Căn gác cũ và người khách lạ
Căn gác tôi trọ nằm trên lầu ba của một căn nhà xưa ở đường Nguyễn Du, sát hông chợ Thái Bình. Chủ nhà là một bà cụ gốc Huế, sống bằng tiền cho thuê phòng và bán mứt gừng dịp Tết. Gác nhỏ, trần thấp, có một cửa sổ nhìn ra giàn hoa giấy phơi nắng. Mỗi lần có gió lùa, cánh cửa lại kêu "cót két" như thể nó cũng biết buồn.
Tôi sống một mình ở đó – vài ba quyển sách Tây, một cái giường tre, một bàn viết cũ với ngọn đèn dầu thấp sáng, và một chiếc radio nhỏ chỉ bắt được đúng đài phát thanh buổi trưa. Tôi vẫn gọi nơi đó là "thế giới của riêng tôi", nơi tôi được lặng lẽ viết, được buồn không ai dòm ngó, được yêu thầm lặng mà không cần ai phải thấu.
Thế mà hôm đó, cái thế giới nhỏ bé ấy lại đón một người khách không mời.
Buổi chiều muộn, khi tôi vừa gấp xong tập bản thảo dở dang, còn đang lăn tăn chọn tựa đề cho một bài báo mới, thì có tiếng gõ cửa – ba tiếng, đều đều, không gấp gáp. Tôi ngỡ bà chủ nhà mang mứt khoai lên biếu, nhưng khi mở cửa, trước mặt tôi lại là em – vẫn bộ đồ đơn giản, vẫn ánh mắt dịu dàng quen thuộc, và trên tay là một hộp giấy nhỏ buộc nơ đỏ.
"Xin lỗi nghen," em nói,
"Tôi đi ngang đây, nhớ thầy từng kể ở khu này, nên hỏi bậy vài người... Không ngờ tìm ra thiệt."
Tôi đứng sững vài giây, rồi nhích sang một bên, hơi ngập ngừng nhưng không nỡ từ chối:
"Mời cậu vô. Phòng hơi chật, cậu đừng cười."
Em bước vô, mắt đảo quanh. Nhìn bàn viết đầy giấy nháp, nhìn sách đặt sát nhau như người chen tàu điện, nhìn cái đèn dầu cũ mà tôi quý như bạn tâm tình. Em không nói gì, chỉ cười nhẹ, đoạn đặt cái hộp lên bàn:
"Trà lài. Tôi thấy thầy hay uống, nên mua biếu. Hôm qua đọc thơ Apollinaire mà thèm tách trà nóng ghê."
Tôi cảm ơn, bối rối pha trà, tay luống cuống đến suýt làm rơi nắp ấm. Em ngồi lên chiếc ghế tre đối diện, nghiêng đầu nhìn những bài báo tôi viết, những trang bản thảo còn vướng mực xanh chưa ráo.
"Thầy viết bằng bút máy nhúng mực hả? Còn ai dùng kiểu cổ này nữa đâu."
Tôi cười: "Thói quen khó bỏ. Tôi thấy chữ bằng bút này mềm hơn, giống người biết tỉ mỉ khi viết."
Em không đáp, chỉ đưa tay lật một trang bản thảo gần đó, mắt dừng lại ở một câu thơ viết bằng nét nghiêng:
"Tôi chọn viết bằng máu,
Vì chỉ nó mới đỏ như tim người."
"Dữ quá," em nói khẽ, nhưng giọng không cười.
Một thoáng im lặng chảy qua giữa hai tách trà bốc khói. Tôi ngồi đó, nhìn em ngồi giữa căn phòng mà tôi chưa từng cho ai bước vào. Không ai – kể cả bạn văn, bạn viết. Chỉ em.
Tôi hỏi: "Sao cậu lại đến đây?"
Em ngẫm một chút rồi đáp, giọng trầm hẳn đi nhưng trên môi lại vương nụ cười nhẹ nhàng: "Có lúc tôi thấy... mình lạc chỗ. Nhà thì rộng, người thì đông, nhưng không biết để tâm vô đâu hết. Tôi muốn tìm một nơi nhỏ, đơn giản, giống như thầy."
Tôi nhìn em. Không phải thương hại, không phải cảm kích, mà là... đồng cảm. Thứ đồng cảm giữa hai kẻ tuy khác gốc, khác đời, nhưng cùng thấy lòng mình thừa một khoảng trống không ai lấp.
Tối hôm đó, chúng tôi không bàn chuyện văn chương. Cũng không nói nhiều. Chỉ ngồi yên, uống trà, nghe radio phát một bản nhạc xưa bằng giọng nữ ca sĩ Huế dịu dàng, da diết.
Khi em đứng dậy tạm biệt , tôi tiễn ra tới cầu thang. Em quay lại nhìn tôi, cười – nụ cười nhỏ thôi, nhưng làm lòng tôi chao đi một chút.
"Phòng thầy đơn sơ, nhưng thơ thầy... giàu tình."
Tôi đứng đó, nghe tiếng chân em khuất dần. Bỗng thấy gác trọ mình... không còn cô độc như trước nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro