Phần 29
29
Con chim hót sau rặng cây hẳn là một con quạ. Tiếng quạ quạ xé toạc sự trầm tư của Raphael trước bia đá tạm bợ phía trên thi thể của Adèle, trên nấm mồ đào vội ở khu vực mới, chưa làm xong, mới chuẩn bị cho những người mới được đưa đến chôn ở nghĩa trang của giới tư sản ở ngoại vi Bruxelles. Mới đến, Adèle cũng chỉ mới đến trong thành phố này, và mới đến nghĩa trang nơi cô chưa từng đặt chân và chắc chắn cô không hề biết là nó tồn tại. Khi phải tìm nơi chôn cất cô, ở làng, nơi có Dinh thự, người ta chẳng tìm thấy chỗ. Phòng hành chính bệnh xá đã gọi điện xung quanh. Họ mới biết nghĩa trang mới, rộng này. Dễ chịu, cô thư ký nói thêm với Raphael.
Raphael cũng đã chọn một cách mai táng. Người ta hỏi nó: làm lễ nhà thờ? Người ta hàm ý công giáo, gần như cả nước đều vậy. Raphael không biết trả lời sao, chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Bà ngoại nó theo công giáo, đúng vậy, thế thì hẳn là logic thôi. Nó đã có ý làm theo người Do Thái, không hoa hòe hoa sói, chỉ vài hòn sỏi, kinh kaddish, một chút hài hước nếu giáo trưởng biết cách, cốt để khiêu khích ông ngoại. Nó cũng nghĩ đến cha nó, đến Sainto. Giả dụ như anh đã từng sống với mẹ nó hoặc, từ nơi rất xa, từ bên kia cái chết, anh đang dõi theo cuộc đời của Adèle, anh sẽ chọn gì cho cô? Hẳn anh là một kẻ vô thần, hiển nhiên rồi. Kiểu Mác xít và phản tôn giáo.
Raphael chẳng chọn phương án nào cả. Không phải vì vô thần. Chẳng gì cả. Nó chẳng biết gì về tín ngưỡng của mẹ. Cô đã từng đưa nó đến một tu viện ở Ixelles, nhưng cả nước hoặc như cả nước đều thế. Và lựa chọn đó rất tiện: trường cấp hai gần phố Van Aa nhất. Còn lại, nó chẳng biết gì. Chỉ những hiểu biết sơ đẳng về Adèle. Trong phòng ngủ ở Dinh thự, nó đã để lại đó quần áo, vali, mỹ phẩm của Adèle và những tạp chí phụ nữ cô mượn của các bệnh nhân khác. Thuốc thì nhân viên y tế đã nhanh tay đưa đi. Người ta không muốn lần ra cái cách mà Adèle đã tích lũy thuốc trước khi uống. Một sự thiếu quan tâm, đúng thế, tất cả là ở chỗ đó: thiếu quan tâm. Nhưng làm thế nào quan tâm tới tất cả mọi người, đặc biệt là từng người một. Và phải có niềm tin nữa chứ. Bà bác sĩ tâm thần giải thích ấp a ấp úng, hoàn toàn lơ đễnh trước mặt Raphael. Không quá tin vào nó, một người còn quá trẻ, không tin vào khả năng của nó trong việc thấu hiểu quan điểm của người khác, sự phức tạp của sự việc. Và bà ta nói với nó: Cháu đến gặp bác sau nhé. Để...? Nó hỏi. Bác không biết. Nếu cháu cần đến bác. Nó chỉ trả lời bằng cách cảm ơn. Họ có thói quen như thế. Adèle và Raphael, thói quen cảm ơn. Như người ta có lẽ vẫn thường nói.
Trong tất cả các đồ đạc trong phòng, Raphael chỉ mang theo quyển vở chép nhạc của học sinh, hơi nhàu, giàu cảm xúc, mang tất cả hương vị cuộc đời của Adèle từ khi cô gặp Sainto. Sự ẩm ướt của sông và rừng, và của thuốc súng, tại sao lại không nhỉ, ánh sáng lung linh từ tiệm nước hoa phố Rivoli, rồi Paris XL, bụi bặm trong căn hộ phố Van Aa, rồi mùi vị hăng hắc, ô uế của những viên thuốc đã uống, một cối xay thật sự, trong những bệnh xá, bệnh viện mà mẹ Raphael đã qua. Mùi vị đó, nó sẽ nhớ mãi. Như mùi hoàng dương giữa những ngôi mộ ở nghĩa trang Bruxelles và mùi hoa cúc trang trí bia đá. Adèle đã được khâm liệm ở nhà tang lễ. Ngày chôn, trước khi đưa xác ra nghĩa trang, quanh quan tài, ai cũng nhìn nhau để xem thử có ai nói lời nào không. Chẳng chuẩn bị gì cả. Trong đầu Raphael lăn tăn nhiều thứ, nhưng chưa bao giờ nó nghĩ đến việc là phải phát biểu. Cho ai mới được chứ? Có ba người ở đó: thầy ký Dinh thự, bác sĩ tâm thần của Adèle vẫn luôn lơ đễnh và người đàn ông sống ở tầng trệt ở phố Van Aa. Về căn hộ, Raphael đã báo tin cho ông ta. Người đàn ông đã hỏi ngọn ngành. Từ lâu ông không cạo râu, mặc quần áo rách rưới như người vô gia cư, không nói năng gì: có trời mới biết ông nghĩ gì. Chốc chốc ông lại sịt mũi. Tiếng sìn sịt phá tan bầu không khí nặng nề. Cuối cùng thì người ta cũng mang quan tài đi. Raphael ngồi trong xe của ông thầy ký, phía bên phải. Nó để cho suy nghĩ lang thang dọc theo con đường. Nó nhớ đến ông giám đốc trạm xá, người đã cho nó cuốn sách Emile của Jean-Jacques Rousseau. Bác có lý, Raphael thầm thì, một đứa trẻ man dại... Sự hài hòa của thiên nhiên... tóm lại là của cuộc sống con người... Ông thầy ký quay về phía nó. Cháu nói gì thế? Không, không gì ạ, cháu nhầm...
Ở nghĩa trang, khi nhân viên tang lễ đã đặt bia bê tông tạm bợ, Maxime Crousse và vợ chạy đến. Họ đến muộn. Họ không thể nói lời xin lỗi: họ đã hết hơi. Ông thầy ký, bà bác sĩ tâm thần và ông ở tầng trệt xa dần.
Raphael lại nhìn bia mộ. Rồi nó đi lên cái dốc dài về phía cổng nghĩa trang, để lại đằng sau Maxime Crousse và vợ mình.
Trên phố, trong cabin điện thoại, nó gọi cho nhà tang lễ. Nó bảo chỉ cần viết: "Cô ấy" lên bia đá chính thức. Không ngày tháng gì à? Một người phụ nữ hỏi phía bên kia đầu giây. Không ngày tháng gì, Raphael xác nhận. Chỉ có hai chữ: "Cô ấy". Và nó yêu cầu gửi hóa đơn chi phí tang lễ cho ông nó, Max Kursner, phố Rocher, Quận Tám Paris.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro