Phần 9 + 10

9

Thế là, gần Khải hoàn môn đó, Adèle và Raphael đi tàu điện từ trung tâm thành phố ra ngoại ô và chỗ cao nhất của nó, nơi mà nhà vua đã cho xây một tòa nhà theo chiều kích tương lai mà ông muốn mang lại, nếu không thì cũng áp đặt cho nước Bỉ, một cung điện, lại cung điện, trong đó có lưu giữ những chiến lợi phẩm có được từ cuộc chinh phục thuộc địa.

Ở một đại lộ khác rộng lớn hơn (nhưng có phải như vậy không, Adèle suy tưởng) đại lộ Champs-Élysées, xe điện cọ bánh trên những đường ray chật hẹp giữa những biệt thự, đi dọc theo những cái ao được đào trong những thung lũng vẫn luôn xanh tươi như thể xuân hạ thu đông đã dàn xếp với nhau để cử ra một mùa đại diện duy nhất, dìu dịu và ổn định. Xe điện băng qua một khu rừng sẫm rồi lao vào một khung cảnh thôn quê, đồng nội, bến cuối của cuộc hành trình, như thể không thể đi xa hơn được nữa. Xa hơn đến tận cuối thành phố, xa hơn đến tận cùng thế giới. Một nơi trú ngụ bằng thủy tinh và sắt rèn lộ ra từ một bức tranh khắc. Bên cạnh là một con voi vừa to lớn vừa trắng toát đang chào du khách, vòi ngóc cao. Đối diện, tòa nhà hoàng gia tiếp nối mặt đường, xoay lưng lại, phô diễn cho khách tham quan mặt tiền uy nghi như bộ mặt khác của quốc gia nhỏ bé, chật hẹp mà quốc vương đã được thừa kế.

Adèle nắm tay Raphael. Cô nhìn trái, nhìn phải, lưỡng lự, băng qua đường. Họ vào trong cái gọi là một bảo tàng, một bảo tàng cho công chúng nhưng cũng là bảo tàng của cô, của Raphael, nơi đây hẳn vẫn còn lưu giữ, nhưng chính xác là ở đâu? những bí mật sở thích của quốc vương và bí mật sự quyến rũ của Sainto và của rất nhiều người khác trước anh, những người đã khao khát Châu Phi và đã đôi lần lạc lối trong đó, bí mật của những Livingstone hay Stanley mà Katuba đã kể cho cô nghe trên sông.

Tay trong tay, họ đi qua những gian phòng kỳ lạ trong đó có những chiếc thuyền độc mộc xỉn màu, những đồ đạc trần trụi, những con thú nhồi rơm và những hình nộm: những người đàn ông da đen, ở trần hoặc mặc da báo, mặc khố vác giáo hoặc mang cung tên. Xa hơn một tí, hoặc trước đó một tí, tất cả đều hỗn độn trong toà nhà dáng dấp chợ phiên này, những cái thẩu đựng những thi thể nhỏ được bảo quản bằng formol làm tăng thêm vẻ khác thường, cũng như những cái mặt nạ bụi bám đầy, đôi khi đã vỡ nát, những xác chết chết thêm lần, những cái mặt nạ nhỏ có, to có, rất to có, rộng có, chật có, tròn có, hình trái xoan có, mềm có, cứng có, cả một bộ tộc đang nhìn họ đưa ánh mắt vô hồn nhìn không gian mờ mờ ảo ảo tạo cảm giác khó chịu. Những người lưu giữ đã muốn gì? Hoặc không muốn làm gì sau ngày độc lập?

Có thể nói, ngột ngạt do cảm giác khó chịu hay tội lỗi về công cuộc thực dân, vì trưng bày những hiện vật chiếm đoạt của người bản xứ trong một không gian quá đơn giản hoặc lỗi thời, ban giám đốc bảo tàng không thể đóng cửa bảo tàng và trả lại hiện vật đó cho Châu Phi, cũng không thể bố trí lại theo một quan điểm mới. Quan điểm nào ư? Cựu thực dân tự quất roi hối cải ư? Cử chỉ tỏ lòng tôn trọng Châu Phi như cách nước Bỉ sẽ ứng xử với lục địa mà nhẽ ra không bao giờ cô nên đặt chân đến? Bị tê liệt vì không biết đường nào mà lần, những người bảo thủ dường như cứ để mặc cho các phòng trưng bày tan chảy giữa bóng tối và mờ ảo.

Thế nên, để hít thở không khí, Adèle và Raphael ra công viên. Công viên trải dài ra phía sau, thực ra là phía trước, theo một dự án duy ý chí, duy lý một cách khiên cưỡng như để khắc phục sự lộn xộn nảy sinh từ những bộ sưu tập bên trong: những khu vườn và các hạng mục cấp thoát nước ngăn nắp nối tiếp nhau xa tít tắp. Một sự xếp đặt mà đức vua và kiến trúc sư của mình vô cùng hãnh diện tưởng tượng ra theo khuôn mẫu Versailles cho vùng ngoại ô nói tiếng Flamand ở cửa ngõ thủ đô nước Bỉ này.

Adèle và Raphael ngồi trên cỏ, bên bờ những hồ bơi bị chiếm giữ bởi những con chim cao cẳng và những con voi bằng đồng, hoặc trên những bậc cầu thang nơi bồn đất nhô cao trong những khu vườn. Adèle mở một túi giấy, lấy ra một cái bánh sandwich, chia bánh ra khi thì cho con, khi thì cho mình. Và cô thắc mắc với chân trời trước mặt, chân trời mà ông vua hoang tưởng đã tạo ra, nơi cô đã lạc chân vào, một chân trời vừa trống vắng vừa câm lặng. Thỉnh thoảng, cô lơ đễnh vuốt ve gương mặt của đứa con trai, lẩm bẩm gì đó, một vài từ ngữ hoặc cái tên được nói ra, người cha, Sainto, dòng sông, Slanley-ville, Châu Phi. Raphael vờ như không nghe thấy, nó đứng dậy đi nhặt sỏi và ném xuống những đài phun nước. Những ngày khác, bởi họ thường quay lại cung diện và những khu vườn này, nó thử ném nảy thia lia và ném được: những viên đá bẹp lướt trên nước, vượt qua bờ hồ và bay đi. Với nó, đó là hình ảnh của hạnh phúc: những hòn đã bay lên...

10

Đôi lần, Adèle bắt taxi và yêu cầu tài xế đưa họ đi dạo khắp thành phố. Nơi nào mà tay tài xế đó muốn. Anh ta được tùy ý. Cô mong muốn được bất ngờ. Chẳng hạn như tìm ra được một con đường mòn. Một tín hiệu.

Tay tài xế cứ rẽ hú họa thế. Anh ta bật radio để khỏa lấp thời gian và không gian trong xe có người phụ nữ dáng dấp yếu ớt và thằng nhóc có nét mặt hiền từ khi nào cũng ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ ngồi sau. Và nếu chăm chú, anh ta có thể thắc mắc không biết ai đang bảo vệ ai. Ai đang mở đường cho người khác. Đến tận nơi nào? Những tài xế taxi thiển cận thường hay hỏi sau khi đưa khách đi thăm thú những địa điểm kỳ thú của thành phố, sân vận động, bảo tàng Nghệ thuật mới, nhà hàng ba sao, bệnh viện chất lượng cao hoặc các tòa đại sứ. Adèle không trả lời. Cô không biết đi đến đâu. Bực tức, một số tài xế taxi (không bao giờ là nữ), dừng ngay giữa một quảng trường và bảo là khách bị điên, rằng những loại khách như thế là không thể chấp nhận được: không biết đi đâu ư? Tôi chưa thấy thế bao giờ! Thế thì có thể đi rất xa đấy! Cả ngày và suốt đêm. Có thể Adèle đang mơ được như thế. Đi đến tận biển cũng nên, tay tài xế nói tiếp. Hoặc thậm chí đi sang tận Châu Mỹ. Ở Châu Mỹ, Raphael nghe được, và nó tự nhủ rằng Bruxelles là một Châu Mỹ xa xôi, một Châu Mỹ không có chú giải.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #deadline