Phần 13 + 14
13
Vì cứ cố chơi trò ghép hình mà mình không có mẫu sẵn, cứ cố liên tục đi trên sợi dây nối giữa phịa tạc và dối trá, cố giữ thăng bằng bên bờ của sự trống rỗng để cho con trai của mình không bị ngã xuống, rốt cuộc Adèle đã mất đi sức mạnh đó, buông xuôi, và, trong cơn chóng mặt mỗi lúc mỗi nặng thêm, rốt cuộc cô bắt đầu cảm nhận được sự quyến rũ không thể cưỡng lại được của sự trống vắng.
Lần đầu Raphael (nó mấy tuổi rồi ư? Có lẽ mười hai tuổi), lần đầu nó phát hiện ra điều đó, và sống với điều đó như một sự thất bại, thất bại vì đã không thể nuốt nổi phần nào sự rối rắm của người mẹ, đó vào vào một buổi sáng, thậm chí vào lúc rạng đông.
Adèle đã ra khỏi phòng và đi ngang qua phòng của con. Cô đứng bên cửa sổ. Ánh nắng ban mai mới chớm dọi xuyên qua những tấm ri đô đã mở đánh thức nó dậy, hoặc, có vẻ đúng hơn, sự hiện hữu duy nhất của bóng mẹ đang đứng trong phòng, hơi thở nhẹ không ai nghe thấy? Bầu trời nhợt nhạt, và trên phông nền lờ mờ đó, bóng dáng Adèle thấp thoáng. Gần như không còn ở đó nữa.
Cô ngắm nhìn thành phố giữa những mái chung cư xung quanh. Cô thấy gì ở đó hoặc không thấy gì đặc biệt vào sáng hôm đó? Đúng là chẳng có gì đặc biệt. Chẳng có gì liên quan đến thứ bà đang tìm, sau này Raphael kết luận. Chẳng còn gì hiển hiện trong màn không gian xám xịt, chóp ống khói cũng không, nóc nhà cũng không, rồi những gì cô đã từng hy vọng cũng không nốt, một chi tiết nhỏ, dù mong manh đến mấy, chi tiết có thể gán cho tòa tháp, mái vòm, cho phố xá, quảng trường mà cô đã thấy hoặc đã đi qua trong những năm tháng ấy, những năm tháng hiện hữu ấy, nhưng có thể dùng từ như vậy được không, đã qua mất rồi từ khi cô quyết định chuyển đến thành phố này ở.
Raphael hiểu khi đứng dậy và lại bên mẹ. Ánh mắt Adèle lờ đờ và con trai cô biết ngay là cô đã uống những viên thuốc do bác sĩ kê đơn thời gian gần đây, tác dụng của thuốc khiến cô uể oải, và, nó công nhận, cũng làm cho nó cảm thấy nhẹ nhõm, nó có thể tự do ra phố, vào các cửa hàng, gặp những người qua đường, những đứa trẻ em hay thanh niên trong khu phố. Cuộc sống.
Nó nhận ra điều đó khi từ cửa số nhìn ra cửa phòng hai cánh của Adèle đang để mở, như đang bị gió đập, và điều đó khẳng định thêm nỗi lo sợ của nó: hộp thuốc thường vẫn được để trên bàn ngủ của Adèle đã rơi xuống đất, đã dùng hết. Người mẹ đang ngay đơ, bất động, để cho tác dụng của thuốc an thần xâm chiếm cơ thể, lần theo vết tích của nó trong hai cánh tay, trong bụng, trong đôi bàn chân. Khi cơ thể cô cho thấy sự suy sụp bắt đầu, cô chẳng cần nói gì hết. Cô để mặc cho Raphael mở cửa phòng, khoác áo ngoài và kéo về phía cửa căn hộ. Nó dắt mẹ đi xuống cầu thang, bước chân nặng nề, ngập ngừng giẫm lên những bậc thang bằng gỗ và trên phố, nơi mắt cô đã trông thấy phòng mạch của bác sĩ mà Raphael đang đưa cô tới, bác sĩ duy nhất mà họ biết, người đã cấp vũ khí để làm cô suy sụp và là công cụ để kéo cô về với nó.
Bác sĩ gọi xe cứu thương và không cho cậu bé lên. Raphael đi học cấp hai. Nó tới trường muộn. Gặp giám thị đang đứng ở cổng trường để bắt những học sinh đi học muộn, nó lấy cớ là đã bị bong gân chân. Nó giả vờ đi cà nhắc một cách tự nhiên và hoàn hảo. Nó đã học cách nói dối. Xem đó là cách tự vệ. Và, trong lời nói dối của mình, khi nào cũng có một phần sự thật: nó không còn, cũng giống như mẹ, có thể bước đi một cách bình thường. Được giám thị cho phép, nó vào lớp. Ông thầy không dừng lại. Vẫn tiếp tục giảng. Hôm đó là tiết lịch sử nước Bỉ. Raphael ngồi vào bàn. Nó định xé những mẩu giấy từ quyển vở của mình, nhưng nó chẳng cần gì để bịt tai lại.
Buổi tối, học xong, nó đến thăm mẹ tại bệnh viện tâm thần đầu tiên mà mẹ nó biết. Và nó cũng vậy.
14
Phòng ngủ đẹp. Và các khu vườn cũng rất dễ chịu. Đúng thế, cuối bãi cỏ, lồ lộ một cái chòi mà Raphael cứ gọi là chòi của những người điên. Bởi vì nó phải học cách phủ nhận tính tương đối của mọi sự. Sống sót, là phân biệt. Bức tường mặt tiền của cái chòi đó hoàn toàn bằng kính. Phía sau nó, có những dãy giường có thể quan sát liên tục, cũng như những bệnh nhân đang ngủ hoặc đi đi lại lại trong phòng. Một số người ra ngoài, và, từ phía sau cửa kính phòng Adèle, Raphael nhìn những bộ pyjamas Bỉ của họ tương phản với màu xanh của cỏ: những hình ảnh bằng vải mỏng tang, những gương mặt nhợt nhạt, bập bùng như lửa, gặp nhau, vẽ ra một điệu vũ thanh thoát, nhẹ nhàng, lặp đi lặp lại, ám ảnh và thanh nhã. Rồi Raphael sẽ gặp họ, sẽ chạm tay vào quần áo của họ, sẽ nắm lấy tay họ. Nó sẽ chào và họ sẽ đáp lại: chào anh bạn trẻ, hôm nay khỏe chứ? Nhân tiện, bác định nói với cháu... Họ bắt chuyện, nói với nhau một cách nhẹ nhàng, gần như được cân bằng bởi những vẻ mặt nghiêm nghị. Adèle không thuộc những người đó. Chẳng ai biết cô thuộc về cái gì nữa. Cô bị gì nữa. Loạn thần kinh hay chấn thương thể hình, các bác sĩ không nói gì cả. Cô đã cần gì khi phải lòng một khách vãng lai, có lẽ vì vãng lai mới đượx cô yêu, để rồi sau đó đeo đuổi bóng hình của anh? Raphael là thứ duy nhất kết nối cô với thực tại và như vậy, cho cả cô và cả nó, quả là thật đáng tiếc. Rồi chúng ta sẽ thấy, các chuyên gia tâm lý nói, có những biểu hiện rằng họ chẳng thấy gì cả và hẳn là mãi mãi chẳng bao giờ thấy gì cả. Trong khi chờ đợi, Adèle cứ đợi chờ. Cô sẽ chờ như thế. Cho đến khi cô quyết định không chờ nữa, sau này Raphael mới hiểu.
Trong phòng ngủ của mẹ ở tầng trệt, ngang với cỏ xanh, có những giờ phút được bóng cây che, nó ngồi lọt thỏm trong một chiếc ghế bành màu trắng, giữa những bức tường màu trắng, trước một cái giường ga và chăn màu trắng, và thật dễ chịu làm sao. Không phải mỗi ngày mỗi lộn xộn hơn như trong căn hộ phố Van Aa, quần áo của mẹ vứt lung tung trên ghế hoặc quên bên bồn tắm, bát điã mốc meo trong bồn rửa hoặc tủ lạnh trống không. Không giống như căn hộ ở phố Écouffes mà nó còn nhớ sách vở rải khắp sàn nhà. Chỉ mỗi màu trắng, không lời. Không có những ngôn từ quay cuồng, và phải cố mà chấn chỉnh bản thân, chủ ngữ, động từ, tân ngữ, những thứ đơn giản, nguyên nhân và hậu quả, tiền ngữ và hậu ngữ. Raphael ngồi. Mấy cô y tá đi vào và mỉm cười với nó, các cô y tá phụ chăm sóc bà mẹ, đỡ mẹ dậy, giúp mẹ tắm rửa khi mẹ mắc chứng cứng liền khớp do dùng thuốc mà các bác sĩ cấp cho một cách vô tội vạ, nhân viên vệ sinh lau sàn nhà bằng tấm vải lau mà khi đến Bỉ, nó đã học cách gọi là giẻ lau nhà. Lau trước, lau sau, từ trái qua phải qua những động tác duyên dáng. Tất cả đều rất êm nhẹ.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro