PHẦN KẾT
Khi ấy cũng là cuối hạ, mùa hạ của bảy tám năm trước. Thời gian trôi qua mỗi năm lại phủ lên ký ức vô số mảng bụi mờ, không phủi tay lau sạch sẽ dễ bề quên lãng.
Nước mắt sau lần từ hôn hãy vừa mới khô trên má thắm, khoé mi lại sưng tấy lên thêm vì tin dữ ập đến. Duy Tân đế âm mưu lật đổ chính quyền Pháp, không cam phận làm con rối trên ngai vàng, vì âm mưu bị lật tẩy nên nhận lãnh lưu đày khổ sai. Nơi mà vị vua trẻ bị lưu đày nghe nói là một hòn đảo gần Phi Châu, chim trời Đại Nam bay mỏi cánh cũng khó lòng đến được được.
Người đế hiệu là Duy Tân nọ bị tước hết vương vị và quyền hành, giờ đây chỉ còn cái danh xưng công tử Vĩnh San. Ngai vàng trong cung giờ đây đã tìm được chủ nhân mới. Phụng Hoá công Nguyễn Phúc Bửu Đảo được chọn là tân đế, hiệu là Khải Định.
Cha của Lan Chỉ, Hồ Thượng thư lúc trước có mối giao tình với công tử Vĩnh San, đường làm quan vì thế mà bị cản trợ, vinh hoa của chả họ Hồ Đắc cũng theo đó mà xoá mờ, bao công trạng với vua cũ đều bị phủi sạch. Hồ Thượng thư trong trăm ngàn quẫn bách đã tìm đến tân đế nhằm tạo mối giao tình, cái giá của giao tình này chính là con gái của ông.
(*) Vua Duy Tân sau khi bị phế truất thì mất đi đế vị, chỉ được gọi là công tử Vĩnh San, tên thật của vua. Sau năm 1922, triều định nhà Nguyễn mới cho chép tên của vào quốc sử dưới tên gọi Xuất đế.
Trong nỗi đau khôn thấu đầu óc lại tỉnh táo nhận ra nhiều chuyện. Phải chăng lường trước sẽ có ngày này, nên ngài mới đan tâm mà từ bỏ mảnh tình ôm ấp bấy lâu, chỉ vì không muốn cô bị mình liên luỵ? Phải chăng Mai Hoàng Quý phi đó chỉ là thế thân của cô, là ngài thay cô chịu khổ khi người gặp vận cùng mệnh hạn?
Nhưng cho dù như thế, hạnh phúc chính là được ở bên cạnh người mình yêu thương mà đồng cam cộng khổ. Hơn nữa, giữa ngài và Mai thị đó, nếu không có chút hoà hợp thì làm sao có giai thoại "đãi cát tìm Vàng*" người người ca tụng? Mộng tưởng đã tan, Hồ Lan Chỉ cô dẫu sao chỉ là kẻ đứng bên ngoài niềm hạnh phúc mà thôi.
(*) Giai thoại tìm vợ của vua Duy Tân. Tóm tắt điểm chính: Vua vốn không muốn nạp phi sớm, nhưng vì sự thúc ép từ nhiều phía nên đành ưng thuận. Hoàng sinh mẫu Nguyễn Thị Định (Tài nhân của vua Thành Thái, mẹ ruột của vua) thấy vua không kén được ai trong 25 tú nữ được triệu vào cung thì vô cùng lo lắng. Bà nôn nóng liền thúc ép vua phải chọn, vua chỉ trả lời rằng ngài đã có ý trung nhân. Bà Nguyễn Hoàng phi rất muốn thấy mặt con dâu, liền theo ý vua cùng ngày đi đến Cửa Tùng để gặp (lại là Cửa Tùng L ), chờ năm ngày vẫn không thấy bóng dáng ai. Một ngày kia có viên thị vệ đế bẩm báo rằng vua mấy hôm liền, lần nào ra bãi tắm cũng đều chuyên chú đào hố cát sâu, ngài nói ngài đang "đãi cái tim vàng." Nguyễn Hoàng phi khi ấy mới hiểu ý tứ con trai. Người mà ngài muốn nạp chính là Mai Thị Vàng, con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn, thầy dạy chữ của ngài (cũng là Mai Hoàng Quý phi trong truyện nhắc đến).
Chiếu chỉ đã ban, trong lòng lại do dự, nước mắt lại ngắn dài trên khoé mi. "Con chỉ nguyện ở cạnh cha mẹ trọn đời, không lấy ai khác nữa!"
Hồ Thượng thư lau đi giọt nước mắt trên gương mặt Lan Chỉ, giọng nói cũng run run: "Cha biết con mệnh khổ, nhưng đây đã là con đường tốt nhất mà con có thể chọn rồi."
Nước mắt cay xè như xát muối, trong lòng lại càng thêm quẫn bách chẳng thể thoát ra. Còn đường này không phải tốt nhất, mà dường như là con đường duy nhất dành cho cô.
Lan Hạnh ôm lấy chị, rỉ rả thuyết phục cô: "Cả cha và anh cả đều là người đọc sách, đâu thể bỏ bồ chữ trên vai mà sống ẩn dật cày ruộng làm vườn. Hơn nữa, bốn anh em đang học tại Hà Nội, lỡ như cảnh nhà sa sút, biết lấy gì nuôi các anh ăn học thành tài? Chị không thương nhà mình sao?"
Gương mặt Lan Hạnh vì khổ tâm vì hốc hác gầy gò, sự hồn nhiên thường ngày biến đâu mất, chỉ thấy trong ánh mắt vẻ thống khổ triền miên. Giọng nói dẫu yếu ớt vì suy sụp nhưng vẫn ngọt ngào như vỗ về an ủi: "Công tử Vĩnh San đã vì nước mà hy sinh, chẳng lẽ chị lại không bằng ngài ấy, không thể hy sinh cho nhà ta được ư?"
Trong lòng Lan Chỉ tràn ngập bóng hình người thiếu niên trước cửa Tùng năm ấy. Sóng vỗ rì rào mà bào mòn cả đá tảng thi gan cùng tuế nguyệt, trong hương mặn nồng của biển lại thoảng mùi tùng bách thanh tao. Người thiếu niên nọ ngồi trong hành cung, hướng mắt về phía chân trời bạc sóng, giọng trầm ấm mà cương nghị đến tột cùng: "Tay bẩn thì rửa bằng nước... Còn nước đã bẩn thì chỉ có rửa bằng máu mà thôi."
Cái giá mà Người phải trả cho việc tự mình thay đổi quốc vận chính là tình duyên, ngai vàng và tự do tự tại. Nhưng bước chân của người lưu đày hãy còn khoan thai, đủ thấy con người ấy chưa bao giờ hối hận. Có lễ cô cũng nên học cách đánh đổi đi thôi...
...
Gương thuỷ tinh phản chiếu khuôn mặt lạnh lùng tựa sương giá, đáy mắt bị phủ bởi gam màu tối đến quạnh hiu, không một tia long lanh nào hiện hữu. Có lẽ tâm tư đã sớm bị những toan tính phủ vây nên có soi trước kính cũng không nhận ra bóng mình nữa, bản thân mình mà cứ mãi dửng dưng như người lạ. Có khi con người phải chấp nhận đánh đổi cả bản thân mình để đạt thành những toan tính. Lúc nhận lãnh cái giá của việc đánh đổi, người ta có lẽ đã không cần đến hoặc thậm chí là vứt bỏ chính bản thân mình vô cùng dứt khoát.
Trong không gian tĩnh lặng như tờ, tiếng vụn vỡ vang lên, tiếp theo đó là thanh âm trong trẻo rồi dần chuyển sang trầm đục. Sau đó, không gian lại trở về với tĩnh lặng, hệt như chưa hề có việc gì bất thường xảy ra.
Thuý Loan vén rèm bước đến, nhận ra chiếc vòng ngọc trên tay chủ nhân đã vỏ đôi, hai mảnh ngọc bích nằm trơ trọi trên mặt bàn gỗ lim đen huyền. Thuý Loan vô cùng kinh sợ, vội nói: "Lệnh bà, sao người lại đánh vỡ vòng ngọc? Chẳng phải chiếc vòng này là do Đức Tiên Cung ban thưởng hay sao?"
Lan Chỉ nhìn xuống khoảng trống nơi cổ tay, lại liếc sang hai mảnh ngọc vỡ, mỉm cười nói: "Em nói sai rồi. Là ta sơ suất bị ngã, chiếc vòng va phải sàn gạch nên bị vỡ, hoàn toàn không phải do ta cố ý đập vỡ."
Bốn chứ "cố ý đập vỡ" bị kéo dài ra, đôi mắt phượng sắc lẻm mở to, trừng trừng hướng về Thuý Loan. Cô cung nữ hoảng sợ, quỳ xuống dập đầu: "Bẩm lệnh bà, tất cả những gì em thấy là lệnh bà bị trượt ngã, bất cẩn làm va đập chiếc vòng."
Lan Chỉ cười nụ, khẽ phất tay ra hiệu bình thân. "Ta muốn nối lại vòng ngọc này, em mang nó đến cho Nguyễn Đắc Vọng, thị vệ ở điện Kiến Trung, nhờ hắn mang vòng đến Nội Vụ phủ giúp ta."
Thuý Loan có chút kinh ngạc, bèn hỏi: "Nguyễn Đắc Vọng đó chẳng phải từng là cận vệ của Bệ hạ sao? Vì sao lại phải giao vòng ngọc cho hắn?"
Nụ cười trên gương mặt Lan Chỉ khép lại, khéo theo một tia lạnh phát ra từ đôi mắt. Giọng nói cố làm ra vẻ bình tĩnh như không lại phảng phất ý lạnh ghê người: "Vòng này có lai lịch không nhỏ, cũng nữ như em đến thì Nội Vụ phủ sẽ gây ít nhiều khó dễ. Nhờ người của Bệ hạ đưa đến sẽ thuận tiện hơn nhiều, hắn là cánh tay phải của Bệ hạ, bọn họ sẽ không dám khinh suất."
Thuý Loan vâng vâng dạ dạ, nhận lấy hai mảnh vòng ngọc rồi nhanh chóng rời đi.
Lan Chỉ xoa xoa nơi cổ tay giờ đã nhẹ hẫng, cảm nhận sự trống trãi đang từng chút thấm sang mỗi đầu ngón tay. Cô hiểu rõ, ngọc đã bị vỡ cũng như giao tình đã tan, hàn gắn cách mấy cũng hãy còn đó những vết đứt gãy rõ ràng, đến một ngày nào đó sẽ lại một lần nữa vỡ tan.
...
Tháng Chín năm Giáp Tý 1924, Khải Định cùng Vĩnh Thuỵ trở về từ Mẫu quốc, Đại Nội lại đèn giăng hoa kết cung nghênh thánh giá.
Hai năm ngao du xứ người, Khải Định chung quy vẫn không hề thay đổi. Bộ hoàng bào nửa Tây nữa ta há bỏ mọi quy tắc tông, tấm huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh chễm chệ trên ngực áo phát ra tia sáng như nụ cười giễu khinh miệt những gì quy củ.
Lan Chỉ mỉm cười nhìn hắn, nói lời đãi bôi: "Đã lâu không gặp, phong thái của ngài vẫn như xưa, không gì thay đổi."
Gương mặt Khải Định toát lên mấy tầng khí lạnh nhưng nụ cười vẫn giữ trên môi. "Còn cô, đã thay đổi quá nhiều rồi." Nụ cười nọ lại vì khí lạnh toát ra mà đông cứng, ánh mắt nhìn về phía Thái tử nhỏ tuổi đang trong vòng tay của hai vị Thái hậu. "Việc vô tình vô nghĩa mà cô nói chính là thế này?"
Thái tử Vĩnh Thuỵ đã thêm hai tuổi, cũng sắp đến độ thành niên, dáng người cao lớn hơn rất nhiều. Trải qua hai năm rời xa Nội Cung, dáng vẻ trang nghiêm ngày càng in đậm trên ngôn hành, nơi đầu mày cuối mắt cũng toát lên nét trưởng thành rất mực.
Ánh mắt của Khải Định liếc xoáy bốn phía, rồi dừng lại trên dáng người đơn bạc của Huệ Phi, không kiềm được mà buông một tiếng thở dài."Trước khi Trẫm hồi loan lại nhận được tin khẩn, bảo rằng vợ chồng Khâm sứ Trung Kỳ ngỏ ý nhận Vĩnh Thuỵ làm con nuôi, đích thân bảo lãnh cho nó ăn học tại đất Pháp."
"Nếu vậy, quả thật là đáng mừng." Lan Chỉ bình thản như không, vẻ mặt không một thoáng dao động.
Khải Định "hừ" một tiếng, tay áo phất mạnh, lời nói pha chút giận dữ: "Việc này e là chỉ có mình cô nói đáng mừng. Không nói không rằng lại xuất hiện chuyện như vậy, cô thật biết cách khiến người khác nghi ngờ."
"Là do tôi liên lạc với người Pháp, đưa đường dẫn lối để họ đi đến quyết định đó, thì đã sao?" Lan Chỉ ngước mặt nhìn bầu trời, tường cao ngói biếc Tử Cấm Thành in trọn nơi đáy mắt. "Uốn cây từ thuở còn non, việc này đối với lũ người đó mà nói là trăm lợi không một hại, hà cớ gì họ lại từ chối. Họ đã không nỡ từ chối thì ngài cũng không thể khước từ được đâu. Huống chi, ngài không thể trách tôi được, ngay từ đầu đã giao cho tôi quyền kiêm nhiếp Nội Cung. Lại nói, việc Vĩnh Thuỵ đi hay ở đối với ngài cũng nào có quan hệ gì, ngài đâu thương yêu nó đến như vậy?"
Hàm răng trắng Tây phương của Lan Chỉ hiện ra sau làn môi đỏ thắm, vẻ bình tĩnh trên gương mặt hệt như lưỡi dao hết lần này đến lần khác cứa từng nhát vào coi lòng đang dao động. Cô không cho Khải Định một cơ hội xen ngang lời nói của mình. "Ngay từ đầu ngài đã bảo tôi bằng mọi giá đối đầu với Huệ Phi, bây giờ ngài cho rằng tôi ác độc, ngài hối hận rồi đúng không?"
Câu hỏi dồn dập của Lan Chỉ khiến Khải Định lặng thinh, không nói một lời. Một thân hoàng bào chói lọi vội vã lướt qua vóc người yêu kiều vận áo Nhật Bình mỹ lệ, sự lạnh lùng cùng tàn khốc hết thảy đều lộ rõ.
Lan Chỉ rít lấy cơn gió thổi đến từ hồ Tịnh Tâm, hương sen cuối mùa khiến lời nói lại càng lạnh lẽo thê lương. "Ngài cứ yên tâm, việc của Vĩnh Thuỵ còn chưa phải là thứ vô tình vô nghĩa mà tôi nói đâu."
Tiếng bước chân của người phía sau dừng lại trong một thoáng rồi lại vội vã cất bước như xa lánh, như cô lập. Mãi đến khi không còn nghe thấy ai bước đi nữa, Lan Chỉ mới ngoảnh mặt nhìn về phía sau, chỉ thấy bóng tối đang dần vây kín những triền ngói lưu ly khắp cung thất dưới sắc trời chạng vạng.
...
Khải Định vừa về Nội Cung đã lệnh cho Lễ Bộ cùng Nội Vụ phủ khẩn trương tổ chức Tứ Tuần Đại Khánh, mừng thọ bốn mươi của hắn. Đại Khánh cách ngày hắn hồi loan chỉ hơn một tháng, cả Nội Cung lại huyên náo không yên.
Chỉ có Tây Trinh Minh điện của Huệ Phi là cực kỳ im ắng. Trên dưới trong cung đều biết, sau Đại Khánh, Thái tử Vĩnh Thuỵ sẽ lên đường sang Mẫu quốc du học, lần đi này có lẽ là rất lâu. Huệ Phi biết chuyện hết sức đau buồn, đêm ngày than khóc.
Lan Chỉ từ trong tẩm cung nhìn ra hoa viên điện Trinh Minh, thấy mấy khóm cúc đang héo rũ ở một góc sân tựa hồ một cuộc đời lâm vào bế tắc. Đột nhiên cô nhớ lại mấy lời nhiều năm trước đã từng nói với Huệ Phi, từ câu từng chữ đều in sâu trong tâm trí, chưa hề buông lơi hay quên lãng.
"Huệ Phi à Huệ Phi. Số trời đã định vận mệnh chúng ta đối địch nhau. Có cô sẽ không có tôi. Dù có muốn hay không, chúng ta vẫn không thể cùng chung chiến tuyến."
Ý nghĩ cất giấu trong đầu cứ như lời nguyền trường cửu, tâm tâm niệm niệm lâu thật lâu, cuối cùng cũng đã trở thành sự thật hiển nhiên, không sao tránh khỏi.
...
Tứ Tuần Đại Khánh của Khải Định kết thúc, trong ngoài Nội Cung đều là chuyện náo nhiệt, từng đợt sóng ngầm dấy lên triền miên không dứt, khiến người ta không thể không gục ngã.
Đại Khánh xa hoa, quốc khố lại đang trống rỗng, người dân khắp nơi không ngừng khóc than, oán rằng sưu thuế tăng cao, mùa màng thất bát, lại thêm quân Pháp áp bức bốc lột nặng nề, một cổ hai tròng không ai chịu thấu. Kẻ sĩ nơi nơi thay nhau hạch tội Khải Định khiến thể diện hoàng gia trong phút chốc tan thành tro bụi.
Giữa lúc này, Thái tử Vĩnh Thuỵ lại lên đường trở về Mẫu quốc, một thân một mình rời xa Nội Cung, Huệ Phi đau buồn khôn nguôi, lại sống lặng thầm như chiếc bóng, ngày ngày cầu bình an cho con trẻ, đêm ngày mong ngóng con trở về.
Việc chia cắt mẹ con Huệ Phi đã thành, quyền lực chốn hậu cung có thể dần dần làm chủ, xem như một nửa gánh nặng đã được gỡ bỏ. Chuyện còn lại, là chuyện của Khải Định mà thôi.
Lan Chỉ ngước nhìn bầu trời phía xa xa, tia nắng sáng soi ngược vào gương mặt, đôi mày khẽ chau, bao nhiêu tâm tư cũng đều chôn kín.
...
Sân trước cung Diên Thọ phơi mình dưới nắng trời nóng rát, từng đợt khí nóng bốc lên khiến người ta ngã quỵ, không sao chống chọi. Đã là Chính ngọ, nắng xiên thẳng xuống mặt đất như lưỡi kiếm, xuyên thủng cả mấy tầng mái ngói lưu ly, không một chút nương tay hay nhân nhượng.
Thị vệ thân cận của Khải Định bị người của cung Diên Thọ đến vây bắt, điện Kiến Trung của Khải Định một phen náo loạn. Hắn bỏ cả chuyện nghị sự với người Pháp, vội vã lên xe rồng tiến đến cung Diên Thọ. Vừa bước đến cửa cung đã thấy viên thị vệ nọ bị trói gô lại, quỳ giữa sân gạch dưới đợt nắng chính Ngọ chói chang .
Mắt liếc thấy Lan Chỉ đứng hầu bênh cạnh hai vị Thái hậu, khoé miệng căm phẫn mà rít gào: "Ân Phi. Lại là cô!"
Lan Chỉ nhún gối hành lễ, nét mặt vô cùng lạnh lùng, giọng nói không mảy may xúc cảm: "Bệ hạ phúc thọ miên trường. Người của Bệ hạ phạm lỗi, khẩn xin Bệ hạ công tâm xử phạt."
Một lời vừa dứt, mắt Khải Định cũng trợn trò: "Đắc Vọng theo trẫm nhiều năm như thế, vô cùng trung thành lại thật thà, sao có thể gây tội?"
Tiên Cung Thái hậu ngồi trên ghế phượng, vẻ mặt vô cùng tức giận. Bà đứng dậy, cơ thể run lên vì giận dữ đến nỗi trang sức trên mái đầu cũng đong đưa. "Tên này đã lấy cắp vòng ngọc mà Nghi Thiên Chương Hoàng hậu ban tặng, Bệ hạ còn bao che cho hắn?"
Khải Định vô cùng kinh ngạc, bỏ qua lễ nghi mà thô lỗ nắm lấy cánh tay Lan Chỉ, gằn giọng hỏi: "Vòng ngọc đó chẳng phải Mẫu phi đã trao cho cô rồi sao?"
Đức Tiên Cung lên tiếng cang ngăn, lời nói ra lạnh lẽo tựa như nước hồ mùa đông, khiến cõi lòng người ta không khỏi run rẩy vì lạnh: "Ân Phi bất cẩn bị trượt ngã nên chiếc vòng bị vỡ, cũng đã thỉnh tội với già này, lại còn nhờ thị vệ của Bệ hạ mang đến Nội Vụ phủ tìm người nối lại. Chuyện sau đó, không ngờ hắn ta lại to gan mang vòng ngọc ra ngoài thành đem bán, báo hại già này trách nhầm Ân Phi."
Khải Định sững sờ, lời nói cũng đứt quãng, khó khăn lắm mới thốt lên được một câu tròn: "Sao có thể như thế được? Hẳn là có gì nhầm lẫn ở đây?"
Tiên Cung Thái hậu cười lớn, lời nói ra mang theo ý giận cao ngất: "Người trong cung tìm được chiếc vòng này ở một tiệm cầm đồ của thương gia người Pháp bên ngoài Đại Nội. Tên này rất thông minh, cho rằng bán đi chiếc vòng thì sẽ không tìm ra manh mối, nào ngờ Nội Cung này khắp nơi đều có tai mắt của già này."
Nguyễn Đắc Vọng bị đám thị vệ giữ chặt, tấm lưng rộng bị đè xuống khiến dáng người cao lớn cúi rạp xuống mặt đất nóng như lò lửa, quẫn bách đến tột cùng. Cả người y run rẩy, ánh mắt không ngớt nhìn Khải Định, giọng nói cứng rắn mà lại thê thiết não nề: "Bệ hạ minh xét, Đắc Vọng tuyệt đối không làm chuyện xấu xa như vậy!"
Lời còn chưa nói dứt người đã bị giải đi, để lại một thân áo bào đứng giữa khoảnh sân đầy nắng, cô quạnh đến đáng thương.
Lan Chỉ buông tiếng thở dài, giọng nói cũng nhẹ đi đôi chút: "Người cũng đã bắt được rồi, hai vị Đức bà định xử lý thế nào?"
Đức Thánh Cung cung chậm rãi cất lời: "Năm xưa chuyện của Huệ Phi có mang đã giao cho Bệ hạ xử lý, chuyện hôm nay cũng nên để cho Bệ hạ quyết định. Dẫu sao cũng là người của Bệ hạ cả mà..."
Bốn chữ "người của Bệ hạ" được thốt ra rất nhẹ, dù chỉ nghe ra chút ý tứ dù không rõ ràng nhưng cũng đủ gây cho Khải Định một đòn đả kích.
Hắn đứng tựa vào cột lớn, ánh mắt hướng lên nhìn những kèo cột bằng gỗ mun chạm khắc hoa văn vô cùng sinh động, hết thảy đan xen vào nhau hệt như tấm lưới rộng phủ vậy, khiến hắn không thể vùng vẫy mà lẫn trốn. Từng hơi thở dài nào nuột buông trong nỗi tuyệt vọng, khuôn ngực phẳng phập phồng dữ dội, tựa hồ có cái gì đó trong lòng đang trào dâng đến chẳng thể khống chế nữa rồi.
Đức Tiên Cung lạnh lùng nhìn hắn, nói: "Bệ hạ hà cớ gì lại do dự, không mau đưa ra cách xử trí?"
"Xử trí hắn ư?" Câu hỏi bâng quở thốt ra, cả cõi lòng cũng mơ hồ rỉ máu. "Vậy thì, Nguyễn Đắc Vọng phạm tội, không thể giữ lại, đuổi hắn rời khỏi Nội Cung, mãi mãi không được trở về!"
Lời nói ra nghe như tiếng lòng quặn thắt, đau nhói từng cơn.
Lan Chỉ đứng phía sau, khoé môi khẽ cong lên rồi hạ xuống. Chợt thấy nỗi tuyệt vọng của bản thân ngày trước phảng phất đâu đây. Đã qua nhiều năm như thế, đến bây giờ hắn cũng được nếm trải rồi...
...
Vừa bước sang dốc bên kia của đời người không bao lâu, Khải Định liền ngả bệnh, tựa như ngọn tre già cỗi oằn đi vì gió chướng. Thái y và cả thầy thuốc Tây y thường xuyên lui tới tẩm cung của hắn tại điện Kiến Trung, ai nấy đều tận tâm tận lực nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, chỉ hiềm là tâm bệnh.
Điện Kiến Trung xây lại trên nền Du Cửu lâu ngày trước, tẩm điện của Khải Định cũng từ cung Càn Thanh chuyển đến nơi này. Quyết định dựng nên nơi này cũng chỉ vì muốn cùng ai đó sớm hôm kề cận, hôm nay cảnh còn người mất, không gian cũng theo đáy lòng mà nứt toát từng cơn.
Từ độ đăng cơ đến nay, trong cung có người nói Khải Định vốn bị mất ngủ kinh niên, nửa đêm thường hay mơ thấy ác mộng, lo sợ bị ma quỷ quấy phá. Vì để trấn an tinh thần cho hắn, Nguyễn Đắc Vọng đã được phá lệ túc trực tại tẩm cung, hầu hạ bên long sàn. Hiện tại y đã bị trục xuất khỏi Nội Cung, Khải Định cũng vì thế mà đêm đêm ngủ không yên giác, thi thoảng cung nhân còn nghe từ trong tẩm điện có tiếng khóc than.
Hai vị Thái hậu lo lắng không thôi, đêm ngày ở điện Phụng Tiên khấn vái cầu phúc, mong Khải Định sớm ngày bình phục. Phi tần lục viện thay phiên nhau đến hầu hạ, chầu chực bên rèm, có khi lại bị Khải Định phật ý mà xuôi đuổi, tiếng than thở não nề vang vọng cả chốn cung nghiêm.
Lan Chỉ thân là Nhất giai Ân Phi, trọng trách so với người khác lại càng thêm phần nặng, mỗi ngày đều đặn mang thuốc và canh sâm đến cho hắn ngự dụng, một giây một khắc cũng không dám trễ nãi. Trải qua chuyện của Nguyễn Đắc Vọng, cô và hắn lại ít chuyện trò, mọi lời nói ra đều là do tuân thủ lễ quân thần.
Ván bài gần như đã lật ngửa, tiếp tục đeo bộ mặt nạ diễn kịch cho nhau xem để làm gì?
Tưởng chừng giữa cô và hắn sẽ mãi lặng thinh như vậy, không ngờ lại có ngày hắn lại chủ động mở lời: "Mai thị đã trở về rồi, nghe nói là do không thể chịu nổi cái xứ Phi Châu khắc nghiệt đó."
Lan Chỉ một thoáng ngập ngừng, sau đó liền tiếp lời: "Ngài muốn nói Mai Hoàng Quý phi?"
"Là cô ta." Khải Định có chút trầm ngâm, đắn đo một chút rồi một hơi dốc cạn chén canh sâm. "Gia quyến của Hoài Trạch công* và Vĩnh San lần lượt về Đại Nam rồi. Mai thị đó làm hoàng phi của Vĩnh San cũng thật khổ."
(*) Tên gọi của vua Thành Thái sau khi bị phế truất.
Lan Chỉ cười lạnh lùng: "Ngài nghĩ làm hoàng phi của ngài vui sướng lắm chăng?" Ánh mắt liếc vội ra ô cửa. Ngoài kia bóng người chầu chực, chỉ nhìn dáng điệu cũng đẫ thấy mệt nhoài. Bất giác làn hơi phả ra tử cánh mũi có chút ấm nóng, khoé mắt cũng theo đó mà cay cay.
Khải Định đưa mắt dò xét người ngồi cạnh, ánh nhìn như thiêu như đốt, thấu tận tâm cang: "Cô đang lo lắng cho Vĩnh San đó ư?"
"Phải thì đã sao?" Giọng nói đã nghẹn ứ, uất ức bao năm lại đột ngột tràn về. "Mai thị cũng đã rời khỏi, còn ai chăm sóc cho ngài ấy?"
Khải Định đột nhiên cười phá lên, tiếng cười manh nha xé toang cả bốn bề tẩm điện mờ mịt, khiến lòng người không khỏi kinh động một phen. "Thật nực cười. Hồ Lan Chỉ ơi Hồ Lan Chỉ! Bao năm nay cô vẫn ôm trong lòng giấc mộng hão huyền ấy ư?"
Một tia chớp khiến thần trí trở nên choáng váng, cả tâm tư chỉ còn lại tiếng ong ong vô cùng hỗn tạp, đến một ý nghĩ cũng khó lòng tượng hình.
Bàn tay trở nên vô lực, không giữ nỗi chén thuốc trong tay. Tiếng vỡ tan đánh động cả không gian, từng mảnh sứ văng đi tứ phía khiến đầu óc ai đó đã tỉnh táo hơn chút ít.
Khải Định viễn tiếp tục cười như điên dại: "Xem cô kìa, không ngờ lời nói năm xưa cô vẫn xem là thật, bất chấp mọi thứ để có được quyền hành để được một ngày trùng phùng bên Vĩnh San. Cô sai rồi, ngay từ đầu cô đã sai rồi. Cho dù cô ngồi lên bảo toạ Thái hậu, ai dám đảm bảo cô sẽ có quyền làm mọi thứ, yêu cầu một tiếng thì lũ người Pháp sẽ mang Vĩnh San về đây hay là mang cô sang tận Phi Châu. Cô đừng quên, cô đừng quên cha cô, Hồ Đắc Trung vồn là thân cận của Vĩnh San. Cô bên cạnh hắn sẽ như hổ thêm cánh, sợ rằng hòn đảo ngoài khơi Phi Châu đó cũng khó lòng giam cầm. Cô nghĩ người Pháp sẽ thành toàn cho cô sao?"
Từng lời nói tựa hồ mũi tên sắc nhọn cắm thẳng vào con tim, đau đớn đến tuyệt vọng, muốn tránh né cũng không sao thoát khỏi. Đến khi nước mắt làm nhoà cả cảnh vật xung quanh đau thương mới vụt cháy thành phẫn nộ, đến một tiếng hận đến độ giằng xé cũng khó lòng nói ra.
...
Trên đời này, đau thương là thứ không thể tránh khỏi, càng trốn tránh lại càng phải đối mặt. Vận mệnh của con người cũng như thế, đã được sắp đặt thì không chạy thoát.
Ngày đó Hồ Thượng thư một mực ép con gái còn đang ôm nỗi đau phân ly phải đi đến buổi lễ khởi công xây trường Đồng Khánh, không ngờ lại một bước thay đổi cả cuộc đời của cô. Người nữ sinh Đồng Khánh xinh đẹp lại uyên bác năm nào lại lọt vào mắt xanh của tân đế, thánh chỉ về phủ, tiểu thư nhà Hồ Đắc lại lần nữa được nhập Nội làm phi, nhưng người đưa cô nhập Nội không phải là vị vua ngày xưa nữa rồi.
Chiếu tiến cung lẫn nữa gõ cửa phủ nhà, ai ai cũng không ngớt trầm trồ, bảo rằng nhà Hồ Đắc sinh ra mỹ nhân nghiêng thành đổ nước, cả hai vua đều ngỏ lời cầu cạnh. Có người còn nói, việc từ hôn lần trước là do ông Trời sắp đặt, Hồ Lan Chỉ có số vinh hoa phú quý, lỡ như thành gia quyến của công tử Vĩnh San sợ là sẽ cùng chung phận lưu đày. Người người xôn xao, kẻ kẻ bàn tán, thật thật giả giả khó lòng phân biệt. Chỉ có Lan Chỉ mới hiệu rõ, cái gọi là số phận từ lâu đã định là nằm trong tay của kẻ khác mất rồi.
Chỉ là lúc cô phó mặc cho số phận đưa đẩy, Khải Định đã nói với cô: "Trên đời này không gì là không thể thực hiện được, miễn là trả đủ cái giá cho tâm nguyện ấy."
Lan Chỉ khoé mắt vẫn còn đẫm lệ, ngơ ngác nhìn hắn: "Vậy tôi phải trả cái giá ấy thế nào đây?"
"Giúp Trẫm đối phó với Huệ Tần." Gương mặt Khải Định lúc ấy có phần ám muội, khoé môi cong lên nụ cười quỷ dị. "Chỉ cần chia cắt mẹ con cô ta, Hoàng tử của ta sẽ giao cho cô nuôi dưỡng."
Lan Chỉ giương mắt nhìn hắn, trong lòng có chút băn khoăn: "Tại sao phải đối phó với cô ta? Tôi với cô ta vốn không thù không oán."
Giọng cười của hắn phảng phất chút ý lạnh, khiên người ta không khỏi rùng mình: "Nghe ta nói, một khi Hoàng tử trờ thành con của cô, quyền hành trong tương lai chắc chắn thuộc về cô. Khi ấy, bất kể cô muốn thứ gì thì đều có thể có được. Huệ Tần ấy đúng là không có thù với cô, cũng không hẳn có thù với trẫm, thế nhưng cô ta là chướng ngại lớn nhất trong cuộc đời trẫm, là thứ trẫm có muốn cũng không thể nào xoá bỏ. Cả với cô cũng như thế, cô ta tương lai có được quyền hành, đối với cô cũng chỉ trăm hại không một lợi."
Vẻ mặt do dự của Lan Chỉ hiện lên rõ ràng trong mắt hắn, từng góc ngách trong tâm tư đều bị nắm gọn, không cách nào chối thoát. Cô chỉ biết dung nạp từng câu từng lời của hắn vào tâm trí, ý nguyện cũng vì hắn mà lung lay. Cô từng chút cảm nhận được vận mệnh bản thân cũng chuyển dời về phía của hắn. "Cùng chiến tuyến với trẫm, họ Hồ Đắc của cô vẫn mãi vinh hiển như thế, nguyện vọng của cô sớm muộn cũng sẽ được đạt thành. Người không vì mình, trời tru đất diệt. Cô chọn tàn độc với kẻ khác hay tự tay kết liễu bản thân mình?"
Nơi đáy lòng của Lan Chỉ kinh động từ đợt, tầng tầng lớp lớp suy tư cuộn trào như làm sóng ngoài khơi xa, triền miên chẳng dứt. Lại nhớ ra người ấy đã từng chấp nhận đánh đối, bản thân cô cũng không nên ngần ngại mà thử một lần, cho dù cái giá phải trả là gì đi nữa...
Cõi lòng bất an lại được lời hứa của ai đó nhất thời an ủi vỗ về. "Về với trẫm, ngôi vị đứng đầu hậu cung sẽ thuộc về cô, mãi mãi là của cô. Tương lai của cô, sở nguyện của cô đều do cô định đoạt."
Lời hứa năm đó, cô bấy lâu nay vẫn bám trụ không rời, không dám lãng quên hay buông bỏ dẫu một giây một khắc. Cho dù niềm tin cố cựu trong lòng hết lần này đến lần khác mà sụp đỗ, cô vẫn đi theo con đường mà lời hứa ấy đã vạch ra, không một chút do dự.
Cứ như thế, cứ mãi như thế, đến phút cuối cùng mới hay bản thân đã lâm vào ngõ cụt. Chân chạm bờ tường, không thể tự thoát.
...
Ngày 3 tháng 12 năm Đinh Tỵ 1917, con gái của Lễ Bộ Thượng thư Hồ Đắc Trung, Hồ Lan Chỉ nhập Nội, nhận chỉ sắc phong Nhất giai Ân Phi, kim sách kim bảo trao tay, đứng đầu tam cung lục viện.
Lúc khoác lên người bộ cung trang đỏ thẫm, mão cửu phượng đội đầu lại gài lên mái tóc chín cây trâm phượng, thứ mà Hồ Lan Chỉ bỏ lại phía sau không chỉ là một thời thiếu nữ hoa mộng, mà còn là cả bản thân của cô nữa.
Mắt phượng mày ngài, son tô phấn dặm, phong thái uy nghi của mệnh phượng hoàng khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng và kính nể. Ít ai ngờ được, Nhất giai Ân Phi khi ấy tuổi chỉ vừa mười lăm.
...
"Khi ấy Trẫm còn chưa nói với cô, đúng là vương quyền có thể giúp cô thành toàn tâm nguyện, nhưng có những chuyện từ đầu đã định là bất khả thi, cô có ngồi lên long ỷ cũng khó lòng làm được." Giọng Khải Định yếu đến mơ hồ, toàn thân suy kiệt, sinh mệnh giờ đây chỉ như ngọn nến sắp lụi tàn.
Lan Chỉ bón cho hắn từng thìa canh sâm, lời nói không nghe ra tâm tư ẩn chứa: "Không phải ngài quên, là ngài muốn mị hoặc tôi nên không muốn nói đó thôi. Ngay từ đầu đã gian đối như vậy, thật khiên tôi hận ngài đến thấu xương."
"Cũng là do cô mù quáng đó thôi, hoặc là bị số phận làm cho mù quáng." Khải Định thều thào.
Trong tẩm điện, mùi thuốc hoà lẫn với khói trầm tạo nên cảm giác tịch mịch âm u, giống như lằn ranh giữ sinh và tử, thật mơ hồ nhưng cũng thật rõ ràng. Bộ hoàng bào nằm chễm chệ trên giá áo, đã lâu không được mặc, chỉ vàng thêu hoa văn rồng cuộn dường như đã phai đi chút ít, chỉ có đoá hồng nhung thêu phía sau lưng là vẫn còn thắm đỏ, cứ như được nhuộm từ máu tươi.
Mấy hôm nay chứng mất ngủ của Khải Định lại trở nặng, đêm đến hai mắt chẳng thể nào khép lại, dòng lệ cứ thế mà tràn ướt gối. Thuốc thang đều được kiểm tra kỹ lưỡng, huyết mạch huyệt đạo đã bắt đi bắt lại mấy lần vẫn không thể khiến bệnh tình thuyên giảm. Tiên Cung Thái hậu bắt đầu tuyệt vọng, nước mắt ngắn dài tại Diên Thọ cung, an ủi mãi vẫn không thể yên lòng.
Khải Định há miệng hớp lấy thìa canh sâm, lắc đầu chán nản: "Uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi, xem ra Trẫm sắp phải đi rồi." Ánh mắt nhìn thẳng vào gương mặt của Lan Chỉ, khẽ khàng nói với cô: "Canh sâm của mấy hôm nay có hơi đặc, là ý của cô chăng?"
Lan Chỉ đưa thìa sứ khuấy đi khuấy lại chén canh sâm, lòng bàn tay cảm thấy hơi ấm đã vơi đi bớt , cô liền đặt chén canh sâm lên bàn, quay sang nói Khải Định: "Sâm giúp thần trí tỉnh táo, chống buồn ngủ mỏi mệt. Cho ngài ăn nhiều sâm một chút để hoài niệm những chuyện mình đã làm."
Mi mắt hắn nhắm lại, chân mày dãn ra, tựa hồ nghi hoặc trong lòng đã được tháo gỡ. "Dù sao cũng cảm ơn cô đã giúp ta trốn tránh những giấc mơ, nếu không ta cứ mộng tưởng y vẫn còn bên cạnh." Khoé môi Khải Định mơ hồ vương một nụ cười nhàn nhạt. "Dẫu sao hắn vẫn còn sống. Mong là sau này hắn sẽ một lần đến được Ứng Lăng(*). Nơi đấy ta trang trí bằng sứ và thuỷ tinh, lạ mắt mà không quá xa hoa, hợp với ý thích của hắn."
(*) Ứng Lăng là lăng tẩm của Khải Định, một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo, pha trộn văn hoá đông tây kim cổ. Google bá bá ơi, phiền bá bá chỉ điểm ~
"Đập cả chén sứ men ngọc chỉ để lấy được một mảnh sứ ghép thành hoa văn, ngài cho đó là không quá xa hoa sao?" Lan Chỉ bật cười, khoé môi đỏ thắm cong lên vô cùng diễm lệ.
Lời nói của cô chậm đi mấy phần, tựa hồ sợ người nằm đó không nghe ra ý tứ. "Vả lại, ngài có mong mỏi thế nào hắn cũng không đến đâu. Nguyễn Đắc Vọng của ngài, đã chết rồi."
Lời vừa dứt, Lan Chỉ đưa đến tận tay Khải Định một túi gấm buộc chặt. Tay hắn yếu ớt lần mở từng nút thắt, từng ngón tay run run như cảm nhận một thứ gì đó đau đớn ập đến nơi cõi lòng. Khuôn miệng phập phồng muốn khóc lại chẳng thành tiếng, cứ méo mó tạo thành thứ hình thù khổ sở.
Mãi một lúc sau, bàn tay yếu ớt mới lấy từ trong túi ra một dải khăn vấn màu xanh thẫm, những vệt máu đã khô nhuộm cả dải khăn thành một sắc điều lục mơ màng, đỏ xanh chẳng phân định, tạo cảm giác não sầu như sắc tím chiều hôm. Vài sợ tóc còn bết dính trên vệt máu, người kệ cận có thể nhìn ra màu tóc quen thuộc ngày nào.
"Hắn... đã đi trước ta rồi sao?" Khải Định gào khóc như một đứa trẻ. "Hồ Lan Chỉ! Tất cả là do cô, cô sẽ phải trả giá!"
Lan Chỉ đứng bật dậy, ánh mắt đưa xuống nhìn người đang nằm trên long sàn đang đớn đau đến quằn quại, trong lòng nhen lên chút tư vị thoả thuê. "Tôi đã trả quá nhiều cái giá rồi, không còn thứ gì để trả nữa đâu. Tuổi trẻ của tôi, hạnh phúc của tôi, cả bản thân tôi đã đánh mất rồi. Đều là vì sự ích kỷ của ngài, là vì ngài!"
Khải Định bị lời nói của Lan Chỉ làm cho kích động, dùng hết sức tàn hơi kiệt mà bật dậy, quằn quại đổ phá những thứ xung quanh. Trong tẩm điện, chén sứ vỡ tan, màn treo trướng rũ cũng bị khéo xuống làm cho nhàu nhĩ, sự phẫn uất đến tột cùng tựa hồ có thể phá nát cả bốn bức tường Nội Cung, vĩnh viễn xoá đi tất cả.
Máu từ khoangmũi tràn về theo khoé miệng mà ứa ra, nhuộm gương mặt gầy gò của Khải Định thành một thứ mặt nạ đỏ lòm ghê sợ. Hắn dốc hết sức hét lên từng tiếng: "Đồ ác phụ! Ngươi sẽ phải sống bằng bằng chết. Người đâu, mau giải Ân Phi! Cấm túc ả ta mãi mãi...!"
Một lời vừa dứt, Khải Định kiệt sức đến độ nửa tỉnh nửa mê trên long sàn, cả điện Kiến Trung một phen náo loạn. Chúng phi tần tột cùng kinh hãi, khắp nơi vang lê tiếng khóc thê lương. Hai vị Thái hậu không chịu nổi kinh động mà ngất đi, được Điềm Tần hộ giá về Diên Thọ cung tịnh dưỡng.
Chỉ có Huệ Phi còn nán lại đó, chứng kiến cảnh Ân Phi bị đám thị vệ giải đi. Nhất giai Ân Phi trâm hoa xiêu vẹo, xiêm y cũng nhàu nhĩ, trên khoé miệng còn vương một nụ cười đẫm máu, đôi mắt cũng gần như trắng dã vô hồn. Huệ Phi bất giác buông một tiếng thở dài mệt nhoài sầu não.
Ván cờ nhiều năm nay cuối cùng cũng đã lật ngửa rồi.
...
Năm Ất Sửu 1925, Khải Định băng hà, thi hài chôn cất tại Ứng Lăng, thuỵ hiệu là Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế. Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ trở về Đại Nội, đăng cơ lên làm Hoàng đế, hiệu là Bảo Đại. Đăng cơ được ít lâu, Tân đế lại lên đường về lại Mẫu quốc, tiếp tục việc du học theo di nguyện của Tiên đế Khải Định.
Trước khi băng hà, Khải Định đã giao lại chìa khoá rương hòm cho Huệ Phi Hoàng thị, mẹ ruột của tân đế Bảo Đại. Ân Phi Hồ thị bị giam tại lãnh cung, không hề nhận được khẩu dụ phóng thích.
Sau thất đầu của Tiên đế, Nội Cung vẫn còn chìm ngập trong sắc tang u buồn, đèn lồng treo khắp cung tẩm vẫn trắng thuần một sắc. Trinh Minh điện giờ đây hiu hắt lụi tàn, Huệ Phi từ mấy hôm trước đã dọn đến cung Diên Thọ, ngôi vị Thái hậu đã định, chỉ còn chờ được nhận phong hiệu đường hoàng.
Huệ Phi đến thăm Lan Chỉ trong một buổi xế chiều yên ả. Từ trong tẩm điện có thể nghe thấy tiếng bước chân của đoàn người vô cùng quy củ và đều đặn. Sau đó chỉ thấy một bóng người tiến vào.
Còn nhớ Huệ Tần năm xưa thích màu áo tím, giờ đây khi đã trở thành chủ cung Diên Thọ lại thành ra phong thái của Lưỡng Tôn Cung năm xưa. Áo nhật bình màu vàng sậm với hoa văn chứ Thọ thêu bằng chỉ nâu nhạt, khăn vành lam thẫm vấn ngay ngắn trên mái đầu khiên cho dung mạo trở nên vô cùng tôn quý nhưng lại phảng phất chút tàn úa vì thời gian.
Lan Chỉ ngồi trước gương kính, thấy bóng người phản chiếu trong gương ngày càng gần lại mới điềm tĩnh cất lời: "Thái hậu tương lai vẫn nhớ bản cung mà đến thăm, vinh hạnh vô cùng."
Huệ Phi mỉm cười, vẫn là giọng nói khẽ khàng như khi còn là Huệ Tần chịu đủ mọi chèn ép: "Cô ở phía Đông, tôi ở phía Tây. Dẫu sao cũng là điện Trinh Minh, sao có thể quên cô được."
Nói rồi Huệ Phi thuận tay cầm chiếc lược ngà của Lan Chỉ, cẩn thận chải lại mái tóc rối như tơ vò. Lan Chỉ chỉ nhìn vào bóng mình trong gương, ánh mắt có hơi đờ đẫng, tựa hồ đã từ rất lâu vẫn chưa lần nào nhìn ngắm dung nhan của mình. "Một người sắp làm Thái hậu, một người đã thàn phế phi. Tôi thua rồi."
Huệ Phi cắm bộ dao hình chim phượng lên mái tóc Lan Chỉ. Đã lâu không lược gài trâm giắt, cô có chút không quan, cựa quậy một thoáng đã bị mũi châm sắc nhọn đính trên bộ dao cứa vào mặt. Vệt máu nhỏ như sợi tơ, vậy mà lại ứa ra vô số giọt đỏ thẫm, nhuộm lại cho nước da trắng bệch xanh xao một sắc hồng tạm bợ.
Huệ Phi nhẹ giọng: "Cô không thua, tôi cũng không thắng. Tôi trước giờ chưa từng có ý định muốn tranh đoạt với cô. Cô đừng tự làm khổ mình."
Một lời thốt ra hệt như tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Đánh một phát, bao nhiêu mộng mị đều tan biến.
Cô nói với Huệ Phi: "Cô không đánh mà vẫn thắng, chứ không như tôi, từ đầu đến cuối đã định là kẻ bại trận."
Từng giọt nước mắt ngắn dài tuôn rơi lã chã, theo sau đó bức màn của quá khứ được vén lên. Người đớn đau tuyệt vọng, kẻ nén đau thương nuốt ngược dòng lệ nóng hổi vào trong. Đến tận cùng, cho dù là ai đi nữa, cũng không thế thoát khỏi vận mệnh của cuộc đời. Trả một cái giá mà bản thân không thể đáp ứng để đạt thành một ước nguyện mơ hồ, từ đầu đã là điều vô nghĩa. Dẫu vô nghĩa, nhưng đau thương là thật, cái giá phải trả cũng là thật. Tuổi xuân đi mất, cả bản thân cũng không còn còn. Cuộc đời chỉ còn lại lớp vỏ bọc úa tàn, nhìn mãi vẫn chẳng thể tìm được chút tia sống nào còn le lói.
Huệ Phi đôi mắt đượm buồn, không thể cảm thông cũng không đành phẫn hận, trước khi rời đi chỉ nói một câu: "Ân Phi thì đã sao, Huệ Phi thì đã sao? Ngay từ đầu cũng chỉ là con cờ được hắn ban bố chút ân huệ mà thôi."
Vận mệnh nghiệt ngã của một con người, ngay từ đâu có thể đoán biết qua một chữ phong hiệu. Vậy mà vẫn cố chấp, vẫn vẫy vùng bất chấp tiếng thoi thóp của lương tâm. Để rồi sau đó, thứ nhận lãnh được chỉ là một sự trống trãi đến đáng sợ mà thôi
...
Cánh cửa Đông Trinh Minh điện vẫn còn rộng mở, đón vào tẩm cung chút tia nắng nhàn nhạt như năm nào. Thời gian trôi qua, rèm châu cũ vẫn còn đó, dung nhan kiều diễm vẫn ở tại đó, chỉ là lòng người từ lâu đã chết đi rồi.
Mãi mãi là người đứng đầu hậu cung của hắn!
Huệ Phi sắp thành Thái hậu. Điềm Tần, Du Tần, Diệu Tần cũng trở thành Thái tần tôn quý. Chỉ có cô vẫn mãi mãi là Nhất giai Ân Phi, đến lúc chết vẫn là Nhất giai Ân Phi, không được tôn phong mà cũng chẳng được tưởng nhớ. Sống như vậy cũng chẳng bằng chết đi.
Lấy lương tri trả giá cho sở nguyện hão huyền cả một đời, đến cùng cả cuộc đời cũng hoài phí, sinh mệnh chẳng qua chỉ còn là cái vỏ bọc không hơn không kém mà thôi.
Khi cung nữ Thuý Loan lẳng lặng khép của tẩm điện, những tia sáng cuối cùng cũng bị cản ngăn không sao chiếu rọi tẩm điện, cõi lòng khi ấy cũng đã bế tắc, tâm tư bỗng chốc hoá thành bóng đêm âm u đến tuyệt vọng não nề.
Vẳng nghe bên tai có tiếng gọi "Ân Phi lệnh bà", "Ân Phi lệnh bà". Trong lòng đột nhiên hoảng sợ, bất an bông chốc ngập tràn. Sống trong cung lâu năm như thế, giờ đây đến tên của mình cũng không thể nhớ ra.
Ký ức ùa về giữa cơn thống khổ, chợt nhớ năm xưa có người từng gọi "Lan Chỉ", "Lan Chỉ" thật dịu dàng, thiết tha.
Người đó còn nói, cái tên Lan Chỉ chính là lấy từ ý thơ của Nguyễn Du.
Cõi lòng dâng lên khao khát tột cùng, mong muốn được quay về những năm tháng đã in hằn trong ký ức. Thực tại đầy rẫy khổ đau và phủ phàng, không thể cho linh hồ này nương nhờ thêm chút nào nữa.
...
"Thử địa do thử lan chỉ hương*. Tên cũng như người, đều thật thanh khiết và thiện lương."
...
Tiếc thay, thiên hạ này đã không tồn tại người mang tên Hồ Lan Chỉ ấy nữa rồi...
(*) Câu thơ trích trong bài Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu 1, trong Bắc hành tạp lục của Đại thi hào Nguyễn Du. Câu thơ mang nghĩa là: Đất này còn thơm mùi hoa lan hoa chỉ.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro