Phần 27 + 28
27
Adèle Crousse không tự sát. Cô bốc thành hơi nước. Thành nước hoa, như cô từng thoáng thấy Sainto. Châu Phi, Bỉ. Quá khứ. Cuộc đời. Sâu đậm hơn nữa: Tồn tại. Đó là gì? Không gì cả, chỉ tổ thêm đau khổ. Không phải là thứ gì đó, không ai nắm bắt được. Giữa hai thứ.
Khi từ Roma trở về, khi cô về lại Dinh thự mà chẳng trở ngại gì, như thể những ngày lưu lại tại thủ đô Italia (cô đi từ thủ đô này sang thủ đô khác, Paris, Léopoldville, Bruxelles, Roma, thậm chí Stanleyville cũng là một thủ đô, li khai, phản loạn, thủ đô của một thế giới khác, của mặt trái của nó) chỉ là một sự chêm vào, cô ghi lại bản tóm tắt, những yếu tố cơ bản, những ngôn từ và thái độ đã tạo ấn tượng trong cô qua những trang để trắng trong quyển vở sinh viên âm nhạc mới bắt đầu sử dụng khi đi sang Congo. Để khép lại sau im lặng kéo dài. Kết thúc câu chuyện.
Rồi cô lại bên cửa sổ phòng khách, nhân viên làm việc ở đó xác nhận, phía sau cửa kính lớn hướng ra công viên, và quan sát, bất động, ánh mắt chăm chú, những thân cây. Lùi lại đằng sau, người ta nghĩ rằng trong sự bấp bênh mà thế giới thể hiện, trong sự giao thoa giữa những hành động vô ích của những người đàn ông và những người đàn bà, cây cối, thân cây đối với Adèle là một trong những thứ hiếm hoi bất di bất dịch, bền chắc. Một sự kháng cự. Không phải vĩnh cữu nhưng bền bỉ.
Ngày tháng nối nhau như vậy đó. Vài ba ngày. Adèle ăn ít, nhưng vẫn ăn. Cô xin phép được ngồi trên ghế ăn, trước ánh sáng chảy ra như giờ phút để rồi đêm đến xóa nhòa cảnh vật. Sau một thời gian mà người ta chẳng còn tính nữa, Adèle ở đó, sau này bà bác sĩ tâm thần nói lại, ngồi thẳng hàng với đồ đạc trong phòng, nhân vật trong cảnh vật, điều đó chứng minh sự không tập trung mà cuối cùng người ta cũng bộc lộ, vậy là sau một thời gian, mà thời gian này chẳng phải giãn ra trong suốt cuộc đời cô, lưỡng lự như cô vẫn từng, Adèle không quay lại ngồi trên chiếc ghế bành bên cửa kính nữa.
Raphael rời Bruxelles vào khoảng mười giờ, chủ nhật nào cũng vậy. Đối với một thiếu niên, nó phải tuân thủ kỷ luật. Kỷ luật đó, nó chỉ áp dụng cho mối quan hệ của mình với Adèle. Những ngày con lại, theo khuôn mẫu về sự đắm chìm của người mẹ, được phó mặc cho sự tình cờ, ngẫu nhiên. Vậy là phó mặc cho sự lộn xộn. Những cuộc gặp gỡ trên phố theo những lần các nhóm bạn tình cờ gặp nhau, mối tình thoáng qua trên giường một người bạn gái, những nụ hôn trong các quán cà phê với những người phụ nữ lớn tuổi hơn, những người mà nó cư xử ngang hàng nhưng lại đang đùa với nó, ngủ lại phòng của một thằng bé đã cùng với nó qua một đêm rượu chè. Cảm giác sống không gò bó nhưng vô phương hướng. Một sự tự do bấp bênh. Từ xa, Adèle và nó là phản chiếu của nhau. Logic, các bạn có thể nghĩ vậy. Hẳn các bạn có lý.
Còn về học hành thì sao? Xứng lắm. Thích thì nó đi học, khi thì đúng giờ, khi thì muộn, khi thì chẳng mang theo sách vở gì, khi thì chẳng mang gì cả. Với nụ cười khiến người ta bối rối, với sự thành thực khiến người ta phải ngạc nhiên, nó viết và tự ký bản tự kiểm điểm.
Nó học đến hết cấp hai và nếu như cuối mỗi quý, nó luôn được liệt vào danh sách những học sinh có thể bị đuổi học, ban giám hiệu chưa bao giờ vượt qua ngưỡng đó. Chắc họ nghĩ ở nơi khác rồi cũng sẽ vậy thôi. Và không thể ném vào trong gió bão một kẻ đã bị gió bão cuốn đi. Cực kỳ khó nắm bắt.
Ngày chủ nhật cuối cùng nó đến Dinh thự là khi nó vừa thi kết thúc năm học xong. Làm sao nó học được như vậy ư? Chính nó cũng thắc mắc. Và có phần gian lận. Và dối trá rất nhiều. Trong suốt những năm tháng, kể từ thời sống trong căn hộ ở phố Écouffes, nó vẫn còn nhớ về những quyển sách la liệt trên sàn, những cuốn mà Adèle đọc liên tục. Ký ức về sự tồn tại của sách vở. Thời còn bé, nó thường vịn vào sách để tập đi. Dần dà, ở Bruxelles, Adèle thôi không mua sách nữa, và cũng không đọc sách nữa. Nó thay mẹ làm việc đó. Mua ư? Không phải khi nào cũng mua. Không mấy khi. Ăn cắp thì đúng hơn. Nó thu lượm trong các hiệu sách thành phố, những hiệu sách tốt nhất, có nhiều sách nhất Corman, Libris, Rome, Macondo... Nó biết rõ những hiệu sách này cũng như đã từng biết những hiệu thuốc nơi nó mua thuốc cho mẹ, ma túy, nó bảo, hoặc đồ ăn nhanh. Giữa thuốc, sách và đồ ăn sẵn có một sự tương đương. Vừa là nhu cầu. nhưng đồng thời cũng là sự phù phiếm: ma túy là thế: không thể bỏ được nhưng lại có thể đánh lừa. Giả tạo, như hamburgers. Làm ra để câu khách nhưng thực ra chẳng có gì ở trong. Sách cũng thế thôi. Hấp dẫn người ta nhưng không thể giúp người ta sống. Đúng hơn là sống sót. Nó từng thấy điều đó bên Adèle. Đôi khi, nó khiến người ta lệch lạc.
Nhưng sách cho ta ngôn từ, câu chữ và cách để kết hợp chúng để đến lượt ta đánh lừa kẻ khác. Đúng thế, nó đã thi qua các môn bằng cách dùng những ngôn từ đó, dùng cách mà những quyển sách che đậy sự trống rỗng một cách lừa lọc.
28
Chủ nhật hôm đó, nó thấy tàu dường như chậm hơn. Qua những khu phố ngoại ô, những đồng cỏ, cánh đồng và những khu vườn của những ngôi nhà lác đác nối tiếp nhau trong tiếng cọt kẹt của bánh tàu trên đường ray. Đầu máy ì ạch. Không bao giờ tới nơi. Nó sẽ không có thời gian dừng lại, phải tiếp tục đi ngay. Vậy mà, nếu như sự hiện diện của nó không còn giúp ích gì Adèle, mà nếu có thì cũng rất ít – chí ít nó nghĩ vậy – nó cần thời gian đó bên cạnh mẹ, ở Dinh thự, trong phòng ngủ hoặc ngoài phòng khách. Những ngày chủ nhật dập dìu theo cuộc sống. Là lẽ sống. Những ngày chủ nhật là sự lồng ghép cuộc sống, là cái tủ bánh thánh trong đó ý nghĩa những tháng ngày của nó được cất giữ. Cái tủ bánh thánh đó có khép lại cũng bằng thừa, và sẽ như thế mãi mãi, mãi mãi hiển hiện. Đá thử vàng cho những thứ còn lại. Mảnh ghép không thể thỏa hiệp của một tập hợp dễ vỡ.
Khi con tàu chậm đi đến nhà ga ở vùng quê, nó nhảy ra như con quỷ chui ra khỏi hộp. Nó không chạy đến Dinh thự, như thế khác nào tin vào linh cảm mơ hồ về thảm họa trước mắt. Nó đi chững chạc hơn, thế thôi.
Cửa sắt công viên kêu cọt kẹt. Cổng chính tòa chung cư hé mở. Nó gần như không phải đẩy ra. Nó gặp một cô y tá, một vài bệnh nhân lưu trú, nhưng sau đó không nhớ là mình có chào họ hay không. Sau đó, tức là bề dày sự im lặng vẫn còn đọng lại trong ký ức nó. Nó tiến về phía hành lang. Tiếng bước chân của nó vang lên, điều này thì nó nhớ. Cửa phòng Adèle đóng, bình thường mà. Nó ngập ngừng trươc cánh cửa. Rồi mở. Khi thấy mẹ dưới đất, nó tự nhủ nó đã biết là mẹ sẽ chết, nhưng không chết dưới đất như vậy. Tầm thường, trong tư thế nhục nhã, váy ngủ tốc đến tận đùi, lộ vùng mu trước mặt con trai. Nơi nó chui ra.
Cô đã uống hết tất cả những viên axít bacbituric đã trữ từng viên một và giấu đi từ ngày ở Roma về. Sự cẩu thả của nhân viên y tế, sự dại dột của bác sĩ tâm thần, Raphael mô tả như vậy đó. Phải đổ lỗi cho ai đó. Không phải quy cho đời. Đời đâu?
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro