Gánh Lô Tô

Trên con lộ đất đỏ loang lổ bùn của một xóm ven sông Tiền, tiếng máy nổ của chiếc xe tải cũ ì ạch kéo theo một chiếc rơ-moóc dựng vải màu, loang lổ ánh đèn lô tô, cắm chong chóng nhựa lấp lánh. Bụi bay mờ trời, làm mấy đứa nhỏ lội ruộng chạy theo mà miệng réo rắt:

- Gánh lô tô kìa má ơi! Có gánh lô tô tới nữa kìa!

Người phụ nữ ngồi trước đầu cabin nhíu mày, tay rút điếu thuốc phì phèo như một thói quen lâu năm.
Mái tóc xoăn nhuộm nâu rối bời vì gió, son môi đỏ như máu nhưng trên mặt lại không có nụ cười.
Chị tên Thái Anh - chủ gánh lô tô "Ánh Sao Khuya" từng một thời vang danh dọc ngang miền Tây.

Thái Anh ba mươi tuổi, mười năm gồng gánh cả một đoàn người phận lạc loài, sống đời tạm bợ, lấy tiếng cười thiên hạ làm cơm ăn áo mặc.

Người ta gọi chị là "chị Hai" - không phải vì thứ bậc, mà vì cái cách chị quăng mình bảo bọc cho từng đứa em trong đoàn như má hiền giữa đám con mồ côi.

Ngồi phía sau, trong thùng rơ-moóc, Lệ Sa đang chồm ra ngoài nhìn trời. Cô im lặng như thường lệ. Hai tay khoanh lại, đầu tựa vào khung sắt. Gió thổi tạt qua tóc ngắn cũn, cái dáng người cao cao, gầy nhưng rắn rỏi.
Người ta tưởng Lệ Sa là con trai, nhất là khi cô mặc áo sơ mi trắng dính bùn và quần tây cũ sờn gối, tay lúc nào cũng đút túi, mặt lạnh như nước đá.

Lệ Sa ít nói, từ lúc gia nhập gánh đến nay gần một năm, người ta đếm số câu cô nói chưa chắc đủ một bàn tay.
Nhưng ai cũng nể, vì cái cách cô dọn sân khấu không sót một cây đinh, khuân thùng loa nặng như không, và đặc biệt - cách cô im lặng mà khiến người ta phải ngoảnh nhìn.

Đêm đầu tiên của gánh ở xóm Cái Sắn. Cái sân đất giữa đồng cỏ được dọn sạch, dựng lên tấm phông đỏ, kéo dây đèn màu nhấp nháy.
Tiếng loa rè vang vang gọi mời:

"Gánh lô tô Ánh Sao Khuya biểu diễn một đêm duy nhất. Mua vé ba ngàn, trúng thưởng năm chục. Trúng số, trúng tình, trúng vui..."

Trong lúc mấy chị em đang lo trang điểm, soạn số, dán thẻ, Lệ Sa lẳng lặng khiêng từng bộ ghế ra sắp xếp.
Cô vẫn không nói gì, dù mồ hôi đẫm lưng áo. Mọi người đã quen với điều đó. Chỉ có Thái Anh, từ trong màn thay đồ, liếc nhìn qua khe rèm, ánh mắt lặng đi đôi chút.

Đêm buông hẳn.
Trăng lên chậm rãi như một vết son bị quên lau trên bầu trời. Mấy con dế mèn kêu khẽ dưới cỏ, hoà trong tiếng hát nhão nhòa của mấy chị đào vừa bước xuống sân khấu, trút lớp son phấn bằng nước lã trong thau nhôm.

Gió đồng thổi lạnh. Thái Anh ngồi bên hông sân khấu, nhấm nháp ly nước đá đường đổ đầy mùi khói phấn.
Từ xa, Lệ Sa đang chằng dây lại mấy cây cột đèn. Đôi tay cô thoăn thoắt, mắt nhìn kỹ từng nút thắt, từng vòng dây điện như một người thợ lành nghề.

- Sa! - Thái Anh gọi. Giọng không lớn nhưng chắc.

Lệ Sa dừng tay. Cô ngước lên. Không nói gì, chỉ đi về phía chị.

Thái Anh đưa ly nước:

- Uống chút đi, hôm nay nắng gắt.

Lệ Sa nhận lấy, uống một hơi cạn sạch. Rồi trả lại, gật đầu nhẹ như một lời cảm ơn không cần chữ nghĩa.
Thái Anh nhìn đôi môi khô khốc, cổ áo dính mồ hôi và bàn tay rớm vết trầy xước của cô gái, cảm giác nơi ngực như thắt lại.

- Em bao nhiêu tuổi? - Thái Anh hỏi.

Lệ Sa im. Một lúc sau mới đáp, giọng khàn và nhỏ:

- Hai mươi hai.

- Còn nhỏ xíu... Vậy mà gánh cả mấy cây cột nặng hơn em. Hồi chị bằng tuổi em, còn lo sợ cái đèn sân khấu nổ nữa kìa.

Lệ Sa không cười. Cô chỉ liếc Thái Anh một cái, rồi cúi xuống kiểm tra lại sợi dây giăng. Cái dáng cúi người, chăm chú, lặng thinh như thể thế giới xung quanh không còn tồn tại, làm chị Hai muốn nói thêm gì đó... nhưng lại thôi.

- Em ngủ sớm đi. Tối nay diễn xong, tụi nhỏ dọn đồ, chị lái xe. Sáng mai qua An Phú kịp giờ chợ.

Lệ Sa gật đầu.
Cô rút chiếc khăn nhỏ trong túi quần, lau tay rồi đi về phía rơ-moóc nơi chất đồ nghề. Mỗi bước chân in xuống đất, không để lại tiếng động. Nhẹ như sương, như chính cái bóng của mình.

Đêm khuya. Sân khấu dọn gần xong. Dân xóm Cái Sắn lục tục ra về, có mấy đứa nhỏ còn níu áo xin hình của "cô đào lô tô đẹp nhất" - là chị Hồng Nhung, người cao ráo, da trắng, hát cải lương như nghệ sĩ thật.

Mọi người mệt rã, nằm dài trên bạt, đứa thì hút thuốc, đứa gặm bánh mì nguội, ai nấy đều đợi chị Hai ra hiệu khởi hành.

Lúc Thái Anh bước tới, cô gọi một vòng:

- Mọi người lên xe! Hôm nay ngủ dọc đường. Qua An Phú ngủ nhà người quen. Nhớ đừng quên đồ nghề, lần trước để quên micro là chị suýt cạo đầu đứa nào đó rồi!

Cả đám cười rộ. Không khí vui trở lại. Gánh lô tô, có mệt mỏi mấy thì cũng là gia đình tạm bợ của những kẻ không nhà.
Trong tiếng cười đó, Lệ Sa vẫn im lặng như thường. Cô ngồi ở góc sau cùng, cạnh đống dây điện và loa, hai chân co lên, mắt nhìn ra khoảng trời đen ngoài thùng xe.

Lúc xe nổ máy, cả gánh rung lên, lao về phía con đường đất dẫn ra quốc lộ.
Tiếng xích rít của bánh xe lăn qua ổ gà, tiếng chai lọ va nhau lạch cạch, tiếng gió lùa vào khe vải..
Tất cả quyện thành một bản nhạc rong ruổi, chỉ riêng người trong gánh mới thấy thân quen.

Thái Anh ngồi trong cabin. Đèn đường hiếm hoi chiếu qua gương, hắt bóng chị lên kính chắn gió.
Chị lặng người, tay giữ vô lăng, đầu óc không yên.
Mắt chị liếc qua gương chiếu hậu. Dưới ánh đèn mờ nhòe, chị thấy Lệ Sa đang tựa đầu vào thành thùng, mắt nhắm hờ, tay khoanh lại ôm vai mình.

Có những đêm thế này, Thái Anh chợt thấy tim mình mềm hơn mức cần thiết.

Chị ghét cảm giác đó. Nhưng cũng không nỡ đẩy nó đi.

-- -- -- -- --

Trời rạng sáng khi xe cập bến ở An Phú. Căn nhà ven lộ được dựng bằng tôn và gỗ lợp mái lá dừa, là chỗ quen của một người bạn cũ Thái Anh - má Bảy.

Bà già gần bảy mươi, mắt kèm nhem nhưng giọng vẫn còn vang.
Vừa thấy gánh tới, bà cười toe toét:

- Trời ơi, chị Hai của tui tới rồi! Mấy đứa ơi, đem đồ vô, nước sôi má nấu sẵn, rửa mặt cho tỉnh đi nghen!

Cả đoàn lô tô ào xuống như một đám chim sẻ về tổ. Người khiêng loa, người bưng đèn, ai nấy ríu rít chào hỏi má Bảy. Còn Thái Anh thì chắp tay sau lưng, điềm đạm như chị cả. Chị nói:

- Má, bữa nay con xin ở tạm một đêm. Mai tụi nhỏ dựng sân khấu sớm, con lo xong là dọn liền. Không phiền má lâu đâu.

- Ừ, phiền gì. Chỗ này mà thiếu mấy đứa bóng bảy tụi bây là má buồn thúi ruột à!

Cả đám lại cười vang. Lệ Sa lúc đó cũng khiêng hai thùng dây điện vào, đặt gọn trong góc sân rồi lẳng lặng ngồi xuống bên bậc thềm. Má Bảy nhìn cô:

- Ủa, nhỏ này mới hả?

Thái Anh gật:

- Dạ. Nó tên Sa.

- Con trai hả? Mà mặt xinh như con gái ha?

- Con gái đó má. Nhưng mà không quen váy vóc.

- Vậy hả. Ừ, giống hồi đó... - Má Bảy định nói thêm, nhưng rồi lại thôi.

Ánh mắt bà lướt qua Lệ Sa một cách trìu mến, như nhìn thấy bóng dáng ai trong ký ức.

Buổi trưa, khi mặt trời lên cao, cả gánh đã nghỉ ngơi xong. Mấy người tranh thủ giặt đồ, phơi trang phục lên dây thừng căng giữa hai cây dừa. Không khí an yên hiếm hoi đối với những người sống đời nay đây mai đó.

Thái Anh ngồi trong gian nhà chính, sửa lại bản danh sách số lô tô, tay cầm cây bút đỏ đánh dấu từng con số sắp ra để kêu cho hấp dẫn. Chị luôn là người chuẩn xác, tỉ mỉ - không vì là chủ gánh mà buông tay cho người khác làm thay.

Bất chợt, chị ngẩng đầu lên, thấy Lệ Sa đang cầm cây chổi quét sân. Gió lùa bay vạt tóc trước trán cô. Cô vẫn như mọi ngày - câm lặng, không than mệt, không than đói, cứ cặm cụi làm việc.

- Sa! - Thái Anh gọi.

Cô dừng tay, quay đầu lại.

- Vô đây chị biểu.

Lệ Sa bỏ chổi xuống, bước vô nhà. Tay còn dính ít bụi rơm.

- Ngồi đi. - Thái Anh chỉ vào chiếc ghế tre đối diện.

Lệ Sa ngồi xuống, dáng ngồi hơi cứng.

- Em theo gánh lâu rồi, chị biết em siêng. Mấy bữa chị nói ít, nhưng không phải không để ý.

Lệ Sa nhìn chị. Đôi mắt ấy không dò xét, không hằn học, cũng không mong cầu. Chỉ yên tĩnh như mặt nước khi không có gió.

Thái Anh tiếp:

- Nhưng em không thể sống hoài trong im lặng vậy. Tụi mình sống nhờ tiếng cười người ta, mình mà không nói, không giao tiếp, không thân thiết với ai, em sẽ mỏi mệt đó.

Lệ Sa khẽ cựa người. Cô lặng im rất lâu. Rồi mới cất tiếng, khàn và chậm:

- Em không quen.

- Không quen thì học. Ở đây ai cũng từng khép lại, từng chạy trốn. Nhưng tụi mình là gánh hát, em không cần phải vui vẻ giả tạo, chỉ cần đừng trốn.

Lệ Sa cúi đầu. Nắng hắt qua song cửa, đổ bóng xuống vai cô. Rất khẽ, như một lời thú nhận đứt gãy:

- Em từng hát.

Thái Anh hơi nhướng mày:

- Hát? Trước khi vào gánh?

Lệ Sa gật.

- Với ai?

- Một người...không còn nữa.

Không khí trong căn nhà lặng xuống. Thái Anh không hỏi thêm. Chị đặt cây bút xuống bàn, đứng dậy, đi về phía cửa rồi nói:

- Khi nào sẵn lòng, kể chị nghe.

Không ép, không chạm vào vết thương. Nhưng cũng không để nó âm ỉ mãi trong bóng tối.

Chiều xuống cả đoàn dựng sân khấu.
Gió từ sông Hậu thổi tới mát rượi.
Lệ Sa leo lên dựng phông, chằng dây, tay thoăn thoắt như đã thuộc lòng mọi vị trí dù là người mới.
Khi giàn đèn bật thử, ánh sáng hắt lên gương mặt cô, Thái Anh nhìn thấy một điều gì đó khác thường - cái đẹp khô lạnh như đất cát sau mưa, ít người nhìn ra nếu không đủ kiên nhẫn.

Đêm đó, trước giờ diễn, Thái Anh lại tìm Sa.

- Tối nay lên sân khấu với chị không?

Lệ Sa khựng lại. Tay cô đang gắn cổng điện đèn phía dưới bậc. Cô ngước lên, lặng một lúc.

- Em không biết kêu số.

- Không sao. Để chị kêu, em chỉ đứng cùng thôi. Chị muốn khán giả thấy em.

Một lần nữa, Lệ Sa không đáp ngay. Nhưng lần này, cô gật đầu.

Tiếng loa vang vọng khắp xóm An Phú:

- Bà con ơi bà con à! Đoàn lô tô Thái Anh lưu diễn một đêm duy nhất! Ai chưa đi thì rủ người đi, ai đang buồn thì đi vui, ai cô đơn thì đi trúng số nghe bà con!

Dưới ánh đèn vàng nhạt, sân khấu gánh lô tô dựng lên giữa sân đình làng nhìn mộc mạc mà ấm cúng.
Ghế nhựa được xếp thành hàng lối, người dân bắt đầu tụ về đông dần.
Mấy đứa con nít chạy lon ton cầm bong bóng, mấy bà cụ thì đội nón lá quạt phe phẩy chờ đến giờ mở màn.

Thái Anh đứng trong cánh gà, tay chỉnh micro, mắt dõi ra sân khấu đã chuẩn bị xong.

- Sa, lại đây. - Giọng chị gọi nhẹ phía sau.

Lệ Sa vừa đẩy xong cái rương chứa số lô tô thì bước tới, vẫn là dáng đi nhanh, gọn và im lìm.

- Em thay đồ rồi hả?

- Rồi.

- Để chị coi coi... - Thái Anh nghiêng đầu nhìn cô từ trên xuống.

Lệ Sa mặc một chiếc sơ mi trắng, tay xắn cao, quần tây đen, giày vải.
Mọi người trong gánh đều diện đồ sặc sỡ, riêng cô thì luôn chọn giản dị như thế.
Nhưng chẳng hiểu sao, Thái Anh lại thấy cái sự đơn giản đó nổi bật theo một kiểu... riêng.

Chị bước tới, tay khẽ vuốt lại cổ áo cho Sa:

- Nút cổ chưa cài kìa. Phải chỉnh tươm tất chút, khán giả dưới quê dễ thương nhưng họ tinh mắt lắm à nha.

Tay Thái Anh chạm vào cổ Lệ Sa một chút thôi, đủ để Lệ Sa khẽ giật mình. Cô liếc lên, lần đầu tiên ánh mắt có gì đó thoáng qua - vừa ngỡ ngàng, vừa...ấm.

- Lần đầu lên sân khấu chung với chị, hồi hộp hông?

Lệ Sa khẽ lắc đầu.

- Vậy hả? Giỏi quá ta. Hồi chị mới lên lần đầu, run muốn rớt micro. Mà giờ thì thuộc lòng cái tiếng vỗ tay của khán giả rồi. Nên... em đừng sợ. Lỡ run thì cứ đứng gần chị.

Lệ Sa nghe vậy, không nói gì, chỉ "ừ" rất nhỏ. Nhưng trong lòng, có gì đó như cơn gió nhẹ thoáng qua, làm trái tim tưởng đã khép kín hơi rung.

Đèn bật. Sân khấu sáng rực. Tiếng nhạc dồn dập, tiếng trống rộn rã. Khán giả vỗ tay reo hò khi MC Thái Anh bước ra, giọng vang như chuông:

- Chào bà con An Phú quê hương miệt vườn yêu dấu! Nay gánh lô tô của tụi tui xin kính mời bà con một đêm cười rụng răng, số trúng thiệt, giải có thiệt, mà đào cũng thiệt luôn!

Tiếng cười ồ lên từ phía dưới.

- Đầu tiên, xin giới thiệu một gương mặt mới toanh, nhưng siêng năng và... đẹp trai, à lộn, đẹp gái mà giống trai - người bạn nhỏ của tôi, cô Lệ Sa!

Cả đám khán giả trố mắt. Một vài tiếng xì xào nổi lên khi thấy một "cô gái" tóc ngắn, mặc sơ mi trắng bước ra - không son, không phấn, không lộng lẫy. Nhưng dáng đứng thẳng, ánh mắt thẳng, và một sự lặng thinh lạ lùng.

Thái Anh cười, tay đưa micro ra:

- Sa chào bà con cái đi em!

Lệ Sa cầm micro. Một nhịp im. Rồi cô nói:

- Em... chào bà con.

Tiếng cười nhẹ rộ lên, ai đó vỗ tay:

- Trời ơi nói được kìa! Dễ thương quá!

Thái Anh khẽ quay sang nhìn Sa. Chị mỉm cười, không nói gì thêm, chỉ đưa tay ra nắm nhẹ mu bàn tay cô một cái. Cái nắm tay đó ngắn ngủi, nhưng có hơi ấm.

Cả buổi tối hôm ấy, Lệ Sa không nói gì thêm. Nhưng cô đứng kế bên Thái Anh suốt, phụ lấy thùng số, đưa bảng, rồi nhìn chị kêu từng con số bằng giọng trầm ấm:

- Hai con vịt bầu, hai hai, số hai mươi hai!

- Ba bà đi chợ, ba mươi ba!

- Con số hên nhất đêm nay - sáu mươi sáu lục lục quý quý!

Tiếng vỗ tay rần rần. Mấy người dưới quê hăng lắm, mỗi lần trúng số là đứng dậy la lớn, chạy lên sân khấu nhận quà. Thái Anh lúc ấy sẽ nở nụ cười rạng rỡ trao tận tay, có khi còn pha trò khiến khán giả cười ngất.

Riêng Lệ Sa thì lặng lẽ hơn. Nhưng thi thoảng, ánh mắt cô lại dừng lại nơi Thái Anh, trong những khoảnh khắc chị xoay lưng đi, hoặc lúc chị cúi người nhặt một con số rơi.

Giống như... ánh mắt của người muốn ghi nhớ từng nét rất nhỏ của người đối diện, nhưng chưa dám tiến gần.

Khi đêm kết thúc, sân khấu gấp lại, đèn tắt, cả gánh lại ngồi vòng tròn ăn cháo trắng muối mè. Mệt, nhưng vui.

Thái Anh ngồi cạnh Lệ Sa. Tay chị đưa qua lấy chai nước, lỡ chạm vào tay Sa lần nữa. Lần này, không ai giật mình. Chị hỏi khẽ:

- Hôm nay vui không?

Lệ Sa gật đầu. Rồi ngập ngừng, lặng vài giây trước khi nói:

- Cảm ơn... chị.

Thái Anh quay sang nhìn. Cái giọng nói khẽ đó, hai chữ đơn giản đó... là lần đầu Lệ Sa tự nói trước, không bị gọi.

Chị mỉm cười. Không nói gì thêm. Chỉ là, trong khoảnh khắc đó, có gì đó rất gần đã bắt đầu nhen lên.

-- -- -- -- --

Trưa hôm sau, đoàn dọn rạp sớm.
Hôm nay họ nghỉ một ngày để sửa xe, chỉnh loa. Gánh lô tô Thái Anh tạm nghỉ chân ở một bãi đất ven rạch, sau lưng là rừng dừa nước, trước mặt là ruộng lúa xanh mướt mát.
Cái mùi bùn non, mùi gió đồng và nắng hạ trộn lại thành thứ không khí rất riêng của miền Tây - vừa làm người ta thèm được nằm lười, vừa làm lòng chùng xuống vì yên tĩnh quá.

Anh em trong đoàn tản ra.
Người đi chợ nấu ăn, người mắc võng ngủ trưa, có người ra bờ sông câu cá.
Lệ Sa ngồi một mình ở bậc đá phía sau xe, tay cầm chiếc hộp nhỏ đang mài lại mấy con số lô tô bằng nhựa. Từng con số được lau sạch, chỉnh góc, rồi xếp ngay ngắn trở lại hộp. Từng cử chỉ tỉ mỉ như cách người ta chăm một thứ gì quý giá.

- Sa ơi, ăn cơm chưa?

Thái Anh bưng cái tô cơm từ xa lại, tay cầm thêm một đôi đũa và ly nước mát.

Lệ Sa nhìn lên, rồi cúi đầu, lí nhí:

- Dạ... chưa.

- Cơm chị nấu, không ngon cũng phải ăn. Mà chị canh phần riêng cho em rồi, không có ớt, biết em ăn cay dở.

Cô ngồi xuống cạnh Lệ Sa, đưa tô cơm qua. Hai người ngồi sát nhau, bóng hai vai đổ dài xuống nền đất gồ ghề nắng rọi. Lệ Sa đón lấy tô, cầm đôi đũa nhưng lại ngập ngừng.

- Có gì không vừa miệng thì nói nha, đừng nhịn đói.

- Không có... chỉ là... lần đầu được người khác múc cơm cho.

Thái Anh khựng nhẹ. Chị xoay mặt sang, ánh mắt có chút gì đó như chạm vào.

- Vậy là... từ nhỏ tới giờ, em vẫn hay một mình?

Lệ Sa gật đầu.

Chị im lặng một lát, rồi mỉm cười:

- Vậy thì từ nay, chị sẽ là người hay múc cơm cho em. Nhớ ăn, đừng để chị phải gõ đầu.

Lệ Sa cười nhẹ, nụ cười đầu tiên trong ngày. Rất khẽ, rất mảnh, nhưng đủ khiến Thái Anh nhận ra. Trái tim chị mềm xuống một chút. Lâu rồi, chị mới thấy mình muốn để ý từng biểu cảm nhỏ đến vậy.

Chiều đến, trời kéo mây. Thái Anh đi mua đá lạnh, còn Lệ Sa được giao mang thùng đèn ra lau. Cô ngồi dưới gốc cây dừa xiêm, gió lồng lộng, ánh sáng đục mờ phủ lên tóc và vai áo. Một chiếc xe khách chạy ngang qua quốc lộ bụi mờ, trong xe có tiếng ai đó cười giòn như chuông.

Lệ Sa ngẩng đầu nhìn.

Xa kia, có đôi trai gái ngồi sát nhau, cô gái dựa vai, tay anh trai choàng qua ôm hờ. Một bức tranh yên bình mà cô không thuộc về.

Cô quay lại, tiếp tục lau chiếc đèn sân khấu. Nhưng lòng thì vương vướng - như thể vừa nhìn thấy một điều mình chưa từng chạm tới.

- Nhìn gì đó?

Giọng Thái Anh vọng phía sau. Cô vừa đi về, tay xách bọc đá lạnh và hai bịch trà đường.

Lệ Sa giật mình, vội lắc đầu:

- Không... không có gì.

- Thiệt không? Hay là... nhìn cặp kia trên xe khách mà thèm? - Thái Anh nghiêng đầu, đôi mắt long lanh ánh nắng chiều.

Lệ Sa đỏ mặt. Không biết là vì nắng hay vì ngượng, nhưng ánh mắt thì trốn đi đâu đó, tay lại lau chiếc đèn nhanh hơn bình thường.

Thái Anh ngồi xuống bên cạnh, chống cằm nhìn cô:

- Sao? Em chưa có ai bao giờ hả?

Câu hỏi đơn giản vậy, nhưng khiến Lệ Sa lặng đi.

Một lát sau, cô nói, nhỏ đến mức gần như gió cuốn mất:

- Chưa từng ai... ở lại đủ lâu.

Thái Anh nhìn Sa. Lần đầu chị thấy cô thật trần trụi trong cảm xúc đến vậy. Không lạnh lùng, không cộc cằn - chỉ là một người con gái trẻ mang dáng vẻ con trai, đang che giấu nỗi cô đơn dài hơn cả những năm tháng rong ruổi.

Thái Anh không nói gì. Chị chỉ khẽ đưa tay, lấy một chiếc khăn khô lau tay Sa đang dính dầu đèn. Rồi nói như trêu:

- Vậy giờ chị thử ở lại xem em có chịu không?

Lệ Sa ngước lên.

Ánh mắt hai người chạm nhau. Không có nụ cười, không có câu bông đùa thêm, chỉ có sự lặng thinh rất nhẹ - nhưng rất thật. Trong khoảnh khắc ấy, thời gian như ngừng trôi một chút.

Tối hôm đó, trăng lên tròn vạnh, cả đoàn đốt lửa trại. Mọi người cười hát, nhảy múa quanh đống lửa, còn Lệ Sa thì ngồi bên cạnh Thái Anh, hai người cùng ăn bắp nướng. Gió thổi làm tàn tro bay lượn quanh như pháo hoa.

- Sa, hát một bài đi!

Một chị trong đoàn la lớn.

- Phải đó, nghe nói hát hay lắm mà! Hát một bài tặng chị chủ gánh coi!

Mọi người reo hò, còn Thái Anh thì chỉ nhìn Sa, ánh mắt lấp lánh như trăng soi nước.

Lệ Sa lắc đầu. Nhưng rồi, thấy mọi người chờ đợi quá, cô cũng đứng lên, ngập ngừng cầm lấy cây guitar cũ kê gần lửa. Ngón tay run nhẹ, nhưng khi bắt đầu đàn, âm thanh vang lên, tròn, buốt và rất tình.

"Mình cùng nhau đi hết tháng năm dài
Mình cùng nhau qua hết bao khổ đau..."

Giọng Lệ Sa không phải giọng ca chuyên nghiệp. Nhưng mộc, ấm, và dội thẳng vào ngực người nghe.

Thái Anh ngồi đó, tay ôm đầu gối, nhìn cô. Nét mặt bình thường của Lệ Sa giờ đây có thêm ánh sáng, có nhịp tim, có điều gì đó khiến chị không thể rời mắt.

Và chị nghĩ...

Nếu có ai khiến mình muốn ở lại... thì có lẽ, chính là người đang đứng kia.

Trời tối nhanh hơn bình thường. Từ lúc chiều, mây đã âm u, gió thổi từng chặp như dằn lòng. Gánh lô tô hôm nay nghỉ sớm, ai cũng tranh thủ tắm rửa, giặt giũ rồi co mình trong xe. Mưa tới bất ngờ, trút xuống từng cơn như ai giận dỗi. Cả bãi đất ngập nước, mùi bùn và mùi mưa tan vào nhau.

Lệ Sa chui tạm vào khoang xe phía sau, nơi chứa mấy bộ trang phục lô tô và thùng đạo cụ. Cô ngồi bó gối, nhìn màn mưa bên ngoài dày đặc như tấm màn trắng. Mái tôn dột vài chỗ, nước nhỏ tí tách xuống sàn, thành bản nhạc buồn cục mịch.

Cửa bật mở.

Thái Anh bước vào, áo mưa khoác vội, tóc ướt lòa xòa.

- Trời đất, trốn ở đây từ hồi nào mà không nói?

- Em thấy mưa...

- Mưa thì chạy vô xe chính chứ? Đây là chỗ đạo cụ ướt hết rồi. - Giọng chị trách nhẹ, nhưng ánh mắt thì dịu đi khi thấy Sa co ro trong góc tối.

Chị ngồi xuống cạnh, hơi thở còn đọng sương lạnh.

- Coi em kìa. Ướt cả rồi. - Chị đưa tay rút khăn trong túi áo, lau nhẹ tóc cô.

Lệ Sa ngồi yên. Hơi ấm từ tay Thái Anh khiến tim cô đập lệch nhịp. Khoang xe chật chội, vai hai người sát vào nhau, chỉ cần nghiêng nhẹ là chạm má.

Ngoài kia, mưa như chưa muốn ngừng.

- Sa nè.

- Dạ?

- Có khi nào em thấy mình không hợp với gánh không?

- Không. - Lệ Sa đáp nhanh, gần như không nghĩ.

Thái Anh nhìn cô một lúc rồi mỉm cười:

- Vậy là ở đây còn vui hơn cuộc sống trước?

- Ừm...

- Vậy... chị hỏi thiệt, nếu chị không phải chủ gánh này... em có còn ở lại không?

Câu hỏi treo giữa tiếng mưa. Lệ Sa không trả lời ngay. Cô cúi đầu, nhìn bàn tay mình đang siết chặt. Một lát sau mới khe khẽ nói:

- Em không biết. Nhưng nếu không có chị... chắc em cũng chẳng bước lên sân khấu được như bây giờ.

Câu nói không hoa mỹ, không ngọt ngào, nhưng khiến lòng Thái Anh thắt lại. Chị đưa tay lên, gỡ một sợi tóc dính trên trán Sa, rồi để tay lại nơi gò má cô. Mềm. Lạnh. Và thật gần.

- Có khi nào... em ghét chị không?

- Sao lại ghét?

- Vì... chị cứ bắt em phải cười, phải nói, phải hát, trong khi em rõ ràng không giỏi mấy thứ đó...

Lệ Sa khẽ lắc đầu:

- Em không giỏi, nhưng em muốn.

Cô quay sang. Ánh mắt cô trong veo. Mưa ngoài kia vẫn chưa tạnh, nhưng trong khoang xe, thế giới như thu nhỏ lại - chỉ còn hai người, một nhịp tim và một điều gì đó đang lớn lên từng phút.

Ngay khi khoảnh khắc chực rơi xuống thành điều sâu hơn, thì...

- Ủa, có ai ở đây hả?

Giọng một cô gái vang lên. Cửa xe bật mở.

Một bóng người đội mưa bước vào - tóc ngắn cột gọn, da nâu khỏe, ánh mắt sắc sảo. Cô mặc chiếc áo thun ôm, quần jean bạc màu, theo sau là chiếc balo ướt sũng.

- Chị Thái Anh, em mới tới! Thằng Tí nói em vào gánh gặp chị trực tiếp. Em là Nguyệt, người Tư Xung giới thiệu á!

Thái Anh đứng dậy, hơi bối rối. Chị cười:

- À, nhớ rồi. Em định vô gánh thiệt hả?

- Dạ, em mê hát lô tô dữ lắm. Với lại... em nghe trong gánh có giọng ca bí ẩn hát rất đỉnh. Em khoái quá trời.

Nguyệt nhìn quanh, rồi dừng ánh mắt lại nơi Lệ Sa.

- Ủa, chị là... người đó phải không?

Lệ Sa chưa kịp trả lời, thì Thái Anh đã bước tới, đứng giữa hai người:

- Ờ, đây là Lệ Sa, từ nay ở chung tụi mình, phụ trang phục và hát khi cần.

Nguyệt cười toe:

- Dạ, em chào chị Sa. Nhìn chị giống soái ca ghê. Không ngờ gặp người nổi tiếng nhanh vậy luôn đó!

Lệ Sa gật đầu, mặt vẫn lạnh như thường, nhưng tay lại lóng ngóng không biết để đâu.

Thái Anh đứng cạnh, ánh mắt thoáng gợn. Nụ cười trên môi chị nhạt đi đôi chút.

Tối hôm ấy, mưa vẫn chưa dứt hẳn.

Trong khoang xe chính, Nguyệt ngồi cạnh Lệ Sa, líu lo hỏi han chuyện sân khấu, chuyện hát, chuyện ánh đèn.

Lệ Sa trả lời từng câu, giọng vẫn đều đều, nhưng ánh mắt thì dịu lại - thứ dịu chỉ dành cho người khiến mình thoải mái.

Thái Anh đứng ở góc xa, cầm cây lược chải mái tóc giả dài màu đỏ. Tay chị run nhẹ, dù bên ngoài trời đã lạnh đủ để che đi mọi xúc cảm.

Chị không biết mình vừa thấy gì trong lòng - nhưng chắc chắn không phải vui.

Và lần đầu tiên, chị không dám lại gần Lệ Sa.

-- -- -- -- --

Sáng hôm sau, trời quang đãng. Mặt đất vẫn còn sũng nước, lấm lem bùn sau cơn mưa đêm.
Gánh lô tô chuẩn bị dọn đồ ra khu hội chợ - nơi diễn đêm nay.
Cả đoàn ai cũng quen tay, từ sắp micro, lắp loa, kéo dây điện cho đến dựng phông nền.

Nguyệt nhanh chóng hòa nhập. Cô lanh lợi, chịu khó, lại biết cách làm mọi người cười. Chỉ trong một buổi, cô đã thân với mấy chị em trong đoàn, đặc biệt là... Lệ Sa.

- Chị Sa ơi, dây điện này gắn ngược rồi nè, để em làm cho!

- Chị Sa, em lấy nước cho chị nha, trời nắng ghê á.

- Chị hát bản "Tình Lan & Điệp" bữa đó, trời ơi, em nghe muốn khóc luôn đó...

Lệ Sa, vốn dĩ lạnh lùng, ít khi bắt chuyện ai trước. Ấy vậy mà cô lại không gạt Nguyệt đi như người khác.
Cô để Nguyệt đi theo, giúp vác thùng, chùi phấn son, thậm chí là cười nhẹ mỗi khi Nguyệt nói chuyện tếu táo.

Thái Anh nhìn từ xa. Trong bụng bỗng nhiên bực. Không rõ là bực Nguyệt, hay là bực... bản thân.

- Lệ Sa.

- Dạ?

- Em phụ chị kiểm lại micro với dây đeo tai đi. Tối nay đông khách lắm, đừng để có trục trặc.

- Dạ. - Lệ Sa rời khỏi nhóm Nguyệt đang đứng, theo Thái Anh vào sau sân khấu.

Chị vừa đi vừa hỏi:

- Em thân với nhỏ Nguyệt mới vậy à?

- Ổn. Nó nhiệt tình.

- Ừm. - Thái Anh ngập ngừng, rồi hỏi

- Nhưng em cẩn thận. Người mới, không phải ai cũng thật lòng.

Lệ Sa ngước nhìn chị một lúc, giọng chậm rãi:

- Em biết phân biệt. Nhưng người ta tốt, thì mình nên tử tế lại. Không cần dè chừng hết.

Câu trả lời khiến Thái Anh chững lại. Chị gật đầu, nhưng môi mím chặt.

Đêm đó, gánh lô tô đông nghẹt. Bà con kéo tới chen kín cả sân. Tiếng nhạc rộn ràng vang lên, ánh đèn chớp nháy đủ màu hắt lên từng gương mặt được hóa trang lộng lẫy.
Những tiếng hô lô tô - giọng miền Tây trầm bổng ngọt ngào - vang lên như hát ru cả hội chợ.

Nguyệt được phân vai phụ - lên hát mở màn cùng nhóm phụ nữ. Cô không giỏi bằng các chị lâu năm, nhưng có duyên sân khấu, ánh mắt lém lỉnh và nụ cười sáng.

Sau tiết mục đầu, cô chạy lại bên Lệ Sa, đưa chai nước:

- Hát xong chưa mà đứng đây một mình buồn vậy?

- Nghỉ chút.

- Em coi chị rồi học theo, mong có ngày được làm một mình như chị.

- Hát là phải cảm.

- Em biết. Nhưng... em còn muốn cảm cái người đứng cạnh nữa. - Nguyệt cười nửa miệng, ánh mắt hơi lạ.

Lệ Sa liếc nhìn, không đáp. Nhưng gò má cô bỗng chốc ửng đỏ.

Trên tầng lầu sau sân khấu, Thái Anh đứng nhìn xuống.

Tay chị siết chặt lan can.

Kim Sa bước lại gần chị:

- Nhỏ Nguyệt đó lanh ghê chị ha. Thấy suốt ngày kè kè bên con Sa luôn.

- Ừm. - Thái Anh đáp nhỏ.

- Mà con Sa cũng lạ, nó ít nói, mà chịu để người ta đi theo sát như vậy. Em thấy... giống cặp đôi hơn là bạn diễn á.

Thái Anh quay đi, giấu ánh mắt.

Kết thúc đêm diễn, đoàn trở về khu xe nghỉ. Ai cũng mệt rã rời, chỉ mong chui vào màn ngủ cho qua cơn gió lạnh.

Nguyệt rủ Lệ Sa ra ngồi ở ghế đá gần bờ sông phía sau sân khấu. Nơi đó vắng người, chỉ có tiếng nước vỗ lạch bạch và ánh trăng vỡ trên mặt nước.

- Chị Sa nè.

- Hửm?

- Có bao giờ chị thấy cô đơn không?

- Có.

- Vậy khi cô đơn, chị hay nghĩ gì?

Lệ Sa im lặng một lúc. Rồi cô trả lời, mắt không rời mặt nước:

- Từng nghĩ... chắc không ai thật lòng muốn hiểu mình.

Nguyệt tựa đầu lên vai cô. Nhẹ như một cái chạm gió.

- Nếu có người muốn hiểu thì sao?

Lệ Sa không nhúc nhích. Cô để yên, không gạt ra. Nhưng ánh mắt lại xa xăm, như đang nhìn về nơi khác, một người khác.

Phía sau, dưới ánh đèn lờ mờ từ cửa xe, Thái Anh đứng đó. Cầm theo một hộp thuốc cảm - định đưa cho Sa vì sợ cô ngồi ngoài trời lạnh sau đêm diễn.

Nhưng chị đã dừng lại.

Không bước tới nữa.

Không mở lời.

Hộp thuốc trong tay ấm dần theo nhiệt từ lòng bàn tay, và lạnh dần trong lòng ngực.

Đêm ấy, gió thổi qua rặng bần, xào xạc như thì thầm. Lệ Sa vẫn lặng yên như mọi khi, nhưng trong khoảnh khắc ai đó tựa vai mình, hình như trái tim cô lại hướng về một nơi... không phải là đây.

-- -- -- -- --

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro