Họ gọi tôi là "vết mực" trong đời em
Chúng tôi có một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đẹp như mộng.
Từ sau nụ hôn đầu dưới mái hiên mưa, mọi thứ như thay đổi. Không cần nói, không cần hẹn, nhưng mỗi chiều tan lớp, em đều lặng lẽ chờ tôi nơi góc phố quen, trước quầy báo gần Nhà thờ Đức Bà. Áo sơ mi trắng, tóc vuốt gọn, và đôi mắt – lúc nào cũng ánh lên một điều gì đó khó gọi tên: mong chờ, dè chừng, và... một chút yên tâm.
Chúng tôi đi dạo quanh Côn trường Chiến sĩ– nơi chỉ toàn những cặp nhân tình trốn cái nghiêm khắc của xã hội. Em hay cười khi thấy tôi bày trò thả thư viết tay vào vỏ chai thủy tinh, ném xuống nước rồi đoán: "Nếu chai trôi về phía tây, tụi mình sẽ sống thọ."
Em còn rủ tôi lên chợ Bến Thành ban đêm – nơi em chưa từng đặt chân vì mẹ dặn "phường lao động ở đó đông lắm, đừng lẫn vào." Em lần đầu ăn chè sắn nóng ven đường, vừa ăn vừa xuýt xoa cay mắt vì khói bếp than. Tôi nhìn em cười, trong lòng bỗng thầm nghĩ: Giá như em thuộc về chốn này mãi mãi, không quay lại ngôi nhà đầy rào cấm kia.
Có hôm, tôi dẫn em đi xem chiếu bóng ở rạp Eden. Bộ phim Pháp chiếu hôm đó có cảnh hôn nhau giữa một cánh đồng lúa mì, tôi lén nhìn sang thì thấy em đỏ mặt, tay siết lấy mép áo tôi. Không ai nói gì. Nhưng có những khoảng lặng đẹp hơn vạn lời thì thầm.
Chúng tôi chưa bao giờ dám nắm tay nhau giữa phố. Nhưng tôi biết, nếu tôi đi chậm lại nửa bước, em sẽ bước chậm theo. Nếu tôi bỗng dưng dừng lại trước quán sách cũ, em cũng sẽ đứng bên tôi, hỏi: "Cuốn này anh đọc rồi chưa?"
Những ngày ấy, tôi không dám gọi là tình yêu. Không phải vì tôi không yêu – mà vì sợ. Một thứ gì đẹp đến thế, giản dị đến thế, ắt sẽ mong manh như mực thấm vào lụa trắng – chưa kịp định hình đã loang, chưa kịp giữ đã tan.
Và rồi, như tôi vẫn ngờ... bi kịch tìm đến.
Một buổi chiều, khi tôi đang giảng dở bài Molière cho lớp tiếng Pháp buổi tối, người trông coi lớp bước vào, gọi tôi ra ngoài. Ông ta đưa cho tôi một phong thư cứng màu ngà, niêm kín bằng sáp đỏ. Tôi cầm lấy, cảm thấy lòng mình lạnh dần khi thấy trên góc thư có dấu nổi: "Tăng Thị – Chợ Lớn".
Tôi mở thư, chỉ đọc đến dòng thứ ba, là cả người đã cứng lại:
"Mong cậu Lê Nhã Phong chấm dứt lập tức mọi liên hệ không đứng đắn với con trai tôi. Gia đình chúng tôi không dung túng cho sự lai tạp, càng không chấp nhận một người viết báo thuê làm vấy bẩn đời cháu đích tôn họ Tăng..."
Bút danh tôi bị bôi ra trong thư như một vết mực rẻ tiền.
Tôi không nhớ mình đã bước ra khỏi lớp học như thế nào. Tôi chỉ biết, trời hôm đó không mưa – nhưng lòng tôi thì sũng nước. Từng câu, từng chữ trong thư như kim đâm vào tay, nhắc tôi rằng cái thế giới yên lành mà chúng tôi lén gầy dựng... chỉ là một chiếc tổ chim bên mép giông.
Tối hôm ấy, tôi đến tìm em. Cánh cổng nhà em đóng im lìm. Người gác cổng nhìn tôi, lắc đầu:
"Cậu chủ không ra được đâu. Gia đình biết chuyện rồi. Bà lớn đang giận dữ lắm."
Tôi cố hỏi thêm, chỉ nghe ông ta nói khẽ, gần như thương cảm:
"Cậu ấy bị nhốt trong phòng. Mấy ngày rồi. Không ăn được bao nhiêu."
Tôi định hỏi nữa, thì bên trong vang ra tiếng quát – giọng đàn bà lớn:
"Thứ nhà báo chui rúc, viết vớ vẩn vài mảnh rẻ tiền, dám dây vào con tôi! Tưởng yêu là được hả? Vết mực đen mà mơ vẽ lên tấm lụa trắng à?"
Tôi đứng sững. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được nghĩa sâu của từ "thấp hèn".
Họ gọi tôi là vết mực. Mà đúng – tôi sống bằng mực. Bằng chữ. Bằng thơ. Tôi không có của hồi môn, không có chức danh, không có gia sản. Tôi chỉ có trái tim – và điều đó với họ là không đủ.
Tôi quay về căn gác trọ, ngồi viết một đoạn trong bản thảo Tơ Trắng, tay tôi run, nhưng chữ vẫn trào ra:
"Nếu tôi là vết mực, thì em là cuộn lụa trắng. Lụa đẹp, còn mực thì chỉ bẩn tay người xem. Nhưng nếu không có mực, liệu ai biết lụa từng được yêu thương thế nào?"
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro