ii. Giông trong lòng và đêm ở phố Hàng Đào

Hà Nội thức giấc giữa đêm.

Mưa đã ngớt, mà anh vẫn nghe tiếng nước trên mái nhà chảy róc rách, êm ả như đang ru ngủ. Anh nheo mắt để nhìn rõ. Đêm phủ xuống căn phòng một bộ dạng mệt mỏi u sầu. Hà Nội muốn làm cái gì đó, đọc gì đó, hay viết gì chẳng hạn. Anh giữ cho bản thân mình luôn bận rộn để khỏi phải nghĩ nhiều. Bởi Hà Nội là người luôn luôn nghĩ nhiều, anh có những tâm sự của riêng mà không thể nói cho ai. Hiển nhiên cũng có những người mong muốn giữ cho mình những ý nghĩ của riêng để có thể bảo vệ bản thân, dù anh không muốn thì cũng phải thế, Hà Nội không được phép sống đơn giản.

Anh trở mình, nén tiếng thở dài não nề. Nghệ An ở gian bên cạnh mà anh vẫn thấy mình như một mình, đơn độc. Những giọt ngoài trời rơi nhỏ nhẹ, rì rào tiếng gió, đêm nặng nề trôi qua và Hà Nội vẫn chẳng thể ngủ tiếp. Một cơn váng đầu ập đến, khiến anh cần lắm một cốc nước lọc. Thế là anh ngồi dậy, tiến về phía cửa. Nhưng ra đến ngoài thì anh lại giật mình vì tiếng lịch kịch trong bếp.

- Anh Hà còn thức à...?

Nghệ An từ bên trong ngó ra.

- Tôi muốn xin ngụm nước thôi.

- Để tôi rót cho, anh cứ đợi.

Hà Nội ngồi xuống chiếc phản, hai tay đặt lên đầu gối. Anh thấy cảnh này quen lắm, nó gợi cho anh về trước đó khi họ mắc kẹt trong những năm 30, 40. Cũng trằn trọc không ngủ được, nhưng lại ngứa ngáy tay chân.

- Anh An vẫn còn giữ những mặt báo này ư?

- Tôi nỏ muốn vứt đi chi cả.

Nghệ An bảo. Theo thói quen anh không bật đèn.

Hà Nội ngồi gọn gàng trên phản, xoa vầng trán nhức nhối. Các thớ cơ cũng căng cứng, đặc biệt là lưng; anh chợt nhớ ra Phú Thọ khi trước cũng từng than thở về lưng, vai thầy. Khéo lắm Hà Nội cũng đang già đi rồi; khái niệm lão hóa với bọn anh mờ mịt, bởi tuy có đắp nặn, sửa sang ít nhiều thì bản chất cũng chẳng thay đổi gì mấy, hoặc là lâu lắm mới thay đổi một lần. Anh tự hỏi thầy Phú¹ đã có bao nhiêu nếp gấp trên mí mắt, hay các anh chị em xung quanh có đổi khác gì về ngoại hình không.

Với Nghệ An, Hà Nội không đoán được ngay, nhưng anh vẫn thấy thật quen trước dáng người hằn lên cảnh khuya, đem đến cho anh thứ anh cần. Một dáng người vững chãi, đáng nhờ cậy như vậy đã đánh thức mong muốn được gần gũi, san sẻ của anh, theo một kiểu hoàn toàn khác.

Anh kết luận, xứ Nghệ chẳng khác gì xưa.

...

Đó là một đêm giông. Mưa đen kịt trời tháng Mười. Gió quật như muốn chẻ đôi những bồn cây. Tiếng dép lốp vang lên chan chát trên đường trơn trượt, anh hàng xén vai vác đòn gánh đang chạy mưa. Bàn chân anh đỏ tấy, sưng vì chạy nhiều và cũng vì ướt quá.

Anh dáo dác nhìn quanh qua vành nón. Đường này "sạch", không có mật thám. Đêm nay rét mướt, lũ chó săn sinh chủ quan cũng là điều dễ hiểu. Anh hàng xén rẽ vào một con ngõ dẫn đến khu tập thể số 3 trên phố Hàng Đào; quan sát kĩ một lần nữa cho chắc, sau đó anh gõ ba cái theo ám hiệu, rồi chờ đợi. Có tiếng lục đục khẽ khàng vang lên, có ai tháo chốt cửa và đập vào mắt anh là một ánh lửa từ que diêm đang cháy. Lửa hất lên mặt người bên cạnh, anh hàng xén thấy rõ đôi mắt sáng cùng quầng thâm, nét khẳng khiu và gầy gò trên khuôn mặt ưu tư.

Rõ là đêm nay, người ta có thể ngủ một giấc thật êm mặc cho bão giông tung hoành bầu trời Hà Nội. Song vẫn còn những người lòng đầy bộn bề, chẳng thể an tâm nghỉ ngơi. Nhưng phải có họ thì đất nước mai sau mới thành hình được.

- Vào nhà đi, tôi pha chè đặc rồi đây...

...

Nghệ An đã đến với Hà Nội trong cái thời buổi như vậy, khi anh cần. Không một lời chỉ dẫn, không một câu hỏi lại, anh chỉ đơn giản nói rằng tôi cần anh là Nghệ An sẽ đến, luôn là thế. Người ta luôn có thể trông đợi ở sự phi thường của một người con xứ Nghệ.

- Anh uống chè đi. Thay áo ấm nữa, cho khỏi cảm. Khi mật thám gõ cửa, hãy nói anh là người làm của tôi từ quê lên gửi tin dữ.

Họ ngồi dưới ánh đèn tù mù. Hà Nội rót chè - uống chè vào ban đêm chẳng tốt lành chi, nhưng đêm nay họ nào có được ngủ, có còn quan trọng nữa không? Nghệ An thay quần áo xong xuôi thì họ vào việc. Về việc củng cố cơ sở Cách mạng, tập hợp lực lượng chiến đấu, những chiến thuật, những lối đánh, hậu cần,... Họ cứ nói và ghi chép tỉ mỉ, không nhìn lên đồng hồ. Mưa như phủ một tấm mạng che kín ánh sáng từ ô cửa sổ hướng ra ngoài phố Hàng Đào. Chè cạn, rồi lại đầy. Chè đặc quánh, đắng ngắt, chưa kịp nhíu mày khi dư vị đắng bám vào lưỡi, người ta đã phải chú tâm đến những cái khác.

Nghệ An gật gù, nghe những ý kiến của Hà Nội và bổ sung thêm luận điểm của riêng mình. Nghệ An tin tưởng tuyệt đối những quyết sách của Hà Nội, như thể nếu Hà Nội bảo anh nhảy vào lửa, anh cũng sẽ làm. Sự tín nhiệm ấy khiến Hà Nội cảm động mà bối rối lắm. Rồi anh khẽ lắc đầu, gác những ý nghĩ riêng tư sang một bên.

- Anh có muốn cho tôi biết điều gì nữa không?

Nghệ An nghĩ, nghĩ thật kĩ. Rồi anh đến chỗ đòn gánh, giở những lá báo tiếng Việt của toà Pháp cho Hà Nội xem.

- Việc này, tôi nghĩ đã có người báo cho anh. Tôi chỉ muốn nhắc lại. Về vụ đánh phá nhà máy điện, làm gián đoạn con đường hậu cần của Pháp đến miền Bắc gây thiệt hại không những về người cho bên ta, mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con. Địch khắc phục hậu quả rất nhanh, được dịp còn xuyên tạc, bêu rếu hình ảnh Việt Minh. Tôi chỉ mong, sau này ta sẽ cẩn trọng hơn, không có những chiến dịch thiếu tính toán như này nữa.²

Hà Nội giở ra xem kĩ từng mặt. Anh ậm ừ.

- Tôi đã xem qua, rất đồng tình với ý kiến của anh Nghệ, sổ tự kiểm điểm tôi đã ghi rồi. Chúng ta sẽ bàn thêm với các anh em trong hội họp kín tiếp theo. Hiện tại, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch tấn công những điểm hỗ trợ nhỏ lẻ như sân bay, đường ray,... tổ chức vượt ngục,... Thiệt hại phải được giảm thiểu đáng kể, hiển nhiên rồi, nhân tiện tôi cũng muốn xin ý kiến các anh về công tác tuyên giáo.

- Tôi hiểu rồi, tôi xem ngay đây.

...

Xong xuôi, họ bàn chuyện đời. Lúc ấy mưa chưa tạnh. Mưa đập vào mái tôn ầm ầm, át cả tiếng nhau, nhưng họ vẫn nói với âm lượng thấp. Hà Nội thổi tắt đèn hẳn, tiếp tục rót chè cho Nghệ An rồi cho mình. Nghệ An chậm hơn, phải nheo mắt mấy cái cho đỡ choáng để quen với bóng tối, mắt anh cũng yếu hơn, phải từ từ mò mẫm, sợ mình quờ tay đổ cả chén chè ngon.

Anh từ từ nhấp miệng. Ban nãy, anh uống chè như uống cà phê, uống vội uống vàng mà quên mất rằng thưởng chén chè, chén trà là thưởng một nét đời. Anh bận bịu với mối lo về nước, về kháng chiến, bây giờ anh mới có dịp nghĩ ngợi về mình một lúc, về thời gian dài đằng đẵng và dai dẳng anh những tưởng đã trôi nhanh chỉ bằng một cái chớp mắt. Anh bắt đầu bộc bạch. Nghệ An không phải vùng đất nhiều tiềm lực như Hà Nội. Điểm mạnh của anh là ở cốt cách, ở con người. Con người chăm làm đến đây khai phá đất hoang, xây dựng xã hội trù phú, tương ái tương thân; xã hội ấy lại cho ra những người con ưu tú hơn đã hoá thân mình vào chung với đất nước khi đất nước gọi, hoà thân mình vào chung với màu cờ khi màu cờ gọi. "Giản dị và bình tâm". Một nhân cách lớn là thứ khiến người ta thấy sáng ngời mà không bị choáng ngợp.

Hà Nội nghe. Anh nhìn vào cốc chè đặc trên tay, cảm giác như đang say rượu. Thấy người ta kể thật lòng như thế anh cũng muốn làm điều tương tự. Hà Nội sau khi An Dương Vương thất thủ cũng chỉ là một châu được đặt ra cho ngoại bang cai quản, chỉ đến khi Lý Thái Tổ nhìn ra thế rồng cuộn hổ ngồi của nó, chọn nơi này xây dựng một nước Việt của người Việt, giàu có về văn hoá, về tinh thần.

- Được các anh chị em tin tưởng, tôi vừa thấy hãnh diện, vừa chẳng biết làm sao. Tuy không phải mới lạ gì "chức vụ thủ đô" này, tôi thấy bản thân mình vẫn chưa quen với những cái mới, sẽ cần phải học hỏi thêm ở cái nôi của những lão thành cách mạng như anh. Nên nỡ tôi có sai sót ở đâu, mong anh cứ thành thật như bây giờ.

- Chả có lão thành nào là tự sinh ra cả. Có gì thì anh với tôi cùng học, cùng bù trừ cho nhau, vậy thì sẽ chẳng ai bị bỏ lại phía sau.

Hà Nội cười nhẹ, nhìn chén không trong tay. Có lẽ anh sẽ không nhận thấy rằng anh thích ngồi những đêm như thế này, dù mệt mỏi thế nào cũng thích, bởi có người cùng tâm tình bên bàn chè, nỗi cô đơn giữa cơn giông cũng vơi bớt phần nào. Miệng chén bóng loáng, khoảng không tối mù ánh lên những chấm như kim tuyến trong mắt, Hà Nội nghe thấy bàn tay Nghệ An đang gõ cọc cọc vào xuống cái bàn trà, chìm nổi trong suy tư. Anh đã cố, nhưng rồi vẫn lén nhìn vào mắt Nghệ An - đôi mắt buồn của những người hay nghĩ ngợi và nghĩ ngợi nhiều, mà vẫn kiên định với lòng mình. Hà Nội nhớ đến hình bóng mình trước những năm 30, những tưởng anh đã chết già trong bế tắc, những cơn giông trên phố Hàng Đào như đã nuốt chửng anh, làm thành một cái Hoả Lò cho riêng anh.

Hà Nội không nhịn được, chậm rãi đưa tay nắm lấy tay Nghệ An. Nghệ An giật mình, tay chi mà lạnh rứa... Nhưng anh không rụt lại, anh giữ lấy tay Hà Nội trong bàn tay chai cứng, ấm áp của mình, như để ủ cho nó cũng ấm lên. Lúc đó, họ nhìn ra cửa sổ, chứ không nhìn nhau, trời có vẻ không sáng được, mưa vẫn không ngớt, thậm chí nặng hạt hơn. Họ nghe mang máng tiếng bước chân nặng nhọc và một tràng tiếng Tây khẽ khàng, bằng giọng mũi, ở phía ngoài.

- Mật thám à...?

Nghệ An hỏi. Hà Nội lắc đầu.

- Không, nhà báo thôi. Tên này ở phòng bên trên, đang bị cúm nặng lắm...

Trầm ngâm một lúc, Hà Nội mới thu tay lại, nhanh chóng dọn dẹp bàn trà. Nghệ An đã định đứng dậy phụ giúp, nhưng Hà Nội xua tay.

- Chân anh thế kia còn đi lại làm gì? Ra nằm một chút đi, khi nào mưa tạnh hẳn tôi sẽ tiễn anh ra bến xe.

Nghệ An khó xử cũng đành nghe lời, anh giãn hai chân ra, đung đưa qua lại. Thế mà anh đã nghĩ Thanh Hoá chỉ nói "tào lao" khi cho anh Hà ngại trông như thiếu nữ ý...

...

Nghệ An thấy Hà Nội cầm chén nước, đôi mắt chất chứa những phiền muộn. Anh ấy khác quá, càng ngày càng xa cách. Chuyện cũ làm thủ đô thấy buồn cười, anh đã hơi sỗ sàng; dù họ đều không ngại những cử chỉ thân mật, nhưng nó vẫn xấu hổ thật mà...

Cảm giác hoài niệm khiến lồng ngực anh nôn nao, nhưng tâm trí anh đã quá mệt để nghĩ đến việc liệu Nghệ An có còn nhớ không, liệu anh ấy có còn nhớ những cơn giông trên phố Hàng Đào, cốc chè đặc quánh vị đêm, những tờ giấy kín chữ, những bức thư vội vàng hay không? Chúng đã khảm sâu trong lòng Hà Nội về những ngày đấu tranh miệt mài, nhưng thật vui; lúc đó anh đâu nhận ra đau khổ của họ chưa kết thúc.

- Anh còn nặng lòng chuyện chi mà chưa nói cho tôi sao?

Nghệ An hỏi.

Hà Nội sực tỉnh, day trán cho đỡ đau.

- Tôi ổn mà. Mà sao hôm nay anh An thức muộn thế?

- Tôi nghe tiếng loảng xoảng, tưởng con gì. Thì ra là gió bật tung cửa sổ nên tôi mới chạy ra khoá lại.

- À.

- Anh Hà không ngủ được ư?

- Tôi bị đau đầu quá.

- Vầy mà anh lại giấu... Anh đi khám chưa?

- Khám làm gì? Cho tôi xin ít dầu gió là được thôi.

- Sức khoẻ anh còn chẳng để tâm thì sao mà làm việc được... Thôi, anh về phòng đi, đợi tôi một tí.

...

Hà Nội ngâm chân Nghệ An trong thau với lá thuốc. Nghệ An ngồi trên giường, thở dài một hơi ái ngại. Đôi bàn chân sưng đã gây cho anh lắm lắm phiền toái; sợ rằng tin tức mang về chậm hơn so với dự kiến, anh cố nói với Hà Nội mình không cần, nhưng bị gạt đi ngay.

Hà Nội có cách chăm sóc người khác khá "đanh đá". Anh phàn nàn đủ kiểu về việc bộ quần áo của Nghệ An không đủ ấm, đôi dép của anh không còn chắc quai, đến cả chiếc nón cũng có thể bị mưa chọc thủng... Nhưng biết làm sao được; thời buổi này cũng chỉ được thế thôi đã là "sang" lắm rồi, và cái "sang cách mạng" không khiến Nghệ An hối hận dù anh có ốm liệt giường. Anh sẽ khoẻ lại dễ dàng thôi, đất nước khoẻ lại mới khó, mới phải đánh đổi nhiều.

Hà Nội thích cách nói ấy, cái sang cách mạng.

...

- Anh Hà ơi.

Nghệ An gọi tên anh bằng giọng địa phương, như để kiểm tra xem liệu anh có đang mơ màng. Anh ta quay đi, khẽ khàng ho vài tiếng trước khi thoa dầu lên hai thái dương Hà Nội. Cơn đau không thể hết trong một sớm một chiều, nhưng bàn tay ấm áp của đối phương khiến Hà Nội cảm thấy mình được vỗ về, nên anh hít thở hơi dài, sợ rằng mình sẽ sơ sểnh mà rơm rớm nước mắt vì cảm kích quá. Kể cả vì là cảm kích quá, việc khóc với Hà Nội là một điều anh tự cho là không nên, bởi anh sợ.

Anh để ý Nghệ An chăm người ốm tốt lắm, không mắng anh lấy một lời; chứ nếu là Hà Nội thì đã là chuyện khác, anh sẽ hoạnh hoẹ đủ điều, càng là anh em thân thiết thì càng nói nhiều hơn, nói để cho nhớ. Nhưng Nghệ An có vẻ đã ngầm hiểu sự khổ tâm của Hà Nội, nên anh muốn để im.

- Hà Nội này.

Bàn tay anh trượt xuống vai Hà Nội, rồi cánh tay bọc lấy lưng và eo. Hà Nội ngơ ra, sau đó dần dần hiểu sự tình; anh chậm rãi đáp lại cái ôm an ủi, hắng giọng nói.

- Tôi đã bảo là mình không sao.

Cố giữ cho tiếng mình không run, nhưng anh lại cảm thấy trái tim như muốn nảy khỏi lồng ngực. Đã lâu rồi anh chưa ôm ai, tạm thời anh không muốn tiếp xúc gần gũi, kể cả là với anh em láng giềng gần; anh sợ hãi cảm xúc của mình nhiều quá!

- Không sao là tốt rồi.

Nghệ An lầm bầm. Ước gì tâm hồn chúng ta cũng lành lặn, có lẽ sẽ không phải buồn phiền nhiều nữa; nhưng hiện tại thì ai cũng khó khăn, ai cũng chật vật cả, ta bớt được chút đau thương nào ra khỏi nhau thì hay chút ấy vậy. Nếu bây giờ anh cần được vỗ về, tôi sẽ vỗ về anh, tôi đã nói rồi mà, chúng ta sẽ không để anh một mình.

"Tôi sẽ không để anh một mình đâu."

- Giá mà anh Hà chịu chia sẻ thêm với tôi thì đỡ lắm.

- Cái gì cần nói tôi đã nói với anh rồi.

- Hà Nội chưa nói chi về bản thân cho tôi cả. Dạo này anh thế nào, ăn uống, sức khoẻ, vui buồn,... anh không nói.

Hà Nội im lặng một hồi, rồi lại thở dài, thả lỏng tay chân.

- Tôi nói ra thì anh vẫn chịu tôi chứ?

- Chắc chắn.

- Hứa nhé?

- Tôi hứa.

- Còn tôi vẫn khoẻ mạnh đó thôi.

Nghệ An thở dài.

- Anh Hà ăn gian quá...

Hơi thở của Nghệ An phả vào cổ Hà Nội, làm anh thấy buồn buồn, nhưng anh vẫn ôm lấy xứ Nghệ, im lặng như tận hưởng. Mưa trên Vinh là khoảnh khắc lắng đọng, như cơn giông khát vọng của họ ở phố Hàng Đào; chỉ khác ở chỗ bây giờ Hà Nội bắt đầu nghĩ về mình nhiều hơn, và Nghệ An cũng vậy. Liệu họ có để quên thứ gì, ở đâu đó,... hay không?

Trong cuộc đời rộng lớn tưởng chừng như vô tận, vừa vĩ đại lắm, vừa thê lương lắm; quá nhiều thứ ghi dấu lên tâm hồn, khắc sâu vào cõi lòng buộc họ phải đóng gói trái tim ấm nóng của mình, phần "Việt Nam" nhất của họ, để nó không đổ vỡ dưới luồng đạn với bom, để nó luôn mạnh mẽ, luôn vững bước. Cùng lắm khi trút hết những đày đọa ấy rồi, Hà Nội mới chạm lại vào nó, tất thảy trong âm thầm và vô thức, một bộ dạng rệu rã của anh được lộ ra và được anh tin tưởng ấn vào vòng tay xứ Nghệ. Và xứ Nghệ đáp trả, thắt chặt cái ôm như muốn cảm nhận những gì anh đang cảm nhận, dù chỉ là 1 phút, cũng đáng. Bao lâu cũng là đáng cả.

- Anh An này.

Hà Nội bất giác dụi đôi mắt mỏi nhừ vào vai anh.

- Tôi đây rồi.

Đào liễu có một mình, tựa vào hoa chờ quân tử chở che.

...

ngày hoàn thành: 8/1/2025
ngày đăng: 22/1/2025
ngày sửa: 16/2/2025

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro