Phần 25 + 26
25
Ngày hôm sau, nhẽ ra cô đã gọi taxi. Nhưng sau đó, cô đã hai lần đi xe buýt. Không phải vì, với cách này, cô khước từ thời điểm tất yếu của dấu chấm hết theo cách nhìn của cô, thời điểm mà tất cả với cô sẽ có thể rõ ràng, sẽ xác nhận những gì cô đã nhanh chóng nắm bắt được, hoặc nhanh chóng tin. Không, bởi vì sự kết thúc, cô đã chạm đến. Cô đã vượt qua, ở thời điểm chẳng liên quan gì lắm với cuộc sống, với những đòi hỏi và sự ngẫu nhiên của nó.
Vậy nên cô đã lên một xe buýt, rồi sau đó bắt một xe buýt khác. Xung quanh là những âm thanh của một ngôn ngữ mà cô không biết, là những gương mặt xa lạ, cô đi qua và ngắm nhìn thành phố. Những mặt tiền theo kiểu baroque, những biển hiệu có những cái tên lạ quắc, những chiếc xe Fiat chạy đầy trên các phố, trở thành những bản sao của chính chúng. Cô đã chỉ đi một lần thôi, xa, rất xa, vì chính mình, đến Congo. Đây hẳn là chuyến thứ hai của cô. Cô không định chuyển nhà sang Bỉ ở như vậy, đó là vào ở chứ không phải chuyển đến. Cô những mong mình sẽ có thể nói lần sau cùng thay vì nói lần thứ hai. Sẽ không có lần nào nữa. Đó sẽ không phải là nút thắt, đó sẽ là con đường. Một con đường không ai chờ đợi. Tất cả đều đã bất ngờ trong đời cô, kể cả lần lẩn trốn hai ngày ở Roma đó. Cô không hiểu điều đó có nghĩa gì. Không có gì diễn ra như cô có thể hình dung. Và dẫu vậy, hẳn đâu đó có một lời giải thích. Một sự giải thích xa vời, sâu sắc. Ở nhà cha cô, sự im lặng, những lời nói dối của ông ư? Ở nhà mẹ cô, sự nhu mì của bà? Trong sự thiếu thốn cái gì? Thỏa mãn nhu cầu nào? Tìm kiếm mục tiêu nào? Các bác sĩ tâm thần đã đặt nhiều câu hỏi, chưa bao giờ nhận được hoặc cho những câu trả lời mạch lạc cả. Câu trả lời phải từ chị mà ra, Adèle ạ, tất cả đều nói. Chị sẽ thấy câu trả lời trong sâu thẳm con người chị. Trong sâu thẳm con người chị, có một lỗ thủng. Lỗ thủng trong đó cô đã đi lạc.
Khu phố xa trung tâm. Bình dân. Không được sạch sẽ cho lắm. Những bức tường đổ nát hơn. Những ánh mắt lạnh lùng hơn. Trước lối vào ngôi nhà tầng nơi cô đang đến, hai thanh niên đầu trọc dựa lưng vào tường, đang cầm điếu thuốc lá bằng ngón cái và ngón trỏ và hút. Đầu cúi xuống, mắt ngước lên nhìn Adèle.
Cuối sân, cửa mở ra và Franco Prosperi xuất hiện. Anh ta tự giới thiệu. Anh ta có nụ cười đẹp như thiên thần, đúng như Jacopetti đã nói. Và kiểu cách hoàn toàn trái ngược với cách cư xử thô lỗ của bạn mình. Cả hai dường như đang cùng sắm một vai. Prosperi mặc áo sơ mi của thợ săn như thể anh ta chọn quần áo theo chủ đề của mình ngày hôm đó.
Gualtiero đã báo cho tôi trước. Mời chị Crousse đi theo tôi.
Sau sảnh nhỏ, họ vào trong một gian phòng bừa bộn bàn ghế và giá đỡ. Tất cả đều gam màu sẫm tối, ván giá được sơn màu đen, băng phim treo khắp nơi, kể cả những bức tường gạch cũng đầy những vệt đen đen. Adèle liên tưởng đến đài phát thanh ở Stanleyville.
Trên một cái bàn, ba hộp đựng phim được chồng lên nhau.
Tôi đã chuẩn bị những gì chị tìm.
Anh ta có biết được cô đang tìm gì không? Hôm trước đó, cô vẫn còn mập mờ.
Tôi nghĩ chị chưa bao giờ xem Africa Addio.
Anh ta đưa cô đến một cái bàn khác. Chị ngồi đây. Trước mặt cô mở ra một màn hình, không lớn lắm. Đèn tắt. Cô có thể nghe, ở sau lưng, tiếng phim chạy trong máy chiếu.
Cô thấy tất cả những gì báo chí đã mô tả. Những dân tộc hung bạo và những thủ lĩnh chính trị đứng trước những chiếc xe ô tô mui trần. Những trận đòn của cảnh sát và những cuộc tiếp đón linh đình. Cảnh động vật xen với toàn cảnh những đám đông và cận cảnh những gương mặt Châu Phi môi dày mũi to. Những cảnh đầu tiên hẳn là để làm vui lòng Prosperi, những cảnh tiếp theo thỏa mãn Jacopetti. Ngang tầm ấy, cảnh những đàn súc vật quay từ trên trực thăng hoặc cảnh giết trâu và hành quyết người. Không gian ngập đầy âm thanh thê lương và những bản nhạc Nam Mỹ quay cuồng. Có những người lướt ván trên những con sóng khổng lồ, có những cô gái da trắng chạy ra biển hoặc uốn éo tươi vui dưới ánh nắng rạng ngời và cảnh những nhóm người bị bỏ đói cướp bóc.
Phần cuối, chiếu lại những hình ảnh Congo và cũng lộn xộn như trước. Cảnh phụ nữ và trẻ em từ trên máy bay bước xuống trong bộ quần áo ngủ hoặc vải lông vẫn còn dính trên má, những người lính lê dương, đầu đội mũ Far West, tay chạm trổ những hình thù rất lớn còn chân thì duỗi ra trên lan can, vai vác những két bia hoặc chậu w.c trong mớ tạp nham những chiến lợi phẩm, cảnh binh lính bắt bớ những người quần áo rách rưới, đấm đạp họ, lấy báng súng phang vào họ hoặc chửi rủa họ bằng ngôn ngữ Châu Phi, cảnh những bộ xương người vơ vất trên đường, nằm đó như những bù nhìn, giày quân sự quá khổ trên những bàn chân trơ xương, mũ ở đầu kia, trên những sọ người trống rỗng, có bao nhiêu xe jeep đã chạy lên đó. Cuối cùng, ở Boende, cảnh giết một người da đen thường phục, cảnh này đáng nghi lắm, một người lính lê dương tiến về phía anh ta, thét vào mặt anh ta, không hề run, tay chìa về phía anh ta, âm thanh nền là tiếng của cha xứ đang tụng kinh, hẳn là kinh cho người chết, một giọng nói đằng đặc, thê thảm khi buộc phải phục tùng cảnh quay, trong khi đó, những cú đánh được tung ra và người đàn ông khụyu xuống...
Adèle chú ý, tập trung hơn nữa. Nhịp ghi hình, nhịp dựng phim chậm lại. Lời bình không cho khán giả biết ngay lúc này đang ở đâu, hoặc nói không rõ, nhưng Adèle đã nhận ra địa điểm. Âm nhạc cứ lặp đi lặp lại, quay cuồng, có cái bi thương ở bên kia thế giới, của cõi âm thê thảm. Từ phía trong xe, một máy quay tiến về phía những con phố trong một Stanleyville hoang vu. Chung cư bị đóng cửa, không một bóng người. Xung quanh chẳng có ai, chỉ trừ dưới đất hoặc trong những chiếc xe ô tô cửa mở để lộ ra những cái đầu, những xác chết có tư thế rất thô kệch, chân co lại giơ lên, cánh tay treo lên trên chẳng biết bấu vào gì, những xác người khô cứng như thể bị kịch đã xưa lắm rồi, đã thuộc về quá khứ, như thể người ta đang thăm một thành phố ma.
Nhiều lần, Adèle yêu cầu tua lại. Trên những thi thể của người Châu Âu được che đậy bằng những cái chăn mà một người lính dù thi thoảng lại nhấc lên, có vẻ như theo yêu cầu của các nhà làm phim. Dừng lại ở cảnh một khu chung cư. Phóng to, nhưng không làm được đâu, Prosperi trả lời, phóng to một gương mặt hoặc hoặc thịt da lủng lẳngcủa một người tù lôi ra từ một căn nhà, bị treo chân, tay như thú săn. Cô yêu cầu những gì không thể làm được: họ, Jacopetti và anh ta, phải tiếp tục quay phim như trong một thành phố có thật, tay cầm máy quay, quay những góc phố, đi qua những cánh cửa, vào trong đài phát thanh, thâm nhập vào nhà của...
Bộ phim dừng lại, hết. Im lặng bao trùm.
Khi đó Adèle cảm giác Jacopetti có mặt sau lưng. Cô không nghe tiếng anh ta vào.
Allora, thế nào? Anh ta hỏi cô.
Anh ta nghĩ cô im lặng là để lên án. Như hôm trước đó, anh ta có vẻ vừa cảnh giác vừa khiêu khích.
Tôi không phải là Fellini, anh ta nói, với thói quen mà cô bắt đầu quen, đó là nói với ngôi thứ nhất như thể chỉ có anh ta mà thôi, như thể Prosperi không tồn tại. Tôi là người thực địa, tôi đâu có quay La Dolce Vita! Sự ô nhục gàn rở của phòng trà Roma tối sầm trong những cuộn khói thuốc. Tôi quay cảnh sinh hoạt tình dục, tôi quay sự sợ hãi, sự chết chóc thuần túy! Thuần túy, anh ta hừng hực kêu lên, trả lời một tòa án tưởng tượng. Như Marce Alexandre và có thể nhiều hơn thế, tôi là một nhà b... Tôi đã bắt đầu viết tin vắn cho các tạp chí, lục lọi trong các thùng rác, sự thật nằm trong đó...
Adèle ngắt lời: Em có nói gì đâu... Em không biết...
Prosperi và Jacopetti nhìn cô. Cô câm lặng.
Sau một lúc, cô thều thào: Các anh có... thứ khác không? Marc Alexandre đã nói với em... Những hình ảnh khác, những cảnh quay ban sơ, hoặc... không phải do các anh làm... Em đang tìm....
Chị tìm gì?
Cô không trả lời.
Họ đã đặt những cuộn phim khác trên máy chiếu.
Những hình ảnh nối tiếp nhau, đen trắng, nhã hơn.
Những phóng sự của các hãng thông tấn báo chí, của Associated Press, của các đài truyền hình Mỹ hoặc của British Pathé.
Cuộn phim cuối cùng quay trống không, như điên, đầu mút đánh phần phật, rất buồn cười, một con gà mái không đầu đang chạy.
Adèle đứng dậy. Chậm rãi. Cô chỉ chào lời tạm biệt rồi đi.
26
Cô chẳng thấy gì trong các bộ phim. Không tìm thấy. Nhưng mà cái gì? Không thấy Sainto. Bình thường thôi. Logic. Chẳng có gì đã thực sự tồn tại. Tất cả đều ở trong đầu cô mà ra. Có thể cô chưa bao giờ đến đó. Ở đâu? Ở đâu? Ở Châu Phi. Ở Congo, trong thành phố phía bắc, thượng nguồn dòng sông, ở chỗ ngoặt, ngay trước những ngọn thác. Không, có thể cô chưa bao giờ đến đó. Có thể cô đã hoàn toàn bịa chuyện. Chúng tôi không bịa gì sất, Jacopetti nói trong đoạn trường thoại của mình sau lưng cô, trong khi cô nhìn lên màn hình trống không, phim đã qua rồi. Nhưng tất cả chỉ ra điều ngược lại. Việc dựng phim. Những hình ảnh thái quá. Bê bối về việc dàn dựng vụ giết người. Kịch bản hóa những sự kiện được ghi hình. Âm nhạc dữ dội, tươi vui hay sầu thảm tùy theo góc quay mình muốn. Những mảnh ghép của trò chơi ghép hình ở đó, có thể thật, thôi nhưng vẫn còn thiếu, cô có đủ tư cách để biết điều đó, vẫn còn thiếu. Và những mảnh ghép đã cho được bao bọc lại. Được hình dung lại. Chỉ được tưởng tượng ra thôi. Tất cả chỉ là ảo ảnh. Ảo ảnh. Adèle nhớ đến quyển sách mà Gabrielle đã đọc cho cô nghe khi từ Congo về, câu chuyện về Conrad mà cô đã gặp đi gặp lại sau đó trong quá trình đọc và tìm kiếm. Một cái tin tang tóc đã trở thành ánh nhìn bắt buộc về Châu Phi của người da đen. Về Congo. Tối tăm, Adou ạ... Rồi cô nhớ lại những gì mà anh chàng người Liban đã kể khi đưa cô đến sân bay Stanleyville và chỉ cho cô xem những nhà truyền giáo sống sót sau vụ thảm sát ở tả ngạn, được lôi ra từ những xác chết. Trong đống xác người, có một linh mục người Luxembourg. Ông ta tên là Jozef Conrad. Cùng tên với tác giả cuốn Trong lòng đêm. Jozef có chữ cái z đúng như trong tên gốc Ba Lan của ông ta. Ông ta chết rồi. Vùi dưới những thi thể và những kẻ hấp hối. Như bị sa vào bẫy của chính mình, giữa những nhân vật của chính mình.
Adèle ra khỏi trường quay. Băng qua sân, bước qua cổng xe. Ngoài kia, cả hai bên, giống như những bức tượng đầu mũi tàu hay cống nước, hai cậu bé nhón chân, đầu trọc, miệng phì phèo thuốc lá vẫn còn ở đó. Adèle bước ra khỏi nơi đó. Cô không vội. Giờ cô đã có thời gian. Cô muốn đi đến cuối thành phố, dù xa mấy đi chăng nữa.
Đêm xuống. Ánh sáng yếu ớt của các cây đèn đường tạo ra những cái bóng rối rắm dưới đất. Adèle bước đi. Theo nhịp bước và những hình thù xuất hiện, những cảnh phim trở lại trong tâm trí cô. Lại một lần nữa xen vào. Với những âm thanh, những tiếng hét, những tiếng nhạc, những nét mặt nhăn nhó. Một cơn ác mộng. Trong mớ lộn xộn với những cảnh quay ban sơ, với những thước phim thải ra, một hình ảnh trội lên. Khi được chiếu lên màn hình, Adèle bám vào đó. Chăm chăm nhìn trong thời gian hình ảnh đó xuất hiện.
Cô đã không dám yêu cầu dừng phim ở hình ảnh này. Một số cảnh quay nối tiếp nhau. Một cậu bé đang đi dạo. Một simba? Đúng thế. Nó đội mũ lông vũ, mặc khố, thắt khăn quanh đầu.
Adèle tuồng như đoán ra khu phố của các nhạc sĩ, nơi Sainto ở. Thằng nhóc tiến về phía đó. Nó có mang vũ khí. Nó sẽ giết Sainto. Nó giống Célestin. Điều này giải thích tất cả, như cô đã linh cảm. Nhưng cô cứ suy nghĩ vẩn vơ. Những hình thù mà ánh đèn đường tạo ra cử động trên tường và trên đất. Không cần phải bịa ra nữa. Không cần nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro