Hai trăm năm cách biệt

Ngày Rằm giữa tháng, trăng sáng như viên ngọc lớn, ánh bạc rót xuống mặt sông và khiến cả cố đô Huế lung linh như cung điện nguy nga.

Thanh Nhi nằm trên giường lướt điện thoại chán chê, tự nhiên thấy trong lòng ngứa ngáy khó tả. Em bực bội vì người đàn ông kia một thì tự giận mình mười, anh ta nói gì em cũng tin sái cổ, bêu đầu cả ngày giữa trời nắng chói chang để tìm địa chỉ giả.

Thanh Nhi đã đi hết đường Đặng Trần Côn năm bảy vòng, đủ nhiều để em chắc chắn rằng chỉ có quán cà phê Les Jardin de La Carambole là ghi ba mươi hai Đặng Trần Côn.

Thế nhưng dù em có hỏi đi hỏi lại về người đàn ông tên Lai Minh, bé nhân viên tóc vàng hoe cũng kiên trì lắc đầu nói không biết rồi chạy tuốt vào trong quán. Chỉ còn lại Thanh Nhi bối rối đứng ở cửa, đôi mắt dáo dác nhìn quanh.

Chạng vạng, Nhi thất thểu về gặp mẹ.

Cũng may, người đàn bà tâm lý ấy không tra hỏi Nhi lý do em về Huế, chỉ mắng em vài câu cho có lệ rồi vội vàng kéo em ra cửa hàng mua điện thoại mới luôn.

Mẹ nói, không điện được cho em khiến mẹ lo lắm.

Nhi khịt mũi, em nhắn mấy tin thông báo cho Thảo Linh rồi lại nằm lăn ra giường, tay vắt lên trán nghĩ ngợi.

Nhi cảm thấy cả thế giới như đang hùa vào bắt nạt em, mà em có sai cái quái gì đâu kia chứ.

Nhân lúc đêm khuya thanh vắng, mẹ em đã ngủ mà lòng Nhi thì nặng trĩu, em quyết định bấm gọi số máy cũ của mình.

Ngay khi đầu dây bên kia bắt máy, Nhi hờn giận chất vấn:

- Anh Lai Minh đó hớ? Tôi đây, Trần Nguyễn Thanh Nhi đây. Này tôi nói chứ nếu anh không có ý định trả tôi điện thoại thì đừng nghe điện là được mà, răng phải đọc cho tôi địa chỉ giả.

(Anh Lai Minh đấy hả? Tôi đây, Trần Nguyễn Thanh Nhi đây. Này tôi bảo chứ nếu anh không có ý định trả tôi điện thoại thì đừng nghe điện là được mà, sao phải đọc cho tôi địa chỉ giả.)

Em tuôn ra một tràng dài, mặc kệ rằng nếu như người bên kia nghe xong sẽ cúp máy. Trái ngược với những gì Nhi nghĩ ra, Lai Minh nghe xong không tắt cuộc gọi, anh còn ngây ngô hỏi lại:

- Đằng nớ đến nhà tôi rồi à? Răng tôi ngồi chờ cả ngày mà không chộ?

(Đằng ấy đến nhà tôi rồi hả? Sao tôi ngồi chờ cả ngày mà không thấy?)

- Tôi hỏi nhân viên quán cà phê mấy lần, có ma mô tên là Lai Minh mô nờ. Anh lại còn diễn nữa!

(Tôi hỏi nhân viên quán cà phê mấy lượt, có ma nào tên là Lai Minh đâu. Anh lại còn diễn nữa!)

Thanh Nhi đanh đá đốp chát lại. Nhưng chỉ sau khi nghe câu hỏi ngờ nghệch tiếp theo của Lai Minh thôi, em lại chẳng nỡ mắng chửi anh nữa.

- Quán cà phê – là cái chi rứa?

(Quán cà phê – là cái gì thế?)

Người giời đấy à.

Em nhăn mặt, một thoáng tĩnh lặng giữa hai người cứ kéo dài mãi.

Thế rồi chẳng biết nghĩ cái gì, Nhi buột miệng cảm thán một câu:

- Thế kỷ hăm mốt rồi mà còn không biết quán cà phê, anh là người thời mô rứa?

(Thế kỷ hai mươi mốt rồi mà còn không biết quán cà phê, anh là người thời nào đấy?)

Lúc này Nhi đã ngồi hẳn dậy, em bật loa, để điện thoại cách xa ra để tránh cho những tiếng chửi thề lọt vào loa. Đặc biệt là khi nghe câu trả lời mơ mơ hồ hồ của anh:

- Thế kỷ hăm mốt? Đằng nớ có lộn không...chừ đang dưới thời vua Nguyễn* mà.

(Thế kỷ hai mươi mốt? Đằng ấy có nhầm không...giờ đang dưới thời vua Nguyễn mà.)

Nhi nhìn trân trân vào màn hình điện thoại đang hiển thị cuộc gọi.

Ngoài trời trăng sáng như soi mà đầu Nhi thì phủ đầy sương mờ, đặc quánh lại.

Vua Nguyễn...

Đầu Nhi ong ong như có cây búa vừa đập vào, nó phá vỡ tất cả mọi giới hạn về thời gian và vũ trụ trong em. Nhi nhìn quyển lịch đang ghi ngày mười lăm tháng ba năm hai nghìn hai ba*, em lắp bắp:

- Bây chừ anh có thể cho tôi biết hôm ni là ngày tháng mô, năm thứ mấy không?

(Bây giờ anh có thể cho tôi biết hôm nay là ngày tháng nào, năm thứ mấy chứ?)

- Ngày mười lăm tháng ba năm một tám hăm ba.

Thanh Nhi hít một hơi thật sâu, em đang cố gắng tìm ra chút giả dối trong câu nói của Lai Minh. Song dường như mọi chuyện thật quá, thật đến mức em tưởng rằng mình đã lạc vào một câu chuyện viễn tưởng.

Nhi không nhớ rõ mấy đêm sau đấy em và người đàn ông của thế kỷ mười chín kia nói những gì, hay chuyện Nhi đã cố gắng thuyết phục anh tin vào khoảng cách gần hai thế kỷ giữa hai người ra sao.

Phải chăng đó là những đêm nói chuyện thâu đêm suốt sáng đến khi mất sóng.

Phải chăng đó là những lần cười khúc khích sau vườn như vụng trộm qua chiếc điện thoại.

Phải chăng đó là những lần em chối bay chối biến câu hỏi của mẹ về một tình yêu mới.

Có đêm Nhi không thể điện được cho Minh, em chỉ đành chụp lại một góc xứ kinh kỳ thời hiện đại để gửi cho anh. Thanh Nhi cảm nhận một sự kết nối đặc biệt với anh- người đàn ông của quá khứ hai trăm năm trước.

Nghe theo lời chỉ dẫn của Thanh Nhi, Minh bập bõm học được cách sử dụng một vài chức năng nghe gọi và thu âm tiếng đơn giản.

Ở cuộc gọi tiếp theo, anh đã hoàn toàn tin tưởng vào việc Thanh Nhi đến từ thế giới tương lai- một nơi mà con dân Việt Nam sống trong hòa bình và hạnh phúc.

Anh gần như sững sờ trước khung cảnh lạ lẫm của cố đô Huế vào những năm hai nghìn:

- Đúng là sông Hương đây rồi, nhưng mà ở chỗ tôi đường đi không đẹp và sáng như rứa. Đằng nớ vẽ vào ảnh à?

(Đúng là sông Hương đây rồi, nhưng ở chỗ tôi đường đi không đẹp và sáng như thế. Đằng ấy vẽ vào ảnh à?)

Nhi cười giòn tan trước sự ngây ngô của anh, và trong thoáng chốc em đã nghĩ, nếu như biết được một chút Phú Xuân của ngày xưa thì thật tốt biết mấy.

Cái tình yêu quê hương và văn hóa xứ sở trỗi dậy trong lòng người con gái của đất cố đô, nó thúc giục em phải tranh thủ cơ hội.

Mà cái số nó lại oái oăm với Nhi, em chẳng làm việc gì suôn sẻ được quá lâu.

Trước khi Nhi kịp đáp lại câu hỏi của anh, điện thoại đã bị nhiễu sóng, chỉ còn âm thanh rè rè rồi nhanh chóng tự ngắt điện.

Dường như đã quen với sự chập chờn của những cuộc gọi với Minh, Nhi chỉ thở một hơi dài tiếc nuối, đôi mắt em nheo tít lại, đong đầy ánh sao trời.

Em tự hỏi ở chỗ của Minh sao có sáng hơn ở đây không, khi mà ánh điện cửa gương vẫn còn chưa lung linh lấp lánh như bây giờ.

__________

*Vua Nguyễn: năm 1823 là trong thời vua Minh Mạng, nên phải là vua Nguyễn chứ không phải "chúa Nguyễn" như ban đầu mình viết.

*2023: Đây là thời điểm Nhi sống ở hiện tại. Trong bài dự thi mình có lỗi đánh máy là 2003 (hai nghìn lẻ ba), lúc này chưa có điện thoại có chức năng ghi hình.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro