Mạn đàm về Sử Việt 12 Khúc Tráng Ca

Sử Việt 12 Khúc Tráng Ca (Dũng Phan - The X File of History)

Đây là sách chính sử, thỉnh thoảng có một vài câu chuyện dã sử nho nhỏ để đổi không khí, nhưng rất ít.

(Mình mới vừa đọc xong, nên những dòng này thiên về cảm xúc nhiều hơn. Có lẽ sau khi đọc lại vài lần nữa, mình sẽ "ngộ" ra những cái hay mà lần này mình chưa nhận thấy.)

Cảm giác sau khi đọc sách là gì? Rất khó tả! Lẫn lộn giữa khâm phục và tiếc nuối.

Khâm phục một tác giả "tay ngang" có thể viết ra một quyển sách sử hoành tráng đến như vậy, và tiếc nuối cho sự đầu tư không đúng với tham vọng đã đặt ra.

Cái tiếc nuối lớn nhất là cách dùng từ của tác giả.

Viết sử rất khó! Bởi vì sử là xưa, là cổ, nên những từ ngữ dùng trong sách có thể đã không còn được sử dụng ở hiện tại, hoặc đã bị thay đổi ngữ nghĩa theo thời gian. Vậy nên chăng, khi tác giả dùng một từ không còn thông dụng tại thời điểm này, cần thêm cước chú để người đọc có thể hiểu rõ hơn?

Trong sách có những từ như "kiệt hiệt", và "võ công" mình hoàn toàn không hiểu nghĩa là gì. "Kiệt hiệt" đặt trong câu không hiểu, hỏi Google thì Google không biết, tách ra từng chữ tra từ điển Hán Việt, rồi ghép lại cũng không hiểu. Còn từ "võ công" là một trường hợp khác. Mình chọn nhắc đến nó là vì mình vô cùng khó chịu với cách sử dụng từ này của tác giả. Lúc đầu, khi nó xuất hiện ở "một khung cảnh mà nó không nên xuất hiện" thì mình nghĩ tác giả nhầm. Nhưng nguyên cả quyển sách, có 4-5 lần dùng từ "võ công" trong cùng một hoàn cảnh, thì mình nghĩ đây chính là nghĩa tác giả ngụ ý, có thể ngày trước nghĩa của nó là vậy. Dù đã cố ép mình phải nghĩ như thế, nhưng mình vẫn hy vọng lần chỉnh sửa sau, tác giả sẽ thêm cước chú cho từ này. Đơn cử một trường hợp cụ thể: "Trận chiến được mệnh danh "Xích Bích Việt Nam" này được các sử gia nhà Nguyễn coi là "Đệ nhất võ công" của nhà Nguyễn." Đọc lên cứ thấy kỳ lạ!

Và còn những chỗ dùng từ Hán Việt để giúp câu văn thêm chất sử (mình đoán vậy) nhưng hoàn toàn phản tác dụng khi dùng từ sai be bét, dẫn đến câu sai luôn nghĩa. Ví dụ, đúng ra phải dùng từ "nội tổ" thì lại dùng từ "nội tôn", biến ông B từ cháu nội ông A thành ông B là ông nội ông A.

Một lỗi nữa, cũng có thể không cho là lỗi với những người rất hay đọc sử, là những chức quan lại cũ không được định dạng cho khác đi (như viết hoa chữ đầu hay in nghiêng) và thêm chú thích để người đọc dễ hình dung hơn. Vì bộ máy hành chính ngày xưa hoàn toàn khác bây giờ, đọc những chức vị xa lạ mà không hình dung được vị trí đó "bao lớn", nên không hiểu luôn ảnh hưởng của họ như thế nào.

Tuy nhiên, nếu không chú thích thì thôi, đề nghị đừng chú thích sơ sài, coi càng ức chế hơn, như phần tác giả chú thích kế "vây Nguỵ cứu Triệu". Viết như vậy chẳng thà viết "hãy tra Google" còn hơn.

Câu văn cũng có một vài chỗ sai những lỗi sơ đẳng, như lấy trạng ngữ làm thành câu, hay đặt sai vị trí cụm từ.

Cái tiếc thứ hai là quyển sách này không có hình minh hoạ. Cách Ngô Quyền đóng cọc trên sông Bạch Đằng được tác giả diễn tả cụ thể, nhưng mình đọc 5-6 lần vẫn không chắc là mình hiểu đúng. Nếu có hình minh hoạ thì sẽ rất dễ hiểu. Hay những trận đánh của Nguyễn Huệ với quân Thanh, quân Tây Sơn với quân Nguyễn thật sự rất cần hình, một vì địa giới hành chính ngày xưa khác với hiện giờ, hai vì đọc chữ không thì khó hình dung quá khi trận nào cũng có 2-3 mũi giáp công.

Cái tiếc thứ ba là tác giả quá tham vọng. Đúng vậy, quá tham vọng! Trong khoảng 5-7 khúc tráng ca đầu, tác giả mô tả những sự kiện quan trọng, rồi thêm vào góc nhìn của mình, tạo ra sự cân bằng, đọc rất thoải mái. Mình rất thích cách diễn đạt như thế. Nhưng càng về sau, sách càng thiên hướng một quyển sách giáo khoa sử, sự kiện nhiều quá, dồn dập quá làm người đọc bị đuối vì phải tiếp nhận quá nhiều thông tin. Có những thông tin cực kỳ quan trọng, mà nếu ở đoạn đầu, chắc sẽ được tác giả ưu ái phân tích riêng thành một phần.

Góp ý thì dài dòng như thế, nhưng quyển sách này làm được hai điều mình rất thích.

Một, khơi gợi lòng tự hào. Tự hào bởi vì sử ta hay đến vậy, phong phú đến vậy. Sử ta có tất cả những gì oanh liệt, ngang trái, tiếc nuối, hỗn loạn mà sử người có. Có "Binh biến Trần Kiều", có "cửu vương đoạt vị", có "gia tộc ngoại thích", có "quyền thần lộng hành", có "Minh Trị Thiên Hoàng", có "Gia Cát Lượng sáu lần tiến Kỳ Sơn", có "đại chiến Xích Bích". Có tất! Phiên bản Việt tất cả đều có tất. Và quyển sách này đã hệ thống lại nó một cách khá rõ ràng.

Thật đáng tiếc khi mà phải sử dụng cách so sánh "Binh biến Trần Kiều" phiên bản Việt để người đọc dễ hình dung hơn về việc Thái Hậu Dương Vân Nga khoác hoàng bào nhường ngôi cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn. Nếu có một ngày chúng ta có những cụm từ ngắn gọn để chỉ những sự kiện "chấn động" trong lịch sử Việt Nam thì hay quá!

Tự hào vì biết được cha ông ta đã vất vả đến như thế nào, vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, đổ bao nhiêu máu và nước mắt mới tạo ra và giữ gìn được lãnh thổ nước Việt hình chữ S. Mình rất thích cách diễn đạt đại ý "nói thì ngắn gọn và đơn giản, nhưng để làm được chuyện này thì khó khăn và phức tạp vạn lần". Nó làm cho sử hiện lên thông qua trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của tiền nhân, chứ không chỉ hiện lên như một điều hiển nhiên giống lúc học sử ở trường. Có lẽ là vì không làm nổi phần "địch chết ba" và nhấn chìm phần "quân ta chết hết"?

Hai, khơi gợi trí tò mò. Với độ dày khoảng 250 trang, hiển nhiên quyển sách này không thể trình bày tất cả mọi góc nhìn của các sử gia đi trước và của chính bản thân tác giả về lịch sử của dân tộc, nên những vấn đề tác giả nêu ra đều để lại một (hoặc nhiều) câu hỏi to tướng trong lòng mình. Nó kích thích mình tìm hiểu thêm các tài liệu khác.

Tại sao là kích thích tìm hiểu mà không phải là chán nản bỏ luôn? Bởi vì cách dẫn truyện của tác giả ở phần đầu. Cách dẫn truyện có đan xen so sánh với một số sự kiện cung đình Trung Quốc. Mà Trung Quốc, trong mắt mình, bằng với âm mưu. Nên cách so sánh như vậy gợi cho mình suy nghĩ, đây rõ ràng là âm mưu, cần tìm hiểu thêm xem nó được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, tác giả cũng đặt ra những câu hỏi bỏ lửng câu trả lời để cho trí tưởng tượng của người đọc được bay bổng.

Thêm vào đó, tác giả có một số nhìn nhận rất công tâm. Khi đã kể đến ai, tác giả đều kể theo hai mặt, những cái được và chưa được, chứ không thiên về một bên - "thần thánh hoá" hay "tội đồ hoá". Và cũng không ít lần tác giả nhắc đến việc "nói về nhược điểm, về cái sai là để hiểu thêm, là để nhân vật đó thực hơn, người hơn, chứ không phải để chỉ trích, hay để phê bình hoặc phủ nhận toàn bộ những đóng góp của họ vào lịch sử".

Nói chung, quyển sách này phần đầu hấp dẫn, về sau hơi đuối, còn nhiều lỗi sử dụng từ gây khó chịu. Nếu bạn chấp nhận được cảnh đang chìm trong dòng chảy lịch sử, thì đùng một cái, bị đá văng ra bởi những sai lầm ngớ ngẩn đến mức không thể chấp nhận đối với một cuốn sách xuất bản, thì bạn có thể đọc. Ghi chú: những sai lầm này không ảnh hưởng đến tinh thần của tác phẩm (hình như đây là lời tác giả trả lời phỏng vấn) nhưng nó đủ nhiều và đủ gây ức chế (đây là lời của mình).

Lời kết, hy vọng lần sau, khi tái bản quyển sách này, tác giả sẽ kiểm tra lại các lỗi còn tồn tại trong sách một cách kỹ càng hơn. Bản mình cầm trên tay là bản tái bản đã sửa chữa mà còn sạn nhiều như rươi, nhan nhãn trước mắt người đọc như thế này, thật đáng tiếc!

26/01/2018

Phần mạn đàm này chỉ đăng duy nhất ở nhà yakikoza trên Wattpad. Trang doctruyenhot.com, truyenfun.com, yeudoctruyen.com, truyenkul.com đang trộm truyện của mình và những tác giả khác trên Wattpad hòng kiếm tiền quảng cáo. Xin các bạn đừng đọc truyện trên những trang này nhằm chung tay dẹp nạn trộm cắp trắng trợn và kiếm tiền trên công sức, đam mê của người khác. Rất cảm ơn!

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro