Phần 3 + 4
3
Đó là một trong những lần đầu tiên cô thu mình lại với chính mình. Hay với chính sự trống rỗng đã xâm chiếm lấy cô. Cô báo với bố mẹ là cô thôi không ở trong căn hộ gia đình nữa. Bố mẹ cô, những người đã hoài nghi chứng kiến con gái mình đi Châu Phi và thấy nó lặng lẽ trở về, xem thông báo đó như là vố đau tiếp theo của số phận mà họ đã quá ngán ngẩm. Họ chỉ nằn nì để con nhận một khoản trợ phí: khoản tiền mà ba có thể dùng đến khi cần. Với họ, tiền khi nào cũng được gọi bằng những cái tên trìu mến.
Adèle chuyển đến ở con phố nho nhỏ ở Marais, phố Écouffes. Khi người cha đến thăm con lần đầu, và từ ban công của căn hộ, thấy một giáo đồ Do Thái nho nhỏ ở số 18, ông lẩm bẩm gì đó. Adèle bắt cha nói lại, nhưng ông giả vờ mình không nói gì cả. Hình như cô nghe được: con cố tình như vậy ư?
Dẫu vậy, việc Adèle đến ở phố Do Thái trong Marais không phải là một lựa chọn mà là sự vận động mà cô đã đi theo. Người lạ mà cô đã chạm trán phải khi đi Châu Phi đã kéo cô trở lại với những ẩn số của chính mình. Cô bị bủa vây trong xa lạ. Việc theo đạo Do Thái ngụy trang của người cha là một phần của sự xa lạ đó. Len lỏi đến Marais, đó là xấn lại với khả năng bật mí một trong những bí mật đó. Không, cô không cố tình đến ở phố Écouffes, cô vô tình đọc được một thông báo phù hợp, không đắt lắm, không xa lắm, nhưng nếu giả sử có cố tình chuyển đến đó ở thì cô cũng chẳng bất bình.
Trên tủ tường, cô cất cây đàn violon như thể nhạc cụ này đã không thể đưa cô đến nơi cô muốn đến. Hoặc như nhạc cụ cô đã bỏ rơi vào lúc nhẽ ra phải cực kỳ gắn bó. Cô vô tình lạc vào một cửa hiệu nước hoa phố Rivoli: cô có cảm tưởng khứu giác là giác quan duy nhất không thể đánh lừa mình.
Rỗi rãi, cô lại nhìn xuống bụng. Đó là một trong những câu hỏi cô tự đặt ra cho mình: Con gái hay con trai? Không phải vì cô chú trọng đến sự khác nhau giữa trai và gái. Cô chỉ học cách không tự hỏi mình nữa.
4
Raphael sinh vào ban đêm, trong căn hộ phố Écouffes. Sống khép kín, Adèle thậm chí không màng đến nhà hộ sinh. Khi đứa bé chuẩn bị ra, cô ra gõ cửa căn hộ chị láng giềng, một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, ở trong các con phố nhỏ ở Oran, nơi chị vừa chân ướt chân ráo tới nơi, cô đã chứng kiến người ta vừa đi vừa đỡ. Bản thân chị cũng đã đẻ hai đứa, một trai một gái, và chúng nhanh chóng trở thành bố mẹ đỡ đầu tạm thời cho đứa bé mới chào đời cho dù chỉ nhiều hơn nó ít tuổi.
Chị Benichou, chị láng giềng đó, chạy đi mua cho Adèle một cái sọt mà chị gọi đơn giản là cái nôi nệm, với sự trìu mến khôn tả. May nó không ngạt nước, Adèle ơi! Con trai của em may mà không ngạt nước! Nước của em đấy, chị nói. Nhưng chị không nghĩ mình nói hay đến thế. Đứa trẻ vừa được cứu sống từ một dòng sông và cũng là đứa con của dòng sông đó. Dòng sông mà người ta thấy vết tích của đất được chuyên chở rất sâu vào trong đại dương, Adèle nhớ lại. Cô khóc khi nghĩ tới hình ảnh đứa con bị ném rất xa, bị cuốn đi theo dòng nước chảy. Để cho nước, dòng nước đó, nước của mẹ con trai ạ, cứ để cho nước đưa con đi đến nơi phải đi, cô thì thầm với một phần máu thịt của mình.
Trong khi chờ đợi, chị láng giềng nói tiếp, giọng vừa vui vừa đanh thép, chị để Moïse, chị muốn nói là thằng bé và cái nôi của nó ấy, chị để trong phòng ngủ của em, còn em, Adèle ạ, em ra phòng khách ngủ. Giải thích vì sao, chị Benichou thủng thẳng, xem như đó là điều hiển nhiên: "Vì đó là con trai!"
Adèle nhìn đứa bé. Cô đã tìm được một câu trả lời cho một trong nhiều câu hỏi của mình. Nhưng giờ đây, khi đã biết con mình hình thù thế nào, cô vẫn chưa biết nó là ai.
Câu trả lời không đơn giản đối với cô, với một ông ngoại luôn chối bỏ nguồn gốc của mình. Adèle bù đắp sự im lặng của mình bằng việc để cho con mình đi lang thang cùng với những đứa trẻ khác ở Marais để cho nó đi kiếm ăn của bố mẹ đỡ đầu ở trong các nhà thờ Do Thái và Các trường Talmud Torah [1] lân cận. Như thế cũng đủ cho Raphael một vài mảnh ghép trong câu chuyện mà nó tự nhào nặn theo ý của mình, hơi khập khiễng, đâu cũng có lỗ hổng nhưng có vài mốc quan trọng, những phong tục tập quán, lễ hội, những thứ mà nó chỉ nhớ đến không khí đông đúc, nồng ấm, tươi vui. Ông ngoại nó xem cấu trúc đó với vẻ hoài nghi, bà ngoại cũng hoài nghi như thế, bà hoàn toàn hoặc gần như không biết gì về cội nguồn của chồng và luôn tìm cách kéo cháu ngoại về với cái nôi truyền thống của Pháp đã ăn sâu, với bà là về phía vùng Sologne. Chưa bao giờ Raphael thấy Sologne, nhưng, tương tự như Do Thái giáo, những mảnh ghép từ câu chuyện bà ngoại kể cũng đủ may cho nó một tấm áo Pháp, tấm áo mà thích thì nó có thể khoác vào. Vậy nên, khi đi ra khỏi biên giới Marais để đến khu phố Cộng hòa hay khu phố Roquette, nó tụ tập với những đứa trẻ người Pháp khác, nó bắt chước cử chỉ, dáng đi và giọng nói của chúng. Raphael đã phát triển nghệ thuật thâm nhập như là nghệ thuật sống sót. Hay đơn giản chỉ là nghệ thuật sống.
Note [1] Các trường Talmud Torah là các trường Do Thái giáo dành cho trẻ em có hoàn cảnh khiêm tốn. ND.
Về phía người cha thì còn phức tạp hơn nữa. Cũng như cô đã làm thế, từ khi bắt đầu bụng mang dạ chửa, trong hiệu sách Châu Phi ở phố Ecoles, Adèle gắng sức tái tạo một câu chuyện, câu chuyện đã có thể trở thành câu chuyện của thằng con trai, bao biện cho những gì đối với cô là sự sai đường lạc lối trong đời.
Cô tập hợp và đọc kỹ những cuốn sách về Congo. Về lịch sử tiền thực dân ít người nghiên cứu, về thời kỳ Léopold (như người ta nói đó là thời kỳ Colombia, biến Leopold thành kẻ đi chinh phục Châu Mỹ theo kiểu Colombo), thời kỳ mà đất nước này rộng hơn Pháp bốn lần, rộng hơn Bỉ tám mươi lần, là cơ ngơi riêng của một ông hoàng con, Léopold II, một kẻ tham vọng và ghen tị vì các nước láng giềng giàu mạnh chiếm lĩnh được nhiều đất đai. Rồi về thời kỳ chuyển sang độc lập và sự biến động sau đó. Một loạt đầu sách như thể, vào thời kỳ này, sự hỗn loạn chỉ có thể tạo ra việc xuất bản cả đống sách, cả thế giới lắp bắp, chỉ phản ánh sự bất lực trong việc giải thích hoặc thậm chí mô tả. Trừ phi sự ồ ạt này đang ngụy trang cái cốt lõi. Nhưng cái cốt lõi nào? Trọng tâm của vấn đề là gì? Cô có cảm giác, vì liên quan đến những gì cô đã lờ mờ nhận ra, mỗi người đang ở ngưỡng cửa căn nhà của mình, căn nhà có những bức tường vừa vô hình vừa không thể xuyên thấu.
Sách tấp đống trong căn hộ phố Écouffes, la liệt trên các bàn ăn, trong phòng khách, đầu giường và trên sàn nhà. Càng hiểu không rõ Adèle càng mua. Raphael tập đi giữa những quyển sách nằm rải rác hoặc xếp từng chồng trên sàn nhà, vấp phải những cuốn sách này, tựa vào những chồng sách khác. Rồi trước khi tập đọc, nó nguệch ngoạc những bức vẽ đầu tiên gữa những câu chữ. Sự mò mẫm của người mù chữ hơn là tô chữ. Và khi không còn chỗ, khi gian nhà ngập tràn những trang sách hỗn độn trong đó cô không tìm được sự mạch lạc mà mình đang tìm, Adèle đem sách ra để trên vỉa hè, trước cánh cửa nặng nề bằng gỗ sẫm của khu chung cư nhỏ bé, và từ cửa sổ nhà mình, cô quan sát người qua đường lấy một hoặc nhiều cuốn. Khi đó cô nghĩ những gì cô đã đọc lan ra trong thành phố, có thể xa hơn nữa, và tự hỏi có ai ở nơi nào có thể hiểu được những gì thoát ra khỏi cô. Theo nghĩa đen, thoát ra.
Các trường Talmud Torah là các trường Do Thái giáo dành cho trẻ em có hoàn cảnh khiêm tốn. ND.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro