Chương 16: Một bên là hoàng gia, một bên là tình nghĩa phu thê

Thiên Ninh công chúa vẫn đang ở chỗ thái hậu. Mẹ con nói chuyện với nhau được một lúc bà bảo:

- Lúc đó là ta nóng giận, không hỏi rõ trước sau đã ra tay đánh mắng quan gia. Giờ xem ra mẫu hậu này cũng nên đến nhận lỗi với y. Quan gia từ khi lâm nạn trở về lại như một người khác. Không ngờ y lại biết quan tâm người và rộng lượng hơn, biết nghĩ cả cho dân chúng. Thật là trong họa có phúc. Chỉ hi vọng từ nay y thay tâm đổi tính trở thành minh quân anh chủ vì lê dân bá tánh thì ta có chết cũng đã cam lòng.

Thiên Ninh đang xoa bóp vai cho bà, nghe bà lại nói những lời xa xăm, nàng dịu dàng ngồi xuống bên bà an ủi:

- Mẫu hậu đừng nói vậy. Quan gia hồi đầu thật quả là chuyện tốt, nhưng dẫu sao vẫn nên có mẫu hậu ở bên tham mưu giúp đỡ. Mẫu hậu đừng lúc nào cũng có thiên vị như vậy, chỉ lo nghĩ cho quan gia và ngũ hoàng huynh, có lúc nào người nghĩ sẽ vì Thiên Ninh mà sống lâu trăm tuổi, hưởng phúc với con đâu.

Thái hậu mỉm cười xoa đầu nàng:

- Con gái ngoan của ta lúc nào cũng hiểu chuyện hôm nay lại nói mẫu hậu dị lòng sao? Ài...Quả thật ta vì quan gia và Nguyên Dục mà khổ tâm rất nhiều. May vẫn còn đứa con gái thông minh hiếu thuận như con an ủi, nếu không chắc là ta đã không sống nổi đến lúc này. Giờ Nguyên Dục đã an phận hưởng phúc ở thái ấp, lại có con trai ngoan như Nhật Lễ, xem ra ta đã có thể bỏ gánh lo. Phần quan gia, vẫn mong y có thể sớm có hoàng tử kế thừa. Nếu đến kì trung thu tới đây, y chuyển biến khá hơn, biết nghĩ cho thiên hạ, ta sẽ mở lại chi hậu cục tuyển thêm phi tử để y sớm có người kế ngôi. Nếu mọi chuyện đều thành, mẫu hậu sẽ an lòng bỏ hoàng cung này mà đi. Ta sẽ đến thái ấp của con ở hẳn vài năm. Lúc đó chỉ sợ con chế bà già này phiền phức muốn đuổi ta đi thôi.

Thiên Ninh ôm lấy cánh tay bà nũng nịu:

- Nữ nhi còn mong ước sao cho mẫu hậu được sống mãi với con.

Thái hậu âu yếm vỗ đầu Thiên Ninh cười tươi. Chợt nghĩ đến một chuyện, bà hỏi:

- Dạo này con và phò mã có còn cãi nhau không? Ta nghe nói y rất ít khi về phủ công chúa mà tự mình ở thái ấp xa xôi. Hay là vẫn còn để bụng chuyện xưa?

Nụ cười trên môi Thiên Ninh vụt tắt. Nàng cố làm ra vẻ tự nhiên trả lời thái hậu:

- Mấy tháng nay phò mã đã mấy lần về lại kinh thành. Chàng cũng nhiều lần muốn tiến cung thỉnh an mẫu hậu và quan gia nhưng nhi thần nghĩ chưa đến lúc thích hợp nên bảo chàng thôi cứ đến tết trung thu rồi đi cùng hai con luôn thể.

Thái hậu gật đầu:

- Chuyện xưa, quả thật Thượng hoàng và quan gia đã xử ép phò mã. Nhân lần này, ta cũng nên giải mối gút mắc này để y có thể cùng con hòa hợp.

Thiên Ninh chỉ cười gượng. Nàng né tránh ánh mắt của mẫu hậu, đứng dậy cúi đầu nói:

- Thời gian cũng không còn sớm. Thiên Ninh xin phép hồi phủ. Nhân tiện mẫu hậu cứ để con ghé qua Quan Triều cung thỉnh tội với quan gia, tránh để mẫu hậu nhọc lòng.

Thái hậu bật cười:

- Vẫn là con biết lo nghĩ cho ta nhiều nhất. Mọi chuyện phải nhờ con hòa giải rồi!

Thiên Ninh đáp lại bà một tiếng rồi từ biệt, dời bước đến cung Quan Triều. Trên đường đi, nàng gặp được thị vệ bẩm có quản gia phủ nàng đến tìm, báo có việc gấp. Nàng đành hoãn việc đến gặp Trần Hạo mà nhanh ra cửa cung gặp quản gia.

Trước cổng phủ công chúa, phò mã Trần Kham vắt thanh trường kiếm lên hông, rồi leo lên lưng ngựa. Các tùy tùng theo gã cũng chất đồ lên ngựa chuẩn bị rời đi. Trần Hiên trong nhà chạy ra, đứng chặn trước ngựa của gã, quì xuống nói:

- Cha, xin cha đừng đi! Đợi thêm một chút nữa mẹ sẽ về. Cha mẹ có thể nói chuyện với nhau có được không?

Trần Kham kéo cương ngựa, lạnh lùng hất mặt nói:

- Con tránh ra! Từ lúc nào lại dám cản đường của ta!

Trần Hựu trong nhà chạy ra, cũng tiếp theo anh, quì xuống dang tay cản trước ngựa của cha:

- Cha ơi đừng đi! Cha vừa về nhà được có mấy hôm lại muốn bỏ Hựu nhi mà đi sao? Con và đại ca hứa sẽ học thật ngoan và nghe lời cha mẹ mà. Xin cha đừng đi nữa nha cha!

Trần Kham thương nhất là đứa con út này, nghe con năn nỉ, gã có chút xiêu lòng. Trần Hiên lại nói:

- Cha, mẹ đang ở chỗ thái hậu. Con đã nhờ quản gia mời người hồi phủ, chắc sẽ về sớm thôi. Cha con chúng ta có thể vào nhà đợi mẹ được không cha?

Trần Hiên vừa dứt lời, đã nghe tiếng chân ngựa dồn dập đang đến. Một tùy tùng của Trần Kham reo lên:

- Công chúa về đến rồi!

Trần Kham quay người nhìn về phía sau, thấy bóng dáng nữ nhân áo trắng đang cưỡi ngựa phi đến. Gã hừ một tiếng rồi lạnh lùng quát to:

- Hai con tránh ra! Ta không muốn gặp mẹ các con lúc này!

Gã nói xong, dứt khoát quất roi xuống mông ngựa phi như bay về trước. Trần Hiên sợ em trai tránh không kịp sẽ bị ngựa của cha làm bị thương nên vội ôm em nép vào, để cho ngựa của cha lướt đi. Thiên Ninh từ xa thấy bóng ngựa của phu quân mình đã lướt đi. Nàng vòng sang đường hẻm bên cạnh, đi tắt đến chặn trước ngựa của Trần Kham. Trần Kham không ngờ nàng lại đuổi kịp, gã ghìm ngựa thật gấp rồi trừng mắt với nàng, giọng lạnh tanh:

- Nàng tránh ra! Đừng tưởng nàng là công chúa cao quí thì có thể cản được ngựa của ta.

Thiên Ninh nhìn thẳng gã, trong ánh mắt chứa đựng đầy tâm tư chua xót:

- Chàng thật sự không tin ta, vẫn muốn đi hay sao?

Gã cười khẩy:

- Tin nàng? Ta có thể tin nàng chuyện gì? Trong lòng nàng vị phò mã như ta có cũng được, không có cũng không sao. Công chúa tôn quí à, nàng có thể an tâm ở kinh thành hưởng phúc. Trần Kham vô dụng, ta chỉ là một nam nhân tầm thường không có được khí phách như hoàng gia nhà nàng. Ta không xứng với nàng. Nàng nên để cho ta đi, cũng là cho ta chút thể diện sau cùng đi!

Thiên Ninh hết sức kiềm nén cơn giận dữ, nàng gằn giọng:

- Phò mã!

Từ xa Trần Hiên và Trần Hựu chạy đến. Trần Hiên nhìn cha rồi nhìn sang mẹ nói:

- Cha, mẹ! Hai người cùng ở đây thì tốt quá! Nếu cha thật sự muốn quay về thái ấp. Mẹ à, hay là cả nhà chúng ta đến cầu xin quan gia cho phép để chúng ta cùng về đi! Hiên nhi thật sự cũng muốn mỗi ngày được cùng cha cưỡi ngựa đi săn. Sau này cả nhà chúng ta sẽ không phải ngăn cách nữa, có được không cha mẹ?

Trần Kham nhìn con trai rồi nhìn sang vợ, ánh mắt rất lạnh nhạt. Thiên Ninh cúi đầu. Lúc này thái hậu và quan gia đều rất cần nàng. Nếu nàng nhận lời cùng phò mã và các con dời về thái ấp thì thái hậu trong cung phải một mình xử lí sự vụ triều đình thôi. Trước khi Nguyên Trác rời kinh đã từng căn dặn nàng phải ở lại trong cung giúp đỡ thái hậu. Nàng không thể chỉ vì chuyện nhà mà bỏ mặc quốc gia và hoàng tộc. Trần Hiên thấy nàng vẫn không trả lời sốt ruột hỏi lại:

- Mẹ!

Nàng mím môi một lúc ngẩng đầu lên trả lời:

- Nếu chàng cảm thấy sống với ta khiến chàng mất hết thể diện, vậy thì chàng cứ đi. Thậm chí nếu chàng muốn, chúng ta có thể hòa li, ta trả cho chàng tự do!

Trần Hiên hoảng sợ quì xuống:

- Mẹ! Sao mẹ có thể...

Trần Kham cay đắng nhếch môi nói:

- Được, ta sẽ ở thái ấp chờ hưu thư của nàng!

Trần Kham quất roi ngựa, phóng như bay thẳng hướng ngoại thành. Trần Hiên nước mắt lưng tròng nhìn Thiên Ninh. Thiên Ninh ôm lấy hai con, nàng cố kiềm chế nước mắt an ủi hai con. Nam nhân ấy, người một thời từng yêu nàng say đắm chỉ trong một lần gặp gỡ. Vì nàng, gã không ngại xông pha chiến trường, giữa loạn binh lập công để gây được sự chú ý và thiện cảm của nàng. Năm ấy, ngoài thành xuất hiện rất nhiều sói, đã bắt rất nhiều gia súc của người dân. Cả trẻ nhỏ và người già cũng bị sói tấn công. Trần Kham một mình lên núi, phải mất nhiều ngày đặt bẫy, săn được đến hơn 30 con sói lấy da làm sính lễ để cầu hôn Thiên Ninh. Gã lại tập hợp dân tị nạn không chốn nương thân đến khẩn hoang bên lưu vực sông Đoái, tự lập ra thái ấp. Nhờ tuổi trẻ tài cao và có nhiều uy vọng trong dân chúng nên thượng hoàng Minh Tông mới đồng ý gả con gái yêu là Thiên Ninh cho gã. Thời gian đầu, tình cảm phu thê nàng rất hạnh phúc. Cả hai đã có cuộc sống tiêu dao khoái hoạt ở thái ấp, không lo đến sự đời. Nhưng đến năm nàng mười bảy tuổi, thượng hoàng Minh Tông lại triệu nàng về kinh mà không cho phò mã Trần Kham đi cùng. Gã biết chắc hẳn là hoàng gia có chuyện không muốn cho gã biết, nhưng lệnh vua khó cãi, gã đành để nàng một mình về kinh. Sau đó hơn một tháng, gã cũng được triệu vào kinh và cùng nàng ở phủ công chúa mà thượng hoàng ban tặng. Mãi đến bảy tháng sau, Thiên Ninh sinh được Trần Hiên. Lúc đó trong kinh thành nảy ra lời đồn rằng hoàng đế tiểu đệ của nàng là Dụ Tông vốn bị liệt dương. Nhưng được Trâu Canh chế ra phương thuốc mới đã chữa khỏi bệnh. Và một điểm kì quái trong phương thuốc ấy là Dụ Tông đã phải giao hoan với chính chị ruột của mình mới có thể hiệu nghiệm. Rất nhiều lời đồn đều đoán Trần Hiên chính là cốt nhục của Dụ Tông trong lần loạn luân ấy mà có. Trần Kham bản tính đa nghi, gã so ra ngày tháng sinh của Trần Hiên với khoảng thời gian mà Thiên Ninh được triệu vào cung quả thật rất trùng hợp. Khả năng Trần Hiên có thể là con của Dụ Tông. Nhưng vì Trần Hiên là đứa con trong quan hệ loạn luân như vậy nên không được hoàng gia thừa nhận. Cho nên cả Thượng hoàng Minh Tông và Dụ Tông đều phủ định lời đồn, còn cấm không cho ai nhắc đến những lời đồn như vậy. Chính việc làm gượng ép của hoàng gia khiến lòng nghi ngờ của Trần Kham càng tăng. Đỉnh điểm là hôm ấy gã say rượu đã cãi nhau với Thiên Ninh, còn ra tay đánh nàng. Người hầu trong phủ công chúa đã cáo mật với thượng hoàng. Thượng hoàng tức giận đã hạ lệnh bắt giam gã. Thiên Ninh đã cầu xin rất lâu, thượng hoàng mới nguôi giận nhưng lại giáng tước vị của gã và đuổi gã một mình trở về thái ấp, một năm chỉ được về phủ công chúa thăm vợ con một lần mặc cho Thiên Ninh hết lòng cầu xin. Mãi đến khi thượng hoàng băng hà, Thiên Ninh cũng đã sinh thêm Trần Hựu, quan hệ vợ chồng giữa nàng và gã đã khá hơn một chút. Thiên Ninh cũng đã cầu xin với Dụ Tông cho phép gã về lại kinh thành với nàng và các con. Dụ Tông vốn rất thương người chị này nên vẫn còn giận việc gã đã đánh nàng, lại nghe người hầu mà hoàng gia đặt trong phủ công chúa báo phò mã Trần Kham có thái độ bất mãn với công chúa và thường có những lời bất kính với hoàng gia nên cũng rất ghét gã. Nhưng vì Thiên Ninh nhiều lần cầu xin, Dụ Tông mềm lòng mới hạ lệnh cho phép Trần Kham một năm được về kinh bốn lần, một lần được ở lại một tháng.

Chuyện đã qua bao nhiêu năm, nàng khổ tâm khi bị dằn vặt giữa một bên là hoàng tộc, một bên là phu quân. Hoàng gia vốn đã không muốn Trần Kham làm phò mã của nàng nữa nên năm lần bảy lượt làm khó gã. Gã vốn là một võ tướng tài năng nhưng hoàng gia lại nhiều lần chèn ép, không trọng dụng gã. Thiên Ninh đã rất khó khăn để níu kéo và giữ gìn tình cảm vợ chồng giữa áp lực hoàng tộc lên tình cảm hai người. Nhưng dù nàng có làm thể nào cũng không giữ được trái tim của gã nữa vì từ đầu gã đã không đủ niềm tin với nàng. Nàng đã nhiều lần thề thốt khẳng định giữa nàng và Dụ Tông không phải như lời đồn nhưng gã vẫn không tin nàng. Đến nước này, nàng đành buông tay để cho gã ra đi.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro