Phần 19 + 20
19
Maxime Crousse, ông ngoại, đánh xe ô tô từ Paris đến. Lúc đầu đến bệnh viện, ông đến thăm Adèle một cách lạnh nhạt và chóng vánh. Điên như vậy là logic. Hoặc tất yếu: ông có thể là nguyên do nhưng chẳng làm gì được. Rồi ông đưa Raphael về căn hộ. Ông có vẻ biết thành phố này. Raphael chẳng hỏi han gì ông. Maxime Crousse – nguyên – Max Kursner đối với nó là im lặng. Ngôi mộ chí. Trái với những hố chôn tập thể mà Raphael đã làm uế tạp ở Bruxelles, chưa bao giờ tâm trí nó mảy may nghĩ đến việc bật nắp đá phá vỡ sự im lặng của ông. Bởi vì ông còn sống ư? Hay bởi vì cái nắp đá đó thuộc về cá nhân chứ không phải tập thể: Raphael nghi ngờ sự im lặng của ông ngoại đang đối nghịch với ngôn ngữ của cả một cộng đồng, phải chờ cho đến khi ông chết thì mới khai quật được quá khứ. Còn về việc anh em họ hàng của nó có mặt ở Bruxelles, Raphael biết việc này cũng chỉ tương đối thôi. Nó đã học cách để thành phố yên ắng trong sương mù. Vậy nên Maxime Crousse chạy xe trên các đại lộ và không mấy khi hỏi đường Raphael, chỉ trừ khi đến cuối, khi họ vào khu phố Van Aa. Ông Crousse đậu xe, cứ đánh tay lái hàng trăm hàng nghìn lần để len vào giữa hai xe ô tô đậu sát nhau quá. Không bao giờ ông có vẻ bực tức. Chưa bao giờ Raphael thấy ông luống cuống. Maxime bước xuống xe, chờ thằng cháu ngoại bước ra, rồi ông đi vòng quanh xe, đóng cửa lại hoặc kiểm tra xem thử cửa ô tô đã đóng hết chưa.
Ông theo Raphael lên tầng hai. Ông không đi đến cuối căn hộ, đến cửa sổ nơi mà Raphael ngồi trên giường nhìn thấy Adèle lần đầu tiên bị sự trống rỗng dày vò thân xác. Ông ở lại phòng khách, phòng đầu tiên. Người đàn ông này không chịu rơi vào tình trạng không biết gì. Mỗi bước về phía trước là mỗi bước đầy hiểm nguy. Ấy là để thách thức sự hiểm nguy khi Adèle ra đi, lúc đầu là vài ngày đi Paris với Sainto, sau đó là sang Châu Phi lần theo dấu vết của anh. Hẳn cô đã nhầm đường: Nhẽ ra cô phải khám phá bí mật của cha cô, sự im lặng, sự cứng nhắc của ông, nhẽ ra cô phải chống lại thái độ đó. Cho nên, đúng theo cách mà người Châu Âu đã xâm chiếm Châu Phi một cách trái phép, theo cách mà Sainto ở lại đó, đấu tranh cùng chiến hào với người Châu Phi để sửa chữa sai lầm này, Adèle đã đi Congo thay vì tìm cách giải bùa để thoát khỏi sự im lặng của cha mình. Mọi người nhẽ ra phải ở lại Châu Âu mà đào bới những bí mật của riêng mình. Rốt cuộc, mình đã làm vậy khi làm uế tạp những nghĩa địa ở Bruxelles, sau này Raphael nghĩ bụng.
Maxim lại gần cửa sổ hướng ra đường phố. Ông nhìn những người qua đường rất lâu, như đang dò tìm ai đó, kiểm tra xem họ có nguy hiểm không. Với ông ư? Với thắng cháu ư? Raphael đứng sau, quan sát ông ngoại của mình. Max nói với nó: Ông không ở lại đâu. Raphael không chờ gì khác. Max nói tiếp: Ông chưa hình dung được là có thể cho cháu ở nhà ông. Max không nói ở nhà ông bà. Vợ ông chưa bao giờ có quyền ăn nói gì ở đây. Mà bà có mong như vậy không chứ? Bà có biết chồng mình đi về đến Bruxelles? Và thậm chí việc Adèle bị bệnh? Ở mức độ nào? Adèle chắc hẳn đã viết thư cho bà, như thỉnh thoảng cô vẫn viết. Cô đã cho bà biết những thông tin nào? Cô có nói giảm tình trạng của mình? Maxime Crousse nhẽ ra đã phải đi tìm hiểu xem sao. Trong phòng khách ở phố Van Aa, ông lạnh lùng đánh giá tình hình. Chát chúa và chân thành. Người đàn ông này chân thành hơn người ta tưởng.
Ông quay về phía Raphael và xem nó phản ứng ra sao. Trước mắt ông là một thiếu niên. Ông có thể đối mặt với tình huống nó trở nên tái xanh, khóc lóc hoặc nguyền rủa ông. Raphael không hề muốn theo ông ngoại đi Paris. Nó đã giành được sự tự do ở Bruxelles và không nghĩ đến chuyện bỏ mặc mẹ mình. Không những không muốn đưa thằng cháu đi theo, Maxime cũng không nghĩ đến chuyện đưa con gái của mình về Pháp.
Ông thọc tay vào túi trong của áo vét. Raphael quen với cử chỉ và âm thanh đó. Max thường làm vậy vào dịp sinh nhật của nó và vào dịp năm mới. Adèle bảo nó: ta đi thăm ông ngoại. Họ đi tàu điện ngầm, đi theo phố Rocher. Phải bấm chuông trước khi vào cửa hiệu. Maxime Crousse đa nghi lắm. Trong cửa hiệu, chẳng nói chẳng rằng, ông ôm hôn Raphael và, với nụ cười rạng rỡ, sòng phẳng rõ ràng, ông bỏ vào tay nó một vài tờ tiền. Họ không về ngay. Trong khi Adèle, giọng nghèn nghẹn, nói về những chuyện chẳng đâu vào đâu, Raphael vào lại trong quán. Nó sờ lên tấm gỗ dát, dán mặt vào cửa kính, đằng sau có xếp những đồ bằng bạc hoặc bằng sứ. Nó ra chiều suy nghĩ trước thế giới lạnh băng đó: nó tự hỏi phải chẳng những đồ đạc đó đang che giấu những thân phận con người hoặc phải chăng chúng chỉ là những đống xương người chết, của những mảnh đời đã mất. Sau này, nó tự nhủ rằng ý muốn khai quật hầm mộ, hoặc, như nó sẽ làm khi đến trung tâm thành phố nước Bỉ, phá cửa bảo tàng lịch sử trước khi chuông báo động khiến nó phải lùi lại, ý muốn này từ đây mà ra: từ cửa hiệu của ông ngoại nơi những di vật nằm đó bất động, hơn nữa lại được đưa ra bán. Mỗi khi đã bán rồi thì chúng sẽ đi đâu? Làm sao lần theo dấu vết? Và ngược lại, làm sao để khi nào đỏ trở về với cội nguồn? Về với cuộc sống. Adèle đặt tay lên vai Raphael. Tín hiệu ra về. Raphael nói lời cảm ơn một cách khoa trương Cảm ơn ông ngoại ạ, như thể nó đã học được điều đó từ mẹ. Nó thấy hình như ánh mắt ông ngoại đượm vẻ buồn rầu.
Ở phố Van Aa, Max đặt lên bàn một cọc tiền. Sau đợt nằm viện điều trị tâm thần đầu tiên, Adèle đã đôi lần có ý trở lại làm việc ở tiệm nước hoa. Những ý định đó vắn chẳng tày gang. Từ đó, cô ăn lương bảo hiểm. Phòng hành chính trạm xá đã giúp cô xin học bổng cho con trai. Con biết không, Raphael, nước ta là nước lạc thú. Raphael nghe điều này nhiều lần rồi. Nó không thích câu nói đó. Đất nước này là thứ người ta cần: vui vẻ, tự do, hỗn xược, vô chính phủ, thế mà lại lạc thú ư? Điều này có nghĩa là gì? Nó hình dung một xứ sở truyện kể, một cánh đồng hoa mênh mông đến vô cùng nơi những con kỳ lân và những sinh vật thần tiên khác đang nhảy nhót, hân hoan về sự ngu dốt của chính mình. Nó chán ngấy vì phải theo đuổi những điều tưởng tượng. Mẹ nó đang bận chết dần chết mòn vì thế giới mông lung đó.
Ông tin cháu, Maxim Crousse nói thêm. Điều đó có nghĩa: nếu mọi việc xấu đi thì cháu sẽ là thủ phạm. Vì đã phản bội niềm tin của ông. Raphael nói: tất nhiên rồi, ông ạ. Crousse lại gần thằng cháu ngoại. Ông ôm chầm lấy thằng bé. Cháu là một đứa bé rất tốt, Raphael ạ. Ông rất thương cháu. Raphael trả lời: cháu cũng thế. Bối rối, Max dừng lại một chốc. Cháu cũng thế là sao? Ông hỏi. Raphael không trả lời.
20
Sau đó phải kể lại đoạn cuối của cuộc đắm chìm.
Cuộc đắm chìm đó, nó vừa nhanh lại vừa chậm. Nó kéo dài lê thê rồi mất hút ở nơi xa cho đến một nơi mà người ta không còn phân biệt được sự vật nữa. Có thể bởi vì ở nơi xa xôi đó, tất cả chìm nghỉm trong sự trống rống như một thác nước dữ dội.
Đó nhất thiết là đợt nằm viện cuối cùng của Adèle. Đôi khi Raphael phải vận dụng đến số học để đưa giai đoạn này về đúng vị trí của nó, giai đoạn thiếu niên nhiều biến động, sự biến động gắn liền với biến động của Adèle. Nó mười hai tuổi vào lần nằm viện đầu tiên, mười tám tuổi vào lần nằm viện cuối cùng, sáu năm ngăn cách, mười hai chia cho sáu bằng hai, hai đợt nằm viện mỗi năm. Nhưng mọi chuyện đâu diễn ra như vậy. Có những đợt nằm viện ngắn ngày hơn hoặc dài ngày hơn. Đợt cuối cùng là dài nhất. Đợt này diễn ra như thể Adèle đã quyết định đó sẽ là đợt cuối cùng. Hoặc cô sẽ không bao giờ ra khỏi đó nữa. Theo hai nghĩa của từ này. Cương quyết ở giữa hai, giữa điên và bình thường, không còn biết mình thuộc hệ nào nữa. Thế giới cũng không. Lịch sử cũng không.
Để được ở trong trạng thái đó, dường như cô đã chọn, hoặc đã chấp nhận, hoặc đã kiếm tìm (càng ngày Raphael càng thiên về ý nghĩ cho rằng bác sĩ và bệnh nhân thông đồng với nhau, cùng nhau viết nên câu chuyện về bệnh điên, cùng chăm chút cho một kịch bản xảo quyệt), kiếm tìm một nơi nào đó cũng nằm ở giữa hai thái cực. Dinh thự. Riêng hai chữ này đã rất hợp rồi: một khu nhà ở riêng, khép kín, rồi sự mỉa mai đó, trò chơi về sự ngự trị. Ngự trị chính mình. Đối nghịch với điên. Dinh thự là nơi mà cô sẽ giả vờ như kiểm soát được sự hỗn mang dẫu biết tất cả đều vô ích: lịch sử của nó, lịch sử mà cô đã len lỏi vào, như thể do nhầm lẫn, sẽ không bao giờ tiết lộ ý nghĩa của nó. Cô sẽ không bao giờ chế ngự được gì cả mà để mặc cho mình cuốn theo sự hỗn mang dịu dàng đó. Cô sẽ khiến cho nó hát lên, cô sẽ để cho nó cất tiếng ca. Đó, cách chế ngự của cô là vậy đó.
Vào khoảnh khắc đó, cô lại nghĩ đến âm nhạc. Thi thoảng lại tiếc, những thoáng thăng hoa chóng bị dập tắt, những lúc khát khao chóng bị bóp nghẹt, tiếc là không thể tiếp tục chơi violon. Cái đàn violon ở đâu nhỉ? Nó đã ra sao từ ngày cô để nó trên tủ ở phố Écouffes? Chị Benichou lấy rồi ư? Chị ta đã cho con mình rồi? Đứa con đó hẳn đã trở thành một thần đồng. Cô mong ước điều đó trong những giấc mơ đã xâm chiếm bản thân mình vào một buổi chiều bên cửa sổ trong phòng khách của Dinh thự.
Hoặc khi đó cô tự nhủ nhẽ ra mình nên đưa cây đàn khi sang Châu Phi và tặng cho Célestin. Thay vì xông tới sự ghê rợn, sự chết chóc, tàn sát, nhẽ ra cô nên dạy cho nó chơi... Như vậy chắc lẽ họ sẽ không đến đích. Họ sẽ dừng chân trên một trong một nghìn lẻ một hòn đảo trên sông. Một đảo hoang. Họ có thể lên đó. Như Robinson và chàng Thứ Sáu, họ đã có thể một mình trên đó. Một người phụ nữ và chàng Thứ Sáu. Nó có lợ dụng hoàn cảnh đó không nhỉ? Cô có xem nó là tình nhân? Họ có sống với nhau đến đầu bạc răng long? Con trai của cô có thể đã sinh ra ở đó. Trên một mảnh đất vô danh, không ai biết ai hay. Adèle hẳn đã chơi đàn violon, cho đến khi nguồn dây đàn dữ trữ hết và những sợi cước trên vĩ bị đứt, tứ tung, bù xù. Célestin hẳn đã đôi lần mua được giây đàn, mang từ thủ đô đi theo dòng sông trên thuyền độc mộc này rồi trên thuyền độc mộc khác để đến với họ. Âm nhạc sẽ xâm chiếm cả khu rừng nhiệt đới, chế ngự cả lịch sử. Mozart và Bartók ở rừng nhiệt đới. Bị kịch hẳn đã không xảy ra. Adèle hẳn đã không chứng kiến Sainto chết, anh sẽ mãi ở u linh giới, giữa mơ và thực. Adèle hẳn đã không đi tìm anh. Có lẽ không cần thiết, âm nhạc đã tràn ngập khắp nơi, khỏa lấp những chỗ khuyết thiếu... Và Célestin hẳn đã trở nên thô bạo. Bởi vì, Adèle mỗi lúc mỗi quả quyết, giữa tất cả những câu hỏi đang dày vò mình, rằng Célestin đã trở thành một chiến sĩ Simba. Chính vì thế mà nó đã lên tận thành phố phía Bắc. Để gia nhập phong trào nổi dậy và thoát ra khỏi những dấu vết cuối cùng của chủ nghĩa thực dân, thoát khỏi mọi vết tích của người da trắng, thậm chí thoát khỏi những kẻ, vì thói gia trưởng xảo quyệt như Sainto, đã phụng sự họ mà không hề chủ tâm. Một sự thanh trừng tuyệt đối, được thực hiện bởi một thiên thần. Một thiên thần hủy diệt. Việc cô thấy anh nằm trên giường giờ đã rõ: không thiên thần mà cũng chẳng quỷ dữ. Cả hai. Hẳn Célestin đã chứng kiến Sainto chết. Có thể chính nó đã giết chết anh.
Đúng vậy, ngồi trong phòng khách Dinh thự, cô mơ về âm nhạc, âm nhạc nhẽ ra đã thay đổi tất cả. Nhưng muộn rồi. Thế là cô buông xuôi. Theo sự đắm. Đắm như cô đã từng biết trên sông. Từ đảo này qua đảo khác.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro