23
Ngày hôm sau đám cưới của chị Tư diễn ra không kèn không trống. Ngoài nghi lễ được Cha xứ cử hành trong nhà thờ ra thì chẳng có thứ gì được gọi là đủ trang trọng cả. Gia đình tôi ráng ngồi ăn với nhau một bữa cơm, song không khí thiệt tình quá khó chịu. Má tôi vẫn nhất quyết không thèm nhìn mặt ông con rễ mà trước đây má rất thích. Thành thử cha tôi đành gồng mình dẫn dắt mọi sự. Anh Hai và chị Ba thì cứ nhìn mặt cha tôi đặng cư xử song cũng chẳng mấy hào hứng gì. Chỉ mỗi cặp đôi cô dâu chú rể là vẫn mặc nhiên diễn cảnh ân ân ái ái với người đời.
Đêm đầu tiên, Thái Dung cùng cha tôi ngồi uống vài ly đàm đạo. Tuy nhiên chẳng nói được bao lâu, Dung đã đập đầu xuống bàn bất tỉnh đến mức cha tôi phải vất vả lắm mới vác được thằng ấy vào phòng của chị Tư. Tôi không biết là Thái Dung đã vô tình hay cố ý nhưng tôi tin chắc đêm đó đôi vợ chồng son đã không thể làm gì được với nhau. Và chính cái niềm tin kỳ cục ấy lại khiến tôi an tâm chìm vào giấc ngủ.
Cũng trong cả tuần Thái Dung làm rể nhà chúng tôi thì ngày nào tôi cũng loăng quăng tự hỏi liệu tối nay hai người kia có làm tình với nhau không. Và cứ mỗi lần Thái Dung tìm ra được một lý do nào đó để đi đêm hay say bí tỉ rồi lăn ra ngủ, tôi lại thấy lòng mình nhẹ đi. Tôi hoàn toàn không thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình và cứ mặc nhiên để đôi chân tôi len lén bước đến cửa phòng chị Tư rồi áp tai nghe ngóng. Tôi rõ là đã điên rồi!
Đến ngày thứ 7, cũng là ngày cuối cùng Thái Dung ở lại nhà tôi trước khi chuyển vào sống trong khu trại tập trung cho những đứa con lai được xét duyệt sang Mỹ, thì cái điều tôi không mong nhất đã xảy ra. Tôi áp tai vào cửa và đau đớn lắng nghe từng âm thanh đứt quãng của tình ái. Bụng dạ tôi sôi sục và trái tim tôi ngập tràn sự ganh tức, thứ mà trước đây tôi ít khi cảm nhận. Tôi thật ghét ái tình, ghét những thứ xúc cảm mãnh liệt đầy tiêu cực mà nó mang lại.
Thẫn thờ, tôi ngồi bó gối dưới gầm cầu thang tối om, muốn khóc mà không khóc được. Tôi chẳng biết mình đã mất bao lâu để thẫn thờ trong cái góc ấy cho đến khi em tìm ra tôi, dỗ dành và đưa tôi trở về phòng.
.
Nửa tháng sau, Thái Dung quay lại, đón chị Tư vào ở cùng trong trại. Tại đó người ta có hẳn khu vực sinh sống dành cho các gia đình với đầy đủ các tiện nghi và trợ cấp cơ bản. Lần đi này cha tôi cũng theo cùng vì ông muốn đảm bảo chỗ ăn ở cho chị tôi. Ông nói với hai má con tôi rằng ông sẽ trở về trong tầm 1-2 tuần nữa. Má tôi nghe rồi để đó, nhất quyết không thèm nhìn mặt hai cha con kia.
Riêng tôi thì vẫn phải dỏng tai nghe ngóng nơi phòng chị Tư, ngây ngốc đến mức chị ấy mở cửa lúc nào tôi cũng chẳng hay. Chị nhìn tôi thoáng chút ngỡ ngàng rồi đưa tay xoa đầu tôi.
"Ở nhà ngoan nghen!"
"Chị nói chuyện với má chưa?", tôi hỏi.
"Rồi, chắc lại rấm rứt khóc một mình trên phòng đó, mày lên coi má sao đi".
Tôi hướng mắt lên phòng, chần chừ.
"Ở nhà chăm sóc má đàng hoàng nghen!", chị Tư dặn.
"Biết rồi!".
Đợi chị Tư xách đồ đi hẳn ra ngoài cửa, tôi vội liếc vào phòng chị, vừa lúc Thái Dung bước ra. Hai chúng tôi nhìn nhau đầy ngượng nghịu.
"Giữ gìn sức khỏe", Dung nói.
Tôi gật đầu không dám nhìn vào mắt thằng ấy. Dung đặt vali xuống đất, tháo vội cái đồng hồ trên tay nó ra rồi dúi cho tôi.
"Cha giữ nó đi, tui sắp tới chỗ xa lạ rồi, còn chưa biết mọi chuyện ra sao. Rủi đâu chết mất xác rồi đứa khác lấy trộm cái đồng hồ thì uổng lắm, thà để Cha giữ còn hơn".
"Nói nhảm!"
Thái Dung ngập ngừng: "Cha giữ nó đặng...còn nhớ tới tui".
Nói rồi Dung xách cái vali đi mất còn tôi chỉ biết đực mặt ra ngó nhìn. Sau này tôi cứ thấy tiếc hùi hụi vì đã không hôn thằng ấy - lần cuối.
Tôi chạy lên ban công phòng mình, ngó theo bóng lưng của 3 người họ: cha tôi, chị tôi và Thái Dung. Chẳng biết bao giờ mới được gặp lại nên tôi chỉ đành chúc họ vạn sự bình an mà thôi.
Đằng sau lưng tôi em vẫn đang đứng, chờ đợi.
.
Có những người dù có không ưa họ tới cỡ nào nhưng nếu bạn đã sống cạnh họ đủ lâu thì khi không còn họ nữa bạn sẽ cảm thấy thiếu vắng ngay. Má tôi dù chẳng thuận chuyện chị Tư đến đâu thì khi không còn chỉ để la mắng nữa, lại cũng chẳng còn hơi cha ở nhà, má bỗng đâm thẫn thờ, cứ đi ra đi vô loanh quanh trong bếp chẳng để làm gì. Phần tôi giờ đây cũng đã vắng bóng người có thể ghẹo gan tôi, thành thử tôi thấy... nhơ nhớ. Tôi chẳng biết gọi tên cái chứng bệnh kỳ quặc này là gì nhưng cứ mỗi khi tôi nhìn thấy cái chi liên quan đến Thái Dung, tôi lại nghĩ về thằng ấy.
Ngày xưa tôi mắng Dung lúc nào cũng đeo suốt cái đồng hồ thì nay tôi cũng y chang như nó. Giống như một chứng ám ảnh cưỡng chế, tôi chẳng hề muốn cởi cái vật ấy ra, cứ đeo miết trên tay rồi lại nhìn, lại nhớ. Và cho đến khi tôi ngủ thiếp đi, em lại là người tháo cái đồng hồ ra giúp tôi. Chuyện này coi có mắc cười không chớ!
Căn nhà bây giờ chỉ có 3 người, trong đó hết 2 người thẫn thờ, thành ra mọi chuyện nhà chuyện cửa trong suốt thời gian tâm hồn hai má con tôi đi lạc đều do một tay em cáng đáng cả.
Không những làm việc nhà, em còn phải quan sát mọi chuyện má tôi làm đặng nhắc má cái chén này rửa rồi, cái ghế kia lau rồi, má đừng có lau rửa nữa. Em cũng phải nhớ cả giờ giấc sinh hoạt thường lệ của tôi đặng nhắc tôi sống cho điều độ, chứ nếu không thì tôi cứ nhốt mình trên phòng hoài, chả còn biết cái mô tê ất giáp gì hết.
Gồng gánh mọi chuyện đâu khoảng 3 tuần thì em ngất xỉu. Lúc cõng em chạy đến trạm xá, tôi mới phần nào tỉnh ra. Tôi cảm nhận được cái lành lạnh của thời tiết, cái gấp gáp của thực tại và cái hoảng sợ nếu mất đi em.
Bác sĩ khám cho em rồi để em nằm lại bệnh xá một đêm. Dù chỉ bị đuối sức do làm việc, lo lắng quá mức nhưng em vẫn nên được theo dõi kỹ thì hơn.
Em mở mắt ra nhìn tôi khi trời đã tối và hỏi tôi đã ăn uống gì chưa. Tôi thiệt tình lắc đầu bởi cả buổi tôi chỉ lo ngồi trông em, bây giờ khi được hỏi mới thấy cái bụng kêu ọt ọt.
"Mình về đi đặng anh còn ăn cơm", em nói.
"Đâu có được, em còn đang bệnh đó!".
Bụng tôi lại kêu ọt ọt rồi bụng em cũng phản kháng theo khiến cả hai đứa tôi phải phá ra cười. Trong cái lúc đói ăn đó, má tôi xuất hiện cứu nguy cho cả hai đứa. Má sờ trán em, dặn em vài câu, hứa với em khi nào về nhà má sẽ nấu đồ ăn ngon cho ăn. Chỉ nói bấy nhiêu thôi rồi má ra về.
Tôi lấy khay cháo, định bụng sẽ đút cho em ăn thì em đòi tự ăn. Tôi cũng không cảng, lại quay sang ngấu nghiến phần cơm của mình. Chắc do đói quá mà tôi ăn uống hơi to tiếng khiến em cứ phải tủm tỉm nhìn tôi mà cười.
"Em ăn đi!", tôi nói để tự chữa ngượng cho mình.
Em múc vài muỗng cháo vào miệng rồi cảm thán: "Cháo ngon hen anh!"
"Ừ!", tôi gật đầu.
"Lần đầu tiên mẹ nấu ăn cho em và hỏi thăm em đó!"
Tôi nhìn nụ cười bẽn lẽn của em và hiểu rằng em đang rất sung sướng khi nhận được sự quan tâm từ má tôi.
"Anh xin lỗi", tôi nhỏ giọng nói.
"Bị cái chi mà xin lỗi?" em tròn mắt nhìn tôi.
"Hiền à bây giờ em đối với anh như thế nào, sau mọi chuyện đáng thất vọng mà anh đã làm?"
"Tụi mình ổn mà anh!". Em nhẹ nhàng nói và luồn tay em vào dưới bàn tay đang đặt úp lên mặt giường của tôi. "Tụi mình chỉ cần bắt đầu lại lần nữa và cứ để mọi chuyện diễn ra giống như hồi đó vậy".
Tôi nắm chặt lấy tay em. "Em vẫn chọn ở bên cạnh anh?"
"Luôn luôn chọn anh", em cười tít mắt.
Có lẽ sau mọi cuộc phiêu lưu ngang dọc thì cuối cùng bạn vẫn nên ở cạnh người luôn chờ đợi bạn về nhà. Đó là người đầu tiên đã cùng bạn bắt đầu vậy cũng nên là người sau chót cùng bạn kết thúc, một cái kết viên mãn và hạnh phúc.
https://youtu.be/4LPmBiFkoBk
3 tháng êm đềm trôi qua, 3 tháng mà em và tôi làm sống lại những ngày xưa cũ trước kia, khi chưa có sự hiện diện của Thái Dung, 3 tháng mà tôi không hề hoài nghi việc mình nên ở cạnh em đến cuối đời. Đó chắc chắn là việc nhơn nghĩa, việc thuận theo đạo lý mà tôi cần phải làm. Tôi giá mình có thể chấm hết câu chuyện ở điểm này nhưng đây là đời thực chứ đâu phải mấy vở tuồng hát mà chỉ diễn dăm ba cảnh là xong. Cái sự mà ta cho là đạo lý hôm này, ngày mai cũng thành trật lất.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro