Nhìn nhận năng lực của Nakajima Atsushi từ góc độ triết học

Năng lực Mãnh Thú Dưới Trăng của Atsushi cho phép cậu tái tạo các phần cơ thể bị mất và chúng ta từng được chứng kiến sức mạnh đáng kinh ngạc này khi Atsushi chiến đấu với Gogol và Akutagawa.

Thế này làm tôi thắc mắc xem giới hạn tái tạo của Atsushi là đến đâu?

Chặt đầu Atsushi đi thì có cậu có thể sống sót được không? Hay năng lực này chỉ giới hạn cho các bộ phận như tay và chân? Nếu có thể thì chiếc đầu mới sẽ mọc ra từ thân thể cũ hay một thân thể mới sẽ mọc ra từ chiếc đầu cũ?

Tạm bỏ qua việc Asagiri xây dựng hệ thống siêu năng lực đầy lỗ hổng, hãy chỉ tập trung vào vấn đề hiện tại. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều lần (vì khả năng tái tạo lại phần cơ thể bị mất của năng lực này rất giống khả năng của các Ajin trong bộ manga cùng tên). Và câu hỏi này lại dẫn tôi đến một câu hỏi khác còn kì quái hơn:

Điều gì sẽ xảy ra nếu Atsushi thật sự có thể tự tái tạo lại đầu từ thân thể cũ?

Ký ức của con người được lưu trữ ở một số vùng não, quan trọng nhất là hồi hải mã. Những vùng này rất quan trọng đối với sự hình thành trí nhớ ban đầu và đóng vai trò then chốt trong việc chuyển ký ức từ nơi lưu trữ ngắn hạn sang lưu trữ dài hạn. Thế thì liệu bộ não cũ của Atsushi có thể "truyền lại" toàn bộ ký ức cho bộ não mới không nhỉ, trong khi rõ ràng nó đã bị chặt phăng đi rồi?

Câu hỏi về mối liên hệ giữa bộ não, ký ức và ý thức vẫn luôn là đề tài tranh cãi trong giới khoa học. Nên câu trả lời cuối cùng còn tùy vào quyết định của tác giả Asagiri vì trên đời này không tồn tại người bất tử để các nhà khoa học kiểm chứng (mà nếu có thật thì thí nghiệm này cũng vô nhân tính quá). Cơ mà giả dụ như chiếc đầu mới của Atsushi không thể có được ý thức của chiếc đầu cũ, thế thì chúng ta có thể coi như Atsushi đã "chết" mất rồi.

Một câu hỏi khác nữa cũng có thể được đặt ra: giả dụ sau mỗi trận chiến, Atsushi lại mất đi một bộ phận cơ thể khác nhau và đến một ngày nọ khi phần nào trên cơ thể của cậu cũng từng mọc lại ít nhất một lần, liệu Atsushi có còn là Atsushi nữa không?

Câu hỏi này có thể coi như biến thể của nghịch lí triết học huyền thoại về con tàu của Theseus:

Theseus sở hữu một con tàu mang tên mình, ông dùng nó trong cuộc hành trình từ đảo Crete đến Athens. Sau một trận chiến lớn, con tàu được giữ lại tại một bến cảng để bảo tồn. Năm tháng trôi đi, một số phần gỗ của nó được thay thế để nó luôn tươi mới. Hơn một thế kỷ sau hay lâu hơn không rõ, tất cả các bộ phận của con tàu đều được thay thế. Vậy thì con tàu của Theseus có còn thực sự là chính nó hay không? Hơn thế nữa, nếu tập hợp mọi bộ phận cũ của nó lại, với giả sử rằng chúng chỉ cũ chứ không bị mục rỗng hư nát, tạo nên một con tàu mới nhằm mục đích đem ra trưng bày cho dân chúng chẳng hạn thì bản chất của nó là gì? Nó có phải là chính con tàu ban đầu của Theseus hay là một con tàu khác hoàn toàn? Nói ngắn gọn, giữa con tàu thay thế và con tàu tái tạo, đâu mới thực sự là con tàu của Theseus, và đâu là con tàu mới hoàn toàn?

Gọi là nghịch lí là bởi bài toán này không hề có đáp án cụ thể nào cả. Nếu câu trả lời con tàu thay thế không phải là con tàu Theseus thì điều này được công nhận từ lúc nào? Từ khi bộ phận cuối cùng của nó bị thay thế? Hay chỉ cần một nửa thôi? Còn nếu nó là con tàu Theseus thì con tàu tái tạo mang danh tính gì đây? Một mặt, chúng ta có thể tìm ra câu trả lời có vẻ hợp lý nhưng mặt khác, chúng ta lại tìm ra được một câu trả lời khác đầy mâu thuẫn.

Sâu xa hơn nữa, nghịch lí về con tàu Theseus này còn đặt ra câu hỏi: đâu mới là cái tôi, là bản thể cá nhân duy nhất? Linh hồn? Hay tính cách? Hay kí ức và những trải nghiệm? Nhưng ngay cả những điều ấy cũng luôn biến đổi liên tục trong dòng chảy của thời gian, một hình thái của sự thay thế. Bạn khi mới sinh ra và bạn hiện nay liệu có thực sự là một? Bạn học hỏi những điều mới mỗi ngày, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau, tất cả khiến bạn có một cách nhìn nhận khác với hôm qua. Bạn đã thay đổi và bạn có còn là chính bạn không?

Có rất nhiều giải pháp được đưa ra cho nghịch lí này, ví dụ như:

• Thuyết mỗi bản thể ở một thời điểm là khác nhau: quan điểm này lần đầu được đề xuất bởi triết gia Hy Lạp Heraclitus với tuyên bố nổi tiếng "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" bởi chính người tắm và dòng sông ngay sau đó sẽ thay đổi, không còn là bản thể cũ nữa.

• Thuyết hai bản thể giống nhau nhưng độc lập: thuyết này đòi hỏi chúng ta nhìn nhận quan hệ chuyển tiếp chỉ là tương đối, B là A, C cũng là A nhưng B và C không hẳn như nhau. Điều đó có nghĩa rằng, hai bản thể dù chia sẻ chung những đặc tính và giống nhau đến cỡ nào đi chăng nữa thì vẫn độc lập với tư cách định danh. Cả hai con tàu thay thế và con tàu tái tạo đều là con tàu của Theseus nhưng chúng lại không cùng là một.
...

Vân vân và mây mây.

Bài phân tích đến đây là dừng được rồi, cho mọi người tha hồ tự tìm tòi và suy nghĩ. Tôi là kiểu người thích đưa ra vấn đề hơn là giải quyết vấn đề ◉⁠‿⁠◉

=========
Tôi rút lại nhận xét rằng bản thân là một người bình thường. Không có người bình thường nào lại nghiêm túc suy nghĩ xem chặt đầu xong có mọc lại được không.

Có khi những người đang đọc bài phân tích này cũng vậy. Không có ai bình thường lại ngồi đăm chiêu nghe người khác giải thích về chuyện chặt đầu cả (⁠•⁠‿⁠•⁠)

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro