i. Xác nhận
1954 là trang sử vẻ vang được viết bằng rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt. Toàn bộ máu, sức lực người ta đổ dồn cho vùng Tây Bắc, cho Điện Biên. Người ta lấy máu dệt thành mùa hoa ban nở, người ta lấy máu dệt nên quốc kì; chao ôi, khỏi phải nói khi thắng rồi thì ta vui mừng khôn xiết, như vừa gỡ được cái gọng kìm nô lệ khỏi chân. Và Hà Nội nhớ lại lời Karl Marx, ta chẳng còn gì để mất ngoài những xiềng xích.¹ Nhưng sự nghiệp giải phóng có bao giờ giản đơn vậy đâu?
Anh từng nghe loáng thoáng các đồng chí bàn với nhau, thế giới chung quanh ta chịu ảnh hưởng của những thứ lớn hơn; vạn vật vận hành nhờ có lực hấp dẫn, hay trái đất quay quanh và hấp thụ nhiệt từ mặt trời. Nó là tự nhiên, cái lẽ tự nhiên đó đã ăn sâu vào tiềm thức con người, trên cả chính trị. Các nước nhỏ muôn đời chịu ảnh hưởng của các nước lớn; họ đánh mắt với nhau như muốn trao thông điệp, và anh nhận được tin Washington DC đã không mỉm cười với năm 54 của họ. Cái không cười ấy báo hiệu những điều chẳng lành, Hà Nội đoán biết. "Việt Nam đã thắng, song chuyện chưa xong tại đấy."
Anh chần chừ rồi gửi điện cho Sài Gòn.
Hà Nội nhớ đến Sài Gòn - một thằng oắt con nhưng tài năng trước tuổi; và bởi chính vì tài như vậy, đời nó sẽ khó khăn đủ đường. Sắp tới sẽ rất lâu nữa họ mới gặp được nhau mà áo không còn ám mùi chiến tranh.
Sài Gòn trông có hơi ngơ, nhưng đủ khôn để biết cái gì đang diễn ra. Nó rảo bước cùng Hà Nội, chẳng nói chẳng rằng. Hoặc cũng có nói, nhưng bằng ánh mắt, là mỗi lần đôi mắt lo lắng của Sài Gòn chạm lấy cái nhìn mệt mỏi, buồn bã của Hà Nội. Anh ấy không buồn giấu. Sài Gòn cũng buồn, tuy nhiên nó cố tỏ ra bình tĩnh, giờ đây, nó nên mạnh mẽ, vì bản thân nó và cũng vì miền Nam. Nó hít sâu ngần ngại, nắm tay Hà Nội, và anh cứ để mặc thế. Tay yếu trong tay mạnh, họ đi ngang qua khu trại giam của bệnh viện Chợ Quán, miền kí ức nóng về những năm 30 họ đã luôn rõ mồn một, nay càng rõ hơn.
Hà Nội lẩm nhẩm những lời cuối cùng của người đi trước, mong sao cho Sài Gòn cũng nghe.
"Hãy giữ vững khí chí chiến đấu."²
Anh vò đầu nó, rồi bước thẳng về phía trước.
Thật khó khăn khi đối diện với miền Nam. Anh đi đâu, người ta cũng cười. Từ Đông Nam Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long, trở ra vùng Tây Nguyên kì vĩ. Họ niềm nở, dễ mến, kể cả Sài Gòn, dù khi trước nó có bướng hết lời thì cũng là một thằng bé đáng yêu. Ở đây sắp tới sẽ khó khăn lắm, nhưng người ta vẫn cứ cười thật chân thành với nhau, miền ngoài chẳng biết nên nói làm sao ngoài cũng ngồi cười chung với họ. Hà Nội cũng cố cười, mà không thể đánh lạc hướng mình khỏi lo toan. Anh ôm tạm biệt Sài Gòn và những đứa trẻ miền trong.
"Cố lên, những trái tim gan dạ và sắt đá...!"
...
Sau chuyến đi đầy hụt hẫng đó (vì hoá ra anh còn nhiều thứ để nói hơn mình tưởng), Hà Nội trở lại với guồng quay căng thẳng. Ta phải tái thiết lại, ta phải chuẩn bị khí tài, ta phải tìm đến các nước anh em,... Quá nhiều thứ phải làm. Tất cả đều đang chung tay về miền Nam, về một cuộc chiến còn đổ máu nhiều hơn cả những ngày chống Pháp. Niềm tin của nhân dân trong một đất nước mới giải phóng là thứ khó duy trì nhất; tệ nạn, tiêu cực, công việc tồn đọng từ thời Pháp là di chứng còn sót lại. Mọi thứ cứ dồn dập như thế, Hà Nội bận tối mặt tối mày, hết đi kiểm tra sổ nhà đất, các nhà máy, các con phố, cả nội bộ Đảng, rồi đi tiếp chuyện các chính khách, khách quý nước bạn... Anh mừng vì trên thế giới vẫn có người tin tưởng vào Việt Nam, chiến thắng của Việt Nam, sự hiện diện của họ là niềm an ủi cho Việt Nam. Nhưng khi họ về, anh lại thấy tủi tủi, sau cùng để khẳng định mình, Việt Nam lại phải đổ máu, phải rửa cho sạch vĩ tuyến 17 vẫn bằng máu, mồ hôi và nước mắt; nhiều hơn, nhiều hơn nữa.
...
Hôm nay anh đến Nghệ An. Hà Nội biết cụm Thanh - Nghệ - Tĩnh đã luôn là chỗ dựa tinh thần vững vàng cho đất nước này, luôn là nơi tụ họp của các tinh hoa, hào kiệt, của những chiến binh thiện chiến nhất. Bản thân anh rất quý Nghệ An, cả mảnh đất và chính con người anh ta. Chung tình, nghĩa khí với tổ quốc, với nhân dân; Nghệ An cũng là một người hiền lành, giản dị và chịu khó; họ cũng thường hàn huyên với nhau mỗi khi có dịp giáp mặt, khi Nghệ An đến thăm anh.
Hà Nội có buột miệng ra bài thơ của Nguyễn Khuyến³:
"Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà..."
Nghệ An tưởng Hà Nội muốn chơi nối thơ, và không có bài thơ nào là anh không thuộc; chứ cũng chẳng bận tâm đến thời buổi khó khăn đến nắm cơm nguội cũng chẳng có mà ăn. Đầy đủ da thịt, còn thở, còn ấm là được!
"Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Mình đến chơi đây, ta với ta."
Và cái sự đó đã khiến Hà Nội phì cười, không phải vì Nghệ An nói lái từ cho hợp hoàn cảnh mà là vì anh ấy ăn nói dễ thương lắm. Ở với Hải Phòng đã hơn 1 thế kỉ nay, hiếm khi nào anh được nghe chất giọng ấm đến vậy, đâm ra lạ tai nên nó buồn cười. May quá là không phải chỉ có mình anh là thấy thế, khi Nghệ An nhận là hay bị trêu lúc quen miệng chèn tiếng địa phương vào; và anh bức xúc vì Hà Tĩnh không bị khi giọng "hắn ta" giống hệt. Hà Nội thầm nhủ, chất phác như vậy thì sao không quý cho được cơ chứ. Tuy không tiếp xúc quá thường xuyên, quá quen thuộc như những đứa em ở gần, Hà Nội vẫn tìm thấy ở Nghệ An niềm an ủi, cổ vũ chân thành nhất.
Bây giờ, anh đã xuống bến xe ở Nghệ An. Hà Nội quyết định đi dạo một chút quanh vùng đô thị thành phố Vinh. Sau chiến thắng lẫy lừng từ Điện Biên ấy, đâu đâu cũng mang một vẻ khoái chí, phấn khởi rất chi là bình dị. Cái niềm vui của bà hàng xén lan ra đến bà bán tôm cá, lan ra đến ông quét đường, rồi đến sinh viên, công nhân,... Từ đó hình thành một tập thể hạnh phúc. Mà... Hà Nội nhìn lên. Trời xám xịt, ảm đạm và u buồn. Anh xoay hướng đi tìm chỗ trú mưa, anh không muốn nhìn trời, càng nhìn chỉ càng khiến anh thêm mệt mỏi.
Bỗng không khí nóng lên như có gió
Lào đổ về. Qua những tán cây trồng dọc bờ sông Lam bốc lên khí âm ẩm. Trước khi mưa thì mọi thứ nó nặng nề vậy đấy. Hà Nội đi một đoạn nữa thì mưa mới đổ xuống; anh không bị ướt vì đã đứng được dưới tấm bạt che của một nhà nọ, nhưng loay hoay mãi mà chẳng biết làm sao để về chỗ ở.
Xui rủi thế nào anh lại gặp Nghệ An, tay cầm ô cũng một túi gồm những rau củ, trái cây.
- Ô hay! Anh Hà Nội về đấy ư...?
Nghệ An đổi sang giọng Bắc (chỉ có thế Hà Nội mới hiểu được anh ta nói gì), vẫn mang âm sắc địa phương rõ rệt.
- Nghệ An à?
Hà Nội bất ngờ thốt lên. Chưa kịp chào hỏi thì Nghệ An đã tiếp lời ngay.
- Trời! Mưa to ri mà anh lại nỏ ở nhà! Đi về nhà tôi, tôi mời anh Hà bữa cơm.
Đó là một yêu cầu anh sẽ không chối từ, Hà Nội bẽn lẽn gật đầu; đáng lẽ nếu cứ về nhà đợi Nghệ An trước thay vì la cà thì tình huống đã diễn ra tự nhiên hơn. Nhưng cuối cùng thì họ vẫn đi chung một cái ô.
- Anh Hà về tôi vui lắm, nhưng lần sau phải báo trước. Chưa kịp chuẩn bị chi mừng anh cả. Lại còn mưa nữa. Rứa bữa ni tôi mà không ở ngoài đường thì sao hở anh?
Nghệ An quở trách. Đúng là hôm nay Hà Nội đã không báo trước. Bình thường, anh sẽ luôn gửi điện đến; mà nay anh lại quyết định không.
- Tôi đi thăm bạn tôi mà cũng cần phải báo trước ư?
Anh giở giọng nài nỉ. Nghệ An lắc đầu ra chiều bất lực.
- Nếu báo trước, tôi đã đãi anh mấy món đặc sản xứ Nghệ.
- Nhớ mấy năm trước anh đến chơi chỗ tôi, anh cũng bảo tôi cần gì cầu kì như vậy. Bây giờ tôi sẽ nói lại y hệt, tôi chỉ đến thăm anh thôi mà. Hay anh còn đang có ai ở nhà nữa?
- Giờ này chỉ có Hà Tĩnh hay ghé chơi, mà hắn về rồi. Không biết trên đường anh có gặp không. Hắn đến thăm tôi mới được hai hôm, cũng chẳng báo chi. Anh Hà biết không, bữa đó tôi đang ngủ thì nghe tiếng loảng choảng trong bếp, cứ tưởng chuột. Ra kiểm tra thì thấy thằng mồ đang ngồi trên phản, ăn cơm tỉnh bơ. Hoá ra là Hà Tĩnh. Tôi định tẩn cho một trận thì hắn rèo: "Anh em như thể tay chân, lâu nỏ gặp em xem anh còn khoẻ không thôi mà?"
Nghe anh ta kể thì Hà Nội cười, thế là từ chuyện Nghệ An trách anh rồi trách lây sang cả Hà Tĩnh. Thấy Hà Nội cười thì Nghệ An cũng cười theo, ngây ngô nói:
- Dạo này tôi thấy anh Hà hay cười lắm.
- Thế à?
- Phải vậy. Anh Hà có chuyện chi vui, kể tôi nghe với.
Ấy là trên những mặt báo, trên phóng sự, qua lời kể Nghệ An nghe được. Cười thì cười, nhưng Hà Nội có vui đâu. Anh cho rằng để giữ vững tinh thần trong tỉnh cảnh ngày nay thì phải lạc quan, phải cố tìm ra cái vui trong sự buồn khổ.
- Có gì đâu, tôi chỉ bắt chước tính niềm nở của anh em miền Nam thôi mà... Tại thế thì sẽ dễ mến hơn, anh biết đấy... Nhiều lúc tôi phải tiếp khách quốc tế.
- Tôi cũng nghĩ thế. Tôi thích nhìn anh Hà cười lắm. Cá nhân tôi cũng rất thích sự hay cười của đồng bào miền trong, như của thằng bé Sài Gòn, của Tây Nguyên. Anh Hà biết không, tôi để ý cậu Quảng Ngãi có nét cười rất duyên.
- Cả Quảng Ngãi nữa. Vài ngày trước tôi đi thăm anh em đồng bào ta ở miền trong, Quảng Ngãi lớn tuổi hơn Sài Gòn một chút, trầm tính hơn nữa... Nhưng rất kiên định, thật thà; hơi ngây thơ một chút. Tôi để ý Quảng Ngãi rất hợp tính anh An.
- Thế ra chuyện vui của anh là được xuống miền Nam à?
Hà Nội cười trừ.
- Anh cho là thế cũng được. Nhưng thú thật với anh, tôi không vui được anh ạ.
- Không ư? Là thế nào?
- Người ta đã gửi anh bản thuật lại của tôi về Genève chưa?
Nghệ An ngớ người, không cười nữa.
- Tôi... tôi nhận được rồi. Anh Hà ạ, anh đến đây là để nói chuyện này với tôi sao?
- Không... mà... Cũng phải... Ban đầu tôi chỉ muốn đến thăm anh, rồi tôi về. Chả biết tại sao tôi cứ nghĩ về cái hội nghị ấy mãi... Cứ thấy hụt hẫng, bồn chồn kiểu gì...
- Vậy chắc là anh Hà căng thẳng quá rồi. Tôi hiểu mà. Genève có những bất cập, tất cả chúng ta đều chịu thế dưới cơ và anh đã phải đứng mũi chịu sào; trách nhiệm gì đặt lên lưng anh, anh cũng làm tròn. Anh hãy nghĩ thế là đáng quý.
Hà Nội lầm bầm trong cổ họng.
- Kiểm điểm bản thân tôi cũng đã kiểm điểm rồi. Cái này khó nói lắm. Tôi có cảm giác ở cái bàn ấy, không có cái gì là thật, kể cả hoà bình...
Thế rồi, anh im lặng, anh nhận ra mình đã nói nhiều quá, và vậy là không nên. Nghệ An cũng không nói gì nữa, vì đã đến nơi cần đến rồi.
- Anh Hà vô nhà tắm rửa cho khuây khoả đầu óc đi. Tôi đi nấu cơm tối.
...
Hà Nội ngồi trầm ngâm một mình trên chiếc phản. Khi tắm, đầu anh cứ tua ngược lại cái hôm 26 tháng 4 ấy; anh thấy Paris cứ nhìn về phía Mỹ mà không nhìn anh, còn Washington DC thì như thể đang đọc vị anh từ ngón chân đến kẽ răng khi anh nói. Anh biết hắn không vui, thật ra người duy nhất vui khi ở đó là anh. Hà Nội không muốn ý kiến gì về khối Đỏ, anh không muốn nghĩ nữa. Anh nhớ cái cảm giác lúc đó, có những con mắt như ống kính soi vào mình và đồng thời cũng không; người ta chú ý đến anh và đồng thời cũng không; anh chiến thắng, rồi lại phải chiến đấu tiếp để chứng minh cho người ta thấy bọn anh thực sự nghiêm túc. Có vẻ như trong thời buổi này, đổ máu là việc dễ dàng và bị chèn ép là điều tất yếu, một số người thực sự phải đấu tranh cho những quyền cơ bản người khác sinh ra đã có, niềm hạnh phúc khi được tự do của người này tự dưng lại đả động đến chén cơm và giấc ngủ ngon của kẻ nọ. Thế thì nhân quyền đâu phải tự nhiên mà có? Anh đã tìm kiếm cái gì ở Genève? Một lời nói thật ư?
Liệu họ có nghĩ anh đần không?
- Anh Hà ơi, lau tóc đi, không là ốm đấy.
Hà Nội giật mình, giờ anh mới để ý cơm tối đã được dọn ra.
- Ngại quá, tôi chưa giúp gì được cho anh cả.
- Thế thì lát anh cùng tôi rửa bát nhé?
Anh gật đầu nhận lời. Bữa cơm thì cũng đạm bạc thôi, nhưng đủ bốn món. Đã lâu rồi Hà Nội mới được ăn một bữa cơm như vậy, một bữa cơm nhà không phải vội vàng.
- Anh Nghệ An đảm đang quá nhỉ? Nếu là tôi, tôi cũng khó mà chuẩn bị một bữa đầy đủ bốn món như vầy trong thời gian ngắn...
Hà Nội cố khơi chuyện. Nhưng có vẻ Nghệ An cũng đang nghĩ gì, nên chỉ gật đầu cảm ơn chứ không tiếp lời. Anh thôi không nói gì, ngượng ngùng nhìn quanh nhà. Nghệ An có một lối sống đơn giản, hơi cứng nhắc quá; anh em bảo anh ít khi mua riêng cho mình cái gì, chỉ khi nào không tự xoay sở được mới mua; mà khi đất nước có việc nhờ, anh là một trong những tỉnh thành đóng góp nhiều nhất. Rất đáng ngưỡng mộ, chính Hà Nội cũng học được ở Nghệ An nhiều điều hay, mới lạ.
Anh đánh tiếng thêm lần nữa, hỏi cái câu đáng ra anh phải hỏi lúc gặp Nghệ An ở rìa sông Lam kia.
- Vậy... dạo này anh có khoẻ không?
- Tôi còn khoẻ lắm. Hi vọng anh Hà cũng khoẻ.
Nghệ An trả lời. Thực ra có khi Nghệ An thấy câu hỏi ngô nghê quá nên mới trả lời vì thấy buồn cười, hay tội nghiệp, chứ không phải vì anh muốn nói... Song được đáp lại là Hà Nội cũng vui.
- Tôi khoẻ mà.
- Vậy là tốt lắm.
Rồi lại im lặng.
Đi được nửa mâm cơm mà không còn một lời nào nữa, Hà Nội tự hỏi anh có đang làm Nghệ An giận không... Hay hình như anh đã khơi dậy trong lòng Nghệ An những ưu tư để bây giờ anh ta phải phiền não. Nhưng hỏi độc một cái thì lại "kì"... Như thằng nhóc Sài Gòn nói ấy, "kì"... Trước đó Nghệ An cởi mở với anh lắm, vì họ là bạn mà. Dù cũng có không ít lúc chứng kiến một Nghệ An trầm mặc, ưu tư, mà Hà Nội vẫn không thể không cảm thấy là lạ...
- Anh Hà cất công đi thăm mà lại yên lặng như vầy, khó chịu anh he?
- Nếu anh không thoải mái thì không sao... Dạo này tôi cũng hơi tiêu cực.
- Anh Hà có chuyện buồn rầu thì chúng tôi sao mà vui được?
Nghệ An cười khổ:
- Anh thương cho máu, công sức của chúng ta bao nhiêu thì chúng tôi cũng vậy mà. Chúng tôi cũng thương anh nhiều lắm; anh buồn thì cũng chớ bỏ mặc bản thân. Dạo này anh cứ gầy đi thôi.
Hà Nội im lặng, để cho lời của Nghệ An ngấm vào đầu.
- Anh Hà ạ, tôi không đứng ở vị trí của anh, tôi sẽ không hiểu hết trách nhiệm của anh. Nhưng, anh phải biết rằng trong cuộc chiến này anh không đơn độc. Anh ở đằng đó với các cường quốc, anh tỏ ra mềm mỏng, rắn rỏi thế nào cũng được, song ở bên đồng bào, anh đừng ngần ngại điều chi cả. Chúng ta sẽ cùng ngậm đắng nuốt cay mà đi lên như ta đã luôn làm; kể cả có phải tát cạn biển Đông, đốt cháy Trường Sơn,... Rồi người ta sẽ gọi ta là Việt Nam, rồi sẽ chả còn cái gì là Nam Việt, Bắc Việt nữa. Lúc đó, người ta sẽ tôn trọng ta bất kể về sắc tộc hay về tư tưởng. Anh hiểu ý tôi chứ?
Hà Nội gật đầu.
- Tôi biết... Anh nói thế là đúng lắm...
Anh lẩm bẩm. Hà Nội đã rõ điều đó rồi, nhưng có thể anh cần ai đó xác nhận lại cho anh; Nghệ An đã xác nhận lại cho anh bằng những gì anh đã nói với miền trong ngày hôm ấy. "Hãy giữ vững khí chí chiến đấu."
"Hãy giữ vững khí chí chiến đấu." Bởi đôi lúc bận tâm quá nhiều có thể khiến anh quên rằng trách nhiệm đầu tiên của mình là phải vững lòng dù có gian truân, khổ sở thế nào. Việt Nam đã trải qua những điều ấy rất nhiều lần rồi. Việt Nam đã quen với nỗi đau, nhưng không phải kiểu quen với việc làm nô lệ, mà là quen với những gian truân phải trên con đường giải phóng. Có tiếng nói đồng bào, anh thấy mình quên đi cái giọng khô khốc tiếng Tây của Paris, cái giọng nhẹ nhàng mà đe nẹt của Washington DC. Anh thấy mình thoải mái hơn như đã trút được một cái gì đó mình mới đầu còn lo âu ra ngoài.
Hà Nội có lẽ muốn tìm kiếm một sự sẻ chia, muốn ai đó cũng nên biết về những lo toan trong lòng anh, mà anh không thể nói cho ai. Trước tiên, anh cần chắc chắn rằng mình không đơn độc.
- Còn cái chuyện hoà bình, chúng ta ai cũng mong mỏi hoà bình. Bây giờ ta sẽ lại chiến đấu, và ta sẽ làm điều này cùng nhau.
...
ngày đăng: trước 10/10/2024
ngày sửa: 2/11/2024
ngày sửa lần 2 (😭): 15/12/2024
ngày sửa lần 3 (💀): 16/2/2025
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro