
1- Khi hoạt động tại các vùng nước thuộc chủ quyền của Việt Nam, tầu biển Việt Nam và tầu biển nước ngoài phải chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc công nhận.
2- Tàu biển Việt Nam và tầu biển nước ngoài chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hoá nguy hiểm khác bắt Buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tầu về ô nhiễm môi trường khi hoạt động tại vùng nước các cảng biển và khu vực hàng hải khác của Việt Nam.
3- Tàu biển nước ngoài chạy bằng năng lượng nguyên tử chỉ được vào hoạt động tại nội thuỷ, lãnh hải của Việt Nam sau khi được Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng cho phép.
Điều 24.
Hội đồng bộ trưởng quy định về tổ chức, hoạt động của Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam và Đăng kiểm Việt Nam.
Mục C: KIỂM TRA DUNG TÍCH TẦU BIỂN
Điều 25.
1- Tàu biển Việt Nam và tầu biển nước ngoài khi hoạt động tại vùng nước cảng biển và luồng quá cảnh của Việt Nam phải có đủ các giấy chứng nhận dung tích do Đăng kiểm Việt Nam hoặc cơ quan đăng kiểm tầu biển nước ngoài, cơ quan đo dung tích tầu biển có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Các giấy chứng nhận dung tích phải phù hợp với quy phạm quốc gia của Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc công nhận.
2- Trong trường hợp tầu không có đủ các điều kiện nói tại khoản 1, Điều này, thì chủ tầu hoặc thuyền trưởng phải yêu cầu Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra dung tích tầu và thanh toán các chi phí liên quan.
Mục D: TÀI LIỆU CỦA TẦU
Điều 26.
Trên tầu biển Việt Nam phải có đủ các loại nhật ký tầu biển, các loại giấy chứng nhận, các tài liệu khác của tầu và của thuyền viên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Bưu điện.
Mục E: CÁC QUYỀN VỀ SỞ HỮU TẦU BIỂN
Điều 27.
1- Hợp đồng chuyển nhượng sở hữu tầu biển tại Việt Nam phải được làm bằng văn bản và được cơ quan công chứng chứng thực, nếu ở nước ngoài thì thủ tục được tiến hành theo luật nơi hợp đồng được ký kết.
2- Chỉ sau khi được ghi nhận vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" của Việt Nam nơi tầu biển đó đã được đăng ký, thì việc chuyển nhượng sở hữu tầu biển Việt Nam mới có giá trị.
3- Sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, thì toàn bộ con tầu và tài sản của tầu thuộc quyền sở hữu của người được chuyển nhượng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Tài sản của tầu là các đồ vật, trang thiết bị ở trên tầu mà không phải là các bộ phận cấu thành của tầu.
Điều 28.
Các quy định về chuyển nhượng sở hữu tầu biển cũng được áp dụng đối với việc chuyển nhượng cổ phần sở hữu tầu biển.
Điều 29.
1- Chủ tầu có quyền cầm cố, thế chấp tầu biển cho người khác theo quy định của pháp luật.
2- Việc cầm cố, thế chấp tầu biển tại Việt Nam được giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Hợp đồng về cầm cố, thế chấp tầu biển tại Việt Nam phải làm bằng văn bản và được cơ quan công chứng chứng thực.
3- Việc cầm cố, thế chấp tầu biển Việt Nam ở nước ngoài được giải quyết theo luật nơi hợp đồng được ký kết.
4- Chỉ sau khi được ghi nhận vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia", thì việc cầm cố, thế chấp tầu biển Việt Nam mới có giá trị.
Điều 30.
1- Chủ nợ có quyền cầm giữ hàng hải theo luật định đối với tầu biển để bảo đảm cho các khoản nợ ưu tiên, mặc dù tầu biển đó đã được cầm giữ, cầm cố, thế chấp để bảo đảm cho các khoản nợ khác trên cơ sở hợp đồng hoặc quyết định của toà án.
2- Cầm giữ hàng hải đối với tầu biển không bị ảnh hưởng khi có sự thay đổi chủ tầu, người khai thác tầu, cho dù người mua tầu biết hay không biết về việc tầu đã bị cầm giữ.
3- Tuyên bố của chủ nợ về việc cầm giữ hàng hải đối với tầu biển chỉ có giá trị sau khi đã được ghi nhận vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia", nơi tầu đã đăng ký.
Điều 31.
Những khoản nợ ưu tiên là những khoản nợ được giải quyết trước các khoản nợ khác, theo thứ tự sau đây:
1- Tiền bồi thường tính mạng, thương tích và tổn hại khác về sức khoẻ con người; tiền bồi thường liên quan đến các quyền lợi phát sinh từ hợp đồng lao động;
2- Các loại án phí và chi phí thi hành án; chi phí bảo vệ quyền lợi chung của các chủ nợ để duy trì tầu, bán tầu và chia tiền bán tầu; cước phí cảng, thuế và các phí công cộng tương tự; hoa tiêu phí; chi phí bảo vệ và bảo quản tầu từ khi tầu đến cảng cuối cùng;
3- Tiền công cứu hộ và các chi phí đóng góp vào tổn thất chung;
4- Tiền bồi thường do đâm va hoặc tại nạn hàng hải khác; tiền bồi thường thiệt hại cho thiết bị cảng, cầu bến, luồng lạch, vũng đậu tầu, ụ tầu; tiền bồi thường tổn thất hàng hoá và hành lý;
5- Các khoản tiền liên quan đến hợp đồng do thuyền trưởng ký kết hoặc các hành động khác của thuyền trưởng trong phạm vi quyền hạn theo luật định, khi tầu ở ngoài cảng đăng ký để sửa chữa, tiếp tục chuyến đi, ngay cả khi thuyền trưởng đồng thời là người khai thác tầu hoặc là chủ tầu; các khiếu nại đòi bồi thường của chính bản thân thuyền trưởng hoặc người cung ứng tầu biển, người sửa chữa tầu biển, người cho vay tiền và những người khác có quan hệ hợp đồng với thuyền trưởng.
Điều 32.
1- Việc giải quyết yêu cầu của chủ nợ trong phạm vi giá trị tài sản bị cầm giữ do toà án quyết định.
2- Các khoản nợ ưu tiên được giải quyết lần lượt theo thứ tự các nhóm từ khoản 1 đến khoản 5, Điều 31 của Bộ luật này.
3- Các khoản nợ ưu tiên phát sinh từ cùng một chuyến đi và ở trong cùng một nhóm nói tại Điều 31 của Bộ luật này, được giải quyết tuỳ theo tỉ lệ giá trị giữa chúng, nếu khoản tiền phân chia không đủ để thanh toán giá trị của mỗi khoản nợ. Riêng các khoản nợ thuộc các nhóm nói tại khoản 3 và khoản 5, Điều 31 của Bộ luật này, thì khoản nợ nào phát sinh sau được giải quyết trước các khoản nợ khác ở cùng nhóm đó, mặc dù các khoản nợ đó phát sinh sớm hơn.
4- Các khoản nợ phát sinh từ cùng một sự kiện được coi là phát sinh trong cùng một thời gian.
5- Việc cầm giữ hàng hải đối với tầu biển liên quan đến chuyến đi cuối cùng, được ưu tiên giải quyết trước việc cầm giữ hàng hải liên quan đến các chuyến đi khác.
6- Các khoản nợ phát sinh từ cùng một hợp đồng lao động liên quan đến nhiều chuyến đi được giải quyết cùng với các khoản nợ liên quan đến chuyến đi cuối cùng.
Điều 33.
1- Chủ nợ có quyền cầm giữ hàng hải đối với các khoản tiền sau đây:
a) Tiền cước vận chuyển hàng hoá, hành lý hoặc tiền công vận chuyển hành khách của chuyến đi liên quan đến khoản nợ hoặc của tất cả các chuyến đi đã được thực hiện trong thời gian hiệu lực của cùng một hợp đồng lao động, để bảo đảm cho việc giải quyết các khoản nợ về hợp đồng lao động;
b) Khoản tiền bồi dỡng tổn thất cho các hư hỏng của tầu mà chưa được sửa chữa và tiền bồi thường do mất cước;
c) Tiền bồi thường cho tầu sau tổn thất chung, nếu trong đó đã được tính các khoản tiền nói tại điểm b, Điều này;
d) Tiền công cứu hộ trả cho tầu sau khi đã trừ tiền công dành riêng để trả cho thuyền bộ và những người làm công khác cho chủ tầu.
2- Quyền cầm giữ hàng hải nói tại khoản 1, Điều này không áp dụng đối với những khoản tiền do người bảo hiểm bồi thường cho tầu.
Điều 34.
1- Quyền cầm giữ hàng hải để giải quyết các khoản nợ ưu tiên nói tại khoản 5, Điều 31 của Bộ luật này chấm dứt sau một trăm tám mươi ngày; đối với các khoản nợ khác, thì thời hiệu này là một năm.
2- Thời hiệu của quyền cầm giữ hàng hải được tính:
a) Từ ngày kết thúc hoạt động cứu hộ, trong trường hợp để giải quyết tiền công cứu hộ;
b) Từ ngày phát sinh tổn thất, trong trường hợp để giải quyết các tổn thất do đâm va hoặc tai nạn hàng hải khác;
c) Từ ngày giao hàng hoá, hành lý hoặc ngày lẽ ra phải làm việc đó, trong trường hợp để giải quyết các tổn thất hàng hoá, hành lý;
d) Từ ngày phát sinh khoản nợ, trong trường hợp để giải quyết các khoản nợ nói tại khoản 5, Điều 31 của Bộ luật này;
e) Từ ngày phải thanh toán, trong trường hợp để giải quyết các khoản nợ khác.
3- Quyền cầm giữ hàng hải đối với các khoản nợ nói tại Điều 33 của Bộ luật này hết hiệu lực khi chủ tầu đã thanh toán các khoản nợ liên quan. Nếu tiền thanh toán vẫn còn nằm trong tay thuyền trưởng hoặc người đã được uỷ nhiệm thay mặt chủ tầu hoặc người khai thác tầu để thanh toán các khoản nợ đó, thì quyền cầm giữ hàng hải vẫn còn hiệu lực.
4- Khi toà án không thể thực hiện việc kê biên tầu trong phạm vi nội thuỷ hoặc lãnh hải Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thường trú hoặc có trụ sở chính tại Việt Nam, thì thời hiệu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này kết thúc sau ba mươi ngày, tính từ ngày tầu về đến cảng biển Việt Nam đầu tiên, nhng tối đa không được quá hai năm, tính từ ngày phát sinh khoản nợ.
Điều 35.
1- Theo yêu cầu của chủ nợ, Giám đốc cảng vụ có quyền tạm giữ trong vòng bẩy mươi hai giờ các tài sản sau đây:
a) Tầu biển, để bảo đảm cho các khiếu nại đối với tầu về cảng phí hoặc tiền bồi thường thiệt hại cho thiết bị cảng, cầu bến, luồng lạch, vũng đậu tầu, ụ tầu;
b) Xác tầu đắm hoặc các vật thể khác đã cản trở các hoạt động hàng hải, để bảo đảm cho các khiếu nại liên quan đến việc thải chúng.
2- Chủ nợ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về yêu cầu tạm giữ nói tại khoản 1, Điều này. Thời hiệu khiếu nại về việc tạm giữ nói tại khoản 1, Điều này là hai năm, tính từ ngày phát sinh vụ việc.
3- Sau bảy mươi hai giờ, tài sản bị tạm giữ theo quy định tại khoản 1, Điều này được giải phóng, nếu không có quyết định khác của toà án.
Điều 36.
1- Trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm cho việc giải quyết các tranh chấp đã được thụ lý, Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương có quyền ra lệnh bắt giữ tầu biển.
2- Tầu biển nước ngoài có thể bị bắt giữ tại Việt Nam theo yêu cầu của toà án nước ngoài để bảo đảm cho việc giải quyết việc kiện mà toà án đó thụ lý.
3- Sau thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thuyền trưởng nhận được lệnh bắt giữ mà chủ tầu không thực hiện các biện pháp bảo đảm thay thế, thì toà án đã ra lệnh bắt giữ có quyền quyết định bán đấu giá tầu biển.
Điều 37.
1- Sau khi chủ tầu hoặc người khai thác tầu đã thực hiện những biện pháp bảo đảm thay thế hoặc đã thanh toán đủ các khoản nợ, thì tầu biển đang bị cầm giữ, bị tạm giữ, bị bắt giữ hàng hải phải được giải phóng ngay. Những người khiếu nại không có quyền thực hiện bất cứ hành động nào xâm phạm tài sản hoặc quyền lợi khác của chủ tầu hoặc người khai thác tầu.
2- Tầu biển cũng có thể được giải phóng theo yêu cầu của chính Những người đã yêu cầu cầm giữ, tạm giữ, bắt giữ hàng hải tầu biển đó. Mọi phí tổn liên quan do người yêu cầu chịu trách nhiệm thanh toán.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro