Lịch sử tàu sân bay

Tàu sân bay hay hàng không mẫu hạm là loại chiến hạm phục vụ như một sân bay di động trên biển. Tàu có đường băng để máy bay cất hạ cánh. Các tàu sân bay của Hoa Kỳ sử dụng máy phóng để khởi động máy bay, một số quốc gia khác lại sử dụng đường băng kiểu nhảy cầu. Máy bay hạ cánh trên tàu sân bay bằng cách sử dụng móc ở đuôi để bám vào cáp hãm đà căng trên đường băng. Một số máy bay lại có thể hạ cánh thẳng đứng như các tiêm kích hạm F-35B, AV-8B Harrier. Bên trong tàu sân bay có nhà chứa và khu bảo dưỡng cho máy bay, biến nó thành một căn cứ không quân nổi trên biển. Tính đến năm 2022, có 41 tàu sân bay đang hoạt động trong hải quân 13 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều tàu sân bay nhất với 11 hàng không mẫu hạm đang hoạt động.

Đối với nhiều lực lượng hải quân trên thế giới, tàu sân bay là biểu tượng của "uy tín và quyền lực", giống như các thiết giáp hạm trước đó. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đặt câu hỏi tàu sân bay có phải là công cụ chiến tranh hiệu quả, hay chúng đơn giản chỉ là "con voi trắng" đắt tiền?

***

Các bản ghi chép về việc sử dụng một con tàu đầu tiên cho các hoạt động trên không xảy ra vào năm 1806, khi đô đốc Thomas Cochrane của hải quân Hoàng gia Anh cho thả một chiếc diều từ khu trục hạm HMS Pallas để thả truyền đơn. Những tuyên bố chống lại hoàng đế Napoléon Bonaparte viết bằng tiếng Pháp được gắn liền vào chiếc diều và các dây diều. Khi các dây diều bị đốt cháy, những tờ truyền đơn sẽ được tự động thả lên đất Pháp.

Ngày 12/7/1849, chiến hạm Vulcano của đế quốc Áo được sử dụng để tung ra những cuộc tấn công trên không đầu tiên. Một số bóng khí cầu nóng Montgolfiere được tung ra với ý định oanh tạc bằng bom vào thành phố Venice của Ý. Mặc dù phần lớn những cố gắng này đã không thành công do gió đẩy các khí cầu bay ngược trở lại phía con tàu, một quả bom đã được kích nổ trên bề mặt thành phố.

Sau đó, trong nội chiến Hoa Kỳ, Liên bang miền Bắc (The Union) đã dùng những khinh khí cầu đốt bằng khí để thực hiện những phi vụ trinh sát vào các vị trí của phe Liên bang miền Nam (Confederate States) ở Virginia. Các trận đánh nhanh chóng chuyển sâu vào vùng nội địa, nơi có những cánh rừng rậm rạp. Tuy nhiên, đây lại là nơi mà những bóng khí cầu từ bên ngoài không thể bay vào được. Chiếc xà lan mang tên Parke Custis đã được dọn sạch tất cả mọi thứ nằm trên boong tàu để chứa các máy phát điện và máy móc của khí cầu. Từ chiếc xà lan này, giáo sư Thaddeus Lowe - cơ khí trưởng của quân đoàn bóng khí cầu Liên bang miền Bắc đã cố gắng tiến hành chuyến bay đầu tiên của ông ngược lên phía sông Potomac để gửi tín hiệu. Sự kiện này đánh dấu sự thành công đầu tiên của một chuyến viễn thám trên không được tiến hành từ một tàu chạy dưới nước.

Những kinh khí cầu được thả từ các con tàu đã dẫn đến sự ra đời của một phương tiện chiến tranh mới: tàu mang bóng kinh khí và tàu tiếp liệu bóng kinh khí. Trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, những loại tàu này được phát triển không ngừng bởi lực lượng hải quân của các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga và Thụy Điển. Khoảng 10 tàu chuyên chở bóng khí cầu đã được chế tạo, mục tiêu chính của chúng là tung ra những chuyến trinh sát từ trên không.

Chiến hạm mang thủy phi cơ

Phát minh về thủy phi cơ của người Pháp vào năm 1910 đã dẫn đến sự phát triển của một loại chiến hạm mới được thiết kế để mang máy bay: trong tháng 12 năm 1911, hải quân Pháp cho ra mắt chiến hạm Foudre - chiếc tàu đầu tiên mang được thủy phi cơ và là chiến hạm đầu tiên được biết đến như là một tàu sân bay. Foudre hoạt động như một tàu tiếp liệu cho các thủy phi cơ và mang những chiếc máy bay được lắp phao ở nhà chứa máy bay trên boong chính. Từ đó, các thủy phi cơ được hạ xuống mặt biển bằng một chiếc cần cẩu. Con tàu này đã tham gia các bài tập chiến thuật tại Địa Trung Hải trong năm 1912. Tàu Foudre tiếp tục được nâng cấp trong tháng 11 năm 1913 với một mặt sàn dài 10 mét trên boong để cất cánh các thủy phi cơ.

Học hỏi nước láng giềng Pháp, chiếc HMS Hermes của hải quân Anh được tạm thời chuyển đổi như là một tàu sân bay - tàu chở thủy phi cơ thử nghiệm trong tháng 4 năm 1913. Hermes ban đầu được hạ thủy như một tàu buôn nhưng được chuyển đổi thành tàu sân bay, trong khi đang được chế tạo thành một tàu sân bay thì nó lại được chuyển đổi một lần nữa thành một tuần dương hạm và cuối cùng lại chuyển ngược thành một tàu sân bay trong năm 1914. Số phận ngắn ngủi của HMS Hermes kết thúc bằng việc bị đánh chìm bởi tàu ngầm Đức vào tháng 10 năm 1914.

Tàu chuyên chở phi cơ có boong phẳng

Năm 1909, nhà phát minh người Pháp Clément Ader công bố trong cuốn sách của mình: "L'aviation Militaire" mô tả về một con tàu dùng để vận hành máy bay ở trên biển với một sàn đáp phẳng, một khu thượng tầng cách biệt của con tàu, sàn tàu có các thang máy và một nhà chứa máy bay bên dưới:

"Một tàu chở máy bay là tuyệt đối cần thiết. Loại tàu này được chế tạo cho một kế hoạch rất khác với những loại chiến hạm hiện đang được sử dụng. Đầu tiên là tất cả sàn tàu phải được dọn sạch tất cả các cản trở. Sàu tàu càng bằng phẳng, càng rộng càng tốt nhưng không được gây nguy hiểm cho khả năng đi biển của thân tàu, và chúng sẽ giống như một khu vực để cất-hạ cánh."

Rất nhanh sau ý tưởng của Ader, một số chuyến bay thử nghiệm đã được thực hiện để kiểm chứng ý tưởng này. Eugene Burton Ely trở thành phi công đầu tiên trong lịch sử cất cánh từ một con tàu tĩnh trong tháng 11 năm 1910. Ely cất cánh từ một cấu trúc cố định trên phần trước của tuần dương hạm USS Birmingham tại Hampton Roads, bang Virginia và hạ cánh ở gần đó trên mũi đất Willoughby Spit sau 5 phút bay trên không.

Ngày 18/1/1911, Ely tiếp tục trở thành phi công đầu tiên hạ cánh trên một chiếc tàu tĩnh. Ông cất cánh từ đường đua Tanforan và hạ cánh trên một cấu trúc tạm thời tương tự ở phía sau của thiết giáp hạm USS Pennsylvania lúc này đang thả neo tại cảng San Francisco. Máy bay của Ely sau đó đã bị quay tròn trên sàn đáp và không thể cất cánh được nữa.

Ngày 9 tháng 5 năm 1912, Charles Rumney Samson của hải quân Hoàng gia Anh trở thành phi công đầu tiên cất cánh từ một tàu chiến đang di chuyển. Samson cất cánh từ chiếc thiết giáp hạm HMS Hibernia trong khi nó đang chạy ở tốc độ 15 knot (28 km/h).

Tàu sân bay trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất

Cuộc tấn công đầu tiên từ một tàu sân bay diễn ra ngày 5/9/1914: tàu vận chuyển thủy phi cơ Wakamiya Maru của Nhật Bản đã tung ra những chiếc máy bay Maurice Farman tiến hành không kích nhắm vào tuần dương hạm Kaiserin Elisabeth của Áo-Hung và pháo hạm Jaguar của Đức ở Thanh Đảo.

Tại mặt trận châu Âu, đợt không kích đầu tiên của hải quân diễn ra vào ngày 25/12/1914 khi 12 thủy phi cơ xuất phát từ các tàu Anh tấn công căn cứ Zeppelin tại Cuxhaven (Đức). Cuộc tấn công bằng tàu sân bay này đã thể hiện tính khả thi của các cuộc đột kích bằng máy bay xuất phát từ tàu sân bay tại chiến trường châu Âu và cho thấy tầm quan trọng chiến lược của loại khí tài chiến tranh mới này.

Chiếc HMS Ark Royal được cho là tàu sân bay hiện đại đầu tiên. Nó ban đầu được hạ thủy như một tàu buôn nhưng được chuyển đổi trong khi chế tạo thành một tàu chuyên chở cả máy bay lẫn thủy phi cơ với một máy phóng khởi động. Ra mắt vào ngày 5/9/1914, nó phục vụ trong chiến dịch Dardanelles và trong suốt Thế chiến thứ Nhất.

Cuộc tấn công bằng tàu sân bay thành công nhất trong Thế chiến thứ Nhất là cuộc tấn công một mục tiêu trên đất liền diễn ra ngày 19/7/1918. 7 chiếc tiêm kích Sopwith Camel được phóng từ tàu sân bay HMS Furious tấn công căn cứ Zeppelin của Đức với hai quả bom 50 pounds trên mỗi máy bay. Nhiều khí cầu và bóng khí của Đức bị phá huỷ nhưng vì tàu sân bay không có cách nào để thu hồi máy bay một cách an toàn, hai phi công đã phải bỏ máy bay trên biển cạnh con tàu trong khi những người khác bay tới quốc gia Đan Mạch trung lập.

Những năm giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới

Hiệp ước hải quân Washington năm 1922 đã đặt ra giới hạn về trọng tải của thiết giáp hạm và tuần dương hạm chủ lực cho hải quân của các cường quốc sau Thế chiến thứ Nhất. Các giới hạn không chỉ về tổng kích thước của các tàu sân bay mà còn về tải trọng tối đa là 27.000 tấn cho mỗi chiếc. Tuy nhiên, trong khi các cường quốc hải quân lớn vượt quá kích thước đối với những thiết giáp hạm thì họ không vượt kích thước đối với các tàu sân bay. Vì thế, nhiều thiết giáp hạm và tuần dương hạm đang được chế tạo (hay đang được sử dụng) đã được chuyển đổi thành tàu sân bay.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên có sàn phẳng trên toàn bộ chiều dài là chiếc HMS Argus, việc hoán cải nó hoàn thành vào tháng 9 năm 1918. Nối gót hải quân Anh, năm 1920, hải quân Hoa Kỳ hoán cải thành công chiếc tàu tiếp than USS Jupiter thành tàu sân bay USS Langley.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên: HMS Hermes

Chiếc tàu sân bay thực sự đầu tiên được thiết kế và đặt thân lườn là chiếc HMS Hermes vào năm 1918. Đế quốc Nhật Bản cũng bắt đầu chế tạo tàu sân bay IJN Hōshō trong năm tiếp theo. Tháng 12 năm 1922, chiếc Hōshō trở thành chiếc tàu sân bay thuần túy đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động, trong khi chiếc HMS Hermes bắt đầu làm nhiệm vụ vào tháng 7 năm 1923. Thiết kế của Hermes có trước và tạo ảnh hưởng lên Hōshō, và công việc chế tạo nó thực sự được bắt đầu trước nhưng do có quá nhiều bài test, thí nghiệm và xem xét về mặt ngân sách nên quá trình hoàn thành nó bị trì hoãn.

Vào những năm cận kề Thế chiến thứ Hai, tàu sân bay trên khắp thế giới thường mang ba kiểu máy bay: máy bay phóng ngư lôi, máy bay ném bom bổ nhào và tiêm kích đánh chặn dùng để bảo vệ hạm đội và làm nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom. Do không gian bị giới hạn trên các tàu sân bay, tất cả các máy bay đều là loại nhỏ, loại có một động cơ duy nhất và thông thường với cánh có thể gấp đôi để tạo điều kiện thuận lợi trong việc cất trữ. Trong cuối những năm 1930, hải quân Anh cũng phát triển khái niệm giáp sàn tàu sân bay, kèm theo các móc áo trong một hộp bọc thép. Chiếc tàu sân bay đầu tiên mang thiết kế này là HMS Illustrious và bắt đầu làm nhiệm vụ vào năm 1940.

Tàu sân bay trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai

Tàu sân bay đóng một vai trò quan trọng trong Thế chiến thứ Hai. Với 7 tàu sân bay, hải quân Anh có một lợi thế đáng kể ở giai đoạn đầu cuộc chiến khi cả người Đức lẫn người Ý đều không có tàu sân bay của riêng mình. Tuy nhiên, tính dễ tổn thương của các tàu sân bay so với những thiết giáp hạm truyền thống khi lọt vào tầm pháo đã nhanh chóng được minh họa bằng việc tàu sân bay HMS Glorious bị kết liễu bởi hai thiết giáp hạm Scharnhorst và Gneisenau của hải quân Đức trong chiến dịch Na Uy tháng 6 năm 1940.

Điểm yếu rõ ràng của các thiết giáp hạm cũng bắt đầu được để lộ trong tháng 11 năm 1940 khi tàu sân bay HMS Illustrious phát động một cuộc tấn công tầm xa vào hạm đội Ý tại Taranto và báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên các thiết giáp hạm được coi như là tàu chiến chủ lực trong một hạm đội. Trận đánh này đã loại khỏi vòng chiến đấu 3 trong số 6 thiết giáp hạm đang thả neo tại cảng với tổn thất của hạm đội Anh chỉ là 2 trong số 21 chiếc máy bay phóng ngư lôi Fairey Swordfish tham gia tấn công.

Tàu sân bay HMS Illustrious

Tàu sân bay cũng đóng một phần quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ đảo Malta bằng cách vận chuyển máy bay và bảo vệ đoàn công voa để gửi đồ cung cấp đến hòn đảo đang bị Ý bao vây này. Việc sử dụng các tàu sân bay đã ngăn không cho hải quân Ý và các máy bay Đức xuất phát từ sân bay trên đất liền thống trị chiến trường Địa Trung Hải.

Trong hai ngày 24 và 25/5/1941, hai tàu sân bay HMS Victorious cùng HMS Ark Royal tham gia truy đuổi thiết giáp hạm Bismarck trong vùng biển nước Pháp và góp công giúp đánh chìm chiếc thiết giáp hạm danh tiếng này vào sáng ngày 26 tháng 5. Sau này, trong toàn bộ cuộc chiến, tàu sân bay hộ tống các đoàn công voa đã chứng tỏ giá trị của chúng khi canh gác xuyên qua Đại Tây Dương và vùng biển Bắc.

Những trận đánh tàu sân bay lớn nhất lại diễn ra tại mặt trận Thái Bình Dương. Đế quốc Nhật Bản bắt đầu cuộc chiến với 10 tàu sân bay, đây là hạm đội tàu sân bay lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới tại thời điểm đó. Hoa Kỳ có 6 tàu sân bay lúc bắt đầu chiến tranh Thái Bình Dương, mặc dù chỉ 3 trong số chúng hoạt động tại Thái Bình Dương.

Ngày 7/12/1941, hải quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ phát động cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, hủy diệt gần như hoàn toàn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Đây là một minh chứng rõ ràng về khả năng power projection có được từ một lực lượng lớn các tàu sân bay hiện đại: tập trung 6 tàu sân bay hạm đội thành một đơn vị tác chiến duy nhất đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử hải quân, không quốc gia nào khác ngoài Nhật Bản làm được điều tương tự trên chiến trường tính tới thời điểm đó.

Đế quốc Nhật Bản bắt đầu các bước tiến của mình qua vùng Đông Nam Á. Thiết giáp hạm HMS Prince of Wales và tuần dương hạm HMS Repulse bị đánh chìm bởi máy bay Nhật Bản xuất phát từ sân bay Sóc Trăng làm nảy sinh cho sự cần thiết phải có loại tàu chống lại các cuộc tấn công từ trên không để bảo vệ hạm đội.

Tàu sân bay Akagi

Tháng 4 năm 1942, sáu tàu sân bay Nhật Bản là Akagi, Sōryū, Hiryū, Shōkaku, Zuikaku và Ryujo tấn công hạm đội Phương Đông của hải quân Anh ở Ấn Độ Dương, đánh chìm và đánh hỏng nhiều chiến hạm, bao gồm cả việc đánh chìm chiếc tàu sân bay hạng nhẹ HMS Hermes. Các hạm đội nhỏ hơn của quân Đồng Minh không có sự bảo vệ tốt về phòng không bị buộc phải tháo chạy hoặc bị tiêu hủy. Tuy nhiên, trận oanh kích Doolittle làm người Nhật buộc phải thu hồi lực lượng tấn công của Nhật Bản về vùng biển nhà.

Ngày 4/5/1942, tại biển San Hô, hạm đội Hoa Kỳ và hạm đội Nhật Bản đã tạo nên trận hải chiến tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử, nơi mà chiến hạm bên này không thể nhìn thấy tàu của phía bên kia. Chiếc tàu sân bay hạng nhẹ Shōhō trở thành tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản bị đánh chìm trong chiến tranh Thái Bình Dương, tàu sân bay Shōkaku trúng bom và mất hiệu năng chiến đấu, còn Zuikaku khôn ngoan ẩn mình trong cơn giông nên không bị tấn công. Đổi lại, hạm đội Hoa Kỳ là bên thua cuộc trong trận chiến với việc tàu sân bay USS Yorktown ôm thương tích chạy trốn, còn USS Lexington vùi mình dưới đáy biển sâu.

Trong trận Midway ngày 4/6/1942, cả 4 tàu sân bay Nhật Bản tham gia trận đánh đều bị đánh chìm trong khi người Mỹ chỉ mất duy nhất tàu sân bay Yorktown. Trận Midway được xem là bước ngoặt của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, hải quân Đế quốc Nhật Bản từ đây không bao giờ có thể hùng mạnh trở lại được nữa.

Sau đó, với tiềm lực khủng khiếp của mình, Hoa Kỳ đã có thể đóng một số lượng lớn tàu sân bay theo một hỗn hợp các tàu sân bay hạm đội, hạng nhẹ và các tàu sân bay hộ tống, đặc biệt là việc đưa vào hoạt động lớp tàu sân bay Essex trong năm 1943. Những con tàu này và những tàu xung quanh chúng đã tạo nên các lực lượng tàu sân bay đặc nhiệm của hạm đội 3 và hạm đội 5, chúng đóng một phần quan trọng trong chiến thắng của Đồng Minh trong chiến tranh Thái Bình Dương.

USS Philippine Sea - một tàu sân bay tiêu biểu thuộc lớp Essex

Trận chiến biển Philippines năm 1944 là trận chiến tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử: 24 tàu sân bay được cả hai bên sử dụng. Chiến thắng quyết định của hạm đội Mỹ cũng đánh dấu cục diện không thể xoay chuyển được nữa của chiến tranh Thái Bình Dương.

Triều đại mà các thiết giáp hạm là thành phần chính của một hạm đội cuối cùng đã đi đến hồi kết khi tàu sân bay đánh chìm những thiết giáp hạm lớn nhất mà con người từng chế tạo được. Siêu thiết giáp hạm Musashi chìm vào năm 1944 trong khi chiếc Yamato cũng ra đi vào năm kế tiếp. Quá cay đắng, Nhật Bản quyết định chế tạo chiếc tàu sân bay lớn nhất của cuộc chiến: chiếc Shinano, đây là một chiếc tàu lớp Yamato chuyển đổi trước khi hoàn thành nửa chừng để thay thế những mất mát tai hại trong trận Midway. Nó bị đánh chìm bởi tàu ngầm tuần tra Mỹ USS Archer-Fish trước khi được trang bị đầy đủ để đưa vào hoạt động trong tháng 11 năm 1944.

Những cải tiến thời chiến

- Mũi chống bão: một mũi chống bão là một boong chứa máy bay hoàn toàn kín, lần đầu tiên được nhìn thấy trên chiếc tàu sân bay thuộc lớp Lexington, nó đi vào hoạt động năm 1927. Kinh nghiệm chiến đấu đã chứng minh nó là cấu hình hữu ích nhất của mũi tàu sân bay so với những loại khác đã được thử nghiệm, bao gồm cả sàn bay thứ hai và một khẩu đội pháo phòng không. Tính năng này được tái kết hợp vào các tàu sân bay Mỹ thời hậu chiến. Chiếc tàu sân bay Nhật Bản đầu tiên có kết hợp một mũi chống bão là chiếc Taihō.

- Đường băng chéo: trong chiến tranh, máy bay phải hạ cánh trên một đường băng song song với trục dài của thân tàu. Máy bay nào đã đỗ trên sàn phải được cho đỗ ở mũi tàu, chỗ cuối đường băng. Một thanh ngăn va chạm được dựng lên phía sau chúng để ngăn máy bay đang hạ cánh khỏi lao vào khu vực đó trong trường hợp móc giữ của nó móc trượt vào các dây giảm tốc. Nếu điều này xảy ra chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng, thương vong hay thậm chí nếu thanh chắn không đủ chắc, còn phá hủy các máy bay đã đỗ. Một phát triển quan trọng trong thời kỳ chiến tranh khi người Anh phát minh ra đường băng chéo, nơi đường băng được đặt chéo khoảng 9 độ so với trục thân tàu. Nếu một máy bay không móc được cáp giảm tốc, phi công chỉ cần tăng sức lên tối đa rồi lại cất cánh lại và sẽ không đâm phải các máy bay đã đỗ bởi vì đường băng chéo góc hướng ra ngoài biển.

USS Enterprise (CVN-65) - tàu sân bay hạt nhân đầu tiên

Tháng 8 năm 1950, đô đốc Forrest Sherman - tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ yêu cầu nghiên cứu tính khả thi về một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các nhà khoa học đã phát triển một lò phản ứng hạt nhân trên bờ để thử nghiệm. Lò phản ứng A1W thử nghiệm thành công và được cấp phép. Kinh phí cho việc chế tạo tàu sân bay hạt nhân được phê duyệt trong năm 1958.

Nhà sản xuất Newport News Shipbuilding chỉ mất 2 năm để hoàn thiện tàu sân bay dài nhất mà con người từng chế tạo được. Chiếc tàu sân bay USS Enterprise được bàn giao cho hải quân Mỹ vào tháng 10 năm 1961. Tàu dài 342 mét, rộng 78,4 mét, lượng choán nước 93.248 tấn. Tàu được trang bị 8 lò phản ứng hạt nhân A2W (phiên bản cải tiến của A1W), cung cấp năng lượng cho 4 turbine hơi nước với tổng công suất 280.000 mã lực, truyền động cho chân vịt 4 trục, tốc độ tối đa 35 knot/giờ. Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn 5.500 người, bao gồm cả nhân viên hàng không.

Tàu sân bay Enterprise

Enterprise có thiết kế tương tự các tàu sân bay trước đó như Kitty Hawk và Constellation. Tàu có 4 máy phóng hơi nước, 4 thang máy. Cấu trúc thượng tầng độc đáo của tàu được ví von là "tổ ong". Tàu được gọi với biệt danh "Big E". Enterprise còn là tàu sân bay đầu tiên được trang bị radar quét mảng pha hoạt động theo từng giai đoạn cùng hệ thống tác chiến điện tử tinh vi. Enterprise cũng là tàu sân bay đầu tiên hạ thủy mà không có vũ khí tự vệ. Đến năm 1967, 2 bệ phóng MK25 sử dụng tên lửa Sea Sparrow mới được lắp đặt. Năm 1980, 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần MK15 Phalanx 20 mm được bổ sung thêm.

Enterprise là sân bay của nhiều loại máy bay trên hạm nổi tiếng như F-4 Phantom, F-14 Tomcat, A-1 Skyraiders, A-3 Skywarrior, A-4 Skyhawk, A-7 Crusaders. Tiêm kích hạm cuối cùng hoạt động trên Enterprise là 4 phi đội F/A-18 E/F Super Hornet.

Enterprise bắt đầu triển khai hoạt động từ năm 1962, khi tàu tham gia vào cuộc phong tỏa trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Năm 1964, Enterprise cùng với tuần dương hạm tên lửa USS Long Beach, khu trục hạm USS Bainbridg và 3 tàu năng lượng hạt nhân khác thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới, vượt qua quãng đường 49.189 km trong 65 ngày, còn gọi là chiến dịch Sea Orbit.

Tháng 12 năm 1972, cùng với 5 tàu sân bay khác, Enterprise tham gia chiến dịch Linebacker II. Neo đậu ngoài biển Đông, Enterprise đã phóng lên nhiều đợt tiêm kích hạm để hộ tống phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 ném bom oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng và những cơ sở công nghiệp, hậu cần quan trọng ở miền Bắc Việt Nam.

Năm 1988, Enterprise được triển khai ở vịnh Ba Tư trong chiến tranh Iran-Iraq. Các tiêm kích trên tàu đã đánh chìm một tàu hộ tống của Iran. Những năm 1990, Enterprise thực thi vùng cấm bay ở Iraq và Bosnia. Đầu năm 2000, Enterprise tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân Taliban và tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Tháng 12 năm 2012, sau 50 năm phục vụ, Enterprise được rút khỏi các nhiệm vụ để chuẩn bị ngưng hoạt động. Trong suốt 50 năm hoạt động, USS Enterprise đã thiết lập nhiều kỷ lục, con tàu từng đi vòng quanh thế giới 3 lần, thực hiện 25 sứ mệnh trên khắp thế giới, 400.000 lượt máy bay cất hạ cánh thành công, hàng trăm nghìn lượt thủy thủ thay nhau làm nhiệm vụ trên tàu.

Tàu sân bay trong Chiến tranh Việt Nam

Những tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đã được đưa tới bờ biển Việt Nam từ năm 1964, rất lâu trước khi các lực lượng bộ binh viễn chinh đầu tiên xuất hiện trên chiến trường miền Nam.

Ngày 5/8/1964, máy bay từ 2 tàu sân bay USS Constellation (CV-64) và USS Ticonderoga (CV-14) đã tấn công các mục tiêu ở miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân kéo dài 8 năm. Tới tháng 2 năm 1965, trên biển Đông đã có 4 tàu sân bay Mỹ, mỗi tàu sân bay đều có 6 đến 8 tàu bảo vệ các loại như khu trục hạm, tàu ngầm, tàu hộ vệ chống ngầm (chưa kể các tàu hậu cần, chở dầu, cứu hộ) đi kèm. Những cụm tàu sân bay này hoạt động tác chiến liên tục trong 30 - 45 ngày, sau đó thay nhau trở về căn cứ bảo dưỡng và nghỉ ngơi. Các tàu sân bay được triển khai ở hai khu vực: vịnh Bắc Bộ (2 chiếc) và ngoài khơi Nha Trang (2 chiếc), di chuyển cách bờ 150 - 200 hải lý và khi máy bay chuẩn bị xuất kích thì vào sát bờ 40 - 120 hải lý.

Trong chiến tranh Việt Nam, các tàu sân bay Mỹ phải hoạt động với cường độ rất căng thẳng, tới 80% thời gian ở trên biển và chỉ còn khoảng 20% thời gian được ở căn cứ. Tất cả các tàu sân bay Mỹ đều lần lượt tham chiến ở Việt Nam, thông thường mỗi tàu 3 tháng nhưng có khi phải kéo dài đến 6-8 tháng. Tùy theo thời tiết, không quân trên hạm thực hiện từ 2.000-8.000 phi vụ mỗi tháng, trung bình mỗi phi công phải bay 20 giờ/tháng. Tổn thất máy bay cũng rất nặng nề: mỗi tàu sân bay hàng tháng bị mất 10-15 máy bay khi vào đánh phá miền Bắc Việt Nam. Các tàu sân bay không bị tấn công do luôn nằm ngoài tầm bắn của các loại pháo bờ biển và phía Việt Nam chưa có tên lửa đối hạm. Tuy vậy, cường độ hoạt động cao, kéo dài và sự mệt mỏi, căng thẳng của các nhân viên trên tàu sân bay đã không ít lần dẫn đến tai nạn cháy nổ, gây thiệt hại nặng về cả người và vũ khí, trang bị làm nhiều tàu hư hỏng lớn, phải sửa chữa kéo dài và rất tốn kém.

Nổi tiếng nhất là vụ cháy nổ trên tàu sân bay USS Forrestal xảy ra vào sáng ngày 29/7/1967 khi đang cắm chốt trên vịnh Bắc Bộ. Nguyên nhân theo điều tra là do động cơ của quả tên lửa Zuni 127 mm treo dưới cánh chiếc tiêm kích F-4 bất ngờ hoạt động và tên lửa bắn thẳng vào thùng nhiên liệu của chiếc máy bay cường kích A-4 đang mang đầy đủ vũ khí phía trước. Phi công John McCain - thượng nghị sĩ tương lai của bang Arizona chính là người điều khiển chiếc phi cơ A-4 Skyhawk mà tên lửa lao trúng. Ông McCain kịp thoát ra khỏi khoang lái của phi cơ.

Dẫu vậy, nhiên liệu trên chiếc A-4 Skyhawk chuẩn bị xuất kích tràn ra khắp sàn tàu sân bay USS Forrestal, thiêu hủy nhiều máy bay xung quanh đó. Đám cháy từ chiếc máy bay làm một quả bom 450 kg nổ, giết chết nhiều nhân viên cứu hỏa khi họ đang nỗ lực ngăn chặn ngọn lửa lan rộng ra các khu vực khác của sàn tàu. Hàng loạt vụ nổ liên hoàn sau đó nhấn chìm một phần mặt sàn tàu sân bay USS Forrestal trong biển lửa. Nhiều phi công chuẩn bị xuất kích không thể thoát khỏi khoang lái của máy bay do đám cháy quá dữ dội.

Đám cháy nổ dữ dội kéo dài 13 giờ liền mới dập tắt được và đã làm 134 lính Mỹ thiệt mạng, 162 lính khác bị thương cùng với 29 chiến đấu cơ bị phá hủy hoàn toàn, 42 chiếc khác hư hỏng nặng, ngoài ra, nhiều máy bay và vũ khí cũng bị ném xuống biển để tránh khả năng làm mồi cho vụ hỏa hoạn. Tàu USS Forrestal bị loại khỏi vòng chiến đấu và phải sửa chữa kéo dài 7 tháng liền. Tổn thất vật chất lên đến 72 triệu USD (tương đương 500 triệu USD theo tỉ giá ngày nay). Đây là thiệt hại nặng nề nhất về người, vũ khí và trang bị của tàu sân bay Mỹ sau Thế chiến thứ Hai.

Trên thực tế, cơ chế an toàn ngăn tên lửa MK-32 Zuni không phát nổ khi hiện tượng cướp cò xảy ra. Tuy nhiên, nó lại lao trúng thùng chứa nhiên liệu của chiếc máy bay A-4 Skyhawk, gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Chỉ vài giây sau đó, các thùng chứa nhiên liệu phụ khác cũng bắt lửa, khiến lượng lớn xăng tràn ra mặt sàn tàu sân bay, kích nổ thêm nhiều chiến đấu cơ khác.

Trong toàn bộ cuộc chiến tại Việt Nam, trên các tàu sân bay Mỹ đã xảy ra 20 vụ cháy nổ lớn và trung bình, thiêu rụi hoàn toàn 60 máy bay chiến đấu các loại, làm hàng trăm lính Mỹ chết và bị thương. Điều đó đã gây ra khá nhiều chỉ trích đối với loại căn cứ không quân nổi này nhưng cũng không thể phủ nhận được sự cần thiết của tàu sân bay trong các cuộc xung đột quân sự và chiến tranh cục bộ. Chính từ đây bắt đầu xuất hiện chính sách ngoại giao mới trên thế giới được gọi là "ngoại giao tàu sân bay".

Ngoài những tai nạn cháy nổ, những tàu sân bay cũng phải dè chừng lực lượng đặc công, người nhái của Việt Nam đột kích bất ngờ:

USNS Card (CVE-11) là một tàu sân bay hộ tống thuộc lớp Bogue của hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ Hai. Nó nổi bật trong vai trò chống tàu ngầm đối phương. Sau khi chiến tranh kết thúc, Card được xếp lại lớp thành một tàu sân bay trực thăng hộ tống, rồi như một tàu sân bay tiện ích. Ngày 2/5/1964, trong khi neo đậu tại Sài Gòn để bốc dỡ máy bay, tàu USS Card bị đặc công quân Giải Phóng đặt bom và chìm tại cảng Sài Gòn. Sau đó dù được sửa chữa và nổi trở lại, nó chỉ phục vụ thêm được 6 năm thì bị loại khỏi biên chế hải quân Mỹ và bị tháo dỡ bán sắt vụn.

Đội biệt động 65 thuộc lực lượng đặc công Sài Gòn-Gia Định là đơn vị thực hiện được kỳ tích này. Đây là những người lính không mang quân phục, họ có thể hoá thân thành bất kỳ ai: anh công nhân bốc xếp, ông lão đạp xích lô, chị tiểu thương hay cô nữ sinh với tà áo dài. Họ hoạt động đơn tuyến, chỉ biết người trong tổ của mình, thỉnh thoảng họp các tổ với nhau thì phải bịt mặt.

Lâm Sơn Náo, biệt danh Ba Náo là một công nhân làm việc hợp pháp tại cảng nên có điều kiện đi lại trinh sát và thông thuộc địa hình. Cha anh cũng là một công nhân từng hàng chục năm làm thợ hồ ở cảng, thuộc làu các đường hầm, đường cống ngầm trong cảng, ông đã chỉ vẽ cho anh đường cống ngầm từ bờ sông Sài Gòn xuyên đến khu vực các tàu Mỹ thường neo đậu bốc dỡ hàng.

Một lần giả vờ xuống sông tắm, Ba Náo đã bơi vào kiểm tra lại đường cống này và thấy đây quả là một lối vào cảng rất thuận lợi để thực hiện các trận đánh. Ngày 29/12/1963, nhận được mật báo có tàu USNS Coree chở pháo, thiết giáp M-113 và máy bay cập cảng, anh và Sáu Cậy (Nguyễn Văn Cậy) đã theo đường cống đưa khối thuốc nổ 80 kg TNT áp vào sườn tàu rồi rút lui an toàn nhưng do khối pin được kết nối quá lâu đã yếu, không đủ sức điểm hỏa nên trận đánh không thành. Hai người phải quay lại tàu gỡ thuốc nổ đem về để giữ bí mật cách đánh.

Đêm ngày 30/4/1964, cơ sở mật trong cảng lại báo ra có tàu sân bay USNS Card sẽ cập bến ngày mai và bốc dỡ tại cảng ba ngày. Đêm ngày 1-5, Ba Náo quyết định đưa Nguyễn Phú Hùng - một chiến sĩ trẻ cùng đi với mình. Một tàu cảnh sát đường thủy của Việt Nam Cộng hòa còn cảnh giới cho hai người vượt sông Sài Gòn, do Ba Náo dụ dỗ được mấy người cảnh sát này để mình vào cảng "đánh lẻ" (thời này việc trộm vặt hàng Mỹ rất phổ biến), còn đưa trước cho họ một xấp tiền. Qua được đầu cảng phía trên, hai người đưa xuồng vào đường cống. Đi được khoảng 300 mét thì nước cạn, Náo và Hùng nhảy xuống vác khối thuốc nổ gồm 80 kg TNT và 2 kg C4 đã giấu sẵn trong cống từ trước đi về phía chiếc tàu Mỹ đang neo đậu sát bờ cảng.

3 giờ sáng ngày 2/5/1964, tàu USNS Card phát nổ và chìm xuống đáy sông Sài Gòn ở độ sâu 6 mét. 24 máy bay các loại bị phá hủy, 120 lính Mỹ trên tàu chết và bị thương. Đội biệt động 65 được tặng thưởng huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì. Lâm Sơn Náo được tặng thưởng huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba, Những người vận chuyển thuốc nổ vào thành phố được tặng thưởng huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba. Lâm Sơn Náo còn được chủ tịch Cuba Fidel Castro gửi tặng một khẩu súng hiệu Browning cho chiến công đánh chìm tàu Mỹ.

Những cách tiêu diệt tàu sân bay

- Người nhái đặt mìn: khi tàu sân bay neo đậu tại một cảng biển nào đó, có thể dùng người nhái lặn tới đặt mìn để đánh chìm tàu.

- Ngư lôi: trong Thế chiến thứ Hai, hải quân Mỹ đánh chìm tổng cộng 17 tàu sân bay của Nhật Bản, trong đó 8 chiếc là do ngư lôi phóng từ tàu ngầm. Đổi lại, hải quân Mỹ cũng mất 11 tàu sân bay, trong đó 4 là do ngư lôi phóng từ tàu ngầm Nhật. Hải quân Anh cũng mất 5 tàu sân bay do tàu ngầm Đức. Tổng cộng trong Thế chiến thứ Hai, 17 tàu sân bay đã bị đánh chìm bởi ngư lôi (9 tàu sân tàu hạm đội, 8 tàu sân bay hộ tống và hạng nhẹ), khiến 12.500 thủy thủ thiệt mạng.

Ngư lôi kiểu cũ thời Thế chiến thứ Hai dùng cơ chế chạm nổ để xuyên thủng thân tàu và cho nước tràn vào qua lỗ thủng đó. Trong khi đó, ngư lôi hiện đại phát nổ bên dưới đáy tàu, cách con tàu vài mét và dùng sức ép từ vụ nổ bẻ gãy con tàu làm đôi nên có thể tạo ra sức tàn phá lớn hơn nhiều. Hải quân Mỹ từng thực hiện nhiều mô phỏng để xem cần bao nhiêu ngư lôi để đánh chìm một tàu sân bay cỡ lớn. Vớp tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, họ ước tính sẽ cần khoảng 6 ngư lôi cỡ 533 mm, ví dụ như loại MK-48 với đầu đạn nặng 300 kg để đánh chìm một tàu sân bay hạng nặng.

Để đánh chìm một tàu sân bay hạng trung như chiếc Liêu Ninh của Trung Quốc, có thể sẽ cần khoảng từ 3 đến 4 ngư lôi cỡ 533 mm. Các tàu ngầm hiện đại đều trang bị 6 (thậm chí 10) ống phóng ngư lôi 533 mm với dự trữ 18-24 quả nên hoàn toàn đủ khả năng đánh chìm tàu sân bay nếu có thể tiếp cận đủ gần mục tiêu. Một số loại tàu ngầm cỡ lớn của Nga còn được trang bị loại ngư lôi hạng nặng cỡ 650 mm với đầu đạn nặng 570 kg, có thể đánh chìm một tàu sân bay cỡ lớn chỉ với 2-3 quả trúng đích.

Từ sau Thế chiến thứ Hai đến nay, không một tàu sân bay nào bị đắm trong các hoạt động tác chiến, đơn giản là vì từ đó đến nay không có một cuộc xung đột trên biển cỡ lớn nào giữa các cường quốc hải quân. Tuy nhiên, các cuộc tập trận hoặc các sự kiện chạm trán cho thấy những tàu ngầm hiện đại có thể trở thành những sát thủ thực sự của tàu sân bay khi áp dụng chiến thuật phục kích, ẩn nấp:

Năm 1956, chiếc tàu ngầm C-360 của Liên Xô từng cho nhô kính tiềm vọng ngay trước mũi tàu sân bay USS Des Moines của Mỹ. Trong những năm Chiến tranh lạnh, Tàu ngầm K-10 của Liên Xô đã bám ngay dưới đáy tàu sân bay Enterprise của Mỹ suốt 13 tiếng đồng hồ mà tàu Mỹ không hề hay biết. Nếu đây là trận đánh thực sự, tàu ngầm K-10 đã có thể phóng ngư lôi và dễ dàng hạ gục chiếc tàu sân bay hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Tháng 12 năm 2005 diễn ra cuộc tập trận mang tên "Joint Task Force Exercise 06-2" với sự tham gia của chiếc tàu ngầm Gotland của hải quân Thụy Điển được biệt phái đến Thái Bình Dương. Sau cuộc tập trận, Thụy Điển công bố những bức ảnh chụp tất cả các tàu trong cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ, trong đó có chiếc tàu sân bay Ronald Reagan dẫn đầu đội hình. Chiếc tàu ngầm Thụy Điển này đã lặn xuyên qua đội hình cụm tàu sân bay và chụp ảnh từng con tàu Mỹ ở cự ly gần mà các tàu chiến Mỹ không hề phát hiện ra.

Ngày 26/10/2006, khi nhóm tác chiến tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ đang diễn tập gần đảo Okinawa, Nhật Bản thì một tàu ngầm Type-039 của Trung Quốc bỗng nhiên nổi lên giữa đội hình của họ, cách tàu sân bay Kitty Hawk chỉ 8 km. Trong khi đó, Kitty Hawk được hộ tống bởi một hạm tàu nổi rất mạnh bao gồm cả tàu ngầm và tàu khu trục. Nếu trong tình huống tác chiến, chiếc tàu ngầm Type-039 này có thể dễ dàng hạ gục tàu sân bay Mỹ bằng ngư lôi hoặc tên lửa diệt hạm.

Năm 2007, một tàu ngầm điện - diesel của hải quân Canada mang tên HMCS Corner Brook "đánh chìm" tàu sân bay Illustrious trong đợt diễn tập mô phỏng trên Đại Tây Dương.

Đầu năm 2015, tàu ngầm hạt nhân tấn công SNA Saphir của hải quân Pháp tham gia diễn tập chung với cụm tác chiến tàu sân bay số 12 của hải quân Mỹ gồm tàu sân bay Theodore Roosevelt cùng nhiều tuần dương hạm lớp Ticonderoga, khu trục hạm lớp Aegis và một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles. Tàu ngầm SNA Saphir đóng vai một tàu ngầm của đối phương, nó mất nhiều ngày rình rập và đã thành công trong việc vượt qua vòng bảo vệ bên ngoài dưới sự đe dọa liên tục từ máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion và P-8A Poseidon của hải quân Mỹ, các khu trục hạm lớp Aegis và các tàu hộ vệ chống ngầm khác. Tàu ngầm Saphir đã tránh né được sự phát hiện của lực lượng chống ngầm, lặng lẽ áp sát chiếc tàu sân bay của hải quân Mỹ và thực hiện phóng ngư lôi giả định. Nếu là một trận đánh thực sự, tàu ngầm Saphir sẽ đánh chìm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và phần lớn các tàu hộ tống của nó.

- Bom và tên lửa chống hạm: trong Thế chiến thứ Hai, nhiều tàu sân bay đã bị đánh chìm bằng bom ném từ máy bay. Ở thời kỳ này, để ném bom chính xác thì máy bay phải áp sát tàu sân bay địch, do đó cần hàng chục máy bay tấn công cùng lúc để có thể vượt qua hàng phòng thủ từ chiến đấu cơ và pháo phòng không trên đội tàu hộ tống đối phương. Do đó, ở thời kỳ này, việc tiêu diệt một tàu sân bay bằng không quân là khá khó khăn, lực lượng tấn công thường phải chịu thiệt hại lớn về máy bay.

Hiện nay, vai trò của bom đã được tên lửa diệt hạm thay thế, nó đã trở thành loại vũ khí chính cho tác chiến trên biển. Tên lửa diệt hạm hiện đại có tầm bắn xa, có thể lên đến cả nghìn cây số, thời gian di chuyển đến mục tiêu ngắn nhờ vào tốc độ cao, có thể dễ dàng đạt vận tốc siêu thanh. Tên lửa cũng bay rất thấp, gần sát mặt biển (để tránh bị radar phát hiện từ xa). Do vậy, việc đánh chặn tên lửa diệt hạm là một nhiệm vụ rất khó, ngay cả với tàu chiến có hệ thống phòng không hiện đại. Ngoài ra, vận tốc cao giúp tăng thêm sức tàn phá của tên lửa khi va chạm vào mục tiêu. Đa số các tên lửa diệt hạm sử dụng cơ chế xuyên phá và nổ chậm để tối đa hoá mức độ thiệt hại, nghĩa là nó dùng động năng của mình để xuyên thủng lớp vỏ ngoài của tàu và phát nổ khi đầu đạn đã ở bên trong con tàu.

Với tên lửa diệt hạm hiện đại, một phi đội gồm khoảng 10-20 máy bay (mỗi chiếc mang theo 2-3 tên lửa) có thể tiêu diệt cả một nhóm tàu sân bay đối phương một cách không quá khó khăn. Một đợt tấn công gồm hàng chục tên lửa chống hạm phóng cùng lúc có thể chọc thủng hệ thống phòng không của các tàu hộ tống và đánh chìm tàu sân bay. Số lượng các quốc gia có thể thực hiện điều này ngày càng tăng, do đó, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tàu sân bay sẽ trở nên lỗi thời trong chiến tranh hiện đại vào khoảng giữa thế kỷ 21, giống như số phận của các thiết giáp hạm cách đó một thế kỷ.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro