Chương 21:
Đứng trước câu trả lời chẳng thể ngờ được của anh An Nghĩa, tôi lựa chọn phớt lờ và mặc kệ, ném khăn vào người anh rồi quay đầu vào chỗ ngồi cũ.
Chẳng hiểu vì sao mà mấy nay bản thân lại rất dễ mất bình tĩnh trước mặt tên dẻo mỏ kia.
Mang theo dòng suy tư, tôi lấy đề ra, lên giây cót làm bài. Anh An Nghĩa chẳng lại chỗ ngồi mà tiếp tục chạy tới nhà bếp, pha cốc nước gừng. Lần đó anh ấy mua tương đối nhiều nguyên liệu, tỏi, ớt, sả, gừng, hành, .... Những cái bảo quản ngoài không khí được anh để lại, những gì không được anh đem về nhà anh Kiên để nhờ.
Mang cốc nước gừng vừa pha ra, anh đặt xuống bàn, hỏi:
- Em uống nước gừng cho ấm hơn một chút không? Trời không lạnh lắm nhưng đi mưa dễ cảm.
Nói rồi anh quay đầu đi vào bếp lấy thứ gì đó. Tôi chẳng mảy may để ý, tự nhiên nói "cảm ơn" rồi uống một ngụm nước. Nước còn nóng làm lưỡi tôi có chút bỏng rát, đành phải cầm hai tay thổi thổi hơi nóng.
- Ấy, cốc - cốc - cốc đấy của anh.
Anh An Nghĩa vừa đi từ trong ra, trên tay có thêm một chiếc cốc y hệt nữa. Anh ấy chỉ vào cốc nước trên tay tôi, hoảng hốt luống cuống tay chân nói:
- Cốc - cốc này mới mới là của em. Anh l-lỡ uống rồi nên nên vào lấy cho cho em cốc mới.
Anh ấy lại ngượng ngùng tai đỏ chót, tật nói lắp mỗi lúc bối rối lại xuất hiện trông rất đặc biệt. Nhìn anh ấy đặc biệt lo lắng hoàn toàn đối lập với vẻ bình tĩnh của tôi:
- Không sao mà, em không để ý. Bình thường em cũng hay uống chung cốc, ống hút, thìa bla bla với bạn mà.
Mặt anh tối sầm lại, chẳng thèm nói năng gì nữa, chỉ chậm rãi đặt cốc nước xuống rồi yên lặng ngồi vào ghế đối diện, nguyên buổi chiều hôm đó, ngoại trừ giảng bài - chấm bài - đọc sách ra, anh An Nghĩa chẳng nói một lời nào nữa.
Khó hiểu trước thái độ khác thường của anh ấy, thế nhưng tận cho tới lúc sắp ra về, tôi mới dám giật giật tay áo anh, thậm thụt hỏi dò:
- Chiều nay anh có chuyện gì à?
- Chuyện gì? - Anh An Nghĩa không ngẩng mặt lên, vẫn cúi đầu đọc sách tiện thể trả lời cho có lệ
- Đấy! Vấn đề ở đấy đấy! Bỗng nhiên anh im lặng, chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng niềm nở, vui vẻ như mọi lần. Trông đến là bực mình.
- Như mọi lần là như thế nào? - Anh ấy cuối cùng cũng ngẩng mặt lên, thẳng thắn nhìn vào mắt tôi trao đổi.
- Thì là nếu em hỏi như vậy anh sẽ bảo "Không có đâu, anh vẫn ổn mà, sao thế?", .... Vậy mà lần này anh chỉ "chuyện gì" như thể nói thêm một chữ nữa là có chuyện lớn ấy. - Tôi bĩu môi bắt chước cách trả lời chẳng đầu chẳng đuôi kia - Anh có chuyện gì phải thẳng thắn nói với nhau mới có thể giải quyết được chứ! Ai bày anh cái kiểu cách giận hờn vu vơ kia thế?
Anh ấy chỉ lặng lẽ nhìn một lúc, rồi lại chậm rãi cúi đầu xuống, nằm úp mặt vào cánh tay che khuất cả đôi mắt lẫn khuôn mặt mình chỉ để lộ ra mái tóc đen láy. Rồi anh quay đầu sang bên cạnh, nhìn về hướng xa xa, trong giọng có chút uất ức:
- Anh đang thấy rất quan ngại. - Chêm trong lời nói có đôi chút thở dài, khổ cực - Học trò của mình nếu có mối quan hệ không rõ ràng với các bạn khác giới rất dễ bị ảnh hưởng. Khi yêu đương không lo học tập làm chất lượng đi xuống, người ta sẽ nghĩ do người "gia sư hờ" này chẳng có năng lực...
Tôi ngớ người trước câu trả lời của vị "gia sư hờ" này, nhíu mày nghi hoặc:
- Cho nên .... ?
Anh ngồi thẳng người dậy, hai tay chống cằm, khảng khái:
- Cho nên trước khi em đạt được aim mình đặt ra một cách xuất sắc, em hãy hạn chế tiếp xúc với bầy đực rựa ngoài kia nhé, bọn nó chẳng tốt chút nào, chẳng bằng anh đâu. Ít ra khi anh là thầy của em thì em đừng gì quá với bọn nó nhé.
Tôi bật cười nắc nẻ trước sự "suy nghĩ sâu sắc" của anh An Nghĩa. Bỗng bật dậy đứng lên xoa xoa đầu anh khẳng định:
- Em hứa với "gia sư", em chẳng "gì quá" với ai khác giới .... ừm .... ngoại trừ ba em, ông em, anh em, và "thầy" nữa.
Anh An Nghĩa thẳng người dậy, hướng đôi mắt long lanh thẳng vào mắt tôi, với tay lên chụp lấy tay đưa xuống, kéo ra khỏi mái tóc suôn mượt kia:
- Dũng với bạn cùng bàn của em thì sao?
- Ơ anh biết Ân à?
- Lúc chiều anh thấy, rất - thân - với - em nhỉ?
Tôi hào hứng khoe về chuyện giữa tôi với Ân, chẳng biết thế nào càng nói mặt anh càng đen đi. Anh ngắt ngang lời kể của tôi, sự bực bội rõ trong lời nói:
- Em vừa hứa với anh xong đấy!
- Em bảo là với bọn con trai thôi mà, Ân là bánh bèo dễ mến đấy.
Lại chẳng hiểu ai đưa nắng đến bên anh, gương mặt anh An Nghĩa lại tràn đầy sự hân hoan khó tả rồi bật cười khanh khách khoái chí. Anh trở về là anh của mọi lần:
- Trời sắp tạnh mưa rồi, chờ lúc nào tạnh mưa hẵng về, nhé?
- Dạ.
Hai đứa tôi lại cúi đầu làm bài, ai làm việc nấy, vậy mà chẳng hiểu sao bây giờ không khí lại chẳng còn sượng trân như lúc nãy nữa mà vô cùng dễ chịu.
"Tí tách tí tách", âm vang những giọt mưa rơi trên máng nước bì bõm nhỏ xuống. Những giọt châu dường như đã bắt đầu thưa thớt, mỗi giọt rơi xuống mặt đất tạo ra những tiếng lộp độp nho nhỏ. Tiếng mưa rơi không còn rào rạt mà trở nên đều đặn, vắng vẻ, giống như một bản nhạc không lời đang dần lắng xuống. Thi thoảng, có những tiếng vỗ nhẹ xen kẽ của giọt nước rơi từ lá cành xuống đất, rồi lại lặng im, như thể không gian đang chuẩn bị nghỉ ngơi, đón một làn gió mới.
Cơn mưa dần tạnh, tôi đứng dậy dọn dẹp sách vở rồi chuẩn bị về ký túc xá. Chặng đường này dễ đi hơn hẳn, dẫu còn trơn trượt nhưng ít ra chẳng còn mưa nữa. Không khí sau mưa mát lành, trong trẻo khác hẳn với cái bụi bặm, ồ ã của chốn đô thị.
Trước khi tạm biệt nhau, anh An Nghĩa kéo tay tôi lại:
- Em thấy tự tin không? Hôm trước vừa được báo điểm hai đợt thi, anh không rõ em bao nhiêu nhưng anh tin anh đã dạy không tồi, chắc chắn có kém đến mấy cũng vụt sáng thành sao. Vậy nên, anh chờ em ở phòng 105 nhé!
(105: phòng ôn đội tuyển)
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro