end.





Hà Nội, mùa thu năm 1970.

Những cơn gió hanh hao trườn qua từng mái ngói cũ, len lỏi qua những con phố nhỏ phủ đầy lá vàng. Những cơn gió mỏng tang lướt qua những tán cây ven đường, cuốn theo hương hoa sữa vấn vít trong không trung. Thành phố dịu dàng như một câu hát ru, chầm chậm ngân nga giữa bộn bề chiến sự.

Giữa lòng Hà Nội đang vào thu, My ngồi bên khung cửa sổ, mắt dõi theo bóng chiều dần buông. Từ đây, em có thể thấy được nhịp sống chậm rãi của mảnh đất này.

Hoàng Yến của em, người con của Hà Nội luôn nói rằng Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, khi hương cốm thơm len lỏi trong gió, khi những gánh hàng rong chất đầy hoa cúc vàng ruộm, và khi lòng người bỗng nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn.

Nhưng giờ Yến đi rồi.

Là người đầu tiên trong nhóm bạn xung phong vào đội ngũ quân y, Yến rời Hà Nội ngay khi kỳ huấn luyện kết thúc, mang theo chiếc ba lô nhỏ và những tâm tư chưa kịp gửi. Nàng nói mình không sợ, rằng chiến trường là nơi cần những người như nàng.

Nhưng My biết, sâu trong lòng Yến vẫn có những điều chưa thể buông bỏ.

Một trong số đó chính là Hà Nội này.

Ngày chia tay, hai người đứng lặng dưới gốc cây bằng lăng đầu phố. Yến nắm tay em, những ngón tay gầy gò nhưng ấm áp. Nàng cười, nụ cười vẫn như thế, dịu dàng mà quật cường.

"My này, chờ tớ về nhé."

My đã gật đầu, dù lòng em hiểu, chiến tranh vốn không bao giờ có những lời hẹn ước chắc chắn.

Em biết đâu đó ở phương Nam xa xôi, Yến đang băng mình giữa những khu rừng rậm rạp, giữa tiếng bom đạn gào thét. Giữa những vết thương rỉ máu, giữa những ánh mắt khẩn cầu.

Có hai trái tim vẫn đang đập vì màu cờ Tổ quốc, nhưng không biết ngày nào sẽ được gặp lại.






Bức thư thứ nhất.

Mặt trận, Ngày... tháng... năm 1970

Gửi My,

Không biết Hà Nội dạo này thế nào rồi? Có còn những cơn gió mùa len qua khe cửa sổ lớp học, khiến cậu phải xuýt xoa mỗi sáng không? Cậu có còn đi trên những con phố nhỏ, chạm vào từng viên gạch lát đường mà chúng ta đã từng bước qua? Lớp học thế nào, mấy đứa trẻ ngoan chứ, có nghe lời cô giáo My không?

Ở đây, mọi thứ đều khác xa Hà Nội. Trời không có những cơn gió se lạnh, chỉ có hơi nóng hầm hập của rừng già, hệt như một chiếc lồng hấp khổng lồ. Đất đỏ lấm lem trên quần áo, có chà thế nào cũng không sạch. Đêm xuống, muỗi rừng vo ve bên tai, khiến người ta mất ngủ triền miên.

Nhưng nơi này không chỉ có những điều khắc nghiệt. Ở đây tớ có đồng đội, có những con người xa lạ nhưng sẵn sàng kề vai sát cánh cùng nhau. Có những nụ cười lấp lánh sau lớp bùn đất, có những cái bắt tay siết chặt, và những giấc ngủ vội vàng trên võng giữa rừng sâu.

Công việc trong quân y bận rộn hơn tớ tưởng. Những ca phẫu thuật liên tiếp kéo dài hàng giờ đồng hồ, có những ngày tớ quên cả ăn, quên cả ngủ. Nhưng mệt đến đâu, chỉ cần nhìn thấy người lính mở mắt tỉnh lại, nhìn thấy ánh mắt biết ơn của họ, tớ lại có thêm sức mạnh.

Đêm qua, đơn vị bị đánh úp. Bom rơi rất gần, cả khu lán trại rung lên như có động đất. Bọn tớ vội vã di tản thương binh vào sâu trong rừng. Có một cậu lính trẻ bị thương nặng, máu chảy ướt đẫm băng quấn, vậy mà vẫn nắm chặt tay tớ, thì thào: "Chị ơi, em muốn về nhà."

Tớ không biết phải nói gì cả, chỉ biết nắm tay cậu ấy thật chặt. Đến khi trời sáng, cậu ấy không qua khỏi.

Chiến tranh tàn nhẫn như thế đấy, My ạ. Lấy đi quá nhiều thứ mà chúng ta chưa kịp nắm giữ.

Vậy nên cậu nhất định phải sống thật tốt, nhất định phải bình an.

Nhớ mặc thêm áo ấm khi trời trở gió, đừng bỏ bữa chỉ vì bận soạn giáo án. Nếu có thể, hãy viết thư cho tớ. Dù chỉ là vài dòng ngắn ngủi thôi, tớ cũng muốn biết Hà Nội bây giờ ra sao.

Tớ sẽ viết tiếp cho cậu khi có thể.

Yến.





Bức thư thứ hai.

Hà Nội, ngày... tháng... năm 1970

Gửi Yến,

Lá thư của cậu đến tay tớ vào một chiều mưa. Cơn mưa đầu đông khiến Hà Nội như thu mình lại trong những lớp áo len dày cộm, còn tớ thì ngồi nép bên khung cửa sổ, đọc từng dòng chữ của cậu. Giấy đã nhàu, mực hơi nhòe một chút, chắc vì đường xa cách trở. Nhưng nét chữ của cậu vẫn chẳng thay đổi chút nào.

Cậu hỏi Hà Nội dạo này thế nào. Hà Nội vẫn vậy, vẫn là những con phố cũ, vẫn là những hàng cây già, vẫn là những gánh hàng rong với tiếng rao khe khẽ vào sớm tinh mơ. Nhưng không có cậu, tớ cứ thấy thiếu thiếu điều gì đó. Tớ đã quen với việc mỗi sáng đến trường lại thấy cậu ngồi đó, mỉm cười nửa miệng mỗi khi tớ đến muộn. Giờ chỉ còn mình tớ đứng giữa sân trường, cảm giác lạc lõng đến lạ.

Dạo này trường học đông hơn, có nhiều lớp bình dân học vụ được mở ra cho những đứa trẻ vừa di tản từ vùng chiến sự về. Tớ dạy cho chúng tập viết, dạy chúng đánh vần tên mình. Có đứa còn nhỏ quá, cứ bám lấy tay tớ mà khóc khi viết sai. Tớ chợt nhớ đến cậu. Ngày trước, mỗi khi bị phạt chép phạt cả chục trang vở, cậu cũng hay than thở như thế. Nhưng rồi vẫn lặng lẽ cặm cụi làm cho xong, chẳng bao giờ chịu bỏ cuộc.

Tớ đọc những gì cậu viết về chiến trường, về những người đồng đội, về những đêm phẫu thuật kéo dài không nghỉ... Tớ không tưởng tượng nổi cậu đã phải vất vả thế nào. Chỉ biết là, tớ đã cắn chặt môi để không bật khóc.

Tớ sợ.

Sợ một ngày nào đó, thư của cậu không còn đến nữa. Sợ một ngày nào đó, tớ chỉ có thể đọc lại những lá thư cũ, mà không bao giờ có hồi đáp.

Nhưng tớ sẽ không nói những lời này thêm lần nào nữa đâu. Cậu đã chọn con đường ấy, tớ sẽ không ngăn cản. Chỉ mong cậu đừng quên rằng, ở nơi này, vẫn có người ngày ngày ngóng tin cậu.

Mong cậu bình an.

My.




Bức thư thứ ba.

Mặt trận, Ngày... tháng... năm 1971

Gửi My,

Tớ không biết thư này có thể đến tay cậu không, nhưng vẫn muốn viết. Tớ đã quen với việc viết cho cậu giữa những đêm không ngủ, giữa những trận pháo kích, giữa những âm thanh gầm rú của chiến tranh. Viết để nhắc mình nhớ rằng, ở một nơi xa, vẫn có một người đợi tớ trở về.

Cậu có nghe tin tức trên đài không? Cuối tháng ba, quân ta mở chiến dịch phản công ở Đường 9 - Nam Lào. Đó là một trận đánh lớn, một trong những trận đánh quan trọng nhất từ đầu năm đến giờ. Quân địch muốn chặn đường tiếp tế của ta trên tuyến Trường Sơn, nhưng chúng không ngờ rằng, những con đường này đã được xây bằng máu, bằng quyết tâm và bằng cả những người lính sẵn sàng đánh đổi mạng sống để giữ vững từng tấc đất.

Tớ đã có mặt ở đó, My ạ. Một bác sĩ quân y không cầm súng, nhưng lại chứng kiến quá nhiều mất mát. Những chàng trai chỉ mới đôi mươi, còn chưa kịp biết yêu thương ai, đã ngã xuống trong những cánh rừng già. Có người đồng đội nói "Nếu một ngày tôi hi sinh, hãy chôn tôi dưới gốc cây bạch đàn", tối đến đã trở thành một phần của đất mẹ.

Tớ đã từng nghĩ rằng mình sẽ quen với sự chia ly, nhưng hóa ra không phải. Không ai có thể quen với điều đó cả.

Cậu từng nói, Hà Nội năm nay lạnh hơn mọi năm đúng không? Ở đây, tớ không biết cái lạnh của mùa đông, chỉ biết những cơn sốt rét triền miên, những ngày hành quân giữa rừng mưa, và những đêm trắng bên bàn phẫu thuật dã chiến. Tớ không dám nhớ về cái lạnh của Hà Nội nữa, bởi vì mỗi khi nhớ đến nó, tớ lại nghĩ đến cậu.

Tớ tự hỏi, bây giờ cậu đang làm gì nhỉ? Có còn hay đi ngang qua hồ Hoàn Kiếm vào những buổi sớm mai, có còn ghé những gánh hàng rong với tiếng rao quen thuộc, có còn lặng lẽ đứng trên sân thượng trường cũ, nhìn về nơi xa xăm nào đó? Cậu có nhớ tớ không, My?

Tớ đã từng nghĩ, chỉ cần chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ lại gặp nhau, sẽ lại cùng đi trên những con phố quen thuộc, cùng ngồi nghe những bản nhạc cũ. Nhưng giờ tớ không dám chắc nữa. Vì không ai biết được chiến tranh còn kéo dài bao lâu, và ai trong chúng ta sẽ là người đi đến tận cùng.

Nếu một ngày nào đó cậu không còn nhận được thư của tớ nữa, hãy cứ coi như tớ đã đi đến một nơi rất xa, nơi không còn bom đạn, không còn đau thương.

Nhưng My này, nếu ngày đó đến, cậu đừng khóc nhé. Tớ không muốn cậu khóc vì tớ.

Mong cậu luôn bình yên.

Yến.




Bức thư thứ tư.

Hà Nội, ngày... tháng... năm 1971

Yến thương,

Tớ đã đọc đi đọc lại thư cậu nhiều lần. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tớ sợ viết thư đến thế. Bởi vì tớ biết, mỗi bức thư gửi đi đều có thể là lần cuối cùng. Tớ đã viết đi viết lại lá thư này không biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Có lẽ vì tớ đang sợ. Sợ rằng nếu viết ra những điều này, mọi thứ sẽ thay đổi.

Tớ không muốn nói đến chiến tranh, đến mất mát hay những cuộc chia ly. Tớ muốn nói về cậu. Về một người con gái có đôi mắt sáng như ánh đèn trên phố Tràng Tiền mỗi khi trời chập tối. Về một người luôn nói rằng mình mạnh mẽ nhưng lại luôn ôm hết những đau thương vào lòng. Cậu biết không, tớ đã từng nghĩ, khi chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ vẫn như thế này - như hai người bạn, hai người tri kỷ.

Nhưng rồi tớ nhận ra, tớ không chỉ muốn như thế.

Tớ nhớ cậu, Yến ạ.

Tớ nhớ những buổi chiều cuối thu, khi cậu đạp xe chầm chậm bên bờ hồ Tây, tay áo rộng khẽ bay theo gió. Tớ nhớ những sáng mùa đông, khi cậu ngồi thu mình trong góc quán cà phê nhỏ, đôi bàn tay lạnh ngắt ôm lấy cốc trà gừng nóng. Tớ nhớ giọng cười của cậu, nhớ cả những lần cậu cau mày vì một bài toán khó. Nhớ đến mức đôi lúc, tớ sợ rằng mình sẽ quên mất hiện thực, chỉ còn sống trong những ký ức về cậu.

Yến này, nếu tớ nói tớ thích cậu, cậu có trách tớ không?

Tớ đã từng nghĩ rằng tình cảm này chỉ nên giữ trong lòng, rằng nó quá khác biệt, quá xa lạ để có thể nói thành lời. Vì cả hai đều là con gái. Vì thế gian này có bao nhiêu thứ có thể chấp nhận được, nhưng có lẽ tình cảm này không nằm trong số đó. Nhưng Yến à, giữa một thời đại mà cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, tớ không muốn chờ đợi nữa. Chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian để lảng tránh điều này, nhưng giờ tớ không muốn trốn tránh nữa. Nếu chiến tranh có thể cướp đi mọi thứ, thì ít nhất, tớ cũng muốn một lần thành thật với lòng mình.

Cậu từng nói, nếu một ngày tớ không còn nhận được thư của cậu nữa, cậu có thể đã đi đến một nơi rất xa. Tớ đã nghĩ, nếu ngày mai không đến nữa, liệu cậu có bao giờ biết rằng có một người vẫn luôn chờ thư cậu, vẫn luôn nghĩ về cậu? Và nếu không nói ra bây giờ, có lẽ tớ sẽ không còn cơ hội nào nữa.

Yến ơi, dù cậu có đi đâu, tớ vẫn sẽ đợi. Đợi một ngày cậu trở về, đợi một ngày tớ có thể chạy đến ôm lấy cậu và nói rằng tớ đã nhớ cậu đến nhường nào.

Lần này, đến lượt tớ mong cậu đừng khóc.

Hãy sống, hãy trở về.

My.




Bức thư thứ năm.

Mặt trận, Ngày... tháng... năm 1971

My thương,

Tớ vừa đọc thư cậu, và phải thú thật rằng tớ đã ngồi cười một mình như một con ngốc giữa lán quân y. Cậu nghĩ tớ có thể trách cậu à? Tớ đây còn chưa kịp trách mình vì đã không nói điều này sớm hơn.

Nhưng mà My này, tớ không muốn nhận thư tỏ tình trong lúc đang ngồi giữa một đống thương binh thế này đâu. Cậu có biết cảm giác phải cố gắng giữ một bộ mặt nghiêm túc trong khi tim thì đập thình thịch, còn môi thì cứ muốn nhếch lên cười không? Một đồng chí bên cạnh còn quay sang hỏi tớ có bị sốt không nữa.

Mà này, cậu bảo cậu nhớ tớ à? Nhớ cả tớ trong quán cà phê, nhớ tớ đạp xe bên bờ hồ? Thế đã bao giờ cậu nhớ đến những lúc tớ chọc tức cậu chưa? Nhớ những lần tớ giật bút của cậu, viết lên vở cậu toàn mấy câu ngớ ngẩn? Tớ biết chứ, My. Tớ biết từ lâu lắm rồi. Chỉ là chúng ta cứ im lặng, cứ giả vờ như chẳng có gì, cứ để những dòng thư đi qua nhau mà không dám viết ra những điều quan trọng nhất.

Tớ cũng thích cậu.

Thích rất nhiều.

Thích đến mức dù đang ngồi giữa chiến trường đầy khói lửa, chỉ cần nghĩ đến cậu thôi cũng đủ để thấy mọi thứ trở nên dịu dàng hơn.

Thích đến mức dù mỗi ngày đều nghe tiếng bom rơi đạn nổ, chỉ cần tưởng tượng ra tiếng cậu cằn nhằn cũng đủ khiến tớ bật cười.

Thích đến mức, My này, nếu tớ có thể trở về, điều đầu tiên tớ làm sẽ là chạy đến ôm chặt lấy cậu mà không cần một lý do nào cả.

Nhưng mà trước khi tớ trở về, cậu phải chờ tớ đấy. Đừng để ai khác chen vào chỗ của tớ trong lòng cậu!

Tớ hứa, tớ nhất định sẽ trở về.

Yến.





Bức thư thứ ...

Hà Nội, ngày... tháng 12 năm 1972

Yến thương,

Hà Nội đang trải qua những ngày hào hùng nhất mà cũng bi thương nhất. Cậu có nghe tin tức về trận đánh này chưa? Một trận chiến sẽ đi vào lịch sử. Những ngày qua, thành phố của chúng ta không một phút nào ngừng vang vọng tiếng còi báo động, tiếng bom rơi, tiếng súng phòng không nổ rền. Nhưng Yến à, Hà Nội kiên cường lắm!

Có lẽ cậu không tưởng tượng được đâu, nhưng mỗi người dân nơi đây đều đang chiến đấu. Không chỉ là các anh bộ đội, các chú dân quân, mà cả những cụ già, những em nhỏ, những cô gái như tớ. Chúng tớ không cầm súng, nhưng tớ đã đào hào, đã chuyển thương, đã cùng mọi người san sẻ từng hạt gạo, từng mảnh bánh mì trong những ngày gian khổ này.

Hôm qua, đứng trong hầm trú ẩn nghe tiếng loa truyền tin: "Chúng ta đã bắn rơi thêm một pháo đài bay B-52!" Cả hầm vỡ òa trong tiếng vỗ tay, trong nước mắt tự hào. Cậu có tin không, Yến? Hà Nội dù có bị bom dội xuống cũng không bao giờ khuất phục!

Nhưng cũng có những nỗi đau. Một dãy nhà trên phố Khâm Thiên vừa bị san phẳng. Tớ đã nhìn thấy những đôi dép trẻ con lấm lem đất cát, một con búp bê bị cháy sém nằm chơ vơ giữa đống gạch vụn. Tớ thấy những người mẹ gào khóc bên xác con mình. Chiến tranh tàn nhẫn quá, Yến ơi. Tớ cứ tự hỏi, tại sao những người ngoài kia cứ muốn phá hủy mảnh đất này, nơi có bao người vẫn ngày ngày yêu thương nhau, vẫn mong ước một cuộc sống bình yên?

Tớ nhớ cậu. Không chỉ nhớ một Yến của riêng tớ, mà còn nhớ một Yến của Hà Nội. Cậu có nhớ những con đường phủ đầy lá sấu, những buổi chiều đạp xe quanh hồ Gươm không? Giờ đây, có những con đường đã không còn nguyên vẹn, nhưng tớ tin, sau tất cả, chúng ta vẫn sẽ dựng lại, sẽ tiếp tục sống và yêu như cách người Hà Nội đã kiên cường bao đời nay.

Cậu cũng phải kiên cường, phải mạnh mẽ như Hà Nội của tớ nhé. Hãy hứa với tớ, dù ngoài chiến trường có khốc liệt thế nào, cậu cũng sẽ bảo vệ bản thân mình, bảo vệ những người đồng đội của cậu. Hãy hứa rằng cậu sẽ trở về, không chỉ vì tớ, mà còn vì mảnh đất mà cả hai chúng ta đều yêu thương.

Hà Nội không gục ngã. Và tớ cũng sẽ không gục ngã.

Tớ sẽ chờ cậu.
Thương cậu.

My.




Bức thư thứ ...

Mặt trận, Ngày... tháng... năm 1973

My thương,

Lá thư này có lẽ đến muộn hơn những bức thư trước một chút, vì dạo này tớ cùng đồng đội phải di chuyển liên tục. Nhưng hôm nay, khi vừa có chút thời gian nghỉ ngơi, tớ lập tức ngồi xuống viết cho cậu.

Tớ đã nhận được thư cậu kể về Hà Nội trong những ngày cuối năm 1972, về những đêm bom rực sáng trời, về tiếng còi báo động rền vang giữa phố phường. Tớ đọc mà lòng như lửa đốt. Nghĩ đến cậu, đến mọi người ngoài ấy đang ngày ngày sống trong mưa bom, tớ không thể nào yên được. Nhưng My à, cậu kiên cường lắm. Cậu nói đúng, Hà Nội của chúng ta đã đứng vững, đã chiến đấu bằng tất cả ý chí của mình, và rồi cuối cùng, B-52 cũng phải cúi đầu.

Có lẽ cậu cũng đã biết rồi, Hiệp định Paris sắp được ký kết. Hòa bình, thứ mà chúng ta đã mong đợi suốt bao nhiêu năm nay, cuối cùng cũng sắp thành hiện thực. Người ta bảo chỉ cần thêm một chút nữa thôi, thêm một chút nữa, là chúng ta sẽ không còn phải chia xa nhau bởi chiến tranh.

Tớ muốn nói với cậu rằng, My à, chờ tớ thêm một chút nữa thôi. Chờ đến khi tớ có thể đặt chân lên đất Bắc mà không cần phải lo đến tiếng máy bay gầm rú. Chờ đến khi tớ có thể đứng trước cổng trường, gọi tên cậu mà không sợ một ngày nào đó thư sẽ không còn người nhận.

Chiến tranh sắp kết thúc rồi, My à.

Lần sau tớ sẽ kể cậu nghe về những kế hoạch của tớ khi trở về. Nhưng trước hết, cậu nhớ giữ sức khỏe. Tớ mong lắm ngày lại được thấy cậu, dưới bầu trời Hà Nội bình yên.

Nhớ cậu.
Thương cậu.

Yến.



Bức thư thứ ...

Mặt trận, Ngày... tháng... năm 1973

My thương,

Đây đã là lá thư thứ ba tớ gửi cho cậu trong bốn tháng qua, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm nào. Lần đầu tiên kể từ khi tớ lên đường nhập ngũ, hộp thư của tớ trống rỗng suốt nhiều tháng liền. My à, cậu có ổn không? Hà Nội vẫn ổn chứ? Gia đình cậu, học trò của cậu, mọi người vẫn bình an chứ?

Tớ tự nhủ rằng có lẽ thư từ thất lạc đâu đó trên đường, có lẽ bưu tá chưa kịp chuyển đến, hoặc có lẽ cậu bận quá mà chưa viết được. Nhưng rồi tớ lại nghĩ, không lẽ cậu đã quên mất tớ rồi sao? Không lẽ, sau tất cả những ngày tháng qua, cậu đã không còn chờ tớ nữa?

Ở đây, chiến sự vẫn chưa thực sự kết thúc. Người ta bảo Hiệp định đã được ký, nhưng bom vẫn chưa dừng, vẫn có những đồng đội không kịp nhìn thấy ngày hòa bình trọn vẹn. Những ngày gần đây, tớ thấy mệt mỏi lắm, My à. Không chỉ vì những vết thương mà còn vì nỗi lo trong lòng. Chưa bao giờ tớ thấy chiến tranh dài đến thế, và chưa bao giờ tớ thấy khoảng cách giữa chúng ta xa đến vậy.

Tớ nhớ những bức thư cậu gửi, nhớ nét chữ mềm mại, nhớ từng câu chuyện về cậu, về Hà Nội. Nhưng giờ đây, tớ không biết phải hình dung cậu thế nào nữa. My của tớ còn đứng đợi tớ dưới gốc cây sấu già, còn ngồi bên khung cửa sổ, viết thư cho tớ những đêm trăng sáng không?

Nếu cậu còn nghĩ đến tớ, hãy viết thư cho tớ, được không? Chỉ cần một dòng thôi, để tớ biết cậu vẫn bình an, để tớ biết tớ vẫn còn một người đang chờ đợi tớ ở nơi xa.

Chờ thư cậu.

Yến.





Bức thư thứ ...

Mặt trận, Ngày... tháng... năm 1974

My thương,

Tớ đã viết không biết bao nhiêu lá thư cho cậu, nhưng đến giờ vẫn chưa có một bức nào hồi đáp. Tớ đã nghĩ, có lẽ cậu quá bận, có lẽ thư từ thất lạc giữa những con đường bom đạn, hoặc cũng có lẽ... cậu đã quên mất tớ rồi. Nhưng tớ không muốn tin điều đó.

Chiến sự vẫn chưa dừng hẳn, nhưng người ta bảo ngày đó không còn xa nữa, ngày hòa bình thực sự, ngày đất nước không còn chia cắt. Tớ đã đi qua những cánh rừng, những dòng sông, những ngọn đồi loang lổ hố bom, chỉ để tiến về phía trước. Càng đi, tớ càng thấm thía một điều: tớ không chỉ chiến đấu cho đất nước, mà còn vì một người đang đợi tớ ở nơi xa.

Vậy mà, My à, cậu vẫn chưa viết thư cho tớ. Đã hơn một năm rồi, tớ không biết cậu ra sao, không biết Hà Nội có đổi khác gì không. Tớ vẫn nhớ những dòng chữ của cậu, nhớ giọng nói cậu qua từng nét mực. Tớ không biết phải chờ đợi đến bao giờ, nhưng tớ đã tự hứa với lòng mình - đến khi hòa bình thực sự trở lại, tớ sẽ quay về. Dù cậu còn chờ tớ hay không, tớ cũng sẽ quay về, để tìm lại những ký ức, để biết rằng năm tháng ấy không chỉ là một giấc mơ.

My à, nếu cậu vẫn còn nhớ tớ, nếu cậu vẫn còn giữ những bức thư của tớ trong ngăn kéo, xin hãy viết cho tớ một dòng thôi, để tớ biết rằng tớ vẫn còn một nơi để trở về.

Tớ vẫn đợi.
Thương cậu.

Yến.





Bức thư cuối cùng.

Hà Nội, mùa thu năm 1975

My thương,

Tớ đã trở về rồi đây.

Tớ đã trở về, đã bước chân qua những con phố mà cậu từng kể trong thư. Hà Nội vẫn vậy, vẫn có những chiều gió lùa qua ô cửa, vẫn có những ngày trời trở lạnh bất chợt. Hà Nội của chúng ta vẫn đẹp như trong những lá thư cậu từng viết. Những hàng cây ven đường đã xanh hơn sau cơn mưa, mùi hoa sữa vẫn len lỏi trong từng góc phố. Tớ đứng giữa lòng thủ đô vừa được giải phóng, lòng bàn tay run run khi chạm vào cánh cổng trường cũ. Mọi thứ đều ở đây, yên bình đến lạ.

Tớ đọc lại những bức thư cậu viết, từng dòng chữ như nhói lên trong tim. Cậu bảo tớ hãy về nhanh, cậu bảo tớ nhất định phải sống. Nhưng My ơi, sống thế nào đây khi tớ đã để mất cậu rồi? Tớ đã từng nghĩ rằng chiến tranh chỉ có thể lấy đi đạn bom và khói lửa, nhưng hóa ra, nó còn lấy luôn cả cậu.

Hoà bình lập lại rồi, cậu còn đó không?

Tớ giận cậu. Giận cậu vì sao không viết thư cho tớ nữa, trong những lúc giận hờn, tớ giận cậu vì sao không đợi tớ thêm một chút. Nhưng rồi bây giờ tớ lại giận chính mình hơn, vì đã để cậu phải chờ đợi trong vô vọng.

Tớ đi qua ngôi trường cậu dạy, chạm tay vào những bức tường cũ sờn, hệt như ngày nào cậu còn đứng đó, tay cầm phấn trắng, miệng mỉm cười khi kể cho tớ nghe những câu chuyện về lũ học trò nhỏ. Nhưng giờ đây, lớp học ấy vắng bóng cậu. Người ta nói với tớ thời gian đã cuốn cậu đi, như những cơn mưa mùa đông Hà Nội, lạnh lẽo và tàn nhẫn.

Tớ đã đọc tên cậu trên bia đá ở nghĩa trang thành phố. Một cái tên đơn giản, nhưng khắc vào tim tớ như một vết thương không bao giờ lành. Cậu nằm lại đây, giữa lòng Hà Nội, trong giấc ngủ sâu không còn thức dậy nữa. Và tớ... tớ vẫn còn sống, vẫn đang đọc những lá thư cậu viết, vẫn đang nhớ về cậu trong từng hơi thở.

My à, cậu có biết không? Hòa bình đã đến rồi. Không còn tiếng súng, không còn bom đạn, không còn những ngày phải trốn chạy trong hầm tối. Nhưng tớ lại ước gì hòa bình đến sớm hơn một chút, sớm hơn một chút thôi, để tớ còn kịp nhìn thấy cậu lần cuối.

Tớ đã mang những bức thư của cậu theo suốt những năm tháng chiến tranh, đã đọc đi đọc lại chúng mỗi đêm dài nơi chiến trường. Những dòng chữ ấy là niềm tin, là hy vọng, là chút bình yên giữa những ngày khói lửa. Vậy mà bây giờ, tớ lại trở thành người duy nhất còn giữ lấy tất cả.

Tớ vẫn còn rất nhiều điều muốn nói với cậu, nhưng biết làm sao đây khi tớ chỉ còn lại một mình?

Có phải cậu đang giận tớ không, vì đã để cậu chờ suốt bao năm mà vẫn không trở về kịp? Nếu có kiếp sau, xin hãy đợi tớ. Lần này, tớ hứa sẽ không để cậu phải chờ đợi thêm nữa.

Hà Nội, mùa thu nắng đẹp.

Yến.









.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro