1. Anh mơ thấy hương em vấn mộ anh
Anh nhớ đêm đầu tiên anh mất ngủ. Chỉ là một trận giao hữu thôi mà, các đồng đội phải nhắc anh cả trăm lần rằng kết quả không quan trọng dữ dội thế. Nhưng mình đấu với Đức kia mà, có phải đội nào gà mờ đâu, người ta đang dần phục hưng sau khi giai đoạn hào quang chói lọi – những năm 2000 – chấm dứt đấy, còn anh là một thằng tân binh mới được triệu tập lên tuyển quốc gia chỉ vài năm trước. Cũng phải ngồi mòn ghế dự bị rồi anh mới có mặt thường nhật trong đội hình xuất phát. Nếu cha anh còn sống, anh đoan chắc ông sẽ vô cùng tự hào về anh. Em ạ, anh đã tưởng tượng ra nụ cười của ông trên khán đài hàng triệu lần, nhưng cảm giác trống rỗng – cái thứ bóng tối đè nghẹt trái tim anh – lại khiến niềm hạnh phúc trong anh bất vẹn. Liệu anh có phá hỏng mọi thứ không? Liệu những đường bóng anh đi có khiến người hâm mộ quê nhà thất vọng không? Họ mà buồn thì cõi lòng anh sẽ tan nát mất thôi! Được lên tuyển luôn là một vinh dự, đặc biệt là với một ngôi sao mới nổi, một thần-tượng-khả-dĩ cho thế hệ sau. Người ấy. Và chỉ riêng việc đó thôi cũng đã trao cho anh gánh nặng tình thương, mớm vào miệng anh hương vị ngọt lịm kinh hoàng, như thể anh chính là mồi lửa lẻ loi giữa sa mạc cát vô tận. Song, anh có thể hoá thành bất kỳ nhân dạng nào người ta đòi hỏi ở anh. Chúng anh, dưới tư cách một dân tộc, nào dám mơ giành chiến thắng gì trước nước Đức. Ấy vậy mà có lẽ đây chính là khoảnh khắc hiếm hoi chúng anh đoạt về chút hào quang của riêng mình. Hào quang một trận đánh thắng, há chẳng phải vinh quang khải hoàn. Nhưng chừng ấy cũng đủ rồi, còn hơn cả đủ ấy chứ!
Trong lúc khởi động, tiếng rền vang của đám đông đồng nhất với ngàn vạn đợt sóng vỗ bờ, và anh hoá thành một kẻ mong manh dễ vỡ vô ngần, thế mà lại có một bản-thể-anh lại được đẽo gọt, nhào nặn bởi mỗi đợt va đập, mỗi tiếng gầm thét, mỗi lời thì thầm. Ấy đích thị là một trận giao hữu (hay hỗn độn hữu hảo không chừng), căng thẳng vô ngôn, không thể định danh, dồn nén trong lồng ngực anh, nặng trĩu tưởng chừng một mảng trời sập xuống đầu.
Em kia rồi, số 13, Müller. Đó chẳng phải con số anh quen nhìn em mặc cho lắm. Người mang cái họ Müller bình thường hơn cả bình thường trong xứ Đức. Truyền nhân số áo bị vận xui đeo bám từng thuộc về Michael Ballack. Trước cũng từng có một Müller khác, Gerd Müller, kẻ đứng trên cả thế giới bóng đá. Ông (gần như) đã chinh phạt tất tần tật: World Cup, EURO, Quả Bóng Vàng,... đời cầu thủ mong cầu điều chi thì ông có hết trong tay. Còn em, liệu em sẽ nối gót lân hay bị cái bóng khổng lồ ấy phủ trùm? Anh vẫn nhớ khoảnh khắc tự hỏi mình điều ấy, phong mình vị thế chư thánh dõi nhìn các con chiên, rồi lại để trí óc phiêu lãng về cõi nào khác. Vị thế chúng mình nghịch đảo rồi em ạ, so với đêm đầu đối đầu nhau trên sân cỏ ấy – khi đó anh đá chính, còn em thì lặng lẽ nhìn cuộc chơi – quan sát anh – từ ghế dự bị. Điên rồi thật sự, ta chỉ cách nhau có một tuổi thôi em ơi. Đôi lúc anh thấy ghen tị với em. Anh dõi nhìn gót chân em nhảy múa trên sân, không phải với cõi lòng cay đắng của địch thủ với nhau – anh từng hủy diệt em một lần, còn nước em thống trị nước anh trên đấu trường bóng đá quốc tế, thế là mình huề nhau – mà với nỗi quặn đau lặng lẽ của kẻ đứng bên ngoài cánh cổng một thế-giới-hiện-hữu, nhưng chẳng được phép bước vào.
Ở Ba Lan, chúng anh nói về vinh quang bóng đá giữa quãng đêm tàn, khi ánh sáng khuất dạng, một buổi đêm đặc quánh che đậy mọi giọt lệ. Đó là lời nguyền hằn sâu trong tim mà chúng anh không cách chi tẩy xoá được. Chúng anh biết làm gì đây? Biết đổi thay điều gì? Tuyệt không một thứ gì. Cái vô vọng của đàn cừu lạc bầy giữa tiếng tru rợn hồn của lang sói. Thế nhưng em, em đã sinh ra nơi nôi ấm của hào quang. Phúc thay những huyền thoại bóng đá Đức! Em, Thomas Müller – chàng sao trẻ ngày ấy – đâu cần lao công khổ tứ giành lấy ngôi sao trên ngực áo; nó đã ở sẵn đó, kết dệt vào mảng vải trắng đen, tận ba ngôi. Và anh, dùng ánh mắt dõi theo chuyển động khẽ khàng nơi thân hình em, chỉ biết băn khoăn tự hỏi: liệu em có bao giờ thấy mình bị đè nặng bởi kỳ vọng từ muôn người, có tự vấn cái di sản mình được thừa hưởng, hay những vinh quang ấy chỉ là âm vọng của một thời vang bóng mà em chẳng thể nào ly khai?
Nhưng rồi, trận đấu trôi đi trong thinh lặng, giống như đã nín thở quá lâu để rồi buộc mình phóng thích hết hơi ra cho bõ. Cái năm 2004 lấp ló một chút rồi biến mất khi đồng hồ điểm nửa đêm ngày 31 tháng 12. Viễn cảnh chúng anh lặp lại tích xưa, tức đánh bại đội tuyển của bọn em, như cái cách những người Hy Lạp từng làm nên kỳ tích đánh bại ông lớn trong trận chung kết EURO 2004, chỉ còn là lời kể thoảng qua gió, xa vời và bất khả. Anh đã dốc cạn mọi thứ, tung ra những cú sút tận lòng, không hối tiếc chi. Sau rốt, kết quả cũng chỉ tác động đôi chút đến thứ hạng của đất nước anh trên bảng FIFA. Quanh đi quẩn lại, chẳng có gì đáng kể ngoài việc anh dõi theo em, chủ nhân Chiếc Giày Vàng World Cup ơi. Em chỉ tốn có bảy phút để tạo ra sự khác biệt cho thế trận. Một lần thay người quan trọng chuyển thế bị dẫn trước thành thế hoà chung cuộc. Làm sao mà anh không chú ý được, hỡi em thân yêu? Tầm vóc cái tên em vẫn lơ lửng trong không trung, như một ngôi sao mới ra đời – xa lạ mà huy hoàng với kẻ dõi nhìn. Thử mường tượng, nếu em cũng là nhà vô địch Bundesliga ở thời điểm hiện tại như anh, liệu em có ngoái đầu đoái hoài đám về nhì – những người được định phận băng tới cung trăng nhưng rốt cuộc chỉ quay cuồng trong điệu vũ thua cay? Hẳn cũng có thể có, cũng có thể không. Nếu tiếng vọng khát khao được tuyên dương vì những nỗ lực cuối đường vang dội trong hồn em như nó vang dội nơi anh, ắt em đã đáp lại, em đã xé bỏ thân phàm để hóa thần linh. Kẻ chiến thắng là kẻ chép sử. Phải rồi, anh cũng hiểu lắm, kỳ World Cup 2010 ấy không hoàn toàn viên mãn với em – em lỡ bán kết vì bị treo giò. Nhưng em vẫn gói đem về những thức quà của bậc chiến binh: huy chương đồng, Chiếc Giày Vàng, cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải, một chỗ đứng giữa dàn huyền thoại... Hồi bằng tuổi em, anh chỉ dám mơ được chạm tay vào tất thảy thứ ấy. Em chính là kẻ chiến thắng trong lòng người hâm mộ. Thomas Müller của Bayern Munich, Thomas Müller của Die Mannschaft. Một cái tên, hai màu áo, khâu dính vào hai cõi khác nhau. Một cõi là chốn tôn nghiêm của các vị thần, một cõi là chốn đầu cúi dưới trần gian. Thật kỳ lạ khi cả hai ta đều thuộc về cả hai chốn – nhưng rốt cuộc lại chẳng hoàn toàn thuộc về chốn nào. Bởi vậy, anh mới thao thức không ngủ được, khi những ý niệm ấy giam hãm anh giữa đêm đen dày đặc. Nỗi hân hoan và âu lo tràn lấp hết niềm vui nhỏ nhoi từ việc được gọi lên tuyển. Một sợi tơ mảnh bị kéo quá căng.
Anh nhớ như in bầu trời đêm London khi anh đá trận chung kết Champions League đầu tiên, nhớ cặn kẽ đến từng chi tiết. Tim anh dội nhịp bởi lời nguyện cầu cất lên quá mãnh liệt, lặp đi lặp lại đến không thể làm ngơ. Tự thân lễ khai mạc đã là một tạo tác hoàn hảo của một chiến trường, nơi những khúc hát vang lên rền rĩ và những tiếng kêu chiến hòa vào nhau trong một sự bất hoà kỳ lạ. Nằm trong trung tâm tất thay, bóng ma của những mối lo âu cũ bất ngờ tới viếng thăm anh, trời ạ, da anh còn hằn nguyên những đường sợ sệt đây này. Anh lại đối đầu với em rồi. Dù lần này không phải thức trắng đêm vì muốn đá thắng thì buộc phải ngủ cho ngon, thế mà lòng anh chưa được nổi một khắc yên bình. Anh lắng tai nghe người ta giới thiệu lần lượt đội hình hai bên. Số 25, Thomas Müller. Chẳng hiểu kiểu gì mà anh ngửi thấy mùi hương vương trên tấm áo Die Mannschaft hồi tháng Chín năm ngoái. Mùi của em lần cuối ta gặp nhau ở cấp độ tuyển quốc gia. Anh đương ở giai đoạn mà anh gọi là "thời thanh xuân căng tràn". Chúng anh hạ gục Real Madrid hùng mạnh để đặt chân đến đó. Anh đã ghi đến bốn bàn trong trận lượt đi. Ronaldo chỉ còn biết đứng nhìn. Anh ta vẫn chạy trên sân, nhưng từng bước chạy vô lực hoàn toàn, như đứng ngoài rìa dõi theo. Anh biến người chiến thắng Quả Bóng Vàng thành khách vãng lai trong vương quốc bóng đá của mình. Özil – đồng đội của em ở Die Mannschaft – cũng góp mặt đó. Thử nhìn mặt họ lúc đấy đi. Cả thế giới luôn dõi theo chúng anh, và họ đã rất gắng gượng để lật ngược thế cờ ở lượt về, có lẽ giống như hiện tại với đội hình bây giờ, nhưng chúng mình đang hồi cố, và phép mầu không đứng về phe họ lúc bấy giờ. Lịch sử đôi khi xuôi ngược chẳng theo ý muốn, dẫu cho khát khao đổi thay nó có rực cháy đến đâu. Thử nghĩ, máu em có sôi sục trong cảm giác vương giả tột độ khi em hạ nhục Barcelona ở bán kết không? Chúng mình đều quật ngã những gã khổng lồ Tây Ban Nha để tiến đến chung kết. Em hiểu cảm giác hân hoan ấy ra sao mà. Hai đội bóng từng nếm cảm giác vô địch World Cup, vô địch EURO, chiến thắng Quả Bóng Vàng, hội siêu anh hùng Avengers của bóng đá châu Âu, nay tan tác dưới chân hai câu lạc bộ cùng chung một mảnh đất, chung một hơi thở, chung một sự cuồng nhiệt. Chí ít sử sách cũng phải điền tên chúng mình.
Nhìn ta. Nhìn em. Nhìn anh. Mắt em xanh, mắt anh xanh. Áo ta hai màu đối lập. Chỗ ta đứng nghịch nhau toàn phần.
Borussia Dortmund: mãi kẻ thua cuộc, mãi chẳng thành vương. Bayern Munich: vĩnh viễn là gã khổng lồ, chẳng bao giờ chịu nhún nhường. Chúng mình cùng hít chung bầu khí, cùng đặt chân lên mảnh đất, cùng chạy đến chiếc cúp tai voi, nhưng thực chất lại thuộc về hai thế giới cách xa vời vợi. Đội anh hiếm khi biết mùi vinh quang. Còn đội em suýt nếm quả ngọt năm ngoái. Có lẽ anh sai, hai thế giới chúng ta cũng giao nhau đôi phần. Anh khi ấy mải đắm hồn theo tiếng rầm rì của sân đấu – nhịp đập của trăm ngàn con tim – đến nỗi không cách nào đồng cảm với đối thủ. Người ta bảo, thà bị loại sớm còn hơn thua sát nút ở chung kết. Cũng là điều dễ hiểu thôi. Gánh nặng trên tấm áo giờ khắc này thêm chồng chất. Sọc đen trên áo tựa hàng trăm cặp mắt đói khát, còn sắc vàng tượng hình cho một lời hứa hữu hình.
Ai ngờ thánh địa Wembley hóa thành mồ chôn phép mầu. Dòng điện căng tràn của chiến dịch ấy bị hút cạn vào hố đen của trận thua tuyệt đối. Ta đã khiêu vũ trong ánh sáng của khả thể, đã tin tưởng dẫu chỉ trong chốc lát, cho đến tận phút 89, rằng những vì sao kia có thể uốn mình vì ta, rằng hơi lạnh của chiếc cúp kia sẽ sưởi ấm trái tim Dortmund. Nhưng rồi tiếng còi vang lên, trận Der Klassiker – siêu kinh điển – kết thúc, bọn anh thua, thua đau hơn chuỗi thất bại triền miên trước bọn họ ở đấu trường Bundesliga. Chiếc cúp Champions League đã chọn lựa mang dải băng mang màu khác, chẳng phải Đen-Vàng. Nó phụ lòng bọn anh.
Không, nói cho ngay, chính chúng anh đã tự dắt nhau đến bờ diệt vong.
Ngày 25 tháng 5 năm 2013 dường như là cái mốc xa xăm nhất trong lịch. Xuất phát từ đất Dortmund, chúng anh lặn lội tới Wembley, đoạn đường quá đỗi mịt mùng để nghi ngờ chính cái hùng tâm của mình. Vậy mà chúng anh vẫn đứng chênh vênh trước lề lịch sử, khi pháo hoa kịp bung nở báo hiệu khải hoàn, di sản đang vẫy gọi tên anh. Còn đúng một trận đấu để đầu đội vương miện.
Lẽ ra anh phải nghĩ đến lịch sử thất thường thế nào. Anh thật tình nên nghĩ đến mới phải, bởi lịch sử nào đối đãi dịu dàng với kẻ ôm mộng – ngữ trái khoáy ấy y hệt bàn tay chìa ra đã đời rồi rụt lại. Anh cũng đáng ra phải đoái tới niềm tin héo úa của các cổ động viên. Lẽ ra anh phải kiếm cớ tự gây chấn thương, khỏi phải can dự, chẳng góp mặt trong cuộc...
Cái từ ấy... bắt đầu bằng chữ "t". Anh không dám cất thành lời. Không phải lúc này.
Nhịp tim anh gần như biến mất, một sinh thể lặng, cánh chim mỏng manh bị nhốt trong lồng (ngực/)xương. Đêm định mệnh ấy, anh không ghi nổi bàn thắng nào, dẫu là đêm trọng đại nhất trong sự nghiệp. Hiệp một tuyệt không bàn thắng. Hai cú sút của anh đều bị chặn đứng. Hàng thủ bọn họ tỉnh táo ghê gớm, như thể họ đêm nào cũng thức trắng chỉ để dồn hết sự tập trung cho hôm nay. Đôi bên cùng chơi bằng cả con tim lênh đênh trên ốc đảo đế vương. Tiếng còi vang lên mà chỉ có nhịp tim anh gào thét. Bức màn trời đỡ lấy quả bóng. Những cú tạt tạo khoảng trống sống còn cho từng đợt tấn công, và mọi quyết định đều được cân nhắc kỹ. Chẳng ai dám để bản năng tự quyết. Trong thế tận dụng tối đa sự hoài nghi, chúng anh cố nắm chặt quyền kiểm soát thế trận. Khi Bayern có bóng, chúng anh lao theo ngăn cản bằng cả khao khát rạo rực, một thứ hung hãn âm thầm cựa quậy dưới cơ bắp. Thay mặt đồng đội, anh xin em lượng thứ cho mỗi lần em bị phạm lỗi; thật lòng chúng anh không chủ đích gây chấn thương nặng, chúng anh chỉ không thể để bất cứ mối đe dọa nào hướng về cầu môn mình. Nếu chúng anh không ghi bàn nổi thì em cũng đừng hòng làm điều tương tự.
Nhưng mọi ý nghĩa ấy tiêu tan ngay lúc tiền đạo quỷ quyệt bên em đưa bóng vào lưới trước, nhích em thêm một bước gần đến thắng lợi. Khi cả thế giới như nín thở chờ chúng anh đáp trả, chờ một tế phẩm đáng lẽ chúng anh giăng bẫy cho em lấy, thì địa ngục đột ngột can thiệp. Dante đáp lại tiếng mời gọi xuống chơi tầng thứ chín. Nếu không nhờ sai lầm của anh ta, trận đấu có lẽ đã khép lại sớm. Rồi quả phạt đền của İlkay cứu chúng anh khỏi cõi chết, suýt soát. Một thoáng đầu lưỡi anh nếm được vị ngọt ngỡ chừng hão huyền. Ôi vinh quang cho người hùng! Nhưng rồi người đồng đội tinh quái của em, Robben, lại xuống thế cứu chuộc – a lê hấp, một cú sút bằng chân trái. Tiếng gầm kinh thiên chia đôi bầu trời Wembley. Robbery. Quân ăn cướp. Chúng anh bị cướp cúp C1 ngay trước mắt chỉ vì lớp lang sai lầm nghiệt ngã. Chúng anh chết trong niềm tin ngây ngô.
Anh thấy em sừng sững cạnh khung thành lúc khúc hoan ca "Mia San Mia" vang vọng khắp Wembley. Phòng hờ Robben không vượt được hàng thủ, em sẽ là kẻ tiếp sức đưa Bayern chạm tay vào chiến thắng. Dù thế nào, chúng anh cũng vô tình để dàn cầu thủ tấn công bên phía Bayern tiến quá gần khung thành. Em trở thành chứng nhân cho cả buổi khải hoàn lẫn buổi diệt vong.
Trầm mình trong thinh lặng hậu thất bại, chúng anh mắc kẹt nơi hoang đảo u sầu, tim đen đặc như mực bị trút xuống biển. Miệng nuốt nước bọt đắng cay, mà lại ngọt vô cùng, hệt thứ gần chạm tay mà mãi chẳng thể giữ, hệt giọt máu rơi từ đôi tay vừa với tới đỉnh Olympus đã trượt ngã thẳng xuống dương gian. Ắt hẳn ngoài kia phố xá rộn ràng, hò hét mừng chiến thắng chẳng-thuộc-về chúng anh. Còn anh, đôi lúc anh ước chi tất thảy chỉ là cơn ác mộng oái oăm, nhưng mồ hôi ướt đẫm châu thân, đánh tan mơ tưởng. Rồi hai thế giới lại chia lìa. Chúng anh kẹt trong tận cùng khải huyền nảy sinh từ lồng ngực trống rỗng, còn các em vui hưởng miền địa đàng mới đơm hoa mà các em là phần thưởng đáng chờ bấy lâu. Anh ngước nhìn tên mỗi người các em khắc vào trang sử bóng đá châu Âu, còn tên anh thì dần phai mờ. Giá như anh mang tên Mario Mandžukić thay vì Robert Lewandowski, để có thể sóng đôi cùng em, để có mùi vị của chiến thắng, để mà... để mà... để mà...
"Để mà" chết nghẹn trong tiếng nấc tịt.
Anh chưa bao giờ ghét nụ cười của ai đến thế. Tiếng cười của em vọng mãi trong tim anh, để lại một lỗ hổng lớn, anh ngã gục trong khoảng không thinh lặng ấy, răng cắn chặt mép áo. Sao mà anh ghét chuyện anh bại trận thảm hại quá! Thà bị hủy diệt, thà nhục ê chề còn hơn thua sát nút. Đúng một bàn sát sạt! Như thiên thần toan lên thiên đường nhưng lại hụt bước ngay bậc thang cuối, rớt thẳng xuống địa ngục.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro