Chương 2: Pháp Yếu Lệnh Thợ Đá


Nhị sư thúc của tôi là thợ đá, họ Ngưu, họ gọi là Ngưu Thợ Đá. Mặc dù sư thúc tướng ngũ đoản, lùn tịt xấu xí, nhưng bẩm sinh sức khỏe phi thường, cũng khá khéo léo, xẻ núi phá đá, xây nhà làm móng, đắp mồ xây mả, không gì không tinh thông. Nghe nói, sư thúc thông hiểu phép yếu lệnh thợ đá, cũng là một loại trong thuật Lỗ Ban.

Nhị sư thúc tính hơi nhỏ mọn, cũng là giữa đường bái ông ngoại tôi làm sư phụ.

Vào ngày nọ tháng nọ năm nọ, cụ ông nhà họ Trần tám mươi tuổi hết thọ về trời. Họ Trần con cháu đầy nhà, tài lực hùng hậu, nên tất nhiên muốn làm đám tang thật trọng thể. Đám tang thật trọng thể, đương nhiên phải xẻ núi xây mộ, nhưng họ lại không thuê nhị sư thúc Ngưu Thợ Đá.

Nhị sư thúc vô cùng hậm hực, trong vòng  chục dặm quanh đây, còn có tay thợ đá nào tài giỏi hơn mình nữa? Ngươi dám coi thường ông đây, rồi sẽ có lúc ngươi phải cầu xin ông!

Đêm đầu tiên trong đám tang nhà họ Trần, sự việc quái lạ đã xảy ra. Trong bếp lò lửa cháy bùng bùng, nhưng mặt bếp vẫn lạnh tanh lạnh ngắt, cơm nấu không chín, thức ăn đun không nóng.

Cả nhà bếp rối tinh rối mù.

Nhà họ Trần nhanh chóng hiểu ra, mình đã bị cao nhân phá đám.

Kỳ thực, mọi việc là do Ngưu Thợ Đá gây rối. Ông ấy đứng ở sân sau nhà họ Trần lầm bầm tụng niệm mấy câu, là thần chú nấu cơm nấu thịt:

- Trời mênh mông, đất mênh mông, đệ tử hiệu lệnh xong, gà trống không biết gáy, gà mái không biết kêu, cơm trương sình trong niêu, thịt nhảy nhót trong chảo, nháy mắt lửa tắt ráo, lạnh tanh lạnh ngắt như đóng băng, bảo ngươi không xong là không xong, nếu có người gặp phải, hoa mắt chóng mặt chẳng hiện hình, cúi xin Nam Đẩu lục tinh, Bắc Đẩu thất tinh, ta phụng mệnh Thái Thượng Lão Quân, gấp gấp như luật lệnh...

Lúc đó, ông ngoại tôi cũng có mặt, vì khi nhập quan cần phải có mặt thợ mộc, người chết mới không hoàn hồn. Hoàn hồn, tức người xưa đồn rằng con người sau khi chết rồi, vẫn quyến luyến những thứ tốt đẹp trên tràn thế, không muốn rời đi, muốn tìm một người chết thay mình, để bản thân được sống lại.

Lúc đó, ông ngoại đã rất nổi tiếng, muốn phá giải, đương nhiên phải nhờ ông ngoại giúp đỡ. 

Ông ngoại biết, thế này là có người "sát trụ", tức là có người đang thi triển phép thuật.

Ông ngoại phá giải được phép thuật gọi là "phá sát trụ", cũng chính là định sát trụ.

Ông ngoại bảo người bày bàn thờ quay về hướng bắc, thắp ba nén hương, trên bàn thờ bày một con gà trống lớn đã bị trói chặt. Ông ngoại đang "tế thần", tức là dâng lễ tạ tội với cao nhân đã đắc tội, cầu xin tha thứ, bỏ qua cho nhà họ Trần. Dù sao, nhà họ Trần vừa có người chết, tang gia bối rối,  có điều sơ suất cũng là việc khó tránh.

Nhưng nửa canh giờ đã trôi qua, bếp núc nhà họ Trần vẫn lạnh tanh lạnh ngắt.

Ông ngoại bắt đầu hành động, một tay giơ cao cây rìu, một tay nhấc con gà lên, bên hông giắt cây thước Lỗ Ban, thong thả bước vào nhà bếp. Lưỡi rìu vừa lia, cần cổ gà đã bị cứa ngang, ông nhỏ xuống mỗi bếp lò một giọt tiết gà, rồi quát lớn một tiếng:

- Định!

Ông ném con gà xuống đất, nhanh như chớp xẹt rút cây thước thợ mộc ra, cắm thẳng vào giọt tiết gà. Thật kỳ lạ, bệ bếp vừa nãy còn lạnh ngắt lạnh ngơ, nháy mắt đã hơi nóng ngùn ngụt, nước trong nồi chưng sôi sùng sục, mùi thịt bốc thơm nức mũi, cơm cũng sắp chín dẻo.

Đêm khuya, ông ngoại trở về nhà. Bên vệ đường có một người đứng lù lù như một khúc gỗ.

- Tối rồi, về nhà đi! - Lúc đi ngang qua, ông ngoại nói với người đó.

Người đó chính là nhị sư thúc Lưu Thợ Đá của tôi. Nghe đồn, Ngưu Thợ Đá đã dùng thần chú nấu cơm nấu thịt gây rối, khiến tất cả nồi niêu nhà họ Trần đun kiểu gì cũng không nóng được. Ông ngoại tôi không những phá giải được phép thuật của Ngưu Thợ Đá, mà còn dùng phép định căn khiến Lưu Thợ Đá phải đứng bất động bên vệ đường không thể nhúc nhích, để cảnh cáo ông ấy.

Phép định căn quả thật thần kỳ, sau khi bị cố định, nếu như không gặp được cao thủ có thể phá giải phép định căn, thì bắt buộc phải là người làm phép định căn chính miệng nói ra, hoặc nhờ người khác bảo anh ta rời đi, như vậy mới phá giải được phép thuật, khôi phục hoạt động tự do.

Nhị sư thúc biết mình đã gặp được cao nhân, liền bái ông ngoại làm sư phụ.

Ông ngoại cảnh cáo nhị sư thúc, phép thuật chỉ có thể dùng để giúp người, không được dùng để hại người, nếu không sẽ bị trời phạt.

Sau khi nhị sư thúc nhận được bài học này, quả thực đã khiêm tốn được khá nhiều năm.

Một ngày nọ tháng nọ năm nọ, sông Bạch Hà đột nhiên dâng nước lũ, đánh sập một cây cầu đá đã có cả ngàn năm lịch sử. Sau khi nước lũ rút đi, trên lòng sông lưu lại một cái rãnh sâu ba thước, dài cả vài trăm trượng.

Không biết là thứ gì đã để lại dấu vết này?

Người trong thôn bàn tán ầm ĩ, nói rằng bên dưới cây cầu đá có một con mãng xà to lớn, u luyện thành rồng, khi rời đi về biển, đã kéo đổ cây cầu đá, rồi để lại dấu vết kéo dài dưới lòng sông...

Đồn thổi kiểu gì thì đồn thổi, dù sao cây cầu cũng đã sập, người dân trong thôn đi lại vô cùng bất tiện, thế là mọi người gom góp được mấy vạn tiền, muốn xây lại cây cầu!

Ngưu Thợ Đá cũng được mời tới tham gia xây dựng cầu đá. Nhưng người quy hoạch, thiết kế tổng thể lại là ông thợ đá già Lưu sư phụ. Ông đức cao vọng trọng, kỹ thuật tinh thâm, lại rất tốt bụng, đương nhiên sẽ là lựa chọn số một.

Lưu sư phụ sắp xếp Ngưu Thợ Đá đẽo các viên đá. Kích thước của mỗi một phiến đá đều được quy định nghiêm ngặt. Đây chỉ là công việc của thợ đá tầm thường, trong lòng vô cùng hậm hực: Ngưu Thợ Đá ta là ai chứ? Trong vòng mười dặm, không ai không biết! Cái lão thợ đá họ Lưu kia chẳng qua chỉ lớn hơn ta hai chục tuổi, chứ có tài cán quái gì? Cũng muốn làm đại sư phụ?

Ngưu Thợ Đá quyết định cho thợ đá Lưu biết mặt.

Ngưu Thợ Đã rất cẩn thận đẽo gọt từng phiến đá.

Ông Lưu hằng ngày đều dùng thước đo kích thước của mỗi phiến đá, phát hiện đá nào kích cỡ không đúng, là lập tức bỏ ngay. Nhưng ông ta không hề phát hiện ra có chỗ nào không ổn.

Ngưu Thợ Đá âm thầm đắc ý, sau khi đẽo gọt xong một phiến đá, ông ta đều dùng xà beng vạch một nhát lên một mặt nào đó, phiến đá sẽ tự nhiên thiếu đi một chút xíu, chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ không thể nào nhận ra được.

Một phiến đá ngắn đi một chút xíu thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu như mấy trăm phiến đá đều ngắn đi một chút xíu thì sao? Chắc chắn sẽ là một vấn đề lớn.

Xấy cầu vòm là công việc đòi hỏi sự thận trọng cao độ. Sau khi tất cả đá nguyên liệu đã chuẩn bị xong xuôi, liền tiến hành xây từ hai đầu, thực hiện với tốc độ nhanh nhất để hợp long ở giữa. Hơn nữa, phiến đá cuối cùng phải được khớp ở chính giữa, phiến đá cuối cùng sẽ quyết định sự thành bại của toàn bộ công trình kiến trúc cầu vòm.

Ngày hợp long cầu đá, hai bờ sông Bạch Hà, người đông nghìn nghịt.

Các thợ đá đều đã lui khỏi cây cầu.

Lưu sư phụ nghiêm trang cầm phiến đá cuối cùng, trên phiến đá có khắc một cái tên: đá trần long. Ông đi lên điểm cao nhất của cây cầu đá, chỉ cần ông khớp phiến đá trấn long này vào, cây cầu vòm coi như đã được hoàn tất, còn có thể đề phòng rắn dưới cầu hóa thành rồng lật đổ cầu đá.

Đi theo phía sau là đại đồ đệ của ông, trong tay đại đồ đệ cũng cầm một phiến đá. Người thợ già giàu kinh nghiệm luôn có sẵn phương án đề phòng, để đối phó với mọi tình huống bất ngờ có thể phát sinh.

Sau khi Lưu sư phụ đặt phiến đá vào chỗ trống cuối cùng trên cây cầu mới phát hiện ra là hụt mất một phân, cây cầu vòm không thể nào hợp long được.

Cây cầu vòm không thể hợp long, cầu không có lực, như vậy sẽ không thể nào coi là hoàn tất, cây cầu có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Lưu sư phụ lập tức hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra.

Sắc mặt Lưu sư phụ lộ rõ vẻ đau đớn.

Ông ta bảo đệ tử đặt phiến đá còn lại sang một bên, dùng thước cứa đứt vào lòng bàn tay trái của mình, cho máu tươi chảy vào chỗ khuyết. Thình lình, Lưu sư phụ vung búa sắt lên, gõ lấy một mảnh đá từ phiến đá dự phòng, rồi chêm vào chỗ khuyết!

Uỳnh! Một tiếng động dậy trời, cây cầu đá đã được hợp long.

Lưu sư phụ ngã gục xuống cây cầu, mặt vàng như nghệ, hơi thở như tơ.

Đại đồ đệ vội vàng đỡ Lưu sư phụ dậy. Lưu sư phụ cất giọng đứt quãng.

- Ta không xong rồi... có thợ đá giở trò, sát trụ... Ta đã định sát trụ rồi, sau khi ta chết, ngày mai kẻ nào chết đi, kẻ đó chính là thủ phạm giở trò...

Sát trụ, chính là trong quá trình thi công, cố tình tạo ra phiền phức, khiến công trình không thể thuận lợi hoàn công.

Định sát trụ, chính là phá giải những phiền phức đó, để hoàn công thuận lợi.

Sau khi cây cầu được hợp long, khánh thành thuận lợi, Lưu sư phụ cũng qua đời. Ông đã dùng cả tính mạng của mình để hoàn thành việc định sát trụ. Cây cầu trải qua khá nhiều trận lũ lớn, vẫn bình yên vô sự, còn được dùng đến tận ngày nay.

Lúc đó, Ngưu Thợ Đá cũng có hơi hối hận, dù sao cũng là mình đã hại Lưu sư phụ mất mạng.

Ngưu Thợ Đá ủ rũ trở về nhà, chẳng buồn ăn uống, lên giường ngủ luôn. Đến nửa đêm ông mơ thấy ác mộng, một lão già đầu tóc rũ rượi lao vào cửa, tay cầm một con dao nhọn, nghiêm giọng quát:

- Ngưu Thợ Đá, chúng ta xây cầu là để tạo phúc cho dân, thế mà ngươi lại phá đám, quả tim của ngươi thật đen tối, để ta móc ra xem thử...

Rồi không chút chần chừ, một dao rạch toang ngực Lưu Thợ Đá, moi ngay lấy quả tim.

Ngưu Thợ Đá đưa mắt nhìn, quả nhiên trái tim của mình đã đen sì, lại nát bấy, chẳng khác gì đống bùn nhão.

Ngưu Thợ Đá kinh hoàng choàng tỉnh khỏi cơn ác mộng, lồng ngực đau xé. Ông biết, bản thân mình chỉ vì chút tư thù hẹp hòi, suýt chút nữa làm hại toàn bộ dân chúng trong thôn Bạch Hà, còn Lưu sư phụ đã dùng cả tính mạng của ông để phá giải sát trụ.

Làm ra chuyện đại bất nghĩa, đương nhiên sẽ bị trời phạt.

Ngưu Thợ Đá nôn ra cả ba đấu máu, ngay cả máu nôn ra cũng một màu đen đặc, thế là xong đời!

Đây chính là câu chuyện về nhị sư thúc của tôi.  









Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro