i. ga tàu không tên.
Oằn mình trong giấc mộng nơi thời gian chẳng được đo bằng kim đồng hồ, gã ngồi đó — lặng lẽ, ngay hàng, như một vị khách lịch thiệp đang đợi chuyến tàu vốn chẳng bao giờ đến.
Ga tàu ấy không có tên, cũng chẳng có biển báo. Mái vòm hoen rỉ cong mình như một ký ức cũ kỹ dần trôi vào dĩ vãng. Trần nhà rơi rớt những mảnh bụi thời gian, phả xuống nền gạch lát cổ một thứ ánh sáng lửng lơ giữa tàn tạ và yên bình. Chiếc loa treo lơ lửng giữa không trung đôi khi lại phát lên một đoạn âm thanh méo mó, như lời nhắc nhở của một thế giới đã từ chối mọi hình thái rõ ràng.
Nanami Kento không bối rối, cũng không ngạc nhiên.
Chỉ có một sự tĩnh lặng rất cũ, rất sâu, len lỏi trong từng cử động của gã — như thể chính gã cũng là một phần cố định của nơi này.
Sơ mi trắng đã sờn cổ tay. Chiếc cà vạt kẻ xéo buộc hờ như thể chẳng còn cuộc họp nào cần đến sự nghiêm chỉnh. Cặp da đặt cạnh chân — không quá nặng, không quá nhẹ. Và gã, với tư thế quen thuộc của những buổi sớm mai thường thấy, ngồi trên băng ghế gỗ mà lưng đã nứt vụn, chờ một điều gì đó mà chính gã cũng không thể gọi tên. Như một mảnh hồn giày xéo giữa lồng ngực trần trụi.
Không một thanh âm hiện hữu. Không ai đến hỏi tên, hay lịch trình. Những gương mặt đi qua — thoáng mùi lạ lẫm, đôi khi lại ẩn hiện cảm giác thân thuộc — đều lặng lẽ, không biểu cảm, như những người đã quen sống trong câm lặng. Họ bước lên các chuyến tàu vô thanh, đi về phía nào đó thậm chí còn không tồn tại trên thế gian.
Nanami không đi.
Không phải vì chưa đến lượt. Mà vì có một điều gì đó trong gã vẫn chưa khỏi day dứt, chưa hoàn toàn kết lại. Một mảnh nghĩ suy còn sót lại, không được xếp đúng vị trí, giống như đoạn cuối của một bài thơ còn thiếu một từ.
Và thế là gã đặt chân mình chôn trong chốn thinh lặng
Mỗi ngày — nếu có thể gọi khoảng trống vô định đó là "ngày" — gã ngồi yên, hút một điếu thuốc không cháy, nhìn những cánh cửa mở ra rồi đóng lại. Từ tận cõi lòng, gã không nung nấu tia hy vọng rằng ai đó sẽ đến, và tuyệt nhiên cũng chẳng chút đau lòng nào. Có lẽ vì gã không phải người ưa kỳ vọng. Chỉ là, nếu có một ai ngồi xuống, không vì tò mò, không vì thương hại, chỉ đơn giản là muốn hiểu — thì có lẽ, Nanami sẽ nói một điều gì đó. Một câu duy nhất.
"Tôi đã cố gắng. Chỉ vậy thôi."
Một lần, có người phụ nữ già băng qua sân ga, thoáng dừng chân một chút bên gã, như thể nhận ra thứ gì đó trong ánh mắt quen thuộc. Nhưng rồi bà lại đi, không hỏi, không nhìn lại. Và Nanami chỉ gật nhẹ, như thể cảm ơn vì bà đã tạm thời dừng lại — dù chỉ trong một nhịp thở.
Nơi đây không có vinh danh. Không có bàn thờ.
Và cũng không có ai cắm cho gã một nhành hoa trắng, hay ghi tên gã vào bia mộ tưởng niệm.
Nhưng Nanami không giận, không oán, không cầu xin được nhớ đến như một anh hùng.
Nanami chỉ mong — một lần — ai đó còn sống, còn đau, còn buộc dây giày bằng bàn tay run rẩy mỗi sáng, sẽ dừng lại và nói:
"Đã từng có một người như anh. Và tôi nhớ."
Có lẽ ngày ấy, chuyến tàu sẽ đến.
**
Ga tàu vẫn vậy. Trơ lì và tĩnh mịch như một thánh đường bị bỏ hoang giữa sa mạc thời gian. Mỗi viên gạch lát dưới chân là một ký ức bị lãng quên. Mỗi khung cửa sổ loang màu sương bạc là một lần chối từ gợi nhớ.
Nanami ngồi đó, tay đặt hờ lên cặp da, mắt nhìn về khoảng sân ga nơi những linh hồn khác đi qua như những chiếc bóng phủ sương. Họ đến, họ rời đi, không hỏi, không nói, không ngoái đầu.
Những "người chờ" như gã — chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Gã bắt đầu để ý đến họ, không phải vì tò mò. Mà vì giữa sự lặng câm hoàn hảo của nơi này, sự hiện diện của một ai khác — dù chỉ là một cái bóng — cũng giống như một nốt lạ lạc vào giữa bản nhạc không lời.
Buổi sáng hôm ấy — hay một đoạn thời gian nào đó có cảm giác như "sáng" — có một người đàn ông ngồi xuống băng ghế đối diện. Áo sơ mi trắng nhàu nhĩ, cà vạt lỏng lẻo như thể anh ta vừa rút khỏi một cơn ác mộng mang hình thức họp hành kéo dài đến vô tận. Tay cầm chiếc đồng hồ bỏ túi. Mặt số vàng úa, kim đồng hồ quay ngược từng nhịp chậm chạp như đang hoài niệm về một điều đã đánh mất từ lâu.
"Anh từng làm công việc mình ghét chưa?" — Người đó hỏi, giọng khô khốc như tàn tro.
Nanami ngẩng đầu, không trả lời. Chỉ một cái gật nhẹ. Người kia hiểu, không cần thêm lời.
Một cô gái trẻ ngồi cách đó ba ghế. Gương mặt vẫn mang nét thiếu nữ, nhưng trong mắt lại là tàn dư của một cơn mưa không bao giờ dứt. Cô gấp những con mèo bằng vé tàu cũ — giấy đã phai màu, mềm như ký ức bị vò nát.
"Mẹ cháu bảo sẽ quay lại. Nhưng không ai về."
Câu nói không kèm biểu cảm. Như thể cô đã nói nó ngàn lần, với hàng ngàn người không tên. Dù bị vùi lấp hàng ngàn lần, cô vẫn tiếp tục giữa chốn trơ trọi, không còn tương lai.
"Chú có ai đón không?"
Nanami im lặng.
Cô gật đầu, như thể đã hiểu rằng người trước mắt cũng mang trên lưng một số phận khốn cùng. Lại tiếp tục gấp một con mèo khác, đặt nó cạnh những con đã xếp hàng chỉnh tề trên ghế.
Rồi một bà cụ xuất hiện. Dáng lưng còng, tay mang bó nhang đã tắt. Mùi trầm thoảng nhẹ, như mảnh hương xưa sót lại giữa tàn thời gian.
"Tôi chết rồi. Nhưng mấy đứa nhỏ không ai đưa tiễn. Chúng đi trước tôi."
Bà ngồi xuống cạnh Nanami, thoải mái như thể đã quen nhau từ một kiếp nào xa xưa. Hoặc chỉ đơn giản là cảm nhận sự thân thuộc, của những kẻ đã mất mát quá nhiều.
"Cậu ngồi yên thế, chắc cũng có điều chưa nói ra?"
Nanami nhìn xuống tay mình, rồi nhìn lên bầu trời không đổi sắc.
"Không ai cần nghe."
"Cậu lầm." — bà nói, giọng mềm như gió. "Ở nơi này, điều quý giá không phải là được lắng nghe. Mà là có người chịu ngồi lại."
Và bà đã ngồi lại, như một điều quý giá hiếm hoi trong giấc mộng hoài niệm. Không hỏi thêm, chỉ lặng im. Như chính gã đã từng.
Đến chiều — hay một dạng vết nứt trong thời gian khiến màu trời trầm đi một nấc — một cậu bé xuất hiện. Trên tay cậu là một bức thư, giấy gấp vội, mực loang như được viết trong mơ. Cậu không nói gì, chỉ đặt lá thư vào lòng bàn tay Nanami, rồi biến mất như khói sương giữa sân ga.
Lá thư không có phong bì. Không có người gửi. Nhưng nét chữ thì Nanami nhớ rõ — những dòng vụng về, xiêu vẹo như hơi thở giữa cơn nức nở:
"Cháu không biết mình có thể làm gì. Nhưng nếu có ai xứng đáng được sống thêm một ngày, thì là chú. Vì chú đã sống từng ngày như thể đó là lần cuối."
Nanami đọc xong, gấp lại thật khẽ. Cẩn thận như thể sợ rằng chỉ một cử động mạnh, từng chữ trong thư sẽ tan ra thành sương và biến mất. Gã nhét bức thư vào túi áo sơ mi, ngay ngăn trái — nơi trước kia vẫn đặt danh thiếp.
Ngày hôm đó, gã không hút thuốc. Không vì thiếu thói quen. Mà vì một điều gì đó trong gã — rất nhẹ, rất mong manh — vừa hé mở. Không phải hy vọng, cũng không hẳn là tiếc nuối. Chỉ là... biết ơn.
Cảm giác được một người còn sống, dù chỉ một người, vẫn nhớ đến gã không bằng tiếng gọi, không bằng nén nhang hay bia đá — mà bằng việc ngồi xuống, và nghĩ về gã một lần nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro