Phần 11 + 12

11

Hoặc... những ngày khác, như để tạo nên sự cân bằng, hoặc để tìm lại những gì có vẻ như giống với con đường quanh co đó, bộ mặt thứ hai của đất nước này, những bộ mặt trong đó dường như Sainto đã đi lạc, hai mẹ con, mẹ thì luôn kiếm tìm, con thì luôn độ lượng, hai con người đó đi sâu vào, sát Ixelles hoặc vào sâu tận hang cùng ngõ hẻm của thành phố, trong những đường phố, nơi sinh sống của người Châu Phi, những người lao động nhập cư, sinh viên, những kẻ sống lưu vong hoặc đến dưới sự bảo hộ của một người "da trắng", và điều đó nói lên tất cả, chừng ấy cũng đủ để có được những giấy tờ cần thiết. Họ bước từng bước dài trên những con phố đó và lắng nghe mà không giả bộ làm gì, những cuộc chuyện trò rôm rả trên các vỉa hè, đôi khi những cuộc cãi cọ trước các cửa hàng thực phẩm của Congo, nơi có bán dầu cọ, hộp saka saka và những túi dâu pili pili. Adèle vào trong cửa hàng và hít hà mùi vị ở đó. Raphael thì mệt mỏi, thấy buồn nôn.

Khi bóng tối trùm xuống những đường phố ít ánh sáng vì ít khi được bảo dưỡng, sửa chữa đó, họ vào những quán bar, nơi có bán bia, có thể của Châu Phi hoặc không, bia Primus và bia Simba, Adèle không thể nhìn thấy cái tên mà không run lên vì những cảm xúc lẫn lộn, vì sợ hãi và cũng vì tự nhiên thấy thích thú. Cô liên tưởng đến những hình ảnh của những thanh niên đó, những đứa trẻ vừa khủng khiếp vừa khiến người ta mủi lòng khi chúng ở trần diễu hành trên những đường phố Stanleyville. Cô nhớ tới Célestin, nhớ đến cơ thể yếu ớt trên tàu và bóng hình lúc ẩn lúc hiện trong thành phố, nhớ đến ánh mắt sợ sệt, ương bướng và tội lỗi của nó ngày cuối cùng trong sân ngôi nhà nhỏ của bà cô hay mẹ của nó không ai biết. Cứ hiển hiện trong ký ức cô những con người mà cô không còn có thể phân biệt được họ là khủng bố, sát nhân hay những đứa trẻ hiền lành và ốm yếu, những con người bí ẩn cần được bảo vệ, cần được yêu như bé trai mà cô đang nắm chặt tay.

Cô thả mình chìm đắm trong những câu chuyện về Congo, về thuộc địa, Patrice Lumumba, những cuộc bạo loạn, những câu chuyện kể về những người dân thuộc địa và những người dân sống ở thế giới thứ ba. Một mớ hỗn tạp trong đó gương mặt của Sainto lúc lướt qua, lúc ẩn, lúc hiện. Anh ở đâu trong mớ hỗn độn đó? Anh đã làm gì? Những cuộc đời đó, những thế giới đó, phía bắc, phía nam, dân tộc thiếu quyết đoán đó và đất nước được dựng xây đó, bị cắt ngang, ngay giữa một thuộc địa xa xôi được kết nối như thế nào?

Gần đến nửa đêm, trong quán bar đang biến thành nơi khiêu vũ cũng giống như gian phòng trong con tàu trên sông biến thành hộp đêm hoặc nhà thờ, vang lên tiếng đàn guitar, những điệu rumba dập dình. Có khi Adèle cũng khiêu vũ với những người đàn ông mời mình, khiêu vũ với những bóng ma của Katuba hay của Sainto. Ngồi ngoan ngoãn trên một chiếc ghế dựa trước một li soda sủi bọt mỗi lúc một ít hơn, Raphael nhìn người mẹ khi thì hân hoan khi thì sầu muộn của mình. Nó còn quá trẻ, chưa biết được mẹ vui hay buồn. Hoặc cả hai cũng nên.

Rồi cặp đôi kỳ lạ đó, một người mẹ và đứa con của mình, ra về khi đêm đang dần trở nên nặng nề hoặc khi – mà điều này cũng trùng hợp thôi – một gã đàn ông tỏ ra quá mạnh bạo, áp sát vào người cô, mỉm cười và rót vào tai cô những lời mà ngay cả ở xa, Raphael cũng nghi là mờ ám, khi có bàn tay lướt trên mông hoặc vuốt lên đùi. Bàn tay của một người Châu Phi. Hoặc của một người da trắng lang thang trong những quán cà phê tối đen. Một người da trắng đau đáu về Châu Phi của mình, về đất nước Congo của bằng hữu, bởi vì trong quá khứ, anh ta bắn nước bọt, đâu chỉ có một vùng đất bị sẻ chia và chỉ có một tình yêu chung, tình yêu của họ những người da đen và tình yêu của anh ta một người da trắng còn lớn hơn tình yêu của họ, anh ta vừa giơ ngón tay lên vừa phùng mang trợn má.

Adèle thoát ra khỏi những cơ thể căng cứng và sỗ sàng đó, thoát khỏi những kỷ niệm rối rắm. Hai mẹ con đi qua cửa và phía sau họ lắng dần những âm thanh đầy ám ảnh và tan dần cái mùi mà hai mẹ con khó có thể biết là mùi gì, bốc ra từ những làn da đen và da trắng, mùi mồ hôi và nước hoa rẻ tiền. Họ lại rơi vào trong đêm chết của một thành phố đã đi ngủ, trong sương nhẹ ẩm lạnh, và họ loạng choạng, mệt nhoài trở về với chỗ ở của mình ở đường Van Aa. Nơi có một nửa trống không, lấp đầy tiếng vọng của những bước chân ngập ngừng.


12

Rồi sự trống vắng mỗi lúc mỗi lan ra, Adèle cố lấp đầy sự trống vắng đó bằng việc xây dựng một nhân vật mờ mờ ảo ảo trong một xứ sở mơ hồ và một lịch sử rối rắm, vấp phải những câu chuyện hỗn tạp mà cô kể cho con trai nghe, để cảm hóa nó, cô bảo. Sainto đã rời Bỉ vào những ngày đầu tiên của chiến tranh. Từ một đội quân rút lui đến những tiểu đoàn bại trận, anh đã rơi vào chiến tuyến phòng thủ Dunkerque và đã sang Anh trên một trong những xuồng tạm bợ được đưa đến để cứu binh lính Anh. Ở Luân Đôn, - và có Chúa mới biết, Adèle nói một mình, những gì khác anh đã làm khi lang thang cùng với những thanh niên Pháp vô công rồi nghề -, Sainto đã gia nhập quân đội của Tướng De Gaulle. Sau đợt tập luyện ở phía nam thủ đô, cuối cùng, vào mùa thu năm 40, anh đã đi theo thủ lĩnh của nước Pháp tự do đi viễn chinh sang Châu Phi thuộc Pháp để tập hợp người Châu Phi chống lại Đức và nước Pháp của Thống chế Pétain.

Người tình tương lai của cô có chứng kiến người Pháp và người Anh, một cơ thể nhũn như không xương sống mà lại bị dồn nén tứ phía, đã tan đàn sẻ nghé chỉ trong hai tuần, trong chiến trận cũng như trong cuộc chạy trốn của họ hay không? Hay, có vẻ thật hơn, trên hạm đội đi xuôi Đại Tây Dương về phía Châu Phi hãy còn xa lạ với anh, đang bình yên vô sự hoặc gần như thế, trong khi Châu Âu đang tan rã, anh có chứng kiến một thế giới mới nổi lên, cơ hội tái thiết nơi đây một tương lai ngoài biên giới chật hẹp của đất nước mình, tìm kiếm ở đó một không gian rộng lớn, mở ra những vô cùng những cơ hội? Một vùng đất nguyên sinh để tái tạo lại chính mình. Chỉ đơn giản tồn tại. Adèle không thể không nghĩ đến Katuba và những gì anh đã nói với cô về tất cả những người đàn ông gia trắng đó, họ, vì chẳng là cái thá gì ở quê nhà, cứ nghĩ bỗng nhiên trở thành ai đó ở Châu Phi. Cũng như Henri Morton Stanley, một đứa con hoang, một kẻ bịp bợm, người đã khám phá và đồng thời vẽ ra một đế chế cho một vị vua ngạo mạn và một vùng đất cho bản thân mình, vùng đất mà không ai có thể tranh chấp được với ông. Một vùng đất tái sinh có kích thước một châu lục! Mải suy nghĩ, Adèle liếc nhìn đứa con bên cạnh và tự nhủ Sainto chỉ tiếp nối, dù chỉ để chống đối, truyền thống xâm chiếm bất hợp pháp xưa cũ, một trò bịp. Và rằng bản thân cô cũng đã sinh ra một đứa con hoang. Một đứa con hoang, con của một kẻ bịp bợm và một cô gái lầm lạc... Adèle lặng lẽ vuốt gương mặt hiền từ ngây thơ của Raphael...

Sau đó, mọi việc có chiều hướng phức tạp hơn. Vào tháng Mười năm 1940, Sainto được xác nhận về những gì anh hình dung về một thế giới mới đang nảy sinh với việc thành lập thủ đô nước Pháp tự do tại Brazzaville. Và nếu cần bằng chứng chứng minh rằng thế giới mới này sẽ không hình thành nếu không có người Châu Phi, hẳn là, Adèle lập luận, vào cuối cuối cuộc chiến, vào thàng Giêng năm 1944, trong tuyên ngôn của Tướng De Gaulle: "Sẽ không bao giờ có tiến bộ đúng nghĩa nếu con người trên mảnh đất quê hương không biết tận dụng sự tiến bộ đó... nếu họ không thể dần dần vươn cao ngang tầm với những gì mình có thể để tham gia vào việc quản lý những công việc nội bộ ngay tại quê nhà... Đó là mục đích mà tất cả chúng ta phải hướng đến." "Chúng ta không giấu diếm", dù thế vị tướng táo bạo đó nói thêm, "rằng con đường còn rất dài, qua nhiều bước khác nhau".

Sainto hẳn đã thấy rằng các giai đoạn đó quá dài lâu. Ở lại Châu Phi trong "thủ đô của nước Pháp tự do" sau khi vị tướng trở lại Luân Đôn, có thể theo lệnh của chính vị tướng, Adèle thầm thì, Sainto đã tiếp tục chiến đấu ở Châu Phi. Và cứ đi từ nước này qua nước khác, anh đã trở thành một chiến sĩ lang thang và cô đang vẽ hình hài của anh chiến sĩ này cho con trai của mình. Từ Congo đến Gabon, từ Gabon đến Cameroun... và thậm chí từ đất nước Congo này qua nước Congo khác, từ một người Pháp chuyển qua một người Bỉ, từ bờ bên này sang bờ bên kia sông Congo, từ thủ đô này qua thủ đô khác, từ Brazzaville đến Léopoldville.

Anh ấy đã ra sao khi chiến tranh kết thúc? Vết tích của anh đã mất ở nơi nào? Trong những cuộc phiêu lưu nào? Trong những trận chiến nào? Adèle dứt khoát: anh đã chuyển từ kháng chiến chống quân thù sang đấu tranh chống lại thực dân, chống lại Pháp, Bỉ, Vương quốc Anh và tất cả các quốc gia đang kìm hãm giấc mơ của anh về một thế giới mới và tự do. Tự do như nước Pháp mà anh đã gia nhập tại Luân Đôn rồi tại Brazzaville. Phải chăng anh đã ngả theo cuộc đấu tranh cách mạng do Liên Xô và sau này Trung Quốc ủng hộ? Hẳn vậy, Raphael ạ, chắc lẽ thế, nếu như con hỏi mẹ câu đó. Một chiến sĩ cộng sản? Theo khối Đông Âu? Con hỏi nhiều quá, Raphael, cô vặn lại chính mình.

Đông Dương, Algerie, các cuộc đấu tranh liên tiếp xảy ra, đường xá đụng nhau, những bước chân đi lạc như trên sàn nhà cũ rích trong căn hộ phố Van Aa. Mờ nhạt, mất hút, con trai ạ, cho đến ngày mà những bước chân của mẹ gặp những bước chân của cha con ở phố Montagne-Sainte-Geneviève...

... neviève...

Tối nào cũng phải nhiều giờ liền nghe mẹ thêu dệt đi thêu dệt lại, vừa Pénélope lại vừa Homère, câu chuyện về chàng Ulysse vắng mặt, chưa bao giờ trở lại, vẫn ra đi mãi mãi của mẹ, Raphael thiu thiu ngủ. Nhưng nhận thức rất sớm vai trò của mình hoặc đảm nhiệm vai trò đó để cứu mẹ, nó cưỡng lại cơn buồn ngủ, rùng mình. Nuốt sạch, là cái nùi thấm hết nỗi lo âu của Adèle khi không thể mang lại cho nó một người cha, không thể vẽ, bên ngoại cũng như bên nội, cây phả hệ vững chãi, không thể dựng được rường cột gia đình. Như thể lý giải cho những nỗi lo ngại của mẹ, đứa bé bắt đầu yếu dần, sức tàn lực kiệt, và, vì giọng nói của Adèle cứ xa dần, xa dần, cuồi cùng nó ngủ thiếp đi trên ghế sofa, trên giường hoặc dưới đất, đầu kê lên đôi chân trần của mẹ...

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #deadline