Phân tích cơ chế phòng vệ tâm lý của Dazai và Chuuya trong liên kết Soukoku (1)

Đây là một bài viết tương đối phức tạp có sử dụng lí thuyết về phân tâm học của bác sĩ Sigmund Freud để lí giải mối quan hệ giữa Dazai và Chuuya. Tôi phân tích dưới cương vị độc giả biết đến lí thuyết của vị bác sĩ này thôi chứ không phải do tôi được đào tạo chuyên nghiệp về tâm lý học hay gì đó tương tự, nên là nội dung sẽ không tránh khỏi sai sót hoặc thiếu chiều sâu tâm lí.

================
<Kiến thức nền>
Cơ chế phòng vệ (Defense mechanism) được hiểu như là một chiến thuật được bản ngã (ego) hình thành nhằm bảo vệ chủ thể khỏi sự lo âu. Nó được coi là người bảo vệ tâm trí khỏi những cảm xúc và suy nghĩ mà ý thức khó xử lý. Có lúc, những cơ chế phòng vệ này còn giúp ngăn những suy nghĩ, ham muốn không phù hợp hay không mong muốn đi vào vùng ý thức.

Không phải tất cả mọi lo âu đều được sinh ra như nhau, chúng cũng chẳng xuất phát từ cùng một nguồn căn. Freud xác định được 3 loại lo âu:

Lo âu thần kinh là cảm giác lo lắng khó chịu, sợ rằng mình sẽ không thể kiểm soát được thôi thúc của bản năng (Id), để rồi sẽ bị trừng phạt vì những hành vi không thích hợp của mình.

Lo âu hiện thực là nỗi sợ những sự kiện xảy ra trong đời thực. Nguyên nhân của nỗi lo âu này thường khá dễ xác định. Ví dụ, một người sẽ sợ bị chó cắn khi người này ở gần một con chó dữ. Cách thường gặp nhất để giảm tình trạng lo âu này là tránh né mối đe dọa.

Lo âu đạo đức là nỗi lo mình sẽ vi phạm những nguyên lý đạo đức của bản thân.

(Nếu còn cảm thấy khó hiểu, bạn có thể tra cứu mối liên hệ giữa bản năng (Id), bản ngã (ego), và siêu ngã (superego))

======
PHẦN MỘT: KHÁI QUÁT VỀ MỐI QUAN HỆ SOUKOKU.

Trở về với mục đích chính của bài viết, tôi vẫn luôn nói rằng: các nhân vật trong BSD đều có chấp niệm với một điều gì đó, trong trường hợp này, là Dazai với "mục đích sống"Chuuya với "nhân tính". Cụ thể hơn, nếu như Dazai bị ám ảnh bởi những câu hỏi như "Tại sao tôi phải sống?", "Tôi sống để làm gì?", "Tôi có còn là con người không?", thì Chuuya lại bị dằn vặt bởi những câu hỏi "Tôi là ai?", "Tôi có phải là con người không?", "Nếu không, làm cách nào để tôi trở thành con người?".

Điều này dẫn đến cách thực hiện khát vọng của họ cũng khác nhau:
Dazai lựa chọn dấn thân vào từng màu sắc trong cuộc sống để tìm ra gam màu của chính bản thân anh.
Chuuya lựa chọn ràng buộc bản thân với một mái nhà (lúc trước là The Sheep, giờ là PM), muốn thành lập mối quan hệ với những người xung quanh (bạn có thể thấy rằng Chuuya có rất nhiều bạn bè, còn được mọi người trong PM yêu quý và kính nể nữa).

(Dù Dazai luôn biểu hiện rằng mình rất cà lơ phất phơ nhưng thật ra kiểu người như Dazai lại rất khó chấp nhận một ai đó tiến quá sâu vào nội tâm và cuộc sống của anh. Tôi có thể lí giải suy nghĩ này như sau: nếu như không thể vĩnh viễn tồn tại thì ngay từ lúc đầu xin đừng xuất hiện. Không có cầu mong, không có hi vọng, cũng sẽ không có thất vọng.)

Căn nguyên của hai nỗi sợ hãi bao trùm các nhân vật này hoàn toàn khác nhau, thêm cả phần tính cách của hai người còn chả có điểm gì chung, đáng lí ra họ phải là người dưng nước lã, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi mới phải. Nhưng ngộ ở một chỗ: tuy khác lí do và quy trình thực hiện, song mục đích cuối cùng của họ vẫn là hướng đến việc làm người và được sống sao cho người nhất có thể. Rất thú vị đúng không nào?

Cũng chính bởi quá hiểu đối phương khao khátlo sợ điều gì, cả Dazai và Chuuya đều cảm thấy việc nội tâm của mình bị bóc trần đến không còn manh áo là không thể chấp nhận được, từ đó, tâm trí họ liền vô thức dựng lên một hàng rào phòng thủ (còn gọi là cơ chế phòng vệ tâm lí) để bảo vệ tôn nghiêm và lòng tự trọng của bản thân.

____
CÒN TIẾP ở phần hai, đợi khi nào rảnh thì viết tiếp. Chủ đề nặng đô quá💀

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro